Sunday, February 10, 2019

TỰ DO TÔN GIÁO : NHÌN TỪ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (Thảo Vy - VNTB)




11/02/2019

VNTB - Trong bài viết của tác giả Minh Châu “Quyền tự do lập hội và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo ngày 10-02 [*], có đặt vấn đề là nếu mai đây có luật về quyền tự do lập hội, thì liệu các tôn giáo có được quyền độc lập riêng mình, mà không buộc phải quy về một đầu mối, ví dụ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay?

Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ (dấu X), Hòa thượng Thích Nguyên Lý (dấu XX) cùng một số đại đức ở chùa Từ Hiếu, mồng 1 Tết Kỷ Hợi

Cần chấm dứt “Đảng hóa” tôn giáo

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, một học giả về Phật giáo, nguyên giáo sư trường Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, trong tham luận “Văn minh tiểu phẩm” trình bày tại chùa Già Lam, quận Gò Vấp, Sài Gòn vào ngày 10-11- 2003, ngài đã viết rằng: “Sự gán ghép đạo pháp vào chủ nghĩa xã hội chẳng khác nào buộc con chó nhà và chó sói vào một sợi dây, để khi có sự biến, một con tìm cách chui xuống gầm giường, một con cố gắng phóng mình trở lại rừng. Hai con thú dằng co nhau bởi một sợi dây oan nghiệt”.

Từ cách hiểu đó, với Hòa thượng Tuệ Sỹ thì thành ngữ “phép vua thua lệ làng”, không có nghĩa mỗi làng xã là một lãnh địa tự quản của dân xã. Ý nghĩa của nó là nêu lên sự điều hoà mâu thuẫn giữa lý tính phổ quát và tình cảm đặc thù, không vì quyền lợi của cộng đồng mà nhân phẩm của cá nhân bị tước đoạt; cũng không vì quyền lợi của cá nhân mà sự an nguy của cộng đồng bị đe dọa. Do vậy việc cột chặt sợi dây 'đạo pháp' với 'chủ nghĩa xã hội' của đảng cộng sản Việt Nam chỉ mang ý nghĩa của đảng hóa tôn giáo.

Trong tham luận, Hòa thượng Tuệ Sỹ có đoạn viết: “Pháp sư Thích Trí Độ lần đầu tiên tại miền Nam sau ngày Cộng sản chiến thắng. Trên lễ đài chiến thắng, gồm các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hàng cao nhất. Pháp sư thay mặt Phật giáo miền Bắc, mà trên cương vị người chiến thắng, là chính thức đại diện toàn thể Phật giáo Việt Nam. Đó là vị Pháp sư, mà miền Nam gọi là Đại lão Hòa thượng; Ngài bận chiếc áo sơ-mi cụt tay như các cán bộ cao cấp khác của Đảng và Nhà Nước. Sự thực như vậy rất rõ: Phật giáo không tồn tại nữa ở Miền Bắc, mà chỉ tồn tại như một bộ phận của Đảng và lãnh đạo Phật giáo chỉ là cán bộ của Đảng và Nhà Nước”.

Chính điều này giải thích cho việc khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lập tức xác lập ngay phương châm mang đậm màu sắc chính trị của đảng cộng sản: “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”. Có người nói ý nghĩa của 8 từ này là đạo pháp phải theo xã hội chủ nghĩa, giáo lý nhà Phật phải do đảng soi sáng, lãnh đạo.

Trong tham luận kể trên, Hòa thượng Tuệ Sỹ kể, ngay sau 1975, nhiều tượng Phật lộ thiên bị giựt sập. Gây chấn động lớn nhất là giựt tượng Quan Âm tại Pleiku. Khi ấy Viện hóa đạo đã có những phản ứng quyết liệt, và đích thân Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất mang tài liệu phản đối ấy ra gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

“Hoà thượng kể lại cho tôi nghe, sau khi chuyển hồ sơ vi phạm chính sách tôn giáo lên Thủ tướng; hôm sau Hòa thượng được một Đại tá bên Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an hiện nay) gọi sang làm việc. Sau khi nghe Đại tá lên lớp chính trị, Hòa thượng nói: “Bởi vì Thủ tướng có nhờ tôi sau khi vào Nam trở ra Bắc, báo cáo Thủ tướng biết tình hình Phật giáo trong đó. Vì vậy tôi báo cáo những vi phạm để Chính phủ có thể kịp thời sửa chữa, ngăn chận cán bộ cấp dưới không để vi phạm. Nếu Thủ tướng không muốn nghe thì thôi. Còn viêc lên lớp chính trị như thế này, đối với tôi (Hòa thượng) thì xưa quá rồi”. 

Dù sao, phản ứng ấy cũng làm chùn tay những đảng viên cuồng tín Mác xít, và tự kiêu về chiến thắng với khẩu hiệu nhan nhãn các đường phố lúc bấy giờ: “Chủ nghĩa Mác Lê-nin bách chiến bách thắng muôn năm!”. Nghĩa là, không thể tự do hoành hành như trong những năm sau 1954 trên đất Bắc”. Tham luận của Hòa thượng Tuệ Sỹ viết.

Nếu đã chấp nhận hệ thống công đoàn ngoài nhà nước, thì tôn giáo cũng cần sự độc lập

Với việc thực hiện các điều ước quốc tế trong các hiệp định FTA, CPTPP về quyền tự do lập hội của người dân, thì cần thiết tôn trọng các hoạt động tôn giáo, chấm dứt việc buộc các chùa chiền, tu sĩ Phật giáo phải gia nhập duy nhất tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam - thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam với nhiệm vụ mang tính bắt buộc là “tham gia xây dựng Đảng” (Điều 1, Luật Mặt Trận Tổ Quốc; Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo).

Trên thực tế, thì ngay từ thời gian gần 2 năm chuẩn bị cho việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những tu sĩ đại diện cho các hệ phái đã không đạt sự đồng thuận. Trong một trao đổi thân tình với người viết, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phật giáo Bắc tông, trụ trì chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương xác nhận mãi đến nay, các hệ phái vẫn muốn được hoạt động độc lập, không chịu sự phụ thuộc vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một tài liệu liên quan cho biết, vào ngày 24-11-1981, Hòa thượng Thích Đôn Hậu có viết lá thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ, khi ấy đang là Trưởng ban vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật Giáo Việt Nam. 

Trong thư viết (trích): “Như Hòa thượng đã biết, từ mùa xuân năm 1980, khi Ban vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam ra đời, tuy quí vị có ghi tên tôi vào Ban vận động, với danh nghĩa Cố vấn, nhưng tôi đã không có sự cộng tác gì với Ban vận động cả, kể cả cuộc Đại hội thống nhất Phật Giáo Việt Nam vừa qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng, qua báo chí và các văn kiện Đại hội phổ biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường trực Hội đồng chứng minh với chức vụ Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật. 

Tôi xin chân thành cảm ơn Hòa thượng và Đại hội đã dành cho tôi vinh dự đó. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên tôi không thể đảm nhận thêm chức vụ này được nữa, trong khi tôi vẫn còn một trách nhiệm lớn đối với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong cương vị Chánh Thư ký kiêm Xử lý Viện Tăng Thống. 

Do đó, nay tôi viết thư này kính tin Hòa thượng rõ, và nhờ Hòa thượng hoan hỷ chuyển đạt tinh thần bức thư này đến quý vị trong Đoàn Chủ tịch cuộc Đại hội vừa qua. 

Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an, chúng sanh di độ. Và mong Hòa thượng nhận nơi đây lòng chân thành của chúng tôi”. 

Tạm kết bài viết này bằng câu chuyện của ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), người vừa từ trần hôm mồng 4 Tết Kỷ Hợi. Sinh tiền, khi ông trả lời với báo chí về vấn đề tôn giáo, ông nói [**]:

“Người ta tìm đến tôn giáo, tìm đến với tâm linh là để giải quyết nhu cầu cơ bản của con người đó là hướng tới điều linh thiêng là để noi theo. Không thể phủ nhận, những năm vừa qua chúng ta đã có những bước tiến hết sức to lớn về kinh tế, nhưng câu chuyện chúng ta đang bàn lúc này là thuộc về quyền tự nhiên của con người. Nói thẳng ra là, chúng ta vẫn làm chưa tốt cách thức để giúp người dân hướng đến điều linh thiêng. 

Nhưng nhận thức là một quá trình, tôi tin rằng, dần dần chúng ta sẽ nhận ra, đã có những cái đã được cải tiến, cải thiện. Bây giờ có thể nói việc người dân công khai thể hiện niềm tin tôn giáo không còn là điều gì đó xa lạ, cấm kỵ ở xã hội ta nữa. Đó là nhu cầu và các nhà quản lý phải có trách nhiệm làm sao thỏa mãn, hướng dẫn hỗ trợ người dân tìm đến với tôn giáo như tâm nguyện của bản thân họ chứ không phải là tìm cách ngăn cản, cấm đoán”.

Như vậy với tinh thần đó, cần trả lại cho tôn giáo quyền tự do thành lập hội đoàn tâm linh riêng phù hợp với từng hệ phái. Trước mắt, Nhà nước cần chính thức công nhận về mặt thủ tục hành chính đối với tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Các tự viện của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cần được khôi phục với tính chính danh vốn có trong suốt quá trình lịch sử hình thành.


Ảnh: Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ (dấu X), Hòa thượng Thích Nguyên Lý (dấu XX) cùng một số đại đức ở chùa Từ Hiếu, mồng 1 Tết Kỷ Hợi. 


Chú thích:








No comments: