Monday, January 21, 2019

KONTUM : CHÍNH QUYỀN XUA QUÂN ĐẬP CHÙA SƠN LINH TỰ KHI SƯ THẦY ĐI VẮNG (Tam Ân - VNTB)




Tam Ân  -  VNTB
22-1-2019

(VNTB) - Tối ngày 16/1/2019, tôi nhận được một tin nhắn của một người Phật tử (xin được giấu tên) ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có nội dung: "Gần nhà mình có một ngôi chùa, sư thầy mới bị khối u trong dạ dày, trong lúc thầy đi mổ ở bệnh viện Huế, ở nhà, chính quyền thị trấn Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho người đến phá, trong lúc bệnh tật tết rồi ko biết ở đâu! Khổ quá nhà báo ơi!". Ngoài ra người Phật tử này còn gởi cho tôi số điện thoại của vị sư thầy trụ trì. Và, rất nhiều hình ảnh, clip ngôi chùa sau khi bị đập phá chỉ còn lại đống đổ nát hoang tàn. Tất cả kinh kệ, tượng Phật, đồ đạc trong chùa đều bị chôn vùi.

Cảnh chùa tan hoang

Qua số điện thoại mà người Phật tử ấy cho, tôi dễ dàng kết nối được ngay với Thượng toạ Thích Đồng Quang - người trụ trì ngôi chùa. Trong tiếng thở dài, ông ấy kể cho tôi nghe nguyên nhân chính dẫn đến việc chính quyền thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi hơn 10 năm nay, liên tục sách nhiễu, hăm doạ sẽ "bứng" ngôi chùa Sơn Linh Tự của ông, chính là do "ông ăn ở không được lòng chính quyền sở tại". Nói cách khác, là vị Thượng toạ này không chịu khuất phục chính quyền, cũng như "luồn cúi" ông sư quốc doanh Thích Quảng Xả - Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum. Cho nên, vào ngày 24/9/2018 vừa qua, ông Mai Văn Hữu - Phó Chủ tịch huyện Ngọc Hồi, đã ra quyết định đập phá ngôi chùa Sơn Linh Tự với lí do "xây dựng không xin phép". Tuy nhiên, rất lạ kì, chính quyền lại "âm thầm nhẫn nại" chờ thời cơ ra tay, và họ đã đợi đến khi vị sư trụ trì đi chữa bệnh ở Huế thì liền xua quân thực hiện việc làm trời không dung đất không tha này.

Vẫn biết rằng, lâu nay, chính quyền nhiều tỉnh thành luôn đàn áp tất cả những tu sĩ của 5 tôn giáo có mặt ở Việt Nam, nếu như họ không chịu khuất phục chính quyền. Nhưng người viết vẫn muốn đích thân tận mắt chứng kiến, được gặp trực tiếp vị Thượng toạ đang phải gánh chịu khổ nạn, để nghe ông nói, sau khi nghe ông trình bày qua điện thoại. Hơn hết, là tôi muốn nghe người dân ở đó, những Phật tử ở đó nói gì, hầu mong có cái nhìn khách quan hơn để gởi đến quý vị về câu chuyện này. Cho nên, ngay trong đêm 16/1, tôi quyết định sẽ từ Quảng Ngãi đi Kon Tum, vào ngày hôm sau.

Sáng ngày 17/1/2019, tôi đến bến xe Quảng Ngãi trễ, nên đã không còn kịp chuyến xe duy nhất trong ngày đi Ngọc Hồi. Tôi buộc lòng phải mua vé xe Quảng Ngãi đi Kon Tum lúc 12h30 xuất bến. Rồi từ Kon Tum sẽ đón xe đi Ngọc Hồi nếu còn xe hoặc ngược lại lại bị trễ xe, thì vị Thượng toạ sẽ nhờ người đón tôi.

Từ Quảng Ngãi muốn đến Kon Tum phải mất 5 giờ đồng hồ cho quảng đường ước chừng 200 cây số, theo QL24. Trong đó, hơn 4/5 là đường rừng, đèo. Có thể nói đây là cung đường nguy hiểm bậc nhất khi chúng ta đi từ những tỉnh duyên hải miền Trung lên những tỉnh thuộc cao nguyên Trung phần. Tôi cũng đã vài lần đi trên cung đường này rồi, nhưng lần nào cũng vậy, đều cho tôi cảm giác lo sợ.

Từ bến xe Quảng Ngãi đi về hướng Nam theo QL1A, đến địa phận huyện Mộ Đức, gặp ngã ba Thạch Trụ, rẽ phải theo QL24, đi qua huyện Ba Tơ, vượt đèo Vi-o-let là đến địa phận tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, phải còn đi hàng trăm km, qua huyện Kon Plong, vượt đèo Măng Đen, qua huyện Kon Rẫy thì mới đến trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum. Từ thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông ta đã nói sẽ mở rộng QL24 này 3 làn xe, nhưng cho đến tận bây giờ, vẫn còn nguyên vẹn con đường quốc lộ xưa cũ, tiết diện mặt đường nhỏ hẹp, hai bên đường hầu hết không có rào chắn. Đường rất vắng xe lưu thông bởi vì nó quá nguy hiểm. Tuyệt đối không có xe đại khách, xe container qua lại. Chỉ có xe ô tô 29 ghế trở xuống mới dám đi trên cung đường này mà thôi. Bất kì một sự sơ sẩy nào của người tài xế, là toàn bộ xe cùng hành khách sẽ được rơi xuống vực sâu, nếu may mắn hơn thì đâm đầu vào vách núi. Vì vậy cho nên, mặc dù mùa này là mùa hoa sim, hoa mua nở tím núi rừng, tạo nên một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp, nhưng chẳng mấy hành khách còn có lòng dạ mà ngắm cảnh, bởi vì say xe và nơm nớp lo sợ rủi ro.

Trên suốt quãng đường đi, vị Thượng toạ thường xuyên giữ liên lạc với tôi, đã cho tôi cảm giác được an toàn hơn rất nhiều. Rồi tôi cũng đến được bến xe Kon Tum, gần 6 giờ chiều. Vẫn còn kịp bắt chuyến xe cuối cùng từ Kon Tum đi Ngọc Hồi, thêm 60 km nữa là sẽ đến Sơn Linh Tự theo Đường mòn Hồ Chí Minh (ĐM.HCM). Lên xe, tôi nói anh lơ xe qua cầu Đắk Mốt (Km 1495+675) khoảng 500m thì cho tôi xuống, ở ngay cái chùa vừa bị chính quyền đập phá cách đây mấy ngày. Hầu hết, hành khách trên xe là người Ngọc Hồi (gốc Quảng Nam và người Bắc), cho nên từ tài xế, đến lơ xe, đến hành khách đều biết ngôi chùa mà tôi vừa nói. Hơn 1 giờ đồng hồ trên xe, tôi lân la bắt chuyện làm quen để nghe hành khách họ nói gì về sự việc đập chùa Sơn Linh Tự. Tất cả đều có chung nhận định, đại khái: "Chính quyền gì mà ác quá! Đến chùa mà họ còn đập không chút nương tay!". Có một người phụ nữ trạc tuổi Mẹ tôi, bà ấy nói: "Cô nói cháu nghe, họ (chính quyền) còn gây khó dễ với cả Phật tử đến chùa! Như cô đây, cũng cúng dường để xây chùa, giờ thì tan nát hết rồi. Tiền của của bá tánh trôi ra biển!". Tất cả những điều này, qua ngày hôm sau, tôi cũng nghe người dân địa phương nói tương tự, sẽ viết và gởi đến quý vị ở bài viết phần 2 của câu chuyện.

Cuối cùng, tôi cũng đến được Sơn Linh Tự. Sơn Linh Tự toạ lạc trên đỉnh dốc Đắk Mốk, phía bên kia dốc thuộc về huyện Đăk Tô. Khi tôi còn đang lần mò bước theo con đường đất để đi lên chùa, thì vị sư thầy trụ trì chạy ra đón và bắt tay tôi, bởi ông nghe tiếng xe dừng lại. Giữa tiết trời giá lạnh, và vừa trải qua khổ nạn, nhưng cái bắt tay của ông thật chặt và ấm. Trong ánh đèn điện vàng vọt, mà theo lời Thượng toạ Thích Đồng Quang cho biết vừa "câu tạm lại" để thắp sáng, đập vào mắt tôi, ngôi chùa chỉ còn lại đống đổ nát hoang tàn. Những bức tượng Phật, La Hán,... ngả nghiêng, xiêu vẹo. Những tờ sách kinh kệ theo gió lấm lem bụi đất cứ bay nhảy, càng khắc hoạ thêm cho khung cảnh thê lương...!

Biết tôi vừa phải đi một đoạn đường dài, cần nghỉ ngơi, nên Thượng toạ nói tôi hãy lo ngủ sớm, mọi việc ngày hôm sau trò chuyện. Mà "Chùa" chỉ còn lại đúng một phòng được che bằng gỗ (nguyên thủy lúc trụ trì về lập chùa nơi này, đã dựng lên để ở tạm) là chính quyền "nhân đạo" không đập phá. Cho nên, đêm đó tôi được sắp xếp đến ngủ nhờ ở nhà một người Phật tử ở huyện Đắk Tô. Và sáng hôm sau, tôi sẽ quay lại "chùa" để nghe ông kể "Đường tu sao quá gian nan của vị sư bốn lần bị chính quyền đập chùa"...! 

*
*
Tam Ân  - VNTB  
22-1-2019

(VNTB) - "Đường tu sao quá gian nan của vị sư bốn lần bị chính quyền đập chùa".

Sáng hôm sau, ngày 17/1/2019, trước khi quay trở lại chùa Sơn Linh Tự để nghe vị sư trụ trì ở đây tâm sự nguồn cơn mà chính quyền thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum quyết triệt hạ ngôi chùa của ông. Tôi đã gặp một số người dân địa phương (bao gồm lương dân và Phật tử) ở gần khu vực chùa để nghe họ nói gì về chuyện đập chùa của chính quyền.

Tất cả người dân đều nói tương tự như những gì mà tôi nghe những hành khách (cũng là người dân ở Ngọc Hồi) trên chuyến xe tôi đi từ Kon Tum về chùa Sơn Linh Tự. Người ta đều nói đập phá chùa là đập phá tiền bạc của người dân, chưa kể chùa chiền là nơi thờ phượng tôn nghiêm. Hơn hết, lại chọn thời điểm đập trước Tết Nguyên Đán là quá vô nhân đạo.

Tôi có hỏi lí do vì sao chính quyền lại đập chùa không? Người dân cho biết thêm, 10 năm trước đây, khi Thượng toạ về nơi này, ban đầu chỉ lập một tịnh thất nhỏ để tu tập, lấy tên là Sơn Linh Tự. Nhưng nhờ vào uy tín, một phần nữa là tịnh thất nằm ngay vị trí rất thuận tiện cho những ai đi trên ĐM.HCM muốn ghé thăm, nên Phật tử ngày càng đến nơi này để lễ Phật càng nhiều. Bên cạnh đó, theo thời gian, tịnh thất được làm bằng gỗ tạp đã dần mục nát cho nên người dân khắp nơi mới cúng dường để xây chùa mới, to hơn tịnh thất ban đầu, khang trang, tôn kính hơn.

Tuy nhiên, chính quyền lấy lí do là không được cho phép xây dựng nên mới cưỡng chế đập phá. Người dân vô cùng phẫn nộ nói rằng, tại sao khi mới xây dựng chính quyền không quyết liệt ngăn cản nếu vì không được phép xây dựng do đất nằm trong dự án. Trong dự án trồng cây xanh mà tại sao nhà người dân xây dựng kiên cố thì được, ngay cả đối diện chùa và hai bên đều không sao cả. Mà quả thật như vậy, theo quan sát của tôi, xung quanh chùa có nhiều nhà dân xây dựng rất kiên cố. Ngay trong đêm 16/1/2019, khi tôi vừa đến chùa, thì cách chùa 50m, một nhà người dân còn đang tổ chức tân gia!

Một lí do khác, mà người dân cũng nghi vấn cho hay, ở Thị trấn Plei Kần này, chỉ có 2 ngôi chùa, đó là chùa Sơn Linh Tự và chùa Hội Khánh. Từ ngày có chùa Sơn Linh Tự thì chùa Hội Khánh mất "thiêng", cho nên có khi nào đây cũng là nguyên nhân chăng? Bởi nếu không có chùa Sơn Linh Tự, thì Phật tử buộc phải đến chùa Hội Khánh mà lễ Phật. Tôi nghe vậy mới âm thầm điều tra thì được biết, trụ trì chùa Hội Khánh là ông sư quốc doanh Thích Quảng Thành. Ông Thích Quảng Thành chính là "đệ tử ruột" của ông Thích Quảng Xả, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum. Một người dân (xin được giấu tên) tiết lộ thông tin rất khó kiểm chứng, là trước khi cạo trọc đầu, ông Thích Quảng Thành là thiếu tá an ninh tôn giáo.

Tôi trở lại chùa gặp sư thầy Thích Đồng Quang đã gần 9h sáng ngày 17/1/2019, tôi chỉ có gần 2 giờ để nghe ông nói chuyện về cuộc đời ông, và những khổ nạn đường tu mà ông trải qua. Bởi sau đó, 11 giờ tôi sẽ rời Ngọc Hồi, rời phố núi Kom Tum để đi Sài Gòn. Trong cái lạnh cố hữu vùng cao nguyên những ngày cuối năm, bên ly trà nóng, trong tiếng nhạc thiền du dương thoát tục, tôi vừa xem những giấy tờ Quyền sử dụng đất của chùa, những đơn thư của chùa gởi cơ quan chức năng xin thay đổi mục đích sử dụng đất, những quyết định cưỡng chế,..., và vừa nghe sư thầy kể chuyện...

Thượng toạ Thích Đồng Quang có thế danh là Nguyễn Đức Minh. Ông sinh ngày 2/9/1972 tại Đà Nẵng. Ông vào chùa năm 10 tuổi, xuống tóc xuất gia năm 12 tuổi. Thọ Tỳ kheo giới năm 1993 tại Giới đàn Đại Tùng Lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mặc dù đã có hơn 30 năm tuổi đạo, nhưng ông vẫn nói tôi nghe về đường tu sao quá gian nan của ông bằng một giọng nói trầm buồn, cơ bản bởi vì cách hành xử hết sức khốn nạn của chính quyền. Ông cho biết:

Trước khi về Ngọc Hồi ông lập tịnh thất và sau này là chùa (như đã trình bày ở trên) thì ông đã bị chính quyền đập phá hai ngôi chùa và một tịnh thất. Ngôi chùa đầu tiên bị đập vào năm 1998, là chùa Vạn Linh, toạ lạc tại thôn 3, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Kế tiếp ông dựng tịnh thất chưa kịp đặt tên ở xã Run Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũng bị chính quyền không cho, và họ đập luôn. Ông rời Lâm Đồng, sang Đắc Lắk, lập ngôi chùa Thông Linh ở thôn 3, xã Ea Rắn, huyện Ea H'Leo thì cũng bị chính quyền sở tại đập vào năm 2008. Đến năm 2009 ông mới chuyển về thị trấn Plei Kần này mà xây dựng Sơn Linh Tự.

Mọi việc tiếp theo thì như người dân kể lại, mà tôi đã trình bày ở phần trên, tất cả trùng khớp với những gì Thượng toạ kể tôi nghe, xin không được nhắc lại. Tôi chỉ trình bày thêm hai chi tiết, mà điều này vô cùng quan trọng để hé mở nguyên nhân vì sao chính quyền đập chùa Sơn Linh Tự. Thượng toạ Thích Đồng Quang cho biết:

Từ khi ông về Plei Kần này lập Sơn Linh Tự, chính quyền sở tại liên tục nhiều lần bằng cách này hay cách khác mua chuộc hoặc cố làm tổn hại đến uy tín của tôi. Ban đầu, họ dùng phụ nữ để "gạ tình". Người phụ nữ này tên D., là một đảng viên, có chồng là sĩ quan quân đội. Khi biết mưu ma chước quỷ của họ, Thượng toạ đã công bố vấn đề này ra trước công luận. Khi không thể dùng "tình", thì họ chuyển sang dùng tiền. Họ gặp ông và nói thẳng, thuận họ thì tiền đây mà xây chùa, tự do tu tập. Ngược bằng, chống thì có xây lên cũng sẽ bị đập!

"Vậy mà họ đập thiệt anh à! " - Thượng toạ cay đắng nói với tôi! Thấy vậy tôi mới hỏi ông tại sao chính quyền phải đợi sư thầy đi khỏi rồi mới đập chùa, dù họ có quyết định cưỡng chế?

Ông trả lời tôi:

"Nếu có tôi ở nhà, họ sợ tôi sẽ tự thiêu! Bởi nhiều lần họ đến ép tôi, tôi đã nói các ông làm quá, ép tôi quá thì thà rằng tôi tự thiêu vậy! Anh biết không, họ ngăn cản cả Phật tử đến chùa lễ Phật. Họ cho người đến từng nhà Phật tử nói rằng tôi tu "lậu". Lúc trước, ở chùa cũng có chú tiểu tu tập, thế nhưng, cứ đợi tôi đi vắng họ đến không biết họ nói gì, mà đợi tôi về là chú tiểu tạ từ ra đi như bị ma đuổi!"

Tôi cười mà nói rằng: "Thì đúng ma quỷ chúng nó đến đuổi chú tiểu thật mà!"

Rồi cũng đến lúc tôi chia tay Thượng toạ, để ra về. Tôi xin được bắt tay ông như lần chúng tôi vừa gặp nhau. Ông chúc tôi thượng lộ bình an. Còn tôi kính chúc ông không còn bị ma quỷ theo ám ông thêm nữa.

Câu chuyện này, tôi chỉ xin được trình bày đến đây, còn mọi việc phán xét là dành cho công luận, cho quý vị vậy! Tôi xin được thông tin thêm, là đến hơn 21h30' đêm hôm qua, Thượng toạ Thích Đồng Quang có nhắn tin cho tôi, nguyên văn:

"Mô Phật! Anh biết không, ngày nay thầy cúng tất niên, mà UBND TT Plei Kần, và huyện Ngọc Hồi đàn áp tôn giáo không cho Phật tử về chùa. Thậm chí chụp mủ vu khống thầy là chính trị chính em. Và nói xấu thầy đủ điều, thầy nhờ anh đưa tin này lên giúp thầy nhé! Thầy cảm ơn công đức anh! Mô Phật!"






No comments: