Friday, November 9, 2018

KHI DÂN VIỆT 'NGHIỆN' BẦU CỬ MỸ (Ánh Liên - VNTB)




10/11/2018

Ngày 7.11, một ngày sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ kết thúc, nhưng dư âm cuộc bầu cử vẫn còn đọng lại trong… cộng đồng người Việt, đặc biệt là trong nước. Họ bàn tán về việc tại sao Đảng Cộng hòa lại đánh mất Hạ Viện, tại sao Texas (vốn là thành trì của Cộng hòa) nhưng ứng cử viên Đảng Cộng hòa lại thắng một cách sát nút so với ứng cử viên Đảng Dân chủ, và tại sao California (đặc biệt miền Bắc) từ xanh lại chuyển sang đỏ (ủng hộ từ Dân chủ sang Cộng hòa).

Trước đó, cuộc bầu cử này cũng nhận sự quan tâm rất lớn từ người Việt, nhiều trang tin thuộc top người đọc trong nước như Zing hay Vnexpress đã ‘tường thuật trực tiếp’ cuộc bầu cử này. Một số fanpage do người Việt lập ra như The Vietnamese Conservative, Vietnamese For Donald Trump,… cũng thu hút lượng lớn người xem, chia sẻ và thích.

Ngày 6.11 là ngày người dân Việt tập trung cao độ vào bầu cử giữa kỳ của Mỹ, trong khi đó, tại Việt Nam, cũng diễn ra chương trình họp quốc hội khóa XIV, thuộc kỳ họp thứ 6 kéo dài liên tục từ ngày 22.10 đến hết ngày 7.11. Riêng ngày 6.11, là phiên thảo luận Luật giáo dục đại học, và Luật công an nhân dân, nhưng hầu như không ai quan tâm. Điều này nghĩa là gì, người dân Việt có sự quan tâm rất lớn bầu cử ở phía bên kia Tây Bán Cầu hơn cả việc những phiên thảo luận quốc hội tại Việt Nam, và nếu như có xảy ra một cuộc bầu cử tại Việt Nam với Mỹ, thì có lẽ các quán trà đá ven đường cho đến các diễn đàn trên internet sẽ soi chiếu bầu cử Mỹ nhiều hơn. Bởi lẽ, đúng như Facebooker Tac Nguyenvan bày tỏ: Bầu cử ở nước mình chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Bầu cử ở Mỹ có khi lại ảnh hưởng đến mình nên... trái khoáy là vậy!.

Số phận của Đảng Cộng hòa hay Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định những vấn đề liên quan đến thương mại và chủ quyền (Biển Đông) của Việt Nam. Ngoài ra, sự tác động của bầu cử bên Mỹ còn là về vấn đề nhập cư, vấn đề y tế, và cả nhân quyền. 

Những gì đã và đang diễn ra trong đời sống chính trị và quan tâm xã hội của Việt Nam đã cho thấy nhiều vấn đề, một trong số đó là khát vọng của người Việt về một cuộc bầu cử, nơi có sự ganh đua giữa các đảng phải với nhau, hay sự quay lưng của người Việt với cuộc bầu cử theo chuẩn 99,9% đồng thuận, với đầy tính chất nghèo nàn về một hệ bầu cử (không có cả vận động bầu cử, chương trình hoạt động) so với quy chế chế bầu cử dân chủ trên thế giới. Chính vì vậy, không ít quan điểm đã miệt thị số lượng cử tri đi bầu tại Việt Nam luôn đạt suýt 100%, nhưng chất lượng đưa ra một tầng lớp tinh hoa không bằng cả một quốc gia mà tỷ lệ cử tri đi bầu đôi khi không vượt quá ngưỡng 50% tổng số cử tri có quyền bầu.

Sự quan tâm cuộc bầu cử Mỹ cũng vô tình tác động một cách tích cực đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, họ hiểu một cách thực tế nền dân trị Mỹ là gì? Hạ viện, Thượng viện với các chức năng nhiệm vụ của nó là gì? Cử tri phổ thông và Đại cử tri là gì?... Tất cả khiến cho tinh thần tự do – dân chủ Mỹ len lỏi và xâm thực vào đời sống của người dân Việt, và chính yếu tố này sẽ chuyển biến từ vô thức sang có ý thức hơn về quyền lực cử tri trong một hệ thống đa đảng. Nó cũng khiến những ‘cử tri trẻ’ nhìn về quan điểm dân chủ, quy hoạch cán bộ, xây dựng đảng, học làm cán bộ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,... hay câu chuyện 'đấu tố bầu cử kiểu Mỹ' trên VTV trở thành một cái gì đó cổ hủ, kệch cỡm, và tách ra khỏi xu thế của nhân loại.

Sự quan tâm bầu cử Mỹ cũng cho thấy người Việt mong mỏi một giá trị về phản ánh hiện thực nỗi sợ và khắc phục nỗi sợ đó bằng chính khách (lãnh đạo). Câu chuyện của Donlad Trump và sự lên ngôi của ông chính là hiện thực một nỗi sợ của chính người dân nước Mỹ, và việc thị trường chứng khoán xanh hay tỷ lệ ủng hộ Donald Trump tăng lên chính là dựa vào những cương lĩnh tranh cử và hiện thực hóa cương lĩnh đó trong 2 năm qua. Trong khi đó, quay trở lại Việt Nam cách đây không lâu, khi ông Tổng Bí thư được giới thiệu và bầu làm Chủ tịch nước, dân trí thức trong nước đã ra một bản kiến nghị yêu cầu ông Trọng phải công bố cương lĩnh hành động trên vai trò chủ tịch nước nhưng kết quả đổi lại vẫn là sự im lặng. Nó phản ánh, nỗi mong mỏi, kỳ vọng của người dân Việt nói chung và giới trí thức nói riêng chưa bao giờ được ‘giới lãnh đạo Việt Nam thời Cộng sản’ tìm hiểu và xét đến, và chính vì thế nên giới lãnh đạo Việt Nam đã không đạt đến cái chuẩn để gọi là ‘giới tinh hoa’, cũng như cuộc bầu cử Việt Nam chưa bao giờ xứng để gọi là cuộc bầu cử. Và đó là lý do giải thích vì sao, người Việt phải tự tìm cho mình một sự quan tâm mới, đó là quan tâm về cuộc bầu cử Mỹ, về cương lĩnh hành động của Tổng thống Mỹ, giám sát và tranh luận về cách tiến hành cương lĩnh đó.

Thật là nghịch lý, nhưng điều đó lại đang xảy ra, và không hiểu liệu giới quan chức VN có cảm thấy tủi hổ về điều đó, hay vì ‘đúng quy trình’ nên họ vẫn say sưa một luận điểm về bầu cử Việt Nam, một cách thô cứng. 





No comments: