Tuesday, October 23, 2018

NƯỚC NAM CỦA ÔNG TRỌNG (Trịnh Hữu Long - Luật Khoa)




Posted on 23/10/2018

Hình hài nước Việt Nam ngày ông Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Chủ tịch nước là một bức tranh không mấy sáng sủa.

Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, đồng thời là người đứng đầu của đảng cầm quyền, ông Trọng giờ đây là người quyền lực nhất trên chính trường Việt Nam kể từ thời Hồ Chí Minh và là nhân vật phải chịu trách nhiệm chính cho các vấn đề quốc kế dân sinh.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Nguyễn Phú Trọng không có phần trong những tiến bộ cũng như yếu kém của đất nước trong mấy thập kỷ qua. Với tư cách là Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011 và liên tục nắm giữ nhiều chức vụ cao trong đảng cầm quyền trước đó, ông là một trong những nhân vật chính quyết định hình hài mà đất nước có ngày hôm nay.

Luật Khoa tạp chí liệt kê một số chỉ số quan trọng có thể giúp định hình bức tranh chung của Việt Nam trong ngày nhậm chức Chủ tịch nước của ông Nguyễn Phú Trọng, 23-10-2018.

*
Chỉ số Phát triển Con người xếp thứ 116/189 thế giới, ở mức trung bình, nằm ở nửa dưới của Đông Nam Á. Ảnh: UNDP.

Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index) do Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tiến hành đo đạc và công bố hàng năm. Chỉ số này được tính dựa trên các tiêu chí tuổi thọ, tỷ lệ biết chữ, mức độ tham gia vào đời sống chính trị và cộng đồng, môi trường bền vững, quyền và sự an toàn của con người, mức độ bình đẳng và công bằng xã hội.

Báo cáo năm 2018 của UNDP cho thấy Việt Nam đạt 0.694 điểm trên thang điểm 1, nằm ở vị trí thứ 116 trên thế giới, vị trí thứ 7 ở Đông Nam Á và rơi vào nhóm có mức độ phát triển trung bình. Hai nhóm cao hơn là nhóm phát triển cao và nhóm phát triển rất cao.

*
GDP đầu người xếp thứ 138 trên thế giới, kém Lào. Ảnh: Website Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 là khoảng 2.550 đô-la Mỹ/người, xếp thứ 138 trên thế giới và thứ 8 ở Đông Nam Á, sau cả Lào.

Dân số Việt Nam năm 2018 là khoảng 96,4 triệu người, xếp thứ 15 trên thế giới.

*
Nợ công 2018 dự kiến lên 3,5 triệu tỷ đồng, mỗi người dân gánh 35 triệu đồng . Ảnh: TradingEconomics.com

Đó là con số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hồi tháng 8 vừa qua, tương đương với khoảng 151 tỷ đô-la Mỹ.

Với mức nợ công này, tỉ lệ nợ công trên tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Việt Nam nằm ở mức 63,92%, tiệm cận mức trần nợ công theo quy định là 65%.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư còn dự báo mức nợ công sẽ tiếp tục tăng lên tới 3,9 triệu tỷ đồng năm 2019 (tương đương với 170 tỷ đô-la Mỹ) và 4,3 triệu tỷ đồng năm 2020 (tương đương với 180 tỷ đô-la Mỹ).

*
Năng lực cạnh tranh kinh tế xếp thứ 55/137 thế giới. Ảnh: World Economic Forum.

Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 55/137.

Với thứ hạng này, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Brunei trong khu vực Đông Nam Á. Bảng xếp hạng này không có dữ liệu về Myanmar và Đông Timor.

Năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế quốc gia được WEF tính dựa trên 12 tiêu chí: thể chế, hạ tầng, môi trường vĩ mô, sức khoẻ và giáo dục phổ thông, giáo dục bậc cao và đào tạo, năng suất của thị trường hàng hoá, năng suất của thị trường lao động, mức độ phát triển của thị trường tài chính, khả năng tiếp thu công nghệ, quy mô thị trường, sự nhạy bén của thị trường, và sáng tạo.

*
Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng xếp thứ 107/180 thế giới. Ảnh: Transparency International

Tuy nằm ở giữa bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng Thế giới năm 2017, số điểm Việt Nam giành được chỉ là 35/100. Số điểm này kém xa nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 6 thế giới là Singapore với 84 điểm.

Với thứ hạng này, Việt Nam đứng thứ 7 ở Đông Nam Á, hơn Philippines, Lào, Myanmar và Campuchia.

*
Chỉ số Tự do Báo chí đứng thứ 175/180 thế giới, kém Lào và Cuba. Ảnh: Reporters Without Borders.

Tổ chức Reporters Without Borders (Phóng viên Không Biên giới) hàng năm đều công bố Chỉ số Tự do Báo chí (Press Freedom Index) của các nước trên thế giới và được coi là bảng xếp hạng uy tín bậc nhất thế giới trong lĩnh vực này.

Theo đó, Việt Nam từ nhiều năm nay luôn nằm trong nhóm sáu nước đội sổ, với số điểm kém đáng kể so với hai nước xã hội chủ nghĩa khác là Lào và Cuba.

Việt Nam không thừa nhận báo chí tư nhân. Môi trường báo chí bị kiểm duyệt nặng nề và các nhà báo luôn phải chịu nhiều rủi ro khi tác nghiệp, từ bị sách nhiễu cho tới bị bỏ tù.

*
Việt Nam bị xếp vào nhóm nước “Không tự do”. Ảnh: Freedom House.

Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước “Không tự do” (Not free) trong bảng phân loại của tổ chức nhân quyền quốc tế Freedom House.

Chỉ số tự do được đo dựa trên các tiêu chí về quyền dân sự và chính trị. Theo đó, Việt Nam chỉ được 3/40 điểm về quyền chính trị nói chung, trong đó bầu cử đạt điểm 0/12. Báo cáo của Freedom House nói rõ “Đảng Cộng sản Việt Nam nắm độc quyền về chính trị, không đảng phái nào được cho phép hoạt động”.

Các quyền dân sự như tự do biểu đạt, lập hội, pháp quyền, tự trị cá nhân… đạt 17/30 điểm, trong đó nói rõ tự do báo chí và học thuật rất hạn chế, chỉ đạt 1/4 điểm, quyền lập nghiệp đoàn đạt điểm 0, trong khi hệ thống tư pháp cũng chỉ được 1/4 điểm do “là công cụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn kiểm soát các toà án ở tất cả các cấp”.

*
Hộ chiếu Việt Nam xếp áp chót ở Đông Nam Á.

Đông Nam Á hiện nay có 11 nước, gồm có 10 nước ASEAN và một nước mới thành lập năm 2001 là Đông Timor (Timor Leste). Hãng nghiên cứu Henley & Partners xếp hộ chiếu Việt Nam mạnh thứ 10 trong khu vực và thứ 90 trên thế giới.

Chỉ số Hộ chiếu (Passport Index) được công bố hàng năm, dựa trên số lượng quốc gia mà người mang hộ chiếu được nhập cảnh mà không cần xin thị thực (visa). Thị thực là một dạng giấy phép nhập cảnh, cho phép một công dân nước ngoài vào nước mình. Thị thực là một hình thức hạn chế nhập cảnh do những lo ngại về an ninh, kinh tế, sức khoẻ, trật tự xã hội. Hộ chiếu nước nào càng được nhiều quốc gia cho phép nhập cảnh mà không cần thị thực thì có nghĩa là nước đó càng được tín nhiệm hơn.

Theo đó thì trong khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu của Singapore là mạnh nhất vì có thể đi được 189 nước, trong khi cả thế giới chỉ có trên dưới 200 nước. Còn hộ chiếu Việt Nam xếp áp chót khu vực khi chỉ đi được 51 nước, kém hơn cả Lào và Campuchia.

Điều này phản ánh rằng người Việt Nam không được chào đón lắm trên thế giới.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ làm gì để cải thiện bức tranh màu xám này?

-------------------------------

Posted on 23/10/2018

Ngày ông Nguyễn Phú Trọng được bầu và dự kiến nhậm chức Chủ tịch nước, 23-10-2018, trùng với ngày trưng cầu dân ý đưa Ngô Đình Diệm lên ngôi tổng thống năm 1955 và nhiều sự kiện lịch sử thú vị khác.

1955: Trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên ngôi tổng thống
7 giờ sáng ngày 23-10-1955, nhiều đám đông lớn tụ tập xung quanh các phòng bỏ phiếu ở Sài Gòn. Nhiều nhóm sinh viên đi gõ cửa từng nhà để nhắc mọi người đi bầu. Đến 9 giờ, hầu hết các điểm bầu cử đã tạm thời hết phiếu bầu. 10 giờ, hai phần ba số phiếu đã yên vị trong các thùng phiếu.

Trên lá phiếu là hình của hai nhân vật nằm ở trung tâm của lịch sử hiện đại Việt Nam: Quốc trưởng Bảo Đại và và Thủ tướng Ngô Đình Diệm của Quốc gia Việt Nam (State of Viet Nam). Giữa hai hình là một đường bấm lỗ để cử tri tách ra và bỏ hình của người mình muốn bầu vào thùng phiếu. Ở nhiều điểm bầu cử, cán bộ bầu cử tách sẵn hình hai người và cho vào một phong bì, mà về lý thuyết là để giúp quá trình bỏ phiếu nhanh hơn. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là khi cử tri nhận được phong bì đó thì hình của ông Ngô Đình Diệm luôn ở trên.
Đó là những gì mà Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn báo cáo cho Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc trưng cầu dân ý lịch sử đó ở miền Nam Việt Nam, trong một bức điện đề ngày 29-11-1955. Lúc này, theo Hiệp định Geneva, Việt Nam đang tạm chia cắt để chờ tổng tuyển cử thống nhất hai miền.

Trước đó, một chiến dịch tuyên truyền quy mô với băng-rôn, biểu ngữ, tờ rơi, loa phát thanh và nhiều hình thức khác đã được chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm tiến hành rầm rộ. Thông điệp của chiến dịch tuyên truyền này rất rõ ràng: Bảo Đại là kẻ ăn chơi và bán nước; Ngô Đình Diệm là anh hùng cứu tinh sẽ giúp xây dựng một xã hội dân chủ cho người Việt Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm không cho phép bất kỳ một hoạt động tuyên truyền ủng hộ Bảo Đại hay chống Ngô Đình Diệm nào diễn ra.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố vào ngày 26-10, với 98,2% số phiếu về tay Ngô Đình Diệm, chỉ có 1,1% dành cho Bảo Đại, còn lại là phiếu không hợp lệ.

Ngô Đình Diệm chính thức trở thành tổng thống, lập ra một chính thể mới ở phía Nam vĩ tuyến 17, gọi là Việt Nam Cộng hoà (Republic of Viet Nam). Đúng một năm sau, ông Diệm ký ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam Cộng hoà, trong đó ghi rõ: “Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.”

Theo học giả Jessica M. Chapman trong một bài báo đăng trên tạp chí Diplomatic History, giới báo chí quốc tế khi đó đều thống nhất một điểm: đó là một cuộc trưng cầu dân ý phi dân chủ. Ngay cả Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn khi đó cũng nghi ngờ về các con số được công bố và rằng “cuộc trưng cầu dân ý, ở một khía cạnh nào đó, là một trò nhạo báng các thủ tục dân chủ […]”.

Nhưng dù gì đi nữa, Ngô Đình Diệm đã có tám năm trên đỉnh cao quyền lực ở nửa phía Nam của Việt Nam, trước khi bị các tướng lĩnh quân đội ám sát cùng với em trai Ngô Đình Nhu vào ngày 1-11-1963. Di sản của ông là một vấn đề gây tranh cãi lớn khi thành tích cầm quyền của ông lại gắn liền với cái tiếng độc tài gia đình trị.

63 năm sau ngày trưng cầu dân ý đưa Ngô Đình Diệm lên ngôi tổng thống, một nhân vật nữa lại bước lên đỉnh cao quyền lực khi một mình thâu tóm hai vị trí cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam: Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng ngày “đăng quang” của ông Trọng còn trùng với một số ngày đặc biệt nữa trong quá khứ.

1989: Hungary tuyên bố chấm dứt thời kỳ cộng sản
Ngày 23-10-1989, chính thể Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Hungary chấm dứt 40 năm tồn tại của mình bằng phát biểu của vị Tổng thống lâm thời Matyas Szuros: “Kể từ hôm nay, quốc gia của chúng ta tên là Cộng hoà Hungary”.

“Nền cộng hoà Hungary sẽ là một nhà nước độc lập, dân chủ và hợp pháp nơi những giá trị dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện như nhau”, ông nói ngắn gọn.

Biến động to lớn này không đột nhiên xảy ra. Nó là kết quả của 10 tháng cải cách chính trị do đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungary (tức đảng Cộng sản) tiến hành, vốn cho phép tự do hội đoàn và hội họp, cũng như mở cửa biên giới cho người tị nạn Đông Đức tràn vào. Họ cũng tiến hành các hội nghị bàn tròn với phe đối lập để thảo luận về một tiến trình thay đổi chế độ.

Sự kiện ngày 23-10-1989 đánh dấu Hungary bước đầu trở thành một nền dân chủ với một bản hiến pháp cho phép đa đảng và bầu cử cạnh tranh. Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungary cũng chính thức giải thể trước đó hai tuần.

Sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Hungary là một phần của cuộc đổ vỡ của khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô – Đông Âu những năm 1989 – 1991.

1868: Thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản bắt đầu
Lịch sử nước Nhật hiện đại bắt đầu từ ngày 23-10-1868, khi chế độ phong kiến Mạc phủ chấm dứt và Thiên hoàng Minh Trị phục hồi đầy đủ quyền lực.

Trước đó, Hoàng gia chỉ là bù nhìn và không có thực lực chính trị. Lực lượng nắm quyền thực tế ở Nhật từ năm 1603 là một chế độ phong kiến, độc tài quân sự gọi là Mạc phủ Tokugawa.

“Minh Trị” (Meiji) nghĩa là “khai sáng”. Thời kỳ Minh Trị kéo dài 45 năm đã làm thay đổi hoàn toàn nước Nhật, từ một đất nước phong kiến khép kín với thế giới bên ngoài trở thành một cường quốc hiện đại hàng đầu thế giới. Nước Nhật đã gửi người đi phương Tây học hỏi về mọi thứ, cải cách triệt để nền giáo dục, tiếp thu lối sống phương Tây, áp dụng Dương lịch thay vì Âm lịch, hiện đại hoá quân đội, xây dựng một nền quân chủ lập hiến cởi mở hơn và dân chủ hơn, v.v.

Đó cũng đồng thời là quá trình nước Nhật thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và châu Á nói chung để gia nhập hàng ngũ các đế quốc hùng mạnh của thế giới.

Lịch sử nước Nhật từ đó cho đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng luôn nằm ở “chiếu trên” của không chỉ châu Á.

Ngày 23-10, ấy vậy mà gắn với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam lẫn thế giới.
Kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, 23-10-2018, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành người quyền lực bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, ngang hàng với Hồ Chí Minh và Lê Duẩn. Ông đang có cơ hội lớn trong tay để đưa lịch sử Việt Nam sang một trang hoàn toàn mới, giống như Ngô Đình Diệm, Matyas Szuros và Thiên hoàng Minh Trị đã làm. Còn việc ông thay đổi đất nước theo hướng nào thì chỉ có tương lai mới trả lời được.







No comments: