Friday, October 19, 2018

CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI : TRUNG QUỐC CÒN NHIỀU NHỨC NHỐI (Karisma Vaswani - BBC News)




Karishma Vaswani
BBC News
19 Tháng 10, 2018

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà, và với một số rủi ro lớn trước mặt, sự suy giảm có thể sẽ xẩy ra.

Dữ liệu được công bố hôm thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 6,5%.
Đây là một suy giảm nhẹ so với quý trước khi Trung Quốc tăng 6,7% - nhưng đây là mức thấp nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2009, khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chỉ tăng 6,2%.

Dĩ nhiên, chúng ta nên luôn có một chút hoài nghi lành mạnh về con số tăng trưởng chính thức của Trung Quốc, nhưng dầu sao đó là một chỉ số tương đối hữu ích để theo dõi.
Những chỉ số này lần đầu tiên được chính phủ Trung Quốc công bố, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, kể từ tháng Bảy, tấn công Trung Quốc với hai lần áp thuế trên hàng hóa trị giá 250 tỷ đôla, điều sẽ làm tăng thêm trọng lượng cho suy nghĩ hiện tại là nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại.

Nên nhớ là nền kinh tế Trung Quốc đã bị chậm lại trước khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bắt đầu căng thẳng vào đầu năm nay. Sự chậm lại là một quá trình chuyển đổi được quản lý - một quyết định mà chính phủ [Trung Quốc] nói là vì cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cuộc chiến thương mại đã thay đổi tình thế. Trong khi chỉ số tăng trưởng này không nhất thiết cho thấy cuộc chiến thương mại đã tác động đến Trung Quốc, thì điều gần như chắc chắn là cuộc chiến này còn gây cho nước này nhiều nhức nhối hơn nữa.

Chưa gây ra tác động

"Qua thảo luận với những người liên hệ trong ngành, chúng tôi chưa thấy có tác động rõ rệt nào đến nhu cầu của người tiêu thụ", Vinesh Motwani của cơ quan Silk Road Research nói với tác giả, sau một chuyến đi Bắc Kinh và Thượng Hải gần đây.
Ông Vinesh dành rất nhiều thời gian nói chuyện với các doanh nghiệp tầm cỡ về nhận định của họ.
"Thật ra, nếu chúng ta có thể thấy được điều gì thì đó là việc một số công ty đang hưởng lợi ngắn hạn từ cuộc chiến thương mại. Đó là bởi vì nhiều khách hàng Mỹ đang cố gắng mua thật nhiều hàng hóa từ Trung Quốc trước khi mức thuế mới có hiệu lực."

Tuy nhiên, điều này có thể chỉ là một đốm sáng nhất thời vì về lâu về dài, như ông Motwani vạch ra, triển vọng thật đen tối.
"Những điều mà mọi doanh nghiệp cùng đang lo lắng là sự bất ổn cuộc chiến thương mại mang đến. Nếu không có cuộc chiến này, các công ty Trung Quốc sẽ lạc quan hơn nhiều vào triển vọng cho năm 2019. "

Viễn ảnh đen tối này cũng đang được lặp lại bởi các dự báo kinh tế.
Một số ngân hàng đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Đơn vị Kinh tế Tình báo đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 6,2% vào năm 2019, ước tính hậu qủa của cuộc chiến.
Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm mà các động cơ tăng trưởng kinh tế điển hình của Trung Quốc - đầu tư tài sản cố định, tiêu dùng và xuất khẩu - đang bị chậm lại.

Trung Quốc có thể làm gì?

Như một quan sát viên Trung Quốc nói với tác giả trong chuyến đi đến Bắc Kinh tháng trước, đất nước này không muốn phải đối phó với một cuộc chiến thương mại vào thời điểm mà nó đang phải tìm cách quản lý những rủi ro hệ thống trong nền kinh tế.
Và có vẻ họ không có nhiều lựa chọn. Các nhà hoạch định chính sách có lẽ sẽ không bơm nhiều gói kích thích lớn vào nền kinh tế theo cách họ đã làm sau năm 2008. Một phần là do quan điểm tập trung mới vào chất lượng tăng trưởng, chứ không chỉ là tăng trưởng.

Vấn đề khác là Trung Quốc đã tăng mức nợ công một cách bất thường - ước tính gần 300% của GDP - và đó là rủi ro chính mà nước này đang cố gắng quản lý.
Điều này có nghĩa là bây giờ Bắc Kinh đang phải chiến đấu ở hai mặt trận, mà không có tất cả các kỵ binh thường có trong tay.

Trung Quốc cũng đang chiến đấu với một kẻ thù ngày càng khó lường và dễ chuyển biến, dưới hình thức một chính quyền Mỹ hung hãn. Tất cả những điều này không mang đến triển vọng tốt cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

-----------------------------

Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 17-10-2018

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đã kéo dài từ cả tháng qua, nhưng luôn là đề tài nóng của báo chí. Với nhật báo kinh tế Les Echos, cuộc chiến này mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Tờ báo có bài phân tích « vì sao chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mới chỉ bắt đầu ».

Les Echos nhắc lại sự kiện hôm 4/10 vừa qua, tại Washington, phó tổng thống Mỹ Mike Pence có bài diễn văn với những cáo buộc Trung Quốc nặng nề chưa từng có ở một quan chức cao cấp Mỹ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ cách đây 4 thập kỷ.

Trong bài diễn văn kéo dài 40 phút này, phó tổng thống Mỹ công kích Bắc Kinh đủ mặt, từ cạnh tranh buôn bán không trung thực, đánh cắp sở hữu trí tuệ, bành trướng ngoại giao và chơi trò quân sự « nguy hiểm » trên Biển Đông. Thậm chí ông Mike Pence còn ủng hộ Đài Loan mà ông cho đó là mô hình dân chủ, « con đường tốt nhất cho mọi người Trung Quốc ». Rồi ông Pence lên án Trung Quốc đang xây dựng một kiểu « Nhà nước giám sát bất hợp pháp », tụt hậu nghiêm trọng về tự do công dân. Cuối cùng, phó tổng thống Mỹ tố cáo Trung Quốc can thiệp vào bầu cử Mỹ. Bề ngoài Bắc Kinh chỉ phản ứng bằng đánh giá những cáo buộc của nhân vật số hai nước Mỹ này là « lố bịch », nhưng theo tác giả bài báo thì bên trong Trung Nam Hải, trung tâm quyền lực của Bắc Kinh, các lãnh đạo Trung Quốc không khỏi đỏ mặt tức giận.

Tờ báo nhận xét : « Chưa bao giờ Trung Quốc bị tấn công công khai theo kiểu thế này. Một đòn tấn công trực diện, từ mọi góc độ. Với Bắc Kinh, chắc chắn là từ giờ Washington đang tìm cách kiềm chế để Trung Quốc không vươn lên thành cường quốc thống trị thế kỷ 21. Vì thế cần phải chuẩn bị cho một cuộc đọ sức lâu dài ».

Les Echos phân tích : « Hoa Kỳ có lý do để lo sợ Trung Quốc. Không chỉ vì người khổng lồ châu Á này nổi lên thành cường quốc kinh tế thế giới trong vòng 30 năm nay, đang góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, mà còn bởi tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó ».

Les Echos nhấn mạnh : « Trung Quốc muốn có mọi thuộc tính của một siêu cường, đồng thời liên tục đưa ra các ý tưởng kiến kinh tế, quân sự chính trị và tư tưởng. Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, xây dựng hạm đội hải quân ngày càng đồ sộ, đầu tư hàng tỷ đô la vào trí thông minh nhân tạo, mơ ước biến mình từ một nước gây ô nhiễm nhất hành tinh thành cường quốcxanh mẫu mực, rồi họ lao vào cuộc chạy đua chính phục các vì sao ».

Dù là lĩnh vực nào, cách làm của Trung Quốc vẫn là một : « tung tiền lớn vào những nơi mà cuộc chơi còn bỏ ngỏ và ấn định chiến lược với lịch trình cụ thể ». Như đến năm 2049 , Trung Quốc phải là nước thống lĩnh mọi lĩnh vực. Từ nay đến đó, Trung Quốc không chỉ đuổi kịp mà còn phải vượt Mỹ. Cách đây một năm, Tập Cận Bình, trong Đại hội đảng 19, đã đặt mục tiêu đến năm 2050, nước Trung Quốc « xã hội chủ nghĩa hiện đại » vươn lên « hàng đầu thế giới ».

Les Echos dẫn nhận định của Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu của Harvard Kennedy School : « Có một tâm lý chung ở Washington là Trung Quốc không thể tiếp tục vi phạm mọi quy định quốc tế được nữa ».

Trong khi đó, Graham Allison, giáo sư đại học Harvard, giải thích, nhìn vào lịch sử từ cổ chí kim thì thấy mỗi khi xuất hiện một cường quốc mới nổi lên đối chọi lại một cường quốc đã có, thì chiến tranh thường phải nổ ra. Từ quan sát đó để thấy, « cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chỉ là điều ít tệ hại nhất », Les Echos kết luận.







No comments: