Thursday, September 20, 2018

CAN TRƯỜNG, HUỲNH THỤC VY (Luật sư Đặng Đình Mạnh)




Luật sư Đặng Đình Mạnh
21/09/2018

Thượng tuần tháng 09/2018, cô Huỳnh Thục Vy bị cơ quan cảnh sát điều tra Thị xã Buôn Hồ, Đắc Lắc khởi tố về tội danh “Xúc phạm quốc kỳ” theo quy định của Bộ luật hình sự. Cô Huỳnh Thục Vy được tại ngoại điều tra trái với những đồn đoán trước đó cho rằng cô đã bị bắt giữ khi có thông tin hàng chục cảnh sát đã được điều động để bắt giữ cô ấy tại nhà và đưa đi.

Ngày 18/09/2018, trong buổi hỏi cung lần thứ hai tại cơ quan cảnh sát điều tra, với sự hiện diện của đại diện viện kiểm sát và luật sư, cô Huỳnh Thục Vy bình thản tái thừa nhận hành vi xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng vào ngày 01/09/2017, một ngày trước ngày chính quyền tổ chức lễ quốc khánh. Cô chỉ thay đổi một vài chi tiết nhỏ trong lời khai so với buổi hỏi cung trước đây, mà cô cho rằng để tránh liên lụy cho người khác không cần thiết.

Trả lời thẩm vấn của điều tra viên về nhận thức, mục đích của cô khi thực hiện hành vi. Cô cho rằng hành vi xịt sơn vào lá cờ vốn là biểu tượng của chính quyền để bày tỏ sự phản kháng của cô đối với tính chính đáng của chính quyền và cũng là thực hiện quyền tự do biểu đạt quan điểm chính trị do hiến pháp quy định, đồng thời, để cổ vũ cho dân chủ, cho tự do …

Với điều tra viên, có lẽ, khó tìm ra một bị can lý tưởng như thế !? Khi mà tất cả các lời khai cần thiết để củng cố cho lời buộc tội đều được bị can thẳng thắn thừa nhận, không quanh co, không tránh né.

Với tư cách một nhà tranh đấu can trường, cô Huỳnh Thục Vy là một trong số ít phụ nữ luôn luôn bày tỏ quan điểm chính trị một cách công khai, thẳng thắn và trực diện. Được biết, cô cũng là đồng sáng lập Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam và là tác giả của cuốn sách “Nhận định Sự thật Tự do và Nhân quyền” xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2015.

Chưa tiện đánh giá về lý tưởng mà cô ấy và nhiều người dấn thân khác đang đeo đuổi, nhưng rõ ràng, giới luật sư đã rất may mắn khi là nhân chứng sống trong những phút giây hào hùng của họ trước sức mạnh công quyền. Ngẫm xem, chẳng phải lịch sử xứ sở này đang được họ giúp viết lại hay sao ?

Manh Dang

Quyết định khởi tố bị can

__________________________________

* Tham khảo thêm về luật pháp các quốc gia khác đối với hành vi xúc phạm quốc kỳ [1]

Đối với hành vi xúc phạm quốc kỳ, thì quan điểm của các quốc gia trên thế giới hầu như không có mẫu số chung. Ở Pháp, Israel, Saudi Arabia, Trung Quốc, Nhật, Phần Lan, Đức, Ý có quy định cấm xúc phạm quốc kỳ, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí ngồi tù. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh, Na-uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Romania thì lại không cấm đoán hành vi này.

Đặc biệt ở Hoa Kỳ, vào những năm 1980, có đến 48 trên 50 bang của Mỹ vẫn duy trì luật cấm xúc phạm quốc kỳ, ai phạm tội sẽ bị xử lý hình sự. Cho đến năm 1984, thì xảy ra một vụ án khá thú vị khi bị cáo là một thành viên của Đảng Cộng Sản Mỹ, mà nhân đó, Tối cao Pháp viện Mỹ đã cho ra đời một án lệ mới với tên gọi “Texas V. Johnson” hủy bỏ hoàn toàn luật cấm xúc phạm quốc kỳ ở Hoa Kỳ.

Vắn tắt án lệ “Texas V. Johnson” như sau : Năm 1984, có một nam thanh niên tên là Gregory Lee “Joey” Johnson, thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản, tổ chức của Đảng Cộng sản Mỹ, đã đốt cờ Mỹ bên ngoài khu vực tổ chức đại hội của đảng Cộng hoà ở tiểu bang Texas ở miền Nam nước Mỹ để phản đối các chính sách của Tổng thống Ronald Reagan.

Johnson sau đó bị bắt và bị toà án bang Texas xử một năm tù giam cùng với một khoản tiền phạt 2.000 USD. Vụ án sau đó lần lượt được cả hai bên kháng cáo lên đến tận Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Tại toà, luật sư của Johnson lập luận rằng, việc đốt cờ là một hành vi ngôn luận có tính biểu tượng (symbolic speech) vốn được xem như là cách Johnson biểu đạt quan điểm chính trị của mình và do đó hành vi ngôn luận này phải được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Một chi tiết thú vị nữa là, luật sư của Johnson cho rằng bản thân việc đốt cờ không những không xúc phạm lá cờ Mỹ, mà còn tôn vinh giá trị tự do mà lá cờ đó đại diện. Nếu đốt cờ mà không bị trừng phạt có nghĩa là lá cờ đó thực sự đại diện cho những giá trị tự do mà người Mỹ thường rao giảng.

Kết quả, Johnson thắng khi năm trong số chín thẩm phán của Tối cao Pháp viện cho rằng luật cấm đốt cờ của tiểu bang Texas là vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.

Án lệ Texas v. Johnson cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Các bang ở Hoa Kỳ về sau đã bãi bỏ luật cấm xúc phạm quốc kỳ. Mở trang Amazon, trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới, người tiêu dùng sẽ thấy nhan nhãn đồ lót cách điệu quốc kỳ Mỹ cũng được bày hình bán công khai trên ấy.

Công chúng không cần tự hỏi : Nhờ đâu mà một thanh niên là thành viên Đảng Cộng Sản Mỹ đã có thể làm thay đổi hẳn quan điểm luật pháp toàn liên bang về vấn đề chế tài đối với hành vi xúc phạm quốc kỳ ? Bởi lẽ, ai cũng có sẵn câu trả lời : Nhờ giá trị quyền tự do biểu đạt ở đấy được bảo đảm.

Nhân tiện, quyền tự do biểu đạt cũng là một quyền được Hiến pháp Việt Nam công nhận.
__________________________

[1] Lược theo bài “Lấy cờ làm quần : Đúng hay Sai ?” của tác giả Trịnh Hữu Long đăng trên Tạp chí Luật khoa, số ra ngày 21/01/2018.





No comments: