Thursday, July 19, 2018

CÔNG DÂN CÓ ĐƯỢC QUYỀN SINH HOẠT CHÍNH TRỊ? (FB Ngô Ngọc Trai)





Thân chủ của tôi trong vụ án này chỉ vì chia sẻ các bài báo và đưa ra các bình luận về một số quan chức đầu tỉnh Thanh Hóa mà bị bắt giam xử lý hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tôi cho rằng đây là sự mất dân chủ nghiêm trọng. Theo tôi, công dân hoàn toàn có quyền sinh hoạt chính trị, trong đó có việc đưa ra các bình phẩm đánh giá về các chủ trương chính sách và cá nhân cán bộ lãnh đạo.

Người dân được phê phán, chỉ trích cán bộ lãnh đạo thông qua những thông tin dư luận xã hội về đời sống cá nhân (như việc bị đồn có bồ nhí) hoặc những yếu kém trong lãnh đạo điều hành dẫn đến những sự vụ xảy ra trên thực tế đời sống, mà đó là hệ lụy của việc kém năng lực của cán bộ và bộ máy.

Người dân được quyền nghi ngờ về năng lực phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, trách móc và mắng mỏ, bảy tỏ sự thất vọng chán ghét, đó là quyền chính đáng của công dân. Cán bộ và bộ máy không thể buộc người dân hoặc chỉ lặng im hoặc chỉ khen ngợi mình.

Việc quy kết đòi hỏi rằng anh có thông tin xác thực về sai phạm yếu kém của lãnh đạo không mà nói xấu người ta? Anh làm thế là ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo và bộ máy không? Thì đó hoàn toàn là những cáo buộc mất dân chủ.

Đối với những lời lẽ chỉ trích cáo buộc về đường lối lãnh đạo và tổ chức chính trị, thì công dân được quyền làm việc đó. Bởi chất lượng của chính sách và năng lực của cán bộ ảnh hưởng đến sự phát triển mức độ ấm no của người dân, ảnh hưởng đến việc sử dụng các nguồn lực xã hội để đem đến thịnh vượng hay lạc hậu.

Tổ chức chính trị bị cáo buộc hoàn toàn có đủ nguồn lực để giải đáp làm rõ chính sách của mình, và nhận định phán xét cuối cùng thuộc về nhân dân.

Đối với những cáo buộc chê trách đối với cá nhân lãnh đạo, thì cơ quan có thẩm quyền phải thanh tra kiểm tra làm rõ, xem lời chê trách của nhân dân là nguồn chứng lý, kiểm tra cán bộ để rộng đường dư luận.

Nếu cá nhân vị lãnh đạo bị oan sai thì có quyền khởi kiện người thực sự đưa tin xấu vô cớ với ác ý để yêu cầu xin lỗi bồi thường. Đây là cách mà ông Lý Quang Diệu đã làm đối với những cáo buộc về mình. Người ta sử sụng công cụ tư pháp dân sự để xử lý vụ việc, chứ không sử dụng bạo lực hình sự trấn áp.

Ở VN hiện nay có quá nhiều lý do để người dân sẵn sàng đưa ra những lời phê phán trách móc về lãnh đạo điều hành ở cấp độ địa phương cũng như quốc gia. Nếu cứ cho đó là nói xấu làm mất uy tín lãnh đạo để rồi bắt giam xử lý hình sự thì theo tôi đó là cực kỳ mất dân chủ.

*
BAOMOI.COM
Công an tỉnh Thanh Hóa bắt tạm giam một đối tượng để điều tra về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.











No comments: