Thursday, April 12, 2018

BẤT CHẤP TRUMP, MỸ VẪN SẼ ÁP ĐẢO TRUNG QUỐC TẠI CHÂU Á (Joseph S. Nye. - Project Syndicate)




Joseph S. Nye.  -  Project Syndicate
Biên dịch: Phan Nguyên
13/04/2018

Khi Ủy ban Ba bên (Trilateral Commission) – một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nhân, nhà báo và học giả – gặp nhau tại Singapore gần đây, nhiều người bày tỏ quan ngại về sự suy giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Mọi quốc gia châu Á giờ đây đều giao thương với Trung Quốc nhiều hơn với Hoa Kỳ, thường ở mức gấp đôi. Mối quan ngại đó càng trầm trọng hơn do việc Tổng thống Donald Trump gần đây áp đặt các mức thuế quan mới và biểu hiện sự khinh thường đối với các thể chế đa phương. Một câu hỏi thường được nghe ở Singapore là: Liệu vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở châu Á có thể sống sót qua nhiệm kỳ của Trump hay không?

Ở đây cần nhìn lại lịch sử một chút. Năm 1972, Tổng thống Richard Nixon đơn phương áp đặt thuế quan lên các đồng minh của Hoa Kỳ mà không đưa ra cảnh báo trước, vi phạm khuôn khổ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và theo đuổi một cuộc chiến không được lòng dân ở Việt Nam. Nỗi sợ khủng bố cũng lan rộng, và các chuyên gia bày tỏ quan ngại về tương lai của dân chủ.

Năm sau đó, David Rockefeller và Zbigniew Brzezinski đã thành lập Ủy ban Ba bên, họp một năm một lần, để thảo luận về những vấn đề như vậy. Trái với các thuyết âm mưu, Uỷ ban có ít quyền lực. Nhưng cũng giống như các kênh không chính thức khác của ngoại giao “kênh hai”, nó cho phép các cá nhân công dân tìm hiểu cách thức quản lý các vấn đề gai góc. Các kết quả có thể được tìm thấy trong các ấn phẩm và trên trang web của Ủy ban.

Ở Singapore, không có sự đồng thuận về tương lai châu Á sau Trump. Ví dụ, các đại biểu Ấn Độ và Trung Quốc dự cuộc họp giữ các quan điểm khác nhau về vai trò của các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Một số đại biểu châu Á và Mỹ có cách nhìn khác biệt về triển vọng giải quyết thành công cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, cũng như vấn đề lớn hơn là liệu một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ có thể tránh được hay không. Và một số đại biểu châu Âu tự hỏi liệu sự bất định toàn cầu hiện tại phản ánh sự trỗi dậy của Trung Quốc hay sự trỗi dậy của Trump.

Dự đoán của bản thân tôi, điều tôi cũng nói trước là có thể sai, là Hoa Kỳ có thể phục hồi lại vị trí lãnh đạo của mình sau nhiệm kỳ của Trump nếu nó học lại được các bài học về cách hợp tác và sử dụng quyền lực đối với các quốc gia khác. Nói cách khác, Hoa Kỳ sẽ phải sử dụng quyền lực mềm để tạo ra các mạng lưới và thể chế cho phép hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Châu Âu và các nước khác nhằm giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia – ví dụ như ổn định tiền tệ, biến đổi khí hậu, khủng bố và tội phạm mạng – những vấn đề mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết. Điều đó sẽ đòi hỏi vượt qua các chính sách đơn phương và thái độ gắn liền với sự trỗi dậy của Trump.

Đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, trái ngược với thái độ bi quan hiện tại, Hoa Kỳ sẽ giữ được những lợi thế quyền lực quan trọng vượt qua cả tám năm cầm quyền của Trump, trong trường hợp Trump tái đắc cử. Thứ nhất là khía cạnh nhân khẩu học. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất dự kiến
​​sẽ có đóng góp vào tăng trưởng dân số toàn cầu vào năm 2050. Trung Quốc, nước có dân số đông nhất hiện nay, dự kiến ​​sẽ mất vị trí hàng đầu vào tay Ấn Độ.

Lợi thế thứ hai là năng lượng. Một thập niên trước, Hoa Kỳ dường như phụ thuộc một cách tuyệt vọng vào năng lượng nhập khẩu. Bây giờ cuộc cách mạng dầu đá phiến đã biến Mỹ từ một nhà nhập khẩu sang một nước xuất khẩu năng lượng, và Bắc Mỹ có thể tự cung tự cấp năng lượng trong thập niên tới trong khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng nhập khẩu.

Công nghệ là lợi thế thứ ba đối với Hoa Kỳ. Trong số các công nghệ mang lại quyền lực trong thế kỷ này có công nghệ sinh học, công nghệ nano và thế hệ tiếp theo của công nghệ thông tin, như trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn. Theo hầu hết các chuyên gia, trong khi năng lực của Trung Quốc đang được cải thiện, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các công nghệ này.

Hơn nữa, các cơ sở nghiên cứu và hệ thống giáo dục đại học mang lại cho Mỹ lợi thế thứ tư. Theo một bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải, trong số 20 trường đại học hàng đầu trên thế giới, 16 trường nằm ở Hoa Kỳ trong khi không có trường nào của Trung Quốc.

Lợi thế thứ năm của Mỹ có thể kéo dài qua kỷ nguyên của Trump là vai trò của đồng USD. Trong kho dự trữ ngoại tệ của các chính phủ trên thế giới, chỉ có 1,1% là đồng nhân dân tệ, so với mức 64% của đồng USD. Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ làm cơ sở cho Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR), nhiều người tin rằng sự thống trị của đồng đô la Mỹ đang được tính bằng ngày. Nhưng tỷ lệ của đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế đã suy giảm kể từ sau đó. Một đồng tiền dự trữ đáng tin cậy phụ thuộc vào thị trường vốn sâu rộng, chính phủ trung thực, và nền pháp quyền. Không yếu tố nào trong số này có khả năng được hình thành tại Trung Quốc trong tương lai gần.

Thứ sáu, Hoa Kỳ có những lợi thế về địa lý mà Trung Quốc không có. Hoa Kỳ được bao quanh bởi các đại dương, và Canada và Mexico vẫn là các quốc gia thân thiện bất chấp chính sách sai lầm của Trump trong việc làm suy yếu Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc có biên giới với 14 quốc gia cùng các tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia quan trọng nhất, như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Điều này hạn chế quyền lực mềm của Trung Quốc. Và mặc dù yếu tố địa lý cho phép Trung Quốc triển khai quyền lực trên Biển Đông từ đất liền, Hoa Kỳ không có yêu sách lãnh thổ nào ở đó và duy trì ưu thế hải quân trên 95% diện tích đại dương còn lại của thế giới.

Nhưng, quan trọng nhất, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không nhất định vướng vào chiến tranh. Không nước nào tạo ra mối đe doạ sinh tồn cho bên còn lại. Khi Thế chiến I bắt đầu, Đức đã vượt qua Anh vào năm 1900, và nỗi sợ hãi của Anh về các ý đồ của Đức đã góp phần dẫn tới cuộc chiến thảm họa. Ngược lại, Hoa Kỳ và Trung Quốc có thời gian để quản lý các cuộc xung đột mà không cần phải đầu hàng trước sự lo lắng hay sợ hãi.

Hoa Kỳ không chỉ duy trì các lợi thế quyền lực được mô tả ở trên mà còn cả các liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong bất kỳ cuộc đàm phán sắp tới nào với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Trump cũng cần cẩn thận để không cho chế độ của Kim đạt được mục tiêu lâu dài của nó là làm suy yếu các mối quan hệ liên minh này.

Tại Singapore, tôi trích lại câu trả lời của Lý Quang Diệu trước một câu hỏi mà tôi từng hỏi ông về việc liệu Trung Quốc có vượt qua Mỹ hay không. Ông trả lời “không”, bởi vì trong khi Trung Quốc chỉ có thể dựa vào tài năng của 1,4 tỷ người, thì sự cởi mở của Hoa Kỳ cho phép họ khai thác và kết hợp tài năng của 7,5 tỷ người với sự sáng tạo lớn hơn người Trung Quốc. Nếu sự cởi mở đó vẫn còn được duy trì, thì vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, cũng như các nơi khác, cũng có thể tiếp tục tồn tại.

*
Joseph S.Nye, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, hiện là Giáo sư Đại học Havard. Ông là tác giả của cuốn Is the American Century Over?

Copyright: Project Syndicate 2018 – Asia after Trump










No comments: