Sunday, March 11, 2018

“TÍNH TRUNG THỰC” BÁN ĐƯỢC NHIÊU ? (FB Vũ Kim Hạnh)





Tối qua trước khi đi ngủ, tôi đọc được một tin không vui, người Việt Nam xếp cuối bảng về tính trung thực. Một cuộc khảo sát tâm lý chứ không phải phỏng vấn và kết quả không nêu tên riêng một ai. Cuộc khảo sát có tính khách quan từ cách tiến hành và chọn mẫu. Link đây: Người Việt Nam ở nhóm cuối bảng về tính trung thực.

Kết quả là Việt Nam xếp cuối bảng về tinh trung thực. Theo kết quả, tính trung thực lại liên quan đến tình hình tham nhũng tại quốc gia đó. Nôm na là: Ăn cắp khủng, ăn cắp hệ thống đang khuyến khích, dẫn dắt cả xã hội ăn cắp vặt? Họ khảo sát và chọn người tham gia ngẫu nhiên đấy nhưng kết quả nổi lên tên nước tôi, Việt Nam, ở cuối bảng. Tôi là, anh là, chúng ta là những kẻ kém trung thực. Sao vậy? Từ bao giờ vậy? Chúng ta là công dân một nước cuối bảng thế giới về tính trung thực từ khi nào vậy?

Ta lại có anh bạn xếp chung hạng rất thú vị. Tôi vừa đi dự một hội chợ quốc tế về. Hội chợ dành cho người tiêu dùng nên rất đông. Ở một tiệm thức ăn nhanh, một bà Pháp hỏi tôi, chắc bà là Chinese? Tôi phát bực, hơi gắt. Không, tôi là người VN. Tôi chẳng liên quan gì đến Tàu cả, tôi rất tiếc bị nhầm như vậy. Bà ta xin lỗi. Đọc bản tin tối qua, tôi giật mình, ừ, có đấy, liên quan đấy, dù cũng chỉ là một ngẫu nhiên. Trong mấy nước xếp cuối bảng đó, có Việt Nam và Trung Quốc.

TỘI CỦA SÁCH VÀ NHÀ NGHIÊN CỨU THỰC THÀ

Cùng lúc, tôi đọc lại bài báo Thanh Niên về câu chuyện nhà khoa học Nguyễn Xuân Hùng, 1 trong 10 người được trích dẫn các bài báo khoa học nhiều nhất, lại bị loại khỏi danh sách phong giáo sư 2017. Hội đồng phong chức danh quốc gia vô can: chúng tôi chỉ theo đề xuất từ cấp dưới (các ngài ở hành tinh khác vừa tới, xét duyệt công văn như công chức hành chánh?) Lý do ông Hùng bị loại nghe… khó tin nổi, ông Hùng thiếu điểm viết sách. À, anh bị rớt vào một cái bẫy, tên đăng báo của tiêu chí này là “kẽ hở tiêu cực”. PGS Phạm Văn Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN nói: việc anh Nguyễn Xuân Hùng, người duy nhất từ VN mấy năm liền được đưa vào danh sách 1% các nhà KH được trích dẫn nhiều nhất do cơ quan nghiên cứu dữ liệu Thomson Reuters công bố, cũng là nhà nghiên cứu đoạt giải Alexander von Humbold của Đức lại bị trượt chức danh GIÁO SƯ VN là do: không đủ điểm về tiêu chuẩn viết sách… Đây chỉ là một CHIÊU MỚI của họ. Họ bỏ phiếu bác với số phiếu chống đủ vượt 1/4 số phiếu (tính cả người vắng mặt) từ hội đồng. Đặt ra tiêu chí số lượng sách phải viết, rồi chấm điểm vậy ông dưới mức chuẩn là một cách để loại các nhà khoa học không chịu luồn lách, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Vậy ông Hùng cũng có tội. Tội quá thực thà. Trong khi người ta đã “set” sẵn những cái bẫy quá tinh vi và khó đoán.

CHUYỆN NHỎ Ở MỘT CLUB TIẾNG ANH

Cuối tuần tôi thường đến dự thính một “Club tiếng Anh cho người bận rộn”. Thầy cho đề: hãy tưởng tượng cuộc sống bạn 10 năm sau. Nhóm nhỏ tối thứ sáu tuần qua có 3 người. Một cô gái chừng 30, làm tiếp tân một khách sạn 5 sao, bộc bạch. Khi đó tôi đã ở Hoa Kỳ rồi, cũng chưa hình dung cuộc sống sẽ ra sao nên khó nói. Nhưng chắc tôi sẽ mở một nhà hàng nhỏ, tự quản lý. Chắc cực, thôi cực thân nhưng không cực trí như ở đây. Tôi hỏi, em quê ở đâu? Dạ Sa Đéc. Đồng Tháp, sao tình cờ là Đồng Tháp? Bạn kia là một cậu trắng trẻo, nét mặt thanh tú, nhẹ nhàng, tự giới thiệu sinh viên y khoa năm cuối. Gia đình muốn tôi đi Úc. Tôi thương bịnh nhân, tôi muốn ở đây. Nhưng ai cũng bàn, vài năm nữa, thành một tỉnh của ngoại bang, sống sao nổi. Nên tôi cứ làm giấy tờ, chừng ở không được thì đi, nghĩa là tôi đang 50/50.

Họ hỏi tôi. Tôi muốn trong vài năm nữa, có thể viết sách, viết tham luận khoa học khi dự hội thảo Quốc tế để nói chuyện về tiến bộ của doanh nghiệp VN. Tôi vẫn ở đây, hì hì, chờ các bạn quay về. Hai bạn kia cười vang, cô gái Đồng Tháp thẳng thừng, khó cô ơi, ra ngoài sống quen rồi khó về. Vậy cháu… vĩnh biệt cô ở đây thôi vì khó gặp nữa.

Tôi cũng cười mà thắt ruột. Bạn bè tôi, dạy học, viên chức, doanh nhân… những người đang làm ăn lương thiện không chức quyền, cũng đã “xong giấy tờ” nhiều lắm. Không nói ra thì không ai biết, gặp nhau ở đây bây giờ, ai biết ai có thẻ xanh, đã mua nhà, có hộ chiếu sẵn. Những bạn bè thân nhất thường nói xa gần hay nói thẳng tưng, về mấy chữ: niềm tin, tương lai.

“Tính trung thực” giờ bán được nhiêu? Chắc quá bèo. Vì giá nó quá bèo mà ra cơ sự? Còn niềm tin giá bao nhiêu? Ai đo được? Thử hỏi các tổ chức làm dịch vụ thẻ xanh, đầu tư ra nước ngoài, lao động chuyên gia…?


-------------------------------------

Nguyễn Thảo  -  VietNamNet
(Theo Dailymail, Nature)
10/03/2016  10:16 GMT+7

Quyền lực được cho là thứ gây ra tham nhũng. Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học phát hiện ra rằng những công dân sống ở các quốc gia có tỷ lệ tham nhũng lớn có xu hướng thiếu trung thực hơn.

Nghiên cứu này tiết lộ rằng tính trung thực của con người có xu hướng cao hơn ở những xã hội có tỷ lệ tham nhũng, trốn thuế, gian lận chính trị… thấp. Trong khi Áo, Hà Lan và Vương quốc Anh là những quốc gia xếp hạng cao về tính trung thực trong nghiên cứu này, thì Tanzania và Ma-rốc – những quốc gia có chất lượng các cơ quan thuộc Chính phủ được đánh giá là “thấp” – ghi điểm rất thấp về tính trung thực.

Ông Simon Gachter và các đồng nghiệp của ông ở ĐH Nottingham đã đưa ra một khái niệm gọi là chỉ số “mức độ vi phạm quy định” (PRV) để chấm điểm 159 quốc gia.

Họ sử dụng các dữ liệu có sẵn từ năm 2003 về gian lận chính trị, trốn thuế và tham nhũng. Sau đó, họ tiến hành một thử nghiệm tung xúc xắc với 2.586 thanh niên khoảng 22 tuổi từ 23 quốc gia đại diện, trong đó có Việt Nam, Ma-rốc, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Italy và Cộng hòa Séc.

Mỗi người tham gia được yêu cầu tung xúc xắc ở một chỗ bí mật, sau đó báo lại kết quả.
Trong thử nghiệm này, ai tung được xúc xắc số cao sẽ được nhận số tiền càng cao, và người tham gia báo cáo có thể dễ dàng báo lại một kết quả giả để nhận số tiền cao hơn.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra “mối liên kết mạnh mẽ” giữa mức độ vi phạm quy định với tính trung thực của mỗi người.

Điều này có nghĩa là những người sống ở những quốc gia có tỷ lệ vi phạm thấp ít nói dối về kết quả xúc xắc hơn những người sống ở những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao. Vương quốc Anh là quốc gia có công dân trung thực nhất trong số các quốc gia tham gia nghiên cứu này. Tiếp sau đó là Thụy Điển, Đức, Lithuania và Italy. Những quốc gia xếp cuối bảng gồm có Tanzania, Ma-rốc, Trung Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, rất ít người trung thực hoàn toàn hay nói dối một cách trắng trợn kết quả xúc xắc.

Ông Gachter nhận định: “Ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao, người ta cũng trung thực một cách đáng ngạc nhiên khi chỉ có một số ít người nói dối một cách trắng trợn về kết quả”.

“Hành vi này phù hợp với các lý thuyết tâm lý về tính trung thực, rằng mọi người quan tâm tới tính trung thực nhưng đôi khi bóp méo sự thật một chút theo cách vẫn duy trì một hình ảnh trung thực của bản thân nhưng vẫn có thể kiếm lợi về mặt vật chất”.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature khẳng định: “Kết quả phù hợp với các lý thuyết về sự đồng tiến hóa văn hóa của các tổ chức và phù hợp với lý thuyết về các giá trị. Nó cũng cho thấy các tổ chức và di sản văn hóa yếu kém không chỉ trực tiếp gây ra những hậu quả kinh tế bất lợi, mà còn có thể làm giảm tính trung thực nội tại của mỗi cá nhân – một yếu tố rất quan trọng cho sự hoạt động trơn tru của một xã hội”.

Nguyễn Thảo(Theo Dailymail, Nature)

*
Xem thêm:









No comments: