Wednesday, March 14, 2018

THIÊN TÀI VẬT LÝ STEPHEN HAWKING QUA ĐỜI (tin tổng hợp)




March 14, 2018

LONDON, Anh (AP) – Ông Stephen Hawking, người có một đầu óc thông minh trải dài thời gian và không gian mặc dù thân thể bị bại liệt, vừa qua đời hôm Thứ Tư, hưởng thọ 76 tuổi, phát ngôn viên đại học University of Cambridge nói.
Ông qua đời một cách yên bình tại nhà riêng ở Cambridge, Anh.

Nhà vật lý Stephen Hawking. (Hình: Philip Toscano/PA via AP)

Là nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng nhất thời đại của mình, ông Hawking từng viết một cách dễ hiểu về những bí ẩn của không gian, thời gian, và những hố đen trong cuốn sách của ông, “A Brief History of Time” (Một Lịch Sử Vắn Tắt Về Thời Gian).

Cuốn sách này sau đó trở thành ăn khách nhất thế giới, làm ông trở thành một trong những nhân vật khoa học nổi tiếng nhất sau Albert Einstein.

“Ông là một nhà khoa học vĩ đại và là một người đàn ông rất đặc biệt, mà các công trình nghiên cứu và lý thuyết của ông sẽ còn được nhắc tới trong nhiều năm,” các con của ông, Lucy, Robert, và Tim, nói như vậy trong một bản tuyên bố.

Họ viết thêm: “Sự can đảm và kiên trì của ông, cùng với sự thông minh và khôi hài, là niềm cảm hứng cho con người khắp thế giới. Ông từng nói: ‘Vũ trụ này sẽ không là gì nếu nó không phải là ngôi nhà mà con người yêu mến.’ Ông sẽ được mọi người nhớ mãi.”

Nhà vật lý Stephen Hawking gặp Đức Giáo Hoàng Francis ngày 28 Tháng Mười Một, 2016. (Hình: L’Osservatore Romano/pool photo via AP, File)

Ngay cả sau khi thân thể bị căn bệnh “amyotrophic lateral sclerosis” (ALS) hoành hành bắt đầu lúc 21 tuổi, ông Hawking làm các bác sĩ kinh ngạc khi tiếp tục sống với căn bệnh này thêm hơn 50 năm nữa.

Hồi năm 1985, ông bị bệnh phổi nặng, và từ đó phải thở bằng một cái ống, và ông phải nói chuyện qua một hệ thống điện tử tổng hợp giọng nói, và bị đổi giọng luôn từ đó.

Thế nhưng, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, xuất hiện trên truyền hình, và lập gia đình lần thứ nhì.

Là giáo sư toán với danh hiệu “Lucasian Professor” cao quý tại đại học Cambridge University, và được coi là một trong những người nối nghiệp nhà toán học thiên tài Isaac Newton, ông Hawking tham gia cuộc nghiên cứu đi tìm mục tiêu vĩ đại của vật lý – một “lý thuyết thống nhất.”

Một lý thuyết như vậy sẽ giải quyết được sự đối nghịch giữa Thuyết Tương Đối của Einstein, mô tả định luật hấp dẫn, tạo ra chuyển động của các vật thể lớn như các hành tinh, và Thuyết Lượng Tử, liên hệ với thế giới của các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles).

Đối với ông Hawking, sự tìm tòi này gần như là một tham vọng mang tính tôn giáo – ông nói rằng tìm ra được “lý thuyết của mọi thứ” có thể giúp con người “biết được suy nghĩ của Thượng Đế.”

“Một lý thuyết thống nhất hoàn tất, vững vàng, mới chỉ là bước đầu tiên: Mục tiêu của chúng ta là một sự hiểu biết hoàn toàn các sự kiện xung quanh chúng ta, và chính sự hiện hữu của chúng ta,” ông viết như vậy trong cuốn “A Brief History of Time.”

Tuy nhiên, những năm sau này, ông cho rằng một lý thuyết thống nhất có lẽ không hiện hữu.

Ông Hawking sinh ngày 8 Tháng Giêng, 1942, tại Oxford, và lớn lên ở London và St. Albans, thuộc vùng Tây Bắc thủ đô.

Năm 1959, ông vào học cử nhân tại đại học Oxford University và sau đó học cao học tại đại học Cambridge University.

Ông lập gia đình với bà Jane Wilde năm 1965, và họ có ba người con Robert, Lucy, và Tim.
Bà Jane chăm sóc cho ông Hawking trong 20 năm cho tới khi Hoa Kỳ cung cấp cho ông một ngân khoản để ông được chăm sóc 24 giờ mỗi ngày, theo yêu cầu của ông.

Ông trở thành thành viên của Royal Society năm 1974 và nhận giải thưởng Albert Einstein Award năm 1978.

Năm 1989, Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị ban cho ông thứ bậc “Companion of Honor,” một sự biệt đãi cao nhất của nữ hoàng.

Năm 1991 ông ly dị bà Jane Wilde, và bốn năm sau cưới bà Elaine Mason, từng một thời là y tá chăm sóc ông.

Năm 2006, hai người ly thân sau một loạt tố cáo là bà hành hung ông, mặc dù ông cho rằng chuyện này “hoàn toàn giả tạo.” (Đ.D.)

--------------------------------
VOA Tiếng Việt
14/03/2018

Stephen Hawking, nhà vật lý người Anh nổi tiếng thế giới, đã qua đời hôm 14/3, thọ 76 tuổi. Ông là người đã nghiên cứu về một loạt các chủ đề vũ trụ, từ sự khởi đầu của vũ trụ cho tới những giả thuyết về các hố đen.

Giáo sư Stephen Hawking trong một buổi thảo luận ở California, 13/3/2007

Phát ngôn viên của gia đình cho biết ông đã ra đi thanh thản tại nhà riêng ở thành phố Cambridge, nơi ông làm việc trong hàng chục năm với tư cách Giáo sư Lucasia về Toán học tại Đại học Cambridge.

Trong một tuyên bố, các con ông - Lucy, Robert và Tim - nói: "Ông là nhà khoa học vĩ đại cũng như một con người phi thường, việc làm và di sản của ông sẽ còn hiện diện trong nhiều năm".

Ông Hawking được chẩn đoán bị xơ cứng cột bên teo cơ ở tuổi 21, căn bệnh về sau đã khiến ông phải ngồi xe lăn và làm ông mất khả năng nói, buộc ông phải giao tiếp qua một máy tạo giọng nói.

Các bác sĩ dự đoán ông chỉ sống thêm được vài năm, nhưng trái lại, ông đã vẫn duy trì sức khỏe, tập trung vào công việc, bao gồm tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa Thuyết Tương đối của Albert Einstein mô tả sự chuyển động của các vật thể lớn và Thuyết Cơ học Lượng tử liên quan đến các hạt hạ nguyên tử.

Ông Hawking nói: "Mục tiêu của tôi thật đơn giản, đó là hiểu biết đầy đủ về vũ trụ, tại sao nó là như vậy và tại sao nó lại tồn tại".

Cuốn sách năm 1988 của ông, “Lược sử về thời gian”, đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất thế giới và làm cho ông nổi tiếng.

Một trong những thành tựu nổi tiếng nhất của ông là nghiên cứu về hố đen, cho thấy rằng một lượng nhỏ bức xạ có thể thoát được lực hấp dẫn của chúng. Hiện tượng này thường được gọi là bức xạ Hawking.

Một dấu hiệu khác về mức độ nổi tiếng của ông Hawking là hồi tháng 10 năm ngoái, khi trường Cambridge lần đầu đưa ra luận văn năm 1966 của ông lên mạng, nhu cầu về tài liệu này đã lên cao đến mức trang web của trường đã bị sập.

Ông Hawking cũng là người ủng hộ việc đưa người tới mặt trăng và sao Hỏa, một nỗ lực mà ông cho là sẽ giúp đoàn kết nhân loại trong mục đích chung là tỏa ra, đi xa hơn ngoài trái đất.

Ông Hawking nói việc thực hiện những động thái đầu tiên đi vào vũ trụ sẽ "nâng tầm nhân loại" bởi vì việc đó sẽ phải có sự tham gia của nhiều quốc gia.

"Chúng ta đang hết dần không gian và chỉ còn có thể đi đến những thế giới khác. Đã đến lúc khám phá các hệ mặt trời khác. Tỏa ra có thể là điều duy nhất cứu chúng ta khỏi chính bản thân mình. Tôi tin rằng con người cần phải rời khỏi trái đất", ông nói hồi năm ngoái. "Nếu nhân loại muốn còn tiếp tục tồn tại thêm cho một triệu năm nữa, tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc dũng cảm đi đến những nơi mà không ai khác đã đi tới trước đó”.

Thiên tài vật lý người Anh có một chút gắn bó với Việt Nam. Năm 1990, ông nhận làm cha đỡ đầu cho cô Nguyễn Thị Thu Nhàn, sinh năm 1980, là trẻ mồ côi tại Làng SOS ở Hà Nội. Đến mùa đông năm 1997, ông đã sang Việt Nam thăm cô Nhàn. Sau đó 3 năm, người cha đỡ đầu đã đón cô Nhàn sang Anh thăm gia đình ông trong 1 tháng.

--------------------------------------

Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 14-03-2018

Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking, với thân hình tàn tật gắn với chiếc xe lăn, phải trình bày suy nghĩ của mình qua máy tính, đã qua đời hôm qua, 13/03/2018, ở tuổi 76. Ông đã vượt lên trên số phận nghiệt ngã để cống hiến cả cuộc đời cho những khám phá bí ẩn của vũ trụ, làm nên những công trình khoa học phi thường.

Nhà vật lý Stephen Hawking tại Luân Đôn, tháng 2/2015.AFP PHOTO / JUSTIN TALLIS

Stephen Hawking sinh ra tại Oxford ngày 8 tháng Giêng 1942, đúng vào ngày trước đó 300 năm, thiên tài Galilê (Galileo Galilei) qua đời. Cha ông là một nhà sinh học mong muốn con trai theo nghiệp mình học y khoa tại Oxford. Thế nhưng, chàng thanh niên Stephen đã trót say mê toán học. Ở vào thời kỳ đó, toán học không được giảng dạy trong các trường đại học danh giá của Anh, thế là anh chuyển sang theo học môn vật lý.

Sau 3 năm học tại Oxford, Stephen đến Cambridge tiếp tục nghiên cứu thiên văn. Khi vừa bước sáng tuổi 21, ông phát hiện mình bị chứng bệnh thoái hóa thần kinh gây liệt có tên gọi là bệnh Charcot. Các bác sĩ lúc đó dự đoán ông chỉ còn có hai năm trên cõi đời này.

·         Đọc thêm : Vén màn bí ẩn huyền thoại Stephen Hawking

Số phận thật nghiệt ngã đã đẩy Stephen Hawking rơi vào trầm cảm nặng. Ông chỉ thoát ra được khi gặp Jane Wilde, một nữ sinh viên ngôn ngữ học, mà ông kết hôn năm 1965. Hai vợ chồng có được 3 người con, nhưng đã ly dị nhau sau 30 năm chung sống. Năm 2006, Stephen Hawking kết hôn lần thứ 2.

Với căn bệnh quái ác, cơ thể của Stephen Hawking ngày càng thoái hóa không cưỡng lại được. Từ năm 1974, ông đã không thể tự mình ăn uống, ra khỏi giường. Đến năm 1985, Stephen đã bị mất tiếng nói.

Thế nhưng tinh thần, trí tuệ của con người tật nguyền đó thì lại nguyên vẹn và luôn hướng tới mục tiêu tìm hiểu tại sao vũ trụ này tồn tại và nó vận hành thế nào. Stephen lao vào các nghiên cứu khái niệm vật lý và thiên văn học và cho ra đời những ý tưởng, khám phá độc đáo về các hiện tượng Big Bang và hố đen vũ trụ.

Từ đó, sự nghiệp của nhà vật lý đã tỏa sáng và ông nhận rất nhiều danh dự và phần thưởng, mới 32 tuổi được bầu vào Royal Society, một viện hàn lâm khoa học danh tiếng của Anh. Năm 1980, ông được công nhận là giáo sư toán học danh dự đại học Cambridge (Lucasian Chair of Mathematics).

Các công trình nghiên cứu về nguồn gốc vũ trụ được nhà lý thuyết vật lý Hawking tập hợp cô đọng trong cuốn sách “ Câu chuyện ngắn của thời gian”, xuất bản năm 1988, trong đó ông giải thích cho công chúng về các nguyên tắc chính của vũ trụ, về Big Bang. Cuốn sách bán được tới 9 triệu bản từ khi phát hành.

Stephen Hawking trở thành biểu tượng của một nhà khoa học gần gũi công chúng, ông liên tục tham dự các hoạt động cổ vũ nghiên cứu khoa học. Tóm lại, Stephen Hawking là hiện thân của nghị lực sống vượt trên số phận.


BBC Tiếng Việt  14/3/2018

Zing   14/03/2018







No comments: