Monday, March 12, 2018

MỸ - TRUNG TRONG THẾ KỶ 21 (Đoàn Hưng Quốc)




12/03/2018

Người Hoa nhận xét mỗi triều đại Trung Hoa thường kéo dài khoảng 270 năm với ngụ ý rằng chế độ Cộng Sản sẽ còn kéo dài thêm 2 thế kỷ nửa, đồng thời ám chỉ nền dân chủ Hoa Kỳ sau 200 năm bắt đầu già nua cằn cổi. Có 4 mốc điểm trong thời gian sắp tới cần được quan tâm và bao gồm:

-       2021: kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Để đánh dấu thời điểm này chỉ tiêu của Bắc Kinh là nâng lợi tức đầu người lên 10 ngàn USD, tức là vững vàng trong khối các nước có lợi tức trung bình dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.

-       2022:  bắt đầu với Thế Vận Hội mùa Đông hoành tráng dọn đường cho Đại Hội đảng lần thứ 20 với quyết định Tập Cận Bình tiếp tục nắm vị trí lãnh đạo hạt nhân sau 10 năm tại chức.

-       2023: GDP Trung Quốc sẽ sát nút hay ngang bằng Hoa Kỳ nếu tiếp tục đà phát triển hiện tại (giả sử Mỹ 2% còn Hoa Lục 6% mỗi năm, và không nước nào bị khủng hoảng bất ngờ hay bị nợ đè sập)

-       2049: kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Khi đó GDP nước này sẽ gấp 2 lần của Mỹ.

Dĩ nhiên không ai dự đoán được tương lai. Rất nhiều chuyên viên cho rằng thống kê của Hoa Lục là con số giả và khối nợ khổng lồ sẽ làm chậm lại đà tiến hay khiến sụp đổ nền kinh tế (và đảng Cộng Sản). Nhưng cũng có nhận xét ngược lại là dù con số giả nhưng độ sai số không thay đổi; hơn nửa Trung Quốc còn có thể tăng thêm nợ 30% nhờ vào (a) người Hoa tiết kiệm 40% tiền thu nhập tức là gấp 3 lần dân Mỹ nên số thặng dư này cần được chuyển vào đầu tư [1] [2]; (b) thặng dư trong mậu dịch vẫn là nguồn thu khổng lồ để trả nợ; (c) nhà nước có thể gánh nợ tư thành nợ công nhờ vào khối dự trữ ngoại tệ [3]. Nếu thật sự Trung Quốc mượn thêm nợ mà không làm sập nền kinh tế thì GDP rất có thể qua mặt Hoa Kỳ vào khoảng 2023-2025.

Trở lại với Hoa Kỳ đã không thể phát huy truyền thống dân chủ nếu không có sức mạnh kinh tế và quân đội áp đảo trong thế kỷ 20. Tương lai sẽ như thế nào khi nước Mỹ không những thành cường quốc hạng nhì mà còn bị bỏ xa về cả GDP lẫn ngân sách quốc phòng?

Giáo sư Graham Allison [4] kêu gọi Hoa Kỳ phải xét lại tầm nhìn về vị trí và tương quan Mỹ-Trung trong thế kỷ 21: Hoa Kỳ hoặc chấp nhận thành cường quốc hạng nhì hay phải quyết tâm ngăn chận đà tiến của Trung Quốc trước khi quá trễ [5]. Hoa Kỳ không thể có chính sách hữu hiệu nếu không thống nhất trong quyết định chiến lược này nên giáo sư Allison đã so sánh biện pháp “chuyển trục” theo kiểu vật vờ từ thời Obama đến Trump cũng giống như xức dầu cù-là trị bướu ung thư (use aspirin to cure cancer).

Ở thái cực thứ nhất Mỹ có thể chấp nhận thành cường quốc hạng nhì (giống như Anh Quốc nhường chổ cho Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20). Dù hạng nhì nhưng Hoa Kỳ vẫn đủ khả năng kinh tế và quốc phòng để tự vệ nên không sợ bị thống trị. Thế giới sẽ chia thành bốn khối thuộc ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ, Âu Châu và Ấn Độ, cùng các cường quốc khu vực như Nga và Iran, tuy cạnh tranh nhưng không dẫn đến chiến tranh nguyên tử và toàn diện. Vấn đề là Hoa Kỳ phải hiểu mình hiểu người để quyết định và thỏa thuận với Bắc Kinh liệu có một làn ranh đỏ bao gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, biển Đông, Trung Đông, Trung Á hay Mỹ sẽ nhường toàn cỏi Tây Thái Bình Dương (như Anh Quốc đã từng nhượng bộ Nam Mỹ theo đà phát triển của chủ thuyết Monroe “châu Mỹ của người Mỹ”). Hoa Kỳ sẽ tiến gần đến mô hình dân chủ xã hội (social democracy) kiếu Âu Châu, một loại ốc đảo hạnh phúc trong thế giới nhiễu nhương để hướng nội nhằm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, di dân, khoảng cách giàu nghèo, nữ quyền, LGBT, v.v… thay vì làm sen đầm quốc tế giữ gìn trật tự toàn cầu hay phát huy nền dân chủ [6].

Thái cực thứ nhì là chọn đối đầu toàn diện với Trung Quốc về cả thương mại lẫn địa chính trị. Nếu chiến tranh thương mại xảy ra GDP Hoa Kỳ sẽ thiệt hại 10% còn Trung Quốc rơi 40%, dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện làm thay đổi thể chế (nhưng chưa biết bên nào chết trước). Mỹ cần tăng cường quân lực cho Đài Loan, công khai thúc đẩy phong trào dân chủ trong Hoa Lục, trang bị vũ khí cho Tibet và ngoại Mông dành độc lập. Bài học của thế kỷ thứ 19 là lẻ ra Anh Quốc phải giúp đỡ cho miền Nam nước Mỹ trong cuộc Nội Chiến để Hoa Kỳ bị xâu xé, còn để yên đến khi nước Mỹ thống nhất thì đã quá muộn cho Anh bắt kịp. Hoa Kỳ sẽ áp lực để các nước tại Á Châu không còn đu dây mà phải chọn phe, vì đu dây chỉ giúp cho Trung Quốc thêm giàu mạnh trong lúc Mỹ phải tốn kém bảo vệ an ninh khu vực; hay ít nhất muốn Hoa Kỳ bảo vệ an ninh thì phải mua hàng hoá và vũ khí Mỹ thay vì buôn bán sanh lời cho các đối thủ như Nga-Trung.

Dù ông Allison có thúc giục nhưng do những quyền lợi chồng chéo từ Trung Đông đến Bắc Á xuống biển Đông nên nước Mỹ sẽ không có một chọn lựa dứt khoát mà cứ để nền ngoại giao, thương mại và quân sự trôi theo nhiều hướng mâu thuẩn (slow drift). Nội bộ Hoa Kỳ quá rạn nứt, chia rẽ giữa các khuynh hướng xã hội về di dân, thuế má, trợ cấp xã hội, LGBT, nữ quyền, màu da v.v… sâu sắc và chiếm quá nhiều thời gian tranh luận để các nhà lãnh đạo có thể đề ra và thuyết phục quần chúng về một hướng chiến lược lâu dài. Sức sáng tạo và xã hội vẫn năng động nhưng nền chính trị dân chủ có vẻ già cổi sau 200 năm lập quốc.

Nổi ám ảnh cho các nước như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Việt Nam liệu Hoa Kỳ có đủ kiên nhẫn, ý chí và thế lực đương đầu với Trung Quốc ở Thái Bình Dương hay không? Hay cần thêm Úc và Ấn Độ để kết nối thành một vành đai rồi sau đó tìm hậu thuẩn của Mỹ? Trong tất cả các nước này có quốc gia nào không sẳn sàng xé lẻ để hưởng quyền lợi về kinh tế với Trung Quốc? Trong hoàn cảnh Hoa Kỳ bị bỏ xa thành cường quốc hạng nhì thì tương lai và các nền dân chủ Á Châu sẽ đi về đâu?

Riêng về Trung Quốc, Cố Tổng Thống Richard Nixon về cuối đời than rằng “Phải chăng chúng ta đã tạo ra một con quái vật” (We might have created a Frankeinstein[‘s monster]) [7].

NOTES:
[1] Why China’s GDP Growth Rate Tells Us Nothing About Its Economy. Fortune Global Forum, Dec 7, 2017

[2] Nợ tại Trung Quốc là 250% so với Nhật 350%, dân chúng cả hai nước đều có mức tiết kiệm rất cao

[3] Dự trữ ngoại tệ 3500 tỷ USD thấp hơn tổng số nợ 28000 tỷ USD rất nhiều, nhưng có sẽ tạm so sánh như “vốn” nhà nước bảo kê cho nợ. Nhờ đó năm 2016 Trung Quốc dù bị nạn chảy máu ngoại tệ ồ ạt nhưng dân chúng không hốt hoảng rút tiền (bank run).
  
[4] Giáo sư Graham Allison là tác giả quyển Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? (May 30, 2017). Bài viết này dựa trên nhiều dữ kiện rút từ quyển sách bên cạnh những ý kiến riêng của người viết.

[5] Quan điểm nói trên có phần giống như cựu cố vấn chiến lược Steve Bannon nay bị Donald Trump đuổi việc. Ông Bannon tuy cực đoan nhưng lúc nào cũng nhất trí rằng không có gì quan trọng vào thế kỷ 21 hơn cuộc đối đầu Mỹ-Trung, và Hoa Kỳ chỉ còn 5 năm để quyết định trước khi quá muộn. Bắc Hàn, Biển Đông, Putin, Iran, v.v… chỉ là những khúc dạo đầu hay câu chuyện bên lề. Ông Banon to mồm nên bị Donald Trump thất sủng, sau này bị “trục người lớn” McMaster & Cohn thuộc cánh toàn cầu (internationalist) cùng chánh văn phòng John Kelly và rể Jared Kushner hất văng ra khỏi tòa Bạch Ốc.    

[6] Chủ trương dân chủ xã hội (social democracy) gần với cánh đang lên của Thượng Nghị Sĩ Bernie Sander và Elizabeth Warren trong đảng Dân Chủ.

[7] Nixon trong cuộc phỏng vấn với William Safire năm 1994.







No comments: