Tuesday, March 13, 2018

BẢN TIN SÁNG 13/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

30 năm thảm sát Gạc Ma
Một sự kiện lạ cần được ghi nhận, đó là báo “lề phải” năm nay có nhiều bài viết tưởng niệm sự kiện 30 năm Gạc Ma mất vào tay Trung Quốc. Không rõ đây là quyết định của Bộ Chính trị hay của riêng Ban Tuyên giáo, nhưng có thể thấy, những bài báo trong nước viết về sự kiện này năm nay rất nhiều và có vẻ các nhà báo được viết tự do hơn những năm trước.

Trang Nông Nghiệp Việt Nam viết về diễn biến vụ việc đẫm máu cướp đi mạng sống của 64 đồng đội. Cựu binh Lê Minh Thoa kể: Chiều 13/3/1988, khoảng vài chục phút sau khi tàu HQ 604 đến đảo Gạc Ma, phía Trung Quốc bắc loa tuyên bố, đảo này thuộc “chủ quyền” Trung Quốc và yêu cầu lính Việt Nam rời đảo.

Đồ họa: Như ý/ Zing

Đêm hôm ấy, lính Việt Nam cắm cờ trên đảo Gạc Ma, đến sáng 14/3/1988, nhìn thấy lá cờ, phía Trung Quốc liền khai hỏa vào “bức tường người”. Ông Thoa nói thêm: “Quân Trung Quốc không buông tha, chúng triển khai 3 chiếc xuống máy, mỗi xuồng có ba lính Trung Quốc… thấy lính mình bơi trên biển là xả đạn rào rào. Máu loang đỏ cả một vùng biển”.


Trang VietNamNet có bài: Gạc Ma 1988: Công bằng là để cùng tiến bộ. Trong sự kiện Gạc Ma, lính Việt Nam chỉ được trang bị AK-47, chắc chắn không thể chống lại hỏa lực pháo tàu, nhưng họ chấp nhận hy sinh. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi bị bắn đã hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.


Tin Biển Đông
VOA đưa tin: TQ, ASEAN lên kế hoạch tập trận chung để giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng Singapore, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2018, phát biểu tại một cuộc họp hồi tháng 2 rằng, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN “hoan nghênh” ý tưởng tổ chức tập trận hàng hải với Trung Quốc trước khi kết thúc năm 2018.

TS Fabrizio Bozzato, chuyên gia về các vấn đề Đông Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, cho rằng, xác xuất diễn ra tập trận chung Trung Quốc – ASEAN trong năm nay là rất cao: “Lần này, Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước”.

RFI viết: Chiến hạm Pháp thăm Manila trong nỗ lực tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Ngày 12/03/2018, hộ tống hạm của Pháp, Le Vendémiaire ghé cảng Manila, Philippines, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị kéo dài 5 ngày. Chuẩn đô đốc Denis Bertrand nói rằng, chiến hạm Le Vendémiaire tới vùng tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông nhằm góp phần bảo vệ quyền tự do hàng hải.


Người Trung Quốc xấu xí
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Đã tìm được người xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: Cơ quan này đã xác minh được hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc thuyết trình xuyên tạc lịch sử Việt Nam ở bảo tàng Đà Nẵng.

Ông Cường nói thêm: “Hiện chúng tôi đã có đầy đủ cơ sở để kết luận vụ việc. Tuy nhiên, Sở đang cho người này được giải trình theo quy định. Khi có giải trình cụ thể, cơ quan chức năng mới ra hình thức xử lý chính xác. Ngày 14/3, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức đến báo chí”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy bàn về thủ đoạn mới để bắt người hoạt động: Vận dụng tội danh “cố ý gây thương tích”. Về chuyện công an thường bịa ra tội danh để có lý do bắt người đấu tranh, bà Nguyễn Thị Tâm, một dân oan Dương Nội kể lại lời điều tra viên Đỗ Xuân Quảng thừa nhận: “Bọn tao giữ mày làm đ gì. Chẳng qua chính quyền nhờ bên tao giữ hộ chứ mày tội tình đ gì, hôm nào xử sẽ xử án treo rồi về”.

Vụ thầy giáo Vũ Hùng là một trong những người đấu tranh đã bị gán tội “cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, danh tính của người bị thầy Hùng “gây thương tích” đến nay vẫn là… bí mật quốc gia. Kết luận giám định cho biết, người này bị thương… 3%.

Trang Thanh Niên Công Giáo chia sẻ video clip về chuyện “các gia đình tù nhân lương tâm hành hương tại La Vang ngày 11/3/2018”:

Nhóm DLV Việt Vision
Báo Người Việt đưa tin: Nhóm dư luận viên Việt Vision ‘tự giải tán’. Đây là nhóm “chuyên đứng sau các vụ quấy rối các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc và lên án các nhà hoạt động” nhưng vừa “tự giải tán”, nhiều luồng ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, nhóm này đã bị cắt kinh phí hoạt động.

Nhóm Việt Vision từng huy động nhiều thanh niên mặc đồng phục áo thun đỏ đến Hồ Gươm múa hát, xô đẩy, cãi vả với những người muốn tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma ngày 14/3/2015. Lúc ấy, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định rằng, sẽ “xác minh lực lượng dư luận viên tự phát”. Sau đó, các cơ quan chức năng không hề có thêm thông tin gì trong việc “xác minh” này, cho đến lúc Việt Vision tự giải tán.


Vụ án đánh bạc ngàn tỉ
VOA có bài tổng hợp về các tình tiết mới trong ‘vụ đánh bạc triệu đô’. Báo chí trong nước đã được “bật đèn xanh” để viết bài về ông Nguyễn Thanh Hóa. Trong khi đó, VOA cho biết không thể liên lạc được với người thân hay LS của ông Hóa.

VOA dẫn lời LS Nguyễn Thanh Bình: “Vụ này đã có cách đây hàng hơn nửa năm rồi. Nhưng nghe đâu có khá nhiều tướng lĩnh liên quan. Thậm chí còn cao hơn cả tướng Nguyễn Thanh Hoá này. Hơn nữa số tiền thu lợi bất chính vô cùng lớn”.

VTC bàn về vụ tướng công an bảo kê đánh bạc: Khi con sâu bự làm rầu nồi canh. Về lý do tướng Nguyễn Thanh Hóa chấp nhận tiếp tay cho tội phạm tổ chức đánh bạc qua mạng, bài viết cho rằng: “Vì sự im lặng ngậm miệng ăn tiền, vì siêu lợi nhuận đến từ ngành kinh doanh cờ bạc online, vì những đồng bạc kiếm được bằng con đường này, dễ hơn bất cứ con đường nhọc nhằn nào khác”.

Báo Dân Việt có bài: Bắt cựu tướng Công an, sau Tết, “lò” lại nóng. Bài viết thể hiện quan điểm thường thấy từ phe nhóm lò: Chiến dịch “đốt lò” không có vùng cấm. Chuyện “không có vùng cấm” chỉ là nói lấy được và dạng bài như thế chỉ thể hiện yếu tố “dọn đường” cho chiến dịch “đốt lò” và chuyện thanh trừng nội bộ vẫn tiếp diễn.



Vụ Mobifone mua AVG
MobiFone và AVG bàn bạc 6 giờ đồng hồ để hủy bỏ hợp đồng mua bán cổ phần, báo Lao Động đưa tin. “Cuộc họp kéo dài và căng thẳng này có sự chứng kiến của đại diện Bộ Thông tin Truyền thông, các bên liên quan và luật sư”. Mặc dù đây là thỏa thuận giữa hai bên, việc hủy bỏ hợp đồng phải có được ý kiến sau cùng từ các cơ quan quản lý.

Trước đó, vụ Tổng Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của AVG được Ban Bí thư nhận định là “một vụ việc rất nghiêm trọng”. Ngày 8/3/2018, Văn phòng Trung ương Đảng đã ra công văn về chuyện xử lý thương vụ này. Dư luận trên mạng xã hội và các báo “lề trái” cho rằng, nếu phe nhóm lò làm tới cùng vụ mua bán này, sẽ đụng tới bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của “đồng chí X”, một trong những người được lợi nhiều nhất vụ Mobifone mua AVG với giá cao gấp 9 lần giá trị thực.


Các dự án “quả đấm thép”
Kết quả đầu tư ngàn tỷ: Nhiều siêu dự án đắp chiều nợ chục ngàn tỷ, không biết bao giờ trả hết, theo VietNamNet. Trong 12 dự ngàn tỷ vừa thua lỗ vừa “đắp chiếu” của ngành Công thương, có 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được vay vốn đầu tư dài hạn hơn 12.500 tỷ đồng từ VDB và hơn 5.400 tỷ đồng từ Vietinbank. Đến nay, “các dự án của Vinachem còn nợ VDB hơn 8.588 tỷ đồng, nợ Vietinbank hơn 5.036 tỷ đồng”.

Bên cạnh đó, dự án “đắp chiếu” 7.000 tỷ, nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Hải Phòng của Tập đoàn PVN “cũng lâm cảnh tương tự khi nằm bất động từ nhiều năm nay. Khoản nợ gốc và lãi ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ chưa biết ngày nào có thể trả được”.

Danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương. Nguồn: VnMedia/VNN


“Siêu” ủy ban quản lý vốn nhà nước
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: Lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phải không làm tăng biên chế, theo báo Tổ Quốc. Bên cạnh yêu cầu không tạo thêm gánh nặng cho bộ máy, ông Huệ nói thêm: “Uỷ ban là cơ quan trực tiếp thực thi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nên nhân sự phải đảm đương nhiệm vụ được ngay là rất quan trọng, để công việc không bị đình trệ”.

Bài báo cho biết: “Trước mắt, với các chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban, Phó Thủ tướng đưa ra yêu cầu mỗi Phó Chủ tịch có chuyên môn sâu ở mỗi lĩnh vực tương ứng và phải được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ”.


Doanh nghiệp nhà nước phạm luật
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị xử phạt SBIC, VEC, Agribank cùng loạt doanh nghiệp Nhà nước, theo VnEconomy. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước năm 2017, lãnh đạo Bộ KH-ĐT thừa nhận: Có đến 357 doanh nghiệp nhà nước vi phạm quy định công bố thông tin, với một số tên tuổi như Tổng công ty SBIC, Tổng công ty VEC, Ngân hàng Agribank.

Bên cạnh đó, “một số tổng công ty lớn như: Lương thực miền Bắc, Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị, Phát triển đường cao tốc, Cà phê, Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2016”.


Lợi nhuận từ công sản
Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thông tin mới vụ mua nhà công sản giá bèo, bán gấp 43 lần, theo VietNamNet. Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh này khẳng định, hoạt động điều tra về vụ mua bán nhà công sản số 135 Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế, vẫn đang được tiến hành:

“Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến chỉ đạo. Công tác điều tra đang được tiếp tục. Ban chỉ đạo số 5, Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy”.


Chuyện “thái tử đảng”
Trước nghi vấn của dư luận về tiến trình bổ nhiệm “thần tốc” ông Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính tâm tư về chuyện của cậu con trai, theo An Ninh Tiền Tệ. Ông Chính kể rằng ông chỉ muốn con trai về quê làm việc, để tránh điều tiếng rằng con cán bộ thì có điều kiện làm ở Trung ương:

“Trước những tâm tư của các bác hưu trí, là lãnh đạo tỉnh, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Thiện là cán bộ trẻ, học hành bài bản nên bản thân tôi có tư vấn cho con trai về làm việc, phục vụ địa phương”.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: VOV/LĐ.


Hiệp định CPTPP và Việt Nam
RFI có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: CPTPP sẽ thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. Bà Lan cho rằng, hiệp định CPTPP có thể thúc đẩy chính quyền Việt Nam tiến hành chuyển đổi để thật sự chuyển sang nền kinh tế thị trường: “Về mặt cải cách thể chế… cải cách thể chế kinh tế và cải cách thể chế nói chung ở Việt Nam cũng vẫn cần có sự hợp tác với bên ngoài, hoặc là thông qua quá trình hội nhập với bên ngoài”.

Bà Lan nói: “Bây giờ, nếu không có một chuyển đổi thật mạnh mẽ, thật nhất quán, để làm cho Việt Nam vượt lên, thì Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh với thế giới ngày nay”, hiệp định CPTPP có thể thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và bộ máy hành chính ở Việt Nam.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhận định với VnEconomy: “CPTPP là chất kích thích với nền kinh tế Việt Nam”. Ông Phước cho rằng, nỗ lực của Chính phủ để thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt giấy phép để tạo môi trường đầu tư thông thoáng đã “tạo ra động lực lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Việt Nam đã có những bước đi rất mạnh mẽ, rất quyết liệt”.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Mekong cho rằng: “CPTPP chủ yếu mang lại lợi ích cho người giàu!”, theo báo Trí Thức Trẻ. Viện trưởng Phùng Đức Tùng phân tích về mặt trái của CPTPP: “Nếu tính theo chuẩn nghèo của Việt Nam, CPTPP không hề giúp cho người nghèo tăng thu nhập, thậm chí, thu nhập của họ còn giảm đi”.

Theo ông Tùng, người giàu ở Việt Nam là đối tượng được hưởng lợi chủ yếu từ CPTPP: “Chỉ 1% tăng thu nhập của nhóm giàu đã khiến cho thu nhập tăng thêm của họ bằng mức tăng 10% thu nhập của nhóm 20% dân số nghèo nhất ở Việt Nam”.


Phóng viên bị “quặng tặc” hành hung
Công an huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đang xác định nghi can hành hung 2 phóng viên báo Khánh Hòa, theo VOV. Công an huyện này cho biết: “Đã có đối tượng thừa nhận hành vi ngăn cản, hành hung 2 phóng viên của báo Khánh Hòa”khi 2 PV này tìm cách tiếp cận, điều tra chuyện khai thác khoáng sản trái phép ở huyện Khánh Vĩnh.

RFA có bài: Điều tra việc phóng viên bị hành hung. Bài viết lưu ý một chi tiết trong lời kể của PV Thế Anh hầu như không xuất hiện trên các báo trong nước: “Trong nhóm 10 người hành hung anh và đồng nghiệp, anh nhận ra một người là công tác viên xã Khánh Thành”.


Vụ 500 giáo viên bị mất việc
Facebooker Nguyễn Văn Đức viết: Một chính quyền sợ sự thật. Ông Đức đặt câu hỏi: “Vì sao tỉnh Đắk Lắk lại phải huy động công an, dân phòng, bảo vệ ngăn cản nhà báo tác nghiệp thông tin vụ huyện Krong Pak sa thải ồ ạt 600 giáo viên? Vì sao phải cố tình che đậy vụ việc khi nó đã bung bét? Giờ ai chả biết quan chức huyện Krong Pak các nhiệm kỳ trước đã ‘ăn’ từ 100 triệu đến 200 triệu cho 1 suất làm giáo viên hợp đồng với lời hứa làm việc lâu dài, sau đó sẽ được vào biên chế công chức?

Video clip cho thấy sự giằng co hết sức căng thẳng giữa lực lượng công an với người dân:
MỘT CHÍNH QUYỀN SỢ SỰ THẬT
Vì sao tỉnh Đắk Lắk lại phải huy động công an, dân phòng, bảo vệ ngăn cản nhà báo tác nghiệp thông tin vụ huyện Krong Pak sa thải ồ ạt 600 giáo viên?
Vì sao phải cố tình che đậy vụ việc khi nó đã bung bét? Giờ ai chả biết quan chức huyện Krong Pak các nhiệm kỳ trước đã 'ăn' từ 100 triệu đến 200 triệu cho 1 suất làm giáo viên hợp đồng với lời hứa làm việc lâu dài, sau đó sẽ được vào biên chế công chức?

VTV bàn về vụ 500 giáo viên sắp mất việc ở Đăk Lăk: Nước mắt và nỗi lo mất việc của người thầy. Trong bài có đoạn: “Rất nhiều giáo viên trong vụ việc này đã có thâm niên cống hiến trong ngành đến 7 – 8 năm, nay bỗng dưng bị thất nghiệp đã khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn”.

Giáo viên bị mất việc ở Đăk Lăk tố cáo phải chi tiền xin việc, theo VnExpress. Một người dân chia sẻ: “Đầu năm 2016, tôi được người quen giới thiệu với lãnh đạo trường tiểu học để xin cho con gái vào dạy. Người này nói phải chung 120 triệu đồng. Sau ba lần đưa tôi đã chung đủ”. Một thầy giáo cho biết: “Do mức lương thấp nên hai vợ chồng làm đơn xin nghỉ không lương hơn một năm nay, rồi làm đủ thứ nghề để sống”.


***

Tin thế giới

Tin nước Mỹ
VOA có clip: Mỹ cổ súy cho thành công của Châu Á TBD. Bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, có bài phát biểu phản ánh chính sách Mỹ. Bà Thornton nói: “Với 1/3 dân số toàn cầu, 1/3 GDP của cả thế giới, và một số các nền kinh tế lớn và năng động nhất thế giới, rõ ràng khu vực Châu Á TBD sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phồn thịnh của Hoa Kỳ trong tương lai.
Thế nhưng khu vực này đang đối mặt với những thách thức hiện hữu về an ninh và kinh tế. Hoa Kỳ cũng thể hiện rõ mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu ích với Trung Quốc, nhằm kiểm soát và giải quyết những bất đồng. Tuy vậy, Hoa Kỳ sẽ không dung chấp bất kỳ nỗ lực nào muốn thế chỗ Mỹ tại châu Á, hoặc o ép, hoặc bắt nạt các nước trong khu vực…”


Bá quyền Trung Quốc
RFI có bài: Châu Á lo ngại “hoàng đế đỏ Trung Hoa”. Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã không còn che giấu tham vọng đại Hán, khi ở trong nước Tập Cận Bình cho sửa hiến pháp để nắm quyền vĩnh viễn, ngoài nước thì “chủ động tấn công hơn trên trường quốc tế, cứ tấn tới nếu cần thiết, theo kiểu sự đã rồi“.

Dẫn nguồn từ báo Le Figaro, viết về các nước láng giềng của Trung Quốc: “Đó là hình ảnh của Malaysia hay Thái Lan, những nước đã tặng cả thị trường đường sắt cho Bắc Kinh. Cam Bốt, Lào, những nước nhỏ, đã dễ dàng chấp nhận thành vệ tinh của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam kháng cự gay gắt với người hàng xóm khổng lồ thì trở nên lẻ loi trong ASEAN. Còn tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thì đã để Manila ngả về phe Bắc Kinh“.





***












No comments: