Sunday, January 21, 2018

BẢN TIN TỐI 21/1/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Bài cuối trong loạt bài của TS Trần Công Trục trên báo GDVN: Thất thủ Hoàng Sa và bài học đoàn kết Dân tộc, tự lực tự cường, đề cao cảnh giác“Chủ quyền lãnh thổ thường bị ngoại bang xâm lăng khi khối đại đoàn kết dân tộc bị suy giảm”, cho nên Bắc Kinh đã nhân lúc quân Bắc Việt làm suy yếu nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, chỉ vì xung đột tư tưởng, để thâu tóm toàn bộ các đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, bắt đầu mưu đồ bá quyền trên Biển Đông.

Tác giả nói thẳng: “chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn vai trò và sự hy sinh của những chiến binh Việt Nam Cộng hòa đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa”. Tuy nhiên, các lãnh đạo CSVN đã “tri ân” những người chiến sĩ ngã xuống vì chủ quyền ở Hoàng Sa bằng cách huy động an ninh, dân phòng quấy phá trong các dịp tưởng niệm họ.

Báo Đất Việt bình luận: Cho tàu áp sát Scarborough, Mỹ thẳng thừng đáp trả Trung Quốc. Về chuyện tàu khu trục USS Hopper của Mỹ “di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông”, Trung úy Nicole Schwegman, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết: “Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) thông thường và thường xuyên, như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”.

Bà Schwegman nói thêm: “các hoạt động như vậy không phải nhằm vào bất cứ một quốc gia nào, cũng không phải là về tuyên bố chính trị”. Nước Mỹ thực hiện tuần tra FONOP để chứng tỏ cam kết “bảo vệ quyền  tự do đi lại và sử dụng hợp pháp biển cũng như không phận của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế”.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Hopper của Mỹ. Ảnh: ĐV


Chính trường và “lỗi hệ thống”
VTC đưa tin: 57 cán bộ ngành nông nghiệp bị thất lạc bằng cấp 3: Giám đốc Sở ở Quảng Trị nói gì. Trả lời PV, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị thừa nhận: “hàng chục cán bộ của ngành NN&PTNT của tỉnh Quảng Trị bị thất lạc bằng cấp 3”.

Tuy nhiên, ông này không giải thích được lý do tại sao 57 tấm bằng lại cùng nhau… đi lạc như vậy. “Nói họ không có bằng tốt nghiệp cấp 3 là không chính xác vì trong hồ sơ lý lịch của họ vẫn có bằng cấp 3 photo công chứng, có điều là bằng gốc của họ đang bị thất lạc”.

Về chuyện “cả nhà làm quan” ở Hải Phòng: Kỷ luật Bí thư Huyện ủy và 3 cán bộ, theo VTC. Bài viết dẫn lời một cán bộ huyện An Dương cho biết: “Bí thư Huyện ủy An Dương, 2 cán bộ Trưởng ban thuộc Huyện ủy và 1 cán bộ nguyên Trưởng phòng thuộc UBND huyện vừa bị kỷ luật vì sai phạm trong công tác bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ của huyện”.

Chiều 20/1/2018, UBKT Thành ủy Hải Phòng công bố quyết định “thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách” đối với ông Nguyễn Văn Hoàn, Bí thư Huyện ủy An Dương, ông Hoàng Bích, Trưởng BTC Huyện ủy, ông Lưu Văn Tụ, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy An Dương và ông Nguyễn Đình Mác, cựu Trưởng phòng Nội vụ huyện An Dương, vì những sai phạm liên quan đến vụ “cả nhà làm quan”.

Trước đó, đã có tin “6 người trong một gia đình cũng đang làm quan ở huyện An Dương”.  Theo đó, 6 người trong gia đình anh em ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện An Dương “đang làm việc tại các cơ quan quan trọng như UBND huyện, Phòng Kế hoạch tài chính, Phòng Nội vụ, Ban tổ chức Huyện ủy và Huyện đoàn ở huyện An Dương”.

Trang Đời Sống Và Pháp Luật cho biết: Cách chức Phó bí thư huyện ở Hải Phòng vì sai phạm đất đai. Theo kết luận của UBKT Thành ủy Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thông, Phó bí thư Huyện ủy, đã để “xảy ra một số sai phạm trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên và thi công chức”. Ông Thông đã bị cách chức Phó bí thư Huyện ủy An Lão.

Báo Tuổi Trẻ viết: Chống chạy chức, chạy quyền: Trên có nghiêm, dưới mới sạch. Bài viết dẫn lời ông Nguyễn Đình Hương, cựu phó trưởng Ban TCTƯ, thừa nhận: “Chạy chức, chạy quyền giờ không chỉ phổ biến ở trước các kỳ đại hội, mà sau đại hội cũng vẫn diễn ra gần như công khai, trắng trợn. Chạy không còn là vấn nạn nữa mà đang thực sự trở thành phổ biến đối với đất nước và Đảng ta”.  

Ông Hương đặt câu hỏi, mà khó có câu trả lời: “tại sao có nhiều cán bộ bị kỷ luật thế, ngay cả “củi tươi” là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương cũng bị xử lý kỷ luật, bị đưa ra tòa. Nhưng sao cán bộ các cơ quan tổ chức lại chưa thấy có ai bị xử lý?”

GS Jonathan London viết: Giữa tầm nhìn và lạc quan. Tác giả đánh giá tình hình chính trường Việt Nam: “Thời kỳ hiện nay khác ở chỗ đang có những thay đổi nhất định trong giới lãnh đạo và có vẻ một số thay đổi đối với quan hệ giữa Đảng và bộ máy”.


Khoảng lặng giữa “phiên tòa lịch sử”
Báo Dân Trí đưa tin: Ngày mai tuyên án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm. Theo đó, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN, “bị đề nghị 14-15 năm về tội ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.” Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC, “bị đề nghị 13-14 năm tù về tội ‘Cố ý làm trái…’ và chung thân về tội ‘Tham ô tài sản’. Tổng hình phạt là Chung thân”.

Thông Tấn Xã Việt Nam bàn về phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh: “Phiên tòa mẫu” của cải cách tư pháp. Một số dấu ấn của “cải cách tư pháp”: “tranh tụng công khai tại phiên tòa. Các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi theo luật định để những người tham gia tố tụng được trình bày đầy đủ, dân chủ và toàn diện những quan điểm cá nhân”.

Tuy nhiên, bài viết không nói đến yếu tố “kiểm duyệt” trong “phiên tòa lịch sử”“Bố trí cho các nhà báo và công dân theo dõi phiên tòa trong một phòng riêng ở cạnh… Huống gì màn truyền hình phòng bên luôn để chậm chừng 3 phút để sàng lọc, bỏ bớt, giảm thanh, có khi câm tiếng, một kiểu kiểm duyệt rất thô thiển, phản dân chủ”.

Bà Petra Schlagenhauf, luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh, từng bình luận về “phiên tòa lịch sử”: “Không hy vọng phiên toà xử ông Thanh đúng luật”. Tuy các lãnh đạo đã “cải cách” một chút về ngành tư pháp ở Việt Nam, một số thay đổi ở phần ngọn không thể tác động yếu tố phản dân chủ từ trong bản chất.

Báo Đất Việt bàn về ngày tuyên án Đinh La Thăng. Bài viết lưu ý tinh thần “trách nhiệm” của ông Thăng: “quan điểm trình bày, bào chữa xuyên suốt của ông Đinh La Thăng là không nhận tội, chỉ nhận trách nhiệm. Ông Thăng cho rằng ‘quá quyết liệt, nôn nóng’ trong quá trình thực hiện khiến cấp dưới vì vậy mắc sai phạm”.



Báo Dân Việt bình luận: Xử vụ ông Đinh La Thăng: HĐXX có thể ít nhiều bị “ảnh hưởng tâm lý”. Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, bàn về “áp lực tâm lý” của HĐXX:  “Phải nói một điều là ngoài chuyện quan hệ pháp luật còn chuyện tình người. Những bị cáo đứng trước tòa trước đó cũng là đồng chí với nhau chứ không phải kẻ thù của nhau”. Cho nên, “phiên tòa lịch sử” vẫn chỉ là vở kịch, do các “đồng chí” thất thế và các “đồng chí” thừa hành cùng diễn.

Tướng Bộ lưu ý về tính chất “răn đe” của phiên tòa: “Đặc biệt vụ án xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm liên quan đến chức vụ, những người đang có chức vụ có thể sẽ theo dõi để từ đó răn bản thân mình”. Luận điểm này khá tương đồng với ý của GS Carl Thayer bàn về động cơ và tính chất của “phiên tòa lịch sử”.


Gương mặt không đẹp của người Việt
TC Luật Khoa có bài: Từ chuyện SEA Games đến nền chính trị “bánh mì và gánh xiếc”. Bài viết bàn về khái niệm chính trị: “bánh mì và gánh xiếc”, một lý thuyết về chính sách mị dân mà nhà thơ Juvenal dùng để miêu tả về sự sụp đổ của Cộng Hòa La Mã, và vẫn có thể được áp dụng để nhận diện bản chất của các nhà nước toàn trị ngày nay. “‘Bánh mì và gánh xiếc’ là tôn chỉ của những chính phủ có xu hướng cai trị và quản chế hơn là chính phủ do người dân chung tay xây dựng”.

Nhiệm vụ của các định hướng viên ở Việt Nam không nằm ngoài quy luật “bánh mì và gánh xiếc”. “Giá xăng độc quyền đang được dọn đường để tiếp tục tăng, nhưng với một đề tài có quá nhiều rủi ro như thế, dùng hơi sức để bảo vệ hay phê phán mô hình giải trí phổ thông như nhạc Bolero chắc chắn mùi mẫn hơn”. Người Việt giờ không dám tổng đình công, tổng biểu tình để phản đối giá xăng, nhưng họ dám kéo hàng vạn người xuống đường để… ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá.


Chuyện “trồng người” ở Việt Nam
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Chương trình tích hợp Lý – Hóa – Sinh, Sử – Địa có thành lẩu thập cẩm. Về chuyện GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định chuyện tích hợp các môn học có liên quan “là một hình thức giảm tải. Ví dụ, thay vì dạy 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở trung học cơ sở như hiện nay thì chương trình mới tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên”, tác giả nhận định: “Tích hợp là biện pháp giảm tải, khái niệm này chúng tôi mới nghe nói lần đầu”.

Ý tưởng “tích hợp” môn học vẫn không giải quyết được gánh nặng kiến thức đang bào mòn sức khỏe học sinh: “Cho dù có đào tạo chuyên sâu đi nữa, thì việc nhồi bằng ấy kiến thức vào đầu con trẻ cũng là việc bất khả thi, trừ phi các em là siêu nhân”. Vẫn chưa có lộ trình cải cách giáo dục nào đề cập đến tính chất vô bổ và lãng phí thời gian của các môn về chủ nghĩa Marx – Lenin.

Báo Tuổi Trẻ bình luận: Không thể lạc quan tếu với chương trình giáo dục phổ thông. GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, đã yêu cầu: “nhất thiết các trường tiểu học phải đảm bảo dạy tối thiểu 6 buổi/tuần nếu không đủ cơ sở vật chất dạy 2 buổi/ngày (10 buổi/tuần), thực hiện nghiêm túc sĩ số 35 học sinh/lớp với bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp với bậc trung học”. Tuy nhiên, “chỉ với yêu cầu tối thiểu này thôi thì cũng nhiều trường học, nhiều địa phương hiện nay không thực hiện được”.

GS Đỗ Đức Thái, khi bàn về thất bại của mô hình trường học mới VNEN, đã nói: “nếu không coi đây là bài học để rút kinh nghiệm cho chương trình giáo dục phổ thông mới thì chúng ta cũng sẽ vấp phải khó khăn, thậm chí là thất bại”. Những người làm giáo dục càng “cải cách” thì họ càng tạo thêm vấn đề, để học sinh phải hứng chịu hết hậu quả.

Trang Pháp Luật TP HCM viết: Đừng biến kỹ năng sống thành kỹ năng … chết. Nền giáo dục Việt Nam đang dạy kỹ năng sống cho trẻ em theo kiểu… huấn luyện diễn viên đóng thế. “Từ những trò vớ vẩn nhất như tập đi trên miểng chai, học đứng cân bằng trên con lăn… cho đến việc xuất bản hàng loạt những cuốn sách… mà không hề nghĩ rằng khi đưa những giáo trình và bài giảng đạo đức vào thì đã làm cho KNS của trẻ chỉ có từ chết đến bị thương”.


Kiếp làm nông Việt Nam
TB Kinh Tế Sài Gòn bình luận: Xuất khẩu gạo không chắc lạc quan. Về diễn biến xuất khẩu gạo năm 2017, giá gạo tăng vẫn không phải tín hiệu lạc quan cho người nông dân: “giá lúa tăng đã đẩy giá gạo nguyên liệu tăng, khiến gạo của chúng ta không đủ sức cạnh tranh ở thị trường xa”. Trong khi Thái Lan đã tận dụng triệt để sức mua của thị trường gạo ở châu Phi và Trung Đông, thì người Việt lại đứng ngoài.

Theo bài viết, trong năm 2018, giá gạo thế giới chưa chắc tăng cao, bởi vì “xét trên bình diện toàn cầu, tuy thế giới mất mùa lúa, nhưng sản lượng giảm không đáng kể, trong khi kho gạo dự trữ của thế giới lại rất đầy”. Cho nên, “Việt Nam sẽ bị khó chồng khó ngay trong những tháng đầu năm 2018”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Nguyễn Phương Hoa viết: Nhớ Hoàng Bình. Tác giả chia sẻ: “Tôi quen Bình vào khoảng 2014 – 2015, khi ấy em làm kỹ sư xây dựng trong một công ty thuộc Bộ Quốc phòng”. Lúc bước vào con đường đấu tranh, anh Bình chịu rất nhiều áp lực từ lãnh đạo, rồi anh “quyết định bỏ việc dù biết sẽ khó khăn thiệt thòi rất nhiều”.  

“Khi biết sẽ bị tù, Bình bảo: ‘đằng nào cũng đi, thôi thì đi trước khỏi đi sau’, và vẫn cười, vẫn lạc quan như em luôn thế”. Tác giả đánh giá: “Hoàng Bình không lý luận nhiều, em chỉ lặng lẽ hành động, lặng lẽ giúp đỡ bà con, chẳng bao giờ hơn thua với ai”.

Nhà báo Phạm Đoan Trang viết: Vụ ván Hoàng Bình phơi bày một nhà nước làm gì cũng… bí mật. “Nghiệp vụ” của công an Việt Nam: sáng ngày 28/11/2017, vợ anh Nguyễn Nam Phong được cơ quan cảnh sát hình sự tỉnh Nghệ An báo rằng “anh Phong bị bắt tối qua ở xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu) vì tội mua dâm”, đến chiều ngày 29/11, tội của anh Phong từ “mua dâm” chuyển thành… “chống người thi hành công vụ”!?

Tài xế vs BOT
Chiều nay, tài xế ‘thi gan’ với nhân viên, BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp lại náo loạn, báo Tiền Phong đưa tin. Khoảng 15 giờ chiều nay, một số tài xế đã phản đối “bằng cách không mua vé. Nhân viên không mở trạm và hai bên thi nhau “cố thủ” tại hai làn đường gây ra ách tắc”. Tài xế Phạm Thanh Huy chia sẻ: “Chúng tôi đi có 200 mét mà thu phí cả đoạn đường… chúng tôi xin miễn giảm cả hai năm nay rồi”.

Khoảng 16 giờ chiều nay, đến lượt “các tài xế đi hướng Cần Thơ – Hậu Giang bắt đầu ‘nhập cuộc’ phản ứng. Cả 6 làn xe qua trạm theo hai hướng đều tê liệt. Để giảm bớt căng thẳng, thỉnh thoảng nhân viên trạm cho xả một số xe qua rồi tiếp tục thu phí trở lại”.

Báo Người Lao Động cho biết: Bị quay phim, tài xế giật điện thoại của nhân viên trạm BOT T2. Cơ quan CSĐT Công an quận Thốt Nốt đã mời tài xế Lê Thanh Tú đến làm việc về “hành vi giật, chiếm giữ điện thoại của nhân viên trạm thu phí BOT T2”. Ngày 20/1/2018, tài xế Tú đã không mua vé để phản đối trạm BOT T2 vì lý do: “vị trí đặt trạm BOT T2 không hợp lý và giá thu phí lại cao”, và giật điện thoại của một nhân viên trạm BOT này.

Ngày cuối tuần, tài xế tiếp tục phản đối: BOT Sóc Trăng lại liên tiếp xả trạm, theo báo Lao Động. Trong bài có đoạn: “các phương tiện mang BKS 83A-039.31; 83C-027.72; 51B-039.65; 83N-028 liên tục quay đầu, gây kẹt xe kéo dài, buộc trạm thu giá phải xả trạm liên tục”. Công an Sóc Trăng cho biết “đã nắm được tình hình xe liên tục quay vòng tại trạm BOT Sóc Trăng và đang bàn hướng xử lý tiếp theo”.

Báo Zing đưa tin: Xe kéo xuất hiện tại BOT Sóc Trăng. Lãnh đạo BOT Sóc Trăng cho biết “nơi đây đã có danh sách 10 ôtô của một nhà xe ở tỉnh này được cho là thường xuyên xuất hiện tại trạm thu phí kể từ ngày 7/1 đến nay”. Những thông tin này đã được gửi đến Công an tỉnh Sóc Trăng.

Phía công an quyết định triển khai một số phương tiện để tiếp sức cho BOT Sóc Trăng “hút máu” dân: “công an tỉnh này đã đưa xe kéo đậu gần trạm thu phí. Một xe tuần tra của cảnh sát giao thông cũng thường xuyên chạy qua BOT Sóc Trăng để thực hiện việc giải tỏa ùn tắc nếu có tình huống xấu xảy ra”.

Xe kéo của CSGT xuất hiện gần trạm thu phí BOT Sóc Trăng để đối phó với những tài xế muốn phản đối trạm BOT này. Ảnh: Zing



***


Tin quốc tế

Chính phủ Mỹ đóng cửa
Báo Giao Thông dẫn lại nguồn tin từ Huffingtonpost cho biết,  Eric Trump, con trai thứ của TT Donald Trump, khi trả lời cuộc điện thoại ngắn của hãng tin Fox News cho rằng: “đóng cửa chính phủ tạm thời là điều tốt cho chúng ta“.

Eric đưa ra lời bình luận trên, khi đang ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, để chuẩn bị cho bữa tiệc kỷ niệm một năm làm TT của cha ông. Eric Trump nói: “Thành thực mà nói, tôi nghĩ đây là điều tốt cho chúng ta vì mọi người sẽ nhìn thấu nó. Lý do duy nhất đảng Dân chủ muốn đóng cửa chính phủ là làm xao nhãng và ngăn cản đà tiến lên của Tổng thống“. Những lời ca ngợi “có cánh” của được Eric dùng để nói về cha, TT Trump: “[cha tôi là] người làm việc chăm chỉ nhất mà tôi từng gặp trong cuộc đời“.

Với việc Trump đổ lỗi cho đảng Dân chủ, trong việc chính phủ đóng cửa, Thượng Nghị sĩ Tammy Duckworth, cựu trung tá phi công, người anh hùng chiến tranh, đã đáp trả TT Trump về sự đổ thừa bậy bạ. Bà Tammy Duckworth viết trên Twitter: “Tôi sẽ không để bị dạy đời về những gì quân đội của chúng ta cần, bởi một tay láu cá đã năm lần trì hoãn chuyện quân dịch“. Việc này nhằm nói đến việc Trump giả vờ bị bệnh gai xương để trốn đi lính 5 lần khi còn trẻ.


Kỷ niệm một năm Trump lên làm Tổng thống
VOA có bài tổng hợp: Một năm làm TT, Trump tự tạo nên hiện thực của riêng mình. Bài viết đặt ra câu hỏi: Đâu là sự thật trong phát biểu của TT? Và cho biết: Đây là những chỉ dẫn cho bạn, khi nhắc đến những lời nói “không biết đâu mà lần” của ông Trump. Với ngụ ý rằng, “TT Trump nói dối nhiều quá, bài viết dưới đây sẽ chỉ cho bạn biết ông ấy nói thật khi nào”.

Những thống kế được tác giả liệt kê để minh chứng cho việc Trump nói dối “ở một tầm vóc khác“, bao gồm: Chính sách thuế mới; những hứa hẹn về việc các nhà máy, việc làm, tiền bạc “sẽ đổ vào Mỹ”. Những cảnh tượng “u ám” về nước Mỹ mà ông nói trước khi làm TT đến giờ vẫn chưa thấy sáng sủa hơn, chứ thực ra, nó có vẻ u ám hơn. Hàng loạt những lời nói dối, việc làm không giống TT, những chính sách ngược đời của Trump cũng được liệt kê khá đầy đủ và chi tiết.

Bài viết trên VOA có đoạn: “Các vị tổng thống khác cũng bóp méo sự thật, George W. Bush về nguyên cớ cho cuộc chiến tranh Iraq, Barack Obama về những lợi ích của ‘Obamacare’, nhưng ông Trump lại ở một tầm vóc khác“. Hay “Những phát biểu sai trái và phóng đại vẫn không ngừng tuôn ra từ tài khoản Twitter“cho thấy mức độ ngao ngán của tác giả cũng như dân Mỹ về vị TT lập dị này.

Báo Công Lý có bài: Biểu tình ở Mỹ lan rộng sau một năm cầm quyền “thảm họa” của Tổng thống Trump. Trong 2 ngày qua, đúng dịp kỷ niệm 1 năm nhậm chức của Trump, hàng triệu phụ nữ đã xuống đường để tuần hành, nhằm phản đối các chính sách của chính quyền TT Trump, đồng thời ủng hộ phong trào chống tấn công và quấy rối tình dục.

Các cuộc tuần hành của phụ nữ diễn ra ở nhiều thành phố. Theo bài viết, những người biểu tình cho rằng, năm cầm quyền đầu tiên của TT Trump là “thảm họa”. Phản đối các chính sách, nhắc nhở TT bớt tweet, tránh trở thành con rối của Putin. Rất nhiều những thứ được người biểu tình nhắm vào chính phủ của ông Donald Trump.

Cũng nhìn nhận lại 1 năm cầm quyền của ông Trump, trên báo Người Việt có bài: Một vị tổng thống muốn chia rẽ. Tác giả đưa ra và phân tích hàng loạt chính sách của TT Trump trong năm vừa qua, từ đối nội đến đối ngoại. Bài viết cho rằng, toàn bộ những chính sách đó đều khiến nội bộ nước Mỹ bị chia rẽ, hoặc gây chia rẽ nước Mỹ với thế giới.


Tin Trung Quốc
Trước việc Mỹ công bố Chiến lược Quốc phòng, trong đó chỉ đích danh Trung Quốc và Nga “nguy hiểm hơn khủng bố”. Trước các cáo buộc là “kẻ chuyên đi gây hấn, bắt nạt” từ phía Mỹ, Bắc Kinh đã chính thức lên tiếng phản bác. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cáo buộc: Mỹ mang ‘tư duy chiến tranh lạnh’.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng “những kẻ xúi giục quân sự hóa biển Đông là ‘những quốc gia khác’ dường như không muốn chứng kiến hòa bình trong khu vực“. Trong khi, chính Trung Quốc là nước quân sự hóa và hung hăng nhất trong việc chiếm đóng, cải tạo, hay các đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Trên báo Đất Việt có bài: Chùy sát thủ bí mật của Trung Quốc. Theo bài viết, mới đây Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập quân sự với quân đỏ giả định là PLA, quân xanh được bố trí theo quân đội Mỹ. và PLA phải thừa nhận, Trung Quốc sẽ thua nếu đối đầu với quân đội Mỹ.

Để khắc phục sự yếu kém này, Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí làm tê liệt hoặc vượt qua các công nghệ mà Mỹ sử dụng trong quân đội. Những vũ khí, công nghệ mới này, Trung Quốc gọi là chùy sát thủ. Theo bài viết, chùy sát thủ rẻ hơn các loại tàu sân bay, máy bay chiến đấu đa dụng, sẽ tạo cho Trung Quốc lợi thế so với các cường quốc, nhằm phục vụ mục tiêu bá quyền của nước này.


Căng thẳng Trung Đông
Các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại người Kurd đang được triển khai rầm rộ. Theo đó, ngày 20/1, không quân, pháo binh của Thổ đã trút hỏa lực dữ dội đánh người Kurd Syria. Các cuộc không kích, pháo kích này nhằm vào lực lượng Dân quân người Kurd ( YPG), tại khu vực Afrin.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây Thổ Nhĩ Kỳ còn cảnh báo sẽ mở chiến dịch tấn công trên bộ ở miền Bắc Syria. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, đưa ra lời cảnh báo trên ngày 20/1 tại một cuộc họp báo. Theo ông Yildirim, chiến dịch quân sự mang tên “Nhành Ôliu” nhằm vào người Kurd ở Afrin, Bắc Syria, với mục đích chống khủ bố.

Trong khi đó, Chính phủ Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động “xâm lược” Afrin. Chính phủ Syria lên án “hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin”, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng YPG ở Syria. Các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây còn làm cho nhiều người lo ngại:  Nhiều nước tham gia lò lửa xung đột ở Afrin.


Tình hình Triều Tiên
Theo báo Lao Động, đoàn tiền trạm của Triều Tiên đã có mặt tại Hàn Quốc. Đoàn gồm 7 thành viên, do bà Hyon Song-wol, trưởng nhóm nhạc Moranbong của Triều Tiên dẫn đầu. Đoàn tiền trạm của Bắc Hàn sẽ đi khảo sát các địa điểm khai mạc và thi đầu của Thế vận hội Mùa đông.


***












No comments: