Tuesday, January 31, 2017

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, NGÃ BA ĐƯỜNG LỊCH SỬ - KỲ 3 (FB Lang Anh)





Chính sách dân tộc và chủ nghĩa bành trướng của Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay vừa là một nguy cơ sinh tồn nhưng cũng đồng thời là bình tiếp oxy hà hơi cho Đảng Cộng Sản Việt Nam. Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng lại là sự thật.

Đất nước Trung Quốc quá lớn, quá đông dân và quá phức tạp. Trong nhiều thiên niên kỷ, người Trung Quốc tồn tại bằng các cuộc chiến tranh xâm lược nối tiếp nhau. Văn hoá của họ được xây dựng trên nền tảng của lối tư duy nô dịch. Vì thế hầu như khó có thể có cơ may nào cho Trung Quốc chuyển hoá sang một thể chế dân chủ trong hoà bình trong ít nhất 30 năm tới. Do đặc tính dân tộc và tính phức tạp của đất nước này, những người cộng sản ở Trung Quốc hiện nay đối diện với nguy cơ bị tàn sát hàng loạt nếu họ để mất dây cương. Riêng cá nhân tôi cho rằng nếu biến động xã hội xảy ra ở Trung Quốc, nó sẽ khiến đất nước này bị chia nhỏ làm nhiều phần. Đó sẽ là câu chuyện trong một tương lai xa. Còn hiện tại, với tư cách là một đại cường, Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều giải pháp để duy trì sự tồn tại của mình hơn là Việt Nam. Nguy cơ Trung Quốc tiến hành các cuộc chiến tranh quy mô nhỏ trong khoảng 10 năm tới là rất cao, và nó sẽ là một công cụ mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc vận dụng thường xuyên để đánh lạc hướng và xoa dịu các bất ổn chính trị trong nước. Có thể thấy rõ điều đó qua các phát ngôn ngày càng kiên quyết của Tập Cận Bình về các vùng lãnh thổ tranh chấp. Đó không phải là vấn đề quyền lợi quốc gia, nó giống một chiếc phao cứu sinh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong bối cảnh ngày một mất dần tính chính danh trước xu thế thời đại. Chế độ cộng sản ở Trung Quốc rồi sẽ kết thúc, nhưng nó sẽ không chết một mình trước khi gây ra những tổn thương sâu sắc cho phần còn lại của thế giới và cho chính người dân Trung Quốc. Thế giới cần ý thức rất rõ về điều này.

Là một nước có đường biên hàng ngàn km với Trung Quốc và có một quan hệ lịch sử phức tạp với dấu ấn nổi trội là chiến tranh, quan hệ giữa hai chế độ cầm quyền hiện nay ở Trung Quốc và Việt Nam rất phức tạp. Một mặt, họ luôn giống nhau, trước đây là vì ý thức hệ cộng sản cổ điển, giờ đây là sự tương đồng về mô hình cai trị tham nhũng độc tài. Điều đó khiến chế độ cộng sản tại TQ và Việt Nam luôn có nhu cầu tìm đến nhau như những đồng minh thiên nhiên trong bối cảnh thế giới coi họ là những tồn tại khuyết tật của lịch sử. Mặt khác, do là những đại diện cầm quyền tại hai quốc gia giáp giới với những lợi ích đối kháng nhau về lãnh thổ, khiến hai chế độ cầm quyền này không thể không có những va chạm đôi khi đẫm máu. Ở đây tôi muốn dừng lại một chút để nói về những cuộc chiến tranh giành độc lập của Việt Nam trong thế kỷ trước mà Đảng Cộng Sản vẫn luôn dựa vào đó để đề cao tính chính danh của mình. Chính điều này sẽ giải thích đầy đủ cho mối liên kết bất thường giữa chế độ cộng sản tại Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.

Là người truyền bá các học thuyết cộng sản vào Việt Nam, nhưng ông Hồ Chí Minh chưa bao giờ là một người cộng sản đúng nghĩa. Tất cả các trước tác ông ta để lại đều cho thấy khó có thể nói ông Hồ am hiểu sâu các tư tưởng của Marx và Engels. Tôi thậm chí tin rằng cả cuộc đời mình chưa bao giờ ông Hồ đọc hết bộ Tư Bản Luận. Trong hồi ức được thuật lại, chính ông Hồ thừa nhận rằng ông ta đến với chủ nghĩa cộng sản chỉ vì đọc được luận cương "Dân tộc và thuộc địa" của Lenin, trong đó có đề cập đến việc xây dựng một liên minh cộng sản để giải phóng giai cấp và giải phóng các nước thuộc địa. Chủ nghĩa yêu nước là thứ đã thôi thúc ông Hồ, cho đến khi ông ta tiếp cận các lý thuyết cộng sản. Việt Nam có một lịch sử lập quốc hơn 2000 năm, trải qua vô số cuộc chiến tranh chống xâm lược. Chủ nghĩa yêu nước là một giá trị cốt lõi luôn hiện diện trong huyết quản người Việt. Sự tồn tại của lòng yêu nước vốn độc lập với các lý thuyết cộng sản. Những người lính đã chiến đấu ở miền Bắc và cả những người lính đã chiến đấu để bảo vệ miền Nam, tôi tin rằng họ đều được thôi thúc bởi lòng yêu nước, vốn được truyền đời qua nhiều thế hệ. Họ đứng ở hai phía khác nhau vì những giá trị quan khác nhau và do sự chi phối của những người cầm đầu. Cuộc chiến ấy miền Bắc đã thắng. Nguyên nhân đã được phân tích rất kỹ càng bởi giới sử gia đông tây, tôi sẽ không lặp lại. Nếu cần có một nhận xét về sự kiện thống nhất 30/04/1975, tôi có thể nói thế này: "Một xã hội văn minh hơn đã bị đè bẹp bởi một xã hội dã man hơn". Sức mạnh quân sự không phải lúc nào cũng đi kèm với trình độ văn minh, ví dụ cho điều đó trong lịch sử đã có rất nhiều. Ví dụ như cuộc xâm lược khắp Á Âu của đội quân du mục của Thành Cát Tư Hãn với những quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật và văn minh tiên tiến hơn nhiều. Riêng với Việt Nam, 30 năm sau ngày 30/04/1975, đất nước quay lại với những nền tảng căn bản mà người Việt Nam đã đạt được ở miền Nam trước năm 1975, một sự tụt lùi sâu sắc của lịch sử.

Có 4 triệu người đã chết trong cuộc chiến giành độc lập và thống nhất ở Việt Nam. Hầu hết những người lính đã hy sinh ở Điện Biên Phủ, ở Khe Sanh, ở Nam Lào và ở những cung rừng hẻo lánh Trường Sơn đều không phải là đảng viên cộng sản. Họ chiến đấu thuần tuý vì lòng yêu nước. Thậm chí ngay cả những người được kết nạp Đảng tại mặt trận lúc đó, họ cũng chẳng dính dáng hay hiểu gì về các tư tưởng cộng sản. Những người lính ấy đã chiến đấu và chết vì một lý do duy nhất là lòng yêu nước. Chính ở đây là một sự nhập nhèm của những người cộng sản. Lòng yêu nước đã làm nên chiến thắng 30/04/1975 chứ không phải chủ nghĩa cộng sản. Và bản thân lòng yêu nước thì đã luôn hiện diện ở Việt Nam trước, trong và sau khi những lý thuyết cộng sản đến đất nước này. Tôi tin rằng dù có hay không những người cộng sản ở Việt Nam thì đất nước cũng vẫn cứ giành được độc lập bằng cách này hay cách khác, dù là theo lối chiến tranh hay hoà bình, vì người Việt sẽ luôn không ngừng đòi hỏi nền độc lập. Trên thực tế, hầu hết các nước thuộc địa trên thế giới sau này đều đạt được độc lập mà chỉ số ít phải dùng tới chiến tranh. Và vấn đề chính ở đây là những người cộng sản đã tìm cách đánh đồng chủ nghĩa cộng sản (vốn là một thứ ngoại lai) với chủ nghĩa yêu nước (là thứ luôn sẵn có), và quy toàn bộ công lao giải phóng đất nước cho chủ thuyết của họ.

Mượn sức mạnh của lòng yêu nước để đạt được quyền lực và thiết lập được chế độ cai trị, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam đánh cắp luôn chiến thắng ấy bằng cách ghi quyền cai trị của họ vào hiến pháp sau ngày thống nhất. Xương máu và tổn thất thuộc về toàn bộ người Việt Nam, nhưng thắng lợi thì chỉ thuộc về mình Đảng Cộng Sản. Trên thế giới hiện nay, có lẽ cũng chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là ghi áp đặt quyền cai trị của một Đảng cầm quyền vào hiến pháp. Người dân Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập, đổi lại là một sự cai trị áp đặt của Đảng cộng sản. Hơn 40 năm qua, họ chẳng có cơ hội lựa chọn nào khác. Đây là một trong những bi kịch lịch sử cay đắng nhất của người Việt.

Tuy nhiên, chúng ta cần công bằng với lịch sử. Tôi tin rằng ông Hồ Chí Minh và những người cộng sản đời đầu đều là những người yêu nước. Chỉ có điều họ đã nhanh chóng đặt Đảng lên trên đất nước ngay khi giành được chiến thắng. Và di sản mà họ để lại đã gây tai họa cho lịch sử đất nước trong nhiều chục năm sau này.

Chế độ cầm quyền hiện nay kế thừa di sản của những người cộng sản đời đầu. Họ hiểu rất rõ là người dân Việt Nam sẽ không chấp nhận bất cứ một chế độ cai trị nào làm tổn hại độc lập hay chủ quyền quốc gia. Và chính đây là lý do dẫn đến mối quan hệ rất phức tạp giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc. Một mặt thì Đảng cộng sản Việt Nam luôn có lý do để xích gần Trung Quốc, khi họ là những thứ tồn tại bị thế giới coi là dị dạng, họ có nhu cầu xiết chặt tay nhau. Đó là lý do ông Nguyễn Văn Linh tìm cách bắt tay với TQ bằng mọi giá ở hội nghị Thành Đô, khi hàng loạt chế độ cộng sản trên thế giới sụp đổ. Mặt khác, chế độ Việt Nam không thể không đối đầu với Trung Quốc khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Đây chính là lý do mà chủ quyền Việt Nam cứ từng bước bị tổn thất bởi Trung Quốc trong hơn 30 năm qua, khi bản thân Đảng cầm quyền luôn bị giằng xé giữa việc xích gần kẻ xâm lược và sức ép bảo vệ chủ quyền đến từ phía người dân.

Chủ nghĩa bành trướng hiện là một cứu cánh để kéo dài thời gian cái trị của chế độ cộng sản Trung Quốc, nó khiến chế độ cộng sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ lớn nếu để mất chủ quyền. Tuy nhiên cũng chính sức ép này hiện là một trong những công cụ tuyên truyền của chế độ Việt Nam, theo đó quyền cai trị của họ cần được giữ nguyên nếu không đất nước sẽ bất ổn và bị thôn tính. Tôi sẽ quay trở lại câu chuyện về luận điệu tuyên truyền này ở phần kế tiếp.


*






'DƯỚI CHÂN TƯỢNG BÁC" (Phạm Khắc Trung - Danlambao)





Năm lớp Đệ Nhất, lọt vào nhóm bạn chúng tôi một anh phét lác trời thần ông địa tên Dương Quang Hiệp. Gặp ai Hiệp cũng bô bô khoe rằng ba anh đang làm đại sứ ở nước ngoài. Hễ có mặt là Lê Trung Tín lại bẻ Hiệp ngay đơ: 

- Thằng nói láo như vẹm! Ba mày đang làm đại sứ ở Mỹ Tho thì có, mỗi ngày ổng chèo du thuyền dạo quanh thăm kinh rạch cho biết sự tình!

Tín biết tửng gia đình nhà Hiệp làm cu cậu sượng trân, mặt tần ngần như gà mắc tóc, vậy mà tật cũ không bỏ, hôm sau lại thi thố phét lác như thường. Được cái là tính tình Hiệp rất tốt, bụng để ngoài da, chơi với bạn rất nhiệt tình và hiếu bạn, nên bạn bè cũng không ghét bỏ chi Hiệp, chỉ ưa chọc ghẹo cái tính phét lác của Hiệp thôi.

Một sáng vô lớp, Hiệp hí hửng mời cả nhóm tan học về buổi trưa ghé nhà Hiệp ăn cháo huyết. Tín nheo mắt hỏi đểu: 

- Bộ hôm qua má mày trúng nhiều mối lắm sao hôm nay muốn đãi tụi tao?

Cả bọn nhao nháo cười làm mấy cô ngồi bàn dẫy bên trố mắt thắc mắc. Cô bạn ngồi gần, cùng hàng khác dẫy, cách tôi cái lối đi chật hẹp, khều tôi hỏi nhỏ: 

- Hiệp mời ăn cháo có gì đâu mà cười?

Tôi nhịn cười giải thích: 

- Bạn có nghe Tín hỏi Hiệp rằng, "Bộ hôm qua má mày trúng nhiều mối lắm sao hôm nay muốn đãi tụi tao" không? Nhà Hiệp là bảo sanh viện, nó mời ăn cháo huyết thì ông nội ai dám ghé tới ăn?

Cô bạn sượng sùng nguýt mắt lườm tôi, rồi cong môi bảo: 

- Gớm! Mấy ông nói năng phát khiếp!

Rồi nàng quay qua cười khúc khích và thuật lại lời giải thích của tôi cho Mai và Hoàng nghe. Cả lớp 12B2 chỉ có 3 bàn con gái ngồi đầu dẫy giữa, các cô chụm đầu vào nghe Mai và Hoàng thuật chuyện cười bên đám con trai xong, cả thảy mấy cô cùng gục mặt xuống bàn rúc rích cười, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn trộm Hiệp... 

Nhà Hiệp trên Bến Vân Đồn, muốn vào trong nhà phải băng qua một hành lang dài, hai bên là dẫy phòng bà đẻ. Cửa ra vào mỗi phòng chỉ che bằng tấm màn vải bông, hễ có người nằm thì phủ xuống, còn không có người nằm thì vắt lên thành cửa. Bởi vậy nên bạn bè ai cũng ngại không muốn ghé thăm, mặc dù Hiệp luôn vồn vã mời. Hiệp cũng biết vậy nên luôn mồm ao ước, phải chi có tiền Hiệp sẽ tậu riêng một căn nhà để bạn bè có chỗ dừng chân... Thỉnh thoảng đi chơi chung Tín lại châm chọc: 

- Tối nay kéo nhau về nhà Hiệp ngủ, mỗi đứa chiếm một phòng riêng!

Thành cười hô hố bổ túc thêm: 

- Có cả lò than sưởi ấm nữa!

Hiệp là con trai độc nhất nên được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, Hiệp lập gia đình rất sớm. Tín tung tin đồn trong lớp rằng gia đình Hiệp làm ăn thua lỗ mắc nợ không trả nổi, nên đem gả Hiệp để cấn nợ. Lúc đầu Hiệp cũng chửi thề, sau thấy vui nên Hiệp nhe răng nhận mình bị ép duyên trả nợ làm tin đồn của Tín hết áp phê. Vợ Hiệp dân quê miệt vườn dưới tỉnh, con gái chủ ghe bạn làm ăn chung với ba Hiệp, cô rất hiền thục và biết coi trọng bạn bè chồng. Trong nhà đóng cửa ăn hiếp chồng ra sao thì tôi không biết, nhưng có mặt chúng tôi thì cô cư xử ra dáng người vợ đảm đang, biết thu vén trong ngoài, nói năng mềm mỏng, không làm thẹn mặt chồng mình.

Mới học được vài tháng thì Hiệp làm đám cưới vào bữa cuối tuần, rồi vẫn tiếp tục đi học như thường lệ. Sáng hôm sau ngày cưới, vô trường Hiệp làm mặt trịnh trọng, báo cho Tín hay gia đình vợ mua cho vợ chồng Hiệp căn nhà hai tầng ở ngay bờ kinh Bến Vân Đồn, cách bảo sanh viện của mẹ Hiệp khoảng hơn cây số. Hôm nay Hiệp nghỉ học đi sang tên chủ quyền, rồi hai đứa xì xào bàn tán, rằng từ nay sẽ có chỗ cho bạn bè hò hẹn, vui vầy... Trước khi ra về, Hiệp làm mặt nghiêm trọng thốt: 

- Chuyện quan trọng lắm nhưng tao phải đi gấp, thôi để thằng Tín kể lại tụi bay nghe!

Thế là Hiệp đã trao gươm cho tướng cướp, đợi Hiệp đi khuất rồi, Tín mới thong thả kể với chúng bạn rằng: 

- Mặt thằng Hiệp hôm nay trông kém dzui, tao mới hỏi là mới cưới dzợ sao mặt mày buồn so dzậy? Nó thở dài kể rằng đêm qua sau lúc động phòng, nó quen thói mới móc bóp đưa vợ nó tờ năm trăm. Tao bèn hỏi, "Dzậy chắc dzợ mày buồn dữ?" Nó chửi thề bảo, "Nếu nó buồn thì tao đâu có buồn, đàng này nó thối tao lại hai trăm mới nói!”

Mặc dù Tín phịa chuyện tếu cho vui nhưng 300 đồng tiền VNCH cho một lần "đi khách" những năm đầu thập niên 70 là sự thật.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, về tình trạng mại dâm tại Việt Nam hiện nay: "Từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực, gái mại dâm không còn bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội mà chỉ bị phạt hành chính với số tiền rất nhỏ (100−300 ngàn đồng). Biện pháp xử lý quá nhẹ khiến số lượng người bán dâm ngày càng tăng. Lãnh đạo Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh nhận định: "Tình trạng "bắt rồi lại thả" này đã làm gia tăng mại dâm; khi bị bắt quả tang gái mại dâm sẵn sàng nộp phạt rồi sau đó tiếp tục hoạt động bình thường, thậm chí công khai. Thu nhập bình quân của gái mại dâm khoảng 10 triệu đồng/tháng, gái gọi cao cấp tới 150 triệu đồng/tháng, phạt tiền 300 ngàn đồng thì chẳng bõ bèn gì. Nếu số tiền nộp phạt lớn, gái bán dâm sẽ tăng giá, không ảnh hưởng đến túi tiền(1)". Một gái bán dâm không che giấu: "Sau một thời gian làm nhân viên phục vụ cho các quán ăn, vừa mệt lại không có tiền nhiều, nghe lời mấy đứa bạn bảo làm gái vừa sướng vừa có tiền nên em theo. Lúc mới vào nghề phải lén lén lút lút, sợ công an bắt giam, giờ chỉ bị phạt hành chính thì chẳng còn gì phải sợ nữa… Tính ra, một ngày em có thể tiếp đến 10 khách, mỗi lượt cũng được 200,000-300,000 đồng thì nộp phạt cũng chẳng đáng là bao". 

Như vậy, để đơn giản, mình chọn 250 ngàn đồng làm giá trung bình cho một lần "đi khách" hiện thời để so sánh. Thế nhưng sau 30/04/1975, Việt cộng đã tiến hành 3 đợt đổi tiền:

Đổi tiền đợt 1, ngày 22/09/1975, với 500 đồng VNCH = 1 đồng giải phóng (còn gọi là tiền Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam). Theo quy định, mỗi gia đình chỉ được đổi 100 ngàn đồng VNCH ra 200 đồng giải phóng, số tiền trên mức ấn định do nhà nước thu giữ. Hối suất lúc đó 1USA = 1 đồng giải phóng (CHMNVN).

Đổi tiền đợt 2, thống nhất cả nước, ngày 03/05/1978: Từ sông Bến Hải đổ ra Bắc, 1 đồng NHNN cũ = 1 đồng NHNN mới; từ sông Bến Hải đổ vào Nam, 0.8 đồng giải phóng = 1 đồng NHNN mới. Kèm quy định:

Đối với dân thành thị: Giới hạn 100 đồng cho hộ 1 người, 200 đồng cho hộ 2 người, hộ trên 2 người thì từ người thứ ba trở lên được đổi 50 đồng/người, nhưng mỗi hộ chỉ được đổi tối đa là 500 đồng. Số tiền trên mức quy định phải ký thác vào ngân hàng, và phải chứng minh được rằng số tiền ấy kiếm được bằng sức lao động, khi cần dùng có lý do chính đáng như ma chay... thì được rút ra theo giới hạn quy định.

Đối với vùng nông thôn: Giới hạn 50 đồng cho hộ 1 người, 100 đồng cho hộ 2 người, hộ trên 2 người thì từ người thứ ba trở lên được đổi 30 đồng/người, tối đa là 300 đồng cho mỗi hộ. Giống quy định ở thành thị, số tiền trên mức quy định phải ký thác vào ngân hàng, và phải chứng minh được rằng số tiền ấy kiếm được bằng sức lao động, khi cần dùng có lý do chính đáng như ma chay... thì được rút ra theo giới hạn quy định.

Đổi tiền đợt 3, ngày 14/09/1985, 10 đồng NHNN cũ ăn 1 đồng NHNN mới được áp dụng cho cả nước.

Cho nên mình phải quy tiền "đi khách" của năm 1973 và 2017 ra đơn vị chung là đôla để so sánh cho được chính xác.

Theo trang quangdieu09.blogspot.ca thì Hoa Kỳ viện trợ cho VNCH năm 1973 theo bình quân đầu người là 25.06 đôla hay 12,377.96 đồng VNCH, nên quy ra hối suất lúc đó là VNCH$493.93/đôla. So ra, 300 đồng VNCH tương đương với 0.61 đôla.

Với tỷ giá chuyển khoản ngoại tệ của VietinBank, ngày 27/01/2017 là VN$22,580/đôla, thì 250 ngàn đồng VN tương đương với 11.07 đôla.

Nghĩa là giá "đi khách" từ năm 1973 so với năm 2017 đã tăng: (11.07 ÷ 0.61) = 18.15 lần (đt 1).

Lấy vàng làm bản vị để so sánh lạm phát trong các thời điểm khác nhau, thì theo "Gold Prices 200 years History", giá 1 Oz vàng năm 2017 là 1,192.30 đôla, so với năm 1973 là 106.48 đôla, tăng (mức lạm phát): (1,192.30 ÷ 106.48) = 11.20 lần (đt 2).

So sánh đẳng thức (1) và (2), thì rõ ràng giá "đi khách" của XHCN ta so với VNCH tăng (18.15 − 11.20) = 6.95 lần nhiều hơn mức độ lạm phát trong cùng mức thời gian là 45 năm. 

Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (trích):

"Khảo sát của Bộ Lao động thương binh xã hội cho biết, năm 2012, tần suất bán dâm trung bình của mỗi gái mại dâm là 60 lần/tháng, riêng Hải Phòng là 187 lần/tháng (162 lần cho khách lạ và 25 lần cho khách quen), và thu nhập trung bình của gái mại dâm đạt 10,6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ khác, cao gấp 2,5 lần thu nhập trung bình của nhóm 20% người có thu nhập cao ở Việt Nam. Mức thu nhập cao đã lôi cuốn ngày càng nhiều phụ nữ tham gia bán dâm. 

Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng khoa nhân học, Trường Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: "Một hiện tượng mới trong xã hội phát triển là hình thành một tầng lớp mới gọi là "đại gia". Họ giàu có nhờ những nguồn này nguồn khác, kể cả lao động hay bất chính; từ đó, nảy sinh nhu cầu mua dâm "chân dài". Đáp ứng lại điều đó, một số người mẫu, diễn viên, sinh viên (gọi nôm na là "chân dài") hình thành các nhóm bán dâm cao cấp, do tham tiền bạc, đạo đức xuống cấp đã sẵn sàng bán mình để lấy nguồn tiền lớn từ túi "đại gia". Vì thế, không chỉ phạt gái bán dâm, mà còn phải xử phạt thật nặng những người đi mua dâm nói chung và những người mua dâm thuộc tầng lớp "đại gia" nói riêng".

Theo ông Tô Văn Huệ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội, hầu hết những cơ sở nghi là có hoạt động mại dâm, đều nằm dưới sự bảo lãnh của những nhân vật có "uy" với địa phương. Chính vì thế nhiều khi chỉ bằng một cú điện thoại cũng có thể ngăn bước các cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm tra.

Bà Lê Thị Hà, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, cho biết cả nước hiện có hơn 20.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Tuy nhiên cách quản lý những cơ sở này bị buông lỏng, nhất là tại những thành phố lớn. "Chẳng hạn ngay ở TP.HCM, nhiều nơi siết chặt cấp giấy phép cơ sở kinh doanh nhạy cảm song nhiều nơi lại cấp phép tràn lan khó quản lý". 

Thời gian gần đây, gái mại dâm hoạt động tinh vi hơn. Nhiều gái mại dâm là lưu động, không nằm trong đường dây lớn mà tự hoạt động theo kiểu đơn lẻ hoặc theo nhóm 2−3 người, không ở trong nhà chứa hoặc đứng đường mà tự quảng cáo, chào mời trên các trang web đen ở Internet hoặc điện thoại di động. Những đối tượng này rao bán dâm trên mạng, tung thông tin, hình ảnh, số điện thoại hoặc sử dụng nickname để chatsex với sự hỗ trợ của webcam. Sau khi móc nối với khách và xác minh đúng "mật khẩu", gái mại dâm sẽ cho khách địa chỉ hoặc sẽ đi đến địa chỉ của khách. Ngoài ra, hoạt động mại dâm theo phương thức gái bao theo tour du lịch đang gia tăng". (ngưng trích)

Với từng đó ưu điểm, "đội quân tóc dài" đã không ngừng phát triển và đạt tiêu chuẩn: "Dưới chân tượng Bác, đĩ nhiều hơn dân!"

Hèn chi mà ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không lấy làm hãnh diện: "Nhìn tổng quát, đất nước ta có bao giờ được thế này không?" 



(*) Té ra gái bán dâm đã vận dụng thông thạo chủ trương và đường lối của đảng và nhà nước ta một cách hữu hiệu!