Friday, July 14, 2017

BẢN TIN NGÀY 15/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Tạp chí The National Interest có bài viết: Ba sĩ quan Hải quân TQ tiết lộ điều mà TQ muốn làm trên Biển Đông, nói về bài “Khủng hoảng quân sự trên Biển Đông: đánh giá, phân tích và đáp trả“, của 3 sĩ quan TQ là ông Jin Jing, một nhà nghiên cứu, thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải TQ, hai sĩ quan chỉ huy là Xu Hui và Wang Ning thuộc Hạm đội Nam hải của Hải quân Trung Quốc. Báo Tiền Phong có bài tóm lược: Rò rỉ tài liệu nội bộ tiết lộ tính toán của Trung Quốc trên biển Đông.

Còn đây là bài dịch của Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, từ bài trích trong cuốn sách của GS Katherine Morton, Giám đốc và là giáo sư chương trình nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, Đại học Sheffield, Anh: Tham vọng của Trung Quốc về vấn đề biển Đông: Một trật tự hàng hải hợp pháp liệu có khả thi?

Cũng chuyện Biển Đông, BBC có bài: Indonesia đổi tên một phần Biển Đông, TQ phản đối. Indonesia tuyên bố đổi tên khu vực biển phía bắc, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước họ, thành Biển Bắc Natuna. Vùng biển này nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Bắc Kinh đã vẽ và đã bị TQ phản đối. Ông Cảnh Sảng, phát ngôn BNG Trung Quốc lên tiếng: “Tôi thấy rằng việc một số quốc gia làm cái việc được gọi là ‘đặt lại tên’ là chuyện hoàn toàn vô nghĩa, không có ích cho các nỗ lực chuẩn hóa các địa danh“.

Chi tiền để bóp nghẹt nhân quyền ở Việt Nam?
Trong bản tin hôm qua, báo Tiếng Dân có giới thiệu bài viết của ông Greg Rushford: Bàn tay vô hình của Hà Nội, tiết lộ chuyện Hà Nội đã bí mật chi tiền trong 5 năm qua, để thao túng CSIS, một ‘think tank’ có uy tín ở Washington như thế nào. Bài viết có nói về việc ông Trần Trường Thủy, một quan chức của Học viện Ngoại giao, đã gây sức ép với CSIS, không cho đại sứ Trung Quốc, Thôi Thiên Khải phát biểu tại hội thảo năm ngoái ra sao.

Cũng chuyện CSIS bị Hà Nội thao túng, báo Người Việt có bài: Chỉ trích Hà Nội vi phạm nhân quyền, GS Thayer không được CSIS mời diễn thuyết?“. Bài báo cho biết, GS Carl Thayer, một diễn giả có uy tín trên phạm vi quốc tế, thường xuyên có mặt tại hội nghị này hàng năm, cho biết trên Facebook, rằng năm nay ông không được mời tham dự Hội thảo Biển Đông do CSIS tổ chức ngày 18/7 sắp tới.

GS Carl Thayers tại một hội nghị Biển Đông do CSIS tổ chức trước đây. Ảnh: internet

Khi được hỏi lý do, ông cho biết như sau: “Cũng có giải thích là tôi đã làm phật lòng một giới chức cao cấp vì một lý do nào không rõ. Tôi đoán có lẽ là vì bài diễn văn của tôi về ‘Vấn Đề Biển Đông và Nhân Quyền tại Việt Nam’ trong buổi hội thảo của Cộng Đồng Người Việt tại Úc, vào tháng Sáu năm 2016“.

Cảm tưởng của ông về việc này, ông Carl Thayer nói: “Tôi không rõ Việt Nam sẽ được gì, nhưng tôi thì đã mất niềm tin vào cả CSIS lẫn Học Viện Ngoại Giao Việt Nam”.

Có một chi tiết không đúng trên báo Người Việt, viết rằng bài ‘How Hanoi’s Hidden Hand Helps Shape a Think Tank’s Agenda in Washington’ “phổ biến ngày 11 tháng Bảy, 2016“. Thật ra bài viết này, ông Greg Rushford đưa lên mạng ngày 11/7/2017.

Tự do báo chí ở VN giống như “con tự do”!
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cho biết, UBTV Quốc hội ‘Không hạn chế báo chí, chỉ hạn chế thời gian‘. Một kiểu ngụy biện mà ông TTK Quốc hội cho mọi người thấy rõ “tự do báo chí” ở xứ ta không khác gì con “tự do“ của ông Hạnh Phúc: “Chúng tôi không hạn chế báo chí mà chỉ hạn chế về thời gian. Báo chí vào 5 phút đầu, sau đó để cho các đại biểu thảo luận và tiếp cận thông tin qua thông cáo báo chí“.

Và cái gọi là “không hạn chế báo chí” của ông Nguyễn Hạnh Phúc, chẳng khác nào ông dùng “con tự do” đập vào mặt báo chí xứ này, cũng chính là đập vào mặt cái UBTV Quốc hội của ông, bởi các ĐBQH của ông cũng đã từng ca tụng báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng: Báo chí là một bộ phận không thể tách rời của hoạt động ‘nghị trường’.

Những ai đã từng đọc tác phẩm “Trại súc vât” của George Orwell hẳn còn nhớ một số điều răn: “Loài vật không được giết hại lẫn nhau”, “mọi con vật sinh ra đều bình đẳng”… Nhưng khi kẻ độc tài Napoleon cướp ngôi, chúng đã lén thêm vào những điều răn trên thành “Loài vật không được giết hại lẫn nhau nếu không có lý do” và “Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng nhưng có một số con bình đẳng hơn những con khác“. Nói chuyện với báo giới. nhưng dường như ông Phúc nghĩ rằng mình đang nói chuyện với những con vật trong trại súc vật của George Orwell.

Còn đây là 5 phút của báo chí qua biếm họa của họa sĩ Lê Anh Phong:

Bộ Tài – Môi cũng bắt chước UBTV Quốc hội?
Bắt đầu xuất hiện dấu hiệu “học tập và làm theo” UBTV Quốc hội: Bộ Tài nguyên không cho báo chí dự hội nghị sơ kết 6 tháng, khi hội nghị sơ kết này trở thành phiên họp “kín”, phóng viên báo chí được mời đi chỗ khác chơi!

Không dám cho báo chí tham dự, Bộ Tài – Môi tưởng rằng có thể thoát, nhưng mà xem ông thứ trưởng bộ này đang bị cư dân mạng chửi, liên quan tới chuyện ông cho rằng 1 triệu m3 chất thải đổ xuống biển là ‘vật chất’: “Nói như vậy thì cứt cũng là một dạng vật chất, người dân làm một xe đến đổ vào nhà ông thứ trưởng bộ Tài Môi Nguyễn Linh Ngọc xem có ảnh hưởng gì không nhỉ?

Facebooker Thiều Quang Thắng kiến nghị: “Tôi xin kiến nghị nhấn chìm ông Nguyễn Linh Ngọc xuống biển Hòn Cau vì một môi trường biển trong sạch và để cho bầu không khí cũng trong sạch, không xu uế“.

Chuyện ông thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nói xạo, khẳng định dưới đáy biển nơi đổ chất thải, chỉ toàn cát, trong khi dưới đó là thảm thực vật, san hô, nhà báo Ngô Nguyệt Hữu lên tiếng: “Họ lại càng cho thấy họ lươn lẹo để đạt được mục đích ra sao. Trắng đen đã rõ, vẫn dám mở miệng nói đã làm rất kỹ, rất trách nhiệm. Họ nói mà không chịu mở mắt nhìn, nói mà không cần biết điều mình nói đang bị vạch mặt ra sao? Thiệt là cái miệng của quan nhân hệt như cái hôi mắm tôm trong truyện cười dân gian vậy!“.

Còn nhà báo Bạch Hoàn nhận xét: “Ăn cắp cả tương lai của con cháu, ăn cắp cả tương lai của dân tộc, là khốn nạn vô sỉ nhất, tuyệt đối không thể dung thứ“.

Chắc do không chịu đựng nổi thái độ vô trách nhiệm của Bộ Tài – Môi cũng như chính quyền tỉnh Bình Thuận, mà báo Infonet của bộ 4T đã phản ứng: Nhận chìm triệu tấn chất thải: Nói không tác động biển là “cả vú lấp miệng em”!

Hôm qua, 13 tổ chức đã gửi kiến nghị gửi tới các lãnh đạo đảng và nhà nước, yêu cầu dừng đổ chất thải của nhà máy Vĩnh Tân, cũng như đưa ra báo cáo đánh giá tác động môi trường… Kính mời quý độc giả bấm vào đây ký tên.

Cũng chuyện môi trường biển miền Trung, Bộ TN-MT đã công bố kết quả, môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, sau một năm xảy ra sự cố Formosa, làm cá chết hàng loạt, hiện “đã an toàn“. Kết luận nêu rõ: “Như vậy, sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, kết quả quan trắc, giám sát cho thấy đã ổn định, môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (bao gồm nước biển và trầm tích biển) đã an toàn đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước”.

Và phải thưa ngài Thủ tướng, không còn nghi ngờ gì, cuộc sống người dân miền Trung chưa thể trở lại bình thườngđược đâu ạ.

Tưởng niệm những người lính ngã xuống trong cuộc chiến chống quân TQ xâm lược
Theo tường thuật của báo Zing, hàng ngàn cựu binh đã thực hiện cuộc hành quân về chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang vào dịp giỗ trận của sư đoàn 356, tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh. Nơi đây được cho là có hơn 4.000 bộ đội đã chết, trong đó có hơn 2.000 liệt sĩ, hài cốt vẫn còn đang nằm lại trên chiến trường xưa.

Chỉ tính riêng ngày 12/7/1984, có hơn 1.000 bộ đội Việt Nam thuộc các Sư đoàn 312, 316, 356… đã hy sinh, trong đó có hơn 600 người thuộc Sư đoàn 356. Cho nên ngày 12/7 hàng năm được các cựu binh Sư đoàn 356 xem là ngày giỗ trận.

Trong khi đó, “đồng đội” của báo Zing thì đang “dâng hương các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ” hướng về…Trường Sơn.

Ai đã phá những hố chôn liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất?
Về việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ trong hố chôn tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhà báo Nguyễn Thông có bài Kẻ đại gian đại ác. Tác giả cho rằng, có bàn tay của ai đó đã cố tình muốn xóa sạch dấu vết, để những người chiến sĩ vô danh kia nằm trong đất lạnh hơn nửa thế kỷ “không nén nhang, không hương khói, không vòng hoa tưởng niệm; để nhiều gia đình hàng mấy chục năm trời ngóng chờ tin tức con em mình“.

Vị trí được cho là hố chôn tập các chiến sỹ hy sinh chưa được xác định. Ảnh tư liệu: Xuân Thắng

Tác giả nêu thắc mắc: “Ai (những ai) đã ra lệnh, đã phá 2 tấm bia mộ đánh dấu mộ tập thể chôn cất hàng trăm liệt sĩ kia. Họ phá đi để làm gì, liệu có phải nhằm xóa một dấu tích không lấy gì hay lắm đối với họ?

Đất quốc phòng của ai?
Báo Zing có bài phóng sự ảnh: Những dự án nghìn tỷ từng là đất quốc phòng ở TP.HCM, điểm lại một loạt các dự án nghìn tỷ, từng là đất quốc phòng ở Sài Gòn. Câu hỏi đặt ra là Bộ quốc phòng có được phép chuyển đổi mục đích sử dụng như vậy hay không, nếu không thì ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Chuyện biệt phủ của quan ngày nay vs tài sản vua chúa ngày xưa
Báo Dân Việt kể lại chuyện xưa: Tin tức Biệt phủ Yên Bái và câu chuyện 2 chỉ vàng của ông Phạm Văn Đồng. Bài báo kể chuyện ông Phạm Văn Đồng làm thủ tướng 32 năm nhưng không có đủ tiền để mua chiếc nhẫn 2 chỉ vàng tặng con dâu khi con trai cưới vợ.

Bài báo cũng kể về tài sản của những vị vua cuối cùng của triều Nguyễn như sau: “Vua Khải Định khi truyền ngôi cho Bảo Đại, ông chỉ bàn giao cho người kế vị có 16.000 m2 tư điền tức cũng chỉ xêm xêm khu đất của vị giám đốc sở ở Yên Bái… Khi chính quyền Ngô Đình Diệm kê biên tài sản của gia đình vua Bảo Đại, số đất đai chỉ có vậy. Hèn nào khi thái tử Bảo Ân vượt biên sang Pháp, ông đã không có đủ tiền làm bia mộ cho vua cha. Ông đã phải đi vận động bè bạn, người thân mới có đủ tiền lo cho cha mình tấm bia đặt trên mộ.“.

Trong bài có chi tiết không đúng, “thái tử Bảo Ân vượt biên sang Pháp” thật ra Bảo Ân chỉ là hoàng tử, con trai Út của vua Bảo Đại, ông không vượt biên sang Pháp, mà được gia đình vợ bảo lãnh qua Mỹ từ năm 1992, sống ở quận Cam, California.

Cuộc sống cuối đời của vua Bảo Đại và con cái ông khó khăn, túng thiếu, nhưng chuyện sau khi chết, ông không có được tấm bia trên mộ, không phải vì không có đủ tiền, mà do người vợ cuối cùng của ông là bà Monique Baudot cản trở, không cho làm bia mộ. Cuối cùng, người con trai út Bảo Ân đã đứng ra thực hiện việc làm bia mộ cho vua cha, nhưng do cuộc sống khốn khó, ông đã phải nhận sự quyên góp giúp đỡ của một số người.

Phóng viên Huy Phương của báo Người Việt có loạt bài viết về hoàng tử Bảo Ân, trang Khám phá Huế đã đăng lại nhưng không ghi nguồn từ Người Việt: Hoàng Tử Bảo Ân “Mệ Bửu Ân” – Con trai út của Vua Bảo Đại.

Ngoài chi tiết sai kể trên, những chi tiết khác như vua Bảo Đại bị chính quyền Ngô Đình Diệm truất phế năm 1955 và bị tịch biên tài sản, lúc đó chỉ có tài sản riêng của vua Khải Định để lại là khu đất An Ðịnh Cung, rộng 16,584 m2, đều đúng.

Đó là chuyện ngày xưa khi vua chúa chưa có Đảng, nên tài sản chỉ có thế. Còn ngày nay, nếu mấy ông vua sống dậy, được đảng lãnh đạo … thì cũng đã khác rồi, không nghèo như thế đâu!

Gương điển hình “học tập và làm theo” lại lên sóng!
Câu chuyện về tấm gương điển hình Hồ Xuân Mãn đã từng ba năm miệt mài “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để nhận được danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, vẫn chưa kết thúc. Báo Phụ nữ có bài: Nguyên Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Hồ Xuân Mãn chưa từng được kết nạp đảng?

Ông Hồ Xuân Mãn, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, một tấm gương điển hình của “học tập và làm theo”. Ảnh: VNN

Sau khi bị tước danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân gần 3 năm trước, ông Hồ Xuân Mãn, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, lại bị 25 cựu chiến binh gửi thư tố cáo tới lên trung ương, yêu cầu làm rõ việc ông Mãn có được kết nạp đảng hay không. Bài báo cho biết, “liên tục từ năm 2015 đến nay, họ đã gửi 230 lá đơn yêu cầu các cơ quan trung ương kiểm tra, trả lời, nhiều người đã ra đến Hà Nội kiến nghị, nhưng không nhận được hồi đáp“.
Để hiểu thêm về tấm gương điển hình “học tập và làm theo” này, kính mời bà con đọc lại những bài viết cũ: Những điều ông Hồ Xuân Mãn học từ ông Hồ Chí Minh? (RFA). Đất cố đô có “vua” (Quê Choa). – Đạo đức = Suy thoái – (Điển hình + Tấm gương) (Đồng Phụng Việt). – Vụ “Anh hùng khai man thành tích”: Tố cáo đúng sự thật (TT).

Tin quốc tế

TT Trump cho nhà báo Trung Quốc đặt câu hỏi, thay vì nhà báo Mỹ
Hôm qua, trong buổi họp báo chung với TT Pháp Emmanuel Macron, TT Mỹ Donald Trump đã phá vỡ nguyên tắc truyền thống, không cho phóng viên Mỹ đặt câu hỏi trước, mà cho nhà báo Trung Quốc, là phóng viên “Phoenix TV of China”, báo Washington Post đưa tin. Báo Người Việt có bài tóm dịch: TT Trump cho nhà báo Trung Quốc thay vì Mỹ đặt câu hỏi.

TT Mỹ Donald Trump và TT Pháp Emmanuel Macron họp báo hôm 13/7/2017. Ảnh: internet

Phác họa vẽ ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà của nghệ sĩ Badiucao

Cựu tổng thống Peru bị tạm giam
VOA đưa tin, hôm qua tòa án Peru đã ra lệnh bắt giữ cựu tổng thống Ollanta Humala và vợ ông là bà Nadine Heredia, để điều tra tội tham nhũng.
Thẩm phán Peru đã ra lệnh bắt giam cặp vợ chồng này, sau khi công tố viên German Juarez cho rằng vợ chồng cựu tổng thống âm mưu trốn khỏi Peru để lẩn trốn pháp luật, cũng như gây cản trở cho cuộc điều tra hai người trong gần 3 năm qua.




No comments: