Tuesday, November 3, 2015

Làm gì để khắc phục vấn nạn 'bằng thật, học vấn giả'? (Nguyễn Tiến Dũng)






Nguyễn Tiến Dũng 
11:24 | 03/11/2015

Chất lượng đào tạo các bậc đại học và sau đại học (ĐH-SĐH) ở Việt Nam luôn là một vấn đề nóng trong suốt nhiều năm qua. Đầu ra của các bậc đào tạo chưa đáp ứng được sự trông đợi của xã hội, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của các lĩnh vực thuộc nền kinh tế quốc dân... là những câu chuyện được bàn luận trên rất nhiều diễn đàn ở các cấp độ khác nhau.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang, giảng viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, xung quanh những bất cập đang tồn tại trong hệ thống đào tạo ĐH-SĐH tại Việt Nam và giải pháp cải cách thực trạng này.

Những nhược điểm căn bản

PV: Lâu nay chúng ta vẫn thường chứng kiến không ít sự thất vọng đối với chất lượng đầu ra của các bậc đào tạo đại học và sau đại học ở trong nước, cho dù sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài học thường không thua kém gì các sinh viên quốc tế. Là một nhà giáo trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo này nhiều năm, xin GS cho biết đánh giá của mình?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Trước hết, tôi cho rằng tình trạng “bằng thật, học vấn giả” vẫn đang là một vấn nạn ở tầm cỡ quốc gia, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước cho dù Nhà nước, thông qua Bộ Giáo dục & Đào tạo, cũng đã có nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng đó.
Thực trạng đào tạo ĐH-SĐH hiện nay có quá nhiều bất cập và đó chính là nguyên nhân tác động tiêu cực tới chất lượng đào tạo ở mọi bậc ĐH. Để có thể nâng cao chất lượng đào tạo, bắt buộc ta phải loại bỏ các bất cập đó trong một nỗ lực cải cách thực sự ở cấp hạ tầng cơ sở (cấp trường, cấp bộ môn), song hành với các giải pháp thượng tầng (trao quyền tự chủ) đã bàn lâu nay. Có thể phải luật hóa yêu cầu cải cách cấp hạ tầng, bởi nếu không, sẽ có nhiều trường không thực sự biết bắt đầu từ đâu với quyền tự chủ được trao, sẽ xuất hiện tình trạng “trăm hoa đua nở”. Cần phải tạo nên một khuôn khổ hợp lý cho việc thực thi tự chủ.

PV: Người ta vẫn thường kêu ca và đổ lỗi cho cơ chế, chính sách vĩ mô, còn ông thì ngược lại. Liệu "luật hóa" việc cải cách ở cấp hạ tầng cơ sở đào tạo là nhà trường và bộ môn (BM) có phải là cách giải quyết tận gốc rễ vấn đề chất lượng, thưa GS?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Cho đến thời điểm hiện tại, một điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là dường như trong tất cả các diễn đàn bàn về chất lượng đào tạo ĐH và các biện pháp cải thiện, đều mới bàn tới các biện pháp mang tính vĩ mô. Ta có thể điểm qua vài nhóm biện pháp như: nâng cao quyền tự chủ cho các trường ĐH về tài chính hay tuyển sinh đầu vào, chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ, du nhập các chương trình đào tạo của nước ngoài, liên kết đào tạo với nước ngoài v.v…
Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ là các điều kiện cần thiết chứ không phải điều kiện tiên quyết đối với chất lượng đào tạo ĐH. Làm nên chất lượng đào tạo là các trường, hay chính xác hơn đó là các BM, nơi đại diện về chuyên môn trong quá trình đào tạo của trường. Cấp BM chính là cấp có ý nghĩa quyết định tới chất lượng đào tạo. Ta có thể nói rằng cấp BM là cấp “tế bào” của “thực thể đào tạo ĐH”. Đây là nơi thầy và trò trực tiếp cùng nhau làm nên “sản phẩm” kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ cung cấp cho xã hội. Vậy mà bấy lâu nay ta chưa bàn gì tới điều gì cần thay đổi ở cấp này.
Tóm lại, chúng ta phải phân tích thực trạng đào tạo ĐH ở tầng vi mô là cấp trường, cấp BM để từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết tận gốc rễ vấn đề chất lượng. Thậm chí, một cuộc cải cách liên quan tới cấp này sẽ là không tránh khỏi.

PV: Được biết, là giảng viên của trường ĐH công nghệ lớn nhất cả nước - ĐH Bách Khoa Hà Nội, đồng thời GS có quan hệ hợp tác và từng giảng dạy tại nhiều trường ĐH ở các địa phương khác như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, GS có thể chỉ ra những nhược điểm căn bản làm yếu “tế bào” của bậc đào tạo này là gì?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Tôi đã trăn trở với câu hỏi này nhiều năm và có thể “chốt” thành một số vấn đề căn cốt nhất, đó là: Tổ chức giảng dạy vẫn theo phương thức của cuối thế kỷ trước; cấu trúc nhân sự thuộc BM không hợp lý; cơ sở vật chất thiếu và yếu, lại còn bị phân tán; nội dung giảng dạy không cập nhật; phương thức hình thành đội ngũ GS.PGS thiếu hợp lý; việc kéo dài tuổi phục vụ của thầy chưa thể mang lại hiệu quả và cuối cùng là lương cán bộ giảng viên không xứng đáng với đóng góp của họ cho xã hội.

PV: Nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cho rằng sinh viên ra trường đều phải đào tạo lại mới có thể làm việc được. Các trường hẳn biết rõ điều này, song không khắc phục được những nhược điểm đó, thưa GS?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Các trường ĐH hiện nay cơ bản đều tổ chức giảng dạy theo một phương thức giống nhau. Đó là, sinh viên của cùng một chuyên ngành được chia nhỏ thành nhiều lớp. Phương thức này không khác nhiều so với thời điểm cách đây gần 60 năm (năm 1956), khi ĐH Bách Khoa Hà Nội được thành lập.
Phương thức này có nhiều nhược điểm làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo như: Trình độ, nhận thức của các thầy khác nhau nên sinh viên hoàn thành môn học với kiến thức không đồng đều, mặc dù họ cùng học một môn. Các giảng viên trẻ, những người đang ở giai đoạn cần đầu tư thời gian và năng lực sáng tạo để nâng cao trình độ khoa học, thì suốt ngày phải lao vào đi dạy, không còn thời gian nghiên cứu khoa học (NCKH). Cộng thêm với nỗi lo vật chất cho cuộc sống hằng ngày càng khiến cho trình độ của họ ngày một đi xuống so với khi nhận tấm bằng tiến sĩ. Vậy họ lấy đâu ra kiến thức mới để cập nhật bài giảng, làm sao chất lượng đào tạo có thể tốt cho được? Trường ĐH thường sa vào vòng xoáy kinh niên: Luôn thiếu giảng viên, luôn thiếu tiền để thanh toán vượt giờ, thậm chí thiếu cả lớp để dạy học.
Về cách tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự hiện nay cũng rất bất hợp lý, thực chất không chọn được người có uy tín chuyên môn cao nhất; nhân lực NCKH không có cơ hội đổi mới tư duy và định hướng. Nhiều BM có chuyên môn gần như bao trùm một ngành với phổ môn học và phổ lĩnh vực KH khá rộng, dẫn đến thiếu tính chuyên sâu. Trong khi đó, việc giảng dậy và NCKH với chuyên môn đủ hẹp lại là điều kiện tiên quyết để đào tạo được các nhà KH, các thầy cô có trình độ chuyên sâu cao.
Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ĐH thì trang thiết bị thí nghiệm rất thiếu, đa phần không theo kịp với sự phát triển chung của khoa học - công nghệ (KHCN), dẫn đến nhiều môn học được dậy chay. Thiếu hệ thống giảng đường lớn để tạo điều kiện cho SV được nghe bài giảng từ các GS.PGS đầu ngành. Rất hiếm trường cung cấp được đầy đủ phòng làm việc với các trang bị cần thiết phục vụ công tác đào tạo và NCKH của các cán bộ.
Nội dung giảng dạy vẫn luôn là một vấn đề tồn tại lớn ảnh hưởng xấu tới chất lượng sinh viên, song do cấu trúc nhân sự không hợp lý dẫn đến nhiều người tham gia giảng dậy khá “bình đẳng” một môn học, việc truyền tải đầy đủ nội dung quy định trong giáo trình nhiều khi không được bảo đảm. Nhiều trường hợp, giao viên thiếu khả năng nắm bắt kịp yêu cầu mới cao hơn của bậc học, đội ngũ giáo viên chịu tải giảng dạy quá nặng, phần NCKH gần như không có, trình độ không được nâng cao, việc giảng bài trên cơ sở các giáo trình cũ kỹ không phải là chuyện hiếm. Tiếc rằng cho đến nay chưa có một cơ chế nào cho phép kiểm tra điều này.

“Thay máu” nghiên cứu khoa học

PV: Vậy theo GS, nguyên tắc nào có thể coi là một nỗ lực cải cách thực sự ở bậc đào tạo ĐH-SĐH nhằm có được một đầu ra chất lượng cao?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Quan sát kỹ cách tổ chức đào tạo và NCKH tại các trường ĐH lớn ở nước ngoài, ta có thể tóm gọn nguyên tắc thực hiện của họ trong cụm từ “tập trung”.
Ý nghĩa của nguyên tắc này, một là “tập trung trình độ”: Sinh viên luôn phải được tạo cơ hội để nghe người có trình độ chuyên môn cao nhất giảng dạy. Hai là “tập trung trách nhiệm”: Trách nhiệm đào tạo (giảng dậy, hướng dẫn luận văn Cao học hay luận án Tiến sĩ) luôn thuộc về người có trình độ chuyên môn cao nhất. Ba là “tập trung sức trẻ để NCKH”: Sức sáng tạo của cán bộ trẻ phải được tập trung chủ yếu vào NCKH để qua đó họ trưởng thành. Bốn là “tập trung năng lực chuyên môn sâu”: Cấp BM là cấp tập trung uy tín cao nhất có thể của một lĩnh vực chuyên môn sâu với phổ môn học và phổ vấn đề KH đủ hẹp. Với cách tổ chức như vậy, để đào tạo được một chuyên ngành, mỗi BM chỉ nên đóng góp trong phạm vi 4-5 môn học (bắt buộc, tự chọn) là hợp lý. Và cuối cùng là “tập trung cơ sở vật chất”: Thay vì xây trường thuần túy với các phòng học nhỏ, cần có kế hoạch hình thành hệ thống giảng đường lớn. Hệ thống phòng thí nghiệm bố trí theo phổ chuyên môn rộng, cần được đầu tư hẹp hơn và có chuyên môn sâu hơn.

PV: Để nguyên tắc “tập trung” như GS vừa đưa ra có thể được thực thi hiệu quả, hẳn phải có những biện pháp mang tính đồng bộ, những trăn trở của ông nhiều năm qua về vấn đề này như thế nào thưa GS?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Trong một nỗ lực cải cách chung, tôi cho rằng cần phải thực hiện những biện pháp sau: Thứ nhất là thay đổi tổ chức nhân sự của cấp BM. Cần nghiên cứu hình thành các BM có chuyên môn sâu; cần xác định chỉ tiêu GS-PGS cho từng BM, xác định số lượng và vai trò của các thành viên còn lại thuộc BM, hạn chế số thành viên cơ hữu ở mức tối thiểu, gia tăng số thành viên không cơ hữu để mở ra cơ hội “thay máu NCKH”, hạn chế việc tư duy KH đi theo lối mòn, đồng thời kích thích - phát huy sáng tạo tại BM.
Thứ hai là, thay đổi phương thức tổ chức giảng dạy. Cần tổ chức giảng dạy không theo lớp mà theo môn học, tổ chức seminar, làm thí nghiệm hay chữa bài tập theo nhóm nhỏ, tăng cường đầu tư xây dựng giảng đường lớn, quy hoạch lại hệ thống phòng thí nghiệm.
Thứ ba là, phải sửa quy trình bổ nhiệm và xác định lại vai trò của GS.PGS. Cần phải khẳng định việc bổ nhiệm GS.PGS là để phục vụ đào tạo; cần thay đổi quan niệm và cách chấm điểm NCKH; Nhà nước chỉ xét đạt tiêu chuẩn và phân chỉ tiêu GS-PGS cho trường bổ nhiệm chức danh; cần khẳng định phải là GS-PGS mới có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Hệ quả lôgic của quy trình bổ nhiệm GS-PGS nói trên là đội ngũ các nhà KH hàng đầu, đủ khả năng đào tạo các nhà KH kế cận, các TS. Theo các quy định hiện hành của Việt Nam, chỉ cần là TS cũng có thể được phép nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh. Điều kiện duy nhất là họ phải có bằng ít nhất đã quá 3 năm và không được phép độc lập hướng dẫn. Khỏi phải bình luận nhiều về hậu quả của quy định này. Đành rằng ở Việt Nam có những ngành đặc thù, rất hiếm GS.PGS, vì vậy các nhà quản lý đã phải “gỡ khó” bằng quy định cho phép TS đào tạo TS. Tuy nhiên, thay vì xác định cụ thể những ngành được “hưởng quy chế đặc biệt” đó thì Bộ GD&ĐT lại cho phép vận dụng đại trà, kể cả những ngành KHCN.

Mơ hồ tự chủ - kinh phí nghèo nàn

PV: Ngày 24-10-2014 Chính phủ đã cụ thể hóa vấn đề tăng quyền tự chủ của trường ĐH và thầy trong nghiên cứu và giảng dạy bằng việc ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP “Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017”, GS đánh giá tác động của Nghị quyết này ra sao?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Nghị quyết này mang tính chất đột phá tích cực. Tuy nhiên, không khó để thấy rằng, nghị quyết đó chỉ có thể thực sự mang lại hiệu quả xã hội, hiệu quả nâng cao chất lượng đào tạo khi nó được ban hành trong khuôn khổ của một nỗ lực “cải cách mang tính hệ thống”. Nhiều quy định trong đó rất đúng về nguyên tắc, nhưng còn khá mơ hồ, có thể gây nên tình trạng mỗi trường hiểu và thực hiện một phách, không góp phần định hướng chung để tạo nên một nền đào tạo ĐH-SĐH có chất lượng cao.
Có thể khẳng định rằng: Chỉ một cuộc cải cách mang tính hệ thống và kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp mới có thể tạo ra một khuôn khổ bền vững để các trường phát huy trí tuệ sáng tạo và thực thi hiệu quả “quyền tự chủ” của mình theo Nghị quyết 77.

PV: Được biết, tại các nước phát triển, một phần rất lớn kinh phí NCKH của các trường có nguồn gốc từ các doanh nghiệp, theo GS, cần làm gì để khích lệ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu - phát triển vào các trường ĐH?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Điều này xảy ra nhờ có nỗ lực từ 2 phía: Doanh nghiệp cần giải quyết các vấn đề nẩy sinh trong nhu cầu NC-PT sản phẩm mới của doanh nghiệp, còn nhà KH đi tìm nguồn kinh phí phục vụ NCKH và đào tạo của bản thân. Ở Việt Nam, nhà KH của các trường ĐH đến với doanh nghiệp duy nhất trên cơ sở các hợp đồng kinh tế, giải quyết bài toán kinh tế của hai bên đối tác, vấn đề KH chỉ là thứ yếu. Vấn đề KH chỉ thực sự được đặt ra đối với các đề tài NCKH các cấp với nguồn kinh phí rất hạn hẹp từ ngân sách. Cần phải làm sao để kích thích các nhà KH đang công tác tại trường ĐH đi tìm kinh phí từ các doanh nghiệp và ngược lại cũng khuyến khích các doanh nghiệp rót tiền về trường ĐH để giải quyết các khó khăn khi nghiên cứu - phát triển sản phẩm mới của mình. Không làm được điều này là một sự lãng phí nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp. Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc giải phóng sức sáng tạo của các nhà KH trẻ khỏi các công việc giảng dậy hiện tại, tập trung vào NCKH, đồng thời tăng nguồn thu nhập cho họ.
Nhà nước cần có chính sách công nhận công trình phục vụ doanh nghiệp cũng là công trình NCKH đồng thời giảm hoặc miễn thuế cho doanh nghiệp đầu tư cho NCKH tại trường ĐH, khuyến khích các trường tự tìm kinh phí NCKH từ doanh nghiệp.

PV: Nếu các nguyên tắc và biện pháp cải cách GS vừa đưa ra được thực thi đồng bộ, GS có thể lượng định được những lợi ích cụ thể? Ông kỳ vọng như thế nào về những đề xuất của mình?
GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang: Không khó để thấy các lợi ích khi thực hiện thành công các biện pháp cải cách trên, đó là: Sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh sẽ luôn được nghe bài giảng và được kiểm tra đánh giá bởi những người có trình độ cao nhất, luôn được người có trình độ KH cao nhất hướng dẫn tới đích. Giải phóng sức lao động sáng tạo của đội ngũ cán bộ trẻ, họ không còn phải đi dạy quá nhiều và có thể tập trung vào NCKH. Khi NCKH nhiều, đương nhiên kéo theo hệ quả sẽ có nhiều công trình KH được công bố, cả trong nước lẫn quốc tế. Do đội ngũ trẻ tập trung NCKH là chính, thu nhập của họ cũng chủ yếu xuất phát từ kinh phí NCKH thu hút được, đặc biệt từ nguồn ngoài doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, nhiều trường sẽ không còn đau đầu với vấn đề thanh toán tiền vượt giờ. Do công tác giảng dạy (chủ yếu) do các GS.PGS đảm nhiệm, nhà trường không còn bị sức ép triền miên về việc tuyển giảng viên mới do thiếu thầy. Các ĐH ở vùng sâu, vùng xa cũng có cơ hội thu hút được các GS.PGS trình độ cao về tham gia đào tạo. Khi các BM được hình thành với chuyên môn sâu, sau một thời gian, tại Việt Nam sẽ hình thành một đội ngũ chuyên gia có lĩnh vực chuyên môn sâu rất rõ ràng. Cuối cùng, việc thu hút được kinh phí NCKH từ nguồn doanh nghiệp có rất nhiều lợi ích: Nhà nước đỡ bớt gánh nặng cho ngân sách, các trường ĐH sẽ thực sự góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đưa KHCN tới với sản xuất và các doanh nghiệp được hỗ trợ về KHCN, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, nếu thực sự có một cuộc cải cách như vậy đi vào cuộc sống, việc tạo nên một khung pháp lý như vậy không hề hạn chế, mà là điều kiện để các trường ĐH phát huy trí tuệ sáng tạo, thực thi quyền tự chủ của mình, một quyền tự chủ có định hướng vì chất lượng đào tạo ĐH-SĐH, vì sự phát triển của đất nước Việt Nam.
Biết rằng không thể chỉ bằng cách ra một quyết định cải cách là chúng ta có thể tới ngay đích cần đạt, mọi việc đều phải có thời gian. Tuy nhiên, nếu chúng ta không bắt đầu ngay bây giờ thì đến bao giờ mới loại bỏ được các yếu tố kìm hãm chất lượng đào tạo ĐH và SĐH?

PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi này và tin rằng những ý tưởng đổi mới của ông sẽ được dư luận xã hội và các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét.

Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn: Năng lượng Mới 471






No comments:

Post a Comment