Paulus Lê Sơn
Tác giả gửi tới Dân Luận
30/11/2015
(Sài Gòn, DL) - “Bác đang cảm thấy rất hạnh phúc
và ấm lòng”, Thương phế binh Ngô Thái quê Quảng Nam chia sẻ khi tôi hỏi đến.
Các cựu chiến binh VNCH tại Dòng Chúa Cứu Thế
Việt Nam
Ngày
28/11/2015, tại dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, số 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn đã tổ chức
khám bệnh và chia sẻ tinh thần cũng như vật chất đối với các thương phế binh
thuộc Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Đây là chương trình thường xuyên theo định kỳ
hàng tháng, chương trình này được diễn ra vào mỗi thứ bảy cuối tháng dành riêng
cho thương phế binh, hoạt động này của Dòng Chúa Cứu Thế triển khai đã được mấy
năm nay.
Theo số
liệu thống kê, có khoảng 67 người thương phế binh đến thăm khám từ nhiều tỉnh
thành khác nhau. Họ là những người bị mù, bị điếc, bị cụt chân, cụt tay. Nhiều
người thương phế binh là người không theo Công Giáo hoặc theo các tôn giáo
khác. Chương trình mục vụ của dòng đước sự cộng tác nhiệt thành của rất nhiều
các tình nguyện viên là các bác sĩ, y tá, giáo dân, sinh viên và cả người chưa
theo đạo.
Mở đầu
chương trình, Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành chào hỏi tất cả mọi người
trong tâm tình tri ân, quan tâm tận tình đến từng người và thông báo một số
công việc đã đạt được, đồng thời hướng dẫn lịch trình thăm khám cho thương phế
binh. Trong muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất mới thấy hết được tấm lòng của
các linh mục và tình nguyện viên của dòng Chúa Cứu Thế dành cho các thương phế
binh. Những danh sách của thương binh được đưa đến một số cơ sở y tế, rồi từ
nhà dòng mới chuyển họ đến đó khám tổng quát, chụp Xquang, thử máu, sau đó quay
trở lại nhà dòng để các bác sĩ, y tá thăm khám cụ thể, nhận thuốc, quà, tiền,
xe lắc, xe lăn, nạng chống, máy đo huyết áp…
Theo thông tin chúng tôi được biết, số
lượng thương phế binh VNCH đăng ký thăm khám, nhận quà tính đến nay đã lên tới hơn 3000 người trải dài từ Quảng Trị tới Cà
Mau.
Ngoài việc thăm khám bệnh tình, chăm sóc bệnh nhân, Dòng Chúa Cứu Thế đã xây dựng
được nhiều ngôi nhà tình nghĩa. Những thương phế binh nào gần khu vực Sài Gòn
thì các linh mục và tình nguyện viên sẽ sắp xếp đến tận nhà thăm hỏi, động
viên.
Những nụ
cười rạng ngời trên khuôn mặt của người được phục vụ và người phục vụ, một bầu
khí rất ân cần, chu đáo,thấm đẫm tình người, chúng tôi tiếp xúc với một số
thương phế binh thì được họ cho biết, “tôi cảm thấy hạnh phúc và ấm áp rất nhiều
vì chương trình vô cùng nghĩa tình mà các linh mục dòng Chúa Cứu Thế, các tình
nguyện viên cùng ân nhân xa gần đã làm, đang làm vì anh em phế binh chúng tôi”.
Còn những tình nguyện viên thì cho rằng “đây là công việc ý nghĩa và nhân văn,
một công việc nhân đạo và đầy tình người, chúng tôi phải làm để đem đến nụ cười
và sự ấm áp cho những con người chịu nhiều thiệt thòi này”.
Trong
niềm vui nhận được sự quan tâm chân thành của chương trình này, các thương phế
binh nghĩ gì và cảm nhận ra sao? Bác Ngô
Thái, bị mù hai mắt đến từ Duy Xuyên, Quảng Nam cho biết “bác đang cảm thấy
rất hạnh phúc và ấm lòng”. Bác Nguyễn
Văn U bị cụt chân hôm nay đã nhận được một chiếc xe lắc bày tỏ lòng cám ơn
tới nhà thờ, các linh mục và tình nguyện viên, tới các ân nhân đã giúp đỡ có được
phương tiện đi lại để cuộc phục vụ cuộc sống chính mình tốt hơn. Còn bác Châu Hoàng Núi nói rằng “chiếc xe lắc
là nguyện vọng bấy lâu nay của tôi, tôi bị cụt một chân mà sức khỏe năm nay yếu
nhiều rồi, không biết thế nào, giờ có được chiếc xe lăn này thì việc đi lại dễ
dàng hơn, đến chơi với anh em, bạn bè, đi bán vé số sẽ thuận tiện hơn, tôi rất
vui mừng lắm anh ạ”.
Một vài
bạn rất trẻ khi được hỏi bạn có cảm nghĩ thế nào khi phục vụ thương phế binh
VNCH? Các bạn này nói rằng “Chúng em biết
nỗi đau mà họ phải gánh chịu, với một người trẻ, trong tư cách là những người
Công giáo, đi sâu vào tìm hiểu cuộc đời và thế sự của họ đã phải trải qua,
chúng em thấy được họ đã thiệt thòi, mất mát như thế nào. Trước đây dù họ trong
chiến tuyến nào đi nữa, cộng sản hay VNCH, thắng cuộc hay thua cuộc thì đó đều
là người dân Việt Nam, đều là dòng máu đỏ da vàng, là con cháu Lạc Hồng, cớ
sao, họ bị lãng quên, bị phân biệt đối xử ngay trên quê hương của họ. Nhưng em
muốn nói với thế hệ trước rằng, dù người cộng sản có thể có những phân biệt đối
xử với họ đi chăng nữa, nhưng họ vẫn có nhân dân Việt Nam bảo bọc họ,yêu thương
họ, có những người trẻ như chúng em đây hiểu được lịch sử và trân quí họ. Chính
những thương phế binh này đã nhắc nhớ cho thế hệ trẻ chúng em biết về thế nào
là Quốc Gia Trên Hết”.
Theo y
tá Nguyễn Văn Lệ, trước 75 đã từng
làm trong sư đoàn nhảy dù, một trong những người đã đồng hành từ những chương
trình đầu tiên cho rằng “chính những người
thương phế binh chịu rất nhiều thiệt thòi sau biến cố 75 đến bây giờ, họ đã
không được quan tâm, bị phân biệt đối xử, bị tuyên truyền bằng cả một hệ thống
của cộng sản sai lệch, dối trá. Giờ đây là cơ hội để chúng tôi được tiếp sức
cho cuộc sống của họ, mặc dầu chỉ bằng tinh thần thôi, nhưng đó là tất cả những
gì mà tôi có để chia sẻ từ trong tâm nguyện của mình. Nhờ những cơ hội này mà
chúng tôi thấy được họ phấn khởi và hạnh phúc hơn trong cuộc sống, riêng bản
thân tôi mong muốn chương trình như thế này được nhân rộng hơn nữa và được xã hội
hóa”.
Nhìn
đoàn người mang trong mình những khuyết tật khác nhau do binh biến loạn lạc,
nhưng có một khí chất hào hùng oanh liệt vẫn chất chứa trong khuôn mặt và đôi mắt
của họ. Những con người đã bỏ một phần xương thịt vì lý tưởng Quốc Gia Trên Hết.
Dù lịch sử có những binh biến, nhiêu khê và tàn khốc bởi ý thức hệ cộng sản hay
VNCH, nhưng trên hết, những con người khuyết tật do chiến tranh để lại vẫn thấm
đẫm tinh thần dân tộc vì một tổ quốc Việt Nam là trên hết.
Paulus Lê Sơn