Ngô Thế Vinh
Posted by adminbasam on
01/06/2015
Mời xem bản pdf tại đây: BÀN CỜ
MEKONG 2015
“Để khai thác phát triển nguồn nước tốt, người ta phải
thực hiện trên tầm nhìn lưu vực/ basin scale. Theo một nghĩa nào đó, phải nhìn
Mekong như một bàn cờ/ game board, chọn địa điểm nào thì nên đặt một con đập,
nơi nào thì không và có như vậy mới duy trì được chức năng môi sinh của toàn
lưu vực sông Mekong. Thực hiện điều ấy thì vô cùng khó khăn trên sông
Mekong.” Bran Ritcher, Nature Conservancy
Huỷ
Hoại từ Những Đập Dòng Chính Mekong
Với chiều dài 4,800 km, Mekong là con sông lớn thứ
thứ ba Châu Á và là thứ 11 của thế giới. Sự phong phú của hệ sinh thái sông
Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon.
Tiềm năng thuỷ điện của con sông Mekong khoảng
60,000 MW: Lưu Vực Trên 28,930 MW là nửa khúc sông nằm trong lãnh thổ Trung Quốc;
và Lưu Vực Dưới 30,000 MW là khúc sông Mekong hạ lưu chảy qua 5 quốc gia Miến
Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam. Chuỗi 12 con đập dòng chính hạ lưu chủ
yếu nằm trong hai nước Lào và Cam Bốt.
Hiện nay Trung Quốc đang xây con đập thứ 8: đập Miêu
Vĩ/ Miaowei sẽ hoàn tất phát điện năm 2016, [2] và TQ cũng tiếp tục xây thêm những
con đập khác trên dòng chính con sông Lan Thương/ Lancang Jiang tên TQ của con
sông Mekong.
Điểm danh, ngược dòng thời gian sáu con đập bậc thềm
Vân Nam/ Mekong Cascades đã hoàn tất và đang nhộn nhịp hoạt động phát điện góp
phần phát triển nhanh chóng cho toàn vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc:
Hình Ia: Đập Nuozhadu 5,850 MW lớn nhất hoàn tất
2014 [nguồn: International River]
1/ Noạ Trác Độ (Nuozhadu) 5,850 MW lớn nhất, là con
đập dòng chính thứ sáu, khởi công 2006 hoàn tất 2014 [Hình Ia]
2/ Tiểu Loan (Xiaowan) 4,200 MW lớn thứ hai, là dòng
chính thứ năm, khởi công 2001 và hoàn tất 2010
3/ Công Quả Kiều (Gongguoqiao) 900 MW là con đập
dòng chính thứ tư, khởi công 2008 hoàn tất 2011
4/ Cảnh Hồng (Jinghong) 1,500 MW là con đập dòng
chính thứ ba, khởi công 2003 hoàn tất 2009
5/ Đại Chiếu Sơn (Dachaosan) 1,350 MW con đập dòng
chính thứ hai, khởi công 1996, hoàn tất 2003
6/ Mạn Loan (Manwan) 1,500 MW con đập dòng chính đầu
tiên trên sông Mekong, khởi công 1984 và hoàn tất 1993 [Hình Ib]
Hình Ib: Đập Manwan 1,500 MW con đập dòng chính
Mekong đầu tiên hoàn tất 1993 [nguồn: Ngô Thế Vinh]
Sau khi hoàn tất hai con đập lớn nhất: con khủng
long Nọa Trác Độ và con Đập Mẹ Tiểu Loan, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn
thành kế hoạch thuỷ điện của họ trên sông Lan Thương và theo Fred Pearce, Đại học
Yale thì con sông Mekong đã trở thành tháp nước/water tower và
là nhà máy điện/ electrical powerhouse của Trung Quốc. [6]
Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sông
Mekong thuộc Đại học Sydney nhận định: “Hai con đập khổng lồ Nọa Trác Độ và Tiểu
Loan sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận Đồng Bằng
Sông Cửu Long của Việt Nam.”
Với sáu con đập dòng chính hoàn tất trên trên khúc
sông Mekong thượng lưu, Trung Quốc đã đạt được công suất 15,150 MW – nghĩa là
hơn một nửa toàn công suất tiềm năng thuỷ điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự
án đập dòng chính còn lại, và có thể sẽ còn thêm nhiều dự án mới nữa, và Trung
Quốc cũng sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng mấy thập niên đầu Thế kỷ 21.
Tới
Mối Hiểm Nguy Mạng Lưới Đập Phụ Lưu
Nam Ngum 150 MW có thể được xem là con đập thuỷ điện
phụ lưu đầu tiên của Lào và được hoàn tất rất sớm 1971 giữa giông bão của cuộc
chiến tranh Việt Nam. Nam Ngum là niềm hãnh diện của tiến bộ và phát triển của
người dân Lào. Ở một chừng mực nào đó, với từng bước phát triển hài hoà, cùng
lúc quan tâm tới bảo vệ sinh cảnh và môi trường, thì không thể phủ nhận được là
đập Nam Ngum đã đem lại ánh sáng cuộc sống văn minh tới người dân Lào. [Hình
IIa] Với những người Lào có học hiểu biết, họ thấy được tiềm năng thiên nhiên
phong phú của đất nước Lào, giới lãnh đạo thế hệ mới ở Lào nuôi tham vọng khai
thác tiềm năng thuỷ điện con sông Mekong để trở thành“xứ Kuwait thuỷ điện của
Đông Nam Á.”
Hình IIa: Nam Ngum, con đập phụ lưu đầu tiên của
Lào, biểu ngữ giăng ngang con đập đánh dấu 25 năm thống nhất nước Lào [nguồn:
photo by Ngô Thế Vinh 2000]
Trước khi có kế hoạch phục hoạt dự án chuỗi 12 con đập
dòng chính hạ lưu, Lào, Việt Nam, Thái Lan đã và đang liên tục xây những đập
thuỷ điện trên các nhánh phụ lưu sông Mekong. Thái Lan với đập Pak Mun 136 MW
(1994) trên sông Mun, Việt Nam với con đập Yali 720 MW (1996) cùng với các con
đập phụ lưu khác trên sông Sesan và Seprok trên cao nguyên Trung phần, Lào thì
từ sau con đập Nam Ngum (1971), đã xây thêm thêm nhiều con đập phụ lưu khác
như: Nam Theun-Hinboun 210 MW trung Lào, Nam Leuk 60 MW trong vùng Bảo tồn Sinh
thái tỉnh Vạn Tượng, Nam Theun 2 lớn nhất 900 MW trung Lào, Houay Ho 150 MW giữa
hai tỉnh Champassak và Attapeu nam Lào, Xe Pian-Xe Namnoy 438 MW trên cao
nguyên Bolovens đông nam Lào, Xe Kaman1 468 MW tỉnh Attapeu cực đông nam Lào.
Theo Aviva Imhof, nguyên giám đốc truyền thông Mạng
lưới Sông Ngòi Quốc tế/ IRN, trong tài liệu chuyên đề: “Power Struggle:
The Impacts of Hydro-Development in Laos” đã rất sớm đề cập tới những
tổn hại môi sinh “bất cập” từ các con đập phụ lưu ở Lào. [8]
Cùng với các con đập dòng chính Mekong, mạng lưới những
con đập phụ lưu cũng có ảnh hưởng tích luỹ đáng kể đối với tình trạng dòng chảy,
lượng phù sa và nguồn cá lưu vực sông Mekong.
Nghiêm trọng hơn cả là con đập phụ lưu Hạ Sesan
2/ Lower Sesan 2/ LSS2 nằm dưới điểm hợp lưu của hai con sông
Sesan và Srepok. 3 S là tên hệ thống 3 con sông phụ lưu lớn sông Mekong:
Sekong, Sesan, Seprok cùng đổ vào dòng chính sông Mekong nơi tỉnh Stung Treng,
đông bắc Cam Bốt. [Hình IIIa]
Hình IIIa: Mạng Lưới 3S, ba sông phụ lưu: Sekong,
Sesan, Srepok cùng hội tụ đổ vào dòng chính sông Mekong [nguồn: Decarboni]
Đập Hạ Sesan 2 với chiều cao 75 m, diện tích hồ chứa
340 km2 (gần bằng nửa diện tích đảo quốc Singapore), công xuất 400 MW, dự trù
nguồn điện sẽ được xuất cảng sang Việt Nam.
Theo các chuyên gia môi sinh, con đập phụ lưu sẽ gây
ra những ảnh hưởng môi sinh rất tai hại nếu đặt vào “vị trí trọng điểm” của
con sông. Guy Ziv, tác giả chính của cuộc khảo cứu 2012 PNAS/Proceedings of
the National Academy of Sciences, cùng các đồng nghiệp thuộc Đại học
Princeton nhận định: có một khác biệt lớn về vị trí những con đập ấy với cái
giá môi sinh/ ecological costphải trả. Điển hình là con đập Hạ
Sesan 2 được xem là tệ hại nhất: nó đe doạ sự sinh tồn của hơn 50 chủng loại cá
và cũng làm giảm 9.3 phần trăm tổng sản lượng cá trong lưu vực [khoảng 200,000
tấn cá/năm]. Ảnh hưởng tác hại đó không chỉ trên lãnh thổ Cam Bốt mà lên xa tới
Lào, Thái Lan và xuống tới ĐBSCL, được coi như vựa lúa của Việt Nam. [7]
Câu hỏi được đặt ra là tại sao chính quyền Việt Nam
không thể không biết nhưng họ vẫn coi nhẹ những tổn thất môi sinh và xã hội như
thế. Câu trả lời rõ ràng: họ là giới lãnh đạo có toàn quyền
quyết định, được các nhóm lợi ích chia chác cho hưởng lợi, trong khi người dân
không được phép có tiếng nói và họ phải gánh chịu mọi tổn thất và cả di luỵ cho
các thế hệ tương lai.
Câu hỏi tiếp theo là liệu có thể vừa khai thác xây đập
thuỷ điện trên sông Mekong vừa bảo vệ được tiềm năng phong phú của dòng sông?
Câu trả lời là có thể: nếu thận trọng triển khai một
số những con đập trên những địa điểm khác, vẫn có thể sản xuất nguồn điện lớn
mà giảm thiểu được những tổn hại trên nguồn cá. [7]
Điện Lực Việt Nam/ EVN/ Electricity of Vietnam đã
góp 10% cổ phần trong số 816 triệu MK, phần còn lại là của Nhóm Hoàng Gia Cam Bốt/ Cambodia’s
Royal Group và Công ty Năng lượng Lan Thương Trung Quốc/ Hydrolangcang
International Energy Co., Ltd. Lại vẫn Trung Quốc, ngoài chuỗi đập bậc
thềm khổng lồ Vân Nam, nay cánh tay TQ nối dài xuống xa tới cả những con đập phụ
lưu hạ nguồn.
Do hậu qủa tác hại quá lớn của con đập Hạ Sesan 2
trên môi trường, kinh tế và xã hội trong toàn lưu vực, Mạng Lưới Sông Ngòi Quốc
Tế/ IRN đã kêu gọi chính phủ Cam Bốt huỷ bỏ dự án này nhưng không được đáp ứng.
Năm 2014, các tổ chức tài trợ quốc tế bao gồm Úc, Nhật,
Hoa Kỳ và Phần Lan cùng yêu cầu Cam Bốt đệ trình dự án Hạ Sesan 2 tới Uỷ Hội
Sông Mekong/ MRC cho tiến trình tham khảo trước/ prior consultation
process nhưng cũng không được đáp ứng.
Hình IIIb: EVN chung sức xây đập thuỷ điện Hạ Sesan
2 như hành động cầm súng bắn vào chân mình [nguồn: Decarboni]
Cư dân Cam Bốt sống trong vùng xây đập cùng với nhóm
Bảo vệ 3 Dòng Sông/ 3SPN/ Rivers Protection Network, đã viết thư
lên Quốc Hội Cam Bốt phản đối con đập, và họ cũng kéo nhau lên tới thủ đô Nam
Vang biểu tình tạo áp lực nhưng đã không đưa tới một kết quả nào.
Riêng Việt Nam, các nhóm NGO của trí thức trong nước
dù cố gắng tới đâu nhưng tổ chức của họ vẫn chưa thể sinh hoạt độc lập và chưa
được nhà nước chấp nhận tư cách pháp nhân của một tổ chức phi chính phủ.
Trước những tác hại hiển nhiên của con đập Hạ Sesan
2 trên ĐBSCL: biến đổi dòng chảy, mất nguồn nước, mất nguồn phù sa và cá… không
những đã không có tiếng nói ngăn chặn phản đối mà còn góp vốn cho Cam Bốt thực
hiện dự án tai hại ấy, có thể ví như một hành động cầm súng tự bắn vào chân
mình/ shoot oneself in the foot. [Hình IIIb]
Trên
Bàn Cờ Sông Mekong
Bran Ritcher, chuyên gia có kinh nghiệm hơn 25 năm về
nước của viện Bảo Tồn Thiên Nhiên/Nature Conservancy, cố vấn về nước cho
Liên Hiệp Quốc đồng thời là chủ tịch hội Nước Bền Vững/Sustainable
Waters và giảng dạy tại Đại học Virginia đã phát biểu: “Để
khai thác phát triển nguồn nước tốt, người ta phải thực hiện trên tầm nhìn lưu
vực/ basin scale.” Bran Ritcher tiếp: “Theo một nghĩa nào đó,
người ta phải nhìn Mekong như một bàn cờ/ game board, chọn địa điểm nào thì nên
đặt một con đập, nơi nào không và có như vậy thì mới duy trì được chức năng môi
sinh/ ecological functionning của toàn thể lưu vực sông Mekong. Thực hiện điều ấy
thì vô cùng khó khăn trên sông Mekong.” [2]
Hình IIIc: công trường xây đập thuỷ điện Hạ Sesan 2
Stung Treng đông bắc Cam Bốt [nguồn: Phnom Penh Post, 12/2014]
Một kế hoạch như vậy đòi hỏi sự điều hợp hỗ tương giữa
các quốc gia Mekong, các nhà đầu tư xây đập, và sự điều hợp ấy thì hoàn toàn
thiếu sót.
Ảnh
Hưởng Từ Những Con Đập Mekong
Với 26 con đập dòng chính: 14 con đập Vân Nam TQ và
12 con đập hạ lưu Lào Cam bốt, cùng với mạng lưới chằng chịt những con đập phụ
lưu, tất cả đã và đang gây nên những huỷ hoại tích luỹ trong toàn lưu vực sông
Mekong với hậu quả không thể đảo nghịch/ irreversible và vì
tích luỹ nên tác động tiêu cực giáng xuống nặng nề nhất vẫn là Đồng Bằng Sông Cửu
Long nơi cuối nguồn.
Sông Mekong và các phụ lưu có thể ví như một hệ tuần
hoàn, bị phình mạch do những hồ chứa/ reservoirs và nghẽn mạch do những con đập
và hậu quả dây chuyền sẽ là:
1/ Các hồ chứa sẽ giữ lại phù sa đổ xuống từ thượng
nguồn. Giảm lượng phù sa có nghĩa là làm mất cân bằng dòng chảy, gây sạt lở các
bờ sông và mũi Cà Mau thì đang bị cắt lẹm mỗi năm và có nguy cơ từng mảng theo
nhau trôi dần ra biển. Với dòng chảy giảm vì lượng nước bị giữ trong các hồ chứa,
cộng thêm biến đổi khí hậu/ climate change với mực nước biển
dâng cao và hậu quả là nạn nhiễm mặn/ salt intrusion tiến rất
xa vào vùng châu thổ ĐBSCL. Hình ảnh nhà nông học Võ Tòng Xuân, ngồi giữa một
ruộng lúa cháy thuộc quận Gia Rai vì bị nhiễm mặn là cảnh tượng báo hiệu một thảm
hoạ đến đau lòng.
2/ Rõ ràng mức sản xuất nông nghiệp toàn Lưu Vực Dưới
sông Mekong/ Lower Mekong Basin từ các vùng trồng trọt ven
sông ở Lào, tới vùng châu thổ Tonle Sap Cam Bốt và ĐBSCL Việt Nam đang bị tổn
thất do mất phù sa như nguồn dưỡng chất thiết yếu cho canh tác ruộng vườn. Tưởng
cũng nên nhắc lại ở đây, bấy lâu sông Mekong là nguồn nước ngọt, nguồn phù sa
đã biến ĐBSCL Việt Nam thành cái nôi sản xuất lúa gạo lớn thứ hai của thế giới
chỉ sau Thái Lan nhưng bước sang hai thập niên đầu của thế kỷ 21, Việt Nam đang
bị mất dần thế thượng phong ấy.
3/ Các khu rừng lũ/ flooded forest vùng
hạ lưu sông Mekong được công nhận là vùng đa dạng sinh thái/ biodiversity
zones với các Vùng Đất Ngập vốn được bảo vệ bởi Quy ước Ramsar. [Ramsar
Convention (1971), nhằm bảo vệ và sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên các vùng đất
ngập/ wetlands và quy định những khu bảo tồn, được mỗi quốc gia và quốc tế công
nhận. Cả 3 nước Lào, Cam Bốt và Việt Nam đều có những vùng đất ngập được bảo vệ
bởi Quy ước Ramsar như: vùng Thác Khone, Stung Treng, vùng Sinh Thái Biển Hồ,
Tràm Chim Tam Nông, Mũi Cà Mau…] Nay thì những hồ chứa đã và đang nhận
chìm các Vùng Đất Ngập và gây huỷ hoại trên hệ sinh thái động vật và thực vật của
toàn lưu vực sông Mekong.
4/ Dòng sông Mekong càng ngày càng bị biến dạng do
chuỗi những con đập dòng chính bậc thềm và mạng lưới đập phụ lưu, hậu quả là những
tác hại trên tính đa dạng của hệ thuỷ sinh trong đó có những chủng loại quan trọng
/ flagships species như cá Dolphin, cá Pla Beuk đang trước
nguy cơ bị tuyệt chủng.
5/ Biến đổi bản chất tự nhiên của con sông, dòng
sông sẽ không còn giữ được “nhịp lũ/ flood pulse”theo mùa, và đây
chính là yều tố sinh tử của Biển Hồ Tonle Sap như trái tim của hệ sinh thái
sông Mekong và ĐBSCL. Biến đổi dòng chảy ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn thực
phẩm trong đó có nguồn cá nước ngọt lớn nhất (có khi tới 4 triệu tấn mỗi năm,
trị giá lên tới 9 tỉ MK) chiếm 80% lượng chất đạm/ protein thiết yếu của cư dân
sông Mekong.
Uỷ Hội
Sông Mekong/ MRC Không Quyền Lực
Những lượng giá ảnh hưởng về xã hội và môi sinh của
từng con đập không được công khai hóa, khiến đã có nhiều tổ chức hoạt động môi
sinh lên tiếng, nêu rõ những tác hại nghiêm trọng và lâu dài trên hàng triệu cư
dân sống bằng nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa của dòng sông Mekong.
Với nhận định MRC đã rất thụ động trước sự tái phục
hoạt của các dự án đập thủy điện Hạ Lưu. Không những thế MRC đã không có thông
báo gì cho cư dân ven sông mối hiểm nguy của những con đập ấy, và cả tránh phổ
biến những tin tức bất lợi của các dự án đập.
Trước những kiến nghị của Save the Mekong và các
NGOs, cùng với các thư khuyến cáo của các khoa học gia môi sinh khắp thế giới,
tổ chức MRC và các chính quyền Mekong trong 20 năm qua chưa ngăn cả được một dự
án thuỷ điện nào để bảo vệ lưu vực.
Các nhà hoạt động môi sinh kêu gọi tinh thần trách
nhiệm của tổ chức liên chánh phủ này. “MRC cần chứng tỏ là một tổ chức hữu
ích cho quần chúng, chứ không phải là cho các nhà đầu tư,” Surichai
Wankaew, giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội Đại học Chulalongkorn, Thái Lan nói tiếp
“Nhiệm vụ MRC, thay vì ‘tạo thuận/ facilitation’ cho việc xây đập, thì nay
phải là ‘diễn đàn / platform’ cho cư dân bị ảnh hưởng nói lên mối quan tâm của
họ”. Và rồi người ta không thể không tự hỏi tự hỏi về tương lai và vai trò
của MRC có còn hũu ích gì không trong tiến trình bảo vệ dòng Sông Mekong?
Vai trò điều hợp của Uỷ Hội Sông Mekong/ MRC đã bị
thử thách và Hiệp Định Mekong 1995 gần như vô hiệu lực kể từ sau khi Lào vẫn
cho khởi công con đập Xayaburi bất chấp mọi khuyến cáo. [Hình
IIb]
Hình IIb: công trường xây đập Xayaburi 1,200 MW con
đập dòng chính đầu tiên của Lào [nguồn: Tom Fawthrop]
Xayaburi đã như một con cờ Domino đầu tiên đổ xuống,
tiếp theo là con đập Don Sahong, mở đầu cho chuỗi những con đập khác. Đây là những
bước phát triển không bền vững/ non-sustainable development, và
hoàn toàn bị hướng dẫn bởi nền kinh tế thị trường năng lượng và các công ty xây
đập thì hầu như bất chấp tới cái giá phải trả về môi sinh của 65 triệu cư dân sống
trong lưu vực sông Mekong.
Việt
Nam Không Có Tiếng Nói Công dân
Trong bài báo Tháng Năm 2015 National Geographic của
ký giả Michelle Nijhuis: Harnessing the Mekong or Killing It? có
hai sự kiện đáng chú ý về tiếng nói công dân trong lưu vực sông Mekong.
—
Vùng đông bắc Thái Lan:
Khi tới thăm vùng bắc Thái, ký giả Michelle Nijhuis
kể lại: “Vào một buổi chiều cóng lạnh cuối tháng Giêng 2013, một nhóm mấy
chục cư dân của Bản Huay Luek bắc Thái tụ hội lại, nhiều người quấn mền ngồi
vây quanh một đống lửa. Họ vừa hoàn tất chuyến đi bộ dài hơn 120 km dọc theo bờ
con sông Mekong nhằm gây sự chú ý của công luận về những con đập.
Hướng dẫn bởi các vị sư sãi với luân phiên tham dự của
những nông dân, các chính trị gia địa phương và cả Tây ba-lô, nhiều người đã trải
qua gần hai tuần lễ trên đường đi, họ đóng trại trên các sân trường học và sân
chùa. “Chúng tôi làm tất cả những gì có thể nghĩ ra được,” Somkiat
Khuenchiangsa, một giáo viên trung học, là người tổ chức buổi tuần hành đã nói
như vậy. “Chúng tôi đã nghiên cứu về các con đập này, đã gửi thư đi, đã tuần
hành, chúng tôi đã phản đối, và phản đối nữa.”
Cũng đêm đó đám người tuần hành nghỉ ngơi trên những
đôi chân mọng nước, tất cả im lắng khi nhà hoạt động Kraisak Choonhavan lên diễn
đàn. Khác với các quốc gia láng giềng, Thái có truyền thống về tổ chức và tụ hội
quần chúng phản kháng/ popular protest. Choonhavan nhắc lại với mọi người rằng
những năm trước đây, khi Trung Quốc cho phá các khu ghềnh thác trên sông
Mekong, do có phản đối của các nhóm cư dân bắc Thái, TQ đã phải ngưng không
hoàn tất kế hoạch khai thông dòng sông. Số những người đó đang có mặt ở đây hôm
nay. “Không có các bạn, họ đã phá tan tành tất cả.” Choonhavan nói tiếp: “Và
bây giờ các bạn lại đứng dậy và một lần nữa dùng sức mạnh của mình.”
Thái Lan rất có ảnh hưởng trên những con đập dòng
chính hạ lưu. Các tập đoàn tài chánh Thái nhắm vào thị trường năng lượng thuỷ
điện, nhưng các thoả ước đầu tư như vậy cần được sự chấp thuận của chánh phủ
Thái. Sự chống đối của quần chúng có thể thuyết phục đưa tới huỷ bỏ dự án hay
ít ra cũng là tái thiết kế/ redesign dự án.” [2]
—
Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long:
Xuống tới ĐBSCL cũng vẫn ký giả Michelle Nijhuis ghi
nhận: “Gần khu trung tâm Tây đô Cần Thơ, Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia về các
vùng đất ngập, đứng trước mặt là vùng sông nước, chỉ tay vào những xe gắn máy
chạy qua, đa số là đám thanh niên Việt Nam còn rất trẻ. Ông ta nói: “Có biết
bao nhiêu trong bọn họ biết về các con đập? Ông ta tiếp: “Rất, rất ít trong bọn
họ biết những gì đang diễn ra.”
Như mọi đứa trẻ khác, Thiện sinh ra và lớn lên trong
vùng ĐBSCL từ thập niên 1970s, từng bơi lội trong những sông rạch và các cánh đồng
ngập lụt và chụp bắt cá bằng tay…Trường học của Thiện luôn luôn bị gián đoạn vì
chiến tranh, nhưng Thiện cũng lên được đại học và hiện đang nghiên cứu về bảo vệ
sinh học tại Đại học Wiscosin…
Sự trộn lẫn nước mặn và nước ngọt trong vùng ĐBSCL
và qua hàng thế kỷ, với sức người tìm cách ngự trị nó. Đó là một cảnh trí vô
cùng phức tạp và thường được coi như một vùng tách biệt với con sông Mekong.
Năm 2009, Thiện hoạt động bảo vệ các vùng đất ngập/ wedlands và anh được MRC
tham vấn về lượng giá các con đập thuỷ điện dòng chính ở Lào và Cam Bốt. Thiện
đã sớm nhận thức được là các con đập ấy sẽ huỷ hoại tất cả những nỗ lực bấy lâu
nơi vùng châu thổ ĐBSCL…
Thiện nay làm việc cho chương trình lượng giá về các
con đập, nhưng anh ta không hy vọng gì có thể làm hơn các bậc đàn anh. Đôi khi Thiện
nói chuyện với các người anh trong gia đình, đều là những nông dân sinh sống
trên thửa đất gia đình. Nghe vậy, họ cũng chỉ nhún vai nói: “Có làm được gì
khác đâu.” Hiện nay, Thiện cũng có cảm giác giống như vậy. “Chúng ta chỉ có thể
chờ xem.” Thiện nói tiếp: ‘Chúng phải chờ xem tương lai sẽ ra sao.’ [2]
Tưởng cũng cần nhắc lại ở đây, tác hại của các con đập
trên cư dân bắc Thái không thể nào so sánh với ảnh hưởng huỷ hoại tích luỹ
giáng trên đầu hơn 20 triệu cư dân ĐBSCL.
Một
Thoáng 20 Năm Hội Sinh Thái Việt
Năm 1957, giữa thời kỳ chiến tranh lạnh, với bảo trợ
của Liên Hiệp Quốc, một Ủy Ban Sông Mekong (MRC/ Mekong River Committee) được
thành lập bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam; với kế hoạch
phát triển vùng Hạ Lưu sông Mekong/ Lower Mekong Basin nhằm cải
thiện cuộc sống cho toàn thể cư dân sống trong lưu vực. Nhưng rồi cuộc Chiến
tranh Việt Nam lan ra cả ba nước Đông Dương, mọi kế hoạch phát triển sông
Mekong đã hoàn toàn bị ngưng trệ.
Năm 1995, vẫn bốn nước hội viên gốc của Ủy Ban Sông
Mekong đã họp tại Chiang Rai, bắc Thái cùng ký kết một “Hiệp Ước Hợp Tác Phát
Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong” và mang một tên mới là Ủy Hội Sông Mekong
(MRC/ Mekong River Commission), với một thay đổi cơ bản trong Hiệp Ước là không
một thành viên nào có quyền phủ quyết cho dù dự án bị coi là có ảnh hưởng tác hại
tới dòng chính sông Mekong. Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đại diện cho Việt Nam,
do thiếu viễn kiến đã đặt bút ký cho Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển “Không Bền Vững/ non-sustainable”
này, với những di lụy không ít cho tương lai vì Việt Nam là một quốc gia cuối
nguồn.
Ngay sau khi có tin TQ đã hoàn tất con đập Mạn Loan
1,500 MW, rất sớm từ 1995 Nhóm Bạn Cửu Long lên tiếng báo động
qua một cuộc hội thảo ở Little Saigon, về mối đe doạ của những con đập thượng
nguồn Vân Nam TQ đối với các quốc gia hạ nguồn và nghiêm trọng nhất là với
ĐBSCL, cũng là vựa lúa của Việt Nam.
Rồi một bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật
(03-11-1996): Khai thác sông Mekong: nhìn từ góc độ Việt Nam đứng
tên KS Phạm Phan Long nhưng do 4 người viết, họ đều là những chuyên gia từ hải
ngoại: TS Phạm Văn Hải (USA), KS Nguyễn Hữu Chung (Canada), TS Bình An Sơn
(Australia). Nội dung bài viết ấy cho tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
[Hình IV]
Năm 1999, một Hội nghị Mekong mở rộng do Mekong
Forum và Vietnamese American Science & Technology Society đồng tổ chức tại
Nam California với chủ đề: “Hội thảo về sông Mekong trước Nguy cơ, Ảnh
hưởng Phát triển trên Dòng sông, ĐBSCL và Cư dân” với sự tham dự của
liên hội Tiền Giang và Hậu Giang, TS Sin Meng Srun Hội người Cam Bốt tại Mỹ, và
Iviva Imhof thuộc tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế/ International Rivers
Network. Kết thúc hội nghị là một bản Tuyên Cáo “The 1999 Mekong River
Declaration” được gửi tới MRC và nhiều tổ chức liên hệ khác.
Năm 2002, người viết đề nghị thành lập một Phân khoa
Mekong tại Viện Đại Học Cần Thơ, với nguồn chất xám là các chuyên viên và ban
tham vấn của MRC. Đó sẽ là một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu về con sông
Mekong, không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà cho cả 7 quốc gia trong lưu vực,
nhằm đào tạo những chuyên viên có trình độ sẵn sàng đương đầu với những vấn nạn
Khai Thác Phát Triển và Hủy Hoại Môi Sinh trong toàn lưu vực sông Mekong. Ý kiến
đó cũng được nhắc lại trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Tuổi Trẻ năm
2009.
Hội Sinh Thái Việt / Viet Ecology Foundation như một
NGO được thành lập với một trang nhàwww.vietecology.org với mục tiêu: thăng
tiến và bảo vệ sự cân bằng sinh thái vô cùng thiết yếu cho cuộc sống. Với hơn
100 bài viết đã đăng tải trên VEF ngoài phần tiếng Việt, có phần tiếng Anh với
nội dung đều phản ánh tầm nhìn này. Một số bài viết này cũng đã được trích dẫn
trênlivingriversiam.org, china-mekong group, Meltdown in Tibet… Diễn
đàn VEF cũng đưa sáng kiến thay thế Hiệp Định Mekong 1995 bằng Lancang Mekong
River Initiative, Lancang Mekong International River Treaty, và trước nguy cơ
biến đổi khí hậu/ climate change, một dự thảo Mekong Sea Dyke đã được đề bạt để
nghiên cứu.
Trải qua hai thập niên đầy biến động trên sông
Mekong, nhưng xem ra tiếng nói từ hải ngoại ấy hầu như không có sức thẩm thấu
đáng kể nào đối với người dân trong nước, với một chính quyền thì vô cảm và cố
tình bưng bít mọi thông tin. Các quốc gia láng giềng của Việt Nam thì không có
tỏ chút dấu hiệu nào chậm bước thực hiện cho bằng được chuỗi những con đập thuỷ
điện của họ. Không dừng ở đó, Trung Quốc còn vươn cánh tay xa xuống khúc sông hạ
nguồn tài trợ vốn và cả kỹ thuật để hai quốc gia Lào và Cam Bốt mau chóng thực hiện
các dự án đập bất chấp cái giá môi sinh phải trả từ phía Việt Nam. Hơn thế nữa,
Trung Quốc còn đang tàn phá rộng rãi cao nguyên Tây Tạng, được coi như Cực
Thứ Ba / Third Pole của hành tinh này, nơi phát xuất tất cả những con
sông lớn của Châu Á, trong đó có con sông Mekong.
[Hình IV]: Khai thác sông Mekong: nhìn từ góc độ Việt
Nam bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật 03-11-1996
Đã ngót 7 thập niên (1957 – 2015) từ ngày Liên Hiệp
Quốc thành lập Uỷ Ban Sông Mekong, theo với thời gian là sự tăng tốc khai thác
hủy hoại hệ sinh thái của con sông Mekong mà Việt Nam là quốc gia cuối nguồn,
nhưng lại tỏ ra rất thụ động với thái độ “chờ xem”.
Thế
Kỷ 21, Thế Kỷ Tỵ Nạn Môi Sinh:
Thế Kỷ 20, đánh dấu bởi hai cuộc tỵ nạn chính trị lớn.
1954: hơn một triệu người từ Bắc di cư vào Nam tránh nạn cộng sản. 1975 và những
năm sau là cuộc tỵ nạn cộng sản lần thứ hai, lớn lao hơn nhiều với hơn 2 triệu
người thoát ra khỏi nước.
Thế Kỷ 21, dự trù sẽ là thế kỷ của tỵ nạn môi
sinh/ ecological refugees. “Theo phỏng định, kể từ những tập niên
1950s, chỉ riêng Trung Quốc, đã có tới khoảng 22 triệu người phải di tản khỏi
những khu xây đập. Từ những thập niên 1990s, có hơn một triệu dân du mục và
nông dân Tây Tạng – chiếm 1/6 dân số – đã phải rời ra khỏi những khu thảo
nguyên / grasslands vì khai thác hầm mỏ và những khu xây đập của TQ.” [3]
Trong Lưu Vực sông Mekong, để khai quang cho những
khu xây đập và hồ chứa khổng lồ, hàng trăm ngàn người đã phải rời bỏ nơi cư trú
truyền thống, bỏ làng mạc nhà cửa, với rất ít được đền bù và bước vào cuộc sống
vô định. Họ đích thực là thế hệ của những “dân tỵ nạn môi sinh/
ecological refugees.”
Hơn 20 triệu cư dân ĐBSCL đang trước nguy cơ: mất
nguồn nước ngọt, mất nguồn phù sa, và cả vùng châu thổ phì nhiêu đang chìm dần
trong biển mặn. Hậu duệ của những thế hệ dũng mãnh tiên phong khai phá trong cuộc
Nam Tiến cách đây mới ba trăm năm, thì nay đang bị bất động, không được quyền cất
tiếng nói ngay trên đất nước mình và đang chấp nhận lùi bước trước thảm hoạ bị
xoá đi cả một nền Văn Minh Miệt Vườn và trong một tương lai
không xa, rồi ra trên tầm vóc quốc gia, sẽ có những đợt tỵ nạn môi
sinh/ ecological refugees vào giữa thế kỷ 21 này. Nhưng sẽ
đi về đâu?
Có vùng đất nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam còn bảo
tồn được một hệ sinh thái lành mạnh, khi mà cả Vùng Đất Hứa Tây Nguyên với những
khu rừng nhiệt đới đã bị tàn phá rộng rãi, để lại những vùng đất truồi khô cằn
với cả ngập tràn những vũng bùn đỏ bauxite. Cuối thế kỷ qua, hàng triệu người
Việt Nam đã được nhập cư vào các quốc gia khác với quy chế tỵ nạn chính trị/
political refugees nhưng có lẽ sẽ không một quốc gia nào chấp nhận hàng triệu
người tỵ nạn môi sinh, không được coi như tỵ nạn chính trị.
NGÔ
THẾ VINH
California 06/06/2015
_____
Tham Khảo:
1/ Meltdown in Tibet. Michael Buckley. Palgrave
Macmillan_ St. Martin’s Press LLC. New York 2014
2/ Harnessing the Mekong or Killing It? Michelle
Nijhuis, Photographs by Guttenfelder. National Geographic, May 2015
3/ The Price of Damming Tibet’s Rivers. Michael
Buckley. The Opinion Pages, New York Times March 30, 2015
4/ Global Ecology and the “Made in China’s Dams. Ngô
Thế Vinh. Viet Ecology Foundation, July 2010. http://vietecology.org/Article.aspx/Article/62#
5/ Mekong, The Occluding River. The Tale of a River.
Ngô Thế Vinh. iUniverse, Inc. New York 2010
6/ Damming the Mekong: Major blow to an Epic River,
Yale Environment 360, 22 June 2009
7/ Plans For Dams On Mekong River Could Spell
Disater For Fisheries. John Sullivanhttp://www.princeton.edu/engineering/water/story-04/
8/ Power Struggle: The Impacts of Hydro-Development
in Laos. Aviva Imhof, International Rivers Network, February 1999.