Friday, December 5, 2014

Putin và tiếng chuông cầu hồn (Sergei Karpukhin, Reuters)



Sergei Karpukhin, Reuters
(FB. Mạnh Kim)

Ngày mai 4-12-2014, Vladimir Putin sẽ tường trình Thượng viện kế hoạch chấn chỉnh kinh tế, rằng ông sẽ làm gì để “bạo loạn” không xảy ra trên “chiến hạm Potemkin”, khi mà tiếng chuông cầu hồn Kremlin đang gióng từng hồi lạnh buốt.

Nhìn sự nhảy múa của đồng rúp, đã có thể thấy sự hỗn loạn của kinh tế Nga. Moscow Times cho biết, trưa nay, đồng rúp hồi phục 3,8% - leo lên mức 52,7 rúp ăn một USD, không lâu trước lúc 1 p.m., sau khi bị mất 1% vào phiên sáng. Tuy nhiên, chỉ 15 phút sau, lúc 1:15 p.m., rúp lại giảm (nhỉnh hơn 54 USD). Đây là đợt mất giá nghiêm trọng nhất trong 16 năm. Chỉ trong vài tháng, từ tháng 7-2014 đến nay, rúp đã mất giá 36%, dù Ngân hàng Trung ương Nga đã “đốt” 700 triệu USD từ tháng 1-2014 để bơm cho rúp nổi.

Giữa tháng 11-2014, Putin còn nói cứng: “Tình hình vẫn trong tầm kiểm soát”. Tuy nhiên, cái phao lớn nhất của kinh tế Nga – xuất khẩu dầu – đang bị xì hơi. Cú xì từ OPEC, vào hạ tuần tháng 11, khi họ quyết định không giảm sản lượng khai thác, khiến giá dầu còn trung bình 70 USD/thùng. Tuần trước, Bộ trưởng tài chính Anton Siluanov cho biết, tổn thất từ xuất khẩu dầu ước tính 90-100 tỉ USD/năm (so với tổn thất từ cấm vận là 40 tỉ USD). Dầu và rúp hợp xướng cùng dàn giao hưởng kinh tế èo uột đã tạo ra một tấu khúc ma quái u ám. Rúp te tua khiến các mặt hàng nhập khẩu trở nên cao giá hơn. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo tỉ lệ lạm phát năm 2015 là 10% (Washington Post 2-12-2014).

Sâu bên trong cơ thể kinh tế bệnh tật còn là những nội tạng bị nhiễm độc. Đó là những công ty nhà nước. Cơ chế nhóm lợi ích bắt đầu phơi bày mặt trái. Trong khi Nga áp dụng nền kinh tế thị trường tự do trên danh nghĩa, nước này lại đầy dãy chuyện phân bổ nguồn vốn và nguồn lực không đồng đều. Nhiều công ty được điều hành bởi các nhóm lợi ích. Gần như tất cả nhà thầu Thế vận hội Sochi, sự kiện thể thao tốn đến 50 tỉ USD, đều là bằng hữu Putin. Hầu hết ngân sách Sochi lại lấy từ hình thức tín dụng từ các ngân hàng nhà nước.

Công ty tư cũng không tốt hơn. Được kích thích bởi chính sách tiền tệ lỏng lẻo, các công ty tư điên cuồng vay vốn, làm tăng nợ ngoại tệ lên 170 tỉ USD trong hai năm qua. Yevgeny Gavrilenkov, chánh kinh tế gia thuộc Sberbank CIB (ngân hàng nhà nước lớn nhất) cho biết, phần lớn số tiền này “định cư” ở nước ngoài. Chỉ một phần rất nhỏ được đầu tư vào kinh tế nội địa. Kirill Rogov thuộc Viện chính sách kinh tế Gaidar giải thích: khi một công ty có thể bị nuốt chửng bởi nhà nước bất cứ lúc nào, nợ nhiều hơn sẽ làm cho nó trở thành con mồi ít ngon miệng! Bởi thế, người ta cứ vay, cứ làm cho họ mắc nợ, càng nhiều càng tốt! Các công ty Nga hiện nợ khoảng 500 tỉ USD, với 130 tỉ USD phải trả trước khi kết thúc năm 2015. Công ty dầu khổng lồ Rosneft đang xin Kremlin cho vay 44 tỉ USD (The Economist 22-11-2014)...

Ngành năng lượng, chiếm 20% GDP, chỉ tăng vỏn vẹn trung bình 1% trong một thập niên qua. Họ không cắt giảm chi phí hoặc đầu tư phát triển sản xuất mới. Năm 2007, khi giá dầu 72 USD/thùng, nền kinh tế tăng trưởng 8,5%; năm 2012, dầu ở mức 111 USD/thùng, tăng trưởng chỉ 3,4%! Năm 2011, dù giá dầu tăng, dự trữ tiền tệ lại ngừng tăng. Lý do: tiền được chi cho tăng lương, trợ cấp hưu trí và quốc phòng. Sự gia tăng chi tiêu quân sự, tăng 30% kể từ năm 2008, là nguyên nhân khiến Alexei Kudrin, Bộ trưởng tài chính, từ chức năm 2011. Nga lại không có một nền kinh tế sản xuất tốt. Tại Hàn Quốc hoặc CH Czech, công nghiệp sản xuất chiếm ít nhất 20% GDP. Tỉ lệ này tại Nga là 15%, giảm từ 18% năm 2005. Tổng quát, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế từ 7%/năm trong một thập niên đã rớt còn 1,3% năm 2013. Dân giàu đang chuyển tiền ra nước ngoài với tốc độ nhanh nhất trong hai thập niên: 60 tỉ USD/năm kể từ 2012 (Wall Street Journal 23-3-2014).

Tất cả cho thấy cấm vận và giá dầu giảm không hẳn là cú búa bổ trực tiếp mà thật ra chỉ là những yếu tố khiến đẩy nhanh hơn đối với sự sụp đổ kinh tế Nga, vốn không có nội lực căn bản và bền vững. Không được thiết kế vì quốc dân mà chỉ nhằm lợi ích nhóm thiểu số lãnh đạo, nó mang màu sắc một nền kinh tế tập trung như thời mông muội cộng sản hơn là một nền kinh tế vận hành đúng nghĩa theo quy luật thị trường tự do. Một cách chính xác, hơn hai thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga chưa bao giờ được sống trong một môi trường chính trị dân chủ đúng nghĩa. 15 năm kể từ khi cai trị nước Nga, Vladimir Putin chưa bao giờ là nhà lãnh đạo dân chủ đúng cách. Để muốn quốc gia trở thành một siêu cường thật sự, nước Nga cần nhiều hơn một tổng thống chỉ thích phô trương bộ ngực như một hành vi lố bịch mang tính chủ nghĩa anh hùng cá nhân.

(Sergei Karpukhin, Reuters)




No comments: