Tuesday, December 9, 2014

Chất sáng tạo tinh tế và phong phú của thơ Nguyên Sa (Phạm Quốc Bảo)



Phạm Quốc Bảo
Wednesday, December 03, 2014 6:20:29PM

Lời người viết: Một năm nay, phong trào đề cập đến nội dung của Văn Học Miền Nam VN (1954-1975) nở rộ, phần lớn vì sức bật của tình trạng gần bốn thập niên thiếu hẳn đi thông tin trung thực cần có về văn học Việt Nam trong giai đoạn này. Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng giai đoạn văn học ấy vẫn y nguyên hiện hữu một cách đương nhiên, như là nó đã từng hiện diện trong lịch sử cận đại của dân tộc Việt. Bài viết này của tôi vốn là một đóng góp nhỏ trong số những bài viết khác cho chủ đề nêu trên. Nhân một cuộc hội thảo Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954-1975) được tổ chức trong hai ngày cuối tuần lễ đầu của tháng 12, 2014, tại Little Saigon, Nam California, USA, tôi xin phổ biến bài viết này. Trân trọng. (12.01.2014)

Tuần lễ trước đây, do nhắc nhở của một bạn hữu lâu năm, tôi tự nhiên nhớ đến một đoản văn mà tôi đã viết về Bài Hát Cửu Long của tác giả Nguyên Sa*. Bài viết ấy khá sơ lược và nhất là đã vấp phải một lỗi: Chỉ vì ỷ y vào trí nhớ đến độ tôi viết đề tựa của bài thơ thành “Tiếng Hát Cửu Long,” thay vì chính phải là “Bài Hát Cửu Long,” đúng như đã được đăng trong Thơ Nguyên Sa, tập I. Và bài viết ấy cũng chỉ đủ chỗ để tôi nêu ra một gợi ý nhỏ cho sự cảm nhận về một ý tưởng khá sâu xa trong khi tưởng nhớ đến anh Nguyên Sa.
Bây giờ, ở bài này, tôi có cơ hội vạch ra cho rõ nét cái cảm nhận ban đầu kia của tôi, và cũng là để gián tiếp như một lời nhận lỗi sơ sót đối với một người anh đã quá cố.

Sinh khí mới, từ mốc chuyển biến 1954

Hiệp định quốc tế chia đôi nước Việt Nam đã khiến cho trên một triệu dân từ miền Bắc di cư vào miền Nam, kéo dài từ những tháng cuối 1954 sang đến giữa 1955. Kể từ đấy, mốc điểm lịch sử này đã tạo nên một chuyển biến sâu rộng cho dân tộc ta, từ thể chế chính trị, xã hội, kinh tế cho tới ý thức hệ, môi trường sinh hoạt... Mà mọi thể hiện sự biến chuyển ấy đều xảy ra một cách rõ rệt ngay trong mấy năm cuối của thập niên 1950 và đầu thập niên 1960.
Trên bình diện văn nghệ, chúng ta có thể kể ra những chiều hướng sáng tác tiêu biểu như:

- Mơ về dĩ vãng đã xa thật rồi: Mở đầu là ca khúc Hướng Về Hà Nội (1954), Hoàng Dương diễn tả tâm tình tha thiết buồn thương mà tuyệt vọng hướng về cảnh cũ người xưa của lớp di dân vào sinh sống ở Miền Nam.

- Còn tâm tình chia lìa ray rứt của tầng lớp thượng lưu trí thức HàNội vào Nam được diễn đạt rõ nét trong hai cuốn tiểu thuyết là Bốn Mươi (1956) và Siu Cô Nương (1958) của Mặc Ðỗ (sinh năm1920).

- Trong khi đó thì tầng lớp thanh niên đi kháng chiến chống Pháp nhưng khi thấy rõ được bộ mặt giả trá của CSVN trong Mặt Trận Việt Minh, họ bắt buộc phải “dinh tê” trên đường tìm sống còn và vào Nam. Cái tâm trạng phức tạp chọn lựa một cách bi tráng của họ đã được diễn tả trong những tác phẩm như Ðêm Giã Từ Hà Nội (1955), Tháng Giêng Cỏ Non (1956), Bản Chúc Thư Trên Ngọn Ðỉnh Trời (1963) của Mai Thảo (1927-1998), như Sợ Lửa(1956), U Hoài (1957) và nhất là bộ trường thiên Khu Rừng Lau, mở đầu bằng cuốn Ba Sinh Hương Lửa (1962) của Doãn Quốc Sỹ (sinh năm 1923)... và như Dòng Sông Thanh Thủy (1960-1961) của Nhất Linh.

- Nhưng có một loại tâm trạng khác hẳn cũng hiện diện vào thời kỳ ấy. Ðó là tâm trạng nhẹ nhàng thênh thang cứ thế mà bước tới trong bầu không gian sinh động mới đang ồ ạt dâng lên ở xã hội miền Nam thời bấy giờ. Mặc dù họ không hề bỏ quên những đề tài quá khứ-dĩ vãng, có điều họ vốn sẵn mang cái dòng sống tuôn chảy trong tâm tình linh động của họ một hiện tại chứa chan tươi sáng.

Bắt được nhịp sống

Phân loại ra như trên chỉ có mục đích là để chúng ta dễ dàng trong khi tìm hiểu, chứ không nhất thiết là những nhóm tác giả thời ấy đã chỉ theo đuổi một chiều hướng sáng tác đơn thuần như vậy. Bằng chứng rằng bên cạnh các sáng tác nêu trên, Doãn Quốc Sỹ đồng thời cũng có những tác phẩm khác thể hiện những cảm nhận văn hóa tươi tắn trong sáng vẫn đang thực sự dàn trải trong đời sống xã hội miền Nam một cách rất ư là mới mẻ và sung sức của thời gian đó. Như cái tùy bút Trăng Sao mà ông đã viết được, cái đoản bút trong sáng như một bài thơ, một bức tranh độc sáng,đẹp một cách trang nhã và thanh thoát.

Tuy nhiên, chiếu theo hầu hết những tác phẩm của các tác giả nêu trên đã rõ rệt thể hiện được những cảm nhận tươi mới của sức sống đang ngùn ngụt tỏa ra ở xã hội Miền Nam sung sức thời bấy giờ, chúng ta không thể quên được một Nguyễn Hoạt (bút hiệu Hiếu Chân,1919-1986) với Trăng Nước Ðồng Nai đăng từng kỳ trên nhật báo Tự Do vào những năm cuối thập niên 1950.

Ngoài ra, chúng ta còn có những thi sĩ mà các tác phẩm của họ chứa đựng nhiều nét đặc biệt, khiến cho sinh hoạt lãnh vực thơ của giai đoạn ấy phong phú và đặc sắc, thiết tưởng trước đó cũng chưa hề có được như vậy.

Chẳng hạn, một Thanh Tâm Tuyền (1936-2006). Với hai tập thơ Tôi Không Còn Cô Ðộc (1955) và Liên, Ðêm, Mặt Trời Tìm Thấy (1964), ông được giới người đọc xưng tụng là “...nhà thơ gốc Việt khai sáng của lối thơ mới trong Nam bằng tập thơ thể tự do đầu tiên ở miền Nam Việt Nam...” Nét độc đáo ở chỗ Thanh Tâm Tuyền chưa hề xuất ngoại trước đó, chỉ đặc biệt nhờ vào nỗ lực cá nhân qua học tập mà ông đã nhuần nhuyễn “du nhập” thành công được thể thơ tự do của nền thơ hiện đại quốc tế vào bối cảnh miền Nam VN thời thập niên 1950. Ðiểm độc đáo này có thể nói là một tiếp nối khác so với thời kỳ trước đấy mấy chục năm, các thi sĩ như Huy Cận-Xuân Diệu-Thế Lữ-Vũ Hoàng Chương-Ðinh Hùng,... họ đã đưa những ý tưởng mới và cấu trúc tân kỳ của thi ca phương Tây tràn lan vào trong dòng thơ Việt mà sau này được gọi là nhóm thơ tiền chiến.

Thơ tình và thi hóa đối tượng

Nhưng theo tôi, đặc biệt hơn cả chúng ta phải đề cập đến hai tác giả thơ tình hết sức là độc đáo: Hoàng Anh Tuấn (1932-2006) và Nguyên Sa (1932-1998). Họ độc đáo ở nhiều điểm: Cùng một tuổi sinh ra, Nhâm Thân-1932. Cùng du học ở Pháp. Cùng về nước, trước sau nhau một năm, 1956 và 1957. Và cùng một thời nổi tiếng trong lãnh vực thơ tình.

Hoàng Anh Tuấn độc đáo ở chỗ vài năm cuối đời, tức là lúc tác giả đã trên 70 tuổi rồi, mới có dịp gia đình và thân hữu gom góp lại độ một ít những bài thơ ông sáng tác từ trên nửa thế kỷ trước đấy để in cho ông được một tập thơ “khiêm nhường” duy nhất! Nhưng từ những năm cuối thập niên 1950, Hoàng Anh Tuấn đã vang danh từ những bài thơ như “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội,” Phạm Ðình Chương phổ nhạc. Và thơ tình của ông cũng mang một sắc thái đặc biệt là hầu hết thơ ông làm ra đều ca tụng từ người đến cảnh trực tiếp liên quan tới Hà Nội. Chẳng hạn như ở bài Yêu Em, Hà Nội**:

...Hà Nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ.”

Rõ rệt hơn cả, trong Bài Thơ Hà Nội, câu nào cũng chan chứa tình yêu với tên của các con đường thuộc 36 phố phường Hà Nội:

Em Hà Nội, Hàng Ðường trong giọng nói
Ðể Hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một Trường Thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình Ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi sao thảo cỏ mờ phai
Theo gót chân em từng bước Hàng Hài
yêu Hàng Lược chải mềm hương mái tóc...

Và kết thúc ở câu thứ 28, tác giả hạ bút viết: “Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội.”

Ðúng như lời Mở Cuốn Yêu Em, Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn, Phạm Việt Cường đã viết: “...Với nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, Hà Nội không chỉ là một địa danh, một thành phố, một thủ đô hay chỉ đơn thuần là nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông đã nhân hình hóa Hà Nội thành một con người bằng xương bằng thịt... Ðồng thời một cách vô thức, ông đã đồng nhất hóa tình yêu của ông với người con gái năm xưa, với tình yêu Hà Nội. Hà Nội chính là em. Tình yêu em chính là tình yêu Hà Nội...”
Khai phá thơ tình cách riêng, phong phú không ngờ

Trong khi ấy thì thơ Nguyên Sa lại độc đáo riêng một cách khác biệt hẳn, độc đáo với nhiều cách thế khác nhau.

Ðọc đến đây, chắc ký ức của quí vị độc giả cũng đã tự động tuôn chảy ra được rất nhiều thí dụ để minh chứng cho mấy điểm độc đáo này rồi. Tuy nhiên tôi thấy vẫn cần gợi ý bằng cách nêu ra đây một số đặc điểm tiêu biểu. Chẳng hạn:

- Từ ngữ thơ rất bình dị mà thật quyến rũ-Diễn đạt những ý tưởng thơ phong phú liên tưởng ví von đột ngột, đầy thi vị:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
 Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu...
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Ðể anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại...
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Ðông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.”

(Áo Lụa Hà Ðông)

- Sử dụng rất nhiều thể thơ để diễn tả tình yêu. Chúng ta thử đọc sơ qua mấy bài đáng kể, như thơ tám chữ phá thể vừa trích ở trên, nhiều và cũng nổi tiếng nhất là những bài thơ tự do, mà chữ dùng lẫn ý thơ vẫn một mực tài tình độc đáo một cách rất... Nguyên Sa, như:

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa xe mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!...
Và em sẽ cười phải không em
Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!...
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
Với một chữ N
Với một chữ G
và một chữ A
Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
Người ta có thể không thích
(thì người ta không thích một mình)
Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh.”

(NGA, Solden, Áo quốc, Noel 1954)

Hay:
“Năm ngón tay
Trên bàn tay năm ngón
Có ngón dài, ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo nhẫn
Ngón tay tô môi
Ngón tay đánh phấn
Ngón tay chải đầu
Ngón tay đếm tiền
Ngón tay lái xe
Ngón tay thử coóc-sê
Ngón tay cài khuy áo
Em còn ngón tay nào
Ðể giữ lấy tay anh?”
(Năm Ngón Tay)

Thơ bắt kịp hơi thở mới của đời sống

Ai đó nào khác thì đã ngồi vào “chiếu” thơ tình một cách “đường hoàng” cả về phẩm chất lẫn số lượng đồ sộ như vậy, thì cũng đủ dương danh với thi đàn thời ngay sau năm 1954 rồi. Nhưng Nguyên Sa đã tỏ ra hết sức sung túc trong nguồn sáng tạo của mình: Trong khi vẫn khai phá lãnh vực thơ tình độc đáo, ông còn chứng tỏ rằng mặc dù mới từ Pháp trở về nước, ông đã mẫn cảm đặc biệt để có thể nhận ra ngay được cái sức sống mãnh liệt và tràn trề trong xã hội của bối cảnh cuộc sống dân ba miền Trung-Nam-Bắc đang tươi tắn vươn dậy, xóa bỏ đi cái chính sách chia cắt của thời Pháp đô hộ và cái âm mưu chiếm độc quyền kháng chiến của đảng Cộng Sản Việt Nam, và tự nhiên y nhiên thơ ông hòa vào nhịp thở chung của Miền Nam tự do lúc bấy giờ. Ông đã sôi nổi viết nên Bài Hát Cửu Long:

Có gì đâu em: có một đoàn người
Có một đoàn người góp sức góp vai
Cùng rủ nhau về góp một thành hai
Những bước chân góp đi làm đến!
Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!
Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen
Góp những giọng hò làm trống ngũ liên
Góp những bàn tay dựng thành đại hội
Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với
Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung
Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm...
Ðể sáng ngày mai làm sông làm biển.
Có gì đâu, có một đoàn người
Bên bờ Cửu Long gõ nhịp
Cả dòng sông gõ nhịp vịn bờ sông
Họ rủ nhau về sương gió vui chung
Dù có phút nước mắt chạy quanh
Hay miệng cười hớn hở
Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đệ
Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam
Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang
Nhưng dù má bừng lửa cháy
Trán đổ mồ hôi
Họ cùng không đóng cửa mừng vui
Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười
Không phải khóc
Một đời người tầm gửi
Nhớ không em?
Nhớ không em
Họ gặp nhau
Chờ nhau
Ðón nhau
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Hội lòng người như nước nguồn xối xả
Mưa trường thiên chảy ứ vào trào thơ
Mưa đời người trôi cả nghĩa vu vơ
Ðể lòng chúng mình
Và mạch máu Ðồng Nai
Ðập cùng một nhịp
Anh biết rằng:
Có người khóc vì mừng vui ước hẹn
Có người cười vì tủi cực phôi pha
Anh biết nói làm sao
Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà
Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh
Anh biết nói làm sao
Khi họ gặp nhau (anh đã bảo em)
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Vẫn tiếng sóng về nước chảy triền miên
Vẫn Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Dòng sông dài dữ dội bản trường ca...
Phải, dòng sông dài dữ dội bản trường ca
Nên sông đã về làm tràn đầy mắt biển
Sông đã về rửa trắng lòng anh
Ðợi từ chín kiếp giao thừa
Ðến sáng hôm nay mới được hát giữa dòng sông
Ðến sáng hôm nay mới được hát giữa mùng một Tết...”

Nhưng đọc xong bài thơ dài này, hẳn chúng ta phải thắc mắc là tại làm sao Nguyên Sa hồi ấy lại có thể hiện ngay được cái dòng thơ bừng bừng phấn khởi mà liền lạc đến vô tận ấy, nghe như tiếng cười ha hả vang vọng trong không trung cao vời vợi của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ?

Ðây. Chúng ta phải để ý đến mấy lời tâm tình của Cửu Long Giang-Nguyễn Bảo Trị trong bài viết “Thôi, Thế Là Ðủ Rồi, Anh Nguyên Sa ạ”*: “...Hồi còn nhỏ, nhỏ lắm, Trần Bích Lan và tôi cùng học trường Lycée Albert Sarraut ở Hà Nội... Nếu chúng ta phải cắt cuộc đời ra thành từng đoạn, thì tôi nghĩ rằng, đoạn đời thơ ấu của chúng tôi mới thực sự là đoạn đời đáng sống, mới thực sự là nơi chốn để chúng ta cất giữ kho tàng quí báu của chúng ta...Vì Hà Nội là nơi chốn mang đầy dấu tích của kỷ niệm, trong khi chúng tôi tiếp nối cuộc đời chúng tôi thật vội vàng với một cuộc đời đột ngột đổi thay với muôn vạn bất ngờ. Chúng tôi hạnh phúc trong kỷ niệm đó, chứ không phải là một suy tưởng thiên lệch.”

Ah! le bon vieux temps, òu nous étions si malheureux...

Tôi được đọc bài thơ đầu tiên của Nguyên Sa vào một giờ ra chơi. Hôm đó chúng tôi cùng ngồi dưới một gốc cây bàng. Nguyên Sa đưa tôi đọc bài thơ anh dịch, bài thơ chữ Pháp có tựa đề là Ma Main:
...Voici ma main
Elle a cinq doigts
En voici deux, en voici trois...”

Bài thơ này chúng tôi vừa được học, nó khô khan, nó tầm thường đến chán nản. Nguyên Sa bảo tôi: “Tớ dịch bài thơ này để tặng cậu.”
Bàn tay tôi
Ôi bàn tay kỳ diệu
Với năm ngón ngắn dài
Chúng nhảy múa trên giấy
Trắng như tuổi ấu thơ'
Tôi thấy Nguyên Sa đã cho bài thơ Pháp một linh hồn...

Phải nói cho rõ ra rằng, theo như lời thổ lộ mộc mạc chân tình ở trên thì nhờ học trường Tây từ hồi còn nhỏ, Nguyên Sa đã sớm có cơ hội nhận thức được cái căn bản dân tộc trong bối cảnh xã hội dưới quyền cai trị của chính quyền thực dân bảo hộ và đồng thời ông lại cũng có điều kiện nỗ lực cá nhân trong chiều hướng phát triển được khả năng thi ca của ông. Tôi nghĩ như vậy.

Thơ là phương tiện diễn đạt đời sống

Có nghĩ ra cái mấu chốt như thế thì chúng ta mới thấu hiểu được giai đoạn thập niên 1960 khi Nguyên Sa tuân thủ lệnh động viên vào phục vụ trong quân ngũ, cuộc sống của ông đã thực tế lăn lộn trong tình cảnh “vô thường” xẩy ra từng phút từng ngày giữa lằn ranh sống-chết của thân phận người lính chiến. Ông đã viết cuốn truyện Vài Ngày Làm Việc Ở Chung Sự Vụ, và ông đã chứng tỏ sự chân thực cảm nhận về con người của chính mình bằng bài thơ Xin Lỗi Về Những Nhầm Lẫn Dĩ Vãng:

Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
Ta mới biết rằng những thỏi sắt đó nặng như thế
Ta mới biết rằng trong cuộc đời dạy học ta là thằng dốt nát
Trong mười mấy năm ta làm bao nhiêu tội lỗi
Trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết
Những thỏi sắt đó nặng như thế
Ta không nói cho vợ con bạn bè đồng bào ta biết
Anh em ta và quê hương ta
Vác những thỏi sắt nặng như thế
Từ bao nhiêu năm nay
Bây giờ nằm kích ở ven ruộng sương xuống ướt vai
Bây giờ đứng gác đêm ở rừng già gió lạnh thấu xương
Ta mới biết rằng sương lạnh như thế
Ta mới biết rằng gió lạnh như thế
Ta muốn kêu to lên ta là thằng dốt nát
Ta là một thằng dốt nát
Vì mỗi ngày trong mười mấy năm dĩ vãng
Ta không viết lên giấy trắng mực đen cho những người yêu thơ ta biết
Anh em ta và quê hương ta đã đứng như thế từ bao nhiêu năm
Bây giờ di chuyển đêm di chuyển ngày di chuyển nắng di chuyển mưa
Ăn không được ngủ không được cười không được khóc không được
Hỡi những anh em đã ngồi trước mặt ta trên ghế nhà trường
Hỡi những anh em đã đọc thơ ta yêu quý
Ta nào đã làm được gì
Ðể anh em cười được khóc được ăn được ngủ được
Ðể anh em tìm thấy tọa độ trong rừng già
Ðể anh em tìm thấy điểm đứng trong ruộng đồng bát ngát
Ðể đạn đừng xuyên qua phổi
Ðể đạn đừng xuyên qua tim
Hãy tha thứ cho ta
Hãy tha thứ cho ta
Những anh em đã chết
Những anh em chết ở bờ ở bụi
Những anh em chết ở đồn vắng trong rừng sâu
Những anh em chết khi đi di hành
Những anh em chết khi đi phục kích
Những anh em chết mặt đẹp như hoa
Một ngàn lần hơn ta
Cũng chết
Những anh em học giỏi như thần đồng
Một ngàn lần hơn ta
Cũng chết
Những anh em có vợ mới cưới chăn gối còn thơm
Cũng chết
Những anh em có người tình viết thư nét chữ còn run
Cũng chết
Những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta
Cũng chết
Những anh em mẹ già còn yếu hơn mẹ già ta
Cũng chết
Những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta
Ðã chết
Ðang chết
Và còn chết
Hãy tha thứ cho ta.

(8-1967)

Thơ chính là đời sống sinh động

Và Nguyên Sa đã luôn luôn làm thơ, đã làm thơ không hề ngưng nghỉ... cho đến khi nào ông vẫn còn thở. Chúng ta hãy đọc sơ qua mấy bài thơ tiêu biểu trong tổng số 21 bài ông sáng tác ở mấy tháng đầu năm 1998***. Ðầu tiên, vẫn phải là thơ tình:

Nhớ ngày, nằm đó, trời mưa,
Mặc cho thân thể vật vờ trôi xa,
Nhìn theo những đám mây qua
Ðưa tay cầm lấy đắp hờ lên lưng,
Em về nằm xuống dưới chăn
Chia nhau đêm với mấy phần mây bay.”
(Kỷ Niệm)

Ðọc đến đây, tôi chợt nhớ lại trên bốn thập niên trước mình có xem một truyện ngắn có tựa đề như là Mây Bay Ði của Nguyên Sa mà nhân vật nữ trong ấy tên là Vân. Vân là mây. Cái ví von mơ tưởng lãng mạn này quả là đặc biệt Nguyên Sa!

...Cửa biển vào đầy căn phòng
Từng giọt nước mặn chạy vòng tới tim
ta mơ hồ thấy giọt quen
Giọt thơ tuổi trẻ, giọt em ngày nào..”
Con sông vẫn chưa có chồng
Sương hôm vẫn vậy, thích nằm quanh co
Ta cong mình xuống bãi xa
Con sông thấy lạnh bước qua nằm cùng...”

Chúng ta đọc mà bàng bạc cảm ngay được cái thực tế bệnh tật hành thể xác của ông, tuy nhiên hơi thơ của ông vẫn sinh động thiết tha mà nhẹ nhàng bay bổng đấy chứ...

Sau nữa là ông diễn tả cái tâm tưởng miên man của đời sống con người:

...Suối cạn là nghĩa trang biết thở dài của dòng sông
Sa mạc là nghĩa trang khác, nghĩa trang biết khóc, của dòng sông
Vật nào cũng có hai nghĩa trang
Một vật bao giờ cũng có hai tên
Tên nó và tên ước mơ của nó
Nghĩa trang của nó và nghĩa trang của ước mơ,
Có lúc tôi thích được gọi bằng tên tôi,
Có lúc tôi thích được gọi bằng tên ước mơ của tôi,
Ðó là lý do tôi ký tên em khi làm thơ.
Tôi thích được gọi bằng tên dòng sông
Tôi thích được nhắc nhở tới bằng tên đám mây...”
(Con Sông)

Và cuối cùng, ông trực cảm đến sự ra đi của chính mình:

Cho trả chiếc mũ phở
Cho trả nắm bùi nhùi
Cho trả hai cục gạch
Gắn trong mớ bùi nhùi
Ðóng vai trò con mắt
Cho trả luôn cái cây
Ðứng theo thế hàng dọc
Cho trả luôn cái cây
Ðứng theo thế hàng ngang
Mặc chiếc áo vét cũ
Ngực áo có huy chương
Hai tay đưa hai bên
Bên có chuông thánh thót
Bên có khánh ngân vang
Bên có tấm bảng nhỏ
Bay đi chim bay đi
Bên có tấm bảng lớn
Bay đi chim bay đi
Bảng ở chỗ gặp nhau
Của thân cây thập tự
Ở đúng chỗ gặp gỡ
Bùi nhùi và áo vét
Chỗ có tên là cổ
Dòng chữ đã phai nhòa
Thượng đế vẫn còn sống
Thượng đế đã chết rồi
Những chữ và những chữ
Cho trả lại những chữ
Cho trả lại những bảng
Trả lại chuông và khánh
Bùi nhùi và mũ phở
Bay đi chim bay đi...
(Bay Ði Chim Bay Ði)

Ôi! Quí vị có thể tưởng tượng được không? Nguyên Sa đang khiến cho cá nhân tôi phải “ghen tức.” Bởi vì chưa chắc gì khi tôi lìa khỏi cõi đời này mà tâm tư vẫn còn đủ nhẹ nhõm và tinh tế để diễn đạt sự cảm nhận cho được cái trạng thái thanh thản như nội dung của bài thơ trên.


(Giữa Tháng Chín, 2012)

Chú thích:

*Bài “Từ Tiếng Hò Cửu Long của Nguyên Sa” đã đăng trong tuyển tập Nguyên Sa-Tác Giả, Tác Phẩm, tập II, 1998.
**Cuốn “Hoàng Anh Tuấn-Yêu Em, HàNội & Những Bài Thơ Khác.”
*** Thơ Nguyên Sa- Toàn Tập, 2000.
**** Tài liệu tham khảo từ nguồn Google.





No comments: