Tuesday, January 31, 2012

ĐẠO ĐỨC ĐẢNG & TRÍ THỨC HƯƠNG NGUYỆN (Vũ Thế Phan)



Vũ Thế Phan
Thứ ba, 31 Tháng 1 2012 22:55

“Tuyên thệ gia nhập đảng đồng nghĩa với sự chấp nhận giao phó đặc biệt cái vốn liếng đạo đức cá nhân cho đảng, nói cách khác là dẹp nguồn đạo đức cá nhân bé nhỏ để chỉ biết phục tùng cái đạo đức vĩ đại của đảng, bán linh hồn cho đảng…”

--------------------------------------

Một nhà bác học chưa chắc đã là người có văn hoá. Một người tậu được cái bằng khủng chắc chi đã là trí thức. Tôi hằng nghĩ vậy. Ấy vì nếu chỉ dựa vào bằng cấp để được / bị ‘phong hàm trí thức’ thì té ra tử lâu đại gia đình chúng tôi đã có cả một băng ‘trí thức’ khá đông mà chính lớp phụ huynh chúng tôi lại không biết. Nói cái băng ‘trí thức’ này khá đông vì nội trên đất Pháp, trong gia tộc tôi đã có hơn một tá con cháu haut diplômés (bằng cấp cao): từ thạc sĩ, kỹ sư đến bác sĩ, tiến sĩ Made in Phú lăng sa chính gốc 100%, mòn đít ở giảng đường đại học mới có. Đó là tôi ‘khiêm nhượng’ chưa cọng một bầy dâu rể ‘con rồng cháu tiên lẫn hầm bà lằng Tàu, Tây, Ả rập...’, chứ nếu không vướng hai chữ ‘tự sỉ’ tôi cộng luôn chúng nó vào thì cái băng haut diplômés trong gia tộc tôi dư xăng chia ra thành hai đội bóng đá !

Trước khi gõ bài này tôi quan niệm rằng cái băng con cháu tôi là băng khoa bảng, mỗi đứa mỗi kiến thức chuyên môn, thế thôi. Mươi bữa nay, hai chữ ‘Trí thức’ nổi sóng trên mạng, buộc tôi tự đặt câu hỏi: Vậy thì trí thức là gì?

Jean Paul Sartre có câu nói mà tôi rất thích «trí thức là kẻ hay xí xọn vào những điều chẳng mắc mớ gì đến nó / L'intellectuel est quelqu'un qui se mêle de ce qui ne le regarde pas». Nếu câu này không sai thì khổ nỗi, cái băng khoa bảng trong gia tộc tôi chưa bao giờ xí xọn vào những điều chẳng mắc mớ gì đến chúng nó. Trong mắt tôi chúng chỉ là những ‘trái chuối, ngoài vàng trong trắng’ của cái băng khoa bảng. Tôi chẳng bao giờ có ý định ‘ôm’ cái băng chuối-haut-diplômés này về phiá quê cha đất tổ XHCN như ai kia đã ‘can đảm nhận vơ bằng được’ cách nay không lâu, vì tôi đã khắc cốt ghi tâm câu thành ngữ ‘nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’!

Tôi cũng nhất quyết không phong hàm trí ngủ cho cái băng khoa bảng này. Vì một cu trí ngủ chịu khó thức để lần bước, theo tôi, chắc chắn tiến xa và có ích cho tha nhân hơn hẳn mấy trự ‘trí thức’ mải mê ngủ trên câu hỏi: Thế nào là trí thức? Lịch sử cận đại nước nhà đã có chứng minh bất khả phản biện: một người học chưa hết lớp 7, do lần bước và đặc biệt nhờ vài trăm ông mệ tuồng là ‘trí thức yêu nước’ trường kỳ phù phép mà đã và đang trở thành kim chỉ nam vĩ đại vạch lối ‘phản biện’ một và duy nhất một chiều cho vô số ‘cừu trí thức’ từ 80 chục năm qua: Kim chỉ nam của ‘cừu trí thức’ có xứng được ‘phong hàm trí thức’ không? Nếu không xứng, sao ai ai cũng biết - ngoại trừ Unesco, kim chỉ nam bị / được gọi đại là ‘danh nhân văn hoá của nhân loại’!

Hai chữ Trí thức trong tiếng nước ta xem ra cũng tù mù như mấy chữ Nhân dân, Con người mới XHCN...v.v. Do cố gắng định nghĩa nên trên mạng đã nẻ ra vô số nghĩa, tựu trung lại thành ra vô nghĩa. Nói cách đơn giản ngoài tự điển, tôi ví người ‘trí thức’ như hoa: Hoa đẹp, hoa thơm tự hoa hoa không biết, hãy để người ngắm hoa phẩm bình. Xã hội hoa có hoa Lan, hoa Cúc, hoa Quỳnh..., hoa Cứt lợn và hoa Chó đẻ thì xã hội loài người cũng có ngần ấy loại trí thức, tuy nhiên – bỏ qua ba dòng thác cách mạng gì đó – theo xu hướng toàn cầu hoá để tiến tới thế giới đại đồng rồi cuối cùng là thiên đàng xã nghĩa – nghe nói theo định hướng muôn năm sẽ có nguy cơ thành hiện thực trong kỳ đại lễ 3.000 năm Thăng Long, và đến đầu năm 2012 này, tuy xu thế tất nhiên mới nêu chưa sáng tạo được loại hoa mới nào, song đã đẻ ra một loại trí thức mới mà có người mệnh danh là trí-thức-còn-đảng-còn-mình!

Đành rằng cái tên ‘trí-thức-còn-đảng-còn-mình’ nghe cũng hay hay, cực kỳ giàu đảng tính nhưng theo chỗ tôi biết, bốn chữ ‘còn đảng còn mình’ là thương hiệu đã được cầu chứng độc quyền của trí-thức-công-an tại Viêt Nam-XHCN! Do đó, tôi đã ứng tấu ứng tác ra bốn chữ Trí thức hương nguyện. Phải nói liền đây: Trí thức hương nguyện vốn có gốc từ nhóm chữ ‘Đạo đức hương nguyện’ mà mấy cụ văn gia cổ thụ như Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh... thường linh động để ‘phản biện’ nhau trên báo giấy cách nay trên dưới 80 năm.

Hương nguyện là chữ trong Luận ngữ: Hương nguyện, đức chi tặc dã (hương nguyện, là giặc của đạo đức). Xin trích lục lời các cụ:
1. [“Đạo đức hương nguyện” là đạo đức thế nào? Cứ như lời ông Mạnh Tử đã giải thích thì hương nguyện là chiều đời dua tục, không nói trái với ai, chính là chỉ bọn nhu mỵ.] (1)

2. [“Hương nguyện là kẻ giả đạo đức, ngoài mặt làm ra cái cung kính cẩn nghiêm, mà kỳ thực sẵn sàng hoà đồng văn lưu tục, a dua về kẻ hương nhân bỉ tiện. Hương nguyện chính là thầy đồ quê biển hiệp, không có nghị lực khí khái gì, học đạo thánh hiền mà hình như học đến đâu chỉ làm hại đạo thánh đến đó, uốn nghĩa lý thánh hiền cho vừa bằng tầm nhân cách nhỏ nhen của mình.

Cái tâm lý hương nguyện đó, gặp lúc quốc vận suy vi thì nó bành trướng mãi ra mà hầu như tràn ngập cả. Không những thầy đồ quê mắc phải cái tâm lý ác liệt đó mà đến ông nghè ông cống, đến tể tướng thượng thư cũng không khỏi. Cả bọn thượng lưu trong nước đều đeo một cái tâm lý hương nguyện đó, trách nào dân không tan, nước không mất?”] (2)

3. [“Cái lẽ trung dung của Khổng Tử, nó ra làm sao, không có thể đem mà bàn luận ở đây. Duy nói tóm một điều, tôi cho nó là lẽ cao siêu quá, người ta khó làm theo được. Nếu đem cái lẽ trung dung mà truyền bá cho cái xã hội này thì hầu hết tín đồ của nó sẽ thành ra ‘hương nguyện’ là một hạng người mà Khổng Tử đã ghét cay ghét đắng. Cho nên trong bài Ảnh hưởng Khổng giáo của tôi, tôi bảo bỏ cái thuyết trung dung đi, đừng nói đến là hơn, vì theo nó thì chưa chắc làm được ‘thánh hiền’, mà thiệt dễ làm ra ‘hương nguyện’ quá.”] (3)
4. ["Hương nguyện là bọn giả dối không có liêm sỉ, mượn tiếng đạo đức mà che đậy bề ngoài. Bọn ấy ở với quân tử có thể làm quân tử được, mà ở với tiểu nhân thì làm tiểu nhân.”] (4)

5. Trong bài diễn văn bế mạc buổi thảo luận với tiêu đề “Tiểu thuyết Kim Dung với văn học Trung Quốc thế kỷ XX”, tháng 5 năm 1998 tại Colorado - Mỹ, tác giả Kim Dung đã nói về nhân vật Nhạc Bất Quần trong bộ Tiếu ngạo giang hồ như sau: [“Nhạc Bất Quần là ngụy quân tử, ‘nguyên mẫu’ của y chắc chắn là loại ‘hương nguyện, đức chi tặc dã’ mà Mạnh Tử hình dung loại người này lấy lòng thế tục, cùng một giuộc với bọn tầm thường, ngụp lặn trong ô trọc nhưng ăn ở lại có vẻ trung tín, sống có vẻ như liêm khiết, mọi người đều thích, cho rằng tốt; nhưng loại người này lại không thể theo đạo của Nghiêu Thuấn”] (5)

Tóm lại, đạo đức hương nguyện là đạo đức giả.
Nhưng với tôi trí thức hương nguyện không hề là trí thức giả hay ngụy trí thức, cũng không phải là loại trí thức giấu trong thâm tâm mớ đạo đức giả cầy Nhạc Bất Quần ‘nói một đàng làm một nẻo’ đầy rẫy trên đất nước Việt Nam XHCN: Trí thức hương nguyện là những người có học vị - tôi nói học vị, không nói học thức vì học vị mua xổi được, học thức thì không thể - đồng thời là thành viên của một đảng cầm quyền độc tài chuyên chế. Mà chế độ độc tài đảng trị nào, điển hình là chế độ cộng sản, đều “đòi hỏi sự nhất trí và đồng nhất về quan điểm chính trị và đạo đức cách mạng tức đạo đức đảng.

Tuyên thệ gia nhập đảng đồng nghĩa với sự chấp nhận giao phó đặc biệt cái vốn liếng đạo đức cá nhân cho đảng, nói cách khác là dẹp nguồn đạo đức cá nhân bé nhỏ để chỉ biết phục tùng cái đạo đức vĩ đại của đảng, bán linh hồn cho đảng: Chủ trương cốt lỏi của Đảng cộng sản là ‘cứu cánh biện minh cho phương tiện’ do đó khi đảng viên bất chấp luân lý đạo đức phổ cập, chẳng hạn đứng ra đấu tố cả cha mẹ ruột, cướp đất, giết người; láo khoét, lường gạt, lật lọng; có nói không, không nói có, bạo động vô lý, cầm tù vô lý, nhẫn tâm đàn áp dã man đồng bào biểu lộ lòng yêu nước và No-U... thì chúng ta phải hiểu những xuẩn động này không phải vì cho cá nhân đảng viên mà vì cho đạo đức đảng, cho cái gọi là ‘chính nghĩa và lý tưởng’ của đảng. Thậm chí để phục vụ nhu cầu cứu cánh cho ‘chính nghĩa và lý tưởng’ của đảng, đảng viên càng cao cấp càng phải tuyệt đối biết nhìn, chọn lựa... sự thật nữa!” (6). Trong chế độ độc tài như chế độ cộng sản, đảng viên không hương nguyện thì không thể leo cao, không thể thành lãnh đạo; do đó theo chuẩn đạo đức vĩ đại của đảng: nhẫn tâm với đồng bào là phẩm chất cao quí!

Vài năm trở lại đây, xuất hiện một vài trí thức hương nguyện ‘lừng lẫy một thời’ thỏ thẻ phản biện nọ kia thì trí lùn chúng ta phải cám ơn thật nhiều hai chữ ‘về hưu’ và hai chữ ‘hết quyền’, vả lại sự thỏ thẻ này chỉ có giá trị rằng Retraités mais nous sommes encore là / đã hưu trí nhưng chúng tôi vẫn còn đây! Về hưu và hết quyền nhưng vẫn là hương nguyện bởi vẫn là đảng viên, bộ óc vẫn bo bo cái kim cô tên Đảng. Đây là thành quả nhồi sọ vĩ đại của văn hoá và đạo đức đảng! Không đáng để lưu tâm thắc mắc nên tôi không nêu tên làm bằng, tôi nghĩ cư dân mạng chịu khó nhận xét tí chút đều dễ dàng nhận ra bản lai diện mục của lớp ‘trí thức’ hương nguyện bonzaï cổ lai hy này. Mai kia đảng qua đời, không phải chỉ một hai thế hệ mà có thể tẩy sạch chất hương nguyện trên xứ ta!

Cái nực cười đáng thương của người sắm được cái bằng đại học hay sau đại học là đương sự tự cho mình là trí thức. Cái ngu đáng tội nghiệp của nhà trí thức tự phong, nhất là trong chế độ độc tài đảng trị, là đương sự không tự biết mình ngu nên hay vin vào cái bằng chuyên môn, cái huân chương chuyên môn, cái giải chuyên môn để tuyên bố vung vít. Bị bão đá đích thị là oan Thị Mầu. “Người ngu thông thái ngu hơn người ngu dốt nát” (Molière). Tuyên bố vung vít ra tuồng thông thái là tự do ngôn luận của mỗi người trên các xứ sở phi xhcn, cũng như kéo kiệu vàng cho chúa Trịnh là niềm kiêu hãnh của con Kim Bông Thiên lý mã của lão Nông làng Phương Lộ.

Vũ Thế Phan

----------------------

Chú thích:

(1) Ngô Đức Kế: Luận về chánh học cùng tà thuyết, báo Hữu Thanh số 21 - 01/O9/1924. Bài này chủ yếu mượn cớ chê ‘con đĩ’ Thúy Kiều để ‘chích’ Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong.

(2) Huỳnh Thúc Kháng: Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không?, báo Tiếng Dân, số 317 - 17/09/1930. Bài này bênh vực Ngô Đức Kế (sau khi cụ Kế đã qua đời) và tiếp tục ‘chích’ Phạm Quỳnh.

(3) Phạm Quỳnh: Lan tràn thói đạo đức giả (Nam Phong, 1932)

(3) Phan Khôi: Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim, báo Phụ nữ Tân văn số 54 – 29/05/1930.

(4) Trần Trọng Kim trả lời Phan Khôi trong vụ phê bình sách Nho giáo. Nho giáo, tập hạ, trang 401, Nxb BGD Trung Tâm Học Liệu - SG 1971.

(5) Bành Hoa - Triệu Kính Lập: Kim Dung, cuộc đời & tác phẩm, bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải, Nxb Trẻ SG 2002, tr 383.

(6) Hayek: The road to serfdom, lược dẫn từ Dân chủ pháp trị của Nguyễn Hữu Liêm - USA 1991, mục Về đạo đức của con người cai trị cộng sản, tr 210-212).

.
.
.

CHÚC TẾT ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (Nguyễn Văn Đài)



Nguyễn Văn Đài
Thứ ba, 31 Tháng 1 2012 22:12

Ngày 3 tháng 2 tới đây đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tròn 82 tuổi. Trải qua gần một thế kỷ ra đời, tồn tại và phát triển, đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và tôi hy vọng họ vẫn sẽ là một phần của dân tộc Việt Nam. Những sai lầm, thất bại hay công lao, thành tựu của đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ tôi không đề cập trong bài viết này. Những điều đó hãy để cho lịch sử và nhân dân phán xét. Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến những vấn đề bức xúc của xã hội Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Và tôi cũng đưa ra những quan điểm mang tính cá nhân góp ý cho đảng Cộng sản tự chỉnh đốn và thực hiện tiến trình dân chủ vì tương lai đất nước của chúng ta.

Trong những ngày cuối tháng 12 của năm 2011, đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị trung ương lần thứ tư. Một trong ba vấn đề cấp bách mà hội nghị trung ương lần này đề cập đó là: ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của các bộ đảng viên vì điều này liên quan đến sự tồn vong của đảng Cộng sản. Vậy vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên đảng Cộng sản xuất phát từ đâu? Điều đó gây ra những ảnh hưởng gì trong đời sống xã hội hiện tại của đất nước, dân tộc Việt Nam?

Nguyên nhân:

Theo quan điểm của tôi, nguyên chính là do thể chế chính trị độc đảng hiện nay không còn phù hợp với một xã hội Việt Nam hiện đại và mở cửa hội nhập với cộng đồng quốc tế. Trong một đất nước với gần 90 triệu dân mà chỉ có một đảng Cộng sản với hơn ba triệu đảng viên, đại diện cho một hệ tư tưởng duy nhất thì đó là một sự áp đặt hết sức vô lý và bất công với hơn 80 triệu người dân. Trong khi có hàng triệu người Việt Nam qua con đường du học, du lịch, lao động, qua internet, qua các phương tiện truyền thông quốc tế. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục được tiếp thu những hệ tưởng, tư duy tiến bộ trên khắp thế giới. Theo Hiến pháp Việt Nam, họ có quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, họ có quyền thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị để đại diện cho những quan điểm, tư tưởng của họ. Các tổ chức, đảng phái chính trị này có quyền đại diện cho các từng lớp nhân dân khác nhau để giám sát hoạt động lãnh đạo đất nước của chính quyền, của đảng Cộng sản. Các tổ chức, đảng phái chính trị cũng có quyền cử các thành viên của mình tham gia ứng cử vào quốc hội cũng như các cơ quan dân cử cấp địa phương. Nhưng trên thực tế, những hoạt động chính trị của họ đang bị cấm đoán, sách nhiễu, bắt giữ, cầm tù.

Xuất phát điểm từ sự lạc hậu của hệ thống chính trị độc đảng, dẫn đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các cơ quan, tổ chức kinh tế của Nhà nước diễn ra trong nội bộ và khép kín của đảng Cộng sản. Những người có tài, có đức nhưng họ không phải là đảng viên đảng Cộng sản, nên họ không có cơ hội được cống hiến tài năng của mình để phục vụ nhân dân và đất nước. Từ đó phát sinh những đảng viên cơ hội trong chính nội bộ của đảng Cộng sản, nạn con ông, cháu cha, nạn chạy chức, chạy quyền. Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống bắt nguồn từ đây.

Sự lạc hậu của hệ thống chính trị và sự độc quyền về chính trị cũng làm cho các cán bộ đảng viên có tư tưởng độc đoán, chuyên quyền, tư lợi. Khi họ đã giành được vị trí lãnh đạo thì họ lại đặt lợi ích của bản thân lớn hơn lợi ích của nhân dân. Họ không những tìm mọi cách để duy trì quyền lực mà còn tìm cách thăng tiến không phải bằng tài năng mà bằng tiền bạc. Bán các vị trí chức quyền bên dưới, dùng tiền mua chức cao hơn. Sách nhiễu nhân dân để kiếm tiền, tìm cách tham ô ngân sách… “Tình trạng liên kết, đồng lõa giữa bộ phận này với bộ phận khác “lách luật”, bẻ cong đường lối, chính sách của đảng để trục lợi (lợi ích nhóm) chính là hình thức tham nhũng tập thể, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì con “bạch tuộc” tham nhũng này sẽ còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác..., các cán bộ, đảng viên đã sa vào “vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân”, tự biến mình thành kẻ phản lại mục tiêu, lý tưởng của đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân…(Bài viết của tác giả Huy Thiêm đăng trên website của báo Quân đội nhân dân ngày 9 tháng 1 năm 2012 đã thừa nhận những vấn nạn tham nhũng trong các cán bộ, đảng viên đảng Cộng sản).

Sự lạc hậu của hệ thống chính trị tất yếu sẽ dẫn đến nạn chia bè phái và địa phương chủ nghĩa trong nội bộ của đảng Cộng sản. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên.

Sự lạc hậu của hệ thống chính trị dẫn đến sự thiếu công khai và minh bạch trong mọi vấn đề và mọi lĩnh vực của xã hội. Từ đó mà nảy sinh ra tiêu cực, tham nhũng và suy thoái về đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên diễn ra là điều tất yếu.

Những vấn đề bức xúc của xã hội Việt Nam hiện nay:

Sự lạc hậu của thể chế chính trị độc đảng dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên đã gây ra những hậu quả vô cùng xấu cho xã hội. Nguyên tổng bí thư đảng Cộng sản Lê Khả Phiêu đã thừa nhận rằng: “Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm của dân tộc”. Trong các xã hội dân chủ, tham nhũng chỉ mang tính chất cá biệt. Chúng nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn bởi các đảng chính trị đối lập, bởi báo chí tự do. Còn ở Việt Nam, tham nhũng diễn ra từ trung ương đến địa phương, diễn ra ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Những điều mà người dân có thể thấy được hàng ngày khi họ phải chi những khoản tiền phong bì cho các quan chức hành chính để xin các giấy phép kinh doanh, đầu tư, xây dựng, … Họ phải chi tiền phong bì khi con cái họ đi học, chuyển trường, họ phải cho tiền bác sĩ khi đến các cơ sở y tế của Nhà nước để khám chữa bệnh. Họ phải đút lót khi có người thân bị vướng vào vòng lao lý, khi họ có tranh chấp cần đến sự giải quyết của tòa án. Khi họ đi trên đường giao thông chứng kiến nạn mãi lộ. Còn chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tội thì diễn ra ở những nơi kín đáo, riêng tư nên người dân chỉ có thể biết được khi chúng bị phát hiện và đưa lên báo chí.

Sự lạc hậu và yếu kém của thể chế chính trị độc đảng còn thể hiện rõ nét trong việc xây dựng, kiến trúc đô thị, giao thông. Khi đến thăm những quốc gia dân chủ, văn minh chúng ta có thể thấy ngay bộ mặt kiến trúc đô thị, giao thông của họ theo qui hoạch đẹp đẽ, hợp lý và thuận tiện cho người dân. Còn ở Việt Nam, bởi các quan chức chính quyền năng lực yếu kém lại bị suy thoái về tư tưởng và đạo đức nên xây dựng và kiến trúc đô thị không giống nơi nào trên thến giới với những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, những con đường không hoàn chỉnh với những nút thắt cổ chai tồn tại cả chục năm trời mà không được giải quyết. Xây dựng những con đường giao thông đắt nhất thế giới trong khi nước ta chưa thoát khỏi nghèo. Nạn ách tắc giao thông xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các thành phố lớn.

Sự lạc hậu của thể chế chính trị độc đảng còn tạo ra một đội ngũ các bộ đảng viên yếu kém và thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra và giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng trăm các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng, có chứa các chất độc hại cho sức khỏe của nhân dân được nhập khẩu và bày bán công khai trên hè phố, trong các khu thương mại. Các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng và độc hại được sản xuất, tiêu thụ trong nước cũng không được kiểm soát và ngăn chặn. Những điều này không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của các thế hệ người Việt Nam hôm nay mà còn ảnh hưởng đến cả các thế hệ mai sau.

Sự lạc hậu của thể chế chính trị với đội ngũ các bộ đảng viên yếu kém về năng lực và phẩm chất đạo đức trong lĩnh vực quản lý, sử dụng và thu hồi quyền sử dụng đất đai đã gây nên hàng trăm nghìn vụ khiếu kiện, khiếu nại trên toàn quốc. Làm cho hàng chục ngàn người dân mất đất đai, nhà cửa phải sống trong điều kiện tồi tệ, tạm bợ, không ổn định, gây bức xúc cho đông đảo nhân dân.

Trên đây tôi chỉ xin nêu một số hậu quả xấu do sự suy thoái tư tưởng, đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên đã và đang diễn ra trong xã hội mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng có thể chứng kiến trực tiếp hoặc đọc, hoặc xem, hoặc nghe trên các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước.

Những vấn đề bức xúc đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang gây nên sự thất vọng và phẫn nộ của đa số nhân dân. Các quan chức Cộng sản tham nhũng và tham quyền nên hiểu một điều: Quyền lực và của cải rồi cũng sẽ mất đi, đó là những thứ không thể mang theo khi qua đời. Chỉ có một thứ mà quí vị để lại đó là tiếng xấu cho muôn đời con cháu và một thứ mà quí vị mang theo đó là tội ác để chịu sự phán xét cuối cùng của Thượng Đế.

Vậy giải pháp nào cho đảng Cộng sản Việt Nam tự chỉnh đốn mình?

Theo quan điểm của tôi, chỉ có một giải pháp duy nhất cho đảng Cộng sản Việt Nam đó là: “Công khai hóa và dân chủ hóa”. Đảng Cộng sản Việt Nam cần tiến hành đồng thời cả hai:

Thứ nhất là công khai hóa gồm:
Các cán bộ, đảng viên có chức, có quyền từ trung ương đến địa phương phải tiến hành kê khai tài sản và thu nhập hàng năm của bản thân và các thành viên trong gia đình cho toàn dân được biết. Việc kê khai tài sản và thu nhập nếu chỉ diễn ra trong nội bộ mà không công khai cho nhân dân biết thì điều này chẳng có ý nghĩa gì. Nhân dân là chủ nhân của đất nước, nhưng không biết được tài sản và thu nhập của những “người đầy tớ” thì thật đáng mỉa mai.

Công khai hóa thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao mà không thuộc bí mật quốc gia.

Thứ hai là dân chủ hóa:
Đảng Cộng sản phải tiến hành song song dân chủ hóa trong nội bộ của đảng và dân chủ hóa xã hội.

Dân chủ hóa trong đảng Cộng sản: Đảng Cộng sản nên cho phép các đảng viên của mình được tự ứng cử và bầu cử trực tiếp các chức danh lãnh đạo cấp ủy từ trung ương đến địa phương. Cần có sự cạnh tranh tự do và công bằng cách chức danh lãnh đạo của đảng Cộng sản trong các kỳ đại hội của mình. Những đảng viên cơ hội, yếu kém năng lực sẽ bị loại bỏ, từ đó tạo nên động lực và sức sống cho chính đảng Cộng sản.

Dân chủ hóa xã hội: Có hai yếu tố cấu thành bắt buộc phải có trong một xã hội dân chủ mà đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận đó là:

Yếu tố thứ nhất là tự do báo chí hay báo chí độc lập tức là đảng Cộng sản phải chấp nhận quyền làm báo chí tư nhân của công dân. Đây là quyền con người về chính trị đã được Hiến pháp Việt Nam năm 1992 ghi nhận. Báo chí là một thực thể quyền lực, hoạt động độc lập với chính quyền, thay mặt nhân dân để giám sát và phản ánh mọi hoạt động bình thường cũng như bất thường của chính quyền. Báo chí thông tin đến người dân tất cả các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao… Một quốc gia không thể tối đa hóa sự ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân chủ nếu không có sự tự do báo chí và lan truyền thông tin. Chính phủ không được phép can thiệp vào các hoạt động bình thường của báo chí.

Yếu tố thứ hai là sự ra đời và hoạt động hợp pháp của các tổ chức, đảng phái chính trị khác nhau trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa nhận và công nhận sự ra đời và hoạt động của các tổ chức, đảng phái chính trị khác một cách bình đẳng. Bởi đó là quyền Hiến định mà mỗi công dân Việt Nam đều được hưởng ngang nhau. Đảng Cộng sản không nên coi các tổ chức, đảng phái chính trị khác là thế lực thù địch, phản động. Mà phải coi họ là đối tác để vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau vì lợi ích cuối cùng và cao nhất của đất nước và dân tộc. Trong một xã hội dân chủ, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái chính trị không phải là một cuộc chiến sinh tử mà là một cuộc cạnh tranh để phục vụ nhân dân. Đảng Cộng sản nên coi các tổ chức, đảng phái khác là động lực để đảng Cộng sản tiến hành tự dân chủ trong đảng một cách mạnh mẽ, hoàn thiện chính mình để nhận được sự ủng hộ của nhân dân.

Một đảng chính trị chân chính là một đảng phải có đội ngũ đảng viên có đạo đức, có năng lực và trách nhiệm với nhân dân và Tổ quốc. Một đảng được gọi “đảng là đạo đức, là trí tuệ, là văn minh” là một đảng dám chấp nhận sự cạnh tranh tự do và công bằng thông qua cuộc bầu cử dân chủ đa đảng. Và đảng đó sẽ giành được đa số phiếu của nhân dân, giành được quyền lãnh đạo bằng uy tín và năng lực của mình. Một đảng chân chính không bao giờ bảo vệ quyền lãnh đạo của mình bằng quân đội, cảnh sát và nhà tù. Một đảng chân chính không bao giờ duy trì quyền lãnh đạo của mình bằng việc cấm các đảng chính trị khác ra đời và hoạt động.

Một mùa Xuân mới đang về, cũng là lúc đảng Cộng sản Việt Nam tròn 82 tuổi, tôi chúc toàn thể đảng viên đảng Cộng sản mạnh khỏe, có đủ niềm tin và dũng khí để tự chỉnh đốn mình bằng cách tiến hành công khai hóa, dân chủ hóa trong đảng và dân chủ hóa xã hội đáp ứng khát vọng tự do dân chủ của cả dân tộc Việt Nam.

Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2012
Nguyễn Văn Đài

.
.
.

CHÚNG TA SẼ LÀM GÌ ? (Việt Nguyễn, Đàn Chim Việt)



Việt Nguyễn  -  Đàn Chim Việt

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Từ hôm anh Cang biểu tình trước lãnh sự quán VN tại Praha 16-11-2011, đến nay đã hơn 2 tháng. Biểu tình đòi cấp đổi hộ chiếu khi hết hạn và đòi quyền lợi cộng đồng khi bị xâm phạm. Cuộc biểu tình không gây tiếng vang lớn, nhưng cũng làm rung động tòa lãnh sự. Một bạn đọc, trong phần góp ý của mình có viết “hôm xảy ra biểu tình tôi có đến làm việc ở lãnh sự, thấy có nhiều công an Tiệp đứng gác, hỏi một vài người Việt có mặt ở đó, họ trả lời chẳng có việc gì đâu! Khi ra về mới biết có người biểu tình đứng bên kia đường. Chả trách, hôm đó nhân viên lãnh sự niềm nở lắm, công việc lại trôi chảy không gặp khó khăn gì„. Các cơ quan công quyền VN là vậy, chỉ khi nào có những tác động mạnh mới chịu thay đổi. Chứ không cứ chờ đưa kiến nghị hay góp ý thì còn khuya. Mà có yêu cầu họ phát minh hay làm mới gì đâu, chỉ cần họ làm đúng chức trách và pháp luật mà thôi.

Đỗ Xuân Cang một mình biểu tình

Tháng rồi ,dư luận trong và ngoài nước đang xôn xao về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bà Phạm Thị Hiền, em dâu anh Đoàn Văn Vươn, khi trả lời phỏng vấn đài BBC nói rằng,“Gia đình em chấp nhận mất để xã hội được…. Thứ hai là nếu nhà em không chịu mất, không chấp nhận hy sinh, thì tất cả bà con trên cả nước này những người dân thấp cổ bé họng mà đang bị áp bức như nhà em không có chổ nào để kêu cứu„.

Bước đường cùng, dùng vũ khí chống lại lực lượng nhân danh quyền lực nhà nước. Gia đình anh Vươn làm rung động cả chế độ CSVN.

Chỉ một sự kiện Tiên Lãng, chưa thể làm thay đổi bản chất của chế độ độc tài, có chăng họ chỉ hy sinh anh em huyện quan Hiền, xã quan Liêm,và vài quan thành phố là cùng. Bắt anh em nhà Đoàn Văn Vươn vào tù, rồi đâu lại vào đấy.

Quan quyền lại tiếp tục nhân danh công lý, mãi miết tìm cách ức hiếp nhân dân, lũng đoạn nhà nước để trục lợi. Bởi chính sự độc đoán, coi thường và đứng trên luật pháp của Đảng cầm quyền, đã làm bình phong, dung túng cho quan quyền tác oai, tác quái.

Không phải quan huyện Hiền, quan xã Liêm làm sai, quan thành phố Thoại nói càn. Sự việc xảy ra ở Tiên Lãng, chứ ở nơi khác thì các quan ở đó cũng làm sai và nói càn như vậy.

Chẳng phải Đảng CSVN lãnh đạo toàn diện và thống nhất từ trung ương tới địa phương đó sao?

Trên toàn cõi VN bây giờ, nơi nào cũng đầy oan sai, cũng đầy bức xúc. Điều này không phải chỉ ở trong nước mà còn theo chân lãnh đạo chính quyền sang cả các cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Sự việc tòa đại sứ VN ở Séc đối xử với công dân của mình, ông. Đỗ Xuân Cang. Không cấp đổi hộ chiếu phổ thông cho ông Cang khi hết hạn, cũng không ra một văn bản nào nói rõ lý do vì sao? Mặc dù đương sự đã yêu cầu năm lần, bảy lượt.

Thật không thể lý giải được tại sao? cơ quan đại diện quốc gia mà hành xử kỳ cục như vậy. Nếu chỉ là chuyện thù vặt, khi ông Cang giám chọc phá công cuộc làm tiền của sứ quán qua việc giải quyết các công việc lãnh sự.

Chẵng nhẽ sứ quán nghĩ rằng, đẩy ông Cang vào tình trạng pháp lý không hộ chiếu VN, thì sẽ bịt được tiếng nói, kiểm soát được ý chí của ông Cang. Đúng là họ đã làm đời sống thường nhật của ông khốn đốn, vì phải chạy đôn đáo xin quy chế cư trú khác. Hay họ nghĩ, không cấp hộ chiếu cho ông Cang, và cũng không cấp chứng nhận lý do vì sao? sẽ làm ông Cang không tồn tại được ở Séc. Điều này chẳng cản trở được gì, chỉ càng làm xấu mặt cơ quan đại diện mà thôi.

Thật cám ơn cộng hòa Séc, đã mở lòng, không gây khó dễ khi ông Cang xin cư trú, còn nếu họ cũng hành xử độc đoán như đại diện chính quyến VN, thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Đồ nóng bên này dễ kiếm hơn ở VN nhiều, đẩy con người ta tới bước đường cùng, tất gây biến loạn, sự kiện Tiên Lãng dám có cơ xảy ra ở lãnh sự VN lắm.

Được biết ông Cang đã gửi cho ngài đại sứ VN tại cộng hòa Séc, ông Đỗ Xuân Đông, và tòa lãnh sự bản kiến nghị từ ngày 22-12-2011.

Kiến nghị

Kính gửi ông đại sứ Đỗ Xuân Đông
Tên tôi là Đỗ Xuân Cang hiện sinh sống tại Cộng Hòa Séc.
Yêu cầu ông với tư cách lãnh đạo chấn chỉnh những việc sau của bộ phận lãnh sự quán Việt
Nam:

1- Trả lời chính thức bằng văn bản cho tôi về việc không cấp hộ chiếu và cấm xuất nhập
cảnh Việt Nam, đồng thời nêu rõ lý do. Trả lời cho tôi biết tình trạng pháp lý của tôi, trong tình trạng hiện nay, không có một giấy tờ tùy thân Việt nam có giá trị. Vậy tôi có còn là công dân Việt Nam hay không, còn quốc tịch Việt nam hay không? dựa trên điều luật nào và quyết định nào?.

2- Chấm dứt việc lạm quyền thu lệ phí không đúng với BIỂU MỨC THU PHÍ VÀ LỆ PHÍ
LÃNH SỰ theo Thông tư số 236/2009/TT-BTC ngày 15/12/2009 của Bộ Tài chính:
- Công khai giá quy đổi theo nhà băng có tài khoản của LSQ theo mục 2 điều 5
- Đổi hộ chiếu mới 70 usd
- Đổi hộ chiếu mới lấy trong ngày 70 usd+ 30% là 91 usd
- Cấp mới hộ chiếu do hỏng hoặc mất 150 usd
- Đăng ký cấp giấy khai sinh 5usd
- Đăng ký kết hôn 70 usd
- Chứng nhận tình trạng không phạm tội 5 usd

3- Chấm dứt việc vô hạn hóa thời gian cấp giấy tờ đẩy mọi người vào tình trạng khó khăn
để trục lợi. Tuân thủ điều 16 mục 2 của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP trả kết quả cho
người đề nghị không quá 5 ngày làm việc.

4- Chấm dứt việc đòi hỏi người mất hộ chiếu nộp copy giấy chứng nhận mất hộ chiếu của
cảnh sát Séc. Nó thể hiện tính phụ thuộc, không có tính tự tôn của quốc gia độc lập xúc phạm thể diện quốc gia. Vi phạm điều 16 mục 1 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP

5- Cải cách hành chính:
- Viết hóa đơn thu tiền lệ phí.
- Nhân viên cần đeo biển hiệu ghi rõ tên họ và chức vụ.
- Các tờ khai in để sẵn cho mọi người có thể tự lấy, kèm theo bản viết mẫu.
Tất cả những đề nghị trên tôi đã trao đổi với ông Đinh Văn Hiển. Ông Đinh Văn Hiển đã ghi lại và tôi đã ký tên. Ông hứa chuyển cho lãnh đạo. Nhưng đến nay tôi chưa thấy có một sự thay đổi nào.

Ngày 9/11/2011 tôi cũng đã gửi cho ông một kiến nghị mà đến nay vẫn chưa nhận được thư trả lời.
Hy vọng lần này tôi sẽ nhận được thư trả lời của ông.

Trong trường hợp sau 1 tháng không nhận được thư trả lời tôi sẽ kêu gọi một cuộc tuần hành xuống đường.

Praha 12.12.2011
Đỗ Xuân Cang
Oravska 8, Praha
Tel: 776317847
Email: xuanctb@yahoo.com

Sự việc của ông Cang đã được các báo mạng như Đàn Chim Việt, Vietinfo, Đối thoại, Thông Luận vv, đăng tải. Dư luận của bạn đọc khắp nơi đều hết lòng ủng hộ, nhưng cũng chỉ dừng lại trên trang giấy. thực tế số người xuống đường cùng anh Cang còn quá ít ỏi. Bởi người ta còn lo sợ quá nhiều thứ. Cái lo nhiều nhất vẫn là chính quyền đàn áp không đàng hoàng, ví như gây khó khăn khi họ về VN, hay làm áp lực lên gia đình, người thân của họ. Lại nữa, chưa tin tưởng là sẽ thay đổi được thực tại.

Ông Cang cũng đã dịch hai bài viết của mình, bài (Vì sao tôi biểu tình) và bài (Tôi không cô đơn khi biểu tinh một mình) ra tiếng Séc đăng trên trang blog cá nhân. Người Séc vào xem rất nhiều, họ cảm thông, chia sẻ và ủng hộ ông rất nhiệt tình. Có người còn hứa đi biểu tình cùng ông, chỉ cần cho họ biết ngày, giờ cụ thể. Người Séc chẳng liên quan gì, mà họ cũng cổ vũ, ủng hộ ông Cang bằng cả lời nói và hành động.

Còn chúng ta đi biểu tình vì chính quyền lợi của mình.?

Tục ngữ VN có câu “con có khóc mẹ mới cho bú“. Nếu chúng ta không tự mình thắp lên ngọn nến thì làm sao xua được bóng đêm.

Anh Cang bị sứ quán tước quyền công dân một cách phi pháp, và lâm vào cảnh bi đát như bây giờ, nhưng cũng chẳng chết được. Chắc chắn khi bị biểu tình phản đối, cơ quan đại diện nhà nước phải thay đổi ít nhiều. việc ăn chặn, gây khó dễ để moi tiền phải bị ít đi, không còn trắng trợn như trước nữa.

Một vài người biểu tình thì họ còn gi nhớ mà trù dập được, chứ hàng trăm người thì làm sao mà họ đàn áp cho được. Vả lại đi biểu tình là thực hiện quyền hiến định, chẳng có gì là sai trái cả.

Anh Cang rồi sẽ đi biểu tình nữa, bởi vì sứ quán sẽ không bao giờ đáp ứng những kiến nghị của anh, dẫu họ biết mười mươi là họ sai. Bản chất của chính quyền CS là vậy.

Còn chúng ta sẽ làm gì?

Việt Nguyễn
(Tác giả gửi tới từ C.H Séc)

© Đàn Chim Việt

.
.
.