Saturday, March 31, 2012

NGAY TỪ BÂY GIỜ (Đỗ Hùng, Thanh Niên Online)



Đỗ Hùng

Để vẽ bản đồ thế giới, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (NGS) nhận thấy vùng biển Đông có nhiều tranh chấp nên đã gửi thư tham khảo chính quyền Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi không nhận được phản hồi từ Việt Nam, NGS được Trung Quốc mời tới thăm Hoàng Sa, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Kết quả là NGS công bố một bản đồ với ghi chú Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, một sự nhầm lẫn cực kỳ tai hại đối với Việt Nam mà NGS về sau đã đính chính khi phía VN lên tiếng phản đối.

Câu chuyện trên - được ông Nguyễn Duy An, một người Mỹ gốc Việt giữ chức Phó chủ tịch NGS, thuật lại - cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Trong khi mưu đồ tuyên truyền yêu sách ngang ngược của Trung Quốc là chuyện xưa như trái đất, thì có một thực tế phải nhìn nhận, đó là chúng ta quá bị động trong việc tuyên truyền chính nghĩa của mình. Không cần tới khi Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như ráo riết tuyên truyền ra thế giới những tấm bản đồ, những tài liệu ngụy tạo chủ quyền, chúng ta mới rục rịch tìm kiếm đối sách. Hãy coi việc tuyên truyền chủ quyền, tuyên truyền chính nghĩa Việt Nam là việc bình thường, phải được tiến hành thường xuyên.
Việc tuyên truyền trước hết là cho chính người Việt Nam. Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt của chúng ta, vậy tại sao không đưa những bài học về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của cha ông ta, về sự xâm chiếm của ngoại bang trên hai quần đảo đó vào máu thịt mỗi người dân đất Việt, trước hết và cơ bản nhất là bằng những bài giảng trong trường phổ thông? Chúng ta có làm được không, như cách người Nhật đưa vào sách giáo khoa cụm từ “bị chiếm đóng trái phép” khi nói về nhóm đảo Nam Kuril. Chúng ta không ở vào vị trí ủng hộ Nhật hay Nga trong vấn đề Nam Kuril, nhưng cách làm, thái độ của người Nhật là điều chúng ta cần suy ngẫm.
Lỗ hổng ở cấp độ nền tảng đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, trong khi “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, thì có một thực tế đáng buồn là số lượng các nghiên cứu khoa học về vấn đề tranh chấp ở biển Đông của tác giả người Việt trong đăng tải trên các tạp chí học thuật uy tín thế giới (trong danh sách ISI) chỉ đếm trên đầu ngón tay, lép vế hoàn toàn so với nghiên cứu cùng loại của tác giả Trung Quốc. TS Nguyễn Hồng Thao, một trong số ít tác giả Việt Nam có nhiều công bố khoa học về tranh chấp biển Đông trên tập san quốc tế, từng nhìn nhận: "Đúng là bài viết của tác giả Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa còn rất ít. Chúng ta kêu nhiều nhưng nghiên cứu lập luận chặt chẽ thì còn có vấn đề. Việc thiếu các bài viết chất lượng, bảo đảm tính khoa học bằng tiếng Anh trên tạp chí quốc tế không có lợi cho cuộc đấu tranh chung”.
Thực tế hiện nay là, trong vấn đề biển Đông, cả góc độ phổ thông lẫn hàn lâm, thế giới bên ngoài đang tiếp nhận thông tin từ Trung Quốc nhiều hơn so với từ Việt Nam. Mà tâm lý con người là dễ chấp nhận cái phổ biến, thế nên, những luận điệu sai trái của Trung Quốc, được truyền bá bằng chiến lược dài hơi, với những chiến thuật cực kỳ tinh vi, dần dần có nguy cơ sẽ chinh phục số đông thế giới bên ngoài. Hệ quả là, chúng ta trở nên đơn độc dù chính nghĩa thuộc về chúng ta.
Điều này cần phải thay đổi. Trước hết và ngay tức thì, chúng ta cần đưa câu chuyện Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông trở nên dễ tiếp cận hơn đối với mọi người dân, bằng những bài học chi tiết trong sách giáo khoa và nhiều hình thức khác. Những chương trình nghiên cứu biển đảo để công bố ra thế giới cần được tiến hành quyết liệt hơn, với vai trò chủ đạo của nhà nước.
Một trong những điều quan trọng nữa, đó là không chỉ Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối, chúng ta nên xem xét đưa một số vụ việc liên quan tới hành động ngang ngược của Trung Quốc - chẳng hạn bắt bớ ngư dân, phá hoại hoạt động kinh tế của Việt Nam - ra phân xử bởi các trọng tài quốc tế. Khi vấn đề được đưa ra phân xử, đó là lúc chính nghĩa Việt Nam được nêu bật, sự phi nghĩa của Trung Quốc bị tố cáo. Có như vậy chúng ta mới nhận được nhiều hơn sự chia sẻ từ quốc tế, bằng không, một viễn cảnh đơn độc và lép vế là điều có thể tiên liệu.
Đỗ Hùng

---------------------------------------

Nguyễn Duy-An
2011.08.24 21:43

.
.
.

NHỮNG AI MỚI LÀ NGƯỜI ĐÁNG TRÁCH NHẤT? (Dương Danh Dy)


Dương Danh Dy
gửi riêng NXD- blog
Thứ bảy, ngày 31 tháng ba năm 2012

Tôi không muốn “công khai” mấy mẩu chuyện dưới đây, bởi vì xét cho cùng nếu nói ra thì cũng là chuyện “con dại cái mang”, “xấu chàng hổ ai”…, thế nhưng sau khi đọc xong bài viết nói trên, đã thấy rằng không thể im lặng được nữa, và thấy cần phải nói ra:

- Từ ngày 12 đến ngày 20 tháng 2 năm 2012, đoàn cán bộ cấp cao do một UV BCT Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn đầu đã thăm chính thức Trung Quốc.

-Tối ngày 16 tháng 2 năm 2012, đại sứ mới của TQ tại Việt Nam đến chào một vị lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và được vị này mời cơm thân mật.

- Đại sứ mới của TQ tại Việt Nam xin đến chào lãnh đạo một Viện Nghiên cứu của Việt Nam vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 2012.

Tôi không rõ sau khi đọc 3 mẩu tin trên, có bao nhiêu người thấy được vấn đề, bao nhiêu người không thấy hoặc có thấy nhưng nhắm mắt làm ngơ, không dám nói ra hay không tiện nói ra…Để đỡ mất thời gian của bạn đọc, xin nói ngay rằng:

- Đoàn cán bộ do UVBCT ĐCSVN dẫn đầu đã thăm TQ đúng vào dịp họ chuẩn bị rồi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17/2/1979,

- Buổi mời cơm thân mật của vị lãnh đạo quôc hội Việt Nam với đại sứ TQ tại Việt Nam diễn ra đúng ngay vào đêm trước ngày họ xâm lược chúng ta,

- Ngày mà vị đại sứ TQ tại Việt Nam định đến chào một Viện nghiên cứu của Việt Nam đúng là ngày họ trở mặt đem mấy chục vạn quân đội bất ngờ tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta (nhưng ý đồ này không thực hiện được vì ngưòi lãnh đạo Viện này biết rõ dụng ý nên đã khôn khéo từ chối, hẹn tiếp vào ngày khác)

Đánh giá 3 sự kiện trên như thế nào, nên để những người trong cuộc tự suy ngẫm và tự phán xét. Ở đây chỉ xin phép thưa rằng, nếu các nhà sử học, những ngưòi có trách nhiệm của chúng ta (cũng như nhiều ngưòi dân Việt Nam khác)… cứ im thin thít, cứ e sợ, cứ hèn nhát…đối với sự kiện ngày 17/2 này như vừa qua thì đâu chỉ có chuyện nữ sinh Việt Nam đuối lý trong tranh cãi với bạn TQ ở cùng nhà về chủ quyền của ta tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như bài báo đã đưa mà chắc rằng từ nay trở đi sẽ còn không ít những tai to mặt lớn của ta bị họ tiếp tục “giắt mũi” vào những chuyện “quốc sỉ” hơn nữa.

Có vài vị vốn được xếp vào hàng “chức sắc” của ta, nói sau lưng tôi-nhưng tôi được ngưòi có trách nhiệm nói lại: tại sao cái ông này cứ nói mãi cái chuyện “làm mất, gây tổn hại tới tình đoàn kết với người láng giềng hữu nghị lớn” của chúng ta như vậy nhỉ? Tôi đã không thèm trả lời họ. Nhưng nay nhân câu chuyện này, xin phép thưa với bạn đọc và trả lời lại: tôi vốn không phải là ngưòi “thù dai”, hay “không biết coi trọng nghĩa lớn” v. v.

Nhưng ở đây có một vấn đề nguyên tắc: một khi vấn đề quan hệ tới danh dự quốc gia, tới tôn nghiêm dân tộc chưa được làm rõ thì mọi ngưòi Việt Nam yêu nuớc đều không có quyền làm ngơ. Cuộc chiến tranh biên giới ngày 17 tháng 2 năm 1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra, đã và vẫn đang còn thuộc về vấn đề chưa được giải quyết rõ ràng.

Trong lịch sử, cha ông chúng ta đã giải quyết rất thoả đáng các vấn đề tương tự. Có thể nêu nhiều ví dụ chứng minh. Ở đây xin nêu một vài. Chỉ cần nói tới “Gò Đống Đa” là muôn triệu ngưòi Việt Nam và cả phía bên kia đều nhớ tới, hình dung ra ngay trận đánh tan hơn 20 vạn quân Tôn Sĩ Nghị đời Thanh của hoàng đế Quang Trung. Chỉ cần nói tới “ Sông Bạch Đằng” là ai cũng biết đó là nơi có những trận đánh chôn vùi bao nhiêu vạn quân xâm lược đời Ngô Quyền và nhất là đời Trần…Phải nói rằng khi gặp phải những “đại danh từ” đó( hay “Bình Ngô đại cáo”, “Hịch tướng sĩ”, hay câu thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”...), các con cháu nhiều đời của bọn xâm lược đã đỡ được một phần xấu hổ. Thế nhưng đó chỉ là bề ngoài. Tôi xin phép nêu một câu hỏi: đã có khi nào một đoàn đại biểu chính thức (to cũng như nhỏ) của nước họ tới thăm Gò Đống Đa, sông Bạch Đằng… hay chưa?

Một sự kiện lớn đầy đau thương, mất mát, căm hờn như ngày 17 tháng 2 mà “một số ngưòi lớn” còn không nhớ nổi thì việc em nữ sinh nói trên có đáng trách lắm không?

Có đáng trách, nhưng tôi nghĩ ngưòi đáng thi hành kỷ luật, đáng bị lên án nghiêm khắc không phải là em? Mà là ai, chắc bạn đọc tự thấy!

Ngày cuối tháng 3 năm 2012
.
.
.

NGHỊCH LÝ Ở VIỆT NAM VỀ LÃNH THỔ & BẠN VÀNG : CÁI BẪY ĐƯA DÂN VÀO TÙ ? (J.B Nguyễn Hữu Vinh)



01/04/2012

Một lần, ngồi nói chuyện với một Trung tá an ninh tôn giáo về bài viết “Ba mươi năm chiến tranh xâm lược, đâu rồi lòng yêu nước” anh ta nói:
- Anh viết thế thì được lợi gì? Chẳng qua là Đảng và nhà nước ta tuyên bố vậy thôi, chứ với Trung Quốc, thì mãi mãi đảng và nhà nước ta vẫn xem là kẻ thù truyền kiếp, nhưng nói ra bây giờ không có lợi.
Mình bảo:
- Thế nghĩa là sao? Đảng và nhà nước vẫn tuyên bố 16 chữ vàng và 4 tốt. Chẳng lẽ đảng và nhà nước lại nói ngược sự thật? Nói dối cả dân tộc, cả 90 triệu dân?
- Thì anh phải biết là có những việc người lớn làm nhưng trẻ con không được biết.
- Thế hóa ra, chú coi đảng và nhà nước này mới là người lớn và gần 90 triệu người dân còn lại này là trẻ con cả sao?
- Ví dụ một vụ án hiếp dâm trẻ em thì không thể đưa ra công khai cho cả xã hội biết, như vậy thì tương lai đứa trẻ đó sẽ như thế nào?
- Chú không thể ví chuyện này với chuyện hiếp dâm. Chuyện hiếp dâm đứa trẻ khác với chuyện lãnh thổ đất nước. Chuyện hiếp dâm đưa ra, ảnh hưởng đến cuộc đời đứa trẻ, nhưng chuyện lãnh thổ đất nước, không đưa ra sẽ có không chỉ một triệu mà hàng triệu đứa trẻ và cả dân tộc bị ảnh hưởng vì mất nước.

Câu chuyện tranh cãi, cuối cùng chẳng đi đến đâu vì anh ta không thể lý giải được cuối cùng là vì sao không thể nói, viết về việc bảo vệ Tổ quốc và biên giới, biển đảo, vì sao lại sợ những vấn đề đó. Tất cả những câu trả lời chỉ là loanh quanh.
Không chỉ có một viên an ninh loanh quanh.

Quan sát những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam gần đây, không khỏi thấy những lúng túng, không nhất quán cũng như sự bất nhất trong lời nói, hành động. Đặc biệt là sự không thống nhất trong nhiều lực lượng, cá nhân từ lãnh đạo đất nước đến các lực lượng chức năng.

Trước hết, từ những ngày xa xưa, thì Hiến pháp 1980 ghi rõ: “…chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Thế rồi qua những cuộc họp bí mật có, công khai có, từ “bọn bá quyền Trung Quốc” trở thành bạn 16 chữ vàng và 4 tốt.

Cũng từ đó, người ta thấy rất rõ sự bất nhất trong lời nói và hành động của nhà cầm quyền Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và nhất là trong đối xử với nhân dân mình.

Một thời gian dài, báo chí tuyệt đối không được nhắc đến Hiệp định biên giới Việt Trung được ký kết khi nào, ra sao và nội dung như thế nào. Rồi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược bị đẹp tan từ 2007. Rồi báo Du Lịch bị đình bản vì đăng bài viết về Trường Sa, rồi những ai mang dòng chữ Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam được đối xử như những tội nhân…

Thôi thì đành một nhẽ rằng là vấn đề lãnh thổ không được nói đến, không được nhắc đến. Cứ coi như là một lĩnh vực thuộc bí mật quốc gia và việc mất còn không còn thuộc về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân nữa mà chỉ là vấn đề của đảng và nhà nước mà thôi. Mọi người cứ thế mà im lặng mặc cho Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc hay Đài Loan hoặc kể cả là của Nhật Bản, miễn là anh không nhắc đến nó là được.

Bỗng nhiên, gần đây một số lãnh đạo đất nước cũng nói rõ Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược năm 1974, rồi Trường Sa cũng là của Việt Nam, rồi kiên quyết bảo vệ biển đảo… thì ra vậy, Trường Sa, Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam.

Thế rồi báo chí lại được đăng về Trường Sa, Hoàng Sa. Rồi Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao ra tuyên bố về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam rằng là “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử”.
Thế là người dân đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

Biểu tình có tính chất yêu nước. Nhưng đi biểu tình thì bị đạp mặt
Thế rồi nhân dân đi biểu tình bị đàn áp, bị đạp mặt, bắt bớ
Thế rồi ông Giám đốc Công an Hà Nội tuyên bố biểu tình có tính chất yêu nước.
Thế rồi Thành phố Hà Nội ban hành cái công văn không dấu, không số, không chữ ký (điển hình trong hệ thống pháp quyền) rằng không được biểu tình.
Thế rồi Thủ tướng chính phủ tuyên bố biểu tình yêu nước là tốt và cần có luật biểu tình để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp quy định.
Thế rồi nhân dân đi biểu tình ủng hộ Thủ tướng liền bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm…

Quả thật, theo dõi những hành động của hệ thống cầm quyền Hà Nội, người dân sẽ choáng, sẽ mù đường, sẽ hoảng loạn vì không còn biết tin vào đâu, ăn làm sao nói như thế nào.

Tình cảnh người dân Việt Nam thời gian qua không khác đoạn văn dưới đây trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng:
- Như vậy thì ngoài bọn cộng sản và quốc gia thì thôi, còn cứ việc… bắt ráo cả!
– Bắt ráo! Cần nhất là phải bắt những kẻ kêu: “Nước Pháp dân chủ vạn tuế!” và “Chính phủ Bình dân vạn tuế!” Vì hai khẩu hiệu ấy xem chừng là xung đột với Vua Xiêm cả.
– Thế còn đối với những kẻ kêu “Quân chủ vạn tuế” hay là Nước Xiêm vạn tuế” thì có bắt hay không?
– Ấy thế mới chết đấy! Ðiều ấy tôi lại chưa hỏi kỹ ông Cẩm… À, nhưng mà cần gì phải hỏi quan trên? Mình cứ việc bắt chứ, vì quân chủ vạn tuế thì lại xung đột với nước Pháp dân chủ, nước Xiêm phát xít được vạn tuế thì lại cũng nguy hiểm cho nước Pháp có Chính phủ bình dân…
– Thưa
củ quản, âu là ta làm thế này: Ðối với những kẻ nào đi đón hai nhà Vua mà đứng ngây mặt ra như tượng thì thôi, ta tha bắt cho, còn kẻ nào ra ý vui mừng mà hô khẩu hiệu, hoặc vạn tuế nước Pháp, hoặc vạn tuế nhà Vua, thì ta cứ việc bắt giam cả một lượt! (Trích Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng – Chương 18).

Có một điều chắc chắn rằng, nếu muốn vào tù hoặc ít nhất là vào trại cải tạo, thì thời điểm hiện nay là dễ dàng nhất cho người dân.
Chỉ cần ra đường hô to với khẩu hiệu “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam” thì bạn sẽ bị bắt, bị đàn áp, sẽ được vào tù hoặc ít nhất là vào trại cải tạo.
Chỉ cần ra đường hô to khẩu hiệu “Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc” thì bạn sẽ được mời vào đồn và ra tòa vì tội âm mưu bán nước.
Chỉ cần bạn tụ tập một nhóm người ăn nhậu vinh danh phụ nữ yêu nước, bạn sẽ được “mời” về đồn công an, và sau đó là nhiều vấn đề tiếp theo bạn phải chịu hậu quả.
Chỉ cần bạn tập trung mấy thanh niên “học tập và làm theo lời bác” trong việc rèn luyện thân thể, tổ chức đá bóng No-U lập tức bị giải tán.
Và có rất nhiều cách để được vào tù nghỉ ngơi chỉ liên quan đến vấn đề lãnh thổ, lãnh hải đất nước.

Những thế hệ đã qua, tất cả đều thuộc câu “Đất nước ta liền một giải từ Mục Nam quan đến Mũi Cà Mau”. Nhưng chính các thế hệ đó cũng đã từng phải trả giá cho những điều được học ở trên khi cất tiếng nói, câu hỏi có phải Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc đã rơi vào tay giặc? Cái giá phải trả đó là những năm tù đày.

Không những chỉ giai đoạn đã qua, ngay tại giai đoạn này, chính những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam lại để cho người dân dễ dàng mắc bẫy phải vào tù.

Trong khi những người dân biểu thị tinh thần yêu nước bị bắt bớ như trên đã nói, thì báo chí ầm ầm kêu gọi “Góp đá cho Trường Sa” hoặc “Nước ngọt cho Trường Sa”. Trong khi nói đến biển đảo, Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam thì bị vào trại Phục hồi nhân phẩm, bị đưa đi cải tạo không cần án, thì nhà nước đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào giáo dục cho học sinh, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ Ngoại giao lại khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam…

Nhỡ mai đây, khi các cháu đã được học tập đi ra khỏi trường lại hô toáng lên: “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam”, các cháu sẽ được vào tù?

Nhỡ mai đây, những đoàn viên, những người dân đã góp đá, góp nước cho Trường Sa, lại hô to “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam”, họ sẽ được vào trại cải tạo?

Và cứ thế, những hoạt động, những bài học kia phải chăng là cái bẫy đưa các công dân Việt Nam vào tù.

Và các cháu học sinh giỏi, những công dân mẫu mực, yêu nước sẽ trở thành nguồn phạm nhân tiềm tàng cho các nhà tù khi nhà cầm quyền vẫn loanh quanh về lãnh thổ và biển đảo đất nước?

31/3/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
.
.
.

NẾU VIỆT NAM CỨNG RẮN THÌ TRUNG QUỐC KHÔNG DỄ NUỐT ĐẢO BIỂN CỦA MÌNH (Nguyễn Hoàng Hà)



Nguyễn Hoàng Hà
1-4-2012

Trung Quốc sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục thu về số ngoại tệ khổng lồ hàng năm thì cũng là lúc ý đồ đem các dự án chiếm Biển Đông ra để thực thi thành sự thực. Ngoài các đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa mà họ đã chiếm được của Việt Nam sau các cuộc xâm lượng ồn ào trên biển thì nay họ vẽ lại đường lưỡi bò mà cái lưỡi đó bao trùm hết cả Vịnh Bắc Bộ từ biển vùng Móng Cái của Việt Nam giáp ranh Trung Quốc va kéo dài đến tận Palawan của Philipine cách Trung Quốc ngàn vạn dặm. Có thể nói cái lưỡi đó liếm không chỉ các vùng biển quốc tế mà vơ ngoạm cả vùng biển trong phạm vi 200 hải lý của Việt Nam mà quốc tế đã quy định, Trung Quốc cũng đã ký cam kết tôn trọng.

Theo các nhà quân sự châu Âu nhận định thì với tổng số tiền dự trữ quá lớn hơn 600 ngàn tỷ đô-la và với số đầu tư chi phí quân sự hơn 270 tỷ hàng năm, đứng thứ 2 sau Mỹ thì Trung Quốc có thể chỉ một vài năm có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh về quân sự đe dọa sức mạnh của Hoa Kỳ và các cường quốc khác trên thế giới. Họ mua sắm không tiếc tiền từ tàu chiến, tàu ngần cho đến máy bay hiện đại đến nỗi chủ hàng rất ham tiền mà cũng khôn giám bán cho họ như Nga, Pháp, Israel, v.v. vì lo sợ trước sự hung hăng và tham vọng quá lớn của quốc gia này. Vì thế, là một quốc gia sống kề cận với người đồng chí bất hảo có truyền thống xâm lược mình suốt 4 ngàn năm, Việt Nam buộc phải tính đến một chiến lược, sách lược mang tính quyết định riêng mà khiến Trung Quốc không thể bắt nạt mình mà trái lại có thể khóa Biển Đông một khi các cuộc thương thuyết không thành, ý đồ bành trướng của Trung Quốc không còn là bóng ma treo trên đầu mà là sự xâm lăng toàn diện trên biển của Việt Nam. Với nguồn kinh phí có hạn Việt Nam đang muốn tìm ra đối sách phát huy được thế mạnh của dải bờ biển chữ S chạy suốt chiều dài Biển Đông và Thái Bình Dương. Dù đầu tư nhiều đến mấy về tàu chiến và tàu ngầm, Việt Nam không thể đối lại với số tàu chiến và các hạm đội khổng của Trung Quốc, cho nên không gì hơn là Việt Nam cần phải mua sắm và đi đến tự chế tạo các hỏa tiễn tầm ngắn, tầm trung và đặc biệt là tầm xa để khi cần vừa bảo vệ đựoc đảo biển va lãnh thổ lãnh hải của mình và khi cần có thể là con dao cắt cái lưỡi bò đang thè ra liếm nuốt biển của mình, phong tỏa các tàu chiến của Trung Quốc tại đây.

Hiện nay, các nhà quân sự thế giới đã nhìn thấy một thế trận Bạch Đằng mới giống như cha ông người Việt Nam xưa nhấn chìm đoàn tàu của nhà Nam Hán. Nay thay cọc gỗ nhọn thì Việt Nam dùng chảo lửa để khi cần có thể đốt tàu chiến quân Bành trướng Trung Quốc.

Tin tức mới nhất ngay trên báo VnMedia và các báo chí trong nước ngày 29/03/2012 đã đưa tin trong năm 2011 và 2012, Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật Nga sẽ thực hiện hợp đồng “Vietnam-15″ trị giá 31,83 triệu USD.

Theo đó, Tập đoàn sẽ cung cấp linh kiện khí tài và công nghệ nâng cấp tên lửa hàng không tự dẫn truyền hình Kh-29T và dẫn lade bán chủ động Kh-29L lên chuẩn Kh-29TE cho Việt Nam. Thông tin trên được đề cập trong Báo cáo hoạt động của Tập đoàn này, mới được công bố gần đây. Trong đó cũng nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ là khách hàng quan trọng mà đã trở thành đối tác tin cậy, khi hai bên đã ký kết những dự án hợp tác chung, tiêu biểu nhất là Chương trình hợp tác trong lĩnh vực phát triển và sản xuất tổ hợp tên lửa tàu chiến Uran-EV.

Theo báo cáo, Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật đã ký kết với đối tác Việt Nam 6 hợp đồng thương mại với các số hiệu Vietnam-7, Vietnam-9, Vietnam-10, Vietnam-11, Vietnam-12 và Vietnam-15. Trước đó, Tập đoàn này đã thực hiện hợp đồng ký năm 2010 với Việt Nam về cung cấp các bộ phận linh kiện để nâng cấp tên lửa Kh-29T và Kh-29L lên chuẩn Kh-29TE với giá trị 570.000 USD.

Theo báo cáo của Tập đoàn này, trong năm 2009 Việt Nam đã nhận lô hàng tên lửa huấn luyện 3M-24EMB trị giá 2,359 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam đã đặt hàng tên lửa 3M-24E trị giá 23,4 triệu USD.

Cũng theo báo cáo của Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật, năm 2011 là thời hạn bàn giao cho Việt Nam lô hàng tên lửa Kh-31A trị giá 49,65 triệu USD. Loại tên lửa này được thiết kế cho máy bay Su-30MK2 của Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn này cũng đang thực hiện các hợp đồng trị giá hơn 105 triệu USD cho đối tác Việt Nam với thời hạn bàn giao đến năm 2014. Trong đó, tính riêng các năm 2013-2014 sẽ bàn giao gói hợp đồng trị giá 98 triệu USD. Báo cáo của Tập đoàn cũng cho biết, năm 2011 họ thực hiện bàn giao cho Việt Nam lô hàng bom KAB trị giá 11,17 triệu USD. Cũng trong năm 2011, Việt Nam đã được bàn giao gói hợp đồng trị giá 89,17 triệu USD về cung cấp tổ hợp phương tiện chế áp hàng không ASP. Báo cáo cũng đề cập đến Chương trình hợp tác trong lĩnh vực phát triển và sản xuất tổ hợp tên lửa tàu chiến Uran-EV với tên lửa chống tàu Kh35-EV. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng đối với Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và thương mại quân sự. Các sản phẩm vũ khí Nga luôn là ưu tiên đối với Việt Nam. Các dòng tên lửa Kh-31 (tên lửa siêu âm hàng không), Kh-35 (tên lửa hành trình chống tàu tầm thấp) của Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật đã được biết đến rộng khắp trên thế giới. Những loại tên lửa này có thể giải quyết các nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu trong một cuộc tấn công với mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày và ban đêm, có khả năng vượt qua các hành động chống trả của đối phương bằng radar cũng như bằng các vũ khí phòng thủ khác. Để tăng hiệu quả và đáp ứng những mục tiêu về lâu dài Việt Nam cũng đang phải tính đến phối hợp với các tập đòan sản xuất vũ khí quân sự của Nga, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, v.v. để mở các nhà máy sản xuất vũ khí, nhất là hỏa tiễn ngay tại trong nước. Nếu thành công thì đây quả là một tin không lành đối với tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Những đe dọa mới đây nhất của chính phủ Trung Quốc đối với các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu của các tập đoàn Ấn Độ, Hoa Kỳ tại vùng biển 200 hải lý thuộc lãnh hải của Việt Nam cũng như việc họ lớn tiếng đe dọa Việt Nam đang chuẩn bị các cuộc tập trận chung với Philippines và các cuộc săn bắt tàu đánh cá của người dân Việt Nam trên vùng lãnh hải của mình đã thức tỉnh chính phủ Việt Nam không thể tin vào các cuộc đàm phán “hữu nghị” trên tình “tồng chí” với kẻ đã vừa phát động tấn công mình vừa qua trên khắp tuyến biên giới và nay đang nuốt đảo biển còn lại duy nhất của mình ở Trường Sa. Hiện nay ngoài việc cho sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm được của Việt Nam vào Huyện Tam Sa thuộc đảo Hải Nam cũng như cho khách du lịch đến tham quan các đảo này chính là thủ đoạn hợp thức hóa đảo biển ăn cướp thành đảo biển và lãnh hải xa xôi của mình. Hơn 30 năm với tinh thần mền mỏng đàm phán với Trung Quốc đã không mảy may đem lại một thoáng kết quả nào để xác định và bảo vệ chủ quyền lãnh hải đảo biển của Việt Nam. Thời gian càng kéo dài thì chỉ càng có thêm sự thuận lợi cho kẻ bành trướng làm sói mòn lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Vì thế việc hợp thức hóa luật biểu tình bày tỏ thái độ yêu nước của người dân trước họa xâm lăng đang đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. Những việc làm cao quý của bà Nghĩa, ông Điếu Cày, v.v. nhà nước càng nên cần phải được hoan nghênh, biểu dương hơn là kìm hãm và xử lý họ, hơn thế nữa, các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, v.v. vốn sinh ra chẳng có việc để làm, như là ngủ gật mấy chục năm qua thì nay tốt nhất nên đánh thức họ dậy, tổ chức, hướng dẫn, vận động người dân tham gia vào các sinh hoạt về bảo vệ chủ quyền đảo biển vừa nâng cao sức mạnh của các tổ chức ấy vừa hâm nóng ngọn lửa yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân.

Tiếng trống Bạch Đằng nay đang cần dóng lên mạnh mẽ dồn dập hơn khi các tuần dương hạm, hàng không mẫu hạm, cùng dòng tàu chiến của quân bành trướng Trung Quốc đang chuẩn bị kéo đàn để xâm chiếm Biển Đông. Hồn các liệt sỹ trên Hoàng Sa và Trường Sa cũng như người dân cả nước đang lắng nghe tiếng trống đó và trên tay muốn khắc lên hai chữ “ Sát Thát ”.

Ngày 30 tháng 3 năm 2012
N. H. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.