Thursday, June 2, 2011

NẾU CHIẾN TRANH TRUNG - VIỆT XẢY RA . . . (Lê Nguyên Hồng)

Lê Nguyên Hồng
Thứ năm, ngày 02 tháng sáu năm 2011

Qua những động thái hết sức nguy hiểm mà phía Trung Quốc đã làm, vừa xảy ra trên Biển đông, trong lãnh hải Việt Nam, đặc biệt là sự việc nghiêm trọng ngày 01/06/2011 các tàu mang số hiệu 989; 27 và 28 có trang bị vũ khí mạnh của Trung Quốc bắn, đuổi, dồn ép tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, đã khẳng định nguy cơ của một cuộc đụng độ vũ trang xảy ra trên biển Đông. Rất có thể điều này là dấu hiệu báo trước cho một cuộc chiến tranh.

Trước khi cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra ngày 17/02/1979, rất nhiều vụ va chạm có sử dụng vũ lực như dùng dao kiếm, gậy gộc, gạch đá tấn công nhau giữa các công dân hoặc binh lính Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra dọc theo biên giới Việt - Trung. Lần này sự việc không xảy ra trên bộ như năm 1979, nhưng nó khá giống về sự khiêu khích mang tính chất côn đồ, chứ không đơn giản chỉ là những tranh chấp thông thường về chủ quyền biển, vẫn thường xảy ra ở nơi này nơi khác trên thế giới.

Liệu có quá vội vàng khi tiên liệu một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không? Nếu xâu chuỗi các động thái từ một vài năm gần đây đến nay thì dấu hiệu chuẩn bị về lực lượng hải quân của cả Việt Nam và Trung Quốc là có thật. Tuy Trung Quốc vẫn chưa được xếp hạng là một cường quốc về hải quân trên thế giới. Nhưng họ vẫn mạnh hơn hẳn Việt Nam. Họ đã sắm cả tàu sân bay và “tân trang” lại để tăng áp lực quân sự trên Biển Đông, trước hết là để hù dọa Việt Nam và các nước trong khu vực. Đồng thời khi cần họ có thể sử dụng tham chiến nếu chiến tranh biển xảy ra.

Đối với Việt Nam, từ năm 2009, chỉ riêng “gói” vũ khí mà Việt Nam mua lại từ Nga bao gồm cả tầu ngầm thế hệ mới, đã lên tới 2,6 tỉ USD – Một con số khá ấn tượng đối với một nước nghèo trên thế giới. nhà máy đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg sẽ cung cấp 6 tàu ngầm hạng Kilo cho Việt Nam. Hợp đồng này trị giá 1,8 tỷ đôla. Ngoài ra Việt nam còn mua 12 chiến đầu cơ Su-30MK của Nga. Như vậy số tàu ngầm Kilo mà Việt Nam sẽ sử dụng bằng 1/2 số lượng tàu ngầm cùng thế hệ của Trung Quốc. Năm 2010 lần đầu tiên Việt Nam ký hợp đồng mua 6 máy bay thủy phi cơ lưỡng dụng DHC-6 Twin Otter series 400 với tập đoàn Air Viking Canada.

Hoàn Cầu Thời báo - Một tờ báo chi nhánh của Nhân dân Nhật báo - Là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài xã luận hôm 30/05/2011, bài báo viết: "Trung Quốc là nước lớn, sức mạnh hơn hẳn Việt Nam. Tuy nhiên sự kiềm chế của Trung Quốc không phải là không có giới hạn". "Nếu Việt Nam cho rằng sự kiên nhẫn của Trung Quốc nhiều như muối ở Nam Hải (Biển Đông), thì họ đã vấp phải sai lầm chiến lược". Phia Việt Nam, trước đó đã có những phát biểu khá cứng rắn, một điều không thể xảy ra nếu ở cùng kỳ này năm ngoái. Tại cuộc họp báo bất thường ngày 29/05/2011, bà Nguyễn Phương Nga – Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam nói: "Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam".

Từ lâu, tuy luôn gọi Trung Quốc bằng những lời lẽ rất kêu như: Mười sáu chữ vàng, láng giềng 4 tốt vv.., nhưng Việt Nam vẫn dè chừng sự bành trướng của Trung Quốc. Vì lịch sử đã dạy cho Việt Nam nhiều bài học đau thương từ “người anh” phương Bắc. Tuy nhiên, để xảy ra tranh chấp trên biển Đông, một phần là do chính sách ngoại giao thiển cận của Việt Nam. Đáng kể nhất là việc Phạm Văn Đồng xác nhận vị trí lãnh hải 12 hải lý cho Trung Quốc năm 1958. Trong công hàm ngu dốt này, Đồng đã không xác định tiêu điểm là các hòn đảo, quần đảo nào nào là thuộc chủ quyền Việt Nam, rồi từ các tọa độ xác định, mới tính ra phạm vi lãnh hải 12 hải lý cho Trung Quốc, và tất nhiên là cho cả Việt Nam, cho dù năm 1958 “Công ước quốc tế về luật biển” chưa ra đời. Công ước quốc tế từ năm 1962; 1964; 1966 đưa ra định nghĩa về các quốc gia có quần đảo trong phần IV, cũng xác định: “Đường cơ sở được vẽ giữa các điểm ngoài cùng nhất của các đảo ở ngoài cùng nhất, đảm bảo rằng các điểm này phải đủ gần nhau một cách thích đáng. Mọi vùng nước bên trong đường cơ sở này sẽ là vùng nước quần đảo và được coi như là một phần của lãnh hải quốc gia đó”…

Chuyện xảy ra thì là chuyện đã rồi. Nhưng nếu cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc không tự kiềm chế được, thì một cuộc chiến nhãn tiền sẽ phải nổ ra. Xét về mặt ngoại giao, khi nổ ra chiến tranh biển, mọi vấn đề về chủ quyền và quyên chủ quyền sẽ phải được quốc tế quan tâm cách đặc biệt. Điều này sẽ có lợi cho quốc gia nào có tầm ảnh hưởng đối với quốc tế hơn. Lợi thế này đang nghiêng về Trung Quốc. Hẳn là nhà nước Trung Quốc biết quá rõ điều này. Thế nhưng nếu chiến tranh biển nổ ra, mà các nhà cầm quân lại không chiến thắng được sự leo thang quân sự, thì nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ là điều không tránh khỏi. Và tất nhiên, với những quan tâm của Hoa Kỳ trên Biển Đông, khi vấn đề xác định quyền lực lãnh đạo thế giới của họ bị thách thức, tất nhiên Hoa Kỳ và sau nữa là khối NATO sẽ không dứng ngoài cuộc chiến Việt – Trung. Việt nam sẽ thành bãi chiến trường và túi bom đạn của thế giới…

Gỉa sử kịch bản nói trên là sẽ xảy ra, thì ai sẽ là người cầm súng xông lên tuyến đầu bảo vệ tổ quốc Việt Nam? Trước hết là xin mời tất cả đảng viên Đảng Cộng Sản, nhất là những người đương chức đương quyền, cùng với con em trong gia đình họ, đứng lên hàng đầu. Vì bao thành quả máu xương của nhân dân Việt Nam hàng trăm năm qua, hiện nay họ đang hưởng hết: Nào ăn ngon mặc đẹp, nào Vila biệt thự, nào siêu thị siêu xe, phần lớn đều là của họ. Những người dân nghèo cầm súng bao thế hệ trước đây, còn lại gì, được hưởng gì, bàn dân thiên hạ đều thấy rõ. Đây chính là lúc Đảng Cộng Sản Việt Nam thể hiện mình và trả nợ nhân dân Việt Nam.

Lê Nguyên Hồng
.
.
.

No comments:

Post a Comment