Thursday, February 3, 2011

THẾ GIỚI TRANH MỘC BẢN DÂN TỘC (Huỳnh Hữu Ủy)

Huỳnh Hữu Ủy
Wednesday, February 2, 2011

Tinh túy văn hóa của một dân tộc, trong chiều hướng nào đó, là vết tích sinh hoạt uyển chuyển của cảnh quần cư. Là một dân tộc chuyên về nghiệp nông, Việt-nam có lẽ từ thuở xa xăm nào kia đã khởi dựng cho mãi đến ngày nay một đời sống đặc biệt từ nền tảng đó, đặc biệt nhất chính là một nền văn hóa thôn dã cực thịnh.

1.
Tinh túy văn hóa của một dân tộc, trong chiều hướng nào đó, là vết tích sinh hoạt uyển chuyển của cảnh quần cư. Là một dân tộc chuyên về nghiệp nông, Việt-nam có lẽ từ thuở xa xăm nào kia đã khởi dựng cho mãi đến ngày nay một đời sống đặc biệt từ nền tảng đó, đặc biệt nhất chính là một nền văn hóa thôn dã cực thịnh. Cùng cảnh nông thôn nhịp nhàng, con người cất tiếng ca hát với thiên nhiên, với cảnh đời, cảnh người trong một niềm rung động cộng sinh. Tiếng hát lời ca đó là dòng sông tươi mát chảy băng qua thời gian, nảy sinh tự nhiên từ đời sống đồng ruộng, giữa các cuộc đình đám hội hè, ấy là nguồn nước ca dao, lục bát khởi phát cùng thuở lập quốc, tưới mát cả mấy ngàn năm lịch sử, và còn nuôi sống, vỗ về mỗi tâm hồn chúng ta hôm nay.

Có thể dễ dàng nhìn nhận với một nhà nghiên cứu văn học rằng, đời dân tộc ta vốn là một bài hát liên tiếp, hát liên tiếp lúc làm, lúc chơi, hát giữa mùa xuân với những hội mùa của nam giới, hát giữa mùa thu nồng nhiệt, bất tận, nhất là tiếng hát nữ giới càng véo von, dường như chan chứa nhớ thương từ mùa xuân trước, từ giữa mùa hạ đã cùng nhau canh tác, cày cấy, cùng nhau làm việc hộ đê, cùng nhau gặt hái, vì mùa thu bản lai là mùa cổ điển của trai gái, là mùa xa xưa của ái ân (1). Và những bài hát đó đã kết tập nhau trong một trường ca đầy sức sống, ý tình, là trường ca của một cuộc đấu tranh hào hùng, dũng cảm và mơ mộng, chất phác mà diễm lệ, châu ngọc. Những bài hát đó cũng còn được ghi lại bằng sắc màu trên trang giấy gió quét điệp thơm mùi gỗ mới, cùng thơm mùi cỏ hoa bát ngát trên đồi, những bài hát đó là ca dao còn được vẽ thành tranh mộc bản hay còn gọi là tranh dân gian, là hòa điệu của hương đồng nội, ngôn ngữ thiên nhiên và mối tình người giản phác. “Các bức tranh đó được tung ra khắp nẻo, tựa những chuỗi cười ròn rã hồn nhiên nổi lên giữa ruộng lúa xanh tươi bát ngát. Ðó là thứ ca dao không phải bằng lời nhưng bằng đường nét và màu sắc” (2). Bởi tính chất đặc biệt vừa nói, thường thì tranh mộc bản vẫn bày ra thế giới màu sắc đầm ấm, phong phú, tươi vui vào những dịp lễ Tết, từ những chợ quê khắp các làng mạc thôn xóm cho đến các khu phố lớn, người ta bày bán khắp nơi, góp thêm vẻ rực rỡ để đón xuân mới, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà, nên cũng thường được gọi là tranh Tết.

Hình ảnh rực rỡ tươi vui ấy dễ gợi chúng ta liên tưởng đến các cuộc đình đám hội hè của màu sắc, khiêu vũ và âm nhạc tưng bừng, nhộn nhịp tại khắp các miền quê hay phố hội Tây-ban-nha, Mễ-tây-cơ, bởi vì đều là những cuộc bày ra của sắc màu tưng bừng, ngây ngô mà không lạc điệu. Có điều là, ở thế giới tranh mộc bản Việt Nam, chúng ta còn tìm thấy đôi khi một vẻ trầm tĩnh cô đọng, trang nghiêm.


Vinh Hoa, tranh Đông Hồ

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.”
Hoàng Cầm

Nhìn qua lịch sử nghệ thuật dân tộc, có thể nói rằng tranh mộc bản đã đóng giữ một vai trò quan trọng bởi tính chất đơn thuần và độc đáo Việt-nam.

Các nhà khảo sử-nghệ-thuật dường như điều đồng ý về điều đó (3). Thực ra, người ta vẫn thường khả nghi về lịch sử một nền hội họa Việt-nam, cho là mơ hồ, nhưng không phải vì thiếu vẻ đồ sộ của một lâu đài như nghệ thuật thuộc các nền văn minh khác, mà nó không có. Việt-nam có một lịch sử lâu dài, tất nhiên cũng phải có một nền tảng giá trị tinh thần chỉ đạo hướng sinh tồn, trong đó nghệ thuật là một trong những giá trị tối thượng. Vị tất, kinh qua lịch sử nghệ thuật, ta đã nắm giữ được một trong những cửa ngõ dẫn vào cõi tinh thần đó. Ở đây, tranh mộc bản trong dòng biến chuyển sinh tử của nó làm chứng phần nào cho điều ấy. Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật và chuyên khảo sát cổ sử, tranh mộc bản Việt-nam đã có một truyền thống lâu dài, xuất hiện ngay từ đời Lý (1010-1225), đời Hồ (1400-1414) và đã được phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện dưới đời Lê (1533-1788), song hành với việc in tiền giấy và những thời kỳ mà đạo Phật được thịnh hành. Ðiều ấy chỉ là chuyện dễ hiểu, khi mà kỹ thuật sản xuất ở lĩnh vực này phát triển thì cũng sẽ ảnh hưởng hỗ tương đến các lĩnh vực khác. Khi một thế lực tinh thần có ảnh hưởng mạnh mẽ thì cũng dễ trùm lên các hoạt động nhân sinh khác trong xã hội. Sáng kiến in tiền giấy của Hồ Quý Ly và một kỹ thuật khá tiến bộ bấy giờ đã ảnh hưởng dây chuyền đến việc in các tranh dân gian. Việc phát triển đạo Phật đòi hỏi nhu cầu ấn hành các tranh mộc bản để thờ như tranh Phật bà Quan-Âm, tranh Phật Thích-Ca, tranh có tính chất giáo dục của tôn giáo như tranh Thập Ðiện hay được vẽ diễn nghĩa, từ các giáo thư, kinh điển. Lại nữa, một số nhà nghiên cứu khác còn cho là tranh dân gian bắt nguồn từ những hoàn cảnh, điều kiện, truyền thống lâu dài hơn nữa, xa hơn thời gian phỏng đoán trên này. Qua những công trình khảo sát có sẵn, ta đã thấy rõ nguồn gốc của tranh mộc bản, nó khởi nguồn từ những đòi hỏi của một thời đại quá khứ, do những nhu cầu tôn giáo, tinh thần hay kinh tế của một tập thể lớn, và đã trở thành của hết thảy quần chúng dân tộc.

Nhìn chung, loại tranh dân gian thì khắp ba miền đều có, từ Bắc, Trung đến Nam, nhưng ở Bắc thì phát triển mạnh nhất. Dựa vào truyền thống nghề nghiệp thì mạnh nhất là tranh ở hai nơi: làng Ðông-hồ (Bắc-ninh) và khu hàng Trống (Hà-nội). Giữa hai nguồn sản xuất lớn này tranh Ðông Hồ lại là đặc biệt nhất, không những bởi một kỹ thuật in vững chãi, một truyền thống lâu dài kể cả về phương diện lịch sử và địa lý, mà còn bởi tại một lối nhìn khá kỳ lạ, đầy chất mới mẻ, đầy vẻ sáng tạo, hết sức nghệ thuật, của những nghệ nhân làng Ðông-hồ.

Dù do lai tranh dân gian phát truyền như nghề nghiệp sinh sống của làng Ðông-hồ, có những bức tranh vẫn có giá trị lâu dài của một chân-tác-phẩm nghệ thuật, bởi vì khi mà kỹ thuật đã được trau luyện để đạt đến điểm đích cùng của nó, lại thêm kỹ thuật đó còn là hơi thở của một thống truyền văn hóa cao đẹp, thì đấy không còn chỉ là vấn đề kỹ thuật, ấy đã là nghệ thuật.

Tắt lại, tranh dân gian Việt-nam, đặc biệt là tranh Ðông-hồ, là sắc thái nghệ thuật quí báu của một truyền thống sâu sắc của dân tộc ta.


Đám rước sư tử, tranh Đông Hồ.

2.
Cách hay nhất để khám phá tính chất độc đáo, giàu có của tranh mộc bản là thưởng ngoạn, nhìn ngắm trực tiếp các tác phẩm còn được gìn giữ. Nhờ thế, ta sẽ nhận ra được rằng tranh mộc bản không những độc đáo từ cách thức diễn đạt, biểu cảm, mà còn độc đáo ở một nội dung hết sức phong phú và đầy dân-tộc-tính.

Qua lịch sử hội họa Tây-phương, ta đã từng có dịp nhận ra vẻ độc đáo nghệ thuật của từng dân tộc hay từng thời đại, hẹp hơn là nét vẽ của từng m?i họa sĩ. Những chân dung của Modigliani chứa đựng đường nét và màu sắc đặc thù, cá biệt của riêng ông, người thưởng ngoạn khó mà lầm lẫn với các chân dung của Cezanne, Matisse, Braque. Phong cảnh và thế giới của Monet không thể nào lầm lẫn với phong cách hội họa Manet, càng không thể trùng hợp với vũ trụ sắc màu của Van Gogh hay Leger. Cũng thế, tranh mộc bản Việt-nam thực là thuần túy dân tộc và rất cá biệt, người ta dễ dàng trực cảm được về đời sống riêng của thế giới mộc bản Việt-nam, người ta dễ dàng phân biệt được ngay nó với tranh mộc bản của các dân tộc khác, dù là trên phương diện lịch sử, địa lý, văn minh, văn hóa, rất gần gũi với dân tộc ta. Tranh mộc bản Việt-nam rất khác với tranh mộc bản Trung-hoa, Triều-tiên, Nhật-bản.

Tranh mộc bản Việt-nam mở ra một thế giới táo bạo, phóng khoáng, hồn nhiên gần như mới mẻ của trẻ thơ, tất cả đều dàn trải trên một mặt phẳng và dẹt (aplat) mà đôi khi thiếu sự hợp lý của những qui tắc, mực thước của hội họa, màu sắc có lúc rất ấm áp, cái ấm áp của đất đai sưởi nắng thơm mùi rạ mới có lúc lại rất vui tươi, rực rỡ, dã thú.

Trong một cuộc bày tranh của trẻ nhỏ trước đây, tôi đã từng được nhìn ngắm no mắt một thế giới phong phú, ôm đồm, như cái nhìn đầu tiên phóng trùm lên sự vật. Những con đường như treo các chiếc xe leo ngược lên các mái nhà, cây cối sắp hàng một cách mới mẻ ngã ra hai bên đường mà không cần biết đến luật phối cảnh, viễn cận (perspective). Ở đó, sự vật được dựng từ một hồi ức, các trẻ nhỏ thắt bím xanh, mặc áo hoa nô đùa giữa một sân trường cỏ xanh, tụ tập vui chơi dưới tàn cây xanh, mặt trời đỏ chói mỉm cười và những con chim sẻ nhỏ. Ở đó, những căn nhà, những khu phố xuất hiện cùng một lượt, cùng dàn ra, các cửa sổ mở rộng, các bức tường hồng dựng lên, và dù thế nào thì tất cả đều phô bày cùng một lượt trên một bề mặt, không có chiều sâu, không có vấn đề khối thể, không gian ở đây là không gian hai chiều. Ở đó, một chiếc ly thủy tinh trong suốt cắm hoa đặt trên mặt bàn trắng trong căn phòng của bé, dù nhìn nghiêng, dù nhìn thẳng đều có miệng tròn, bởi vì bé biết cái ly thủy tinh kia chứa nước trong veo có miệng tròn và những cánh hoa tím đã được cắm vào đấy. Những trường phái hội họa mới, muốn hủy phá luật tắc gò bó cổ điển, đã nhìn thiên nhiên bên ngoài và ghi nhận đối tượng cũng gần như lối nhìn của bé khi vẽ chiếc ly thủy tinh kia, là thế giới bay bổng, nhẹ nhàng của họa sĩ chúa-tể siêu thực Chagall chẳng hạn.

Tôi không muốn so sánh tranh mộc bản Việt-nam với hội họa mới, nhưng có được một lối tỉ giảo khái lược, chúng ta vẫn dễ dàng thấy được một cách rõ ràng về kỹ thuật, nét vẽ, lối nhìn, cách bố cục tranh của người nghệ sĩ đại chúng Việt-nam xưa.

Chính trong lối nhìn đó, tôi đã bắt gặp lại thế giới phong phú hồn nhiên và táo bạo nơi tranh mộc bản. Ấy là một cảnh họp chợ ở miền quê (tranh Chợ Quê), các bà mẹ, bà chị mặc yếm hồng, yếm xanh lui tới mua bán, cá sắp đầy đặn trong rổ, rau cải xanh tươi, đồ đất, đồ gốm, có cả cảnh đánh bạc bịp, người đàn bà thua bạc đứng khóc... Nghĩa là một cảnh chợ với đầy đủ mọi sinh hoạt, và ở đó mọi người đều dềnh trải ra, không vì nhìn thấy từ gần, từ xa mà phải thâu hẹp lại hay lớn hơn, hay phải đặt nghiêng trên chiều mắt nhìn hợp lý. Ấy là những cảnh sinh hoạt của nghề nông (tranh Bản đồ canh nông), ở đây ta bắt gặp một sân phơi thóc bao quanh bởi hàng rào tre, phía trước là đồng ruộng và mọi người đang làm việc. Ðể mô tả cho đủ mọi sinh hoạt của nghề nông người ta đã không ngần ngại ghi lại tất cả cùng một lúc: những nông dân đang gặt lúa đã chín vàng nặng trĩu hạt, đang cày bừa, vỡ đất, xới đất, gieo hạt, nhổ mạ, đập lúa, sàng lúa, sẩy lúa, các bà mẹ quê xay thóc, giã gạo, cấy lại mạ hay gánh những bó mạ xanh trở về nhà. Cái táo bạo là ở đó, cùng trên một tranh vẽ, người ta mô tả những sinh hoạt, những tác động xảy ra trong những hoàn cảnh khác nhau, đáng lẽ kéo dài cả mấy tháng trời trong những thời điểm khác nhau, thì ở đây đều cùng xuất hiện thành một bản đồ chung, cho ta một cái nhìn tổng thể về đời sống thôn dã cùng cảnh nghề nông. Cái nghịch lý lạ lùng, đáng yêu, đầy thi vị của tranh mộc bản phải chăng là bởi chính điểm đó? Có lẽ cũng thấy sự thiếu hợp lý ấy, nhưng không ngần ngại, người ta cứ vẽ, và để bổ khuyết vào, người ta vẽ kéo thêm bao quanh từng tác động một đường màu vàng hoe, để có thể gây nơi người xem ấn tượng về những đường dường ruộng, và có thể trong mỗi bờ dường ruộng đã trở thành một vị trí thời gian. Lối phát biểu khác thường, táo bạo ấy có thể gặp ở rất nhiều tranh mộc bản khác. Họa sĩ Thái-Tuấn đã có nhận xét tương tự thế khi ông xem bức tranh “Ðám cưới chuột”. “Khuôn khổ tờ giấy có hạn nhưng đám cưới của anh chị chuột lại rất linh đình, đông đảo, nối đuôi nhau thành một hàng dài. Trong trường hợp ấy, nghệ sĩ không ngần ngại cắt đám cưới ra làm hai; một nửa nằm phía trên tờ giấy, một nửa phía dưới. Tài tình ở chỗ tuy đám cưới bị ngắt làm hai đoạn nhưng khi xem tranh chúng ta vẫn thấy sự thuần nhất của đám cưới. Bức họa vẫn gây cho ta cảm tưởng đám cưới tiếp diễn đều đặn không hề bị trở ngại trong sự chia cắt sắp xếp của nghệ sĩ.


Đám Cưới Chuột, tranh Đông Hồ.

Nói chung về cách bố cục ở những bức mộc bản của ta, thật quả sự phóng túng đã đi đến chỗ liều lĩnh. Vốn dĩ dân tộc Việt-nam vẫn hết sức coi trọng luật cân đối: ở giữa nhà là một cái tủ chè, hai bên là hai vế câu đối, chúng ta nhìn lên một bàn thờ là thấy rõ cách xếp đặt qui củ. Nhưng tác giả ở những bức tranh mộc bản đã làm một cuộc cách mạng ở trong luật cân đối. Dùng ngay sự bất cân đối, để tạo nên sự cân đối hòa hợp của bức tranh.” (Sách đã dẫn, trang 143). Ở một bức tranh khác, bức “Ông Hoàng cầm quân” (thuộc loại tranh thờ), ta thấy người vẽ đã có một lối nhìn ngây ngô hết sức tượng trưng, nhưng đường nét thì rất chặt chẽ, vững vàng. Ông hoàng mặc áo đỏ cưỡi ngựa trắng giữa đám quân lính cầm gươm dáo, phía trên có tàn che và những vừng mây xám sẫm ngã sang màu nâu. Tâm điểm của bức tranh là ông Hoàng, nên ông Hoàng thực lớn, lớn gấp ba lần mỗi tên lính hầu, dù về phương diện thể chất mỗi lính hầu cạnh ông Hoàng cũng lớn bằng ông. Lối nhìn, cách phát biểu ấy quả là ngây ngô, trẻ con, nhưng cũng chính đó là giá trị của tranh, bởi vì nó đã trình bày được ý nghĩa tượng trưng muốn đạt đến. Nói cho cùng, nghệ thuật chỉ là phát biểu sự rung động của nghệ sĩ làm thế nào để biểu cảm được thế giới mà nghệ sĩ ghi nhận, miễn rằng gây được sự truyền cảm đến người thưởng ngoạn. Ðối tượng bên ngoài hay thực tại thiên nhiên bấy giờ chỉ là một cơ hội, cái cơ hội ban đầu mà thôi, nghệ sĩ không dừng lại ở cơ hội đó, ghi chép đúng thực tại đó, mà tiến xa hơn nữa. Khả năng sáng tạo của tinh thần, những rung cảm nội tại tiếp tục di động từ cái nhìn đầu tiên ấy, đúng như nhận xét của Maurice Denis, người đứng ở hàng tiền đạo của nhóm Nabis rằng: “L’Art est avant tout un moyen d’expression, une création de notre esprit, dont la nature n’est que l’occasion”. Cái dáng vẻ và lối nhìn hồn nhiên, trẻ con, ngây ngô, vụng về nơi tranh “Ông Hoàng cầm quân” lại chính là con đường của những họa sĩ thuộc trường phái biểu hiện (Expressionnisme) ngày nay. Vẽ thực tại để nói nhiều hơn về thực tại, người ta không ngần ngại biến đổi thực tại, phóng đại các chi tiết, vẽ là để nói được nhiều hơn. Ông Hoàng trong bức tranh “ông Hoàng cầm quân” là một ông hoàng của tranh thờ, nên tự nó ông Hoàng ấy đã vượt ra khỏi kích thước bình thường để đạt đến một kích thước và vị trí khác, vị trí của đời sống có thể nói hàm hồ là tôn giáo, tinh thần hay thần thoại. Cho nên, vẻ phi lý đôi lúc nói nhiều về thực hữu còn hơn là sự mô tả về thực hữu trong những đường nét bố cục bình thường, nhất là đời sống phóng túng của sự sáng tạo nghệ thuật lại càng không thể vâng phục những cưỡng bức, gò bó vào một mẫu thức, một cơ chế, một luật tắc nhất định.


Ông Hoàng cầm quân, tranh thờ Hàng Trống.

Xem bức tranh “Hứng Dừa”, ta cũng thấy điều đó. Người đàn ông leo lên hái dừa lớn gần bằng cả thân cây dừa như muốn phủ nhận tỉ lệ vàng của hội họa cổ điển. Ðặc biệt, bức tranh hứng dừa là một bài thơ trữ tình tuyệt vời. Người đàn ông mình trần leo lên hái lấy hai trái dừa ném xuống, đứng phía dưới chị đàn bà vén xiêm lên với vẻ tênh hênh đón lấy hai trái dừa sắp rơi xuống. Nơi gốc cây, có hai người khác cũng sắp trèo dừa, hái dừa, nhưng đôi này thì ngược với đôi trên, người đàn ông mặc áo nâu, chị đàn bà mình trần lồ lộ, chỉ mặc độc chiếc quần nâu, giải thắt lưng lục sậm. Với những hình ảnh đó, hình ảnh cặp đôi, dừa cũng phải là hai trái, người đàn ông vui tươi mình trần, chị đàn bà khỏa thân, hình ảnh này búng vào hình ảnh kia mở ra cho bức tranh một thế giới như thế giới tênh hênh, nồng nàn trong thơ Hồ Xuân Hương. Có lẽ thế mà trước đây, một giáo sư chuyên về nhân chủng học đã nhìn bức tranh “Hứng Dừa” như biểu tượng của cái “giống” (4). Ðiều ấy không biết có đúng với dụng ý của tranh hay không, nhưng dù sao ta vẫn thấy toát ra ở toàn thể bức tranh một vẻ tinh nghịch, tình tứ, yêu đời, mà hết sức ngây thơ, vô tội, không một tí gì chướng kỳ, thô lỗ. Nét vẽ ở đây thực là đầy đặn, không dư thừa, màu sắc rất hòa hợp, trên tấm nền màu vàng đất (ocre jaune) ấm áp, màu nâu sậm và lục sậm của thân cây, lá cây, trái dừa, quần áo như điều hợp với nhau, tạo thành một thế giới đơn giản mà vẫn nên thơ, trang nhã. Trên góc bức tranh còn được điểm xuyết bằng hai câu thơ hồn nhiên một cách thú vị:
Khen ai khéo dựng nên dừa
Ðây trèo đấy hứng cho vừa một đôi.

Hứng Dừa, tranh Đông Hồ.

Tranh hứng dừa là một trong những bức thuộc loại độc đáo nhất, rất dân tộc, rất Việt-nam, mà lại đã đạt đến một trình độ mỹ thuật cao cường. Phân tích để thấy được vẻ độc đáo Việt-nam nơi tranh mộc bản, ví dụ nơi bức tranh Hứng Dừa này là một chuyện khó khăn, nhưng ta vẫn trực cảm được dễ dàng sự độc đáo đó, nó toát ra khắp toàn thể tranh, trong từng mỗi tác động, cử chỉ, mỗi sắc mầu. Toát ra từ vẻ mặt dí dỏm của người đàn ông, vẻ ngây ngô của chị đàn bà, từ chiếc áo, cái xiêm, cái váy, từ thân cây, cành lá, và từ ở cả hai trái dừa. Cũng tình cảm đó, cũng trực giác đó, ta sẽ có khi xem những bức tranh khác như Ðánh ghen, Nông dân với con trâu, Nông dân với con bò, Gà mái, Phú quí, Vinh hoa, Ðinh Tiên Hoàng, Trưng Vương trừ giặc Hán...

Đánh Ghen, tranh Đông Hồ.

Thôi thôi vuốt giận làm lành
Chi điều sinh sự nhục mình nhục ta

Bởi bản chất trang trí và đại chúng của tranh mộc bản, bởi vẻ tươi vui của những ngày đầu xuân, của những ngày hội mùa, đình đám, thế giới tranh mộc bản rực rỡ và giản dị, những màu phẩm tươi nguyên chất rất fauviste, cũng có những màu sắc mà nồng độ đã đạt đến sự đậm đà, ấm áp, giúp cho căn nhà mùa xuân thêm vẻ ấm cúng nồng nàn.

Gà trống, tranh Đông Hồ.

Qua một vài ghi nhận ở trên, cùng với tranh mộc bản dân tộc, chúng ta trở về với những thời thanh bình xa xưa đã đánh mất, trở về với quê nhà thơm mùi đồng nội, giữa cảnh tượng thân yêu đã thấm nhập trong mỗi tâm hồn (tranh cày bừa, tát nước, gặt hái, làm mùa...). Ở đó là sinh hoạt bình thường khiêm tốn của một thời thịnh trị (tranh đánh vật, ngày hội rước rồng, bịt mắt bắt dê...). Ở đó chỉ có những lời chúc tụng tốt lành, những ước mơ, những hoài bão đẹp đẽ, biểu tượng là gà mẹ túc mồi cho đàn con mạnh khỏe tròn đầy, gà lợn đầy sân (tranh gà lợn, tiến tài, tiến lộc, em bé hái đào, bầu bí...). Ở đó không có một lời độc ác, nguyền rủa chua ngoa hay phẫn hận, cay đắng đã biến thành những tiếng cười ròn rã, khoan dung đúng như bản lai nụ cười giễu cợt của dân tộc ta, làm thế nào ta không cười ròn tan lên được khi xem “Ðám cưới chuột” hay “Thầy đồ cóc”. Trong tranh “Ðám cưới chuột” lúc làm lễ nghênh hôn, chú rể ngồi trong kiệu được đưa đến nhà gái, hàng trên là những chuột già thổi kèn, mang cống lễ đến dâng cho chú mèo già, những cá, những chim để mèo lơ qua cho việc cưới hỏi đình đám này, cảnh tượng đó không khỏi gợi cho ta nhớ lại mấy câu ca dao:
con mèo trèo lên cây cau
hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
- chú chuột đi chợ đường xa
mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Tranh “Thầy đồ cóc” là một cảnh khai trường nhập học của trường Cóc, thầy đồ Cóc ngồi trên sập gụ, trong lớp học với dăm ba đứa học trò, đứa pha trà cho thầy, đứa châm nước, đứa hầu quạt, đứa học, đứa chơi, ưa gì tùy thích. Lớp học không còn là lớp học, đã mất đi cái vẻ trang nghiêm của một lớp học xưa. Có lẽ bức tranh này được vẽ vào thời kỳ sau cùng, khi mà nho học đã bắt đầu tàn tạ, lịch sử bắt đầu xung đột giữa cũ và mới, thầy đồ nho là Tú Xương cũng quay lại châm chọc cái học của chính mình.

Thầy Đồ Cóc, tranh Đông Hồ.

Ngoài các tranh trên, còn có loại tranh tứ bình, gọi là tứ bình vì thường diễn bốn bức thành một bộ theo thể liên hoàn, dựa vào những truyện tích đã được đại-chúng-hóa như truyện Kiều, Tam-quốc, Bích-câu-kỳ-ngộ, Chiêu-quân cống Hồ..., hay dựa vào các biểu tượng đã trở thành quá quen thuộc với quần chúng như tranh Tứ Quí (Xuân, Hạ, Thu, Ðông), tranh Tố Nữ, Hoa Ðiểu... Loại tranh sau này không được độc đáo cho lắm, màu sắc tẻ nhạt ngả dần sang những màu sậm và kín đáo, bố cục cũng quá cầu kỳ trau chuốt như tranh cổ điển, có lẽ bởi tại chịu ảnh hưởng phần nào thế giới cổ kính cũng như tranh mộc bản Trung-hoa, điều ấy đã làm hại không ít tính chất cá biệt của tranh dân gian ta.

3.
 Tắt lại một lời, tranh mộc bản là một trong những sức sống độc đáo của ngôn ngữ Việt, ngôn ngữ tinh túy của tâm hồn thơ, nó tiềm tàng một cảnh đời cá biệt của dân tộc, cho nên có thể nó rất chất phác, dung dị, hồn nhiên. Ðó là thứ hoa khai nở trên một miền đất riêng của những tâm hồn thành thực, của một dòng văn hóa riêng biệt, được đào xới, vun trồng qua nhiều thế hệ, nghĩa là một công trình nghệ thuật tập thể, nhưng nó vẫn luôn luôn đòi hỏi điều kiện đầu tiên là sự rung động chân thật. Ta không lấy làm lạ khi mà trước đây, ngay sau mùa thu 1945, có những lực lượng chính trị muốn lợi dụng tính-chất quần-chúng của tranh mộc bản để biến thành lợi khí tuyên truyền, và họ đã thất bại. Thời gian đã xóa nhòa công việc nhất thời, và đóa hồng nhung chỉ nở ra vì nó nở ra trong sự tinh khiết của chính nó, mặc cho người ta dùng nó vào việc gì, dù phi-nghệ-thuật đến đâu.

Tranh mộc bản quí báu vì sự độc đáo về đường nét, màu sắc mà còn bởi đó là một bài thơ đẹp ngợi ca đời sống dân tộc. Trước đây, thời tiền chiến, một số họa sĩ như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Ðỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Ðệ đã từng đi vào các làng mạc thôn xóm, tìm kiếm lại sắc màu xưa, nghiên cứu lại những công trình nghệ thuật truyền thống nơi tranh mộc bản, đó là những việc làm ý thức, quí và hiếm mà bây giờ cần phải được tiếp tục, chúng ta trông đợi công việc đó ở những họa sĩ mới sau này.

HUỲNH HỮU ỦY
(12-1969)

(1) Phạm Văn Diêu, Văn học Việt nam, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1960, trang 169.
(2) Thái Tuấn, “Loại tranh mộc bản Việt-nam”, Câu Chuyện Hội Họa, Nxb Cảo Thơm, Sài Gòn, 1967, trang 138.
(3) Có thể tham khảo:
- Tranh tượng dân gian Việt-nam, nhà xuất bản Mỹ Thuật, Hà-nội, 1959.
- Tạp chí Bách-khoa Thời-đại, Sài Gòn, số 241-242, tháng 1, 1967.
- Imagerie populaire Vietnamienne, Maurice Durand, Publication E.F.E.O., Paris, 1960.
- Les Arts décoratifs au Tonkin, Marcel Bernanose, Paris, 1922, đặc biệt là chương Décoration du papier.
(4) “Tranh hứng dừa là cả một bài thơ trữ tình với cái duyên dáng trào lộng đầy táo bạo dựa trên biểu tượng của cái giống và của tình dục diễn tả qua người đàn ông cầm hai quả dừa ngồi trên cây, người đàn bà đứng dưới với cử chỉ hớ hênh chờ đợi”. (Nhận xét của Lê Văn Hảo và Vĩnh Phối, tạp chí Bách-khoa Thời-đại, số đã dẫn).
MỘT SỐ TRANH MỘC BẢN KHÁC:

Lợn ăn cây dáy, tranh Đông Hồ

Đại Cát (nhiều điều tốt lành), tranh Đông Hồ

Đám rước Rồng, tranh Đông Hồ

Phú quý, tranh Đông Hồ

Tam Đa (Phúc - Lộc - Thọ), tranh Đông Hồ

Thất Đồng, tranh Hàng Trống

.
.
.

No comments:

Post a Comment