Thursday, February 3, 2011

CÁNH HOA MIỀN NAM (Quỳnh Giao)

Cánh hoa miền Nam
Quỳnh Giao, tạp ghi
Wednesday, February 02, 2011
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126513&z=97

Tết đến, chúng ta hay trở về cái món quốc hồn quốc túy trong ngày Xuân… là cờ bạc!
Gì chứ về tiết mục như “bầu cua cá cọp” hay “tam cúc,” “tứ sắc,” hoặc rút bất thì Quỳnh Giao chào thua. Chỉ thích cái thú tao nhã là… “mạt chược.” Khi mình thích thì cứ gọi là tao nhã, mà đã tao nhã thì dại gì mà chờ đến Xuân về?
Tới khi Xuân về thật thì mình lại ngẩn người tự hỏi, ngày Xuân sao lại “đánh hoa”?

Trong phép chơi mạt chược, người ta có những con bài gọi là “hoa,” chẳng giúp gì cho việc làm tròn bài mà “ù,” chỉ tùy theo thứ tự chỗ ngồi để tính điểm xem ù lớn hay ù nhỏ. Thông thường, một cỗ bài có bốn loại “hoa” ghi số theo thứ tự một-hai-ba-bốn cho bốn khách tao nhã. Chung quanh Quỳnh Giao thì toàn là đàn chị.
Trước hết là cái thói đa thê của các ông Tầu qua bốn cây hoa “hậu” vì chình ình một chữ “hậu” như các bà hoàng hậu. Mình suy ra bốn bà hoàng hậu ngồi bốn góc. Lịch sự hơn thì có bộ “ngư tiều canh độc,” “cầm kỳ thi họa” và khắc đẹp nhất là bộ tứ quý “mai lan cúc trúc” tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông…
Thế rồi vào đến tay dân ta thì sự biến hóa trong nghệ thuật mạt chược còn thần sầu hơn người Tầu, người Nhật. Chúng ta có phép không giữ lại mấy cây hoa đó để tính thêm điểm khi ù mà còn có thể xả ra… như rác để ù kiểu “không hoa không lá.” Người ta gọi đó là phép “đánh hoa.”… Ù lớn lắm, theo lối làm quan tắt và có khi bị bắt. Vì cây hoa vô dụng kia lại có thể thay thế cho mọi quân bài. Làng mà có người chờ thì sẽ bắt lấy để ù. Người đánh hoa sẽ nộp vạ!

Ðầu Xuân lại viết về chuyện cờ bạc thì chẳng hóa là khuyến khích người khác trở thành “bác thằng bần” hay sao, vì “cờ bạc là bác thằng bần” mà?
Nhưng người viết vẫn cứ muốn nhắc đến chuyện ấy vì cái chữ “đánh hoa” và vì bộ hoa có bốn cây là “mai-lan-cúc-trúc.”…

Hoa mai là đứng đầu muôn loài trong bốn mùa vì nở sớm nhất. Chúng ta nghe vậy khi còn bé. Nhưng lớn lên mới biết rằng giống mai ấy cho ta trái mơ. Thật ra đấy là loài hoa ôn đới, nơi có khí hậu mát mẻ như miền Bắc nước ta hay những bên Tầu bên Nhật. Người lớn tuổi thì còn nhớ và nói về cảnh sắc Chùa Hương, chứ chúng ta thì chỉ nhớ đến… “Cô Hái Mơ” ca khúc đầu tay của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Bính!

Bâng khuâng nghĩ đến chuyện “đánh hoa,” Quỳnh Giao mới thấy rằng vào dịp Tết, miền Bắc thích trưng bày hoa đào chứ ít ai nói hay hát về hoa mai. Tội thật vì hoa mai bị hắt hủi và người ta chỉ nhớ đến hoa mai trong thơ cổ.
Chỉ có ở trong Nam thì ta mới thấy người yêu hoa mai, nhưng lại là thứ mai khác.

Chúng ta gọi là “mai vàng” để phân biệt với “mai trắng” miền Bắc. Mai vàng của chúng ta là giống cây nhiệt đới chỉ thấy từ miền Trung trở xuống và trở thành tiêu biểu cho ngày Tết trong Nam. Nhưng có lẽ cũng như hoa mai miền Bắc, nó chưa được ca tụng đúng mức trong nhạc.

Một vài ca khúc còn nhắc đến mai, khi người lính hành quân thấy mai trong rừng thì biết là Xuân về, hoặc lại lỡ hẹn với gia đình mà không về kịp trong mùa mai này. Trong các ca khúc ấy, hoa mai buồn bã chỉ về thời khắc.
Riêng có một bài, do một nhạc sĩ “Bắc kỳ Di cư” thì ca tụng hoa mai của miền Nam với sự say đắm. Ðó là bài có cái tên đơn giản mà chân thật như người miền Nam: “Hoa Mai.” Cho nên Quỳnh Giao xin nhắc tới ca khúc đó, như đóa hoa Xuân gửi tới độc giả.

Cách đây ít lâu, khi viết về nhạc sĩ Canh Thân, Quỳnh Giao nhắc đến các ca khúc được yêu chuộng của ông. Nói chung là ca khúc vui tươi, như “Khúc Ca Mùa Hè” hay “Túi Ðàn,” hoặc “Ði Với Tôi Ðến Chốn Trời Xa.” Ông có viết tình ca dù không nhiều, nổi tiếng là “Cô Hàng Cà Phê.” Nhưng Canh Thân có bài “Hoa Mai” mà Quỳnh Giao rất thích lại ít người biết. Thêm một đóa hoa bị đời lãng quên.

Trong một dĩa nhạc với chủ đề là “Hoa Xuân” thực hiện từ mấy năm trước, Quỳnh Giao chọn hát “Hoa Mai” trong mười nhạc phẩm đẹp về hoa của các tác giả danh tiếng. Ðài phát thanh SBS bên Úc đặt mua dĩa nhạc và phỏng vấn qua điện thoại về tác phẩm này. Phượng Hoàng, người phụ trách chương trình đã hỏi rằng: “Thưa chị, có phải vợ của nhạc sĩ Canh Thân tên là Mai không? Ông viết về hoa như tả người vậy!…”

Quỳnh Giao đành chịu vì không biết tên của Canh Thân phu nhân, chỉ biết ông có đứa con gái trạc tuổi của mình, cùng hát ban nhi đồng ngày bé tên là Thiên Hương. Nhưng lại lặng người vì câu hỏi của Phượng Hoàng. Có lẽ đó là lời khen ngợi đẹp nhất vì chân thật nhất!

Buông bàn mạt chược trước thềm năm mới, người viết lẩm nhẩm hát bài Hoa Mai mà cảm thấy không khí lạnh lẽo của mùa Ðông Cali chợt ấm hẳn.

Canh Thân viết “Hoa Mai” trên âm giai Sol Trưởng, tiết điệu Boston nhịp 3/4 dìu dặt, khoan thai. Câu nhạc như bài thơ thất ngôn, bẩy chữ đều đặn mà không nhàm:
Hoa mai trong gió cười lả lơi
Hoa như ngây ngất say tình đời
Hoa như quyến luyến tâm hồn tôi
Như hẹn nhau từ ngàn kiếp xa xôi
Hoa dâng hương ngát thơm vườn Xuân
Nhụy vàng không chút vương bụi trần
Như cô gái nhó mong tình quân
Hoa cười đang chờ đợi phút ái ân…

Qua điệp khúc, Canh Thân chuyển sang âm giai Mi thứ, trang trọng và lung linh huyền diệu. Người nghe ngửi được cả hương hoa lẫn hương trầm trên bàn thời tổ tiên, và lòng cảm được sự thần diệu của Trời Ðất phút giao thừa. Cuối câu, nhạc vẫn trở về Sol Trưởng trong sáng…
Khói lên nghi ngút hương trầm
Bàn tay nhẹ nâng trìu mến
Từng đóa hoa thắm rung niềm âu yếm
Vấn vương bao nỗi u hoài
Càng thấy yêu cánh hoa mai
Càng ước hoa thắm muôn đòi. Ðừng phai…

Nhạc trở lại chủ đề khởi đầu, Sol Trưởng, với câu nhạc bẩy chữ, và lời tỏ tình tha thiết:
Hoa mai ơi thấu chăng lòng ta
Ðời buồn vui có ta cùng hoa
Cầu thời gian đứng im, đừng qua
Vững bền mối tình ngàn kiếp bên hoa…

Ca khúc “Hoa Mai” của Canh Thân dễ nghe dễ hát. Chỉ cần hát từ tốn, nhẹ nhàng. Không cần láy, nhưng cần hát thật luyến (legato) để nghe ra sự trìu mến và dịu dàng của tác giả với hồn hoa. Và không cần cường điệu hay tác điệu thì mới diễn tả được sự trân trọng của tác giả vào phút giao mùa thiêng liêng.
Chúng ta hãy tìm về Tết xưa ở trong Nam với đóa hoa mai này của Canh Thân.
.
.
.

No comments:

Post a Comment