Wednesday, March 31, 2010

KHỞI ĐẦU CỦA MỘT KỶ NGUYÊN MỚI CỦA NGÀNH VẬT LÝ HẠT CƠ BẢN ?

Khởi đầu một kỷ nguyên mới của ngành vật lý hạt cơ bản?

talawas blog

01/04/2010 2:18 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=18273

.

Vào ngày 30/03/2010, tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) đã thực hiện thành công thí nghiệm tạo ra va chạm trực diện giữa các cặp hạt proton lần đầu tiên ở cấp độ 7 TeV trong máy gia tốc hạt lớn với tên gọi Large Hadron Collider (LHC).

Sự kiện này có thể sẽ đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của ngành vật lý hạt cơ bản, bởi với những va chạm ở cấp độ tiến tới 14 TeV máy gia tốc hạt lớn hứa hẹn cho phép chúng ta kiểm tra và thẩm định Mô hình chuẩn của ngành vật lí hạt cơ bản, ví dụ với việc tìm kiếm hạt Higgs, và có thể làm sáng tỏ một số bí ẩn về vật chất qua việc xác định sự hiện hữu của một số các hạt cơ bản chỉ tồn tại trên lý thuyết cho tới nay, ví dụ như những hạt siêu đối xứng.

Ngoài ra thí nghiệm tại LHC cho phép chúng ta nghiên cứu vật chất tại trạng thái tương ứng với vũ trụ ở những micro giây đầu tiên sau Big Bang, và trong trường hợp lý tưởng có thể trả lời câu hỏi về sự tồn tại của những chiều dư (extra) của không gian.

Đọc thêm:
Khi đối xứng sụp đổ
Máy gia tốc – Va chạm hạt LHC chuẩn bị tìm kiếm các siêu hạt
Tranh cãi về triển vọng của máy gia tốc hạt Hadron

.

.

.

NHÂN QUYỀN TRONG KHUNG PHÁP LÝ BANG GIAO MỸ - VIỆT

Nhân quyền trong khung pháp lý bang giao Mỹ-Việt

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

2010-03-31

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-in-the-legal-framework-of-us-vietnam-relations-03312010080008.html

Trong một cuộc hội luận về nhân quyền nói chung được tổ chức hôm thứ Bảy 27-03 vừa qua tại hội trường của Văn phòng Quận hạt Mason, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris, đã nêu lên nhu cầu phải “Kết hợp tranh đấu chính trị với tranh đấu pháp lý” để làm công việc ông gọi là “chống cộng sản xâm nhập cộng đồng người Việt hải ngoại và vận động thiết lập dân chủ ở trong nước”.

Sau đây là cuộc trao đổi giữa Đỗ Hiếu của Đài Á Châu Tự Do với Luật sư Trần Thanh Hiệp trong đó nhiều điểm trong bài thuyết trình dẫn nhập của LS Trần Thanh Hiệp đã được khai triển.

.

Hiểm họa xâm nhập của cộng sản tại hải ngoại

Đỗ Hiếu: Trước đây, Luật sư có kêu gọi người Việt hải ngoại đổi mới tư duy chính trị trong chiều hướng dân chủ chính thống. Cuối tuần qua, Luật sư lại đề xuất việc kết hợp “tranh đấu chính trị với tranh đấu pháp lý”. Điểm đáng chú ý là dịp này lần đầu tiên Luật sư đã công khai nêu lên vấn đề chống cộng sản xâm nhập cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Xin Luật sư cho biết cuộc vận động hiện nay của Luật sư có phải là sự tiếp nối của những cuộc vận động trước không hay chỉ là phản ứng của Luật sư trước một hiện tượng có tính thời sự mà Luật sư gọi là “cộng sản xâm nhập”?
LS.Trần Thanh Hiệp: Đúng là tôi có kêu gọi người Việt hải ngoại, tiếp tục thực hiện sứ mang lịch sử dân chủ hóa đất nước vì lịch sử đã mở đường cho một bộ phân gần 3 triệu người của đại khối nhân dân thoát khỏi vòng kìm kẹp cộng sản để sinh sống ở ngoài nước.

Theo tôi, kể từ nửa nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống W.Bush, nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội lợi dụng thế ngoại giao Mỹ Việt hoàn toàn bình thường hóa, năm 2004 ra Nghị quyết mở rộng phạm vi

thống trị cộng sản ra khắp khu vực hải ngoại. Tôi gọi sự hiện diện dự kiến và dự tính này là sự “xâm nhập” cộng sản vào cộng đồng người Việt ở hải ngoại và tôi coi đó là một mối đe dọa trước mắt, giống như đã xảy ra ở miền Nam trước 1975. Tôi cho là phải kịp thời ngăn chặn sự lây lan của hiểm họa xâm nhập đó.
Đỗ Hiếu: Ngày trước khác bây giờ khác. Hiệp định Genève năm 1954 đã chia đôi nước Việt Nam thành hai miền Bắc Nam được ngăn cách bằng vĩ tuyến 17. Bây giờ từ giữa thập niên 1990, Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đã tái lập bang giao và như Luật sư nói, nền bang giao ấy đã đươc cựu Tổng thống George W. Bush bình thường hóa tính ra đã hơn bốn năm rồi. Vậy nếu vẫn cứ gọi sự hiện diện bình thường của cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ trong khuôn khổ bang giao Mỹ Việt là “xâm nhập” thì có sợ là khiên cưỡng không?

LS.Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, không khiên cưỡng mà còn rất chính xác nữa. Dĩ nhiên không ai phủ nhận rằng trước đây vĩ tuyến 17 đã cấm hai miền Nam Bắc xâm nhập vào lãnh thổ của nhau. Trái lại, bây giờ thì công dân của chế độ Hà Nội được phép hiện diện trên đất Mỹ. Nhưng Hà Nội không được phép mở rộng chế độ cộng sản độc tài phi nhân quyền của họ ra trên lãnh thổ Mỹ vì hành vi mở rộng này là sự xâm nhập bất hợp pháp xét về mặt luật quốc tế và luật quốc nội của Mỹ. Tức là, sự xâm nhập của cộng sản Việt Nam vào Hoa Kỳ vừa có mặt hợp pháp lại vừa có mặt bất hợp pháp. Đặt vấn đề chống cộng sản xâm nhập là ngăn chặn không cho Đảng cộng sản Việt Nam công khai hay lén lút hoạt động và bành trướng bất hợp pháp trên đất Mỹ.

.

Chiến thuật hoạt động của cộng sản

Đỗ Hiếu: Chắc chắn là sự xâm nhập Luật sư nêu lên đã phải được che dấu dưới những bề ngoài hợp pháp chứ? Vậy dựa vào đâu để phân biệt hợp pháp với bất hợp pháp ?
LS.Trần Thanh Hiệp: Đương nhiên là phải che giấu, nhất là môt trong những chiến thuật hoạt động bí mật của cộng sản là lợi dụng tối đa những quyền tự do dân chủ để qua mặt luật pháp. Thế nhưng, như người ta thường nói, “khôn mà không ngoan” hay đúng hơn, không thể ngoan được. Nếu những “đoàn thể nhân dân” của Hà Nội mà được thành lập ở hải ngoại thì không thể không có những bộ phận đảng đoàn nằm ở bên trong để lèo lái những đoàn thể ấy phải đi theo đúng đường lối của đảng và thi hành công tác đảng giao phó. Chứ không thể có chuyện Hà Nội cho ra đời trên đất Mỹ những hội đoàn độc lập và tự do nghĩa là chống lai Đảng được.
Đỗ Hiếu: Lý luân thì như vậy nhưng thực tế thì sao? Có thể đưa ra những bằng chứng cụ thể không?

LS.Trần Thanh Hiệp: Có chứ. Bằng chứng rất thuyết phục vì lấy ra từ Nghị quyết 36, đoạn 8, năm 2004 của cơ quan đầu não của Đảng cộng sản là Bộ Chính tri, nội dung như sau: “ Các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức và đoàn thể nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tích cực vào công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan hữu quan, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, giữa trong nước với ngoài nước. Củng cố và phát triển các tổ chức xã hội làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, như Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các hội thân nhân kiều bào và các hình thức tập hợp chính đáng khác, phù hợp với ý nguyện và đặc điểm của cộng đồng ở địa bàn cư trú”.

Mặt khác, chính đại sứ của Hà Nội ở Hoa Thịnh Đốn đã đứng ra chỉ đạo việc thành lập ở vùng này “Hội Sinh viên lưu học sinh” mà hội trưởng lâm thời là một nhân vật cộng sản khác, ông Nguyễn Tứ Chi đang làm việc cho Hà Nội ở Ngân Hàng Thế Giới. Không thể chối cãi được rằng đây chính là một trường hợp hoạt động bất hợp pháp. Còn phải tìm chứng cớ ở đâu xa nữa?

Đỗ Hiếu: Nếu quả thật là bất hợp pháp thì làm sao để ngăn cản, thưa Luật sư?
LS.Trần Thanh Hiệp: Vì vậy phải ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp ấy bằng những biện pháp pháp lý. Hoạt động của những người cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ phải phù hợp với công pháp quốc tế và luật pháp của nước sở tại, không phải để áp dụng thứ luật pháp đảng trị phi nhân quyền xã hội chủ nghĩa của Hà Nội.

Công pháp quốc tế cho phép Hà Nội được tự do hoạt động trên nước sở tại có bang giao với Hà Nội nhưng chỉ ơ trong phạm vi quyền lãnh ngoại (extraterritoriality), được phép bảo vệ quyền lợi của công dân của họ nhưng trên cơ sở quan hệ lãnh sự và dưới sự chi phối của luật quốc nội của Mỹ chứ không phải của công pháp quốc tế. Về giao lưu kinh tế, văn hóa thì Hiệp định song phương Việt Mỹ có dự liệu nhưng đòi hỏi phải có đi có lại hai chiều chứ không phải để cho Hà Nội tuyên truyền một chiều cho chế độ của họ nhằm đánh chiếm mội trường sinh sống tự do và hòa bình của người Việt ở hải ngoại.

Mội trường này đã được chính quyền địa phương, nhân dân Mỹ coi như đất sống được bảo vệ của một sắc tộc thiểu số Việt Nam với biểu tượng là cờ vàng ba sọc đỏ. Những người Mỹ gốc Việt, với tư cách là công dân Mỹ, những người Việt tị nạn Việt dưới sự che chở của Quy ước Genève 1951, những người cư dân hợp pháp Việt, có quyền và nên dùng quyền của mình để nhờ pháp luật Mỹ chặn đứng các chiến dịch xâm nhập cộng sản và để cho nhân quyền của người Việt hải ngoại được tôn trọng trong khung pháp lý bang giao Mỹ-Việt.
Đỗ Hiếu: Xin cảm ơn Luật sư Trần Thanh Hiệp.
Chúng tôi cũng xin được nhắc lại rằng ý kiến của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

.

Theo dòng thời sự:

Biểu tình phản đối Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston

Cộng đồng người Việt ở Czech bị để ý

Người Việt hải ngoại lên án Trung Quốc áp chế ngư dân Việt Nam

Thành quả của Hội nghị Việt kiều?

Việt Nam hứa hẹn ưu ái Việt kiều

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

NHIỀU TRẺ EM VN BỊ BÁN LÀM NÔ LỆ TÌNH DỤC

Nhiều trẻ em VN bị bán làm ‘nô lệ tình dục’

Cập nhật lúc 12:43, Thứ Tư, 31/03/2010 (GMT+7)

http://www.vietnamnet.vn/thegioi/201003/Nhieu-tre-em-VN-bi-ban-lam-no-le-tinh-duc-901672/

,Từ năm 1998 - 2010, ít nhất 4.500 phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị bán qua biên giới để phục vụ cho ngành công nghiệp tình dục. Điểm đến của khoảng 65% trong số "nô lệ tình dục" này là Trung Quốc, sau đó tới Campuchia, Lào, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.

Trẻ em bị bán trong các cuộc đấu giá trên Internet cho kẻ trả giá cao nhất, thông qua các website đặc biệt, cập nhật "những gương mặt mới ít nhất 3 hoặc 4 lần mỗi ngày". Phụ nữ bị ép bán dâm thường bị những kẻ buôn người từ các nước láng giềng (Campuchia và Trung Quốc) hoặc tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đối xử như "các nô lệ tình dục". Ở Việt Nam, ngành kinh doanh thân xác người bẩn thỉu này vẫn tiếp diễn, với mức độ tăng lên mỗi năm.

Một tài liệu mới công bố của chính phủ Việt Nam gần đây cho thấy, từ năm 1998 tới đầu năm 2010, khoảng 4.500 phụ nữ và trẻ em đã bị đưa qua biên giới Việt Nam trong tay của những kẻ buôn người vô liêm sỉ. Đây là một hiện tượng bắt đầu từ năm 1987, khi Việt Nam mở cửa cho một nền kinh tế thị trường, và biến tướng trầm trọng do vô số vụ tham nhũng liên quan đến giới chức trách địa phương hoặc người dân thuộc tầng lớp trung lưu. Sự can thiệp của các tổ chức vô chính phủ và quỹ từ thiện hoạt động giữa Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đem lại rất ít hiệu quả.

Năm 2009, các chiến dịch phối hợp giữa chính phủ Việt Nam và Campuchia đã dẫn tới việc bắt giữ 31 kẻ buôn người, cứu mạng sống của 70 nạn nhân chuẩn bị vượt biên giới sang Campuchia. Một nhà hoạt động xã hội cho biết, cũng trong năm ngoái, 981 phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị bán ở Campuchia hoặc Trung Quốc. Ít nhất 781 đối tượng có dính líu tới hoạt động buôn người.

Việc mua bán "nô lệ tình dục" lớn nhất được ghi nhận tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nơi số lượng các vụ buôn người trái phép vào khoảng 65%. Các nạn nhân nữ bị bắt ép phục vụ thị trường mại dâm hoặc bị bán làm cô dâu hay "lao động khổ sai" cho kẻ trả giá cao nhất. Thêm 10% trường hợp dính líu đến nạn buôn người được ghi nhận ở biên giới giữa Việt Nam và Campuchia: phụ nữ bị bắt phục vụ khách làng chơi ngay khi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc bị bắt quá cảnh trong nước trước khi tới các quốc gia châu Âu kể cả Anh, Pháp và Đức.

Hiện cũng có khoảng 6,3% vụ các nạn nhân bị đưa vượt biên giới Việt Nam sang Lào, xuyên qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá và Quảng Trị. Trong một số trường hợp, các nạn nhân được đưa tới hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài để lên đường tới Malaysia, Hồng Kông, Macau hoặc các nước thuộc châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.

Kể từ khi nhà chức trách Bangkok xúc tiến một chiến dịch truy quét nạn mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em, Việt Nam đã trở thành một "điểm nóng" mới đối với nạn du lịch tình dục. Và các tụ điểm dính dáng đến hoạt động này luôn là các quán bar, sàn nhảy và khu nghỉ dưỡng tại những thành phố lớn, kể cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng.

P. Martino, thành viên một tổ chức phi chính phủ chuyên về các vấn đề xã hội, giải thích rằng mục tiêu của họ "là giúp đỡ trẻ em Việt Nam từng bị bán làm ’nô lệ tình dục’ ở Campuchia". Ông nhận định thị trường tình dục là "một dạng nô lệ mới đặc trưng của thế kỷ 21".

T.A (theo AsiaNews)

.

.

.

GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA (Tài liệu)

Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a

Xem thêm: Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòaHệ thống Giáo dục Việt Nam.

Giáo dục Việt Nam Cộng hòa là nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa là nhân bản, dân tộc, và khai phóng.[1] Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và cho rằng "nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí", "nền giáo dục đại học được tự trị", và "những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn".[2] Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa gồm tiểu học, trung học, và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương.

.

Tổng quan

Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa PhápViệt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả Lào cùng Cao Miên. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ. Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945, chương trình học của Việt Nam - còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn (ban hành thời chính phủ Trần Trọng Kim) - được đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc. Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Đến thời Đệ nhất Cộng hòa thì chương trình Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo thực sự của mình.[3]

Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ nhất Cộng hòa, những người làm công tác giáo dục ở miền Nam đã xây dựng được nền móng quan trọng cho nền giáo dục quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị.[4] Nhìn chung, người ta thấy mô hình giáo dục ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn. Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng hòa có một phần năm (20%) dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở giáo dục. Con số này bao gồm 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học sinh trung học, và 101.454 sinh viên đại học; số người biết đọc biết viết ước tính khoảng 70% dân số.[3] Đến năm 1975, tổng số sinh viên trong các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người (không tính các sinh viên theo học ở Học viện Quốc gia Hành chánh và ở các trường đại học cộng đồng).[5]

Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển. Kết quả này có được là nhờ các nhà giáo có ý thức rõ ràng về sứ mạng giáo dục, có ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đã sống cuộc sống khiêm nhường để đóng góp trọn vẹn cho nghề nghiệp, nhờ nhiều bậc phụ huynh đã đóng góp công sức cho việc xây dựng nền giáo dục quốc gia, và nhờ những nhà lãnh đạo giáo dục đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam.[3]

Triết lý giáo dục

Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Việt Nam Cộng hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật... Ba nguyên tắc "nhân bản" (humanistic), "dân tộc" (nationalistic), và "khai phóng" (liberal) được chính thức hóa ở hội nghị này.[6][7] Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967).

Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.[1]

Mục tiêu giáo dục

Từ những nguyên tắc căn bản ở trên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đề ra những mục tiêu chính sau đây cho nền giáo dục của mình. Những mục tiêu này được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại?

Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực để nhồi sọ học sinh theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.

Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.[1]

XEM TIẾP : http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a

.

.

.

TẠI SAO CHÂU Á IM LẶNG TRƯỚC ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ YẾU ?

Tại sao châu Á lặng thinh trước đồng Nhân dân tệ yếu

Thứ tư, 31/03/2010, 06:24(GMT+7)

http://vitinfo.com.vn/Muctin/Kinhte/Chinhsach/LA74805/default.htm

VIT - Trong khi Mỹ và phương Tây đang sôi sục về chính sách đồng Nhân dân tệ (NDT) yếu của Trung Quốc thì châu Á lại tỏ ra lặng thinh trước vấn đề này. Giới phân tích cho rằng, chính sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với khu vực đã khiến cho các nước châu Á “im hơi, lặng tiếng” do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế và chính trị với nền kinh tế đông dân nhất thế giới này.

Từ Bangkok tới Tokyo, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng, họ vẫn chưa sẵn sàng thách thức Trung Quốc về vấn đề nội tệ. Điều này đã giúp Bắc Kinh có thêm sự hậu thuẫn trong ngoại giao khi đối mặt với sức ép đòi nâng giá đồng NDT từ Mỹ, khu vực đồng tiền chung euro, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và nhiều tổ chức khác.

Kể từ năm 2008 đến nay, đồng NDT luôn ở mức 6,83 NDT ăn một đôla. Tỷ giá này vẫn được duy trì ngay cả khi kinh tế khu vực có nhiều dấu hiệu hồi phục vào tháng 3/2009, làm cho dòng vốn của các nước tăng mạnh và giá đồng nội tệ của các nước châu Á bị đẩy lên từ 7-27%.

Châu Á tỏ ra yên lặng trước chính sách đồng NDT của Trung Quốc, cho rằng thông lệ từ trước tới nay ở châu Á là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong thực tế, họ đang lo ngại sự bình phẩm này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc vốn có tầm quan trọng chiến lược với hầu hết các nước trong khu vực.

Trong cuộc phỏng với với Reuters, một quan chức trong ngành ngoại giao Nhật Bản cho biết, “ trước đây chúng tôi thường nói rằng, khi Mỹ “hắt hơi”, tức là Nhật Bản bị nhiễm lạnh. Nhưng hiện nay, câu nói này đã được chuyển lại là khi Trung Quốc hắt hơi, Nhật Bản bị lạnh”. Kinh tế Nhật Bản giờ đây đã quá phụ thuộc và sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Quan chức này cho biết, 1/3 hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Trung Quốc. Vì vậy Nhật Bản rất dễ bị tổn thương nếu tăng giá những mặt hàng này. Trong tháng 2/2010, xuất khẩu của Nhật Bản vào Trung Quốc tăng 55%, đạt mức cao nhất kể từ năm 1985 và gấp ba lần so với tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ. Vì vậy Nhật Bản cũng không muốn làm Trung Quốc mếch lòng khi yêu cầu nước này nâng giá đồng NDT.

Một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản lại khuyên Bắc Kinh hãy lắng nghe những lời kêu gọi về việc duy trì tỷ giá đồng NDT ở mức linh hoạt hơn, nhưng cho rằng hành động trừng phạt Trung Quốc về vấn đề này là hoàn toàn sai trái.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Sanjay Mathur ở Singapore cho rằng, chắc chắn các nước trong khu vực cũng tự hỏi là có nên làm Trung Quốc phải đau đầu như Mỹ vẫn đang làm hay không và họ cũng đã dự kiến đến hành động trả đũa từ chính phủ Trung Quốc nếu hùa theo Mỹ. Trung Quốc đang ngày càng trở thành thị trường lớn cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước châu Á. Vì vậy chẳng có lợi gì khi làm Bắc Kinh phật lòng.

Dù nền kinh tế Ấn Độ không phụ thuộc xuất khẩu nhiều như Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ cũng phải thừa nhận rằng, chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã tạo ra nhiều phiền toái cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ. Tuy nhiên, ông cũng không kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chính sách ghìm giá đồng nội tệ, đồng thời khẳng định các nước không thể gây sức ép với Bắc Kinh về vấn đề này.

Trong khi đó, Hàn Quốc lại tỏ ra đồng tình với Trung Quốc khi cho rằng, Hàn Quốc không có nhiều phàn nàn về chính sách ghìm giá đồng nội tệ của Trung Quốc và việc nâng giá đồng NDT một cách nhanh chóng sẽ gây hại cho nền kinh tế.

Giải thích về thái độ “im lặng” của châu Á, ông David Mulford, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, từng đưa Hàn Quốc và Đài Loan vào danh sách “thao túng tiền tệ” trong năm 1988 cho rằng, vấn đề tỷ giá hối đoái của Trung Quốc đã bị chính quyền Mỹ chính trị hóa một cách nặng nề. Do đó, chính phủ các nước châu Á không muốn tham gia vào cuộc thảo luận này. Nếu các thị trường mới nổi như Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển như Mỹ, thì khi đó mức độ tranh chấp trong vấn đề thương mại và tỷ giá sẽ tăng. Nếu sự gia tăng tranh chấp này kéo dài quá lâu, tức là nó đã bị chính trị hóa nhiều hơn so với bản chất của nó.

Cho đến nay, chính phủ các nước châu Á, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào xuất khẩu đều quyết định khắc phụ những bất lợi do sự gia tăng giá trị của đồng nội tệ gây ra. Ông Manu Bhaskaran, cựu cố vấn của chính phủ Singapore về vấn đề kinh tế cho rằng, các nhà hoạch định chính sách châu Á chỉ giám can thiệp vào thị trường nhằm kiềm chế sự tăng giá đồng nội tệ khi Trung Quốc tăng giá đồng NDT. Tuy nhiên, trong suốt 20 tháng thực hiện chính sách ghìm giá đồng nội tệ, tới nay Trung Quốc vẫn khẳng định việc nâng giá đồng NDT hay không còn tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể trong nước.

Hải Phương (Theo Reuters)

Tin dịch

Nguồn tin: nguồn 1

.

.

.

TRUNG QUỐC CẤU KẾT VỚI ĐÀI LOAN NHẰM THÔN TÍNH TRƯỜNG SA

Trung Quốc cấu kết với Đài Loan nhằm thôn tính quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Thứ tư, 31/03/2010, 11:17(GMT+7)

http://vitinfo.com.vn/Muctin/Quansu/THSK/LA74822/default.htm

VIT - Vừa qua, một hội nghị về vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường biển đã diễn ra tại Đài Loan. Tại hội nghị này, nhiều chuyên gia nghiên cứu và quan chức cao cấp hai bên Trung Quốc và Đài Loan đã đạt được nhiều sự đồng thuận đối với vấn đề khai thác và bảo vệ môi trường kinh tế biển. Theo đó, trọng tâm khai thác sẽ là đảo như là đảo Điếu Ngư Đài, và vùng biển mà Trung Quốc và Đài Loan đã dùng vũ lực đánh chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Tại Diễn đàn thảo luận về nghiên cứu bảo vệ môi trường biển vừa diễn ra ngày 29 tháng 3 đến 30 tháng 3, bà Chen Yue - phó viện trưởng Viện hợp tác quốc tế cục hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết, trong diễn đàn này vấn đề chủ quyền đối với đảo Điều Ngư Đài và quần đảo Trường Sa là hai vấn đề nóng. Các chuyên gia dự hội nghị nhất trí về việc hai bờ eo biển này sẽ tiến hành hợp tác hơn nữa nhằm bảo vệ chủ quyền mà Trung Quốc cho rằng là của họ đối với hai quần đảo này.

Tại diễn đàn thảo luận hải dương hai bờ eo biển diễn ra tại Đài Loan, bà Chen Yue cho biết, diễn đàn lần này chỉ là một bước khởi đầu cho việc hợp tác giữa hai bờ eo biển. Chính vì vậy, trong thời gian tới hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ chỉ quyền, rác thải và bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Cũng theo bà Chen Yue cho biết, nếu như hai bên đạt được sự nhất trí cao thì trong thời tới hai bờ eo biển có thể sẽ xây dựng công viên Thành Công trên đảo Ba Bình, đồng thời sẽ tiến hành các hoạt động khai thác khảo cổ tại vùng biển thuộc Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, hai bở eo biển sẽ cùng nhau hợp tác đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động đối với chủ quyền mà Trung Quốc coi là của họ đối với hai quần đảo này.

Cũng theo bà Chen Yue cho biết, hiện vấn đề quy trì chủ quyền trên biển và quản lý kinh tế biển đang là những vấn đề mà hai bờ eo biển vô cùng quan tâm, đồng thời đó cũng là vấn đề quan trọng liên quan tới quyền lợi quốc gia. Do đó, việc hợp tác giữa hai bên về vấn đề này trong thời gian tới là vô cùng cần thiết.

Được biết, ngoài diễn đàn lần này, vào ngày 8 tháng 8 tới Trung Quốc cũng sẽ tổ chức một diễn đàn khoa học biển lần thứ 7 tại Hàng Châu cũng nhằm thảo luận các vấn đề liên quan tới khai thác kinh tế, du lịch và bảo vệ môi trường biển.

Việt Nam có đủ bằng chứng pháp lý chứng tỏ chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Chính Phủ Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền hợp pháp và bất khả xâm phạm đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc và Đài Loan tự ý phân chia quyền lợi kinh tế trên các vùng mà họ đã dùng vũ lực đánh chiếm của Việt Nam là những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, đi ngược lại các nguyên tắc chung sống hòa bình được cả thế giới công nhận.

Cao Phong (theo Ifeng)

Tin dịch

Nguồn tin: nguồn 1 - nguồn 2

.

.

.

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG: DỰA VÀO DÂN ĐỂ TRÁNH THẾ YẾU

Tranh chấp Biển Đông: Dựa vào dân để tránh thế yếu

Tác giả: Lê Quang (từ Mỹ)

Bài đã được xuất bản.: 31-3-2010

http://www.tuanvietnam.net/2010-03-29-tranh-chap-bien-dong-dua-vao-dan-de-tranh-the-yeu

"Trong bất kỳ cuộc tranh chấp nào, nước nhỏ luôn yếu thế hơn khi đàm phán song phương và đấu tranh ngoại giao ở cấp chính phủ với nước lớn. Vấn đề Biển Đông cũng không là ngoại lệ", GS Ngô Vĩnh Long nói.

>> Giải pháp Biển Đông: Trung Quốc cần bỏ yêu sách 9 đoạn

Ngày 25/3, hội thảo "Xung đột trong các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông" vừa diễn ra ở trường Đại học Temple, thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ.

Sau hội thảo, GS Ngô Vĩnh Long, một trong những học giả Việt kiều nổi tiếng tại Mỹ, nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, quan hệ châu Á - Mỹ và hiện đang giảng dạy tại khoa sử trường Đại học Maine, thành phố Orono, bang Maine (Mỹ) đã dành cho Tuần Việt Nam cuộc trò chuyện:

Biển Đông trong thế cờ Mỹ - Trung

- Theo giáo sư thì nguyên nhân nào khiến cho vấn đề tranh chấp tại Biển Đông trở nên nóng bỏng trong thời gian gần đây?

Một trong những lý do chính là do Trung Quốc nghĩ Mỹ đang trong thế yếu nên Trung Quốc cần phải lấn tới. Một khi Trung Quốc lấn tới mà Mỹ không phản ứng mạnh thì các nước xung quanh sẽ khiếp sợ họ. Khi đó, Trung Quốc sẽ có thể đòi hỏi thêm những việc khác.

Chúng ta có thể thấy điều này qua động thái: Trước khi Trung Quốc đẩy mạnh việc bắt giữ tàu cá Việt Nam, bắt ngư dân ta phải nộp phạt thì họ đã đụng độ và có thái độ cứng rắn với Mỹ trên Biển Đông.

Một động thái nữa là vào tháng 12.2008, báo chí Mỹ đưa tin Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ lúc bấy giờ, trả lời công khai rằng phía Trung Quốc đã đề nghị Mỹ nên chia đôi Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ lo gìn giữ hòa bình từ Hawaii về phía tây, còn Mỹ lo từ Hawaii sang phía Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc muốn thống trị một nửa Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Nếu Mỹ không đồng ý với đề nghị này thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm xuống đề nghị quản lý khu vực "South China Sea", tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam.

Hiện nay, tại Mỹ đang có hai phe theo hai quan điểm khác nhau về việc Mỹ nên có chính sách như thế nào đối với vấn đề Biển Đông. Một phe cho rằng mặc dù ngày xưa khu vực "South China Sea" là vùng ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng hiện Mỹ đang mạnh thì Mỹ phải đẩy lùi Trung Quốc.Phe thứ hai cho rằng Trung Quốc là nước lớn, có ảnh hưởng rất nhiều đến Mỹ nên Mỹ cần thỏa hiệp với họ.

Cả hai quan điểm này - răn đe hay thỏa hiệp - đều rất nguy hiểm với Việt Nam. Trong quá khứ, cả Mỹ và Trung Quốc từng sử dụng Việt Nam như một con bài để răn đe hoặc thỏa hiệp với nhau. Có một câu ngạn ngữ của Lào nói rằng: Khi hai con voi đánh nhau thì cỏ bị dẫm nát, nhưng khi hai con voi "yêu" nhau thì cỏ cũng bị dẫm nát.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề Biển Đông càng sớm càng tốt bởi càng để lâu thì càng có lợi cho Trung Quốc.

Giải quyết tranh chấp: Dựa vào dân và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế

- Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại từ nhiều năm nay và đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Theo giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Theo tôi, nguyên nhân là do Việt Nam chỉ tập trung đấu tranh với Trung Quốc trên lập trường bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa). Điều này sẽ dẫn đến sự bế tắc vì hai lý do: Một là Việt Nam không nhận được sự ủng hộ từ quốc tế vì Mỹ và nhiều nước khác đã tuyên bố rõ là họ không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.

Hai là, chúng ta cần phải hiểu rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ về mặt chủ quyền, trừ khi họ phải chịu một áp lực quốc tế rất lớn.

Từ xưa tới nay, mỗi khi Việt Nam tuyên bố có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Trung Quốc cũng tuyên bố giống y như vậy. Cách đấu tranh này hoàn toàn không giải quyết được vấn đề, giống như kiểu "Sơn Đông Mãi Võ", hai bên cùng ra đòn túi bụi nhưng chả đấm trúng vào đâu hết.

Vì vậy, tôi cho rằng nếu Việt Nam thực sự muốn giải quyết hiệu quả vấn đề Biển Đông thì cần phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nước khác, hay nói cách khác là phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao nhân dân.

Trong trường hợp này, có thể hiểu cụm từ "quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" như thế nào, thưa giáo sư?

Đó là cần có sự tham dự của Mỹ và của nhiều nước khác nữa. Trong đó, sự can thiệp của Mỹ đóng vai trò rất quan trọng vì nếu không có Mỹ thì nhiều nước khác sẽ không tham gia.

Ví dụ, vấn đề Biển Đông rất quan trọng với Nhật Bản, 90% lượng dầu từ các nơi khác chở đến Nhật Bản phải đi qua vùng Biển Đông. Tương tự như vậy, phần lớn nguồn cung cấp nhiên liệu cho Hàn Quốc cũng đi qua Biển Đông.

Thế nhưng, hai nước này sẽ không lên tiếng đơn phương về vấn đề Biển Đông vì họ không muốn Trung Quốc gây sức ép ngược lại trên những vấn đề khác.

Nếu Việt Nam nêu vấn đề này với tư cách là một nước đơn độc thì sẽ rất khó tranh thủ được sự ủng hộ của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng nếu Việt Nam được sự ủng hộ của Mỹ và các nước ASEAN thì có thể tranh thủ được các nước Bắc Á trong vấn đề này.

Điều cần lưu ý là vai trò của Mỹ trong việc giúp điều phối sự hợp tác của các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong giải quyết vấn đề Biển Đông là rất quan trọng, nhưng chính phủ Mỹ sẽ không can thiệp vào vấn đề này nếu nó đơn thuần là lợi ích riêng của Việt Nam. Chỉ khi Việt Nam thuyết phục được các nước Đông Nam Á tham gia thì Mỹ mới có thể đồng ý đóng một vai trò tích cực hơn vì sự an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á, chứ không phải vì Việt Nam.

Là một nước không có ưu thế về kinh tế, ngoại giao như Trung Quốc, Việt Nam sẽ lấy gì để vận động, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các nước khác trong vấn đề Biển Đông?

Hiện nay, hơn 50% hàng hóa chuyên chở bằng đường thủy của thế giới đi qua Biển Đông. Vì vậy, đối với thế giới, vấn đề Biển Đông không chỉ là những tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn là vấn đề thông thương trên vùng biển huyết mạch của thế giới, vấn đề ổn định của Đông Nam Á và an ninh của toàn khu vực.

Nếu Việt Nam chỉ tập trung nhấn mạnh vào vấn đề tranh chấp chủ quyền thì sẽ không có ai ủng hộ hay bênh vực ta cả. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc hoặc với bất cứ nước nào khác, nhưng họ sẽ có phản ứng nếu nguy cơ mất an ninh trên Biển Đông xuất hiện. Việt Nam cần phải sử dụng yếu tố này để vận động.

Đối với thể chế chính trị ở Mỹ, cách vận động hiệu quả nhất là chúng ta cần tuyên truyền giúp người dân Mỹ hiểu rằng vấn đề tranh chấp tại Biển Đông là nguy cơ gây mất ổn định khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng lợi ích của nhiều nước, trong đó có Mỹ, để từ đó người dân gây áp lực đòi chính phủ Mỹ chú trọng vào vấn đề này. Đây chính là công tác ngoại giao nhân dân.

Trong thời kỳ chiến tranh, Việt Nam đã thắng Mỹ một phần nhờ thực hiện rất tốt đường lối ngoại giao nhân dân. Khi đó, hàng triệu người Mỹ đã tham gia các cuộc biểu tình phản chiến, rất nhiều người đã tham gia vận động hành lang ở quốc hội, chính phủ, nhờ đó góp phần giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước.

Từ sau năm 1975, có vẻ như phía Việt Nam quan tâm hơn đến các hoạt động ngoại giao cấp chính phủ và cho rằng nó có thể giúp giải quyết những bất đồng giữa các bên. Tuy nhiên, lịch sử và thực tế đã chứng minh, trong lĩnh vực đối ngoại, nước nhỏ bao giờ cũng yếu thế hơn khi tiến hành đàm phán ngoại giao giữa chính phủ với chính phủ. Vì vậy, tôi mong muốn Việt Nam đẩy mạnh lại hoạt động ngoại giao nhân dân để bù đắp những bất lợi mà một nước nhỏ thì gặp trong đối ngoại, cụ thể là trong vấn đề Biển Đông.

Vừa qua Hội Địa lý Quốc gia (NGS) của Mỹ ghi sai tên quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa) là của Trung Quốc, còn Google thì vẽ một số khu vực thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam nằm tại Trung Quốc. Đây có phải là những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang thỏa hiệp với Trung Quốc không?

Trước hết, cần phải nói rõ là vụ Google hoàn toàn khác với vụ Hội Địa lý Mỹ về tính chất chính trị. Google không phải là một tổ chức khoa học chuyên nghiệp về địa lý nên họ không vẽ ra bản đồ mà chỉ sử dụng bản đồ của các nơi khác để đăng lên website của mình.

Đối với việc Hội Địa lý Mỹ chú thích sai quần đảo Paracel là của Trung Quốc, cá nhân tôi nghĩ, vì đây là một tổ chức chuyên nghiệp và có uy tín trên thế giới, nên có thể họ đã chịu một áp lực nào đó từ phía Trung Quốc hoặc cũng có thể họ đã làm theo chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây không phải là vấn đề mới xảy ra, nó đã tồn tại từ rất nhiều năm trước đây nhưng phía Việt Nam không phát hiện ra.

Việc phát hiện ra sai sót này là nhờ một sự tình cờ. Ngay khi phát hiện vụ việc, tôi cùng với Tiến sĩ Vũ Quang Việt (cựu chuyên viên cao cấp LHQ - PV) và anh Tạ Văn Tài (Giảng viên và Nghiên cứu viên, Đại học Luật Harvard - PV) đã viết thư cho Hội Địa lý Mỹ vạch cho họ biết chuyện này. Sau đó thì phía Việt Nam lên tiếng.

Nếu tôi nhớ không lầm thì NGS đã đưa ra lời đính chính khá nhanh dù còn chừng mực. Điều này cũng dễ hiểu vì một tổ chức lớn như NGS không thể ngay lập tức đính chính quá nhiều vì như thế sẽ rất mất mặt, nhưng tôi nghĩ là bên trong, họ đã học được một bài học và sẽ ngày càng tế nhị hơn trong vấn đề Biển Đông.

Vấn đề là sau khi phía NGS đã "mở" như vậy thì các chuyên gia Việt Nam cần liên hệ, làm việc với họ để họ tiếp tục sửa sai và làm đúng hơn.

Theo tôi, trong tình hình hiện nay, chúng ta không nên đặt vấn đề "ai thắng ai" mà điều quan trọng là làm sao gây được cảm tình, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân Mỹ và các nước khác.

.

.

.

ĐẬP THỦY ĐIỆN SƠN LA NỨT

Đập thủy điện Sơn La nứt :

Ai chịu trách nhiệm khi 15 triệu người thiệt mạng ?

Báo Người Việt (California, Mỹ)
12-2-09

.

Trong một báo cáo vừa được gửi đến ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng quốc gia chính thức thông báo “có nhiều vết nứt tại đập không tràn bờ của công trình thủy điện Sơn La”. Những vết nứt này xuất hiện tại cả hai đập không tràn bên bờ trái lẫn bờ phải.

Thông tin kể trên làm dư luận rúng động và có vẻ những cảnh báo cách nay vài năm về một “đại thảm họa”, có nguồn gốc từ Thủy điện Sơn La, sẽ đến sớm hơn dự kiến...

Cấm bàn lui: Ðã ngu muội lại ngông cuồng


Năm 1999, Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) bắt đầu tiến hành khảo sát để lập dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Thủy điện Sơn La là một phần trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Ðà. Trước đó, chính quyền CSVN từng cho chặn đoạn giữa của sông Ðà làm thủy điện Hòa Bình. Với dự án thủy điện Sơn La, sông Ðà sẽ bị chặn thêm một lần nữa ở đoạn phía trên thủy điện Hòa Bình để lập nhà máy thủy điện Sơn La.

Khi dự án được đệ trình, trên giấy tờ, thủy điện Sơn La trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông Nam Á (hồ chứa nước có diện tích 224 km2, dung tích 9.26 tỉ khối nước, công suất 2 400 MW, sản lượng điện 9.429 tỉ kWh/năm, tổng vốn đầu tư là 42,476 tỉ đồng - khoảng 2.5 tỉ USD). Ðể thực hiện công trình khổng lồ đó, sẽ có 19,669 gia đình, với trên 100,000 dân, cư trú tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên (đa số là người thiểu số) bị buộc phải chuyển đi nơi khác.

Dù được quảng bá rằng sẽ tăng thêm nguồn điện, giảm lũ trong mùa mưa, cấp thêm nước cho đồng bằng sông Hồng trong mùa khô nhưng dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La tạo ra nhiều âu lo hơn là sự vui mừng.

Kể từ khi dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La được công bố, giới khoa học trong và ngoài nước đã cùng lên tiếng cảnh báo liên tục về một đại thảm họa, tác động nghiêm trọng tới kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như tương lai Việt Nam để kêu gọi chính quyền CSVN phủ quyết dự án...

Theo các chuyên gia, Sơn La nằm trong khu vực có thể bị động đất rất mạnh. Ngoài động đất trong tự nhiên, các hồ chứa nước lớn còn là nguyên nhân tạo ra những cơn địa chấn khi chúng bắt đầu tích nước (trường hợp đập Kremasta ở Hy Lạp năm 1966, đập Koyna ở Ấn Ðộ năm 1967,...). Song hành với động đất, hồ chứa nước của thủy điện Sơn La còn bị đe dọa bởi những trận lũ bất thường, khó dự đoán. Bên cạnh đó, hồ chứa nước của thủy điện Sơn La còn tạo ra vô số tác động bất lợi đến môi trường: thay đổi về vi khí hậu, hệ động vật, hệ thực vật, đất bị trượt, vận tải chất rắn, suy giảm chất lượng nước, bệnh sốt rét, bệnh Bilharziose (tên một bác sĩ người Ðức, đã khám phá loại vi trùng độc hại này ở các hồ chứa nước). Chưa kể cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm ngàn người sẽ bị xáo trộn hoàn toàn.

Trong bối cảnh, đa số các trung tâm đông dân cư ở vùng châu thổ sông Hồng đều nằm dưới mực nước lũ, do rừng đã mất, biến đổi khí hậu khiến mưa bão càng ngày càng nhiều và càng lớn, Sơn La lại là vùng có động đất thường xuyên và mạnh nhất Việt Nam (giới chuyên môn xác định có sáu nếp gấp địa chất chính, có thể phát sinh động đất, ảnh hưởng đến công trình thủy điện Sơn La: đứt gãy sông Hồng, Lai Châu-Ðiện Biên, Sơn La, sông Mã-Pu Mây Tun, sông Ðà, Phong Thổ-Nậm Pìa, theo kết quả đo đạc thì từ năm 1990 đến năm 2003, trên khu vực có bán kính 200km quanh công trình thủy điện Sơn La đã xảy ra 1,089 vụ động đất, trong sáu nếp gấp vừa kể, nếp gấp Phong Thổ-Nậm Pìa chỉ cách đập chính của thủy điện điện Sơn La 5 cây số và trên thực tế, những địa chất ở nếp gấp này đã từng gây ra những trận động đất mạnh đến 5 độ Richter), nên đập thủy điện Sơn La rất dễ vỡ, nếu đập thủy điện Sơn La vỡ, đập thủy điện Hòa Bình cũng sẽ vỡ theo và như thế hồ chứa nước của thủy điện Sơn La thực sự là một “đại thảm họa”, treo lơ lửng trên đầu châu thổ sông Hồng...

Ðáng lưu ý không kém là việc xây dựng thủy điện Sơn La còn kéo theo vô số hệ lụy về mặt chính trị và quân sự, trong tương quan Việt-Trung.

Trung Quốc đã và đang xây dựng nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Khi toàn bộ các đập nước của Trung Quốc hoàn tất, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối diện với một thảm họa về môi sinh, theo sau đó là những thảm họa về kinh tế và xã hội. Các chuyên gia thắc mắc, trong tình thế ấy, tại sao chính quyền CSVN lại ngửa tay vay tiền Trung Quốc với lãi suất ưu đãi để xây dựng thủy điện Sơn La (?). Ðiều này sẽ khiến chính quyền CSVN “ngậm tăm”, không thể phản đối Trung Quốc hay tham gia phản đối Trung Quốc “giết sông Mekong”.

Khi dự án thủy điện Sơn La được công bố, Bộ Quốc Phòng CSVN từng đòi Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư phải “chừa” lại tỉnh lộ 12 và thị xã Lai Châu, không để con đường và vị trí chiến lược này chìm dưới nước. Tuy nhiên, khi dự án được phê duyệt, cả hai đều nằm trong khu vực bị nước nhấn chìm. Không chỉ nhấn chìm những vị trí và đầu mối giao thông chiến lược, vào lúc phê duyệt dự án thủy điện Sơn La, chính quyền CSVN còn “hiến” cho Trung Quốc một “quả bom nước” khổng lồ, nằm cách biên giới Việt-Trung đúng 16 cây số. Khi cần, Trung Quốc có thể kích nổ “quả bom nước” này và sức công phá của 10 tỉ khối nước từ trên cao tràn xuống, chắc chắn không thua gì bom nguyên tử.

Do 47% lưu vực sông Ðà nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, Bộ Ngoại Giao CSVN từng gửi công hàm, đề nghị Trung Quốc trả lời về quy hoạch khai thác nguồn nước sông Ðà nhưng Trung Quốc không trả lời...

Trong một cuộc họp Quốc Hội, CSVN diễn ra vào năm 2005, để “bàn về dự án thủy điện Sơn La”, một đại biểu quốc hội CSVN đồng thời là sĩ quan quân đội CSVN, lo ngại: “Nếu đập Sơn La vỡ, một chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây có thể bị thổi... bay như một chiếc lá”. Còn các chuyên gia khác ước tính: “Nếu đập Sơn La vỡ, sau 30 phút, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ sẽ bị chìm sâu dưới mực nước từ 4m đến... 60m và sẽ có khoảng 15 triệu người thiệt mạng...”

Bất chấp các phân tích thiệt-hơn, cũng như những cảnh báo về “đại thảm họa”, Bộ Chính Trị Ðảng CSVN vẫn chỉ đạo phải thực hiện thủy điện Sơn La. Thậm chí, tại một kỳ họp Quốc hội hồi cuối năm 2005, Phan Văn Khải, thủ tướng CSVN lúc đó đã chỉ mặt những đại biểu Quốc Hội CSVN dám nêu thắc mắc rồi nạt: “Không được bàn lùi!”

Ngày 2 tháng 12 năm 2005, công trình thủy điện Sơn La chính thức khởi công tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Việc chặn dòng sông Ðà bắt đầu...

Ðại thảm họa là điều khó tránh


Chiều 12 tháng 5 năm 2008, một trận động đất 8 độ richter (theo nghiên cứu địa chất của Hoa Kỳ, cường độ này tương đương 1.01 tỉ tấn chất nổ TNT), xảy ra tại Tứ Xuyên, Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề cho 44 huyện, trên diện tích 65,000 km2. Trận động đất đã khiến khoảng 80,000 người thiệt mạng, hơn 10 triệu người trở thành vô gia cư...

Giới nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc và trên thế giới đã đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh, hồ chứa nước Tử Bình Phô (Zipingpu) ở Tứ Xuyên có thể là nguyên nhân chính dẫn đến đại thảm họa đó.

Ðập Tử Bình Phô (cao 156m, trọng lượng của hồ chứa nước Tử Bình Phô lên đến 315 triệu tấn) nằm cách đường nứt gãy, gây ra địa chấn vỏn vẹn 550m.

Ông Phạm Hiểu (Fan Xiao), trưởng nhóm kỹ sư của Cục Ðịa Chất và Khoáng Sản Tứ Xuyên, cho rằng, có thể trọng lượng khổng lồ của hồ chứa nước Tử Bình Phô đã làm đường nứt gãy mong manh hơn, ảnh hưởng đến thời điểm xảy ra động đất và cường độ của nó. Dù động đất không phải là chuyện hiếm ở Tứ Xuyên nhưng theo ông Phạm Hiểu: “Ðịa chấn có cường độ mạnh đến thế chưa từng xuất hiện strong cả ngàn năm qua. Ðộng đất sẽ xảy ra khi không có đập nhưng con đập có thể đã thay đổi thời điểm và cường độ địa chấn khiến nó trở nên mạnh hơn rất nhiều”.

Tháng 1 năm 2009, báo chí Trung Quốc đăng tải một nghiên cứu, kết luận đập Tử Bình Phô thật sự đã tạo ra các rung động địa chấn trong khu vực.

Giới khoa học cho biết phần lớn các trận động đất tại Trung Quốc là kết quả của việc kiến tạo địa tầng Ấn Ðộ di chuyển về phía Bắc va vào địa tầng Âu - Á. Ðường nứt gãy gây động đất ở Tứ Xuyên là đường ranh giới chủ chốt giữa lòng chảo Tứ Xuyên và cao nguyên Tây Tạng. Ông David Schwartz, một nhà địa chất làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) nhận xét: “Nếu được xây ở Mỹ, con đập đó không thể gần một đường nứt gãy đang hoạt động đến thế”.

Ða số chuyên gia cùng tin rằng hồ chứa nước Tử Bình Phô là yếu tố khiến đại thảm họa diễn ra sớm hơn dự kiến. Ông Christian Klose, một nhà địa chất làm việc tại Ðại Học Columbia (Hoa Kỳ) ước tính: “Ðập Tử Bình Phô tạo ra áp lực cao gấp 25 lần so với áp lực đường nứt gãy tích tụ trong một năm, dù rất nhỏ so với áp lực tự nhiên tích tụ trong hàng ngàn năm nhưng áp lực phụ do con đập tạo ra có thể là đủ để trận động đất xảy ra sớm hơn hàng chục năm so với 'thời biểu' tự nhiên”. Ông David Schwartz ví von: “Nó giống như một tòa lâu đài trên cát rung chuyển trong gió mạnh, bạn chạm rất nhẹ vào nó và nó sụp đổ”.

Trong vài thập niên vừa qua, chính quyền Trung Quốc liên tục cho xây dựng nhiều hồ chứa nước lớn để phục vụ các nhà máy thủy điện, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về điện năng, giảm lũ lụt. Giới khoa học trong và ngoài Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về việc xây dựng các con đập khổng lồ có thể tác hại nghiêm trọng đến cấu trúc tự nhiên của các con sông, dẫn đến những thảm họa sinh thái và cũng giống như chính quyền CSVN, giới cầm quyền Trung Quốc đã phớt lờ tất cả những khuyến cáo này.

Sau trận động đất 8 độ richter xảy ra hôm 12 tháng 5 năm 2008, ngày 30 tháng 8 năm 2008, một trận động đất 6.1 độ richter xảy ra tại thành phố Phán Chi Hoa, cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, làm chết thêm khoảng 30 người, làm bị thương thêm khoảng 360 người, phá hủy 180,000 ngôi nhà và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của 600,000 dân ở hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam.

Vào lúc này, đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, được xây dựng để phát điện và ngăn lũ trên sông Dương Tử đã gây ra vô số vấn nạn đau đầu cho chính quyền Trung Quốc. Nguy cơ vỡ các đập nước do tác động của động đất đang đe dọa dân chúng ở quốc gia này. Chính quyền Trung Quốc thú nhận, Trung Quốc đã và đang có 400 đập nước hoặc đã bị phá hủy hoặc có thể vỡ vì trở thành rất yếu sau nhiều vụ động đất lớn, nhỏ.

Nhìn lại Việt Nam, thủy điện Sơn La cũng đang tạo ra hàng loạt vấn nạn tương tự. Thậm chí, thời gian xây dựng thủy điện Sơn La đã được rút ngắn từ 10 năm (2005 - 2015) theo dự kiến xuống còn 7 năm (2005 - 2012). Việc giảm gần 1/3 thời gian thi công một nhà máy thủy điện có diện tích lưu vực khoảng 44,000 km2, diện tích vùng hồ khoảng 224 km2 không phải là thành tích. Nó chỉ tăng thêm nguy cơ vì việc kiểm tra đòi hỏi phải chặt chẽ, việc giám sát tất cả các phản ứng của đập, bảo đảm chất lượng công trình sẽ khó khăn hơn. Ðối với các hồ chứa nước, bảo đảm an toàn của đập nước không phải chỉ đòi hỏi sự cẩn trọng trong nghiên cứu sơ khởi, tính toán, thiết kế, xây cất chu đáo mà còn phải kiểm tra, tu bổ nghiêm khắc trong suốt thời gian khai thác. Thế nhưng chính quyền CSVN không thèm bận tâm.

Trong vụ “xuất hiện nhiều vết nứt tại đập không tràn bờ cả hai bên phải, trái của công trình thủy điện Sơn La”, một công ty có tên là Colenco, đảm trách vai trò tư vấn cho chủ đầu tư là EVN, đã biện bạch rằng những vết nứt ấy... không đáng ngại. Hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng quốc gia không tán thành lối biện bạch rằng. Trong báo cáo gửi Thủ tướng CSVN, họ nhận định: “Những nhận định của Colenco về nguyên nhân nứt ở các khối đổ và ảnh hưởng của các vết nứt đến an toàn chịu lực của đập chưa thuyết phục. Ðể có biện pháp ngăn ngừa nứt cho các khối đổ tiếp theo cũng như biện pháp xử lý vết nứt, yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế tính toán, kiểm tra, khảo sát đầy đủa về các thông số môi trường (nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, bức xạ nhiệt...), hồ sơ hoàn công các lớp đổ. Ngoài ra, phải kiểm tra độ ổn định và độ bền của đập trong điều kiện vẫn tồn tại các vết nứt.”

Dù sự kiện này rất nghiêm trọng nhưng chưa ai biết những vết nứt này có được “bỏ qua” hay không (?) Cung cách quản lý, điều hành của chính quyền CSVN vốn đầy những khiếm khuyết cả do thiếu hiểu biết, thiếu khả năng lẫn bị chi phối bởi vô số gian ý. Vào ngày 10 tháng 2 năm 2009, khi đề cập đến thủy điện Sơn La, tờ Công An Nhân Dân cho biết: “Theo Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, chương trình di dân khỏi lòng hồ thủy điện Sơn La đang bộc lộ hàng loạt bất cập, không chỉ chậm chạp về tiến độ, mà ngay cả những nơi đã tái định cư thành công, hàng ngàn gia đình vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn do cơ sở hạ tầng xuống cấp... Tỷ lệ gia đình đã được di dời so với mục tiêu chung chỉ đạt khoảng 64.3%. Trong số 19,669 gia đình cần phải di dời, mới có 12,650 gia đình được tái định cư. Tờ Công An Nhân Dân dẫn lời ông Lê Văn Thành, phó văn phòng Ban Tái Ðịnh Cư Thủy Ðiện Sơn La, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết: “Trong năm 2009, chính phủ đã giao chỉ tiêu cho ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu phải di dời và tái định cư gấp 5,998 gia đình nhưng các tỉnh vẫn chưa lập được kế hoạch di dời”.

“Ðại thảm họa” Sơn La vẫn hiện hữu. Hãy nhớ: “Nếu đập Sơn La vỡ, sau 30 phút, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ sẽ bị chìm sâu dưới mực nước từ 4m đến... 60m và sẽ có khoảng 15 triệu người thiệt mạng...” Thay vì vật nài xin hung thủ xem lại hoặc câm nín, nhẫn nhục chờ đợi hàng loạt “đại thảm họa” như Sơn La, bauxite,... người Việt vẫn còn cách khác: Ðứng dậy, buộc những hung thủ đang tàn phá quốc gia, dân tộc dừng tay ngay lập tức trước khi quá trễ!

Gia Ðịnh

http://viet-studies.info/kinhte/DuAn_SongLa_AiChiuTrachNhiem.htm

.

.