Friday, September 3, 2010

VIỆT NAM 65 NAM SAU ... (Ngọc Trân, RFA)

Việt Nam, 65 năm sau…(phần 1)

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

2010-09-02

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/65-Years-after-Independence-What-Rights-Do-Vietnamese-Have-NT-09022010095102.html

Việt Nam đang tổ chức kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9.

Từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự hào rằng Cách mạng tháng Tám năm 1945“là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước” của dân tộc, rằng “đảng đã lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân đầu tiên ở Việt Nam, giành được độc lập, tự do, giải phóng dân tộc thoát khỏi áp bức, bóc lột”.

Nhân dịp này, chúng ta hãy nhìn lại 65 năm qua, người dân miền Bắc nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, được hưởng những gì từ thành quả cách mạng đó? Dân Việt Nam có thật sự được hưởng tự do, có được những quyền căn bản của con người như những người dân trên thế giới mà cuộc cách mạng này đã mang lại cho họ hay không?

.

Nhân quyền trong Tuyên ngôn Độc lập

Cách nay 65 năm, vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam, đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mở đầu bản Tuyên ngôn này, Hồ Chí Minh đã nói: Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: ‘người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi’. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Sau 65 năm kể từ khi Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm về quyền tự do, bình đẳng trong Tuyên ngôn Độc lập, các quyền tự do này bao gồm, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do lập hội, biểu tình...thế nhưng trên thực tế, Việt Nam đã có bao giờ được hưởng những quyền đó chưa?

.

Nguyên thủ quốc gia cũng không có “tự do ngôn luận”!

Trong các quyền tự do mà ông Hồ nhắc đến trong Tuyên ngôn Độc lập, trước hết chúng ta hãy xét đến quyền tự do ngôn luận, tức là quyền được nói, cũng như được bày tỏ ý kiến một cách công khai. Quyền tự do ngôn luận không những được ông Hồ khẳng định cách đây 65 năm, mà hiến pháp Việt Nam điều 69 cũng đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận...”, tức là người dân có quyền bày tỏ ý kiến một cách công khai.

Mặc dù hiến pháp Việt Nam đã quy định quyền công khai bày tỏ ý kiến, thế nhưng hồi tháng 7 năm ngoái, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam đã ra quyết định số 97, phủ nhận quyền này. Khoản 2, điều 2 của quyết định này đã quy định rằng: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phải gởi ý kiến phản biện đó cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, chứ không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ”.

Quyết định 97 của chính phủ đã bóp chết quyền tự do ngôn luận, dẫn đến kết quả là một viện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phát Triển, gọi tắt là IDS, đã quyết định tự giải thể. TS Nguyễn Quang A Viện trưởng IDS cho biết:Tôi chưa nói đến điều là ý kiến phản biện không được quyền công bố công khai, điều này hết sức phi lý. Thậm chí nó còn trái với những qui định hiện hành của bản thân Hiến Pháp Việt Nam bây giờ”.

Ngoài những bằng chứng cho thấy chính quyền luôn sử dụng nhiều phương cách để ngăn cản, hạn chế không cho công dân tự do trình bày thông tin, ý kiến của họ, còn có những dấu hiệu khác chỉ ra rằng, ngay cả những cá nhân lãnh đạo Đảng và chính quyền cũng không được phép bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Bởi đi kèm vi phạm “kỷ luật phát ngôn” sẽ là nhắc nhở, cảnh cáo, hoặc khai trừ Đảng, cách chức, nên hệ quả tất nhiên là những cá nhân lãnh đạo Đảng và chính quyền không có hoặc không còn kỹ năng diễn đạt. Hình ảnh các nguyên thủ luôn phải cầm giấy đọc từng ý trong những bài phát biểu được soạn sẵn trước công chúng và trước thiên hạ vừa là bằng chứng của quá trình thiếu vắng “tự do ngôn luận”, vừa làm hoen ố thể diện quốc gia.

.

“Cho chúng tôi được nói”

Các quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam bị bóp nghẹt, không những bằng cách “không được phép nói” mà có nói cũng không được những người có trách nhiệm lắng nghe. Ngay cả tiếng nói của tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật được xem là “khai quốc công thần”, cũng không được lãnh đạo nhà nước quan tâm.

Vài năm trước, ông Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần gửi thư kiến nghị đến các cấp lãnh đạo, phản đối chủ trương dỡ bỏ Hội trường Ba Đình để xây Nhà Quốc hội. Ý kiến này của ông Giáp chẳng những không được giới lãnh đạo quan tâm mà thư kiến nghị của ông còn bị Ban tuyên giáo Trung ương Đảng cấm phổ biến. Các kiến nghị của ông Giáp sau đó liên quan đến hiện tình đất nước như vụ Tổng cục II, hay kiến nghị gần đây nhất, phản đối chính phủ cho Trung Quốc khai thác bauxite ở các tỉnh Tây Nguyên, cũng đã không được những người có trách nhiệm lắng nghe.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một cán bộ lão thành cách mạng nay đã ngoài 90 tuổi, nguyên đại sứ tại Trung Quốc, cũng đã từng gửi kiến nghị lên các cấp lãnh đạo nhà nước, cho biết như sau: “…từ xưa đến giờ thì các cấp lãnh đạo có trả lời ai bao giờ đâu, đến thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiến nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn không được hồi âm thì chúng tôi làm sao mà có hồi âm được”.

Nhạc sĩ Tô Hải, một blogger ngoài 80 tuổi, người đã từng đi theo đảng từ khi tóc còn xanh cho tới bạc đầu, với tư cách là một nhân chứng sống, ông Tô Hải đã có những bài viết liên quan đến những điều mà ông đã chứng kiến kể từ khi Cách mạng Tháng Tám, đăng trên nhật ký cá nhân của ông. Thế nhưng ông đã bị xách nhiễu, khi đúng ngày Quốc khánh 2-9 năm ngoái, nhà ông đã bị cắt đường truyền Internet liên tục hai tháng, điều mà ông và nhiều blogger khác cho rằng, chính quyền muốn “bịt miệng” ông.

Ông Tô Hải cho biết:Nói tóm lại là bị bịt mồm hoàn toàn từ nay trở đi. Nếu có muốn, thì đi ra ngoài quán cafe internet mà viết, nhưng mà ra đó thì tức là mắc mưu rồi, đâm đầu vào rọ ngay”.

Ông Tô Hải mong muốn chính phủ Việt Nam để cho người dân được tự do cất tiếng nói, nói lên những suy nghĩ của mình: “Tôi thì tôi hy vọng, tôi mong rằng làm sao tất cả mọi người hãy thúc đẩy nhà cầm quyền hôm nay có nhiều hành động và ứng xử có tiến bộ. Tôi chỉ xin mong dân chủ. Hãy cho chúng tôi được nói. Đừng bịt mồm chúng tôi nữa. Đừng truy tố chúng tôi vì những tội gọi hẳn là cái tội ‘nháy nháy’, là tội yêu nước nữa. Để cho chúng tôi được sống trong một xã hội tự do như là mọi xã hội tự do khác, kể cả xã hội tự do thấp kém nhất là xã hội tự do Campuchia hiện nay mà các ông cũng không cho”.

.

Sáu mươi lăm năm kể từ khi đảng lãnh đạo nhân dân làm một cuộc cách mạng đánh đuổi thực dân phong kiến, cũng như khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định các quyền tự do của người dân, ngoài quyền tự do ngôn luận đã bị mất, các quyền khác như tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo…của người dân ra sao? Mời quý vị đón xem bài tới.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

Việt Nam, 65 năm sau…(phần 2)

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

2010-09-02

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/%2065-years-after-Independence-What-Rights-Do-Vietnamese-Have-NT-09022010164943.html

Ngoài quyền tự do ngôn luận mà người dân Việt Nam hiện vẫn chưa có, sau 65 năm kể từ khi Cách mạng Tháng Tám, các quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo của người dân Việt Nam được thực thi như thế nào?

.

Tự do báo chí: đi thụt lùi!

Sáu mươi lăm năm trước, Hồ Chí Minh đã lên án thực dân Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập như sau:

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”. Vậy, hơn sáu thập niên sau, về chính trị, người dân có được chút tự do dân chủ nào hay không?

.

Về quyền tự do báo chí, nhiều người cho rằng dưới thời Pháp thuộc, báo chí ở nước ta còn có được tự do hơn hiện nay, do thời đó ở Việt Nam đã có báo chí tư nhân. Ông Nguyễn Văn Trấn, tên thật của nhà báo Hai Cù Nèo, phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười trước đây, đã phải thốt lên: Thời Pháp thuộc, báo chí còn được tự do hơn bây giờ!

Theo các tài liệu lịch sử cho thấy, dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam đã có nhiều tờ báo do tư nhân làm chủ. Báo điện tử Đảng CSVN cũng cho biết, tờ báo tiếng Việt tư nhân đầu tiên có tên “Thông Loại Khóa Trình”, ra đời năm 1888, do ông Trương Vĩnh Ký làm chủ bút.

Sau đó cũng đã có nhiều tờ báo tư nhân khác ra đời như, báo “Lục tỉnh Tân Văn” do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, Nam Trung Nhật Báo của Nguyễn Tử Thức, “Tiếng Dân”, của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Đuốc Nhà Nam của cụ Nguyễn Phan Long, Nam Kỳ Tuần Báo của nhà văn Hồ Biểu Chánh… là những tờ báo tư nhân có những bài viết công khai chỉ trích chế độ thuộc địa, chống chính quyền Pháp.

Trong khi báo chí tư nhân từ lâu đã có mặt ở Việt Nam, vậy mà 65 năm sau khi Đảng Cộng sản làm một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc,Việt Nam hiện vẫn không có báo chí tư nhân. Các quyền tự do báo chí đã được quy định ở điều 69 Hiến pháp, thế nhưng quyền đó đã bị tước bỏ bằng nhiều văn bản dưới luật. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 37, tại điều 1, điểm d, chỉ thị này quy định: kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức; không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng”.

Việt Nam hiện có khoảng 700 tờ báo, tạp chí các loại, thế nhưng tất cả các tờ báo này nằm đều dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, thuộc BCH Trung ương Đảng Cộng sản VN. Những tờ báo của các nhà đấu tranh lập ra nhằm thực thi quyền tự do báo chí như: Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận, Tập san Tự do Dân chủ, Bán nguyệt san Tổ Quốc, đều là những tờ báo mà chính phủ VN cho rằng hoạt động bất hợp pháp, và do vậy những người chủ trương các tờ báo này đều có thể bị bắt giữ, các ấn phẩm của họ có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào.

Tháng 6 vừa qua, nhà giáo Nguyễn Thượng Long, Phó Tổng biên tập Bán nguyệt san Tổ Quốc, đã bị bắt khi đang photocopy tờ báo này. Ông Long cho biết như sau:

Thì sáng hôm đó trên đường tôi đi photo bán nguyệt san Tổ Quốc số 89, vừa mới photo xong mà chưa kịp ghim lại thì các nhân viên an ninh đã bắt tôi trong tình trạng mà họ nói là vi phạm các thông tư của Bộ Thông Tin Truyền Thông, tài liệu đó là tài liệu không được phép. Tôi bị bắt ngay trong tiệm photocopy, chưa photo xong thì bị bắt giữ ngay và đấy là nguyên nhân mà tôi bị đưa lên đồn trong suốt cả buổi sáng. Đến buổi chiều hôm đó thì người ta đưa tôi trở về gia đình và lệnh khám xét diễn ra”.

Một nhà báo tự do, blogger Anh Ba Saigon cho biết:

"Một khi báo chí còn là công cụ của chính quyền hoặc là của bất cứ thiết chế quyền lực nào đó, thì báo chí không thể nào tự do được. Có thể nói là dân báo và blog trong nước là giải pháp duy nhất hiện nay.”

.

Tự do lập hội, đảng phái: thua cả thời Pháp thuộc!

Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, thế còn quyền tự do tôn giáo và tự do lập đảng phái, tổ chức thì sao? Các quyền này ở Việt Nam hiện có khá hơn so với 65 năm về trước? Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã lên án thực dân Pháp như sau:

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta có chút tự do dân chủ nào…Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”.

Chế độ thực dân Pháp được cho là chế độ hà khắc, nhất là trong vấn đề đàn áp các tổ chức đối lập, thế nhưng trước năm 1945, Việt Nam đã có hàng chục đảng phái đối lập, hoạt động công khai. Các tài liệu lịch sử cho thấy, Việt Nam vào thời đó có nhiều tổ chức, đảng phái đối lập chống Pháp như: Đảng Lập hiến Đông Dương, Việt Nam Quang phục Hội, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính Đảng…

Trong khi ở Việt Nam, vài năm qua, các tổ chức, đảng phái đối lập như Đảng Thăng Tiến Việt Nam, khối 8406, ngay sau khi thành lập đã bị vô hiệu hóa. Những người đứng đầu, cùng các thành viên đã bị xách nhiễu, bị bắt giữ và bị kết án nhiều năm tù như: linh mục Nguyễn Văn Lý, LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân, anh Nguyễn Phong, cùng nhiều thành viên khác hoặc các cá nhân có liên quan đến các tổ chức này.

LS Huỳnh Văn Đông đã đưa ra nhận định về việc này như sau:

"Một mâu thuẫn lớn nhất được thấy từ lâu nay là mâu thuẫn giữa pháp luật và thực tiễn của nền tư pháp Việt Nam. Pháp luật Việt Nam có những qui định cho phép công dân được quyền tự do lập hội; tham gia đảng phái; chính trị; tự do tín ngưỡng…

Nhưng trong thực tế có những người bị bắt, có người được thả ra sau khi chấp hành xong hình phạt, không hề bị cho là tham gia các tổ chức hay đứng ra thành lập tổ chức đó mà vì một điều khác. Tuy vậy, người ta thấy rõ ràng bản chất vấn đề nằm ở chỗ: tham gia thành lập hoặc tham gia tổ chức ngoài Đảng Cộng sản.

Hiến pháp không cấm và chúng ta có thể vận dụng nói công dân có quyền làm những điều gì mà pháp luật không cấm, vậy tại sao những người tham gia Khối 8406 hoặc những tổ chức khác lại chịu những thiệt thòi như vậy”.

.

Tự do tôn giáo: không được phép!

Trong các quyền tự do mà ông Hồ tuyên bố, quyền tự do tôn giáo cũng đã được khẳng định trong Hiến pháp Việt Nam. Ðiều 70 Hiến Pháp đã khẳng định:

Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”.

Trên thực tế, nhiều tôn giáo ở Việt Nam đã bị đàn áp, nhiều nhà tu hành đã bị xách nhiễu, bị cấm hành đạo do các tôn giáo này không được nhà nước công nhận.

.

Thượng tọa Thích Thiện Minh, thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức tôn giáo đã tồn tại từ lâu, cho biết như sau:

“Họ kêu gọi tất cả các ban ngành ra tay để trấn áp cũng như là có những biện pháp nghiêm khắc đối với Huỳnh Văn Ba tức Thích Thiện Minh. Trong những buổi làm việc họ quy kết tôi tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là giáo hội bất hợp pháp, là giáo hội mà nhà nước Việt Nam không thừa nhận.

Tôi có thông báo với họ rằng nếu chính phủ cấm đoán mà ra công khai trực tiếp trả lời với tôi thì tôi có thể đình hẳn hoạt động của Hội, nhưng mà tới ngày hôm nay vẫn không có trả lời dứt khoát. Nhưng ở địa phương thì lúc nào họ cũng đàn áp, đòi chúng tôi xoá bỏ đi hội ái hữu cũng như đừng tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất”.

Khi được hỏi về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, linh mục Phan Văn Lợi cho biết:

Tự do tôn giáo đích thực là các tôn giáo trong nước phải được tự do ở các điểm như: được nhà nước công nhận về quy chế, chứ không phải là cho phép hay không cho phép hoạt động.

Tôn giáo phải được độc lập trong vấn đề nhân sự mà không có sự can thiệp của chánh quyền. Hoạt động tôn giáo phông phải chỉ có đọc kinh, cầu nguyện, mà có thể truyền bá giáo lý, một cách công khai như các quốc gia khác.

Tại Việt Nam, tôn giáo không có đài phát thanh riêng, không có báo chí, truyền hình, nhà xuất bản riêng. Về giáo dục, hiện nay nhà nước chỉ cho phép tôn giáo mở trường dạy lớp mẫu giáo.

Ngoài ra, tôn giáo còn phải có quyền về mặt tài sản, quyền sở hữu đất đai, vì thế nhà nước phải trả lại đất đai lấy ở miền Bắc, sau năm 1954 và trong Nam, sau 1975.

Các tôn giáo cũng phải được tự do liên hệ với đồng đạo của mình ở nước ngoài.”

Tất cả cho thấy, các quyền tự do khác của người dân mà ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập đã bị tước đoạt. Vậy các nhà chức trách Việt Nam nói gì về những điều này? Riêng những điều mà ông Hồ lên án thực dân pháp như “đàn áp, bóc lột nhân dân”, “cướp không ruộng đất” của người dân hiện nay ra sao? Đó sẽ là nội dung của bài kế tiếp.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

Việt Nam, 65 năm sau…(phần 3)

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

2010-09-02

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/65-Years-after-Indepedence-What-Rights-Do-Vietnamese-Have-NgTran-09022010205033.html

Kể từ khi Đảng Cộng sản “lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân đầu tiên ở Việt Nam, giành được độc lập, giải phóng dân tộc thoát khỏi áp bức, bóc lột”, các quyền tự do của người VN hầu như đã bị tước bỏ.

Các nhà chức trách Việt Nam nói gì về điều này? Người dân Việt Nam hiện có còn bị đàn áp, bóc lột, ruộng đất có cướp không như ông Hồ đã lên án thực dân Pháp hay không? Ngọc Trân tường trình tiếp.

.

Nhân quyền Việt Nam khác với phương Tây?

Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam giành được chính quyền, người dân đã không có các quyền cơ bản của con người. Khi được hỏi, những người đứng đầu trong bộ máy của đảng và nhà nước thường đưa ra lý do để biện minh rằng, các giá trị về nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền ở phương Tây, bất chấp quan điểm của ông Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập, rằng: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Nhiều người cho rằng, ông Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, cũng như Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, để nói với tất cả các dân tộc trên thế giới rằng, dân Mỹ, dân Pháp, dân Việt Nam hay là người dân của bất kỳ quốc gia nào khác, cũng đều được hưởng các quyền con người như nhau.

.

Liên quan đến vấn đề nhân quyền, mới đây, Việt Nam cho phát hành “Tạp chí Nhân quyền”, với mục đích “ tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và phản bác các luận điệu thù địch”. Trong bài viết đầu tiên đăng trên tạp chí này có tựa đề: “Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam”, của ông Nguyễn Văn Hưởng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an và là Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền ở phương Tây.

Ông Hưởng đã viết:Đảng và Nhà nước ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh và mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Chúng ta phấn đấu cho những mục tiêu nhân quyền, dân chủ mà đã được xác định, nhưng cũng không thể chấp nhận cái thứ ‘nhân quyền, dân chủ’ theo kiểu phương Tây”.

Mặc dù theo định nghĩa, “Nhân quyền là quyền cơ bản của con người, như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại…Những quyền ấy không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Mọi con người được sinh ra đều bình đẳng và được tạo hóa ban cho một số quyền không thể tước bỏ, như quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc”, thế nhưng, ông Hưởng đã hiểu về nhân quyền theo cách khác.

Khi nói rằng, nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền ở phương Tây, ông Hưởng cũng đã phủ nhận nhân quyền mà Hồ Chí Minh đã nêu ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 rằng,Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Trong khi ông Hưởng lại nói: “Họ không thể mang quan điểm nhân quyền của nước họ áp đặt thành tiêu chuẩn cho Việt Nam. Mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng vì thế không thể lấy hình mẫu ‘nhân quyền’ của nước này đem sang nước khác được”. Với cách lập luận như thế, chính ông Hưởng đã tước bỏ nhân quyền của người dân Việt Nam mà ông Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập cách nay 65 năm.

.

Vẫn bị bóc lột sau 65 năm

Ngoài các quyền căn bản mà người dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng, những điều ông Hồ Chí Minh lên án thực dân Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập, có lẽ vẫn còn có tác dụng cho tới ngày nay.

Ông Hồ Chí Minh đã nói: Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng… Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Sau 65 năm kể từ khi Hồ Chí Minh lên án thực dân Pháp, chúng ta hãy nhìn vào đời sống của giai cấp công nhân Việt Nam, tức giai cấp lãnh đạo, mà đảng cho rằng “đã đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”, để xem đời sống của công nhân Việt Nam có khá hơn về mặt vật chất, cũng như tinh thần hay không?

Có thể nói, hầu như ai cũng biết rằng công nhân Việt Nam, những người đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế, chính là những người phải làm việc cực nhọc nhất, nhưng có đời sống cả vật chất lẫn tinh thần thiếu thốn nhất. Trong một bài viết có tựa đề “Giai cấp công nhân Việt Nam - thực trạng và suy ngẫm” của Trương Giang Long, đăng trên Tạp chí Cộng sản, cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp đều tăng ca để bảo đảm kế hoạch và tăng doanh thu. Điều đáng nói là Luật Lao động quy định công nhân làm việc [tăng ca] không quá 200 giờ/ người/năm, nhưng trong nhiều doanh nghiệp công nhân đã phải làm việc bình quân tới 500 – 600 giờ/ người/năm”.

Không những làm việc với cường độ cao, mà điều kiện làm việc ở các hãng xưởng rất tồi tệ như, nóng bức, ô nhiễm tiếng ồn, bụi bậm, mọi thứ đều vượt quá mức quy định, dù vậy, công nhân Việt Nam chỉ nhận được những đồng lương ít ỏi, không đủ sống, do đó họ phải sống trong điều kiện chật hẹp, thiếu vệ sinh, ăn uống không đủ chất để bảo đảm sức khỏe, cũng như để có đủ sức lao động tiếp tục làm việc.

Hồi tháng 3 năm nay, báo Đất Việt có bài viết nói về thực trạng đời sống của công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai như: "Bữa ăn đúng nghĩa nhét đầy bao tử, nuốt chứ không phải nhai, chỗ ở không khác ổ chuột, chỉ đủ khoảng trống ngả lưng sau một ngày làm việc cực nhọc với hàng chục thứ thiếu”.

Một cán bộ đảng viên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và là Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nói về giai cấp công nhân như: Nói đến giai cấp công nhân hiện nay rõ ràng là họ đi làm đầy tớ, chớ họ không làm chủ xí nghiệp, công ty, quốc doanh. Họ bị bóc lột, đầy đọa hết sức tàn nhẫn. Họ không làm chủ phương tiện sản xuất vậy mà đi nói là: ‘Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân’ ư? Đây là sự lừa dối to lớn.

.

Nhiều công nhân làm việc không đủ sống, đã phải chọn con đường xuất khẩu lao động để mưu sinh, mong kiếm thêm chút tiền giúp đỡ cho gia đình, thế nhưng nhiều trường hợp, những công nhân này cũng không khá hơn các công nhân trong nước. Họ cũng bị bóc lột sức lao động quá mức, bị các nhà môi giới lao động trong nước lừa gạt, đem con bỏ chợ, để rồi ở nước ngoài họ bị đối xử như nô lệ, bị đánh đập, trước sự thờ ơ của các cá nhân hay tổ chức có trách nhiệm, từ công ty môi giới, cho tới các quan chức có liên quan.

Một lao động nữ đã được công ty môi giới Việt Hà đưa đi lao động ở Địa Trung Hải, cho biết cuộc sống của mình:Mang tiếng làm nhà hàng nhưng em cùng với bạn em suốt ngày ăn uống đói khát. Cả ngày chỉ ăn đúng 1 lần, toàn bánh mì với uống nước không thôi. Chỉ có thứ Bảy, Chủ Nhật vất vả đấy thì họ mới cho tí thịt. Hai đứa suốt ngày khóc, hơn 1 tháng làm ở đấy bọn em suốt ngày đói khát”.

Và một công nhân khác đã nói về hoàn cảnh của cô khi đi xuất khẩu lao động ở Trung Đông:Khi sang Jordan rồi thì ngay lập tức chủ nhà máy thu giữ hoàn toàn hộ chiếu của bọn em và bắt bọn em phải đi làm một cách không tưởng tượng nổi, là từ 7 giờ 30 sáng tới 12 giờ đêm. Những ngày đó là giáp Tết, cứ làm tới 1-2 giờ sáng là bình thường. Ngày nào cũng vậy”.

.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân là do thu nhập của công nhân không đủ để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu, thế nhưng nguyên nguyên nhân sâu xa phải kể đến là, từ lâu đảng và nhà nước đã không còn quan tâm đến đời sống công nhân nói riêng, người dân VN nói chung.

Một thanh niên hiện đang lao động nước ngoài cho biết:Tôi thấy lớp thanh niên chúng tôi thiệt thòi và khổ sở, lớn lên mà phải đi lao động ở xa, làm giàu cho những nước khác, trong khi nước mình thì phong phú đa dạng. Nhưng giới cầm quyền chưa có sự đầu tư chính đáng và đúng mức vào tầng lớp thanh niên như bọn tôi, để bọn tôi phải đi ra nước ngoài kiếm sống rất là mạo hiểm – về tính mạng cũng như những mặt khác. Nếu đảng CS còn tồn tại thì tôi nghĩ là còn lâu thanh niên VN mới hết đi lao động ở nước ngoài”.

.

Để kết thúc, chúng tôi xin mượn lời của một người dân giấu tên, cho biết như sau: “Nhiều người Việt Nam muốn thay đổi là vì, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tước đi tất cả các quyền căn bản của họ, như tôi đã nói, đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được mưu sinh, quyền được tự do làm ăn, quyền được bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội”.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments:

Post a Comment