Friday, September 3, 2010

CHUYỆN VINASHIN và BÁO QUÂN ĐỘI...CƯỜI

Chuyện Vinasin và Báo Quân đội … cười

Kami

03.09.2010

http://nguoiduatinkami.wordpress.com/2010/09/03/chuy%e1%bb%87n-vinasin-va-bao-quan-d%e1%bb%99i-c%c6%b0%e1%bb%9di/

Trong các vấn đề làm đau đầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào giờ phút này là vấn đề Tập đoàn Vinashin, vì sự sống còn của Vinashin có tầm quan trọng quyết định trong việc chạy đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư Đảng CSVN trong năm tới. Thực ra dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế thì cái ung nhọt Vinashin đã có biểu hiện nguy hiểm từ rất lâu rổi. Từ trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 103/QĐ- TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, và quyết định 104 QĐ – TTg về việc thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với mục đích hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin đa sở hữu trong đó có sở hữu Nhà nước là chi phối bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

.

Vì coi Vinashin như ngọn cờ đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe các quân sư quạt “máy” xui dại, với một chiến lược phát triển, với viễn tưởng sẽ xây dựng thành công và đưa những tập đoàn công nghiệp nhà nước hàng đầu thành những tập đoàn kinh doanh lớn theo kiểu định hướng XHCN. Tất cả đều dựa vào mô hình chaebol, là những tập đoàn công nghiệp lớn, quy mô như Samsung, Huyndai… của Hàn quốc, đã đưa Hàn quốc ra khỏi nghèo đói để trở thành một trong những nước giàu có và phát triển. Đó chính là lý do vì sao khoảng 750 triệu đô-la từ cuộc phát hành trái phiếu đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài đã được Thủ tướng Nguỹen Tấn Dũng quyết định chuyển qua cho Vinashin toàn bộ.

.

Về hậu quả kinh tế, thiệt hại bước đầu của Vinashin qua kiểm tra sơ bộ cho thấy tập đoàn này đã để lại khoản nợ là 86.000 ngàn tỷ VND, tương đương với 4,3 tỷ đô la Mỹ so với tổng giá trị tài sản hiện có của Vinashin là 104.000 tỷ VND. Số tiền nợ này nhiều tới mức nếu bổ đầu bình quân mỗi công dân nước Cộng hòa XHCN Việt nam, kể từ em bé vừa cất tiếng chào đời đến người chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng cũng phải mắc nợ khoảng hơn 1 triệu VND. Trong một thư ngỏ của TS Vũ Triệu Minh gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông TS Vũ Triệu Minh đã nói toạc rằng ” … Chỉ trong một chớp mắt, mỗi người dân Việt Nam phải trả nợ cho Vinashin của ông một triệu đồng đấy. Số tiền này đủ để ông xóa nghèo cho toàn dân Việt Nam trong vòng 20 năm…”

.

Nhưng tiền bạc chưa phải là chuyện lớn, vấn đề quan trọng là công ăn việc làm và cuộc sống của người lao động của Vinashin. Theo Báo Thanh niên cho biết ” Ngày 4.8, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chính sách lao động tại Vinashin. Theo công văn này, đời sống của người lao động Vinashin đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có 7.314 lao động thiếu việc làm, tập đoàn nợ tiền lương của người lao động 103 tỉ đồng, nợ BHXH 143,9 tỉ đồng.”

.

Sở dĩ nói tới chuyện nợ nần và khó khăn chồng chất do Vinashin để lại để thấy rằng con đường đưa ông Nguyễn Tấn Dũng vào cái ghế Tổng Bí thư Đảng là hết sức khó khăn và nhiều chông gai. Mà nguyên nhân vì sao vụ việc Vinashin bùng lên vào thời điểm trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI chỉ còn vài ba tháng? Hình như đây là cú ra đòn quyết định của một số người phe anh Tô Chủ tịch, buộc ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải từ bỏ ước mơ chức Tổng Bí thư, mà phải chấp nhận ngồi lại ghế Thủ tướng trong nhiệm kỳ nữa để giải quyết những hậu quả khổng lồ này, mà theo họ đó là vì lỗi do chính ông Nguyễn Tấn Dũng là người gây nên và phải chịu trách nhiệm.

.

Việc triều đình đang rối rắm phức tạp nước sôi lửa bỏng như vậy, mà mấy ngày vừa qua trên mục Chính luận của Báo Quân đội nhân dân, cơ quan của Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng xuất hiện bài viết Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”: Không thể phủ nhận vai trò kinh tế Nhà nước” của đồng chí Đỗ Phú Thọ, có đoạn nói về vụ việc của Vinashin như sau “Thực tế tại Tập đoàn Vinashin, sau gần một tháng thực hiện việc tái cơ cấu, đổi mới toàn diện tập đoàn theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, đã có sự chuyển biến đáng phấn khởi. Tình trạng công nhân phải nghỉ việc giảm hẳn. Các dự án đóng tàu của tập đoàn được khởi động trở lại. Quyết tâm của cán bộ, công nhân Vinashin là đến năm 2013 sẽ hết lỗ và đến năm 2015 có lãi.”

Một bài chính luận viết về vấn đề kinh tế, nhưng cố gắn vào mục “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” thì không hiểu là vì lý do và có hàm ý gì? Phải chăng báo Quân đội nhân dân cố ý đưa các đồng chí lãnh đạo của đảng bên phe của anh Tô Chủ tịch đang yêu cầu giải quyết vụ việc Vinashin sang đội ngũ của những thế lực thù địch?

.

Chuyện đấu đá nội bộ trong Ban lãnh đạo Đảng CSVN ở đây xin không bàn tới, vì tôi không muốn mắc vào cái tội tuyên truyền chống đảng. Nhưng ở đây sở dĩ trích đoạn trên đây của đồng chí Đỗ Phú Thọ trong bài “Không thể phủ nhận vai trò kinh tế Nhà nước” cho thấy có 3 điểm cần bàn tới, vì nó là vấn đề liên quan tới nhận thức của nhân dân đặc biệt là các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới trước mắt. Quan trọng hơn là cần phải nói đúng và nói rõ sự thật cho họ biết, chứ không được viết theo lối tuyên truyền lạc quan tếu, thiếu tôn trọng thực tế khách quan của tình hình như đồng chí Đỗ Phú Thọ viết.

.

Đó là:

.

1. Tình hình ở Tập đoàn Vinashin sau một tháng đã thực hiện lệnh khám xét và bắt giũ các đối tượng chủ chốt của Vinashin như Tổng giám đốc Phan Thanh Bình, Tân Tổng Giám đốc Trần Quang Vũ, ông Trần Văn Liêm Tổng giám đốc Công ty vận tải viễn dương Vinashin, Giang Kim Đạt (Trưởng phòng khai thác), Nguyễn Tuấn Dương, tổng giám đốc công ty Cổ phần thép Cửu Long kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần thép Cái Lân – Vinashin, ông Nguyễn Văn Tuyên – Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. v.v… và sau đây nữa là sẽ tiếp tục bắt thêm những ai nữa chưa biết là đang có chuyển biến đáng phấn khởi.(!?)

.

2. Tình trạng công nhân phải nghỉ việc giảm hẳn. Các dự án đóng tàu của tập đoàn được khởi động trở lại.

Thế nào là tình trạng công nhân nghỉ việc giảm hẳn? Theo Báo Sài Gòn tiếp thị hôm nay (3/9) cho biết thì theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, đến tháng 6 năm nay, tổng tài sản của tập đoàn Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng, tổng số nợ lên tới 86.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gần 11 lần. Đã có gần 17.000 công nhân bỏ việc, gần 5.000 người mất việc. Tập đoàn hiện có khoảng 7 vạn người đang trong cảnh chạy lương từng bữa. Có lẽ số công nhân nghỉ việc giảm hẳn đó là số lượng công nhân đã buộc phải bỏ việc để đi kiếm việc làm ở chỗ khác?

.

3. Quyết tâm của cán bộ, công nhân Vinashin là đến năm 2013 sẽ hết lỗ và đến năm 2015 có lãi. Cái vấn đề thứ 3 này của đồng chí Đỗ Phú Thọ phải thừa nhận nó có tính gây cười với bạn đọc rất cao, với số nợ vào khoảng 86.000 tỷ VND tương đương với 4, 3 tỷ đô la Mỹ thì xin hỏi bao nhiêu năm có lãi của Vinashin mới trả nợ hết cả gốc lẫn lãi. Ai làm ăn kinh tế mà cứ ngồi nghe đồng chí Đỗ Phú Thọ “xui” thì chả mấy chốc tiến lên Chủ nghĩa Xã hội kiểu hết thóc giống.

.

Thực trạng của Tập đoàn Vinashin hiện tại đang ở mức xấu nhất, không chỉ là mọi khoản nợ khi tới đúng hạn là phả trả cho nước ngoài, mà quan trọng hơn cả sự sụp đổ của Vinashin sẽ là sự thất bại và phá sản của nền kinh tế thị trường mang cái đuôi định hướng XHCN của đảng CSVN. Tới mức người ta phải nói thẳng ra là “Nếu để Vinashin phá sản, tất cả sẽ thành đống sắt vụn”.

.

Bài học thành công của nền kinh tế nước Nhật hẳn người Việt nam có chút nhỏ kiến thức ai ai cũng biết. Người Nhật đã thành công đưa kinh tế của nước Nhật lên hàng thứ 2 trên thế giới chỉ một vài chục năm, bởi vì họ biết chấp nhận sự thật những hạn chế của đất nước họ là nghèo tài nguyên khoáng sản, để dạy cho học trò. Không bao giờ người Nhật họ lạc quan tếu kiểu ngồi “tính cua trong lỗ” theo kiểu “2 hay ba năm hết lỗ và có lãi” như các nhà lãnh đạo Việt nam (hay tự sướng) mà đồng chí Đỗ Phú Thọ cũng mắc phải.

.

Chuyện làm ăn kinh tế là chuyện quan trọng, nó vừa khó và vừa lớn, nhất là ở mức kinh tế Tập đoàn, nó không phải chuyện vớ vẩn như việc viết chính luận trên báo Quân đội nhân dân, mà đồng chí Đỗ Phú Thọ nhảy vào viết bình luận ba lăng nhăng kiểu trẻ “ăn theo nói leo” thế nào cũng được.

.

Hôm lễ Quốc khánh mùng 2/9, tôi gặp mấy bác hiện đang là tướng lĩnh cao cấp trong quân đội (đoạn này học theo blogger Trương Duy Nhất) đến nhà chơi, tôi mang chuyện của đồng chí Đỗ Phú Thọ viết trên báo Quân đội nhân dân ra hỏi vui. Bác X. cán bộ lãnh đạo Cục quân huấn Bộ Quốc phòng cười và nói vui “mấy thằng đó nó đang học theo cách báo Tuổi trẻ, chắc Đảng ủy Quân sự trung ương và Bộ Quốc phòng sắp cho ra báo Quân đội cười”(?!)

Tất cả mọi người có mặt lúc ấy cười ồ lên vui vẻ, vì họ toàn là tướng tá cán bộ đã từng công tác ở báo Quân đội nhân dân và Tạp chí văn Nghệ Quân đội trước kia, họ hiểu. Mọi người cười có lẽ vì Báo Quân đội nhân dân là một tờ báo quan trọng hàng thứ 2 của Đảng và nhà nước (Nhưng số người đọc cũng chỉ khoảng hàng thứ 2 từ dưới lên so với các tờ báo khác ở VN). Tiếc rằng có lẽ vì ế khách đọc quá, họ mới cho mục Chính luận viết lăng nhăng chọc tức bạn đọc theo kiểu ‘vui cười” cho đông khách?!

.

Đây xem ra là một gợi ý mang tính định hướng cho Báo Quân đội nhân dân, để họ xem xem xét để có nên tách mục Chính luận của báo Quân đội nhân dân của các cây bút như Đỗ Phú Thọ, Kim Ngọc, Lê Văn Bảo … để thành lập báo Quân đội… cười. Nhưng có lẽ chưa thực sự hiệu quả, giá như Thủ tướng biết và hay đọc báo thì xin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong giờ phút khó khăn này hãy mạnh dạn báo cáo với Bộ Chính trị, đề nghị đặc cách và rút đồng chí Đỗ Phú Thọ một nhân tài từ Báo Quân đội nhân dân để Bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vinashin để giải quyết công việc, để làm sao cho biến quyết tâm của cán bộ, công nhân Vinashin là đến năm 2013 sẽ hết lỗ và đến năm 2015 có lãi thành hiện thực. Nhưng với điều kiện nhỏ là nếu như trong vòng 3 năm đồng chí Đỗ Phú Thọ không làm được như vậy, thì không hoàn thành thì phải nằm sấp xuống và chịu đánh 3 roi vào đít để cảnh cáo tội ăn tục nói phét. Như vậy là một công được cả đôi việc.

Thiết nghĩ dây cũng là một trong những biện pháp giúp cho nền báo chí nước nhà tiến bộ vì loại bỏ bớt được lũ nhà báo “hại”, nuôi chỉ viết láo, viết bậy.

Đỡ tốn tiền thuế của nhân dân.

Hà nội, ngày Bác mất 03/9/2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment