Wednesday, August 25, 2010

GIỚI THIỆU SÁCH "THIÊN THẦN TRONG ĐỊA NGỤC"

Thiên thần trong Địa ngục

Bảo Như

25-08-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7719

Chỉ hơn trăm trang giấy mảnh, nhẹ, nhưng chưa từng có cuốn sách nào sắc và làm nặng lòng tôi sau khi đọc đến như vậy. “Thiên Thần trong Địa Ngục” là một ký sự, cũng là tác phẩm văn đầu tay (1) của nhà thơ Ngô Tịnh Yên. Một trăm năm mươi trang ký sự lôi cuốn, sinh động, đầy tràn dữ kiện, người thật, việc thật, cảnh thật thoát ra từ một chiều sâu tư tưởng, khiến người đọc như cảm xúc cùng tác giả, và cùng chia xẻ những kiến thức phong phú về một cuộc hành trình vào một đất nước láng giềng gần nhất nhưng vẫn rất xa lạ về văn hoá lẫn con người.

Mười ba tiểu chương, mỗi chương, ngay dưới hàng chủ đề là một câu danh ngôn ngụ ý uyên thâm, khiêu gợi lòng nhân bản của người đọc như:
“Muốn có mái tóc đẹp, hãy để cho một em bé luồn tay qua mái tóc của bạn mỗi ngày.” (Audrey Hepburn)
“Đừng để cho sự ác chiến thắng, mà hãy vượt thắng điều ác bằng điều thiện.” (Saint Paul)
hay:
“Thiên thần không có một thứ triết lý nào cả ngoài tình yêu thương.” (Adeline Cullen Ray)
v.v…

Và mỗi cuối chương là một ảnh chụp, đa phần liên quan đến trẻ em và tệ nạn nô lệ tình dục minh hoạ cho bài viết, những tấm ảnh gây ấn tượng sâu sắc.

Cũng như những lời thơ nhẹ nhàng, thanh tao, giọng văn của Ngô Tịnh Yên trong toàn ký sự toát ra một tình cảm êm ái, ngay cả khi lên án những tội phạm, hoặc thuật lại các tội ác. Hay có lẽ vì đó là những lời than của một thiên thần, chỉ xem một cuốn phim về một bé gái trong thảm cảnh, đã một thân một ba lô lặn lội làm cuộc hành trình từ Mỹ, về Việt Nam và sang Cambodia, tới tận nơi, tìm gặp người để ghé vai, góp bàn tay tương trợ?

Tôi như đi với tác giả vào khu Phố Tây ba lô, Q. I, Sài gòn, mà tôi, dân sinh trưởng ở Saigon, đã về thăm lại, nhưng chưa hề nghe biết đến. Với một sắc thái khác biệt, phát triển hoàn toàn tự phát, nhà nào cũng trở thành nhà trọ, khách sạn, bất kể hóc hẻm; khách du lịch đủ mọi quốc tịch màu da, hàng hóa bày bán thượng vàng hạ cám, và rộn ràng ngôn ngữ chào hàng “papa”, “mama”, “bro”, “sis"...trong tường thuật. Tôi hình dung, có phải nó như khu phố La tinh giữa lòng đất Việt?

Rồi tới những thành phố của Kampuchia, Phnom Penh, Siem Riep, và cả đền đài Angkor Wat trải mình dưới những mảnh đời cùng khổ, những thảm cảnh và nhiễu nhương, nhưng Ngô Tịnh Yên vẫn khéo léo pha trộn bàng bạc dòng kiến thức uyên bác về lịch sử với những tả chân hiện thực vào từng nơi bà đi qua, thật phong phú và sinh động cho người đọc.

Có thể nhận thấy tác giả rất thích di tích văn hoá lịch sử Angkor Wat, bà đã dành ra một phân đoạn lớn nói về di tích lịch sử này. Sau phần miêu tả chi tiết, tác giả cũng đề cập tới mối lo ngại về nguy cơ kỳ quan quý báu này bị xâm hại. Những nguyên nhân tác giả trình bày cho thấy Campuchia cũng như Việt nam đều chịu chung những vấn nạn như nhau: cảnh thiên nhiên bị tàn phá và di tích lịch sử bị xuống cấp vì sự khai thác lợi nhuận vô tổ chức. Riêng với Angkor Wat, khách sạn mọc chen như nấm ngay trong vùng di tích, số người quá tải đưa đến nhu cầu xử dụng nước tạo ra hàng ngàn giếng khoan nhân tạo. Cứ đà này trong thời gian ngắn, mạch nước ngầm sẽ cạn kiệt, và dẫn đến nguy cơ làm cho các công trình thuộc đền đài Angkor Wat chìm sâu trong lòng đất.

Tôi đọc gần như không nghỉ cho đến hết. Và xin ghi lai cảm nhận về ký sự, những sự việc đáng quan tâm, bao gồm một số nhân vật nổi bật như sau.
Phần tả cảnh của Campuchia phác ra một bức hoạ với những gam màu thổ, ấm của Siem Riep, và xanh tươi hơn nhờ bóng cây của Nông pênh. Cuộc sống về đêm rực rỡ náo nhiệt của Siêm Riep trái ngược với một Phnom Pênh yên tĩnh về đêm.
Người đọc được biết về điệu vũ cổ truyền Apsara được biểu diễn hầu hết mọi nhà hàng, khách sạn lớn của Siem riep, và ít ai ngờ được là đa phần các “tiên nữ” trong vũ điệu là con gái Việt nam. Tác giả còn kèm theo một câu chuyên về cuộc đời bi thảm của người duy nhất trong mười vũ công Apsara của triều đình Sihanouk sau khi Khmer đỏ chiếm đóng còn sống sót. Bà Em Theay bị Khmer đỏ giết chết hai trong 4 người con, đã từng sống trong tù tội, khủng bố và khốn cùng. Bà có công lớn khiến điệu múa Apsara cung đình được UNESCO năm 2003 công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Những kẻ mua dâm có thể chọn được một bé gái tốn khoảng 5-10 đô; những trẻ này phải tiếp 20-30 người khách mỗi ngày và lương hàng tháng cũng trung bình từ 20-30 đô la.

Tổ chức VOICE do MC Thuỳ Dương điều hành (2) đã bị một thế lực ngầm ép buộc chính phủ Campuchia giải tán, cáo buộc có những liên quan chính trị, và các nhân viên thiện nguyện của VOICE bị trục xuất về nước vào tháng 11/2009. Thuỳ Dương phải vận động với Toà Đại Sữ Mỹ tại Campuchia, và được phép hoạt động lại vào tháng 1/2010, nhưng phải dưới một tên mới là Sen Hoa (3), và chỉ còn lại ba thiện nguyện viên. Chị Nhung người đã từ bỏ nhà cửa giàu sang của mình tại Canada để làm việc tại Sen Hoa đến nay đã 3 năm là một trong số ba thiện nguyện viên này.

Sen Hoa hiện là tổ chức NGO duy nhất tại Campuchia do người Việt (hải ngoại) điều hành. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao nhà nước VN không có một tổ chức nào như SENHOA để giúp đỡ những bé gái bất hạnh của mình?

30-40% gia đình Việt ở Miên đã bán con vào nhà thổ. Có em chỉ mới 5 tuổi. Một số ít biết kháng cự còn đa phần cam chịu. Những bé gái nhỏ chưa thể bán dâm thì phải phục vụ sex bằng miệng. Những tên trùm trong đường dây buôn người hầu hết có gốc Việt. Khi bị tố cáo, sa lưới pháp luật chỉ một thời gian ngắn chúng lại được thả ra (rất dễ hiểu bằng cách nào).
Chính quyền địa phương bị áp lực bố ráp cứu người, nhưng phần đông nạn nhân không hề được giải thoát. Thường là xảy ra bài bản như sau: Một nhóm có vũ trang tới đồn cảnh sát uy hiếp, cướp lại người. Cảnh sát nghi ngờ là được hối lộ trong các trường hợp này.

Những tiểu chương cuối đặc biệt đưa độc giả vào địa ngục của trần gian, hay phải nói địa ngục của địa ngục. Gary Hogen, điều tra viên của Liên Hợp Quốc, từng chứng kiến những cảnh kinh hoàng nhất, những cảnh người chém giết người ở Rwanda, nói, “Không có điều gì so sánh được với sự chết trong nhửng đôi mắt của các đứa trẻ trong nhà thổ của Cam bốt. Ở Rwanda, nạn nhân chết là hết. Còn ở Cam Bốt, các nạn nhân đang sống trong nỗi chết.” Những nhục hình mà các bé gái này chịu thật ngoài sức tưởng tượng của con người. Những tên khách biến thái cũng có thể hành hạ chúng tan nát, và nếu từ chối khách thì tới phiên các mụ tú bà, ma cô dí điện, đánh đập, hãm hiếp tập thể. Trong những trang đen tối đẫm máu lệ này là những cái tên thật, con người thật rõ ràng năm tháng từ khi vào địa ngục đến lúc thoát ra qua, với kết cuộc chết hoặc sống…

Những W., những Pros, “13 tuổi, Pros bị “mẹ mìn” bắt cóc và bán vào một nhà thổ ở Nam Vang. Bọn tú bà, ma cô ở đó thường đánh dập và dí điện vào người cho đến khi em bất tỉnh. Em bị nhốt ở một chỗ tối tăm, hai tay bị còng ra sau lưng, trừ khi phải tiếp khách. Chủ chứa có thể bán được nhiều tiền cho một bé gái còn trinh, cho nên họ làm mọi cách để gạt những con quỷ râu xanh, và em đã bị “bán trinh” đến 4 lần.”

Cây bút nhân bản của tác giả đã tạo một bố cục tuyệt vời làm người đọc mê mải trong cuộc chiến đấu sống còn của các em bất hạnh này một cách không tuyệt vọng. Vì giữa các thiên thần tan nát bé nhỏ cam chịu đó, vẫn có những thiên thần anh hùng, đứng dậy trở lại sau mỗi lần bị vùi giập, hơn thế nữa còn cứu giúp những kẻ thảm khổ non trẻ hơn đến sau mình, bất chấp sự nguy hiểm ngay cả đến người thân và tính mạng của chính họ.

Somaly Mam, từng bị bắt làm nô lệ sex và trải suốt 9 năm trong các nhà chứa, khi thoát ra được và lấy một người chồng Pháp. Cô đã cùng chồng lập ra AFESIP (Acting for Women in Distressing Situations) để chống lại mọi hình thức nô lệ. AFESIP trụ sở tại Nam Vang, gần ngay cạnh các nhà chứa, hiện đang hoạt động giúp hàng trăm phụ nữ và trẻ em Kampuchia, Lào, Thái, Việt Nam không may. Somaly tận lực trong công việc của bà một cách hữu hiệu, mặc bọn buôn người đe dọa và khủng bố. Chúng thậm chí đã bắt cóc con gái bà để áp lực bà phải từ bỏ công việc. Vụ bắt cóc Champa là một nỗi đau đớn nhất trong đời Somaly, “Tôi không thể ngừng khóc khi tôi ôm nó trong vòng tay của mình. Nó đã bị tiêm thuốc và chẳng hề nhớ tôi là ai. Tôi ôm gương mặt nó và mong nó tha thứ cho tôi một lần, một lần nữa …” Nhưng cô bé Champa cũng anh hùng không kém mẹ. Somaly kể: “Tôi đã từng muốn từ bỏ khi Champa bị bắt cóc và bán vào nhà thổ. Nhưng con bé đã nói rằng tôi phải tiếp tục. Nó nói nó sẽ ổn khi có tôi bên cạnh và nó sẽ vựợt qua được. Nhưng nó không biết điều gì sẽ xảy đến với các cô gái khác nếu tôi đầu hàng.”

Bà viết trong hồi ký “The Road of Lost Innocence” (Con đường đánh mất ngây thơ) đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ, “Bây giờ tôi không muốn nhắc đến cuộc đời của tôi nữa, nhưng chắc chắn rằng, công việc tôi đang làm bây giờ là một phần cuộc sống của tôi. Tôi muốn mọi người hãy nhìn thấy những nạn nhân, hãy cứu những trẻ em đáng thương. Tôi viết cuốn sách này bởi vì tôi biết, ngày kia tôi sẽ bị giết chết, tôi chắc chắn như thế.”

Công việc của AFESIP là gửi nhân viên vào các nhà chứa, giả làm người của Liên Hiệp Quốc cho thuốc men, bao an toàn (Bọn tú bà cũng muốn giữ cho các “món hàng” của mình mạnh khỏe để kiếm tiền) và nhân đó thuyết dụ các cô bé chạy trốn, chỉ vẽ cho các em biết những tổ chức cứu giúp bên ngoài. Họ cũng chăm sóc, nuôi dạy giúp các em trở lại đời sống bình thường; tố cáo với cảnh sát những đường dây buôn người…

Somaly cho hay về những nạn nhân Việt Nam,
“Rất nhiều những phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị các tổ chức mafia bán sang Cam bốt, chúng còn đưa sang Thái Lan, Malaysia, nhưng hầu hết đưa sang Malaysia, Nam Hàn.”
“…Tôi nhớ có lần tôi gặp em đó tên N., tôi hỏi em tại sao người em bị bầm tím như thế, em nói rằng em bị người khách Nhật mua dâm đánh…”
“Tôi thật là giận lắm khi nhìn thấy đàn họ (đàn ông Việt) trong các nhà thổ, thực sự tôi chỉ muốn giết chết họ vì họ quá là tàn nhẫn. Tại sao họ lại làm như vậy? Đó là đồng bào của họ kia mà? …”


Sau Somaly là câu chuyện của Sina Van (người Việt tên thật là Nguyễn thị Bích) bị bọn buôn người lừa vào nhà chứa năm 13 tuổi. Được Somaly dẫn cảnh sát đến giải cứu, sau hai năm bị đánh đập, ép uống thuốc kích thích, và tiếp khách có hôm tới 20-30 khách, cô đã ở lại cùng Somaly và làm cùng công việc với bà. Sina Van đã nhận được giải Federick Douglas Award 2009, vinh danh những cá nhân đã vượt qua hoàn cảnh nô lệ và cống hiến cuộc đời tự do còn lại giúp đỡ những người đồng cảnh khác.

Ngoài Somaly, Sina, sách còn kể thêm rất nhiều thiên thần nhân ái âm thầm khác khiến cho người đọc giữ được bình tâm rằng sức mạnh ác quỷ không có khả năng nghiền nát con người.

.

Thiên thần trong Địa ngục . Nguồn: NTY

http://www.dcvonline.net/php/images/082010/tttdn.jpg

.

Tôi đọc xong, đóng lại cuốn sách. Nhưng ký sự và công trình viết của tác giả Ngô Tịnh Yên không chấm dứt như những tác phẩm khác tôi đọc qua. Nó bắt tôi phải viết bài này và mong muốn tất cả các bạn đọc khác, như tôi được cùng đi với tác giả qua cuộc hành trình đầy ý nghĩa, qua những cảnh đời trong vực thẳm để cùng cảm được rằng: Còn nhìn thấy ngày sáng sau đêm thì chúng ta còn có những chuyện có thể làm.

Xin được giới thiệu với các bạn ký sự Thiên Thần trong Địa Ngục.

© DCVOnline

---------------------------------

DCVOnline:

(1) Ngô Tịnh Yên (1963-) tên thật là Ngô Thị Tuyết Trinh, còn có các bút hiệu Mimosa, Trà My, sinh tại Sài Gòn, hiện định cư tại California, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản:
Ngũ Long công chúa
(truyện tuổi học trò)
Ở nơi nào cũng có tình yêu (thơ)

Lãng mạn năm
2000 (thơ, 1996)
Lục bát khoả thân Trăng mật (thơ, 2002)


(2) VOICE đây là Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment, một tổ chức giúp bảo vệ người Việt tị nạn (Vietnamese refugees) bắt đầu tại Manila, Philippines.
Thành viên Hội đồng Quản trị của VOICE (Vietnam) gồm các ông Trịnh Hội, GĐ điều hành (Australia), Đoàn Viết Trung (Australia, không có chức danh), Maxwell Võ (Canada), Chủ tịch.
Tổ chức VOICE này trùng tên với VOICE, Voluntary Organisations in Cooperation in Emergencies. It is a network representing 86 European non governmental organisations (NGOs) active in humanitarian aid worldwide. Một mạng lưới đại diện 86 tổ chức không chính phủ tại châu Âu hoạt động trong lãnh vực giúp đỡ nhân đạo trên toàn cầu.

(3) Thông cáo báo chí ngày 20 tháng 1, 2010 của VOICE (Vietnam) và SENHOA nói rõ lý do tại sao VOICE phải tách làm 2: một là VOICE, phụ trách về người tị nạn, và hai là SENHOA chú trọng về công tác chống buôn người. Lý do đó là “the Cambodian Government has expressed concerns over the political advocacy activities of VOICE interfering with its humanitarian anti-trafficking work in Cambodia.”

Đại diện SENHOA ký trong bản thông cáo báo chí là Lisa T.D. Nguyễn và Maxwell Võ đại diện cho VOICE. (Trích
VOICE AND SENHOA TO BECOME TWO SEPARATE AND INDEPENDENT ORGANIZATIONS, January 10, 2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment