Sunday, March 14, 2010

VIỆT NAM ĐÁNH MẤT CƠ HỘI HÓA RỒNG

Chúng ta có thể đánh mất cơ hội để thực sự hóa rồng [*]

Viên Mẫn

Chủ Nhật, 14/03/2010

http://danluan.org/node/4420

Bài viết được gửi lên dưới dạng phản hồi, chúng tôi xin tách riêng để giới thiệu tới độc giả Dân Luận, với tựa đề do chúng tôi đặt.

.

Xin cám ơn bài viết của hai tác giả - một tiến sĩ kinh tế và một bác sĩ nội khoa. Đây là một bài viết hay và có phép so sánh ẩn dụ rất sinh động khi so sánh giữa một cơ thể bệnh hoạn do ăn uống bất hợp lý với hình ảnh một đất nước đang bị mất cân đối rất nghiêm trọng giữa đầu tư và phát triển, giữa sự chắt lọc những tinh hoa cần hấp thụ để phát triển bền vững và sự chấp nhận đầu tư tràn lan bất chấp những hậu quả xấu, không tạo những bước đà cho quá trình phát triển lâu dài.

Kết quả đến hôm nay đã quá rõ là chúng ta có thể tạo ra được 5-7% tăng trưởng GDP mỗi năm nhưng để làm ra chừng ấy, cái chúng ta mất đi cũng không hề thua kém khi phải bỏ ra đến 41% GDP cho đầu tư phát triển hàng năm để tạo ra con số nói trên. Bên cạnh đó, là vay nợ nước ngoài qua ODA và nhập siêu, bội chi ngân sách, lạm phát gia tăng… Thử hỏi đến tận hôm nay, nền công nghiệp của Việt Nam đã làm ra được những gì được coi là đáng kể nếu không muốn nói là gần với con số 0?

Hãy làm một phép so sánh, sau 35 năm từ 1960 đến 1995, Hàn Quốc đã từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã trở thành một quốc gia công nghiệp mới với hàng loạt các tập đoàn lớn ra đời, sản sinh ra những sản phẩm điện tử và cơ khí nổi tiếng như SamSung, LG, Hyundai…và Việt Nam từ 1975-2010, cũng sau 35 năm, từ một nền nông nghiệp lạc hậu đến nay vẫn chưa thể sản xuất được bất kỳ một chiếc TV hay một chiếc máy kéo hoàn chỉnh chứ chưa nói đến một nền công nghiệp hiện đại. Vậy, điều gì có sự khác biệt ở đây?

Xin có một sự so sánh khác: Có hai anh xây nhà, Anh thứ nhất lúc đầu vì không mua bán vật liệu với bên ngoài nên anh cứ dùng những gì mình có để xây, anh ta tự làm gạch và dùng vôi trộn với mật để làm vữa, móng nhà cũng không được tính toán ổn định nên sau một thời gian, nhà anh ta cũng hình thành nhưng xấu và dần bị nghiêng, nứt rồi bị xuống cấp đến mức không thể ở được, tiền thì cũng không còn. Biết là không thể một mình làm được, anh ta bèn tìm cách làm bạn với những người hàng xóm giàu có và vay tiền mua vật liệu từ bên ngoài để có đủ làm một ngôi nhà khác. Anh bèn xây lại ngôi nhà của mình theo ý của riêng anh ta. Những người hàng xóm góp ý là anh nên có bản vẽ của kiến trúc sư (KTS), tính toán kết cấu và bố cục nội ngoại thất theo phong thủy và khoa học, đồng thời nên được một cơ quan thẩm định bản vẽ trước khi xây nhà nhưng anh ta trả lời một cách tự tin rằng anh ta có con mắt thẩm mỹ riêng để biến những vật liệu đó thành một ngôi nhà đẹp. Trong gia đình, anh ta cũng chẳng nghe ai, thậm chí anh còn bắt vợ con không được góp ý. Trong quá trình xây dựng, do không có sự giám sát nên vật tư xây nhà bị thất thoát và đánh tráo loại kém chất lượng hơn. Vì thế, sau khi hoàn thành, ngôi nhà của anh ta cũng có thể gọi là nhà nhưng không đẹp và tiện nghi và do không được tính toán và thẩm định khoa học nên giá thành trở nên rất cao, nợ vay của anh ta trở thành một nỗi lo của cả gia đình. Đến đây, anh ta mới tiếc rẻ là tại sao mình lại không nghe những lời góp ý chân thành ngay từ đầu.

Anh thứ hai trước khi xây nhà thì đã đi tìm hiểu nên làm những gì để có một ngôi nhà vừa đẹp lại vừa với khả năng tài chính của mình nên anh đã thuê hẳn một đơn vị để thiết kế và tính toán chi phí, sau đó anh ta đưa bản vẽ đó nhờ một KTS xem để góp ý thêm rồi mới quyết định xây nhà. Trong khi xây, anh nhờ luôn KTS giám sát công trình, kết quả là ngôi nhà của anh vừa đẹp, vừa tiện nghi lại khá rẻ, anh rất hài lòng về ngôi nhà của mình.

Hai hình ảnh trên có thể so sánh với hai đất nước, hai ngôi nhà lớn, đó là Việt Nam và Hàn Quốc.

Một đất nước - Hàn Quốc, mặc dù cũng trải qua một thời kỳ dưới chế độ độc tài Pak Chung Hy nhưng nhờ có con đường phát triển khoa học nên đã sớm hóa rồng và ngày nay, Hàn Quốc không chỉ là nước công nghiệp phát triển cao mà còn là nước đã chuyển sang chế độ dân chủ văn minh theo tiến trình phát triển kinh tế.

Một đất nước - Việt Nam, chế độ đảng trị đã loại bỏ những ý kiến phản biện giúp hình thành một nền kinh tế phát triển khoa học. Trải qua một thời kỳ kinh tế chỉ huy XHCN đã làm cho đất nước suy kiệt. Tới những năm 1985-1986, ĐCSVN đã phải đi theo con đường phát triển kinh tế theo hướng thị trường TBCN. Sự phát triển sau các nước khác có thể là một lợi thế nếu tận dụng được những kinh nghiệm mà thế giới đã tích lũy từ hàng trăm năm nay cho con đường phát triển của mình. Không phải ngẫu nhiên mà người Hàn Quốc đã có câu nói nổi tiếng từ những năm 90 “trong 20 năm, người Hàn Quốc đã làm được điều mà Phương Tây đã làm trong 200 năm” có lẽ do họ đã biết vận dụng những kinh nghiệm của Phương Tây để rút ngắn con đường phát triển của mình.

Còn tại Việt Nam, ĐCSVN đã làm điều ngược lại. Thay vì học hỏi những kinh nghiệm của thế giới thì ĐCSVN với cách quản lý độc đoán thiếu khoa học và đã gạt bỏ những ý kiến góp ý, phản biện. Họ tìm cách làm tăng giá trị GDP bằng tất cả các nguồn vốn đầu tư và cũng dùng giá trị tăng GDP làm bình phong cho thành tích quản lý kinh tế của mình. Ở một góc độ khoa học, cách làm trên chỉ cho phép kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng, nghĩa là sự tăng trưởng được tạo ra từ vốn đầu tư ban đầu, do giá trị gia tăng trên các sản phẩm được tạo ra thấp nên việc đầu tư để tái sản xuất mở rông không cho phép duy trì trong một thời gian dài. Mặt khác, sự phát triển của VN đã tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng. Điều này giải thích tại sao chúng ta luôn nhập siêu và càng ngày có xu hướng tăng lên nếu không tìm cách tiết giảm. Các nhà kinh tế đã từng góp ý về sự nguy hiểm trong tư duy phát triển này nhưng có lẽ, ý kiến của họ đã không làm thay đổi cách nghĩ của giới lãnh đạo và vì rằng cho dù thế nào, họ vẫn tiếp tục tại vị và tiếp tục điều hành.

Nếu sai thì chỉ có thể “sửa sai” mà thôi, nhưng thử hỏi họ sẽ sửa bằng cách nào? Nếu những sai lầm trong quá khứ có thề dùng chữ “sửa sai” để trấn an dân chúng thì trong xây dựng kinh tế, sửa sai của ĐCSVN nếu chỉ bằng hai chữ đó, e rằng khó mà đánh lừa được ai dù họ có tuyên truyền và tâng bốc mình đến mấy.

Viên Mẫn

.

.

.

No comments: