Sunday, March 14, 2010

THƯ GỬI LÊ THỊ CÔNG NHÂN

Thư gởi Lê Thị Công Nhân
Trần quang Hạ

14-03-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7227

Thưa luật sư Lê Thị Công Nhân,

Trước nhất tôi có lời thăm hỏi sức khoẻ của chị cùng gia đình chị. Vì không biết email cũng như không tiện gởi thư riêng, tôi mượn diễn đàn nầy gởi lá thư với hy vọng chị có dip đọc được. Chị không biết tôi là ai vì tôi là độc giả vô danh sống tha hương, nhưng tôi biết chị rất rõ vì tôi là một trong những người yêu mến và cảm phục chị.

Tôi biết tên chị lần đầu tiên vào năm 2006 khi chị bị ngăn cản không cho lên máy bay đi Ba Lan (Poland - DCVOnline). Nhưng hình như chị bắt đầu được nhiều người biết khi qua làm việc tại văn phòng luật Thiên Ân cùng với luật sư Nguyễn Văn Đài. Những hoạt động cổ vũ dân chủ, dân quyền sau đó đã làm nhiều người, đặc biệt với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, biết về chị nhiều hơn. Trong nước, theo tôi nghĩ, cũng rất nhiều người biết và thán phục chị nhưng không nói ra. Họ dù không bị bịt miệng nhưng cũng không dám nói, nhưng đối với người Việt nước ngoài, ít ai không biết đến tên Lê Thị Công Nhân.

Chị được cảm mến vì tinh thần nhân ái đấu tranh cho công bằng lẽ phải. Chị đứng về phía công nhân binh vực họ qua lời kêu gọi thành lập công đoàn độc lập. Công đoàn nhà nước hiện nay thực chất là cánh tay nối dài của đảng cộng sản, làm theo lệnh đảng, sẵn sàng toa rập với giới chủ nhân hơn là đại diện cho quyền lợi công nhân.

Chị đã thấy được vấn đề: Đảng Cộng sản Việt Nam, “đội tiên phong của giai cấp công nhân” đã quay mặt với những điều tốt đẹp họ hứa hẹn. Chị nhìn thấy cuộc sống khốn khổ của công nhân trong các khu chế xuất; tình trạng tăng ca, giản ca làm kiệt quệ sức khoẻ người công nhân vốn đã không đầy đủ do đồng lương quá thấp.

Tình trạng như thế vẫn không cải thiện bao nhiêu trong những năm gần đây. Không phải nhà nước không thấy, họ thấy chứ, nhưng ai đó muốn làm vẫn không làm được. Lý do đơn giản là muốn can thiệp hiệu quả cho công nhân phải có nghiệp đoàn độc lập. Nghiệp đoàn hoạt đông độc lập
như công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan là mối nguy cho sự sống còn của chế độ.


Đấu tranh chống cái sai với chính quyền dân chủ không phải khó, vì họ sẵn sàng sửa khi nhận biết cái sai, hoặc các cơ chế của xã hội dân chủ buộc nhà nước phải sửa sai. Đấu tranh chống cái sai với chính quyền cộng sản thật không phải dễ, vì biết sai nhưng nhà nước cộng sản không sửa. Bản chất chế độ cộng sản tự nó đã sai thì làm gì có chuyện làm đúng.

Sự sợ hãi công đoàn độc lập chỉ xảy ra ở những nước độc tài, nơi quyền lực và quyền lợi tập trung vào một nhóm người nhất định. Độc quyền lãnh đạo là độc tài. Chị tham gia khối 8406, đảng Thăng Tiến cũng nhằm mục địch cổ suý dân chủ, làm cho việc đấu tranh công bằng xã hội trở nên dễ dàng hơn.

Chỉ có dân chủ mới giải quyết những vấn nạn đang có tại Việt Nam chứ không phải độc tài một đảng. Tôi biết chị không chống đối Nhà Nước, cũng không chống Đảng, chị chỉ chống cái xấu và cái ác mà thôi.

Những người đấu tranh trong nước được cảm phục vì họ dũng cảm đương đầu với guồng máy bạo lực, không chỉ đầy đủ phương tiện trấn áp, mà còn dư thừa thủ đoạn và mánh khoé. Thủ đoạn cộng sản là triệt tiêu chống đối bằng mọi cách, từ việc nuôi dưỡng bộ máy công an đồ sộ, đến sử dụng côn đồ xã hội đen manh động. Mánh khoé là kiểm soát toàn diện báo chí, toà án và tuyên truyền “dư luận nhân dân đồng tình lên án”.

Những người tranh đấu ôn hoà vẫn bị đàn áp một cách khốc liệt. Đấu tranh ngày nay rõ ràng muôn vàn khó khăn so với đấu tranh trước đây với chế độ Cộng hoà miền Nam hay chế độ thực dân Pháp. Những người tranh đấu như chị bị bao vây, cô lập và triệt tiêu mọi con đường sống. Chị được cả thế giới biết nhưng những người hàng xóm, có thể không biết hay không dám biết. Chị được ngưỡng mộ nhưng bạn bè chị có thể chẳng ai hay hoặc không dám bày tỏ.

Chị được cảm mến vì tinh thần đấu tranh bất bạo động và được ngưỡng mộ vì niềm tin không lay chuyển. Khi chị trong tù, hình chị đã được in thành tem, tên chị đã biến thành lời hát, lời chị nói cũng được trích dẫn. Chị là nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên về tinh thần dân chủ, là gợi mở tự hào dân tộc về những người phụ nữ Việt, chị được ngưỡng mộ là kết quả tất nhiên.

Thưa chị Công Nhân,

Trong trả lời phỏng vấn đài RFA chị có nói đã mất đi những người bạn. Tôi cảm nhận được nỗi buồn mất bạn, nhất là tình bạn gắn bó nhau từ thời thơ ấu. Ba năm tù đã làm chị mất đi vài người bạn, họ xa lánh vì sợ hãi chứ nhất định không xa lánh vì lý tưởng của chị. Nhưng cũng trong những năm ấy, chị đã có hàng triệu người bạn khác mà chị không biết, chị đã chinh phục hàng triệu trái tim bằng chính nhân cách của mình.

Mong chị hãy vui lên, hãy chấp nhận những mất mát vì chính đó là điều mà xã hội lề phải mong muốn. Người ta không khuất phục được chị thì ít ra sau 3 năm tù, phải để họ đạt được một điều gì chứ?

Thưa chị,

Tuần lễ trước ngày ra tù đã có lác đác những bài viết trên mạng nhắc đến ngày trở về của chị. Chị vừa về đã có điện thoại các cơ quan truyền thông lớn gọi phỏng vấn. Chị bị tạm giữ 4 tiếng đồng hồ thế giới cũng biết, chị mua sắm mọi người cũng biết, bài nào nói về chị cũng đứng đầu danh sách số lần đọc nhiều nhất... Sự quan tâm như thế nói lên sự khẳng định hình ảnh Lê Thị Công Nhân. Chị đã làm nhiều hơn những gì mọi người mong muốn.

Cuộc tranh đấu dân chủ hoá nhất định sẽ thắng, xu hướng dân chủ là tất yếu, chị tin, tôi tin và nhiều người khác cũng tin như vậy. Hãy dưỡng sức khi mệt mỏi và nghỉ ngơi khi cần thiết. Ngay cả khi đã có dân chủ rồi, cuộc đấu tranh vẫn không dừng lại, đó là cuộc sống. Mong chị giữ gìn sức khoẻ như mẹ chị muốn khi sum họp với con gái yêu của mình.

Cuối thư, xin kính chúc chị mau bình phục sau thời gian khó khăn trong tù. Xin gởi lời chúc sức khoẻ đến mẹ của chị, một người mẹ luôn đứng bên cạnh con. Cầu mong mọi người trong gia đình chị một mùa xuân sum họp, an vui, hạnh phúc.

Một độc giả vô danh.

© DCVOnline

.

.

.

No comments: