Wednesday, February 17, 2010

ĐẦU NĂM CANH DẦN : MỘT NIỀM VUI và MỘT NỖI BUỒN

Đầu năm Canh Dần: một niềm vui và một nỗi buồn
Việt Hoàng
Đăng ngày 17/02/2010 lúc 12:36:57 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4596
Năm mới Canh Dần đã đến với chúng ta, một năm mới mang nhiều lo âu hơn là vui mừng vì không biết những gì sẽ xảy ra trong năm nay.
Theo các nhà kinh tế thì năm nay sẽ là một năm đầy khó khăn và sóng gió cho nền kinh tế của Việt Nam. Một sự kiện minh hoạ cho nhận định này là việc chính phủ Việt Nam hạ giá đồng tiền thêm 3,3% vào những ngày cuối cùng của năm cũ.
Tình hình chính trị xã hội của Việt Nam năm nay sẽ hứa hẹn nhiều bất ngờ và nhiều sự thay đổi. Xã hội Việt Nam đã hội đủ các điều kiện chín muồi cho một cuộc thay đổi lớn.
Đại hội đảng lần thứ 11 sắp diễn ra và với việc tiếp tục khăng khăng con đường “đi lên chủ nghĩa xã hội”, đảng cộng sản đang gặp phải sự chống đối quyết liệt của mọi tầng lớp nhân dân. Sự lo lắng của chính quyền của Việt Nam đã dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, làm cho hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế trở nên tồi tệ. Tình hình này càng đẩy đảng cộng sản Việt Nam vào chỗ bế tắc, đó là việc xử án với những bản án rất nặng nề 16 công dân Việt Nam yêu nước, cổ vũ cho dân chủ.
Đảng cộng sản đã đánh mất hết sự chính đáng của mình khi họ xét xử các tiếng nói bất đồng với những bản án mà sự trừng phạt, đe doạ là chính chứ không hề mang tính lẽ phải hay công bằng và họ cũng không cần giấu giếm tính thô bạo trong các bản án đó. Đảng cộng sản hy vọng rằng sự trấn áp mạnh mẽ sẽ làm người dân lo sợ và không phản kháng nữa, thế nhưng họ đã nhầm. Đàn áp và trấn áp không bao giờ làm người dân khuất phục.

Tin vui đầu năm Canh Dần đó là việc rải truyền đơn tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Truyền đơn có tên gọi
“Lời Kêu Gọi Ngàn Năm Thăng Long” do “Uỷ Ban Phối Hợp Hành Động Vì Dân Chủ” thực hiện. Hành động rải truyền đơn này mang ý nghĩa lớn khi nó diễn ra ngay sau khi phiên tòa xét xử những người dân chủ vừa kết thúc với những bản án nặng nề. Ông Trần Ngọc Thành, đại diện cho Uỷ ban này cho biết lý do rải truyền đơn là để “thức tỉnh người dân” trước việc mất đất, mất biển cho ngoại bang và thứ hai là “muốn trả lời với chính quyền Hà Nội rằng họ có thể bắt một bỏ tù một số ít người tranh đấu cho dân chủ nhưng hàng trăm người khác sẽ thay thế họ đứng lên…và chính quyền không thể dùng nhà tù hay các đàn áp thô bạo để dập tắt phong trào yêu nước của chúng ta”.
Vụ rải truyền đơn này đã giáng một đòn mạnh vào chính quyền và gây tiếng vang rộng rãi trong dư luận thế giới. Thế nhưng không chỉ dừng ở đó, hành động rải truyền đơn được “phối hợp” bởi 4 tổ chức chính trị là Đảng Việt Tân, Đảng Dân Chủ Nhân Dân, Phong Trào Lao Động Việt và Tập Hợp Vì Công Lý mới là niềm vui lớn nhất cho những người yêu nước có tổ chức. Đây là lần đầu tiên các tổ chức chính trị đối lập Việt Nam đã kết hợp với nhau trong một mục tiêu chung là dân chủ hoá đất nước.
Xưa nay người Việt thường mạnh ai nấy làm, không biết và không thể kết hợp được với nhau trong những công việc chung, vì thế hay thất bại. Hy vọng sự kết hợp giữa các tổ chức chính trị đối lập lần này sẽ tạo ra một diện mạo mới, một nhận thức mới trong việc đấu tranh có tổ chức chứ không chỉ dừng lại ở những hành động nhầm gây tiếng vang.
Tuy nhiên để duy trì thường xuyên những đồng thuận chung giữa các tổ chức là điều khó khăn, sự đồng thuận chỉ được có được khi lý tưởng và lập trường phải cao đẹp và rõ ràng. Cái “Tôi” trong mỗi người phải “Lớn” thì tổ chức mới mạnh và bền vững. Nếu cái “tôi” trong mỗi người mà “bé” thì người đó chỉ có thể là “nhân sĩ”, mà nhân sĩ chỉ là “những ngôi sao cô đơn” [*], họ không thể và không bao giờ tham gia được vào bất cứ tổ chức nào dù là tổ chức chính trị hay các hội đoàn…

Niềm vui đó vẫn không thể nào khiến chúng ta quên đi một nỗi buồn khác, hay nói đúng hơn là một nỗi lo lắng, căm giận khi được biết chính quyền địa phương các tỉnh giáp biên giới đã cho người nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng nguyên liệu dài hạn. Đó là các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Diện tích đất với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
Tin này được hai ông Tướng Việt Nam là ông Đồng Sĩ Nguyên và ông Nguyễn Trọng Vĩnh công bố nên không thể có chuyện vu khống hay giả mạo. Hai ông cho rằng “Đây là một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn”.
Hành động này chỉ có thể quy vào một tội là “phản quốc”, đúng như nhà báo Bùi Tín viết trong bài “Hai lão tướng chỉ ra hiểm hoạ” [2].
Sau 50 năm, các khu vực này sẽ không còn là của Việt Nam nữa, khi đó các di dân người Hoa đã sinh sống tràn lan trên đấy và không thể đuổi họ về được. Về lý, khi con cháu họ sinh ra ở đấy thì họ sẽ sống ở đấy, và nếu Việt Nam dùng biện pháp mạnh thì họ sẽ cầu cứu và Trung Quốc sẽ can thiệp. Khi sắc dân người Hoa chiếm ưu thế và số đông họ có thể tự “trưng cầu dân ý” để sáp nhập các vùng đất đó vào với Trung Quốc, hay thành lập các khu “tự trị” là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi “hợp đồng thuê đất hết hiệu lực”. Bài học của Nam Tư bị mất Côxôvô vẫn còn nhãn tiền và là bài học cay đắng cho các dân tộc, chẳng lẽ chính quyền Việt Nam không biết?
Đấy là chưa kể các thảm hoạ khủng khiếp về môi trường do việc chặt phá rừng đầu nguồn gây ra như lũ lụt, hay hạn hán…
Hai ông Tướng khẳng định rằng “Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước” và hai ông đã “đề nghị Chính phủ cho đình chỉ ngay việc cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn dài hạn với diện tích lớn, dù có phải bồi thường cũng được, để tránh thảm hoạ cho dân cho nước”. Thế nhưng chúng ta phải tin rằng lời đề nghị của hai ông cũng như hàng triệu lời “đề nghị” của nhân dân Việt Nam từ trước đến nay sẽ không bao giờ được đảng cộng sản lắng nghe.

Những người cộng sản lãnh đạo Việt Nam đã “phản bội” và bán đứng nhân dân Việt Nam từ lâu rồi. Quyền lợi của họ khác biệt hoàn toàn với nhân dân Việt Nam. Ưu tư lớn nhất của họ là làm sao nhanh chóng vơ vét cho đầy túi tham để kiếm một chỗ “hạ cánh an toàn”. Chỉ đáng thương cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Chúng ta biết chạy đi đâu bây giờ?

Một câu hỏi nhức nhối đặt ra cho toàn thể nhân dân Việt Nam là chúng ta cứ chịu mãi cảnh này hay sao? Và chẳng lẽ Việt Nam không còn người anh hùng nào đứng lên cứu dân cứu nước nữa hay sao? Ba triệu đảng viên đảng cộng sẽ trả lời thế nào trước con cháu và lịch sử đây?

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)


[1] Xem: Nguyễn Gia Kiểng,
“Chúc Tết đồng bào”.Thông Luận, ngày 11/02/2010.
[2] Xem: Bùi Tín,
“Hai lão tướng chỉ ra hiểm hoạ”.Thông Luận, ngày 11/02/2010.

© Thông Luận 2010


No comments: