Sunday, February 28, 2010

HẢI NGOẠI LÀM ĐƯỢC GÌ TRƯỚC HIỂM HỌA TRUNG QUỐC ?

Người Việt hải ngoại làm được gì trước hiểm hoạ Trung Quốc?

Lê Xuân Khoa

01/03/2010 1:28 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=16835

Sang năm mới Canh Dần, tình hình chính trị Việt Nam đáng bi quan hơn trước. Ngoài “quốc nạn” tham nhũng tiếp tục hoành hành, tình trạng xuống cấp đến mức báo động của giáo dục, và sự gia tăng các tệ nạn xã hội, người Việt Nam trong và ngoài nước còn phải đối diện với hai mối quan tâm hết sức nghiêm trọng:

Tiếp theo những vụ lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải đã được chính thức hoá bằng những văn bản thoả hiệp với lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiến hành kế hoạch thôn tính Việt Nam bằng những hành động xác lập quyền sở hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và thực hiện những dự án khai thác tài nguyên mang tính chiến luợc trên cả hai mặt kinh tế và quân sự.

Trong khi đó, Nhà nước Việt Nam vừa tiếp tục ca ngợi mối quan hệ tốt với Trung Quốc qua những khẩu hiệu “bốn tốt” và “16 chữ vàng”, vừa gia tăng ngăn cấm những quyền tự do căn bản của con người, đồng thời mạnh tay trừng phạt những công dân dám công khai bày tỏ lòng yêu nước hoặc yêu cầu cải thiện chế độ chính trị và thực hiện công bằng xã hội.

Nhiều nhà bình luận ở hải ngoại đã phân tích và nhận định khá chi tiết về hai mối quan tâm đặc biệt này, nhưng phần đông vẫn chỉ nhằm kể tội lãnh đạo cộng sản, hô hào đoàn kết chống cộng và cầu mong chế độ sớm bị sụp đổ. Gần đây mới có một số trí thức đề cập đến những phương thức cụ thể và tích cực hơn, như thành lập cơ quan nghiên cứu chiến lược dân chủ và phát triển (think tank), vận dụng các nguồn lực vào tiến trình dân chủ hoá Việt Nam, nhấn mạnh vào vai trò xây dựng xã hội công dân của các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay vai trò của cộng đồng hải ngoại như một lực lượng đối lập. Đây là những kế sách lâu dài có hiệu lực chuyển hoá chế độ chính trị ở trong nước, nhưng công cuộc thực hiện đòi hỏi nhiều thời gian, phương tiện tài chánh và nhân sự, nhất là sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng.

Trong khi theo đuổi những mục tiêu lâu dài, chúng ta cần gấp rút tìm cách đối phó với những vấn đề trước mắt, ưu tiên là hai mối quan tâm nghiêm trọng đã nêu trên. Xét cho cùng, mối quan tâm thứ hai có liên quan với mối quan tâm thứ nhất và những biện pháp mạnh của nhà cầm quyền đối với mọi tiếng nói phát biểu lòng yêu nước và nguyện vọng chính đáng của người dân đều là hệ quả của tinh thần lệ thuộc Trung Quốc, với mục đích bảo vệ quyền lực và quyền lợi của Đảng và Nhà nước. Những biện pháp này đều rập theo khuôn mẫu của Trung Quốc, từ những phiên toà “kangaroo” với những bản án đã có sẵn dành cho những người bất đồng chính kiến và những người đòi đối xử công bằng cho những nạn nhân bị chính quyền tước đoạt đất đai, cho đến những hành động đàn áp tín đồ các tôn giáo không nằm trong hệ thống kiểm soát của nhà nước. Nếu không có gì thay đổi bất thường, đại đa số trong bộ máy lãnh đạo Đảng sau Đại hội XI vào tháng Giêng 2011 sẽ là những đảng viên thân Trung Quốc.

Để có thể tồn tại với chế độ độc tài đảng trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn Trung Quốc làm mô hình trị nước và hội nhập với cộng đồng quốc tế “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Việc giao thiệp với Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác trên căn bản “đôi bên cùng có lợi” chủ yếu là làm giàu cho Đảng để củng cố bộ máy nhà nước. Chính phủ tìm mọi cách ngăn chặn mọi nguồn thông tin mở rộng sự hiểu biết của người dân và đưa đến những đòi hỏi dân chủ hoá chế độ. Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động Diễn biến hoà bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá” đã đích danh kết tội “các thế lực thù địch”, đặc biệt là chính phủ Mỹ và các tổ chức “phản động” của người Việt ở nước ngoài. Những chương trình viện trợ phát triển của USAID, chương trình học bổng Fulbright và Vietnam Education Foundation (VEF), chương trình giao lưu văn hoá và hợp tác văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, cùng với các chương trình nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ (NGO), đều bị tố cáo là nhắm mục tiêu “xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa và bản sắc văn hoá Việt Nam” (?). Đáng chú ý là Bản Chỉ thị này đã báo động về “xu hướng tự diễn biến, tự chuyển hoá” đang “có chiều hướng gia tăng, có mặt trầm trọng, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Để cho cuộc đấu tranh chống diễn biến hoà bình có thể thành công, Đảng và Nhà nước cần phải dựa vào Trung Quốc, hiện đang là quốc gia phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới và cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Vì cùng chung chế độ và cùng chung chí hướng, cộng sản Việt Nam coi Trung Quốc là đồng minh vững chắc và điểm tựa an toàn nhất để chống lại mọi nỗ lực dân chủ hoá chế độ. Lãnh đạo Việt Nam không phải không biết đến hiểm hoạ Trung Quốc nhưng họ đã ưu tiên đặt quyền lợi và sự sống còn của Đảng lên trên vận mệnh tương lai của đất nước. Cộng sản Việt Nam luôn luôn giữ lễ với Trung Quốc cho nên mọi lời tuyên bố của lãnh đạo và phát ngôn viên chính phủ đều chỉ dừng lại ở chỗ xác nhận chủ quyền và kêu gọi Trung Quốc đối xử tử tế với ngư dân Việt Nam. Không có một viên chức chính quyền nào lên tiếng phản đối Trung Quốc và đòi hỏi công lý cho những ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, và bắt nộp tiền chuộc tàu thuyền và ngư cụ. Những tàu tuần Trung Quốc hành động trái phép và vô nhân đạo ấy đều được gọi là “tàu lạ”, một từ ngữ lần đầu tiên được sử dụng trong lịch sử bang giao giữa hai nước.

Hiểm hoạ Trung Quốc

Truyền thống bá quyền của người Hán bắt đầu trễ nhất là từ hai ngàn ba trăm năm trước, ngay sau cuộc thống nhất trung nguyên của Tần Thuỷ Hoàng vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Quân nhà Tần đã mở cuộc nam tiến chinh phục các bộ tộc Bách Việt và đồng hoá dân bị trị bằng những cuộc di dân vĩ đại của người Hán. Số dân Bách Việt không chịu bị đô hộ phải chạy xa xuống phía Nam, tản mát trong các nước Đông Nam Á ngày nay. Riêng dân Lạc Việt đất Văn Lang đã kháng cự mãnh liệt, đẩy lui được nhiều đợt tấn công của các tướng nhà Tần như Đồ Thư, Nhâm Ngao, Triệu Đà và ngay cả của Tần Thuỷ Hoàng, rốt cuộc Đồ Thư bị chặt đầu, Tần Thuỷ Hoàng lâm bệnh phải rút quân về nước mà chết (210 tr.TL). Anh hùng chiến thắng quân Tần là Thục Phán lên ngôi vua, xưng hiệu là An Dương Vương, thay tên nước Văn Lang là Âu Lạc, chấm dứt triều đại Hùng Vương đã tan rã dưới sức mạnh của quân Tần. Nước Âu Lạc tồn tại được 30 năm thì mất do việc An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thuỷ, con trai của vua nước Nam Việt là Triệu Đà. Qua sự thông đồng của Trọng Thuỷ, Triệu Đà đã đánh bại An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt.

Năm 111 tr. TL, triều đại nhà Hán đem quân chinh phục nước Nam Việt. Các triều đại kế tiếp đã thay nhau thống trị dân tộc ta trong suốt mười thế kỷ, nhưng mọi cố gắng đồng hoá dân tộc Việt và biến lãnh thổ của ta thành một tỉnh của Trung Quốc đều thất bại. Tuy nhiên, sau khi Khúc Thừa Dụ lật đổ sự thống trị của nhà Đường năm 905, khôi phục nền độc lập cho dân tộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm lược nước ta cho đến khi toàn bộ quân nhà Thanh bị vua Quang Trung đánh tan năm 1789.

Những năm sau đó, vì phải lo chiến tranh với các nước Tây phương và vì Pháp đã chiếm đóng Đông Dương, Trung Quốc không có cơ hội trở lại Việt Nam cho đến khi Mao Trạch Đông ủng hộ Hồ Chí Minh trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ với thâm ý kéo Việt Nam vào quĩ đạo của Trung Quốc. Dã tâm đó thể hiện rõ rệt qua sự kiện Chu Ân Lai ép buộc Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng phải chấp nhận Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Sau đó họ Chu đã làm mất mặt các đồng chí Việt Nam khi mời đại diện Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Luyện đến dự tiệc chung với Phạm Văn Đồng và thông báo ý muốn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và chính phủ Ngô Đình Diệm.

Mưu đồ của Trung Quốc thôn tính Việt Nam và dùng Việt Nam làm bàn đạp để tiến chiếm toàn vùng Đông Nam Á đã được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tiết lộ cho các đồng chí lãnh đạo sau chuyến đi Bắc Kinh hội kiến với Mao Trạch Đông năm 1963, khi họ Mao không thuyết phục được Lê Duẩn và Trường Chinh ra tuyên bố chung chống chủ nghĩa xét lại của Khrushchev. Từ đó, Bắc Kinh biết Hà Nội đã chọn kết thân với Moscow, nhưng vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Hà Nội vì nhu cầu chống Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh. Sau 1975, quan hệ Việt-Trung xấu hẳn đi cho đến khi Đặng Tiểu Bình quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học” trong cuộc chiến tranh biên giới vào đầu năm 1979. Sau khi các nước cộng sản Đông Âu theo nhau sụp đổ năm 1989 và khi Gorbachev giải tán Đảng Cộng sản và Liên Bang Xô-viết năm 1991 thì Cộng sản Việt Nam phải quay về với Trung Quốc để có khả năng bảo vệ Đảng và chế độ. Kể từ đó, Trung Quốc đã có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc dùng Việt Nam làm cứ điểm để tiến hành kế hoạch kiểm soát Biển Đông và toàn thể các nước Đông Nam Á.

Vào thời điểm đó, tinh thần yêu nước trong giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam còn cao, cho nên mặc dù phải trở lại với Trung Quốc, họ cũng ráo riết vận động Mỹ bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Dần dần, chính sách nước đôi ấy đưa đến hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Do sự suy giảm thế lực vả ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ trong khi Trung Quốc phát triển mau chóng và xác lập đuợc vị thế của một siêu cường, phe bảo thủ Việt Nam giành đuợc ưu thế và sẵn sàng nhượng bộ Trung Quốc để đổi lấy sự bảo vệ quyền lực và quyền lợi riêng của Đảng. Ngoài hai bản hiệp ước phân định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ bất lợi cho Việt Nam, việc Trung Quốc xác định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa và công bố bản đồ hình lưỡi rồng (còn gọi là lưỡi bò) ở Biển Đông là những hành động phi pháp, ngang ngược không chỉ đối với Việt Nam mà còn với tất cả các nước trong khu vực. Sự nhượng bộ của Việt Nam lên đến mức báo động khi Nhà nước quyết định để cho Trung Quốc khai thác bô-xít trên Tây Nguyên, bất chấp những cảnh báo khẩn cấp của các nhà khoa học, chính trị và quân sự, đặc biệt là ba lá thư gửi lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu Chính phủ ngưng thực hiện các dự án khai thác bô-xít vì đây là “vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hoá và an ninh quốc phòng.” Mới đây, hai vị cựu tướng lãnh Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh lại phát hiện được hành động bất chính của lãnh đạo mấy tỉnh biên giới đã âm thầm cho doanh nghiệp nước ngoài thuê 300 ngàn héc-ta (ha) rừng đầu nguồn để khai thác dài hạn (50 năm) trong đó 264 ngàn ha được dành cho Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Các ông đã viết thư cho Bộ Chính trị, báo động nguy cơ về an ninh quốc phòng, ô nhiễm môi trường và tai nạn cho nhân dân miền hạ du, và yêu cầu huỷ bỏ những hợp đồng bất chính ấy nhưng chưa có kết quả.

Người Việt hải ngoại có thể làm gì?

Trước viễn ảnh giang sơn mấy ngàn năm của tổ tiên bị biến thành một tỉnh của Trung Quốc, trước những biện pháp đe doạ và trừng trị tàn nhẫn của chính quyền, người dân trong nước vẫn còn phải cắn răng chịu đựng, ngoại trừ tiếng nói dũng cảm của một số trí thức và đảng viên có uy tín nhưng luôn luôn bị bộ máy công an sách nhiễu và bọn tin tặc tìm cách bóp nghẹt. Trước tình thế ấy, cộng đồng nguời Việt hải ngoại hết sức lo ngại và nóng lòng tìm cách đối phó. Nhiều phương cách tranh đấu đã được đưa ra, từ ôn hoà tới cực đoan, nhưng phần lớn chỉ là những điều mơ ước (wishful thinking) thiếu tính khả thi. Ngoài ra, trong cộng đồng vẫn chưa có sự thảo luận thẳng thắn, tôn trọng ý kiến khác biệt dù cùng theo đuổi một mục tiêu, do đó không đạt được sự đồng thuận, nhiều khi còn chụp mũ và mạt sát nhau thậm tệ, một hiện tượng được gọi là “quân ta đánh quân mình”.

Trở lại với nhận định ở trên là cần phải gấp rút tìm cách đối phó với những vấn đề quan tâm trước mắt được nhận diện về đối nội là tinh thần lệ thuộc Trung Quốc của phe nhóm bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, và đối ngoại là nguy cơ tổ quốc Việt Nam bị sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc và dân tộc Việt Nam bị đồng hoá trước những đợt di dân khổng lồ của người Hán. Trong khi cuộc tranh đấu của nhân dân cho tự do dân chủ vẫn có thể tiến hành dù còn bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền, cuộc tranh đấu chống hiểm hoạ Trung Quốc sẽ khó khăn gấp bội vì đồng thời phải đương đầu với cả thù trong lẫn giặc ngoài. Trong khi đó, cộng đồng người Việt hải ngoại có nhiều điều kiện dễ dàng hơn, tự do hơn để hỗ trợ cho nhân dân trong nước, nhất là khả năng vận động quốc tế cho một giải pháp “chung sống hoà bình, hợp tác và phát triển” giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á mà chủ yếu là quan hệ bình đẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nếu một thoả hiệp ASEAN-Trung Quốc có thể đạt được, chủ quyền Việt Nam sẽ được bảo đảm. Trước tình hình cấp bách hiện nay, cộng đồng hải ngoại cần gia tăng nỗ lực vào cuộc vận động quốc tế này. Dù thoả hiệp với Trung Quốc có đạt được hay không, sự đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ được ghi vào lịch sử.

Riêng tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cần tập trung chiến dịch vận động vào Chính quyền và Quốc hội, các toà Đại sứ của các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế liên quan đến Trung Quốc và khu vực Á châu-Thái Bình Dương. Ngoài ra, cần kêu gọi sự hợp tác của giới trí thức và cộng đồng người Mỹ gốc Á, vì họ cũng rất quan tâm về tham vọng bành trướng của Trung Quốc và họ không thể chấp nhận vai trò lãnh đạo của một siêu cường cộng sản độc tài. Một nhóm trí thức trẻ vùng thủ đô Washington DC đã bắt đầu mở cuộc tiếp xúc thăm dò với lãnh đạo của những tổ chức người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương để lập kế hoạch vận động chung. Tiếng nói của cộng đồng người Mỹ gốc Á châu chắc chắn sẽ được các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ và các nước ASEAN trân trọng lắng nghe. Cộng đồng người Việt khắp nơi cũng cần có những hoạt động tương tự ở quốc gia sở tại và nối kết với cuộc đại vận động ở Hoa Kỳ.

Cuộc vận động của người Việt hải ngoại cho một giải pháp hoà bình ở Biển Đông chắc chắn sẽ được đồng bào trong nước vui mừng đón nhận. Đây cũng là cơ hội thuận tiện cho sự trao đổi và hợp tác giữa trí thức trong nước và trí thức ở ngoài nước về những vấn đề có lợi ích cho đất nước và dân tộc. Nhà nước sẽ không có lý do gì để ngăn cấm, trái lại còn cần phải ủng hộ vì đây cũng chính là cơ hội cho chính phủ có thể thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc mà vẫn có thể tồn tại. Dĩ nhiên, sự tồn tại này còn tuỳ thuộc vào những quyết định cởi mở của chính phủ về những quyền tự do, dân chủ căn bản của người dân trong một khung cảnh địa lý-kinh tế-chính trị mới của toàn vùng. Ngược lại, nếu Đảng và Nhà nước cứ tiếp tục ngăn cấm sự hợp tác chính đáng và hoà bình của người Việt Nam trong và ngoài nước thì sẽ không khỏi bị dư luận trong nước và quốc tế lên án và sẽ không tránh khỏi sự chống đối quyết liệt của các tầng lớp nhân dân có thể dẫn đến bạo động. Đến lúc này, nhân dân đã có nhiều cơ hội hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài và nhận rõ được nhu cầu chuyển hoá chế độ từ độc tài sang dân chủ để đất nước có thể tồn tại và phát triển trong khung cảnh hội nhập toàn cầu.

Tất nhiên cuộc vận động của người Việt hải ngoại chỉ có thể thành công nếu ASEAN, với hậu thuẫn của Hoa Kỳ và các quốc gia Thái Bình Dương, có thể thuyết phục được Trung Quốc chấp nhận giải pháp chung sống hoà bình, hợp tác và phát triển. Kết quả mong ước này còn tuỳ thuộc vào vai trò cân bằng quyền lực của Hoa Kỳ và khả năng đạt được đồng thuận giữa các nước ASEAN, đặc biệt là những nước đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2010. Trong mười tháng còn lại, liệu Việt Nam có đủ khả năng điều động các nước thành viên tạm giải quyết những dị biệt song phương để tiến đến hợp tác đa phương hầu có đủ tư thế đối thoại với Trung Quốc hay không? Đây là cơ hội và cũng là thử thách mới cho Việt Nam trong năm nay. Lịch sử sẽ phán xét khả năng và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Việt Nam. Đây cũng là thử thách và cơ hội cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong vai trò chủ xướng cuộc vận động của cộng đồng người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương với chính phủ Mỹ và quê hương gốc của họ. Mong rằng cộng đồng sẽ không bỏ lỡ cơ hội đóng góp vào những nỗ lực xây dựng hoà bình trong khu vực và bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Nói đến cơ hội và thử thách của cộng đồng, đã đến lúc cần đề cập đến một vấn đề nhạy cảm có khi được coi như vấn đề cấm kỵ không nên đụng tới, đó là quan hệ giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với chính quyền và một số thành phần nhân dân trong nước. Vấn đề này không nên và không thể né tránh vì nó là một thực tế đang diễn ra rất phức tạp, từ thái độ hồ hởi hợp tác của những người có thiện cảm với chế độ, những chương trình nhân đạo và giáo dục của các tổ chức NGO, đến thái độ thù nghịch một còn một mất với chính quyền cộng sản. Quan hệ phức tạp này cần được bình tâm thảo luận và giải quyết thích hợp vì không thể biến thái độ chống cộng cực đoan thành một mối thù truyền kiếp cho đến các thế hệ về sau. Nếu mối quan hệ này có thể giải quyết một cách hợp tình hợp lý và trở thành một đồng thuận lớn trong cộng đồng hải ngoại thì mọi thành phần nhân dân trong nước, kể cả những đảng viên cộng sản thật tình yêu nước và có đầu óc tiến bộ, sẽ vui mừng đón nhận và sẽ trở thành một khối áp lực có khả năng thay đổi chính sách và ngay cả chế độ, nếu cần.

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ muốn nêu lên một số nhận định và đề nghị do sự hiểu biết của cá nhân để độc giả cùng xem xét và góp ý:

Đa số nhân dân trong nước đều chán ghét chế độ nhưng cũng đã trở nên quen với những lề lối trong xã hội cộng sản từ trên nửa thế kỷ nay, nhất là khi đời sống vật chất theo kinh tế thị trường đã dễ chịu hơn nhiều so với thời bao cấp. Họ cũng rất chán ghét chiến tranh và rất dè dặt đối với những biến động chính trị vì chưa thấy có lực lượng nào có thể chuyển hoá được chế độ; ngoài ra, họ rất hoài nghi và thờ ơ với các lực lượng “chống cộng” và những lời kêu gọi nổi dậy từ bên ngoài.

Đa số nhân dân trong nước bị che giấu thông tin về những quyết định sai lầm của lãnh đạo có hậu quả nguy hại về kinh tế, văn hoá xã hội và an ninh quốc phòng. Các cơ quan truyền thông quốc doanh chỉ trình bày những tin tức và hình ảnh có lợi cho chính phủ, chẳng hạn những thông tin về sự hợp tác và ủng hộ của quốc tế, những cuộc viếng thăm Việt Nam của nguyên thủ các cường quốc, những hội nghị APEC và ASEAN được tổ chức rầm rộ ở Hà Nội.

Đối với mối lo ngại của nhân dân về mưu đồ xâm lược của Trung Quốc, Nhà nước một mặt trấn an dân chúng bằng những lời tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, một mặt đề cao quan hệ hữu hảo và bền vững giữa hai nước, che đậy những điểm nhượng bộ Trung Quốc trong các thoả hiệp song phương, và làm giảm thiểu tính nghiêm trọng của những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đối với những nỗ lực dân chủ hoá và đòi hỏi công bằng xã hội, Nhà nước thi hành các biện pháp ngăn chặn những lời khuyến cáo hay phản biện xây dựng của giới trí thức, khoa học gia, và thẳng tay đàn áp những cá nhân hay tổ chức tranh đấu cho tự do, dân chủ, những người bênh vực cho dân oan và lao động bị bóc lột. Những tội danh phi lý và những bản án quá đáng đối với những trí thức tranh đấu bất bạo động cho thấy mục đích của nhà cầm quyền là răn đe và gieo rắc sự nghi ngại trong dân chúng đối với ảnh hưởng từ bên ngoài.

Đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26.3.2004 về “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.” Đây là một kế hoạch toàn diện nhằm vận động ba triệu nguời Việt Nam ở nước ngoài thành “một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc” với những đóng góp quan trọng về tài chính và trí tuệ rất cần thiết cho công cuộc phát triển đất nước. Mặc dù mục đích này không thể đạt được chừng nào đất nước còn bị áp đặt dưới một chế độ độc tài toàn trị, những biện pháp thuận lợi hơn cho “Việt kiều” về nước du lịch, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, hoạt động nghề nghiệp hay định cư lâu dài, cũng có khả năng hấp dẫn được một thiểu số nhất định trong cộng đồng hải ngoại.

Để vô hiệu hoá công tác tuyên vận một chiều của Nhà nước cộng sản, nhất là để có thể xoá bỏ những ý nghĩ và hình ảnh tiêu cực về số đông người Việt ở nước ngoài mà bộ máy tuyên truyền của nhà nước đã nhồi sọ nhân dân trong nước, cộng đồng hải ngoại cần phải thay đổi quan niệm và phương cách chống cộng đã lỗi thời. Qua những chuyến về thăm thân nhân và bằng hữu, những hoạt động cứu trợ nạn nhân bão lụt, những chương trình giúp đỡ y tế, giáo dục, hoặc cho vay vốn nhỏ của người Việt hải ngoại, đồng bào trong nước không cần bị tuyên truyền cũng nhận ra được thiện chí và ước vọng chính đáng của người Việt ở nước ngoài đối với quê hương nguồn cội. Niềm tin tưởng của đồng bào trong nước là điều kiện thiết yếu cho những nỗ lực tranh đấu chung cho dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội. Tình đoàn kết và hợp tác của người Việt trong và ngoài nước càng cần thiết hơn nữa cho những nỗ lực bảo vệ quê cha đất tổ, chống lại hiểm hoạ xâm lược và đồng hoá của Trung Quốc.

Đảng Cộng sản lo sợ và kết tội “diễn biến hoà bình” là chống phá chính phủ và dân tộc. Người Việt hải ngoại sẽ chứng tỏ là diễn biến hoà bình chỉ chống Nhà nước độc tài để đem lại lợi ích cho dân tộc.

Đảng Cộng sản kêu gọi cán bộ và toàn dân học tập “đạo đức Hồ Chí Minh”. Người Việt hải ngoại sẽ chứng tỏ là Nhà nước độc tài chỉ mượn uy danh của “Bác Hồ” với nhân dân trong nước để duy trì chế độ, vì thực tế là họ đã làm ngược lại tất cả những lời ông đã dạy cho cán bộ cầm quyền. Ngoài ra cũng rất dễ chứng tỏ rằng chế độ cộng sản độc tài đã huỷ hoại các giá trị văn hoá và đạo đức của dân tộc, biến công dân thành công cụ của nhà nước khiến cho họ chỉ có cơ hội thăng tiến bằng những thủ đoạn gian dối để tỏ lòng tuyệt đối trung thành với chế độ.

Bằng mọi cách, cần phổ biến sâu rộng đến mọi giới nhân dân và quân đội những tin tức và tài liệu chính xác về tình hình Biển Đông, về những nguy hại của việc khai thác bô-xít Tây nguyên, khai thác rừng đầu nguồn, xây dựng đập nước ở thượng nguồn sông MeKong, những làng Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam, v.v. Đó là những thông tin bị Nhà nước bưng bít và ngăn cấm. Để có sức thuyết phục, cần sử dụng những tài liệu khách quan khoa học, nhất là những bài viết của chính những đảng viên và tướng lãnh có uy tín ở trong nước và của các quan sát viên quốc tế.

Cần tách rời những người cộng sản yêu nước ra khỏi những người cộng sản hại nước. Cần hỗ trợ cho những tài năng trẻ ở trong nước có thêm cơ hội học hỏi, phát triển khả năng sáng tạo và luôn luôn tự hào là dòng giống của con Hồng, cháu Lạc. Cần sẵn sàng tiếp xúc, trao đổi và tạo cơ hội hợp tác giữa những trí thức tiến bộ, những đảng viên sáng suốt, những nhà văn hoá và nghệ sĩ nổi danh trong và ngoài nước.

Gần đây, vì cần phải xoa dịu dư luận bất mãn của nhân dân, vì những động thái mới của Hoa Kỳ và các nước ASEAN nhằm bảo vệ an ninh và quyền lợi chung tại Biển Đông, chính quyền trong nước đã có thái độ mạnh dạn và có trách nhiệm hơn, như gia tăng lực lượng phòng thủ bằng việc mua tàu ngầm và phi cơ chiến đấu của Nga. Thủ tướng chính phủ cũng vừa lưu ý báo chí phải “lắng nghe ý kiến của người dân,” và thông tin nhanh nhạy hơn về vấn đề “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc.” Với kinh nghiệm về cách “nói một đàng, làm môt nẻo” của chính quyền cộng sản, mọi người Việt Nam trong và ngoài nước sẽ tiếp tục theo dõi những bước đi của Đảng và Nhà nước trong những tháng ngày sắp tới.

Tóm lại, vì nhu cầu thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì nhu cầu đại đoàn kết dân tộc trước nguy cơ bị Trung Quốc thôn tính và đồng hoá, cả chính quyền trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều cần phải có những quyết định đột phá, biến thử thách thành cơ hội, kết hợp được sức mạnh cần thiết cho sứ mệnh phát triển và cứu nguy đất nước. Trong tư thế của nhà cầm quyền, Đảng và Nhà nước Việt Nam có hai lựa chọn: dọn đường mở lối hay xây chướng ngại vật?

Trong bất cứ trường hợp nào, cộng đồng người Việt hải ngoại cũng vẫn tiếp tục hỗ trợ thích hợp cho tiến trình dân chủ hoá và những nỗ lực bảo vệ độc lập và vẹn toàn lãnh thổ của đồng bào trong nước.

© 2010 Lê Xuân Khoa

© 2010 talawas

.

.

.

BLOGGER 16 TUỔI BÀY TỎ QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

Blogger Việt Nam 16 tuổi bày tỏ quan điểm chính trị xã hội

talawas blog

01/03/2010 12:54 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=16829

.

Joyce Anne Nguyễn, 16 tuổi, hiện sống tại Na Uy, đang là một blogger được chú ý qua những bài viết bày tỏ quan điểm chính trị xã hội của mình trên các trang mạng độc lập ngoài Việt Nam.

.

Mới đây nhất, trên BBC Việt ngữ, cô cho biết:

Tôi đã đi, đã gặp và trò chuyện với rất nhiều người Việt ở Đông Âu, và họ đều chỉ muốn về chơi chứ không muốn về sống. Và rất nhiều người VN tôi biết không muốn trở về.

Nói thẳng thắn, tôi cũng không muốn về. Tôi không về được và cũng không muốn về. Đó không phải là không yêu nước. Đó không phải là không muốn góp phần xây dựng đất nước. Mỗi người chúng ta đều muốn làm gì đó cho đất nước, nhưng rút cuộc công sức sẽ chỉ tan thành tro bụi và đổ sông đổ biển vì bạn có thể xây dựng được gì trong xã hội một thằng xây 9 thằng phá này?

.

.

.

KHÁC BIỆT GIỮA XÃ HỘI CHÂU ÂU và VIỆT NAM

Nhân bài viết của Joyce Anne Nguyen, thử so sánh những khác biệt giữa xã hội châu Âu và Việt Nam

LinMat, X-Cafe

28.02.2010

http://x-cafevn.org/node/2785

(Tiêu đề do diễn đàn X-Cafe đặt)

Tôi thích bài viết của em J.A.N. Cũng thấy được là một người ở lứa tuổi như em viết và diễn tả những điều em quan sát, so sánh như thế chứng tỏ em là người sâu sắc, không hời hợt như đa phần bạn trang lứa chỉ quan tâm đến ăn diện, chơi bời. Phần khác chắc do ảnh hưởng từ mẹ và những rắc rối mẹ em gặp phải khiến em càng bức xúc và quan tâm hơn đến chính trị.

Tôi đồng ý với những quan điểm của em về cách tuyên truyền, giáo dục theo kiểu tẩy não ở VN. Những điều em quan sát được trong 1 năm qua là những mặt mạnh của những xã hội dân chủ, mạng người được coi trọng, nhân quyền được đề cao. Sau này ở lâu hơn nữa, em sẽ thấy được những mặt yếu, những cái mâu thuẫn của những xã hội đó. Nó không hẳn do thể chế chính trị, mà là kết hợp nhiều yếu tố, kể cả bối cảnh lịch sử là trong thời gian dài, các nước Bắc Âu không tham gia chiến tranh, phúc lợi xã hội được hình thành từ khá lâu, nên thành ra nền kinh tế không hẳn là tư bản như Mỹ mà có nhiều hơi hướng Chủ nghĩa Xã hội như giảm cách biệt giữa giàu nghèo, đánh thuế nặng vào người giàu và ưu ái hơn cho người nghèo.

Có những điều gây ngạc nhiên, nhưng đáng đặt dấu hỏi là vì sao mà ở Thụy Điển (là láng giềng và khá giống Na Uy), số người chết vì tự tử cao gấp nhiều lần số người chết vì tai nạn giao thông. Và trong độ tuổi từ 16 – 59 thì nguyên nhân tử vong phổ biến nhất là tự tử. Ở đây tôi không so sánh với VN vì số này dù cao cũng không thấm tháp gì so với con số ở VN, dù ở VN không có thống kê rõ ràng.

Vấn đề trên không hẳn là do chế độ chính trị, mà là từ nhiều yếu tố văn hóa, xã hội. Người dân Bắc Âu sống cách biệt, thích tự do riêng tư, không có thói quen tám chuyện như người Việt. Tôi nghe một anh bạn bản xứ nói là ở những nhà chung cư, nếu một người sắp ra khỏi nhà, tới cửa nghe tiếng xục xịch từ cửa hang xóm thì sẽ nán lại một chút mới mở cửa để tránh chạm mặt và nói chuyện với anh hàng xóm. Rất nhiều người bị stress, bị burned out do không chịu nổi nhịp sống, làm việc tất bật. Các bác sĩ tâm lý thường quá tải với các bệnh nhân và không đủ thời gian nói chuyện, hỏi han họ thường xuyên, và cứ ghi đơn thuốc những loại thuốc ngủ, an thần cho họ, mà những thuốc này đôi khi còn làm tệ hại hơn, và người bệnh tìm lối giải thoát bằng cách tự tử.

Hay là vì mức sống càng cao thì người dân càng đòi hỏi hơn, và càng ít hài long hơn với những gì xã hội, chính quyền mang đến cho họ. Ở Việt Nam thì hay quan niệm có làm thì mới có ăn, nên nhiều người không mong đợi là khi thất nghiệp, họ sẽ cứ có thu nhập đều đều hàng tháng dù ít hơn. Còn người TD thì đòi mức trợ cấp cao vì đó là quyền lợi của họ sau khi họ đã đóng thuế. Nên cái survey về chỉ số hạnh phúc gì đó xếp VN ở hạng cao, chắc một phần nó phản ánh không phải hạnh phúc, mà là sự an phận của người dân.

Phúc lợi cao trong xã hội mang lại những mâu thuẫn và một sức ỳ trong nền kinh tế. Đó là vì sao nhiều người Mỹ gọi Obama là socialist do những cải cách về y tế của ông, họ không muốn Mỹ trở thành giống Pháp và những nước Bắc Âu, nơi có những người làm việc ít nhưng vẫn đòi hỏi được nhận quyền lợi nhiều.

Đã phúc lợi cao thì phải thuế má cao, thuế cao thì doanh nghiệp, những chủ tư bản không còn lợi nhuận và phải chuyển nhà máy, công ty ra Đông Âu, sang châu Á, Phi. Công việc thì ít đi thì nguồn thu thuế cũng ít đi, và không chỉ công ty tư nhân cắt giảm người mà ngay cả chính quyền địa phương, nhà nước cũng phải cắt giảm nhân viên, trường học đóng cửa, giáo viên mất việc. Nó tạo ra một nền kinh tế không tăng trưởng mà lâm vào suy thoái nặng, có một sức ỳ có thể cảm nhận được. Lớp trẻ không có hy vọng gì về có việc sau khi học xong, khi được phỏng vấn về tương lai bạn thấy thế nào, rất nhiều người trẻ nói rằng họ thấy mù mịt.

Người trẻ không có động lực gì để học tập, mà chỉ muốn kiếm những việc lao động chân tay gì mau kiếm ra tiền, vì 18 tuổi họ đã sống riêng rồi, đủ thứ chi phí phải lo, thiếu tiền tháng nào là nguy cơ mất nhà thuê tháng đó. Rất nhiều học sinh học xong cấp 3 không hề định học tiếp ngay lên đại học, mà muốn kiếm việc đơn giản, hay lên Na Uy làm lặt vặt gì đó vì mức lương trên đó cao hơn. Vì họ nghĩ là muốn học lúc nào chẳng được, đâu có thi cử gì, đâu có phải trả tiền gì.

Ở Việt Nam một điều dễ nhận thấy là tinh thần hiếu học. Càng nghèo thì càng cố học giỏi lên để đổi đời, có điều kiện chút thì ráng du học nước ngoài, xin học bổng.

Còn giáo dục ở Thụy Điển không có truyền thống thu phí, ngay cả đối với sinh viên nước ngoài. Trường Đại học có càng nhiều sinh viên thì càng được nhiều thu nhập từ phía chính phủ, vì chính phủ cấp ngân sách cho trường Đại học theo chỉ tiêu đầu người, khoảng 5000 Euro/người/năm. Sinh viên đi học thì vừa được trợ cấp đi học, vừa được cho vay để đảm bảo thu nhập tháng khoảng 900 Euro. Tỉ lệ trợ cấp và tiền vay khác nhau tùy trình độ người học. Ai chưa có bằng đaị học thì phần trợ cấp được nhiều, phần vay ít, trong khi người có bằng rồi thì ngược lại. Nên những người nhập cư đi học, trong cùng một lớp học ngoại ngữ, ai có trình độ thì được trợ cấp chỉ bằng 1/3 những người học ít. Những người trình độ thấp thì được mức thu nhập cao, thế là họ cứ học lề mề, kéo dài từ năm này qua tháng khác, coi việc học là để tạo ra thu nhập, vì họ cũng chẳng hy vọng gì có việc nếu học cao lên. Nên có nhiều người đi học không phải để lấy kiến thức, mà chỉ để lấy tiền.

Vì Thụy Điển là xã hội hướng tới công bằng, nên mức lương của trí thức và lao động chân tay không chênh lệch nhau lắm, thậm chí những người có tay nghề thì thu nhập còn cao hơn nhiều những người trí thức. Những người trẻ không có ý định phải làm bác sĩ kỹ sư để được oai hơn người, mà học theo sở thích và sở trường của họ, không muốn học ba mẹ cũng không ép. Sau show truyền hình cải tạo những căn nhà bình thường thành những căn sang trọng, khác hẳn trước, thì 2 anh chàng thợ mộc và thợ sơn trong seri này trở nên nổi tiếng, và số lượng học sinh đăng ký vào trường dạy nghề thợ mộc tăng lên đáng kể.

Chục năm trước, việc kiếm một chân lao động như lắp ráp xe hơi khá dễ dàng mà thu nhập lại cao, người không trình độ cũng có thể mua nhà, mua xe. Họ thỏa mãn với cuộc sống, lập gia đình,có con, và ngày tháng trôi đi, khi nền kinh tế thay đổi, những việc làm công nhân như thế không còn nữa, họ hưởng lương thất nghiệp và hy vọng công ty phục hồi, sẽ gọi họ trở lại làm việc, nhưng họ không hiểu là những công việc đó là một đi không trở lại, các nhà máy đều dần biến mất ở đây, chuyển ra nước ngoài và họ phải học thêm nếu muốn tìm việc khác. Vào thập niên 90, ngành công nghiệp đóng tàu đã bị xóa sổ, và nhân công từ đó chuyển qua công ty dịch vụ và lắp ráp xe hơi làm. Đến bây giờ, ngành công nghiệp xe hơi sắp bị mất đi, mà không có ngành công nghiệp mới nào nổi lên thay thế, lượng lao động dư thừa làm tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Điều trớ trêu là khi thất nghiệp thì họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu đi học thì họ sẽ bị mất trợ cấp. Mà mức trợ cấp đi học thì thấp hơn nhiều trợ cấp thất nghiệp, trong khi họ đã quen mức sống cũ rồi, vướng bận gia đình, con cái rồi, khó trở lại đời sống sinh viên chật vật được, mà lớn tuổi them thì càng ngại học, thế là họ đành ở nhà, thà không làm gì cả chứ không đi học, và thế là hy vọng đổi nghề càng ít đi. Họ dây dưa mãi mà không có được tấm bằng đại học. Có nhiều người so bì rằng tại sao chính phủ đổ một đống tiền vào làm một cái đám cưới linh đình cho cô công chúa vào tháng 6 năm nay, thì tại sao họ không giúp tôi chi phí tổ chức đám cưới đi, tôi đang gặp khó khăn nè.

Những người tàn tật ở đây đều có assistant phụ giúp hầu như 24/24, nếu 1 assistant không đủ giúp họ đi lại thì sẽ được sắp xếp 2 assistants. Trong thời buổi ít việc, mà xã hội nhiều người già thì số việc dễ kiếm nhất là chăm sóc sức khỏe. Nhiều người Việt sẽ ngạc nhiên khi thấy những cô gái da trắng trẻ trung, xinh đẹp, nhưng rất hài lòng khi đi làm việc assistant cho những người tàn tật, ngày ngày đưa đón họ và bên cạnh họ suốt ngày để chăm sóc, vì họ hưởng lương từ nhà nước và công việc ít biến động.

Ngay cả những học sinh vào dịp hè, nếu nó bỏ thời gian ra chăm sóc anh chị em ruột nó bị tàn tật thì nó cũng được nhà nước trả lương tính theo giờ. Khi đó tôi tự hỏi, nếu nó đã quen với việc được trả tiền để chăm sóc người nhà, thì sẽ thế nào khi không có tiền, nó có chăm sóc người nhà vì tình ruột thịt, vì chữ hiếu không.

Lại nói qua chuyện chính trị. Ở Việt Nam nó được coi là thứ xa lạ, khô khan, ít được người trẻ quan tâm, nhưng ở Thụy Điển nó là chủ để khá phổ biến. Ngay từ trung học đã có môn học Samhallskunskap / Kiến thức về xã hội, trong đó học sinh được học về hiến pháp, qui trình làm luật, sự khác biệt giữa Quốc hội và Chính quyền, qui trình bầu cử, các quyền công dân, các đảng phái khác nhau, các logo và tiêu chí của các đảng, phân biệt sự khác nhau giữa các đảng. Bài tập về nhà thường là một vấn đề nào đó trong xã hội sinh viên tự chọn và viết bình luận, tha hồ mà phê bình chỉ trích. Nên 16 tuổi mà thảo luận chuyện chính trị thì không có gì đáng ngạc nhiên. Nói là chính trị nhưng nó liên quan tới mọi mặt trong xã hội, chính quyền có chính sách gì lien can đến quyền lợi của người dân, thì người dân đều có quyền chỉ trích, phản đối, nên việc đóng cửa một nhà trẻ, xây con đường mới, hay tăng phí công đoàn gì thì đều là chuyện chính trị.

Chính trị ở Thụy Điển là một nghề nghiệp, ai thích hùng biện, cái lưỡi dẻo chút lá có thể tham gia một Đảng nào đấy rồi từ từ đi lên. Có một đảng mang tính phát xít mà đảng viên đa số là những người ít học. Với một số người, do ít học, không bằng cấp nên khó kiếm việc, nhưng họ lại nghĩ là nguyên nhân là do có nhiều người nhập cư quá, nên người bản xứ như họ khó kiếm việc, nên họ tham gia Đảng phát xít bài người nhập cư. Nhiều người học xong trung học rồi thôi, cứ theo nghề làm chính trị. Nên báo chí đã từng đăng là, so sánh với Mỹ, nhiều bộ trưởng là luật sư và có cả người đã đoạt giải Nobel, thì trong chính quyền Thụy Điển, tới 60% bộ trưởng không có bằng đại học.

Khi nền kinh tế khó khăn, thì những người làm chính trị lại có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn những người trí thức. Người ta thống kế là trên các báo, số lượng những bài viết về chính trị gia nhiều hơn hẳn số lượng bài viết về những doanh nhân thành đạt.

Nói về chuyện tin hay không tin những gì các phương tiện truyền thông đưa, các nhà báo đưa tin sự việc nhưng ít khi viết khách quan, mà văn phong bị ảnh hưởng bởi chính kiến, quan điểm của họ. Một anh bạn Pháp gốc Việt hỏi tôi tin bao nhiêu phần trăm những gì báo chí viết ra. Anh nói rằng anh chỉ tin 20% những gì báo ở Pháp viết (nói thêm rằng, ba của anh này là Việt lai Pháp, 15 tuổi đã sang Pháp, nhưng rất ủng hộ cộng sản và ảnh hưởng lên những đứa con của ông). Ba anh này thì nói trước đây Việt Nam sử dụng nguồn tin đa số lấy từ nguồn ở Liên Xô, còn bây giờ thì cũng đưa những bản tin từ nguồn báo Anh, Mỹ, Pháp, những nước tư bản. Theo tôi, với mỗi cá nhân, tốt nhất là họ nhận được tin tức từ nhiều chiều, tự phân tích, tham khảo và có chính kiến riêng của mình. Ngay cả về cùng một sự kiện như chiến tranh Iraq, báo Mỹ viết khác mà báo ở châu Âu viết khác. Cái quan trọng là người dân không bị bưng bít thông tin, sự thật không bị che lấp như thường thấy ở Việt Nam. Ví dụ như vụ hối lộ để được in tiền polymer, báo ở VN cũng đăng, nhưng chỉ nói qua loa là công ty Úc hối lộ cho một số công ty ở nước ngoài, mà không nói rõ ra nước ngoài đây là VN.

Thật là bực mình khi hôm qua vào trang tiếng Việt của BBC mà nó cũng bị chặn ở VN. Cái đáng lưu ý là người dân ở VN chỉ bàn tán với nhau, facebook bị chặn rồi, làm thế nào để vô đây, mà họ không thắc mắc tại sao nó bị chặn, có người còn ngây ngô nghĩ rằng vì nhiều người chơi game trên facebook quá, nên chính quyền chặn để công nhân viên nhà nước không phí thời gian làm việc vào chơi game, họ không hiểu được nguyện nhân thực sự của việc chặn này. Họ không cảm thấy bực bội khi một quyền công dân của họ bị tước đoạt, quyền được biết thông tìn từ nhiều chiều khác nhau.

.

.

.

VIẾT VỀ MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC

Viết về Một Người Yêu Nước

Nguyễn Ngọc Huy

01/03/2010

http://danluan.org/node/4305

.

(tặng Joyce Anne Nguyen, tác giả bài “Thế Nào Là Yêu Nước?”)

.

Tôi tiến, hãy theo tôi; tôi lùi, hãy bắn tôi; tôi chết, hãy trả thù cho tôi. Tôi không phải là thần thánh, tôi chỉ là một người bình thường, tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.” --- Ngô Đình Diệm, cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

.

Tác giả hai câu nổi tiếng ở trên từng bị (và có lẽ còn đang bị) nhiều người Cộng Sản và một số người ngây thơ cho là "con rối" hay một người chịu sự điều khiển của Mỹ. Thế nhưng một số tài liệu mật của chính quyền Mỹ đã được công bố do hết thời hạn bảo mật, xác định chính quyền Mỹ đã ủng hộ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 của các tướng làm phản để loại bỏ tổng thống Ngô Đình Diệm, bởi vì ông không tán thành chính sách can thiệp vào Việt Nam của Mỹ. Vị tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc đó cho rằng nếu Mỹ đưa quân vào Việt Nam thì Cộng Sản Liên Xô và Trung Quốc sẽ tăng cường sự hổ trợ cho Cộng Sản Việt Nam và chiến tranh sẽ khốc liệt hơn - Việt Nam sẽ trở thành bãi chiến trường của quốc tế cho hay phe Cộng Sản và Tự Do quyết chiến, tổn thất về nhân mạng và nguyên khí quốc gia của Việt Nam sẽ là nặng nhất trong các nước tham chiến. Chính quyền Mỹ thì cho rằng quân đội của nó có khả năng dứt điểm nhanh chóng quân Cộng Sản, và làm cho Việt Nam Cộng Hòa sẽ thoát khỏi sự đe dọa của khối này. Hậu quả của cuộc đảo chánh là tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết vào hôm sau, khi đã bị bắt và đang chịu trói không có khả năng phản kháng hay thoát thân.

Lịch sử đã cho thấy chiến tranh Việt Nam thật sự "leo thang" hay gia tăng cường độ khi Mỹ đổ quân vào nước này. Lịch sử đã cho thấy Mỹ bị "sa lầy" trong cuộc chiến Việt Nam hay không thể dứt điểm nó nhanh chóng như họ từng kiêu hãnh cam đoan với Việt Nam Cộng Hòa. Một sự sa lầy dài 20 năm kể từ khi họ bắt đầu đưa các đơn vị tác chiến chính thức sang Việt Nam năm 1965 (2 năm sau cái chết của vị tổng thống họ Ngô) cho đến khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975. Mỹ đã thua tại Việt Nam, và theo tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, giáo sư kinh tế đại học Howard, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ đã "tháo chạy" và cho đến nay nhiều người Mỹ vẫn coi đó là một sự nhục nhã. Về tổn thất của dân tộc và đất nước Việt Nam thì người Việt Nam rõ ràng nhất, những hậu quả đó đến nay ta vẫn còn thấy trên đất nước này.

Phải chết nhiều triệu nhân mạng, và mất một miền Nam Việt Nam vào khối Cộng Sản để nhiều người nhận ra rằng tổng thống Ngô Đình Diệm đã có cái nhìn thật sáng suốt về tình hình Việt Nam thời đó. Và những việc vị này đã làm là thật sự lo nghĩ cho lợi ích của đất nước và dân tộc Việt Nam, đúng như câu nói của ông. Nhưng cho đến hiện tại, gần 47 năm sau cái chết của người tổng thống không may mắn, đôi khi tôi vẫn thấy vài bài viết mới phê rằng ông là người bất tài hay chỉ là con rối của chính quyền nước ngoài. Tôi cho rằng những bài viết như vậy đã lờ đi những sự thật và những tài liệu có độ tin cậy khá cao như những tài liệu của chính quyền Mỹ. Vài tác giả đã dùng những lập luận và suy đoán cá nhân rồi đi đến kết luận.

Nhưng mà trách sao được họ! Ngay cả chính quyền Mỹ thời đó với nhiều tiền của để thu thập thông tin làm thống kê sau đó phân tích chúng cho việc xét đoán, với những nhân vật ưu tú như phó tổng thống Lyndon Johnson, ngoại trưởng Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara đều không nghĩ rằng sự việc sẽ như ông Ngô Đình Diệm đã suy xét. Họ đã không thấy sự sáng suốt hay tài năng của tổng thống họ Ngô. Riêng về tổng thống Kennedy, tôi nghĩ có lẽ ông ta cũng có cái nhìn như tổng thống Diệm, vì theo Johnson, ông Kennedy đã có ý định rút khỏi Việt Nam, thế nhưng người này cũng đã bị bắn chết chỉ 20 ngày sau cái chết của ông Diệm, trong một vụ ám sát. Khi lên làm tổng thống, ông Johnson đã thay đổi những chính sách của Kennedy đối với Việt Nam theo hướng ngược lại.

Với xét đoán thông thấu của tổng thống họ Ngô về thời cuộc của đất nước thời đó, với những việc làm của vị này mà tôi đã nêu ra trong những phần trên, và với việc người đó mất đi tính mạng trong khi cố gắng thực hiện những việc kia, tôi hoàn toàn tin tưởng ông Ngô Đình Diệm đã thật sự "một lòng hiến dâng đời tôi [ông ấy] cho đất nước và dân tộc."

Viết từ Connecticut, hoàn thành lúc 3:50 rạng ngày 27 tháng 2 năm 2010.
_____________________________

Độc giả có thể viếng thăm blog của tác giả Nguyễn Ngọc Huy tại địa chỉ http://nguyenngochuy1983.blogspot.com

.

.

.

TỆ NẠN BUÔN BÁN CON NUÔI TẠI VIỆT NAM

Tệ nạn buôn bán con nuôi tại Việt Nam

Mai Vân, Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 28/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 28/02/2010 16:27 TU

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_7086.asp

Tạp chí Le Courrier International cũng quan tâm đến Việt Nam, nhưng trên mặt xã hội. Trích đăng bài phóng sự dài trên vấn đề con nuôi Việt Nam, tạp chí Pháp nêu bật thảm cảnh các bà mẹ trẻ, nghèo, phải bán con cho giới môi giới để họ bán lại cho người ngoại quốc tìm con nuôi.

.

Dưới tựa đề ''Viếng thăm một ''xưởng (sản xuất) em bé'', bên dưới dòng tiểu tựa ''trong hậu trường của việc nhận con nuôi'', Courrier International đưa độc giả đến tận Lạng Sơn, nơi mà theo tạp chí, các cặp vợ chồng khắp thế giới đến để xin con nuôi. Nhưng họ không biết là những trẻ sơ sinh mà họ nhận được là những đứa trẻ mà các bà mẹ đã bán, vì miếng cơm manh áo, với một khoản tiền nhỏ mọn.

.

Le Courrier trích dẫn ký giả nhật báo Hong Kong, South China Morning Post, Simmon Parry, đã giả danh một người muốn tìm con nuôi, tả cảnh ông đến một ngôi nhà không mấy sạch sẽ, sát cạnh một cô nhi viện, tiếp xúc với người môi giới, bà Tăng Thị Cai.

Đứa trẻ mà người ta đề nghị với tác giả bài báo, là một đứa bé trai tên Hoàng, 2 tháng tuổi, bụ bẩm. Giá đề nghị là 10 000 đôla. Tác giả bài phóng sự nhìn vẻ mặt của bà mẹ trẻ, phân vân, đau khổ, trong lúc mà bà môi giới thúc giục phải quyết định nhanh, vì bà đã bắt đầu làm thủ tục để giao đứa bé cho cô nhi viện. Bà còn nói thêm trước vẻ do dự của ông khách hàng, là nếu muốn con gái, thì cứ nói, bà có những bà sắp sinh nở. Có được cô bé gái thì bà sẽ gọi điện thoại để báo.

.

Tác giả bài phóng sự giải thích nếu ông từ chối đứa bé, thì nó sẽ được giao cho cô nhi Viện Lạng Sơn. Tại đây thì đứa bé, theo Simmon Parry sẽ được đề nghị với giá rất cao cho những người nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới. Và trong lúc mà những người xin con nuôi chi hàng ngàn đôla thì các bà mẹ trẻ chỉ nhận những khoản tiền rất ít ỏi : 6 triệu đồng, 300 đôla. Họ mang thai và sinh nở trong tình trạng bần cùng khốn khổ. Tác giả bài phóng sự, mô tả cảnh sống của họ tại nhà của bà Cai.

.

Khi tỏ ý muốn tìm con nuôi, ông đã được đưa ra dãy nhà phiá sau. Trong một căn phòng là các bà mẹ đã sinh nở, nằm với con trên các chiếc giường bằng gỗ ọp ẹp, đặt sát cạnh nhau. Tại một căn phòng khác, một số phụ nữ bụng rất to nằm chờ ngày hạ sinh.

.

Bà Cai, theo bài phóng sự, cho họ ăn ở, ngược lại họ phải cam kết giao con cho bà. Trước mặt người khách, bà Cai có vẻ ngượng ngùng về điều kiện sống của các phụ nữ. Bà đã nói đùa : ông có thể mang bé Hoàng đi mà không phải trả tiền nếu ông mua quạt máy hay máy điều hoà không khí cho các căn phòng này. Trong cuộc kèo nài để bán bé Hoàng, bà Cai còn giải thích là nếu qua trung gian một cơ quan ở Hà Nội thì phải trả đến 16 000 đôla. Còn qua bà thì chỉ mất 10 000 đôla, để mang đứa bé đi, bà sẽ giới thiệu những người lo tất cả thủ tục hành chính.

.

Bài báo nhắc lại một báo cáo điều tra của Mỹ năm 2008. Các nhà điều tra đã nêu lên hiện tượng bán con. Những 'nhà hộ sinh' kiểu như nhà bà Tăng thị Cai, không ít. Đây là một nguồn cung cấp trẻ sơ sinh cho những người tìm con nuôi, trực tiếp qua nhũng người như bà Cai hoặc qua ngã chính thức.

.

Simmon Parry giải thích là trước ông 4 ngày, một nhóm 6 cặp vợ chồng người Ireland, xin con nuôi theo ngã chính thức, đã đến Lạng Sơn. Họ không dừng lại trước nhà bà Cai mà đến cô nhi viện. Mỗi cặp đã chi 7500 euro. Điều mà họ không biết là cuộc sống các trẻ mà họ mang đi, không bắt đầu ở làng của mẹ chúng, hay cô nhi viện mà là tại những nhà hộ sinh như của bà Cai. Người này khẳng định : 6 đứa trẻ mà các cặp vợ chồng Ireland xin được đều đến từ nơi bà. Nếu không có bà thì sẽ chẳng có trẻ nít để xin. Bà Cai đã làm nghề trung gian này từ 10 năm qua. Không có quảng cáo gì cả, tất cả đều truyền miệng nhau.

.

Trong phần kết luận, Simmon Parry, nhắc lại là các cặp vợ chồng Ireland vừa nhận được con nuôi, cho là hiển nhiên là các em bé sẽ có điều kiện sống tốt đẹp hơn nhiều ở Ireland. Nhưng những gì ông thấy được ở Lạng Sơn đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng về tiến trình xin và nhận con nuôi, về những người trục lợi và về các bà mẹ đáng thương.

Tác giả còn nhận thấy là đối với các bậc cha mẹ nuôi, trước mắt thì không có vấn đề gì, nhưng một khi các em này trưởng thành, tim hiểu về cội nguồn của mình, chúng sẽ nêu lên những câu hỏi mà các bố mẹ nuôi rất khó trả lời.

.

.

.

NỮ LÃO TƯỚNG TRUYỀN THÔNG HELEN THOMAS

Nữ lão tướng truyền thông Helen Thomas

Bùi Tín viết riêng cho VOA

Thứ Sáu, 26 tháng 2 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/helen-thomas-02-26-2010-85509412.html

Helen Thomas là một tên tuổi được trọng nể trong làng báo Hoa Kỳ và thế giới. Tại Washington, DC, đầu năm nay, Câu lạc bộ nhà báo Mỹ đã tổ chức kỷ niệm 60 năm nhà báo Helen Thomas nhận nhiệm vụ là phóng viên tự do làm việc tại Tòa Bạch ốc.

Lúc ấy, vào đầu năm 1960, cô phóng viên Helen mới 30 tuổi, có nhiệm vụ bám chặt, theo dõi để viết bài cho hãng tin UPI về mọi hoạt động của Tổng thống Mỹ trong Tòa Bạch Ốc.

Từ cái bắt tay bỡ ngỡ ban đầu với tổng thống hào hoa John F. Kennedy, thời gian trôi nhanh, Helen đã trở nên quen thuộc với mọi cư dân trong Tòa Bạch ốc, từ nhân viên văn phòng, chuyên viên an ninh cho đến người làm vườn, anh thợ điện, ông đầu bếp, và trên hết, trước hết là Tổng thống Hoa Kỳ.

Báo Mỹ cho rằng Helen là nhà báo am hiểu nhất từ con người đến bộ máy làm việc tại Tòa Bạch ốc, từ những quan điểm chính trị cho đến đặc điểm phong cách, tính tình của từng tổng thống Hoa Kỳ trong 60 năm nay; tất cả là 10 vị: từ Kennedy, rồi Johnson, đến Nixon, qua Ford, sang Carter, đến Reagan, rồi Bush (cha), rồi Clinton, đến Bush (con), cho đến Obama ngày nay.

Helen được giới báo chí và công luận nể trọng không phải chỉ vì già dặn, tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong nghề, biết nhiều thứ tiếng một cách thuần thục Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha...mà trước hết bà là một cây bút sắc sảo, độc đáo, luôn viết rất ngắn, dùng chữ rất chọn lọc, nhiều khi mới lạ. Ở bà vẻ điềm đạm, ít bộc lộ ra ngoài che dấu một tính cách riêng hóm hỉnh, trào lộng một cách thâm thuý. Bà viết 5 cuốn sách, trong đó 3 cuốn được xếp vào lọai bestseller - bán chạy nhất - đó là quyển "Front Row at the White House" (Hàng ghế đầu tại Tòa Bạch ốc), "Listen up, Mr President" (Thưa Ngài Tổng thống, xin hãy nghe) và cuốn "Watchdogs of the Democracy" (Những Người Canh Giữ Nền Dân Chủ), được coi là sách tham khảo không thể thiếu tại các lớp đào tạo nhà báo trẻ.

Cuộc đời ký giả của Helen được đánh dấu bởi những chuyến đi lịch sử trên chiếc chuyên cơ Air Force One, tháp tùng các tổng thống Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush (cha), và cả mới đây với Barack Obama, trên danh nghĩa Trưởng đoàn báo chí của Tòa Bạch ốc trong các chuyến công du của Tổng thống Mỹ. Helen nhớ nhất là chuyến đi Bắc Kinh cùng tổng thống Nixon năm 1972, bà có vài lời trao đổi với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Trong hơn một trăm cuộc họp báo trong Tòa Bạch ốc, người dự thường hồi hộp chờ đợi những câu hỏi của Helen. Bao giờ cũng là những câu hỏi bất ngờ, thú vị, về những đề tài hóc búa khó trả lời nhất, có khi bà truy đến tận những ngõ ngách thâm hiểm của vấn đề. Như khi bà cật vấn tổng thống Reagan về vai trò của CIA trong việc đi đêm với nhóm Contras ở Nicaragoa và trong quan hệ với Manuel Noriega, trùm buôn ma túy ở Panama.

Tuy sâu sắc và sắc sảo, nhà báo Helen không bao giờ có ác ý khi chất vấn, truy vấn đối tác của mình; bà luôn đứng về phía xã hội, về phía công chúng, về phía bạn đọc của bà để tìm cho ra sự thật đầy đủ trọn vẹn nhất, có lợi cho xã hội, cho "người dân không quyền lực", như ở ta thường gọi là dân đen, dân vỉa hè, dân ở đáy xã hội.

Vốn nhà nghèo, sinh ra trong một gia đình nhập cư từ Lebanon, cô bé Helen có chí học giỏi lên đến bậc đại học rồi chọn nghề truyền thông. Bà luôn tự học để thành đạt. Bà từng kể đặt câu hỏi cho tổng thống Mỹ, không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản, mỗi một ý hỏi phải "đáng đồng tiền bát gạo", lượng trước câu trả lời để truy kích vào trung tâm của sự thật, cho sự thật mới mẻ bật tung ra, soi sáng lịch sử và thời cuộc. Có câu hỏi bà phải nghiền ngẫm suốt 3 đêm.

Chả vậy mà bà được đúng 10 giải thưởng cao quý về báo chí, được vinh danh là Nữ ký giả xuất sắc của Hoa Kỳ, thuộc 20 Phụ nữ Mỹ nổi tiếng nhất, là Nhà bình luận xuất sắc nhất của hãng truyền thông Hearst.

Sau buổi kỷ niệm 60 năm làm ký giả của Tòa Bạch ốc (1-1961-1-2010), giới báo chí, bạn bè, độc giả của Helen Thomas đang chuẩn bị kỷ niệm Đại Thượng thọ 90 tuổi của bà vào tháng 8 tới (4-8-1920 -- 4-8-2010). Hiện bà vẫn hoàn toàn minh mẫn và chưa buông bút, đinh ninh rằng làm ký giả là một trách nhiệm công dân cao quý nhất, là một nghề khó khăn nhưng thú vị, đẹp đẽ nhất trên đời này.

Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế (8-3) sắp đến, xin gửi bài này như một món quà tinh thần đến đông đảo các nhà báo nữ ở trong nước, đến các nhà báo dân chủ, các nữ blogger gan góc, cũng như nữ lão tướng HelenThomas, đang dấn thân cho tự do truyền thông của nhân dân.

.

.

.

THẦN TƯỢNG CỦA TÔI


THẦN TƯỢNG CỦA TÔI

28/02/2010

http://www.haingoaiphiemdam.com/hinhanhsukien/THẦN-TƯỢNG-CỦA-TÔI.php

Mới ngồi vào bàn ăn trưa, các cô bạn cùng sở của tôi đã rộn ràng “lên chương trình” đi tham dự buổi ca nhạc của thần tượng mình.

Đặc biệt nhất là bàn tính, "lên kế hoạch" thắng cho được cuộc thi “Get up Close to Kelly Clarkson” để được gặp tận mặt và chụp hình với ca sĩ!

Các cô ríu rít rủ tôi đi xem.

Tôi không đặc biệt thích Kelly Clarkson nhưng cô ta là một trong những ca sĩ Mỹ có tính cách khá trong sáng, lành mạnh và dễ thương.

“Còn 2 tháng nữa mà!”: Tôi trả lời. “Nếu không mua vé bây giờ thì sẽ hết vé đó!”: Hai cô bạn thuyết phục.

“Ừ đi thì đi! Đặt vé giùm nhé!”: Tôi cười.

Các cô rất vui mừng có tôi đồng ý đi xem thần tượng của họ và bảo tôi phải ghi ngày vào sổ tay liền!

Rồi các cô tiếp tục tíu tít về Kelly Clarkson một hồi lâu, tôi cũng thấy vui vui lây và thích cô ca sĩ này. Bất chợt một cô bạn quay sang hỏi tôi: “Thần tượng của chị là ai?”

“Những thần tượng của tôi đều đang bị ở tù ...”

... Một giây im lặng, rồi tôi giải thích rằng thần tượng của tôi là những người đấu tranh cho tự do, dân chủ cho Việt Nam và họ đã bị chế độ độc tài CS cầm tù.

Thế là tôi bắt đầu kể những thần tượng của tôi: họ là Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân!


Không khi trên bàn ăn trưa có vẻ thay đổi ... nhưng tôi cứ tiếp tục kể cho các cô bạn Úc nghe về những thần tượng của tôi với tất sự trân trọng quý mến và tự hào!

Thần tượng của giới trẻ bây giờ thường là những ca nghệ sĩ, tài tử phim ảnh hay các cầu thủ, vận động viên thể thao...

Họ là những người có tài và rất thành công trong sự nghiệp của mình lại được truyền thông ưu đãi, phô trương vẻ đẹp, vẻ hay, hào hoa phong nhã làm cho nhiều người mến mộ cuộc đời của họ, mến mộ họ ...

Trong khi những người như Trần Khải Thanh Thủy, như Phạm Thanh Nghiên, như Lê Thị Công Nhân là những tấm gương sáng cho giới trẻ về NGHỊ LỰC, về LÒNG YÊU NƯỚC, YÊU DÂN TỘC, về LÒNG CAN ĐẢM, về SỰ HY SINH CAO CẢ lại bị truyền thông nhà nước bôi xấu, bị đảng CS trù dập, đàn áp, bỏ tù!

Thật là đau xót vô cùng!

Vì vậy cho nên khi các cô bạn của tôi thu thập hình ảnh, poster, pin-up, áo thun, mua vé đi xem Kelly Clarkson ... tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ trong công cuộc đòi tự do cho Trần Khải Thanh Thủy, cho Phạm Thanh Nghiên,cho Lê Thị Công Nhân!

Tôi sẽ viết, sẽ nói, sẽ kể để mọi người biết về họ, biết về sự Hy Sinh Cao Cả của Các Vị Anh Thư này và Tấm Lòng của họ đối với Quê Hương Dân Tộc.

Tôi tin rằng với con số ngày càng đông người quan tâm và hỗ trợ sẽ áp lực lớn lên chế độ độc tài rồi từ từ phải chịu khuất phục!

Năm nay tôi ăn Tết xa quê hương nhưng vẫn hưởng được không khí xuân tươi vui, ấm cúng với gia đình.

Trong khi nhưng nhà đấu tranh dân chủ, những nhà yêu nước, những thần tượng của tôi dù đang có mặt trên quên hương mình lại đang rất đơn độc trong chốn lao tù...

Ước gì tôi có thể đến thăm thần tượng của tôi để mang cho họ chút quà Tết, để được nhìn thấy, để chiêm ngưỡng, để được bắt tay, ôm chặt vào lòng ... dù chỉ 1 giây lát!

Nhưng tôi biết rằng cơ hội đó rất mỏng manh, nếu không nói là zero ... so với cơ hội các bạn Úc của tôi có thể được gặp mặt Kelly Clarkson...


Mùng Một Tết đêm nay, với tất cả lòng nhớ thương tha thiết xin gởi đến các thần tượng của tôi một chút mùa xuân tự do!

Tân Châu 14/02/2020

------

.

Ai trở về xứ Việt
Nhắn giùm ta, người ấy ở trong tù
Nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết
Dài lắm không? Đằng đẳng mấy mùa thu

Ai trở về xứ Việt
Thăm giùm ta, người ấy ở trong tù
Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc
Thay giùm ai, màu trời âm u.

ĐK:
Các bạn ta ơi, bao giờ được thả
Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi
Được lắng nghe, tiếng chim cười
Đến bao giở đến bao giờ

Các bạn ta ơi, bao giờ được thả
Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi
Được lắng nghe, tiếng chim cười
Đến bao giở đến bao giờ

Người bạn tù ơi, ta không quên đâu!
Nhớ hôm xưa, nhìn đôi tay cùm xích!
Hàng song thưa, chia cách vạn tình Ngâu!
Ai tra tấn? Nghe lòng đau kim chích!

(1) Ai trở về xứ Việt
Cho ta gởi về, theo một ít Tự Do
Tự Do, Tự Do và nhiều lắm
Đến cửa ngục tù
Chia bớt chút buồn lo

(2) Ai trở về xứ Việt
Nhắn giùm ta người ấy ở trong tù
Ta sẻ về đón ở cửa âm ụ
Đời sẻ đẹp mùa Xuân hồng biết mấỵ

Nhạc Phan Văn Hưng

.

.

.