Wednesday, February 17, 2010

31 NĂM CUỘC CHIẾN VIỆT-TRUNG, HÀ NỘI TẢNG LỜ NHƯ KHÔNG CÓ

31 năm cuộc chiến Việt Trung, Hà Nội tảng lờ như không có
Tư Ngộ/Người Việt
Tuesday, February 16, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=108446&z=157
Ngày 17 tháng 2, 2010 đánh dấu 31 năm xảy ra cuộc chiến biên giới Việt Trung giữa hai nước 'Cộng Sản anh em', 'núi liền núi, sông liền sông', mà một thời, những bài hát ca tụng Mao Trạch Ðông được cổ võ hết mình.
Năm nay, cũng như năm ngoái, không thấy hệ thống báo đài chính thống của Hà Nội cũng như Bắc Kinh đả động gì về cái biến cố kéo dài một tháng hồi năm 1979. Khơi ra, sẽ bị đặt dấu hỏi ngay rằng “có ý đồ gì, muốn phá 16 chữ vàng?”
Cuộc chiến biên giới Việt Trung được mô tả là “đẫm máu” nhưng cho tới nay các con số thiệt hại nhân mạng và vật chất vẫn chưa được phía Việt Nam chính thức công bố.
Mở các báo điện tử chính thức của Việt Nam, trong mấy ngày tết, người ta chỉ thấy một bài phỏng vấn Ðại Sứ Nga A.G. Kovtun tại Việt Nam của báo điện tử “Ðảng Cộng Sản Việt Nam” đăng ngày 15 tháng 2, 2010 với tựa đề: “Chúng ta có quyền tự hào về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt-Nga.”
Rải rác trên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) và báo điện tử 'Ðảng Cộng Sản Việt Nam' (ÐCSVN) có những đoạn tường thuật rất ngắn các hoạt động nhân dịp tết của các Tòa Ðại Sứ VN tại nhiều nước trên thế giới, nhưng không có hoạt động nào của Tòa Ðại Sứ VN tại Bắc Kinh.
Ngày 14 tháng 2, 2010, báo ÐCSVN đăng lại ký sự “Trụ vững nơi địa đầu tổ quốc.” Trong ký sự này có đoạn nói về chuyến thăm cứ điểm Lũng Cú ở tỉnh Hà Giang, tiền đồn cực Bắc của nước Việt Nam tại biên giới với Trung Quốc.
Bài báo viết, “Lũng Cú những ngày đầu xuân canh dần nắng đẹp, gió hiu hiu thổi, hoa đào nở rộ tràn ngập một góc cao nguyên đá Ðồng Văn. Thượng Tá Nguyễn Hữu Lý, quê Phú Thọ, Ðồn trưởng Ðồn Lũng Cú cho biết: ‘Năm nay, tôi không về quê ăn Tết và đây là cái Tết thứ 4 tôi không về vui Xuân, đón Tết tại quê nhà. Cán bộ, chiến sĩ Lũng Cú hứa với Ðảng, Nhà nước và nhân dân dù trong điều kiện nào, tình huống nào cũng chắc tay súng giữ vững biên cương, phên giậu của đất nước Việt Nam ta và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, giúp đồng bào các dân tộc nơi biên cương phát triển kinh tế, dạy chữ và chữa bệnh cho dân; vận động nhân dân không nghe lời xúi giục của kẻ xấu chống lại đồng bào của mình... ’ ’”

Năm ngoái, dịp này, ký giả Huy Ðức đi thăm một vài địa điểm ở biên giới Lạng Sơn viết một bài cho báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT). Bài viết “Biên Giới Tháng Hai 1979-2009” nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung. Bài báo thật cảm động, viết về những gì ông thấy lúc đó và những gì đã xảy ra ba mươi năm trước theo lời kể của các nhân chứng. Tuy nhiên, bài báo đã bị gỡ xuống cùng ngày 9 tháng 2, 2009 khi nó vừa được cho lên.
Bây giờ, tác giả Huy Ðức bị ép ra khỏi tờ SGTT. Ông ở nhà viết blog lai rai nhưng blog của ông từ mấy ngày qua đã bị “kẻ xấu” lấy mất mật khẩu và xóa sạch. Không riêng gì bạn bè than hữu, chính ông cũng không thể vào được Blog Osin của ông.

Ngày đầu năm dương lịch 2010, cả hai hãng thông tấn chính thức của Bắc Kinh và Hà Nội loan báo hai bên đã hoàn thành cắm mốc biên giới trên đất liền.
Bản hiệp định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký ngày 30 tháng 12, 1999 sau nhiều năm đàm phán và bị nhiều người đả kích là nhà cầm quyền Việt Nam đã nhượng cho Trung Quốc nhiều trăm cây số vuông và một số cứ điểm trọng yếu. Theo thỏa thuận, ngày 27 tháng 12, 2001 cắm mốc đầu tiên ở cửa Móng Cái-Ðông Hưng và dự trù hoàn tất việc phân giới cắm mốc trong 3 năm.
Nhưng rất nhiều các cuộc họp về cắm mốc biên giới diễn ra sau đó về đường biên giới dài khoảng 1,400 km phần lớn là đồi núi hiểm trở đã không suôn sẻ. Mãi đến ngày cuối cùng của năm 2009, tức 10 năm sau mới hoàn tất được việc phân giới cắm mốc.

Trong khi đó, bản hiệp định phân chia vịnh Bắc Bộ và Hiệp Ðịnh Hợp Tác Nghề Cá ký ngày 25 tháng 12, 2000 nhằm xác định lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế và hợp tác đánh cá đến nay vẫn còn nhiều rắc rối. Ngày 29 tháng 4, 2004, hai nước đã ký một “nghị định thư bổ sung” nhằm “tạo thuận lợi cho việc quản lý, duy trì ổn định lâu dài trên vịnh Bắc Bộ, góp phần tăng cường sự tin cậy và sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, mở ra sự hợp tác về nghề cá giữa VN- TQ.” Nhưng đến nay, thực tế cho thấy, cái nghị định thư bổ sung chẳng giúp ích gì cho “ổn định lâu dài” gì cả.
Ngư dân Việt Nam đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa hoặc ở cửa sông Bắc Luân giáp giới Trung Quốc cũng đều gặp khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng. Tàu tuần Trung Quốc đâm chìm hay bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt rất nhiều lần mà nhà cầm quyền Việt Nam chỉ phản ứng thụ động.
Trung Quốc cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận hải quân qui mô trên biển Ðông trong năm qua ở khu vực hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, biểu dương cho Việt Nam biết sức mạnh quân sự của Trung Quốc thế nào.

Năm 1979, Trung Quốc xua đại quân đánh suốt một dọc 6 tỉnh biên giới với Việt Nam mà hồi đó, Ðặng Tiểu Bình tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học.”
Nguyên nhân gần là Việt Nam, trước đó, đã xua quân đánh đuổi tập đoàn Khmer đỏ ở Cambodia, tay sai thân tín của Bắc Kinh để thiết lập một chế độ thân Hà Nội ở Phnom Penh.
Nguyên nhân rộng hơn là khuynh hướng thân Nga của các lãnh tụ Hà Nội khiến Bắc Kinh có cảm tưởng VN là tay sai của Nga ngăn chặn sự bành trướng của ảnh hưởng Trung Quốc ở mạn Ðông Nam. Bắc Kinh chửi Hà Nội là “vô ơn” dù nhận được các sự viện trợ lớn lao từ Trung Quốc trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Sau khi xảy ra cuộc chiến biên giới, bản Hiến Pháp Việt Nam năm 1980 viết trong phần mở đầu: “Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”

Sau khi tái lập bang giao năm 1991, mối quan hệ ấm dần và rồi, “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác đoàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai) và “tinh thần 4 tốt” (Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) được lãnh tụ Bắc Kinh đẻ ra và bắt lãnh tụ Hà Nội nuốt vào bụng. Lãnh tụ hai nước mỗi khi gặp nhau thường lôi những khẩu hiệu này ra để nhắc nhở nhau.

Tuy nhiên, những gì xảy ra trên biển Ðông trong năm qua cho người ta cảm tưởng Bắc Kinh muốn ép Hà Nội tuân theo lời tuyên bố “lưỡi bò” (chiếm ba phần tư biển Ðông trong đó bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là của Trung Quốc.

Ðối với người dân Việt Nam, trận chiến biên giới 1979 và những gì đang xảy ra trên biển đông, khai thác bauxite, cho Trung Quốc chiếm đất rừng đầu nguồn của 10 tỉnh, luôn luôn nhắc nhở đến cái họa Bắc thuộc.

Bởi vậy cái “16 chữ vàng” kia được dân gian truyền tụng ở Việt Nam, “Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai.”

---------------------------------------------

Tin liên quan :

TIẾT LỘ VỀ CUỘC CHIẾN VIỆT-TRUNG 1979






No comments: