Sunday, January 10, 2010

VIẾT VỀ NÚI

Viết về Núi
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 10-1-2010
http://danchimviet.com/articles/1907/1/Vit-v-Nui/Page1.html
Từ thị xã Tam Kỳ đi về hướng Đông theo đường chim bay 4km là biển. Khoảng giữa thị xã và biển là một cụm núi chạy từ Bắc xuống Nam, chiều dài của cụm núi khoảng 6km. Núi không cao, chỉ thoai thoải nhưng rất đẹp rất thơ mộng, màu đất đỏ badan với những bụi cây thấp lưa thưa thỉnh thoảng mới có một vài cây cổ thụ vươn cao ngạo nghễ tỏa bóng mát che kín một vùng, là nới lý tưởng cho chim muông làm tổ. Phía Đông và Nam của cụm núi là sa mạc với những đồi cát trắng mênh mông xen lẫn với những ruộng lúa bạc màu… phía Bắc là một cái đầm khá rộng, trước đây đầy tôm cá. Mùa hè nước cạn, người nông dân với cái nơm trên tay đi một buổi cũng đầy giỏ nặng nào là cua, tôm, cá bống, cá lóc, cá rô, cá diếc… người ta chọn bắt những con to nhất. Nhưng đó là chuyện cũ, cách đây 30-40 năm. Còn bây giờ đi cả ngày trời với đủ mọi phương tiện đánh bắt kể cả bình điện (một phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt, trên danh nghĩa bị cấm nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại) cũng chỉ kiếm được một chút ít đủ ăn cho một gia đình gọi là “cải thiện” thôi.

Giữa cụm núi và thị xã Tam Kỳ là một cánh đồng hẹp nhưng phì nhiêu được bồi đắp bởi phù sa sông Bàn Thạch. (Sông Bàn Thạch giờ đã là dòng sông chết).

Dãy núi này đối với tôi đầy ắp những kỉ niệm tuổi thơ. Những ngày hè, khi phượng trên cành đỏ rực..xa thầy..xa bạn buồn ơi là buồn. Tôi đạp xe hướng về phía núi, dựng xe dưới chân núi và trèo lên sườn dốc thoai thoải để tìm trong những bụi cây thấp ổ chim Vành Khuyên và những chùm Dẻ chín. Lang thang từ đồi này qua núi nọ suốt cả buổi chiều với những mơ tưởng chuyện thần tiên.

Bây giờ dãy núi này bị tàn phá gần hết vì người ta cho xây dựng một con đường khá rộng, con đường đã ngốn đi phần lớn dãy núi. Phần còn lại người ta khai thác đất đỏ badan để làm nền cho những công trình khác…còn một phần nữa người ta cấp phép cho người dân xây nhà. Nhà xây trên núi, dưới sườn và để mở rộng diện tích (cư trú và canh tác) người dân phá núi. Ban giám hiệu Trường cấp II Lý Thường Kiệt khoét một khoảng núi lớn để làm sân bóng, làm nơi tập thể dục cho học sinh trong khi trước mặt trường đã có một khoảng đất rộng (quá rộng để các em chơi đùa và học thể dục!?) và bây giờ cái sân bóng đó người ta lại trồng keo lá tràm (nếu vậy thì tại sao phải phá núi?! Cứ trồng trên núi có đẹp hơn không?!). Tôi thật không hiểu tại sao chính quyền lại cấp phép cho dân xây dựng bừa bãi như thế. Nhìn những dãy nhà nham nhở chắp vá lôi thôi với những kiến trúc kỳ dị làm hỏng cả một cảnh quan hùng vĩ nên thơ, hủy hoại môi trường xanh đẹp. Dãy núi phía Đông thị xã Tam Kỳ gần như bị xóa sổ, một tặng vật vô giá mà thiên nhiên đã hào phóng ban phát cho người dân nơi đây bị sự vô tâm của con người phá hủy.

Tôi hay đi lang thang đây đó để thưởng ngoạn những cảnh đẹp của đất trời và không ít lần đến Chu Lai-Kỳ Hà. Từ Chu Lai đến cửa Kỳ Hà cũng có một dãy núi, cụm núi nổi lên giữa mênh mông cát trắng đẹp tuyệt vời. Dãy núi này còn hùng vĩ và nên thơ hơn dãy núi phía Đông thị xã Tam Kỳ, cũng chập chùng thoai thoải, dãy núi chạy ra tới biển, đứng trên sườn núi nhìn ra biển, biển bao la và xanh thẳm. Từ đây những ngày đẹp trời có thể nhìn thấy Khu Công nghiệp Dung Quất, hoành tráng và rực rỡ, không như khi chúng ta đến gần chỉ thấy một công trường bề bộn nhếch nhác.

Chính quyền xây dựng một con đường từ quốc lộ đến cảng Kỳ Hà (Kỳ Hà chỉ là một cảng nhỏ) chạy vắt qua một ngọn núi lớn nhất. Người ta chẻ núi ra để làm đường…phải công nhận đây là một con đường khá đẹp và thuận tiện nhưng nó như một nhát chém chẻ đôi một cảnh sắc nên thơ.

Tôi không phải là chuyên gia quản lý đô thị và xây dựng nên tôi không dám tranh luận với ai, nhưng tôi cho rằng vì sự phát triển kinh tế mà hi sinh cái đẹp của thiên nhiên hiếm quý và không thể tái tạo thì có đáng không?. Vẫn còn sự lựa chọn khác kia mà…Hay là trong nhãn quan của nhà cầm quyền, những cụm núi đó đơn giản chỉ là một đống đất cao hơn bình thường chứ nó không hề tạo nên cảm giác thẩm mỹ nào!?.. Họ không hề cảm nhận được gì từ vẻ đẹp và sự hoành tráng, nên thơ của nó?!.

Tôi có cảm tưởng là chính quyền chỉ chú trọng đến nhu cầu và lợi ích trước mắt mà thiếu tầm nhìn cho tương lai…

50 năm-100 năm nữa, đất nước chúng ta có thể phát triển gấp nhiều lần bây giờ nếu… (Nếu chúng ta có thể bảo vệ được đất nước này không để cho Trung Quốc thôn tính bằng cách này hay cách khác)…lúc đó cho dù chúng ta có nhiều tiền của và phương tiện chúng ta cũng đã vĩnh viễn mất những dãy núi này. Còn nếu bằng phương tiện và tiền bạc chúng ta cho đắp những ngọn núi khác thì cũng chỉ là giả sơn!… Nó không có cái hồn của một ngọn núi thật đơn giản nó chỉ là đồ giả.

Chúng ta vẫn hay nói về “hồn thiêng sông núi” điều đó chứng tỏ rằng sông núi cũng có hồn. Làm kinh động đến hồn thiêng sông núi là điều cấm kỵ. Nhìn những dòng sông chết, những dãy núi bị đào xới, san bằng, tôi thấy đau lòng và lo sợ, không khéo “Thiên đường sẽ biến thành Địa ngục”.

Xây dựng đất nước là trách nhiệm của chúng ta nhưng xây dựng như thế nào để đúng với chữ trách nhiệm..trách nhiệm với tương lai..với dân tộc…với thế hệ con cháu..với lịch sử để xứng đáng là người kế thừa Tiền Nhân!

© Đàn Chim Việt Online

-------------------------------

Huỳnh Ngọc Tuấn
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [1]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [2]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [3]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [4]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [5]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [6]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [7]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [8]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [9]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [10]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [11]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [12]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [13]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [14]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [15]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [16]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [17]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [18]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [19]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [20]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [21]



No comments: