Sunday, January 10, 2010

VỀ NHỮNG NHẬN XÉT của ÔNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Về những nhận xét của ông Đại biểu Quốc hội
Nguyễn Đức Hải
10.10.2010
http://www.x-cafevn.org/node/2572
Nhân đầu năm 2010, một vị giáo sư, đại biểu quốc hội có cuộc nói chuyện với phóng viên BBC về dự đoán tình hình KT-XH 2010 của nước ta và có những nhận xét về những người đối kháng. Đọc xong trang báo về tin này, nhiều người dân không khỏi ngạc nhiên đến sững sờ.

Qua cuộc nói chuyện, người ta không thấy có gì mới và cũng chẳng thấy có gì ăn nhập gì với tình hình thực tế, với những tia hy vọng hoặc những khó khăn đang tiềm ẩn trong xã hội hiện nay. Những ý kiến được đưa ra thì thường khác xa với những suy nghĩ của đa số người dân. Ông đại biểu quốc hội đã không đặt mình ở vị trí dân thường mà tỏ ra mình hiểu biết, đúng đắn hơn người để nhận xét và phán xét mọi chuyện. Những vấn đề xã hội ông nêu ra vốn có từ lâu, nhà nước đã không giải quyết được nhưng lại làm như còn mới mẻ và đơn giản hóa nó trong cách đặt vấn đề, lập luận để rồi đưa ra cách giải quyết một cách thô thiển đến hài hước…

Vấn đề mà ông đại biểu còn “băn khoăn” của năm 2009 là vấn đề đất đai và xử lý khiếu nại. Thực ra chuyện này đâu có mới mẻ gì, nó là nỗi bức xúc của nông dân từ khi đồng tiền của nhà đầu tư đổ vào để xây dựng những khu công nghiệp, những khu du lịch sinh thái, sân golf … đã làm giảm đáng kể diện tích canh tác mà dư luận đã cảnh báo từ nhiều năm nay. Đó cũng là nỗi bất bình của nhân dân về sự trì trệ, thiếu minh bạch và đôi khi còn khuất tất trong việc xử lý khiếu nại của các cấp có thẩm quyền.

Đây là những vấn đề “nổi cộm” trong xã hội, nếu không giải quyết đồng bộ từ những yếu tố nguyên nhân thì khó hoặc không thể khắc phục được triệt để. Nó là nguy cơ có thể dẫn đến hậu quả khó lường trong một đất nước nông nghiệp mà khối mâu thuẫn này đã được ấp ủ triền miên từ nhiều năm..

Những việc như thế đối với người dân hoặc có khi là đối với cả một vùng dân cư thì đây là chuyện hệ trọng, chuyện sống còn của họ, mà ông đại biểu mới chỉ “băn khoăn” thì thật là nhẹ nhàng quá đỗi. Ông cho rằng “phải đặc biệt xem xét và sửa đổi pháp luật để khắc phục”. Vậy ai “phải” xem xét, và đến bao giờ thì sửa đổi và sửa đối liệu có hợp với lòng dân hay không? Thì đó là những câu hỏi không được ai trả lời, mà người dân vẫn mong ngóng !.

Về vấn đề môi trường, ông cho biết trong năm 2009, ông đã bỏ phiếu thuận cho các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhưng với điều kiện “phải đặt vấn đề để nó (sự cố) không thể xảy ra”, “chứ còn xảy ra thì quá nguy hiểm”. Nếu vậy thì dễ dàng quá, ai cũng đồng ý với ông ngay được vì như thế đã đẩy được trách nhiệm sang cho người khác - những người thực hiện. Nhưng người dân sẽ hỏi: Đối với nhiều nước có nền công nghiệp tiên tiến mà còn có khá nhiều sự cố về nhà máy điện nguyên tử. Còn đối với nước ta với trình độ kỹ thuật và cách quản lý, điều hành kiểu này thì điều kiện ông đưa ra liệu có đáng tin cậy hay không?

Ông đại biểu tỏ ra lạc quan về triển vọng năm 2010 vì “…đã nhìn thấy những thiếu sót của năm 2009, thì nhất định 2010 sẽ khắc phục được “ (!?) Rồi “người nghèo và người dân nông thôn sẽ nhận được “tin vui” khi chính phủ thông qua những gói đầu tư hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân”. Ông cũng tin tưởng rằng sang năm mới sẽ không có chuyện “phát chẩn” hay cứu đói cho người nghèo vì năm 2009 VN vẫn xuất khẩu được 5 tr tấn lương thực.

Những ý kiến trên người dân coi như nghe chuyện tầm phào của một ông tổ trưởng dân phố mau miệng, có câu chuyện làm quà khi đến nhà dân, phải lấy lòng để dễ dàng vận động thu góp tiền ủng hộ đồng bào nghèo gập khó khăn vậy.

Nếu tiện mồm, người ta sẽ dễ dàng hỏi ông đại biểu: Thế từ mấy chục năm nay, mỗi khi các vị kiểm điểm cuối năm, có thấy được những thiếu sót của năm cũ không? Mà sao không “nhất định khắc phục được” cho năm sau? Các vị hẳn đã thấy được nguy cơ của tham nhũng và nhiều căn bệnh cố hữu của xã hội nhưng đã khắc phục được đến đâu, hay là ngày càng lan tràn trầm trọng? Nông dân VN từ khi có đảng đã nhận được biết bao “tin vui” mà sao đến thế kỷ thứ XXI rồi mà còn phải mất công để “khiếu nại quá nhiều” đến như vậy? Các vị có thấy được sự thua thiệt, bất đắc dĩ của những nước phải xuất khẩu tài nguyên thô hay lương thực không? mà lại có vẻ không đau xót về điều này?

Thế còn vấn đề tối quan trọng là bảo vệ biên giới, biển đảo sao không thấy đưa ra trong câu chuyện đầu năm để cùng …lạc quan? Hay việc này đã có…đảng, ta chỉ việc giơ tay tán thành?

Lẽ ra, là đại biểu của dân trong cơ quan lập pháp, các vị phải thấy và đề ra được những vấn đề lớn có tính vĩ mô, là nguyên nhân chi phối, quyết định những vấn đề cụ thể của xã hội. Và phải tìm cách buộc cơ quan hành pháp thực hiện bằng được những vấn đề được xem là quan trọng. Đại biểu quốc hội không phải chỉ vận chuyển suông ý kiến của dân chúng đến các cơ quan đảng, nhà nước mà phải làm tròn chức năng đáng có của mình. Nếu không được như vậy thì thà rằng đừng làm. Nhưng thôi, đối với thể chế này, với sự bằng lòng về “tự do” như hiện tại thi các vị cũng xứng đáng là đại biểu của dân rồi !

Điều đáng tiếc là ông đại biểu quốc hội này không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, nguyên nhân của những điều vô lý trong xã hội đang diễn ra ở mọi nơi, từ nông thôn đến thành phố, từ trường học, bệnh viện đến nơi công đường… Người dân trong nhiều trường hợp đã hết cách kêu cầu về nỗi ấm ức, nỗi oan khiên của mình, hết cách bày tỏ những ý kiến đúc rút từ những cay đắng đã trải nghiệm của cả cuộc đời họ, chỉ để mong cho xã hội được tốt đẹp hơn. Chính dư luận, báo chí đã từng nêu nhiều những trường hợp cụ thể, người dân đã gửi đi hàng chục cân đơn từ, đã đi đến các cơ quan công quyền từ địa phương đến trung ương, quốc hội để phản ảnh, đề đạt, kêu cầu và đợi chờ hàng tháng, hàng năm mà không được giải quyết những kiến nghị của họ.

Ông nói: “Chính phủ không phản đối góp ý kiến”. và “Bản thân tôi cũng góp ý kiến rất nhiều.” Nghe thật “ngon lành” làm sao! Nhưng thử hỏi : Cơ quan công quyền không phản đối góp ý nhưng lại coi thường, không đếm xỉa gì đến nó thì phỏng có ích gì cho dân? Dân ta vốn có tình, luôn muốn lấy hòa khí làm đầu, nhưng các vị lãnh đạo, các cơ quan có thẩm quyền thì cứ nhận đơn – không dại gì mà phản đối - rồi giở miếng võ truyền thống là: MACKENO (*) ra sử dụng. Thì hỏi đã làm gì được nhau? Có biết bao nhiêu tâm thư được kết tinh từ trí tuệ của nhiều người, được đảm bảo bằng cả sinh mệnh của mình gửi đến các cơ quan, các cá nhân có trách nhiệm nhưng đâu có được quan tâm. Thư tâm huyết gửi đi, đã không được giải quyết mà ngay việc trả lời, hứa hẹn cũng chẳng có. Và nếu không khéo, còn bị theo dõi, lôi thôi.

Vậy người dân cứ tiếp tục góp ý kiến như ông đại biểu khuyên nhủ đến bao giờ? Ông đại biểu lại còn khuyên người ta nên phát biểu “thông qua con đường tổ chức chính thức của nhà nước mà cụ thể là qua Mặt trận Tổ Quốc - một trong các thiết chế chính trị-xã hội được trao nhiệm vụ và chức năng giám sát, phản biện xã hội cho đảng và nhà nước.” Điều này ông nói là không thật với lương tâm mình, nên xui người ta đi con đường quanh co vào cái mớ bòng bong để rồi mắc lỡm: vào cũng chẳng được, mà ra cũng không xong, vì ai còn lạ gì vị trí và uy tín của Mặt trận này trong xã hội VN – đã được dựng lên là chỉ để cho đầy đủ lệ bộ mà thôi.

Đối với những người đối kháng, ông cho rằng họ “không hiểu biết” và “những người đó dại dột lắm” thì một lần nữa người ta lại phân vân không hiểu đây là do trình độ nhận thức xã hội thực sự của ông, hay vì có vấn đề về lương tri và nhân cách mà ông buông những lời như vậy?

Những ý kiến này không những trái ngược với suy nghĩ của người dân bình thường, mà còn gây bất bình đối với họ.

Hầu hết người dân cho rằng những người đối kháng, những nhà dân chủ có lý tưởng rõ ràng, họ lo lắng cho dân tộc và đặc biệt là dũng cảm, dám hy sinh. Họ không thể theo con đường “góp ý kiến” với nhà cầm quyền vì thực tế đây là con đường cụt. Không có cách nào khác là họ phải tự vạch ra và đi theo con đường riêng của mình.

Rất tiếc là trong tình trạng bưng bít thông tin nên đa số người dân trong nước chưa hiểu được chính kiến của họ. Người ta chỉ được nghe những lời buộc tội mang tính một chiều, vu khống của chính quyền - đang không còn lòng tin với dân chúng và bị những người dân chủ và đối kháng trong và ngoài nước lên án mạnh mẽ.

Tôi chợt nhớ tới một câu đã được đọc từ thuở nhỏ: Một tên tay sai của của bọn quan lại cầm quyền, sau khi đã mua chuộc không nổi, cũng buông ra một câu tương tự với ông Nguyễn Thái Học: Tôi thấy ông dại dột lắm.

Tôi cũng như nhiều người khác không có điều kiện biết đến những tài liệu của những người dân chủ, đối kháng nhưng dù có đúng, sai, thận trọng hay sơ xuất trong hành động thì những người đã dám mang tự do và cả mạng sống của mình hiến dâng cho lý tưởng vì dân, vì nước mà mình theo đuổi thì đều đáng để người ta kính phục.



No comments: