Wednesday, January 13, 2010

VÀI SUY NGHĨ về TRƯỜNG HỢP NGUYỄN TIẾN TRUNG

Vài suy nghĩ về trường hợp Nguyễn Tiến Trung
Tiểu Tốt
Thứ Tư, 13/01/2010
http://danluan.org/node/3911
Tôi là một sinh viên Việt Nam bình thường, xuất thân từ gia đình không làm chính trị, nói đúng hơn là một gia đình có cả quân nhân Việt Nam Cộng hòa lẫn bộ đội Cụ Hồ, nhưng trong số đó chẳng ai mặn nồng với thể chế mà mình bảo vệ và ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã hoàn toàn rút lui khỏi những vấn đề chính trị.

Như nhiều bạn trẻ khác, tôi được giáo dục trong nhà trường XHCN. Cho đến tận năm 19 tuổi, tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng Đảng Cộng sản và Tổ quốc là một, và báo chí trong nước nói ai có tội thì tôi tin người đó có tội. Niềm tin của tôi vào Đảng đã vững chắc trong suốt từng ấy năm, nhưng ngay khi tôi vừa tiếp xúc với luồng thông tin "lề trái" một thời gian ngắn, nó sụp đổ hoàn toàn.

Về phần Nguyễn Tiến Trung, tôi có nghe về anh từ lúc còn học cấp 3, lúc anh gửi thư cho "thầy" Nguyễn Minh Hiển, nhưng tôi không quan tâm. Tôi đã tin rằng anh "bị các thế lực lưu vong mua chuộc" và chẳng chóng thì chầy cũng sẽ bỏ cuộc. Quan niệm cá nhân của tôi cho rằng những ai hành động vì bị mua chuộc sẽ không bao giờ kiên trì với mục tiêu của mình.

Thật ngạc nhiên, nhiều năm sau, anh vẫn tiếp tục "bị mua chuộc" (!) để lập ra "Tập hợp Thanh niên Dân chủ" và phát hành tạp chí thanh niên Phía Trước.

Tôi có đọc Tạp chí Phía Trước và trang web của Tập hợp Thanh niên Dân chủ. Tôi có tìm hiểu về Nguyễn Tiến Trung. Qua những nguồn ấy, tôi biết về Trung, tổ chức của anh, và tờ báo của anh, Tuy nhiên, đó chỉ là “biết”.

Tôi thành thực xin lỗi vì đã nhập đề quá dài dòng. Điều tôi muốn nói ở đây là những cảm nhận của tôi, một công dân trẻ bình thường, không thuộc phe phái chính trị nào, về Nguyễn Tiến Trung và cuộc đấu tranh của anh. Anh đã làm cho tôi không còn tin tưởng tuyệt đối vào Đảng Cộng sản và Chủ nghĩa Cộng sản, giúp tôi có được một cái nhìn đa chiều hơn, khách quan hơn, và tôi cảm ơn anh về điều đó. Tuy nhiên, mặc dù anh làm cho tôi bớt tin Đảng, anh vẫn chưa thể làm cho tôi tin vào anh.

Đó là lý do tôi đặt bút viết bài này. Tôi trân trọng những tấm lòng yêu Tổ quốc. Tôi trân trọng sự hy sinh. Nhưng tôi không tán thành những sự hy sinh (mà theo tôi là) không đáng có.

Tôi đã thử làm một cuộc thăm dò nho nhỏ (và kín đáo) trong số bạn bè mình. Trong 10 người, thì có khoảng 7 người cho Trung là “phản động”, 2 người không quan tâm và 1 người tin rằng Trung yêu nước.

Với kết quả này, tôi mạo muội kết luận rằng Trung về nước lúc này có phần liều lĩnh (và nóng vội?). Anh chưa tạo được ảnh hưởng sâu rộng với thanh niên trong nước (điều mà có thể anh đã làm được với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài). Có lẽ cũng dễ hiểu vì Đảng rất giỏi tuyên truyền (và cấm đoán). Mặt khác, mặc dù uy tín của Đảng đang tuột dốc, nó vẫn chưa đủ lung lay. Trừ những người được hưởng lợi trực tiếp từ thể chế này ra thì vẫn còn một số rất đông quần chúng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tin rằng nay mai Đảng sẽ thay đổi (như đã từng thay đổi thời ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt). Đối với bộ phận thanh niên, họ vừa mới “ra lò” từ nhà trường XHCN, họ sôi sục niềm tin vào Đảng, vào “hoa thơm nắng đẹp của CNXH” (vào những gì họ bị nhồi vào óc suốt mười mấy năm trời), hoặc họ không quan tâm vì cho rằng chính trị không phải chuyện của mình. Số thanh niên có cơ hội tiếp xúc (và nhìn nhận khách quan) với thông tin “lề trái” đa số tập trung ở các thành phố lớn, và tôi xin khẳng định, đó là một bộ phận rất nhỏ. Với tình hình như vậy, Nguyễn Tiến Trung có rất ít cơ hội nhận được sự ủng hộ ở Việt Nam.

Như vậy, anh về nước, nhập ngũ, giải ngũ, bị bắt, gần như hoàn toàn đơn độc (chỉ xét cộng đồng trong nước). Những người thường dân tặc lưỡi nói “Đáng đời thằng phản động”, hoặc “Còn trẻ mà làm chính trị chi cho bị tù tội, tội nghiệp”. Thanh niên thì nói: “Ông đó cuối cùng cũng vô tù rồi hả?”. Dĩ nhiên ngoại trừ những người quan tâm thời cuộc, nhưng tôi xin nhấn mạnh, đó là một bộ phận rất nhỏ.

Tóm lại, Trung đã dấn thân và hy sinh, nhưng về hiệu quả đấu tranh thì khó nhận thấy rõ ràng.

Tôi chỉ là một sinh viên bình thường, tuổi đời còn trẻ, tiếp xúc chính trị chưa lâu, non cả về kiến thức, tầm nhìn và kinh nghiệm. Do đó, bài viết này chỉ nói lên những ý kiến và lập luận hoàn toàn cá nhân. Rất mong độc giả và cộng tác viên Dân Luận phản hồi, góp ý để tôi có thể mở mang hiểu biết của mình. Xin trân trọng biết ơn.



No comments: