Thursday, January 14, 2010

ĐỪNG "BỌ XÍT" ĂN TIỀN NHƯ THẾ NỮA

Đừng "Bọ Xít" ăn tiền như thế nữa!
T.P.
Theo blog Trần Nhương
14/01/2010
http://danluan.org/node/3916

Bài này được đăng trên blog Quê Choa cách đây mấy hôm, nay đã được cất đi. Dân Luận xin đăng lại để độc giả thưởng lãm...

Cứ vào dịp có ngày kỷ niệm, trên loa Đài TNVN, báo TNVN, mạng Điện tử VOVNews Đài TNVN lại thấy xuất hiện bài, không ca ngợi “thành qủa” của cách mạng Việt Nam, thì lại ca ngợi “thành quả” cách mạng của các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây, dù bây giờ không còn. Nội dung những bài báo này, đọc thì xuôi, nhưng thấy nó cũ rích và lỗi thời như thế nào ấy. Hơn nữa, bài nào cũng ná ná như bài nào, chỉ rặt một nhận thức:
Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại, mang đến ánh sáng cho nhân loại, mở ra con đường đấu tranh cho các dân tộc bị áp bức vùng lên lật đổ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng cho loài người; Chủ nghĩa xã hội là đích đến tất yếu của nhân loại, giai cấp vô sản là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa Mác- Le nin vô địch muôn năm…
Để chứng minh “sức sống trường tồn” của những ý nghĩa trên, bài báo viện dẫn, nào là Mác - An ghen nói thế này, Mác - Lenin nói thế kia, đến rối mù tang tít cả lên. Các bài báo này, được phát thanh viên “gạo cội” đọc oang oang trên loa Đài TNVN, post trang trọng trên mạng VOVNews Đài TNVN và đăng trang trọng trên báo TNVN. “Trang trọng” hơn nữa, trong phần ghi danh tác giả, không có bài nào lại quên đề hàng núi chức danh: Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng giám đốc Đài TNVN,… (gọi tắt là GS, TS… từ đây) Vũ Văn Hiền.
“Nhận thức thời đại” đầu tiên là những bài báo này chỉ xuất hiện ở ba loại hình thông tin trên do chính GS, TS… Vũ Văn Hiền làm chủ quản.
Đi vào học thuật, dù đọc chỉ một lần, “Nhân dân” đã ngờ ngợ, các luận điểm của GS, TS… Vũ Văn Hiền đưa ra, chẳng khác gì các luận điểm đã in trong giáo trình triết học Mác- Le nin có từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Lạ lùng hơn nữa, ở bất kỳ bào báo nào, nội dung cũng giống giống nhau đã đành mà “ní nuận” cũng vậy, tựa như GS, TS…Vũ Văn Hiền mất công “cop py” một lần và dùng đi dùng lại.
Tỷ dụ như, một bài báo, GS, TS…Vũ Văn Hiền viết và “đăng” trên ba loại hình thông tin nêu trên của Đài TNVN, thế này: “Lịch sử xã hội loài người cứ tiến theo quy luật của nó với những nấc thang phát triển xã hội sau cao hơn xã hội trước và cuối cùng nhất định tiến tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Những nấc thang vô cùng lớn lao đó là những thời đại được đánh dấu bằng cột mốc lịch sử, những sự kiện trọng đại hoặc những cuộc cách mạng điển hình."(1).
Có học sinh tốt nghiệp phổ thông nào mà lại không biết điều này, nhưng thưa GS, TS…Vũ Văn Hiền, lịch sử không phải là một đường thẳng hay như một viên bi ve lăn trên mặt gương phẳng. Nó là một thứ chỉ xẩy ra rồi người ta mới nhận thức được nó một cách chính xác, nó là hơn hay là kém, nó đi thẳng hay đi vòng. Đúng không nào? Ở một bài khác, GS, TS…Vũ Văn Hiền lại viết:
“Lịch sự xã hội loài người thường được đo bằng những thiên niên kỷ, thế kỷ, thập kỷ, năm tháng, ngày giờ. Nhưng còn có một cách đo khác sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn là xác định sự phát triển xã hội bằng những chuyển biến, những thay đổi có tính bước ngoặt được bắt đầu bằng những sự kiện đặc biệt báo hiệu sự chuyển hóa về chất của đời sống xã hội đó. Đó là cách phân định xã hội bằng thời đại, là việc đưa vào những tiêu chí nhất định để phân kỳ lịch sử và đặt tên cho nó.”(2).
Lòng vòng quá. Nói gọn lại (theo ý ông) là, lịch sử xã hội loài người thường được đo bằng thời gian và sự kiện đặc biệt. Nhưng ở đoạn trích thứ nhất, ở một bài báo khác, GS, TS…Vũ Văn Hiền lại cho nó chỉ liên quan đến sự kiện đặc biệt. GS, TS…Vũ Văn Hiền bỏ tính thời gian ở đây đi đâu mất rồi? Tại sao GS, TS…Vũ Văn Hiền lại bỏ đi vậy? GS, TS…Vũ Văn Hiền có hai định nghĩa về “lịch sử xã hội loài người” ư?. Thực là “ní nuận” theo kiểu “copy”. Lúc “copy” được nhiều thì trích nhiều, lúc “copy” được ít thì trích ít.
Các bài báo của GS, TS Vũ Văn Hiền dạng “ní nuận”, tuy có khá nhiều, nhưng bài nào cũng ná ná như bài nào, là vì vậy.
Nổi bật trong các bài báo này là hai bài báo xuất hiện trong năm 2009 trên ba loại hình thông tin nói trên, là bài “Việt Nam thênh thang đường lớn”, công bố vào dịp Xuân Kỷ Sửu 2009 và một bài “Nhận thức về thời đại ngày nay”, công bố vào dịp đầu tháng 12 (trên báo TNVN ngày 1.12). Đây là hai bài báo “mở đầu, khóa đít” năm 2009 của GS, TS…Vũ Văn Hiền, thuộc loại, những tác phẩm “ní nuận kiệt xuất” có một không hai tại thời điểm này ở Việt Nam và thế giới.
Hãy xem GS, TS… “ní nuận” những gì?

1. Bài báo “nổi tiếng” thứ nhất
Đó là bài báo có nhan đề: “Việt Nam thênh thang đường lớn”. Lác qua cái tít thấy ngay có điều lạ. “Việt Nam thênh thang đường lớn”, tức Việt Nam là con đường lớn à? Núi sông là đất đá, nhân dân là nhựa đường à? Nhất định không phải rồi. Chữ nghĩa của GS, TS…Vũ Văn Hiền gì mà lạ vậy? Hay GS, TS…Vũ Văn Hiền định ám chỉ một thời Việt Nam là con đường thênh thang cho các thế lực ngoại bang đến rày xéo: Mỹ vào để ngăn chặn sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản; Liên Xô đến thử vũ khí; Trung Quốc chỉ đạo Việt Nam “Quyết đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”. Để rồi, khi “cuộc cờ” này tàn, Việt Nam mất đứt Hoàng Sa, một phần Trường Sa, và “con đường lớn” thì tanh bành, tan hoang, xương trắng ngập cả núi sông, biển cả, và mấy triệu người ma - da -cam, sống khó như là chết.
Hành trang của “Việt Nam thênh thang đường lớn” năm 2009 gồm những gì? Theo GS, TS…Vũ Văn Hiền là:
- Chúng ta đã đánh đổ thực dân phong kiến, đánh thắng Pháp, thắng Mỹ (không có thắng Bành trướng Bắc Kinh đâu nha - TG), thành quả của 22 năm đổi mới và “Bóng đá nước ta vô địch Đông Nam Á”.
“A, á. Ối! Cha già dân tộc ơi! Có nơi nào như dân tộc ta không, đem cả đội bóng đá mới vô địch một lần ở vùng trũng bóng đá của thế giới để đi làm ăn kinh tế, ngoại giao với thế giới?”. Có hay không nhỉ? Sao GS, TS… Vũ Văn Hiền không dẫn chứng các nước, có đội bóng, mấy lần vô địch thế giới, mấy lần vô địch châu lục, đã được chính phủ nước đó đưa vào “hành trang” ngoại giao, “hành trang” kinh tế, “hành trang” kiến thiết đất nước giống như ở Việt Nam ta, để thuyết phục bạn đọc? Tôi tin chắc là GS, TS… Vũ Văn Hiền có tìm cũng không thấy, vì có nước nào lại “mang” cái thứ đó như GS, TS…Vũ Văn Hiền đang mang ở Việt Nam đâu?
Hành trang chỉ có những thứ đó mà “Việt Nam thêng thang đường lớn” cùng với thế giới được ư? Giáo sư, TS…Vũ Văn Hiền biết thế giới ngày nay, hành trang “đi” của họ gồm những gì không? GS, TS…Vũ Văn Hiền biết Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ chính trị - kinh tế của khu vực thế giới? Với một núi học vị và núi chức danh, GS, TS… hãy tìm sách, báo, internet mà đọc, mà hiểu đi.
Nhưng, thưa các bạn, thế giới thế nào thì kệ họ, Việt Nam mình, theo sáng kiến của ông GS, TS… Vũ Văn Hiền, thì cứ phải mang theo. Nếu không, tại sao GS, TS… Vũ Văn Hiền lại hồ hởi như thế này: “Những điều kể trên không thể không nói là tuyệt vời, những chặng đường vượt khó năm qua (2008- TG) phải khẳng định là kỳ diệu”.
Và rồi với niềm tin mãnh liệt vào sự thành công của cách mạng Việt Nam luôn mang tính quy luật, năm sau lớn hơn, to hơn, cao hơn năm trước, GS, TS…Vũ Văn Hiền hoàn toàn mãn nguyện và “ngâm thơ”:
“Ai đang đọc thơ hay ta đang ngân nga,
ai đang hát hay lòng ta đang hát.
Mùa xuân đất nước,
thênh thang đường lớn ta đi”.
Thưa ông GS, TS,…Vũ Văn Hiền! Bây giờ đã hết tháng 12-2009, tức là đã đi hết chặng đường của năm 2009 với hành trang năm 2008 của GS, TS và “thênh thang đường lớn” , dân tộc mình đã gặt hái được những gì?
Có thể tổng kết như sau:
- Tăng trưởng GDP đạt 5,2/ 7% kế hoạch;
- Nợ nước ngoài lên tới 28 tỷ USD, chiếm hơn 44.6% GDP, mỗi người dân phải cõng nợ 350 USD, bóng bóng kinh tế sắp vỡ;
- Quan tham ô, tham nhũng tràn lan, dường như không có thuốc chữa;
- Thị trường tiền tệ hỗn loạn. Đồng tiền mất giá 20%;
- Quan ngày một giầu lên, dân ngày một nghèo đi;
- Thảm họa cho dân tộc ở Tây Nguyên đã khởi động;
- Biển Đông đã và đang mất chủ quyền với Trung Quốc;
- Nghị viện châu Âu ra nghị quyết cảnh báo Việt Nam về vi phạm quyền con người (sai đúng thế nào?);
- Toàn cõi miền Trung và Tây Nguyên bị hai cơn bão tàn phá, tang thương ngất trời, chưa từng có từ trước đến nay. Trong đó có nước từ các nhà máy thủy điện xả ra, làm tăng thêm sự ngập lụt cho dân;
- Người Việt Nam đi đến đâu cũng bị các dân tộc khác coi thường, đến lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước đến gặp lãnh đạo nước người ta mà phải đi từ phía cổng sau;
- Vân vân và vân vân
Thưa GS, TS…Vũ Văn Hiền! GS, TS… có thể “quá bộ” vào miền Trung và Tây Nguyên, đem niềm tin tưởng có thơ minh họa mà GS, TS… dự báo cho tương lai dân tộc Việt Nam năm 2009 và ngân nga thơ cho dân ở đây họ nghe:
“Ai đang đọc thơ hay ta đang ngân nga,
ai đang hát hay lòng ta đang hát.
Mùa xuân đất nước,
thênh thang đường lớn ta đi”,
xem họ có “cà chua trứng thối” vào mặt GS, TS… không? Thậm chí, nếu chẳng may mà Bộ Chính trị xem được, dù có bận bịu đến mấy cũng có “quyết định tập thể” không thể cho qua mà phê vào lề bên trái cái bài “Việt Nam thênh thang đường lớn” những chữ: "Ba hoa sít tốc, xạo, xuyên tạc sự thật", phạm vào điều 88 Bộ Luật Hình sự, tội tuyên truyền chống chế độ, có thể bị bắt, giam và đi học tập…
GS, TS…Vũ Văn Hiền hãy dũng cảm nhìn lại mình đi, để cho đỡ tủi hổ với hàng núi danh vị: GS, TS… đang khoác trên mình; còn không, thì cũng tùy bụng GS, TS…thôi! Dù sao thì dân tộc Việt Nam cũng đã đi qua năm 2009 rồi.

2. Bài báo “nổi tiếng” thứ hai
Đó là bài có nhan đề: “Nhận thức về thời đại ngày nay”, dài trên 3000 từ.
Bài này GS, TS…Vũ Văn Hiền “xùy” ra sau khi GS, TS… họp Hội nghị Trung ương Đảng và họp Quốc hội XII, Kỳ họp thứ 6. Tôi đồ rằng, bài này là một công trình nghiên cứu lớn của GS, TS… Vũ Văn Hiền với tư cách là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhằm phục vụ cho đường lối Đại hội Đảng X sắp tới. Bài viết đề cập một vấn đề thật to tát -“Nhận thức về thời đại ngày nay”- được chia thành 3 phần:
Phần một (không có tít phụ);
phần hai: “Quan niệm về thời đại”;
phần ba: “Nội dung thời đại ngày nay”;
phần bốn: “Những vấn đề hiện nay”.

Cứ tưởng GS, TS…Vũ Văn Hiền có cái nhìn mới dựa vào thực tế mới đề “ní nuân”, nào nghờ vẫn chỉ là thực tiễn cũ, quan điểm cũ và đương nhiên luận điểm cũng cũ, nó giống như những gì cách đây sáu, bảy chục năm những người cộng sản ở những nước cộng sản đã nói đến; nó cũng na ná như giáo trình triết học Mác- Lê nin của nước ta có từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, dạy cho học viên từ sơ cấp đến cao cấp. Tỷ dụ, ở phần 2 “Quan niệm về thời đại”, ông GS, TS... Vũ Văn Hiền đã đưa ra những cơ sở “ ní nuận” như thế này:
“Sự phân chia các thời đại trong lịch sử nhân loại là một công việc không đơn giản, xuất phát từ những cơ sở, tiêu chí khác nhau. Có nhiều cách phân chia và cách hiểu về thời đại.
Cách phân chia thời đại dựa trên những tiêu chí kỹ thuật như thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, thời đại cối xay gió, thời đại máy móc hơi nước, thời đại tên lửa, vũ trụ và thời đại tin học…
Phân chia dựa vào những yếu tố đặc thù của xã hội như thời kỳ (thời đại) mông muội, dã man, gia trưởng, văn minh.
Phân chia thời đại theo nền văn minh. Như văn minh phương Tây, văn minh Khổng giáo (nho giáo), văn minh Nhật Bản, văn minh Mỹ la-tinh, văn minh Châu Phi. Cũng có quan điểm chia lịch sử loài người thành 3 nền văn minh kế tiếp nhau tương ứng cới các thời đại: Văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp”.

Ai có chữ mà chẳng biết, mỗi cách chia đều có cái ưu và cái nhược của nó. Chẳng có cách chia nào lại có thể “ôm” hết được cái ưu và “thải” được hết cái nhược. Đến như khoa học tự nhiên, 2 cộng với hai bằng 4, cũng không bất biến nữa là. Đã có khoa học lại chứng minh đầy lo gich rằng, hai cộng với hai không phải bằng bốn, không chỉ bằng bốn… Khoa học tự nhiên đã vậy, nói chi khoa học xã hội. Ấy thế mà, để chứng minh triết học Mac-Le nin, cái gì cũng đúng, cái gì cũng hơn, GS,TS…Vũ Văn Hiền vẫn “ní luận” như “đinh” đã đóng vào “cột”:
“Nhìn chung, những cách phân chia nêu trên đều có sự khái quát cao, đều có những căn cứ và có những yếu tố hợp lý nhất định, nhưng tất cả đều là cách nhình phiến diện, mới chỉ nhấn mạnh được một vài khía cạnh của sức sản xuất, không chỉ ra được tính chất tổng hòa của đời sống xã hội và đặc biệt là không nêu được động lực chính của sự phát triển lịch sử xã hội.
…Theo Mác và Ăng-ghen, lịch sử phát triển xã hội loài người cho đến thế kỷ XIX là các hình thái: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa. Từ đó, các ông đã rút ra kết luận là hình thái kinh tế -xã hội cộng sản chủ nghĩa tất yếu sẽ thay thế hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa.
Như vậy, có thể hiểu thời đại theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, thời đại là một khái niệm chính trị - kinh tế - xã hội khái quát tiến trình phát triển của lịch sử loài người, là thời gian rất dài để chỉ sự phân kỳ lịch sử xã hội và để phân biệt những nấc thang phát triển của hình thái kinh tế xã hội mà theo đó nấc thang cao hơn, tiến bộ hơn sẽ phủ định nấc thang cũ, lạc hậu để mở đường cho sự phát triển một thời đại mới. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân loại bắt đầu một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới”...

Thật là, có bị tâm thần mà kêu trời ơi đất hỡi cũng còn có người nghe được, chứ bây giờ mà khăng khăng cả thế giới đang ở “… thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới”... thì tâm thần hoang tưởng đã dao động hết biên độ rồi, hết thuốc chữa. Nhưng thôi, không lãng phí thời gian tranh luận những cái thuộc về màu xám - “ní nuận”, trời ơi, đất hỡi này làm gì. Vả lại, tôi đích thực không phải nhà “ní luận” quen “tầm chương trích cú”, lấy của người khác paste lên trang giấy của mình, rồi ký tên mình để thành của mình, nên xin được trở lại với tác phẩm “ nổi tiếng”: “Nhận thức về thời đại ngày nay”, xem GS, TS… Vũ Văn Hiền “Nhận thức về thời đại ngày nay” những gì và như thế nào?

Có thể tóm tắt như thế này:
1 – Tiếp tục “Xóa bỏ chủ nghĩa tư bản đồng thời thiết lập những cơ sở của xã hội là xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa” mà khởi đầu của nó từ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917.
2 - Sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô không thuộc về bản chất của chủ nghĩa xã hội.
3 - Tuy bị sụp đổ nhưng lý tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại vẫn cao đẹp. Cách mạng tháng Mười Nga vẫn là “tiếng chuông đánh thức lịch sử, báo hiệu một trang mới của lịch sử thế giới”.
4- Sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản là tất yếu. Chủ nghĩa tư bản vẫn đang giãy chết.
5- Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa*.
Thưa GS, TS...Vũ Văn Hiền, tôi không có cáí mác học vị như ông, không có chức vụ như ông, chỉ là người có đọc tin tức hàng ngày, cũng nhận ngay ra rằng, nhưng điều GS, TS… viết ra, lại là những điều cũ rích, lỗi thời, thuộc dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Về cả 5 vấn đề nhận thức thời đại của GS, TS…Vũ Văn Hiền, tôi xin thưa lại như sau:
Không ai nhận thức về thời đại ngày nay như GS, TS… Vũ Văn Hiển nữa đâu. Nhận thức của nhân loại ngày nay là, thời đại mà Cách mạng tháng Mười Nga (như GS, TS… nói đi, nói lại) mở ra, nay đã sụp đổ hoàn toàn trên quy mô toàn thế giới. Thực chất của Cách mạng tháng Mười Nga, cũng chỉ là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, không mang một ý nghĩa thời đại nào và càng không thể là “tiếng chuông đánh thức lịch sử, báo hiệu một trang mới của lịch sử thế giới”. Nó chỉ là cuộc khởi nghĩa như bao cuộc khởi nghĩa khác trong lịch sử đấu tranh và phát triển của nhân loại. Có khác chỉ ở cái áo - Cộng sản - mà thôi. Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, do những người Cộng sản lãnh đạo, mục tiêu số một cũng là giành chính quyền như bất kỳ cuộc khởi nghĩa nào khác. Vì vậy, nêu nói tốt thì là tốt, nếu nói xấu thì là xấu. Cái chính là, cái chính quyền được dựng nên sau khởi nghĩa thành công, có tốt hay không, mới là điều quan trọng, và điều tối cần thiết là phải xem họ cai trị như thế nào. Xem xét chế độ Cộng sản cũng không thể lấy tiêu chí nào khác. Vậy thì, những người Cộng sản Nga và Đông Âu, sau khi giành được chính quyền và qua 70 năm tồn tại, họ cai trị như thế nào và để lại gì?
Thực tế đã quá rõ ràng. Họ để lại đau thương cho loài người. Họ xâm lược. Họ hủy hoại núi sông. Họ tiêu diệt văn hóa. Họ tàn sát con người, đặc biệt là những đồng bào, đồng chí, những người cùng vào sinh ra tử với họ. Liên Xô, thành trì và trái tim của phe Xã hội chủ nghĩa, trừ những người cầm quyền ra, tất cả mọi tầng lớp nhân đều bị những người Cộng sản cầm quyền cầm tù, khủng bố, hạ sát mấy chục triệu người? Trung Quốc, nội bộ Cộng sản tranh giành quyền lực, đấu đá hạ sát lẫn nhau, phong trào “Nhà nhà làm gang thép”, “Đại nhảy vọt”, “Diệt chim sẻ”, “Cách mạng văn hóa”… đã trực tiếp và gián tiếp tiêu diệt đến 90 triệu con người; Khermer đỏ, theo Trung Quốc, hạ sát tàn bạo 2 triệu người. Những người đồng chí Cộng sản khác ở Ba Lan, Đức, Bun ga ri, Hung ga ri, Tiệp Khắc, Việt Nam… số người bị Cộng sản hạ sát có thể thấp hơn, nhưng không có một Đảng Cộng sản cầm quyền nào lại không vấy máu nhân dân, đầy đọa nhân dân… Đây là một sự thật không thể chối cãi. Một nhận thức thời đại không thể không nhận thức. Vậy thì, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, thực chất giải phóng cho ai, đem lại lợi ích cho ai? Thực chất, sau khi giành được chính quyền, những đồng chí Cộng sản, không sớm thì muộm, đều hình thành một nhà nước độc quyền, toàn trị, lấy tiêu diệt, hạ sát làm ranh giới, không cho bất cứ một thành phần, lực lượng nào tham gia, không nghe và tiếp thu bất kỳ một ý kiến phản biện nào… Nó là một nhà nước quân chủ trá hình. Quân chủ thật thì “cha truyền con nối”. Quân chủ giả cầy - Cộng sản - thì chỉ truyền cho những người đồng chí của mình, về sau cũng cha truyền con nối như Triều Tiên, Trung Quốc, Cu Ba và cả Việt Nam nữa. Một nhà nước như vậy, sao gọi là có dân chủ “triệu lần hơn dân chủ tư sản” có nền chính trị đa nguyên và thể chế luật pháp tam quyền phân lập rõ ràng.
Cách mạng tháng Mười Nga, thực chất, cũng chẳng phát ra một ánh sáng khác lạ nào hết; chẳng mang một tầm thời đại nào hết; chẳng mang tính cách mạng xã hội nào hết. Nhân dân, cũng như trước đây, là lực lượng chính làm nên cách mạng, nhưng sau đó, kẻ bị trị, không ai khác cũng chính là nhân dân. Cách mạng tháng Mười Nga cũng chỉ có giá trị không hơn không kém như vậy. Khác chăng chỉ là sự khát máu và tàn bạo hơn so với những chính quyền trước đó…
Chính vì vậy mà sau 70 năm, trải qua mấy thế hệ nhân dân phải “thắt lưng buộc bụng”, làm trâu chó hoặc bị thủ tiêu để xây dựng Chủ nghĩa xã hội với hy vọng có ngày được “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, họ đã buộc phải vùng lên lật đổ chính quyền Cộng sản ngay tại nơi thành trì và trái tin của Chủ nghĩa Cộng sản. Chẳng có lực lượng thù địch nào đem tư tưởng và vũ khí đến cho nhân dân ở những nước này. Nhân dân ở những nước Cộng sản này không thể chịu đựng hơn được nữa, vì tội ác của cộng sản, thuộc loại ghê gớm nhất, kinh khủng nhất, xưa nay chưa từng có, được cả loài người tiến bộ ghi nhận là “phạm tội ác chống lại loài người”; các nhà lý luận đương đại khẳng định: “Chủ nghĩa Cộng sản sinh ra là một sai lầm của lịch sử”. Vì những lý do đó, nó hoàn toàn không thể tồn tại, hoàn toàn không có lý thuyết nào khả dĩ biện minh để nó tồn tại, trừ nhà “ní nuận” GS, TS…Vũ Văn Hiền ra.
Cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu được mang tên Cách mạng Nhung, nghĩa là cuộc cách mạng cũng lật đổ chính quyền, nhưng không có đổ máu, không có đổ bể, không có đập phá (Duy nhất đập phá bức tường Berlin ngăn Đông Đức và Tây Đức). Cuộc cách mạng như vậy mới đích thực là cuộc cách mạng mang tầm thời đại và đương nhiên sẽ là hiện thực để có nhận thức mang tầm thời đại cho hết thảy mọi người. Nó khác hẳn tất cả các cuộc cách mạng trước đó. Những người Cộng sản cầm quyền và chưa cầm quyền, những người sáng tạo ra chủ thuyết và theo chủ thuyết Cộng sản nằm lòng với luận điểm “Đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển”, “Chính quyền đẻ ra từ họng súng”… có mơ cũng không thể hình dung lại có một cuộc cách mạng như thế, một cuộc cách mạng thật sự khác về chất so với tất cả các cuộc cách mạng trước đó.
Đấy mới là những điểm mới đáng để con người “Nhận thức về thời đại ngày nay”.

Một nhận thức khác. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, đã làm cho thế giới “phẳng” đi và “gần” lại, cảm giác nhân loại đang sống chung một mái nhà, ngày một rõ rệt hơn. Biên giới cứng bị “thay” bằng biên giới “mềm” và cả nhân loại đang quay lại con đường làm ăn và cai trị xã hội như của Chủ nghĩa Tư bản, trong đó động lực để phát triển xã hội, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân là con đường phát triển của trí tuệ. Trí tuệ mới phát kiến ra công cụ, cải tiến và hoàn tiện công cụ để tăng năng xuất lao động. Cạch mạng mang mầu sắc giai cấp, suy cho cùng, bao giờ cũng là sự phá bỏ, hủy hoại, đổ vỡ, của cải bị mất đi, con người bị tàn sát, sao có thể là “động lực thúc đấy xã hội phát triển” được. Trong một thế giới, của cải tăng theo cấp số cộng, con người tăng theo cấp số nhân, của cải trên trái đất là hữu hạn, vì vậy, làm gì có một xã hội đứng riêng một chỗ để mà“làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nó chỉ là cái bánh vẽ, mị dân, lừa người. Giai cấp Công nhân trên giới, đặc biệt ở những nước công nghiệp phát triển, đại đa số nhận thức như vậy. Con đường sống của họ là lao động làm ra của cải và đấu tranh và cái mới của sự đấu tranh là không sử dụng phương pháp bạo động cách mạng. Họ ý thức được rằng, lao động và đấu tranh là con đường tồn tại và phát triển liên tục cho đến ngày trái đất “tận thế” và dẫn theo sự “tận thế” của loài người. Và vì vậy, chí ít, để có một sự phân chia công bằng, chính quyền không thể không tồn tại. Một nhà nước mà không phải nhà nước, do dân, vì dân, của dân - như học thuyết của những người Cộng sản - mà không có luật pháp và thượng tôn luật pháp, sẽ chỉ là một xã hội của “cái Bang” mà thôi. Một nhà nước của dân, do dân, vì dân, có pháp luật và thượng tôn pháp luật được tổ chức theo thể chế chính trị đa nguyên và thể chế quyền lực tam quyền phân lập, sẽ là một xã hội có nề nếp, trật tự, quyền của con người được bảo đảm, công dân được bầu cử và ứng cử bình đẵng. Những nước theo thể chế chính trị đa nguyên và thể chế luật pháp “tam quyền phân lập”, lãnh đạo đất nước, từ thấp đến cao, đều do tất cả công dân trực tiếp bầu ra một cách tự do.
Những nước có thể chế như vậy, hiện nay là những nước tư bản và theo chủ nghĩa tư bản. Nó đã và đang là đích đến trước mắt của tất cả các dân tộc văn minh. Vậy thì, lấy lý do gì để giai cấp công nhân sẽ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản?”, để mà Chủ nghĩa tư bản vẫn đang giãy chết. Sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản là tất yếu, và Chủ nghĩa xã hội tất yếu phải thay thế chủ nghĩa tư bản, và Việt Nam vẫn vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Nhận thức về thời đại ngày nay, là tất cả các dân tộc đều hướng tới một xã hội: công bằng, dân chủ, văn minh. Hiện tại, chưa có mô hình nhà nước nào có một nền kinh tế phát triển, có một nền dân chủ hơn mô hình nhà nước tư bản với một nền chính trị đa nguyên và một thể chế quyền lực “tam quyền phân lập”, thì lý do gì mà trước hết họ lại không muốn có một chủ nghĩa tư bản trong đất nước mình? Sau sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu, có thể nói, thời đại ngày này là thời đại quá độ đi lên tư bản chủ nghĩa của những nước Cộng sản, kể cả nhưng nước cộng sản đang cầm quyền. Điều này, cũng không thể không “Nhận thức trong thời đại ngày nay”, thưa GS, TS…Vũ Văn Hiền.

Một nhận thức mang tầm thời đại nữa là: Thế giới, thực chất cũng không còn cộng sản đích thực. Vì Cộng sản đã có gần một trăm năm cai trị, để lại “địa chấn” máu và nước mắt cho nhân loại, đã là một nhẽ; nhẽ khác, những người Cộng sản hiện đang cầm quyền ở những nước Cộng sản, có ai còn là Cộng sản đích thực nữa đâu. Những người Cộng sản cầm quyền, hãy nghiêm túc nhìn lại mình đi, xem ngày ngày mình thích sài đồ gì, tư bản thích sài đồ gì? Hãy soi gương cái bụng to phình của mình đi, đếm xem trong bụng phình đó đang chứa mấy triệu, mấy tỷ USD, trong khi nhân dân thì mấy nghìn, mấy triệu người đang lần hồi cơm cháo qua ngày không đủ. Đứng trước sự bât công đó, cạ chính là họ không biêt kêu vào đâu!
Không lừa được ai nữa đâu, khi có ai đó vẫn say sưa vỗ ngực bình và hét lên: “Tôi là cộng sản. Tôi là cộng sản chân chính đây”, thưa ông GS, TS… Vũ Văn Hiền.

Có lẽ bản thân GS, TS... Vũ Văn Hiền cũng biết qúa rõ điều này. Chẳng qua là vì chức quyền, lợi lộc mà GS, TS…Vũ Văn Hiền cố tình lờ đi mà thôi. GS, TS… hãy “yên tâm đi”, sự biến chất cộng sản, chẳng phải riêng một ai đâu, mà “diễn biến hòa bình” đã, đang lan tràn trong toàn cõi Việt Nam và khắp thế giới rồi. Vì vậy, nhận thức mới của cả loài người đã “toài” ra một khái niệm mới “tư bản đỏ” để chỉ những người Cộng sản có chức, có quyền như GS, TS…Vũ Văn Hiền, to hơn GS, TS…Vũ Văn Hiền và nhỏ hơn GS, TS…Vũ Văn Hiền. Ngay cả cái sự biến chất cộng sản này, nhận thức của cả thế giới cũng đã cũ kỷ lắm rồi. Thế giới người ta đã chỉ ra rằng, ở chế độ tư bản, người tư sản chiếm hữu quyền lực sau khi đã chiếm hữu của cải. Còn ở chế độ Cộng sản, người Cộng sản chiếm hữu quyền lực rồi mới chiếm hữu của cải - Quyền lực là của cải. Đây cũng là vấn đề của “Nhận thức về thời đại ngày nay” không thể bỏ qua. Tiếc là phần Cộng sản chân chính trong GS, TS… Vũ Văn Hiền, trong những người Cộng sản có chức, quyền to hơn GS, TS…Vũ Văn Hiền, trong những người Cộng sản nhỏ hơn GS, TS…Vũ Văn Hiền không còn, nên GS, TS…Vũ Văn Hiền mới không dám chỉ ra. “Nhân dân” ở Đài TNVN xét ông như thế này: Từ khi về Đài TNVN, một năm tiêu mấy trăm tỷ tiền của nhân dân do Chính phủ cấp, ông, thuộc hạ, con cái ông đã “béo” lên trông thấy. Có thể phải cần một “công trình” nghiên cứu mới tải hết. Nhưng đấy là chuyện của “lỗi hệ thống”, xin hẹn bạn đọc vào một dịp khác nha. Ở đây, “Nhân dân” chỉ “kể” về 2 bài báo vang danh của GS, TS… và mạo muội kết lại một nhận thức đang không thênh thang đường lớn Việt Nam:
Cái mới xẩy ra mới là cái cần phải nhận thức. Cái cũ, thiên hạ nhận thức chán chê rồi, nó thuộc dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, thì cần gì phải nhận thức nữa, nếu không có gì mới, khác. Là trí thức thì phải cập nhật thông tin. Với hàng đống học vị, chức sắc, lại là “Tổng Tư lệnh” một kênh thông tin khổng lồ của Việt Nam, GS, TS… cũng nên giành thời gian mở mắt ra mà đọc, vểnh tai lên mà nghe, rồi suy nghĩ cho nó chín hãy viết, đừng “ bọ xít” “nhai đi, nhại lại” những luận điểm cũ rích, lỗi thời, nhằm che đậy cái đuôi con nòng nòng, để rồi tiếp tục “ăn” thêm học vị, “ăn” thêm chức sắc, “ăn” thêm tiền… của nhân dân nữa, trước khi chế độ cáo chung. Trí thức không thể như con sáo, con vẹt, học gì nói ấy, hay như một số loài giun, ăn cái gì ị ra cái ấy, mà không thấy có dấu ấn của sự “tiêu hóa” nào. Chẳng lẽ, GS, TS…Vũ Văn Hiền không biết nhân dân Việt Nam đã gọi cái đám giáo sư, tiến sĩ kiểu này là đám “gà sống thiến sót” từ lâu rồi hay sao?
“Ăn, ị” như vậy mãi, nó không những có hại cho dân tộc đang mong cầu tiến bộ mà còn có hại cho thanh danh của GS, TS…nữa. Đây cũng là vấn đề của “Nhận thức về thời đại ngày nay”ở Việt Nam không thể bỏ qua. Xin GS, TS…Vũ Văn Hiền đừng làm xấu thêm giới trí thức nước nhà đang sống và làm việc chân chính ngày ngày nữa**.

Nhân dân. Tháng 12/2009

------------------------------

* Thực ra, tất cả các bài viết của ông Vũ Văn Hiền cũng chỉ loanh quanh với 5 vấn đề này.
** Các bài “ní nuận” của ông Vũ Văn Hiền, nghe trên Đài TNVN, đọc trên báo TNVN, đọc trên VOVNews.vn


No comments: