Wednesday, January 13, 2010

TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ và VỤ JETSTAR PACIFIC

Truyền thông quốc tế và vụ Jetstar Pacific
Reuters/The Australian
13/01/2010 - 17:14
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/truy%E1%BB%81n-th%C3%B4ng-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-v%C3%A0-v%E1%BB%A5-jetstar-pacific
Ông Peter Jonker, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh tiểu bang Tây Úc – Việt Nam phát biểu: “Theo tôi, nếu sự kiện Jetstar Pacific kéo dài hoặc nếu nó tạo ra kết cục xấu thì có thể ngăn cản một số doanh nhân Úc đầu tư vào Việt Nam.”

Giám đốc Điều hành Daniella Marsilli và Giám đốc Tài chính Tristan Freeman thuộc hãng hàng không Jetstar Pacific hiện bị cấm rời khỏi Việt Nam trong lúc chính quyền điều tra việc hãng này thua lỗ tới 31 triệu đô la Mỹ trong năm 2008-2009. Sự kiện này tương tự vụ Trung Quốc bắt giữ bốn nhân viên cao cấp của Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto, Úc có liên quan đến gián điệp thương mại. Các tổ chức kinh doanh cho rằng vụ bắt giữ hai nhân viên người Úc thuộc hãng Jetstar Pacific có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Hôm thứ Hai 11/1 ông Peter Jonker, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh tiểu bang Tây Úc – Việt Nam cho tờ The Australian biết “Theo tôi, nếu sự kiện Jetstar Pacific kéo dài hoặc nếu nó tạo ra kết cục xấu thì có thể ngăn cản một số doanh nhân Úc đầu tư vào Việt Nam.”
Trong khi đó ông Alan Joyce, Giám đốc điều hành hãng Qantas đã lên tiếng bênh vực hai nhân viên cao cấp Marsilli và Freeman. Hai người này chưa bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và được tự do làm việc như bình thường. Hộ chiếu của họ cũng không bị tịch thu. Ông Joyce phát biểu: “Dĩ nhiên chúng tôi lo ngại. Chúng tôi lo ngại cho sức khỏe của nhân viên. Đây là quan tâm ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi hiện đang làm việc rất sát sao với các quan chức.”

Nguyên nhân phía sau?
Dưới nhan đề ‘Các giám đốc hãng Qantas bị vướng mắc trong vụ tranh chấp trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam’, ông Steve Creedy, phóng viên chuyên về hàng không của tờ The Australian tường thuật về một số vấn đề liên quan tới vụ Jetstar Pacific, trong đó có việc cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam ông Lương Hoài Nam.
Bài báo hôm thứ ba cho biết, hai nhân viên cao cấp người Úc bị vướng mắc vào cuộc tranh cãi có liên quan tới ý thức hệ trong nội bộ chính quyền cộng sản ở Việt Nam, trong đó có vấn đề mức lương ‘cao’ trong công ty mà Qantas đầu tư - Jetstar Pacific.
Bài báo cho biết hôm thứ Hai 11/1 tòa đại sứ Việt Nam ở Úc từ chối bình luận về vấn đề Jetstar Pacific.
Vẫn theo tờ The Australian, có bằng chứng cho thấy cho thấy hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific bị vướng vào cuộc đấu tranh giữa những người thuộc chủ trương cứng rắn với những người trong chính quyền muốn giải phóng kinh tế Việt Nam. Trong khi Bộ Tài chính hậu thuẫn cho Jetstar Pacific thì Bộ Giao thông Vận tải chỉ trích gay gắt hãng hàng không này. Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ cho Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).
Tờ The Australian cho biết vụ rắc rối mà kết quả là việc cơ quan an ninh Việt Nam bắt giữ cựu Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Lương Hoài Nam, dẫn tới việc Bộ Giao thông Vận tải đặt nghi vấn về khâu bảo dưỡng của Jetstar Pacific và yêu cầu hãng hàng không này không được để thương hiệu Úc trên thân máy bay vì nó quá ngoại quốc.

Lương bổng và hợp đồng xăng dầu
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã kiểm tra cổ đông chi phối của Jetstar Pacific là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) và đã đặt câu hỏi về vấn đề thua lỗ trong việc ký hợp đồng mua xăng dầu trước với mức giá cố định để phòng ngừa rủi ro. Vụ kiểm tra cũng tạo nhiều tranh cãi liên quan tới vấn đề lương bổng tại SCIC cũng như tại Jetstar Pacific.
Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Việt Nam hồi tháng trước, ông Lương Hoài Nam, người đã bất ngờ từ chức khỏi Jetstar Pacific hồi tháng 11 năm ngoái, đã lên tiếng bênh vực cho việc mua xăng từ trước để đề phòng giá tăng cao và vấn đề tiền lương của các giám đốc. Ông nói chính sách lương bổng của Jetstar Pacific dựa trên ý kiến từ công ty tư vấn Mỹ Mercer và việc trả lương cho các giám đốc người nước ngoài được dựa trên mức lương họ nhận được ở Úc. Những khoản lương này cũng nhằm đền bù cho các khoản chi phí khác như nhà cửa, học phí và bảo hiểm sức khỏe. Ông Nam phát biểu: “Lương của các giám đốc này tại Úc cao do đó chúng tôi cũng phải trả lương cao cho họ.”
Tuy nhiên, vào tuần trước, tờ Tuổi Trẻ trích thuật lời nhân viên điều tra nói rằng ba nhân viên hãng Jetstar đã làm ngơ chỉ thị của hội đồng quản trị cho phép họ chỉ được mua trả trước xăng máy bay tới cuối năm 2008 nhưng họ vẫn tiếp tục việc mua bán này cho tới tháng Năm 2009. Cũng theo VietnamNet, Jetstar Pacific dự tính sẽ thu lại lợi nhuận trong năm tài chính 2008-2009 thế nhưng cuối cùng lại để lỗ 31 triệu đô la Mỹ vì hãng bị thua lỗ trong việc mua xăng dầu với giá cố định để phòng khi giá lên cao.
Giám đốc hãng Qantas Ông Joyce phát biểu về thua lỗ của Jetstar Pacific: “Vụ thua lỗ này nằm trong khuôn khổ rủi ro kinh doanh toàn cầu. Cuộc điều tra này chỉ chú trọng tìm hiểu một vấn đề duy nhất. Đó là việc liên quan tới việc mua xăng dầu trả trước với mức giá cố định để phòng ngừa rủi ro.”
Vụ Jetstar Pacific diễn ra trong bối cảnh các thị trường tài chính và công nghiệp hàng không thế giới đang lâm vào tình cảnh rối loạn. Các hãng hàng không Virgin Blue của Úc, Singapore Airlines, Cathay Pacific và Malaysia Airlines cũng thông báo họ bị lỗ trầm trọng vì giá xăng dầu tăng cao dữ dội khi hệ thống tài chính thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng.


No comments: