Saturday, January 9, 2010

TRUNG QUỐC : NHỮNG NỖI LO SỢ CÓ THỨC và TƯỞNG TƯỢNG

Trung Quốc: Những nỗi lo sợ có thực và tưởng tượng
Francesco Sisci
Nguồn:
Asia Times
Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
08.01.2010
http://www.x-cafevn.org/node/2568
Lời người dịch: Xin giới thiệu một bài viết của Francesco Sisci, ký giả, thông tín viên, bình luận gia chuyên về Trung quốc của tờ La Stampa và tờ Thời báo Á Châu. Ông hiện thường trú tại Bắc kinh và là giám đốc Viện Văn hóa Ý tại Bắc Kinh. Bài viết này, thể hiện quan điểm của một người phương Tây về cái gọi là "sự nổi dậy của một Trung Quốc vĩ đại"...

Một số người phương Tây khi quan tâm đến sự trỗi dậy của Trung Quốc đã cho rằng sự kiện này ít quan trọng hoặc dễ đương đầu. Một số khác lai cho là có tầm trọng yếu, bắt nguồn từ kích thước lãnh thổ rộng lớn, dân số đông và tính cách quá khác biệt của văn hóa của Trung Quốc so với phương Tây. Trung Quốc không thể thay đổi bản chất của họ để làm cho mình trở nên ít đáng sợ, và họ cũng không cần phải thay đổi như thế. Nhưng trong một tầm quan trọng khác, thực ra Trung quốc có thể thay đổi.
Không phải tất cả các vận nạn của Trung Quốc đều có tính cách nội bộ. Ngay bên ngoài đất nước này, sự nổi dậy của họ đã tạo ra rất nhiều nỗi lo sợ, Một số dè dặt, một số thực trầm trọng.
Giữa những nỗi lo sợ bình thường thường thấy trong số người Mỹ là đã nhìn Trung Quốc như là một làn sóng thứ hai của đợt Hiểm Hoạ Da Vàng (Yellow Peril) vốntừng đe dọa Hoa kỳ trong thập niên 1980, khi mọi người tưởng như Nhật Bản đã có thể thay thế được Bắc Mỹ. Trong kịch bản mới lần này, công nhân Hoa kỳ nhìn thấy công ăn việc làm di chuyển sang Trung Quốc vì các đầu tư đang chuyển đến xứ sở ấy; đồng thời, lại nhìn thấy Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, một đất nước đã giữ cho Hoa kỳ trồi được trên mặt nước bằng cách mua trái phiếu của mình.
Vì thế, Trung Quốc được xem như một phiên bản hiện đại của nhân vật Ebenezer Scrooge, bức tranh biếm họa của Charles Dickens vào giai đoạn phát triển công nghiệp ban đầu ở Anh Quốc. Đó là câu chuyện kể về một quốc gia ăn cắp công ăn việc làm khiến bao dân thường phải thất nghiệp trong lúc vẫn là những nhà tài chính bủn xỉn cấp vốn cho những món nợ trác táng của người Mỹ, trong khi vẫn như đang sẵn sàng chờ thời cơ để đưa Hoa Kỳ đến chỗ phá sản.
Tuy nhiên, bất kể mức độ cảm nhận sâu sắc đến dường nào, đấy vẫn chỉ là những nỗi lo sợ nhỏ. Những nhận thức loại này có thể giải quyết và điều chỉnh được dễ dàng. Nói cho cùng, ngay cả nhân vật Scrooge cũng có một chiều cạnh mềm mỏng như các trẻ em thường được nhắc nhở đến khi đọc tác phẩm A Christmas Carol.
Hơn nữa, những người tỉnh táo hiểu đều được rằng Trung Quốc ngày nay không phải là Nhật Bản của những năm 1980; chuyện di chuyển công ăn việc làm không phải chỉ hạn chế ở Trung Quốc, mà là một quá trình toàn cầu phức tạp: công ăn việc làm cũng đi về Mexico, Bangladesh, Châu Phi v.v.... Còn đối với vấn đề tín dụng, Trung Quốc đỡ đần vốn cho Hoa kỳ nhưng vấn đề ở chỗ là do Hoa Kỳ chi tiêu quá tay và tiết kiệm quá ít. Bên cạnh đó, với quá nhiều tín dụng trong tay Trung Quốc, vấn nạn sẽ không phải ở phía Hoa Kỳ, kẻ mang nợ, mà chính là ở phía Trung Quốc, một khi họ không thể thu hồi được món nợ lớn như thế mà không gây nguy hiểm đến riêng sự cân đối kinh tế và tài chính của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, có bốn vấn đề lớn hơn đang dự phần khiến cái bóng che dọa nạt của nhân vật Scrooge trở nên trầm trọng hơn:

Dân số và kích cỡ của lục địa Trung Quốc:
Trung Quốc là một trong những quốc gia rộng lớn nhất về địa lý và có dân số lớn nhất thế giới. Dân số Ấn Độ cũng gần tương tự và ngày càng tăng nhanh hơn - sẽ vượt qua Trung Quốc trong một vài thập kỷ. Toàn thể tiểu lục địa Ấn Độ đã có hơn 1 tỉ rưỡi người, hơn hẳn Trung Quốc, vốn vẫn đang ở dưới mức 1 tỉ 4.
Tuy nhiên, dân số của Ấn Độ bị chia ra trong nhiều khía cạnh. Có những phân chia do tôn giáo (Ấn giáo hoặc Hồi giáo - chỉ ghi nhận ở hai tôn giáo lớn nhất của tiểu lục địa này), có những phân chia vì ngôn ngữ dân tộc- (Ấn-Âu ở phía bắc và Dravidian ở phía nam), và những phân chia "quốc gia" (các nước Bengalis mặc dù thuộc Ấn -Âu, vẫn tự khẳng định mình là những quốc gia riêng biệt). Cùng hàng chục ngôn ngữ chính thức cũng chia nhỏ đất thêm nước này. Kết quả Ấn Độ là một mê cung của những khác biệt, trong khi Trung Quốc có vẻ khá đồng nhất. Khoảng 95% dân số đất nước này tự nhận mình là người Hán. Trong 55 sắc dân của Trung Quốc chỉ có hai sắc dân tạo ra những khó khăn thực sự với nhà nước Hán tộc rộng lớn là người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) thì hai tộc dân này chỉ chiếm tổng cộng khoảng 1% tổng dân số của Trung Quốc.
Trung Quốc, được liên kết theo ngôn ngữ và văn hóa, cho đến nay vẫn là một mực độ tập trung con người lớn nhất trong một khu vực giới hạn của những người cùng chia sẻ một cội nguồn từ đó cùng chia xẻ một số phận chung. Và những người này chiếm hơn 20% dân số thế giới - một khối lượng vừa lớn vừađủ vững chắc để ảnh hưởng đến cả thế giới.

Tốc độ thay đổi và phát triển
Khối lượng người này cũng đang phát triển rất nhanh chóng. Trong 30 năm qua Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình gần 10% một năm. Với tốc độ này, nền kinh tế của họ tăng gấp đôi mỗi tám năm, và như vậy, trong 32 năm sẽ tăng lên đến 16 lần kích thước của mình vào năm 1978, năm khởi đầu công cuộc cải cách. Ở mức này, trong khoảng 20 năm, khi phát triển 8 đến 16 lần lớn hơn như hiện nay, họ sẽ vượt qua Hoa Kỳ. Năm 1840, tại thời điểm Chiến tranh Nha phiến, tổng sản lượng quốc nội của Trung Quốc được hơn 30% của cả thế giới. Có thể phải cần đến vài thập niên, có thể là 60 năm, để đạt đến mức ấy một lần nữa, tuy nhiên để đạt được mức thu nhập đầu người của một người phương Tây trung lưu, Trung Quốc sẽ cần phải duy trì phát triển rất nhanh, có lẽ phải đến một thế kỷ nữa.
Trung Quốc vẫn giữ mình cô lập với thế giới bên ngoài đến tận thế kỷ 19. Nhưng hiện nay họ đang lan tràn vào phần còn lại của thế giới, bằng việc mua và xuất khẩu đến tận hang cùng ngõ ngách trên thế giới. Trong năm 2009, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, và người dân Trung Quốc đang mở các doanh nghiệp, nhà hàng ăn và các hãng xưởng ở khắp mọi nơi. Đây quả là một cuộc chơi rất khác với thế kỷ 19.
Những thay đổi về chính trị toàn cầu và kinh tế mà các dự đoán này ám chỉ ra là những điều nhức óc và không thể tính toán được.
Điều chắc chắn duy nhất là những thay đổi mang lại từ sự nổi dậy của Trung Quốc sẽ làm thu hẹp những thay đổi từng xảy ra bởi sự phát hiện châu Mỹ vào năm 1492. Chỉ có một cuộc xâm lược của những người bên ngoài hành tinh hay công cuộc thuộc địa hóa Hoả tinh mới có thể là to lớn hơn được. Đối với phương Tây, và đặc biệt đối với châu Âu, những thay đổi này có thể là sự kết thúc của một quan điểm vốn chỉ từng tập trung vào chính mình, một loại giống như sự kết thúc của Đế quốc La Mã.
Trong một vài thập niên nữa, Trung Quốc có thể trở nên một nền kinh tế dẫn dắt toàn châu Á, khi kinh tế các nưóc châu Á đang phát triển sẽ xoay quanh Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là một lục địa vốn là nhà ở của 60% dân số thế giới ấy sẽ trở thành trung tâm của cả thế giới. Điều này có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của Trung Quốc đạt đến tiêu chuẩn GDP của phương Tây, và tổng GDP của Trung Quốc sẽ lớn đến mức 50% của GDP toàn cầu - một kỷ lục mà Trung Quốc có thể đã đạt được trước đây, nhưng hiện nay trong ý nghĩa của một nền kinh tế toàn cầu hóa, những con số này mang lại nhiều ý nghĩa hơn thế. Hoa Kỳ đã từng có hơn 50% GDP toàn cầu vào cuối Thế chiến thứ hai, khi phần tất cả thế giới còn lại đã bị ném bom đến gần chết và bỏ hoang phí.
Đúng, Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tập trung một nửa sự giàu có của toàn cầu mà không phải tốn một viện đạn, nhưng điều ấy có ngụ ý gì? Không ai biết cả, và tất cả mọi người chỉ có thể tin vào những người Trung Quốc khi họ từng nói rằng "chúng tôi sẽ không vội vã". Chắc chắn thế, như chúng ta đã nhìn thấy, họ chẳng có ích lợi gì mà phải vội vã, nhưng chính bản thân họ cũng không biết điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, chúng ta đã lo sợ một điều không biết rõ, khiến trở nên đáng sợ hơn nhiều khi Trung Quốc không phải là "một người của phe mình".

Một nền văn minh xa lạ
Từ góc nhìn của phương Tây, không có nền văn minh nào xa lạ hơn là nền văn minh của Trung Quốc. Người Ai Cập cổ đại và Babylon sớm sáp nhập với nền văn minh Hy Lạp rồi kết hợp nên truyền thống La Mã. Vịnh Ba Tư đã được xếp riêng ra và luôn luôn là kẻ thù, là mối đe dọa cho Đế quốc La Mã. Hồi giáo là một tôn giáo cùng một Thượng Đế với người Do Thái và các Kitô hữu vốn thống trị châu Âu và phương Tây. Văn minh Ấn Độ vẫn ở khoảng cách xa, nhưng đã được tiếp xúc với phương Tây từ thời Alexander Đại Đế, ngoài ra văn minh Ấn độ còn là một loại văn hóa Ấn-Âu: các vị thần và các huyền thoại của họ chia sẻ cùng một ngồn gốc ngữ học như thế giới Hy – La.
Trung Quốc thì rất khác lạ. Đất nước này đã cô lập trong suốt thiên niên kỷ đầu tiên của các phát triển lịch sử. Ảnh hưởng ngoại lai lớn lao và sớm nhất có thể kiểm chứng được là ở vào khoảng thế kỷ thứ nhất, với sự xuất hiện của Phật Giáo từ Ấn Độ. Một tôn giáo chỉ di chuyển về phía đông chứ không đi về phía tây, để cuối cùng đã gần như biến mất khỏi vùng tiểu lục địa, trong khi lại phát triển và thịnh vượng ở Trung Quốc, khiến Trung Quốc càng trở nên kỳ lạ hơn nữa khi so sánh với phương Tây.
Một tiếng nói như giọng hát, một loại chữ viết tượng hình, một sự khiếm khuyết về tôn giáo hiểu theo ý nghĩa phương Tây,một sự vắng bóng các vị thần thánh có hệ thống và ngay cả cách dùng đũa, chứ không phải bằng tay để ăn (từ rất lâu trước khi nĩa và dao trở thành tiêu chuẩn ở phương Tây) của người Trung quốc đã khiến họ cách biệt hẳn với phương Tây. Thậm chí không cần phải xem xét đến sự việc trong nhiều thế kỷ Trung Quốc đã từng yên thân mình, không quan tâm đến việc tham gia vào công cuộc đổ xô buôn bán khi người châu Âu bắt đầu phát hiện ra châu Mỹ. Do vậy, đối với người phương Tây và các thế hệ sau này,Trung Quốc vẫn là loại người rất giống với người Sao Hỏa sống trên trái Đất.
Hơn nữa, không giống như các nền văn minh khác, như người Mỹ trước thời Columbus hoặc những người ở Châu Phi, vốn dễ bị xóa sổ vì một cơn dịch bệnh, súng đạn và những thử thách, Trung Quốc đã có một nền văn minh mềm dẻo, khó có thể bị triệt hạ.
Lại còn nền văn minh và ngôn ngữ của họ rất khó khăn đối với người nước ngoài. Trẻ em phương Tây chỉ cần khoảng sáu ngày để học những căn bản đọc viết bằng bảng chữ cái. Cùng công việc ấy, một đứa trẻ Trung Quốc phải mất sáu năm – cả hệ thống tiểu học của Trung Quốc về cơ bản chỉ để dạy một đứa trẻ các căn bản về đọc viết mà thôi.
Một thế giới quá khác biệt trở thành quan trọng như vậy thật là một nỗi sợ rất khách quan đối với những người không phải là người Trung Quốc.

Một nền chính trị không dân chủ
Trên tất cả những nỗi sợ hãi và quan tâm đó, lại ít khi được thảo luận công khai, thậm chí không dám thừa nhận, là một nỗi sợ luôn luôn được đưa ra trước là một hệ thống chính trị khác, thống trị bởi Đảng Cộng sản. Nỗi lo sợ về một đất nước không dân chủ là nghiêm trọng, nhất là khi nhiều nước đã nổi lên từ hơn 50 năm dài chiến tranh Lạnh. Nhưng nỗi sợ hãi thứ tư này phải được nhìn thấy trong bối cảnh của ba nỗi sợ đầu tiên.
Khi chủ nghĩa cộng sản bị lật đổ ở Nga, đất nước này đã trở thành "bình thường" nhanh chóng trong nhận thức phổ biến ở Tây phương, dù các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã khá biết là Nga vẫn còn có một kho sức mạnh hạt nhân. Các mối quan tâm hiện tại dính dáng nhiều đến sự độc đoán đang thay đổi nước Nga sau khi Vladimir Putin năm giữ quyền lãnh đạo chính phủ. Nhật Bản, dù đã từng là một quốc gia dân chủ trong 50 năm qua, và đã từng nhu mì dễ bảo với chính sách đối ngoại của Hoa kỳ, vẫn còn bị xem là những mối lo sợ và nghi ngại ở phương Tây.
Tương tự như thế, ngay cả nếu Trung Quốc có áp dụng toàn bộ theo một hệ thống chính trị như Hoa Kỳ, cũng vẫn luôn còn đó những nỗi lo sợ vì những khác biệt và sự thách thức về văn minh cùng tốc độ tăng trưởng và kích cỡ to lớn của đất nước này.
Phương Tây đã chiến đấu với chủ nghĩa cộng sản và các tư tưởng độc tài khác ngay từ trong quốc nội ra cả quốc ngoại trong gần một thế kỷ, bất kể chúng ta gọi hệ thống chính trị của Trung Quốc là gì, vẫn là một sự độc đoán và chỉ di chuyển một cách chậm chạp ra khỏi cái khuôn độc đoán của mình – quá chậm chạp như thể một sự giả tạo và sẵn sàng để đảo ngược bất kỳ lúc nào.
Và ngay cả chúng ta có tin vào tiến trình này, như thể có những bằng chứng cho sự đổi thay, thì hệ thống ấy vẫn còn khác biệt, các đặc điểm còn lại của chúng vẫn còn rất khác biệt với các đất nước khác, và hệ thống chính trị cùng tiến trình tạo quyết định của họ thì bí hiểm, khó thấy và ít trong sáng hơn các hệ thống chính trị phương Tây. Trung Quốc đã thay đổi để hội nhập với thế giới, họ vẫn còn giữ lại các tính cách rất khác biệt với các hệ thống dân chủ trong thế giới phát triển. Trung Quốc đã di chuyển về các hướng minh bạch rõ ràng hơn, nhưng vẫn còn khoảng cách xa lắm so với các tiêu chuẩn phương Tây. Ở phương Tây, các nhà báo hoặc thậm chí người dân bình thường cũng có thể được tham dự các cuộc tranh luận, điều trần của quốc hội và dự phần vào các dịp quan trọng khác khiến thay đổi đến quyết định của chính phủ. Ở Trung Quốc, truy cập đến các sự kiện như vậy là rất giới hạn.
Chính tiến trình lựa chọn lãnh đạo, có tầm quan yếu trong bất cứ nước nào, thường hiển thị rõ ràng ở các nước đang phát triển, còn ở Trung Quốc vẫn là một bí ẩn. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã được chọn bằng cách nào? Tập Cận Bình (Xi Jinping) và người được coi như kế nhiệm ông được chọn lựa ra sao? Ai tham gia vào các quá trình lựa chọn đó ? Ai chống đối ai? Lựa chọn đó có thể đảo ngược được không? Các đối thủ về quyền lực chính trị, thành phần không thể tránh khỏi ở bất cứ nước nào, làm việc như thế nào tại Trung Quốc? Tất cả những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác chỉ có thể được trả lời bằng sự phỏng đoán, phần lớn những câu hỏi như thế xảy ra đúng như loại chính trị theo kiểu Liên Xô hay kiểu Mao. Ở các nước phát triển, những câu hỏi như vậy có câu trả lời rõ ràng và công khai, mặc dù có phải xử lý kín đáo. Tại Trung Quốc cũng có những xử lý ngầm, kín đáo, dưới gậm bàn, nhưng bản thân cái gậm bàn ấy không lộ ra mà bị bao phủ trùm kín trong bí ẩn.
Việc thiếu minh bạch và sự khác biệt giữa hai hệ thống chính trị là nguyên nhân của mối quan tâm có thực và nghiêm trọng. Các ý đồ của Trung Quốc đa phần vẫn còn khó dò, trong khi ý định của phương Tây phần lớn mở ngỏ, và bất kỳ tiến trình tạo quyết định nào cũng đều phải đi qua tranh luận công khai với các loại ủy ban cùng báo chí, và vì thế các ý định đa phần đã rõ ràng từ rất lâu trước khi chúng được đưa vào thực hiện.
Sự khác biệt này vừa có tính thực tiễn vừa có tính chiến lược: làm thế nào để mình đối phó với Trung Quốc khi ý định của họ không rõ ràng và họ có thể có các chương trình hành động lâu dài bí mật? Vì vậy, áp lực với Trung Quốc cho sự dân chủ hóa: một Trung Quốc dân chủ, với tất cả những rủi ro và sự nguy hiểm của sự việc bị cám dỗ từ quyến rũ của chủ nghĩa quốc gia, sẽ dễ dàng để đo lường và đối phó hơn là đối với một Trung Quốc bí ẩn, đóng kín cửa.

Những gì có thể thay đổi và không thể thay đổi
Trong danh sách những nỗi sợ hãi này có những điều mà Bắc Kinh có thể thay đổi và những thứ không thể. Bắc Kinh có thể phấn đấu để trở nên "Tây" hơn trong nền văn minh của mình, họ có thể phổ thông hóa việc sử dụng tiếng Anh và khuyến khích việc học các ngoại ngữ và các văn hóa khác,nhưng sẽ là điều xuẩn ngốc khi nghĩ rằng Trung Quốc có thể ngưng là Trung Quốc. Trong thực tế, họ không bao giờ hành động như thế - vì điều ấy đó sẽ là một tổn thất rất lớn cho nền văn minh của thế giới. Trung Quốc có thể học hỏi các nền văn hóa khác nhau, nhưng không thể và không nên quên bỏ nét riêng của mình.
Trung Quốc đã cố gắng giảm kích cỡ của mình. Bốn mươi năm kiểm soát sinh sản lên đến cao điểm trong chính sách mỗi nhà một con chặt chẽ và gây nhiều tranh cãi sẽ giảm bớt 400 triệu người trong tổng dân số Trung Quốc, nếu không thì bây giờ đã có thể đã tăng vọt quá 1 tỉ 7. Đây là sự hy sinh to lớn nhưng cần thiết đối với Trung Quốc cho việc tích lũy riêng thịnh vượng và có lợi cho tăng trưởng của mình. Hiện nay Bắc Kinh đang rút lại chính sách này,vì phải đương đầu với những vấn đề của một dân số lão hóa rất lâu trước khi họ có thể đạt đến sự phát triển đầy đủ. Nhưng không thể nghĩ rằng dân số của Trung Quốc có thể sút giảm đáng kể nhờ ma thuật. Ngược lại, có thể là họ sẽ tiếp tục tăng lên một cách chậm rãi trước khi ổn định được ở một kích thước khổng lồ, tính theo bất cứ tiêu chuẩn nào.
Tương tự như vậy, chắc rằng họ sẽ không làm chậm lại sự phát triển của mình. Hàng triệu người dân muốn có được sự giàu có trong khi đến nay chỉ một thiểu số nhỏ dân của họ cho đạt được. Trước khi xem xét đến áp lực chính trị và xã hội, mối nguy hiểm của các cuộc đấu tranh giai cấp giữa người giàu và kẻ nghèo, nhu cầu kinh tế phải mở rộng thị trường trong nước, v.v và v.v, Trung Quốc sẽ cần phải duy trì sự tăng trưởng nhanh chóng của mình, đơn giản là chỉ để cho nhiều người có thể đạt đến một cuộc sống tốt đẹp hơn càng sớm càng tốt. Vì cùng một lý do, không thể ước ao một sự chậm phát triển của Trung Quốc. Và sẽ khó có thể nghĩ rằng tinh thần doanh thương của người dân Trung Quốc có thể dễ dàng bị ngắt bỏ bởi các chính sách của chính phủ trung ương.
Trong khi ba mối lo sợ đầu tiên không thể giải quyết được, mối lo sợ thứ tư có thể và cần phải được giải quyết, như một phương cách cách cần thiết để làm dịu bớt ba nỗi lo sợ kia.
Ngẫu nhiên, chính sách cai trị của Mao Trạch Đông, vốn được coi là sự chống lại căn bản của xu hướng hiện tại về phát triển và mở rộng trên thế giới, hầu như đã làm ngưng trệ cuộc phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc trong hơn 30 năm, lại chính là một phước lành cho những ai muốn giữ Trung Quốc ở bên ngoài bản đồ chính trị và kinh tế thế giới. Để rồi, đối với những kẻ thù của Trung Quốc ở nước ngoài, công thức thực sự để triệt hạ Trung Quốc là chính là hãy hỗ trợ cho một cuộc cách mạng mới kiểu Mao, cái sẽ mang lại những đau khổ và kinh hoàng. Và đối với các nhà cai trị Trung Quốc muốn ngăn chặn các chính sách giả trá khỏi lợi ích của người Trung Quốc, thì quy luật tốt nhất là cứ theo dõi những ai muốn trở lại với các phương pháp và tư duy của chủ nghĩa Mao ngày xưa.

Nguồn:
Asia Times


No comments: