Tuesday, January 12, 2010

TRÁI CÂY TRUNG QUỐC PHÁ HUỶ NỘI TẠNG

Trái cây Trung Quốc “phá hủy nội tạng” làm nóng dư luận Việt Nam
Phùng Thức/Người Việt
Monday, January 11, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106754&z=2
Những ngày gần đây, tin tức từ nhiều nguồn đáng tin cậy (tất nhiên không phải từ hệ thống tuyên truyền của chế độ) là trái cây Trung Quốc có chất độc phá hủy nội tạng người tiêu dùng. Lo về chuyện này, một nhà văn Việt kiều từ nước Úc xa xôi đã vội gởi một cái mail cho bạn bè và gia đình nhằm mục đích cảnh báo.
Mới đây, có người chứng kiến một gia đình nhà giàu mới ở Tân Bình lâm vào cảnh hốt hoảng như bị cài bom khủng bố khi phát hiện người giúp việc đi chợ đem về cho một đống trái quýt không hột của Trung Quốc.
Về chuyện hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có những chất gây độc hại thì chỉ cần lấy chuyện sữa bột có chứa melamin là đủ kinh tởm. Riêng về chuyện trái cây Trung Quốc, từ những diễn đàn thông tin tự do cho biết, Hàn Quốc đã phát hiện rau và trái cây nhập từ Trung Quốc có chứa melamin. Ðài Loan cũng cấm nấm, cà chua, cần tây và nhiều loại rau khác từ Trung Quốc. Ðài Loan nghi ngờ trong rau có nitrit natri, một chất gây ung thư cho người dùng. Tại Thái Lan, Bộ Y Tế nước này phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu ở mức nguy hiểm được tìm thấy trong nhiều mặt hàng rau quả Trung Quốc v.v...
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công Thương, danh mục trái cây nhập cảng từ Trung Quốc rất đa dạng. Vào thời điểm gần Tết, các chợ lớn, nhỏ ở Sài Gòn và khắp các tỉnh thành từ Bắc tới Nam, nhiều loại trái cây Trung Quốc đang vào mùa bày bán la liệt. “Trái cây Trung Quốc về nhiều nhất là quýt, lựu, nho, cam đỏ, hồng... Một bà bán trái cây ở Chợ Lớn cho biết. Trái cây Trung Quốc có ưu thế, chất lượng, hình thức đẹp. Mấy năm trước lúc hàng mới nhập, dân còn tin, bán giá cao tiền lời đếm sướng tay, từ ngày có tin đồn hàng Trung Quốc ăn vào phá hủy nội tạng giá quýt chỉ còn một nửa mà cũng ít người mua. “Tôi bán mà tôi không dám rớ thì ai dám ăn, chỉ có điều hàng nhập về ào ào phải lấy bán, chỉ thấy tội nghiệp dân nghèo.” Chị H, thương lái chợ đầu mối nông sản Thủ Ðức cho biết, vừa nhập về khoảng 10 tấn trái cây, trong đó hơn 70% là hàng Trung Quốc. Một số tiểu thương khác thừa nhận, “Chúng tôi biết trái cây Trung Quốc có chất làm ngọt, chất bảo quản độc hại... nhưng không biết rõ cụ thể là chất gì, độc hại đến mức nào nên vẫn bán.”
Trở lại tin trái cây Trung Quốc có chất phá hủy nội tạng, dư luận trong nước khá bất ngờ khi người phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vội cải chính là, “Ðại sứ Quán Việt Nam ở Trung Quốc không đưa ra bất cứ thông tin nào về việc trái cây Trung Quốc có chất phá hủy nội tạng.”
Khác với chuyện nói dối để nhượng đất, dâng biển và khiếp nhược trước chuyện ngư dân bị bắt, bị giết, lần này Bộ Ngoại Giao có “điểm mới” là phản ứng mau trước tin truyền khắp nước về chuyện trái cây Trung Quốc.
Chuyện chế độ phản ứng mau lẹ chẳng qua là vì sợ “thiên triều” la mắng, sợ bị cộng sản đàn anh nâng quan điểm cho rằng dám kích động dân chúng tẩy chay hàng Trung Quốc... Ngày nay dư luận tự do trong nước đã trưởng thành nhiều, thế nên một lần nữa người ta xác tín rằng trái cây Trung Quốc là có độc và xa hơn nữa mọi thứ đến từ Trung Cộng đều có nguy cơ khôn lường.
Từ chuyện trái cây có chất độc phá hủy nội tạng của Trung Quốc, ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2010 và xa hơn là những thập niên mới, người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải đối diện với những sản phẩm tinh thần và vật chất đến từ Trung Quốc mang nhiều hiểm họa khác. Gần đây, nhiều người Việt Nam càng thấy bất an khi biết tin hiệp định thương mại Asean-Trung Quốc đã có hiệu lực.
Theo hiệp định trên, từ ngày 1 Tháng Giêng, 2010 thì hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ đi theo lộ trình “nô lệ” là, hàng hóa “thập cẩm” của Trung Quốc trong vòng 5 năm khi đưa vào VN sẽ được cắt giảm thuế quan xuống mức bằng 0%.
Ý kiến về vấn đề này, một chủ nhập hàng trái cây từ Trung Quốc nói, “Nói chi đến chuyện kiểm tra chất lượng, từ lâu hơn, ba phần tư hàng Trung Quốc vào Việt Nam có thuế má gì đâu, hàng lậu hoặc hàng nhờ hối lộ mà lọt qua biên giới cả. Phải biết như vậy mới hiểu là tại sao hàng Trung Quốc rẻ mạt và độc hại.”
Một ý kiến khác về chuyện bao giờ thì Trung Quốc chiếm Việt Nam, một trí thức nói, “Tiếp theo đây từ năm 2010, cứ nhìn vô từng miếng ăn, từng món đồ xài, từng phương tiện, đến cả món đồ chơi cho con nít mà người lao động nghèo Việt Nam đang sử dụng hàng ngày thì sẽ có câu trả lời. Họ không cần tốn một viên đạn cũng diệt dần diệt mòn dân tộc này được mà.”


No comments: