Tuesday, January 12, 2010

THI DỎM< BẰNG THẬT, KIẾN THỨC GIẢ

Thi dỏm, bằng thật, kiến thức giả!
12/01/2010 - 12:25 AM
http://www.phapluattp.vn/2010011111543453p0c1015/thi-dom-bang-that-kien-thuc-gia.htm
Với 600.000 đồng, nửa tiếng học ôn và một buổi thi ngoại ngữ bằng… tiếng Việt, chúng tôi có chứng chỉ B tiếng Anh thật 100%!

Bộ Giáo dục và Ðào tạo vào cuộc
“Học vẹt” có bằng B tiếng Anh

“Công nghệ” tổ chức thi “đơn giản, hiệu quả” với nguồn thu siêu lợi nhuận đã biến kỳ thi lấy bằng B tiếng Anh tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM thành nơi hoàn tất các thủ tục mua bán bằng cấp.
6 giờ sáng 3-1, hàng trăm thí sinh từ các tỉnh, thành Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM... đổ về địa điểm thi 446 đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) để dự thi. Thực tế địa điểm này là một nhà kho chứa hàng, được rào chắn bốn bề kín đáo.

Cán bộ, công chức, sinh viên đều có mặt
Theo quan sát của chúng tôi, trong số các thí sinh dự thi có nhiều người là cán bộ, công chức tay mang cặp táp, tóc tai gọn gàng, các sinh viên từ các trường ĐH tại TP.HCM cũng góp mặt. Nhiều sinh viên cho biết: Nhà trường bắt phải có bằng B ngoại ngữ trước khi dự thi tốt nghiệp ĐH và tụi em đã đi thi ở Trung tâm Ngoại ngữ Sư phạm nhưng thi gắt, mất tiền mà không đậu. Vì thế bọn em dạt sang đây.
Theo danh sách, buổi thi có gần 400 thí sinh, trong đó có trên 170 thí sinh tham dự thi bằng B tiếng Anh, còn lại là thi bằng A tiếng Anh và tin học. Hầu hết số thí sinh đến là do hai “thầy” Đức và T. quy tụ từ các tỉnh, thành về TP.HCM.
Khác với nhiều cuộc thi mà tôi từng chứng kiến, trải qua, thí sinh ung dung bước vào phòng thi mà không thấy biểu hiện nào về lo lắng, bồn chồn. Họ kè kè trong tay “chiếc phao” của thầy Tâm, hoặc là đã được “thầy” Đ., “thầy” T. “chống lưng”. Tôi vờ lo sợ thi rớt, thầy Đ. liền trấn an: “Em đừng bận tâm, cứ vào phòng thi sẽ có người giúp đỡ”.

Hoạt náo... phòng thi
Chúng tôi lần lượt vào phòng, dù trên bàn có đánh số báo danh nhưng mạnh ai nấy chọn cho mình một chỗ ngồi cũng chẳng thấy ai nhắc nhở. Các thí sinh thoải mái mang theo cặp, giỏ xách, điện thoại di động. Giám thị chẳng đọc tên, không dò số báo danh, thậm chí cũng không buồn thông báo nội quy phòng thi. Một cán bộ nữ coi thi hầu như ngồi chặt trên ghế, miệt mài ghi chép vào những tờ giấy, chẳng màng đến thế sự xung quanh!
Điều cũng không ngạc nhiên lắm là bài ôn thi có ghi sẵn lời giải của thầy Tâm vào chiều hôm trước giống nguyên xi đề thi mà chúng tôi đang làm. Đã có sẵn bài giải, chúng tôi cứ việc sao y.
Đang thi, tôi móc điện thoại ra alô, thầy Đ. đáp ngay: “Em làm được gì thì làm, còn lại sẽ có người trợ giúp”. Quanh tôi, điện thoại của thí sinh liên tục đổ chuông. Nhiều thí sinh ngang nhiên áp điện thoại vào tai nghe rồi ghi chép.
Gần hết giờ thi, nhiều thí sinh nhốn nháo, ngồi tụm lại miệt mài copy bài giải nhưng cả hai giám thị không hề nói lời nào.

Không biết chữ nào cũng đạt điểm năm
Điều khôi hài nhất là phần thi nói. Mặc dù dự thi lấy bằng B nhưng “thầy” T. chỉ hỏi những câu mà bất kỳ một học sinh nào bắt đầu học lớp tiếng Anh cũng trả lời được, đại loại như: “How old are you?”, “What’s your job?”, “Where are you from?”… và phần thi này rẹt rẹt khoảng 30 giây!
Đến lượt chúng tôi. “Thầy” T. vấn: “Are you married?” (Bạn lập gia đình chưa?). Tôi làm một hơi chẳng ăn nhập gì với chuyện thi cử: “No proplem! Em không biết chữ nào, thầy hỏi tiếng Việt luôn đi!”. “Thầy” T. chuyển từ tiếng Anh sang tiếng… Việt: Các cậu làm nghề gì, ai giới thiệu trường này để thi, thi lấy bằng B để làm gì?... Sau một hồi vấn đáp ngoại ngữ bằng… tiếng Việt, thầy T. gút: “Được rồi!” và “hoành” cho tôi năm điểm.
Trong danh sách thí sinh thi hôm ấy, chúng tôi thấy tất cả thí sinh đều đạt điểm phần thi nói từ năm điểm trở lên. “Thầy” T. còn bảo: Có ai thi thì cứ giới thiệu đến gặp “thầy” và đưa tấm danh thiếp cho chúng tôi.
Thầy dặn: Chuyện này phải giữ kín, báo chí biết phanh phui, phiền phức lắm”.

XUÂN CHIỂU - TRẦN NGỌC



No comments: