Friday, January 15, 2010

THANH NIÊN VIỆT NAM PHẢI LÊN TIÊNG về việc MẤT MỘT PHẦN THÁC BẢN GIỐC

Thanh niên Việt Nam phải lên tiếng về việc mất một phần Thác Bản Giốc
Pha Lê Việt Nam
15.01.2010
http://www.x-cafevn.org/node/2590
Trong thời gian vừa qua khi Chính Phủ Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Trung thì những tranh luận về việc Việt Nam bị thua thiệt, bị mất đất cho Trung Quốc đã được xôn xao bàn tán trên mạng. Những điểm nóng được nói đến nhiều nhất là Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và bãi Tục Lãm.

Tuy nhiên xét rằng trong các điểm nóng trên thì việc Việt Nam bị mất một phần thác Bản Giốc là rất rõ ràng không thể chối cãi, và trong khi những khu vực khác còn đang nằm trong vùng nghi vấn thì khi đã xác định được Thác Bản Giốc bị mất một phần thanh niên sinh viên Việt Nam phải có trách nhiệm lên tiếng, yêu cầu chính phủ xem xét lại việc ký kết hiệp định biên giới với Trung Quốc.

Vì vấn đề biên giới lãnh thổ là thiêng liêng bất khả xâm phạm, huống chi lại càng thiêng liêng với dân tộc Việt Nam chúng ta đã phải trải qua hơn 4000 đấu tranh dựng nước và giữ nước, đã biết bao lần phải đối phó với âm mưu bá quyền của người anh em khổng lồ phương Bắc không bao giờ từ bỏ tham vọng thôn tính nước ta.. Có thể nói từng tất đất, từng ngọn cỏ trên lãnh thổ Việt Nam ta đều phải đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu cha ông tổ tiên chúng ta để giữ gìn toàn vẹn lãnh thỗ và độc lập cho dân tộc cho dù trong những hoàn cảnh khó khăn và hiểm nghèo nhất!

Do đó chúng ta khi mang trong mình dòng máu Lạc Hồng phải tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên, phải kiên quyết giữ gìn toàn vẹn từng tất đất, từng ngọn cỏ quyết không để ngoại bang xâm phạm.

Huống chi Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” Và từ trước đến nay Đảng nhà nước và quân đội luôn khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và độc lập của dân tộc, và gần đây nhất Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu “Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng việc gìn giữ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước. Khi cần thiết, chúng ta chiến đấu đến cùng để bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ của Tổ quốc. Bà con cử tri hãy vững tin vào điều đó”- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói với các cử tri quận 3 (TP Hồ Chí Minh) sáng 24/6 trong đợt tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII.

Như vậy quan điểm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của toàn dân tộc, toàn Đảng đã rất rõ ràng, sau đây chúng ta sẽ cùng suy xét những chứng cứ để chứng minh Việt Nam đã bị mất một phần thác Bản Giốc vào tay Trung Quốc từ đó có tiếng nói mạnh mẽ yêu cầu Quốc Hội, Nhà nước và các lực lượng quân đội phải xem xét lại vấn đề Biên Giới với Trung Quốc.

Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu thác Bản Giốc, thác nước đẹp nhất Đông Nam Á qua thông tin trên Wikipedia:
Thác Bản Giốc, tiếng Trung Quốc gọi là cặp thác Đức Thiên-Bản Giốc (德天-板約), là một thác nước nằm trên biên giới Việt Nam và Trung Quốc; phần thác phụ và nửa phía Nam của thác chính thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía Bắc của thác chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây…Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia
Thác này nằm trên dòng chảy của sông Quy Xuân (歸春河). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê , huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong , Chí Viễn , khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng của Đàm Thuỷ, qua bãi ngô trên bản Giốc , quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh, đột ngột hạ thấp xuống khoảng 35 m, tạo thành thác Bản Giốc. Sau khi xuống đáy thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.
Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo thành cầu vồng. Dưới chân thác là mặt sông rộng, với bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng. Cách thác khoảng hơn 5km có động Ngườm Ngao, dài 3 km. Thác Bản Giốc được chia thành hai phần, phần ở phía Nam gọi là thác cao. Đây là thác phụ vì lượng nước không lớn. Thác thấp là thác chính nằm ở phía Bắc.
Ở giữa thác chính là cột mốc biên giới Việt-Trung. Cột mốc này được xác định qua hiệp ước về biên giới giữa hai nước năm 1999 là cột mốc 53 do Pháp - Thanh xây dựng. Theo hiệp ước 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, phần thác chính chia đôi:

http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/ban-gioc-4.jpg

http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/BanGioc_3.jpg


Và theo
Thứ Trưởng Ngoại Giao Vũ Dũng “căn cứ quan trọng nhất để xây dựng Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là các Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895”:

Như vậy chúng ta có thể rút ra những điểm sau:
1) Cột mốc quan trọng để phân chia Thác Bản Giốc là cột mốc số 53 nằm giữa thác chính.
2) Cột mốc 53 dựa trên Công ước Pháp Thanh và là cột mốc lịch sử cắm từ thời Pháp Thanh.

Nhưng xem lại văn bản hiệp ước Pháp Thanh 1887 nói về cột mốc số 53:
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/BanGiocVanbanHiepUoc.jpg

Dịch ra như sau: Cột mốc 51: Tên Khau Pang cắm bên bờ trái sông Qui Xuân ở hạ lưu một cái thác và cách 150m. Cột mốc 52 tên Khau Canh Ai cắm bên bờ song và một trạm canh và cột mốc 53 tên Pan Ngô được cắm bên lề một con đường phía Tây Nam và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ. (Tài liệu của tác giả Trương Nhân Tuấn)

Như vậy cột mốc 53 trong hiệp ước Pháp Thanh 1887 không hề được cắm giữa thác chính như ông Vũ Dũng nói mà được cắm trên một con đường trên phần nối dài của một khu rừng.

Bây giờ chúng ta cùng xét lại bài phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng dành cho phóng viên VASC Orient trong chiều 28/1/2002:
- Thưa ông, có một chi tiết mà rất nhiều người nói đến, người ta nói đến thác Bản Giốc, mục Nam Quan. Thưa ông, ở trong đó có cái gì là sự thật và có cái gì thực ra chỉ là sự phóng đại mang màu sắc cảm tính là nhiều?
Lê Công Phụng : Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng.
Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác.

- Tức là cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh?
Lê Công Phụng : Đúng vậy. Cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như 1 dòng sông, 1 dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.

- Chẳng nhẽ tất cả các khách du lịch, trong đó có những người có trách nhiệm, đi thăm thác Bản Giốc mà không phát hiện ra cột mốc nằm đó hay sao?
Lê Công Phụng : Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm mét. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc.
Trước tình hình như vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong đàm phán phải hợp lý, thỏa đáng phù hợp với mặt pháp lý. Chúng ta phải căn cứ vào những thỏa thuận pháp lý Thanh Pháp, căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào cột mốc hiện có mà dân địa phương nói là cột mốc đó từ xưa đến nay chưa ai thay đổi cả. Cuối cùng, lãnh đạo chúng ta cũng nhất trí trong tất cả các điều kiện ấy, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được.
Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%. Hiện nay cả 2 bên đang tiến hành khai thác du lịch phía bên mình.
Ở chỗ này, nếu nói chúng ta bán đất thì hoàn toàn vô lý. Pháp lý lẫn thực tiễn đều không cho phép chúng ta giữ chủ quyền trên toàn bộ thác Bản Giốc.

Như vậy Ông Lê Công Phụng đã khẳng định lại lần Cột mốc 53 dùng để phân chia thác Bản Giốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối khu vực thác chính và đã được cắm từ thời nhà Thanh, đồng thời ông còn cho chúng ta biết thêm một số thông tin quan trọng là từ năm 1960 đến nay Trung Quốc không hề xem Thác Bản Giốc có một phần của Trung Quốc và trong sách lịch sử cũng như nhiều tài liệu khác từ xưa đến nay vẫn cho rằng Thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc Việt Nam.

Và ông nói “Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu” và cho rằng theo Công Ước Pháp Thanh Chúng ta chỉ được 1/3 thác chính. Nhưng không ngờ Trung Quốc “tốt bụng” đã chấp nhận chia đôi 50/50 hóa ra Ông Phụng bảo Trung Quốc bán nước sao? Và từ năm 1887 đến giờ sau khi cắm cột mốc 53 Trung Quốc thiếu kiến thức đến nỗi không phân biệt đâu là đất của mình, đâu là đất của Việt Nam?

Nhưng sau đây chúng ta sẽ giải thích cho sự “khó hiểu” của ông bằng tài liệu của Nhà Xuất Bản Sự Thật do nhà nước xuất bản năm 1979.

http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/BanGioctaiLieuVC.jpg

http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/BanGioctaiLieuVC3.jpg

Và như vậy việc Trung Quốc di chuyển cột mốc biên giới số 53 xuống giữa thác chính để xâm chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam ta đã rất rõ ràng, chính vì thế mà ông mới khó hiểu tại sao trước kia không ai bảo thác có Bản Giốc có phần của Trung Quốc ngay cả Trung Quốc cũng chưa từng cho rằng Trung Quốc có một phần thác Bản Giốc.

Xin dẫn chứng thêm một tài liệu gần đây nhất Ngay sau khi hiệp định biên giới Việt Nam-Trung Quốc được ký kết, Bộ địa chí Cao Bằng do cơ quan Tỉnh ủy và UBND Tỉnh Cao Bằng tổ chức và biên soạn, cơ quan hiệu đính - thẩm định - nâng cao là trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, cơ quan xuất bản là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội (xuất bản năm 2000). Ðoạn nói về thác Bản Giốc, tác phẩm trên viết như sau: “Thác Bản Giốc thuộc xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, con sông Quây sơn bắt nguồn từ Trung Quốc đổ vào nước ta tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê rồi chảy qua các xã Ðình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Ðàm Thủy huyện Trùng Khánh dòng sông hiền hòa lượn quanh dưới chân núi Cò Muông rồi nghiêng mình chảy qua cánh đồng Ðàm Thủy, băng qua bãi ngô rộng lớn trước làng Bản Giốc. Ðến đây dòng sông được tách ra thành nhiều nhánh rồi đột ngột hạ thấp khoảng 35 mét tạo thành thác. Ðó là thác Bản Giốc, Thác xếp thành ba tầng với những ngọn thác lớn nhỏ khác nhau với những tên gọi khác nhau là Đuây Bắc, Lầy Sản, Ngà Moong, Ngà Chang, Ngà Vài, Ngà Rằng, Thoong Áng… Quang cảnh ở đây đẹp nên thơ, mây mù chen lẫn với cảnh làng quê của đồng bào các dân tộc miền núi. Phía bờ sông bên kia là cột mốc 53 biên giới Việt – Trung. Nơi đây là điểm sinh hoạt văn hóa của thanh niên nam nữ và đồng bào dân tộc hai nước. (Sách hướng dẫn du lịch của công ty du lịch Cao Bằng)

Như vậy càng chứng tỏ trong ký ức của người dân và chính quyền tình Cao Bằng cột mốc 53 hiện nay là cột mốc đã được di dời từ trên núi bên bờ Bắc sông Quây Sơn phía Trung Quốc xuống giữa lòng sông trên đầu thác để lấn chiếm phần thác ba tầng và cũng chính là Thác Bản Giốc. (Tài liệu của ông Hàn Vĩnh Diệp)

Và khi ông Hàn Vĩnh Diệp ở Hà Nội hỏi một lãnh đạo ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khi ông đi thăm thác Bản Giốc ở Cao Bằng: “Những điều các ông nói trái với quan điểm của Trung ương (là theo hiện trạng, phần thác ba tầng là của TQ, cột mốc 53 ở giữa dòng sông). Các ông không sợ Trung ương phê bình?” Ông ấy đáp : “Cả Tỉnh ủy, HĐND đều nhất trí như vậy. Đó là lịch sử, không dễ gì thay đổi được!”

Đạo đức truyền thống của người dân tộc ta coi chữ “Trung” là quan trọng nhất, đạo Trung được đặt trên hàng đầu, trên cả “Hiếu”. Do đó trong thời kỳ chiến tranh nhiều thanh niên trai tráng phải từ bỏ cha mẹ già để ra chiến trận bảo vệ tổ quốc nhằm làm tròn đạo Trung với tổ quốc, mặc dù Trung và Hiếu cần vẹn toàn nhưng phải Trung trước mới Hiếu sau, bảo bảo vệ đất nước trước mới lo cho gia đình sau.

Nếu thấy đất nước bị xâm phạm mà không lên tiếng? Thì chẳng phải chúng ta chỉ là một lũ bất Trung, mà đã bất Trung với tổ quốc thì chẳng đáng làm người, cho dù có chết cũng chẳng đáng làm ma Việt Nam vì làm sao chúng ta xứng đáng nhìn mặt hàng triệu cha ông tổ tiên đã hi sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ độc lập cho dân tộc?

Do đó chuyện này phải làm cho ra lẽ, chúng ta phải yêu cầu Đảng Cộng Sản và chính phủ Việt Nam kiểm tra lại cách làm việc của Ủy Ban Biên Giới cắm mốc, công bố bản đồ cắm mốc phân giới giữa Việt Nam và Trung Quốc một cách minh bạch để toàn dân cùng kiểm tra và theo dõi vấn đề lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.



No comments: