Friday, January 15, 2010

QUAN HỆ giữa SÁNG TÁC và PHÊ BÌNH VĂN HỌC ở MIỀN NAM 1954-1975

Quan hệ giữa sáng tác với lý luận phê bình văn học ở đô thị Miền Nam 1954-1975
Trần Hoài Anh
http://www.viet-studies.info/TranHoaiAnh_SangTac_LyLuanPheBinh.htm
Có thể khẳng định ở bất cứ nền văn học nào, quan hệ giữa sáng tác và lý luận phê bình là quan hệ mang tính biện chứng. Sự vận động của đời sống văn học bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa lý luận phê bình và sáng tác văn học. Đây là một trong những nhân tố tạo động lực phát triển của văn học. Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975, không thể tách rời sáng tác văn học. Vì thế, việc tìm hiểu diện mạo lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam trong quan hệ với sáng tác văn học là một việc làm có ý nghĩa phương pháp luận giúp chúng ta nhận rõ hơn diện mạo của đời sống văn học.

1.Tác động của sáng tác đối với lý luận phê bình văn học

Hoạt động văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975 khá phức tạp. Sự phức tạp nầy không chỉ thể hiện trong đời sống lý luận phê bình mà cả trong sáng tác văn học. Sự đa dạng trong sáng tác ở đô thị miền Nam với sự phân chia thành nhiều văn nhóm khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa trong đời sống lý luận phê bình văn học. Chính từ những sáng tác theo quan điểm của từng văn nhóm đã tạo nên sự đa phức trong đời sống văn học. Và điều nầy đã tác động đến tính khuynh hướng của lý luận phê bình. Không những thế, sự phát triển về số lượng của các tác phẩm văn học với nhiều thể loại, nhiều phong cách, nhiều bút pháp khác nhau trong sáng tác văn học ở đô thị miền Nam cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển đa dạng, phong phú của lý luận phê bình.

Mặt khác, khi tìm hiểu tình hình văn học ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ, ta thấy ở các văn nhóm đều có những nhà văn vừa sáng tác, lại vừa viết lý luận phê bình. Sự tham gia rất tự giác của những người sáng tác vào đội ngũ các nhà lý luận phê bình văn học, cũng là một yếu tố quan trọng cho thấy sự tác động sâu sắc của sáng tác văn học vào lĩnh vực lý luận phê bình. Đây chính là một trong những nhân tố tạo nên sự phát triển trù phú trên mảnh đất lý luận phê bình.

Trong đội ngũ lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975,, chúng tôi nhận thấy hầu hết những người sáng tác đều có công trình nghiên cứu về lý luận phê bình hay ít ra cũng phát biểu quan niệm của mình về những vấn đề lý luận phê bình, qua các cuộc thảo luận hoặc trả lời phỏng vấn trên báo chí. Đó là cuộc thảo luận của các nhà văn trong nhóm Sáng tạo như: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Duy Thanh, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Thái Tuấn, Cung Trầm Tưởng, Lê Huy Oanh... về "Nhân vật trong tiểu thuyết", "Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam", " Nói chuyện về thơ bây giờ". Hoặc ý kiến phát biểu quan niệm về nghề văn, về quan điểm sáng tác, về thể loại văn học: truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, ký, kịch... trên các báo: Đại học, Bách khoa, Văn, Khởi hành, Thời tập, Tư tưởng, Hiện đại, Văn học, Văn nghệ, Trình bày, Tin văn, Nghiên cứu văn học, Ý thức, Văn khoa, Văn mới, Nhân Văn, Văn hữu, Văn bút, Lửa thiêng, Vấn đề, Mai, Giử thơm quê mẹ ...của các nhà văn như: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thụy Long, Cung Tích Biền, Viên Linh, Thảo Trường, Tùng Long, Lê Xuyên, Văn Quang, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn xuân Hoàng, Triều Đẩu, Nguyễn Quốc Trụ...Hay một số công trình về lý luận phê bình của các nhà văn như: Đọc lại truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ của Vũ Hạnh; Một bông hồng cho văn nghệ, Một mình một ngựa, Quan điểm văn học và triết học của Nguyên Sa; Thi ca và tư tưởng, Mùa thu thi ca của Bùi Giáng; Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Ý thức bùng vỡ, Hố thẳm của tư tưởng của Phạm Công Thiện; Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương, Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực của Huỳnh Phan Anh; Mười khuôn mặt văn nghệ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay của Tạ Tỵ; Tiểu thuyết hiện đại, Tạp bút của Võ Phiến; Văn học và tiểu thuyết của Doãn Quốc Sỹ; Nhà văn tác phẩm và cuộc đời của Thế Phong… Điều nầy đã minh chứng một cách sinh động nhất, rõ ràng nhất sự tác động tương hỗ của sáng tác đối với lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ.

Tác phẩm văn học bao giờ cũng là trung tâm của đời sống văn học.Và "Lịch sử văn chương là lịch sử của những tác phẩm. Đó là thực tại sống động không ngừng sinh hóa" (1) Mọi tiến trình phát triển của lý luận phê bình văn học bao giờ cũng gắn với sáng tác văn học. Vì thế, trong diện mạo lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, chúng ta không những thấy sự tác động của sáng tác đối với lý luận phê bình mà còn thấy được sự tác động của lý luận phê bình đối với sáng tác văn học.

2. Tác động của lý luận phê bình văn học đối với sáng tác

Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975 là một nền lý luận phê bình phát triển với nhịp độ nhanh và chia làm nhiều khuynh hướng đa phức. Sự tiếp nhận nhiều trường phái lý luận phê bình văn học nước ngoài mà đặc biệt là các trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây không những chỉ ảnh hưởng đến lý luận phê bình mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của sáng tác văn học. Sự ảnh hưởng này chi phối quá trình sáng tạo của nhà văn, thể hiện rõ trong nội dung các tác phẩm văn học ở thời kỳ này. Nguyễn Đình Tuyến khi biên soạn công trình Những nhà thơ hôm nay (1954-1964) đã xác định đây là cuốn sách phê bình, tập hợp giới thiệu "những nhà thơ trẻ của thi ca hôm nay, những nhà thơ có khuynh hướng hiện sinh, những nhà thơ nhân chứng của thời đại mới, hoặc đại diện cho các ý hướng mới, các trào lưu tư tưởng mới" (2).Tác phẩm cũng nhằm mục đích "làm sống lại cuộc sống của mỗi nhà thơ thuộc các trào lưu khác nhau để khám phá cái mới, những cái hay hoặc những vẻ đẹp chưa được nói đến, hầu giúp nhà phê bình văn học sau này có thể từ đó tổng hợp được một chủ nghĩa thẩm mỹ, hoặc một chủ nghĩa văn học trong thi ca Việt Nam 1954-1964" (3) Ý kiến của Nguyễn Đình Tuyến xác định khi biên soạn cuốn sách này cũng đã cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa lý luận phê bình với sáng tác văn học ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ.

Theo Nguyễn Ngọc Lương, đối với người sáng tác, lý luận phê bình văn học đã "vạch ra cái đúng cái sai hoặc có khi phát hiện ra cái mới để hỗ trợ cho sáng tác" (4). Còn đối với người đọc, lý luận phê bình có trách nhiệm định hướng mỹ cảm cho họ khi tiếp nhận văn học, vì "bất cứ thời nào và ở đâu cũng vậy, quần chúng độc giả thường căn cứ vào lời phê bình mà đánh giá tác phẩm" (5). Như thế, lý luận phê bình có vai trò và tác động rất lớn đối với đời sống văn học trên cả hai bình diện sáng tác và tiếp nhận. Vì vậy, hiệu ứng thẩm mỹ của lý luận phê bình văn học đối với sáng tác văn học là hiệu ứng theo cấp số nhân, là một sự cộng hưởng mang tính cộng sinh. Bởi lẽ, trong quá trình sáng tác, những lý thuyết văn học của các trường phái lý luận phê bình đã được các nhà văn tiếp nhận và vận dụng vào quá trình sáng tác của mình một cách vô thức, và nhiều khi "Những suy tư về văn chương của các nhà lý luận văn học cũng là chất liệu sáng tác của nhà văn" (6). Nhìn vào các sáng tác văn học ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ, ta thấy rất nhiều tác phẩm được sáng tác dưới ảnh hưởng của các học thuyết tư tưởng phương Tây. Đó là các tác phẩm mang đậm dấu ấn của học thuyết phân tâm như: Mèo đêm, Thú hoang của Nguyễn Thị Thụy Vũ; Căn bệnh bí mật của nàng, Màu thời gian, Hương gây mùi nhớ của Bình Nguyên Lộc; Những sợi sắc không, Kính thiên thư của Túy Hồng; Tiếng chim vườn cũ của Nguyễn Mộng Giác...Hay những tác phẩm mang dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh với những suy tư về thân phận, về sự cô đơn, sự phi lý, hư vô của kiếp người như: Tình yêu địa ngục, Vòng tay học trò , Thung lũng hư vô của Nguyễn Thị Hoàng; Thở dài, Vết thương dậy thì của Túy Hồng; Tóc mây, Thung lũng tình yêu của Lệ Hằng; Chiều mênh mông của Nguyễn Thị Thụy Vũ; Tuổi dậy thì, Kẻ trong buồn bã của Nhã Ca; Con sâu, Đêm tóc rối của Dương Nghiễm Mậu; Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền; Nắng qua sông của Trịnh Thị Diệu Tân... Vì vậy, khi tìm hiểu nguyên nhân đổi mới của tiểu thuyết ở miền Nam trong mười lăm năm về mặt đề tài và kỹ thuật, Đỗ Ngọc cho rằng đó là do ảnh hưởng của "triết học hiện sinh". Bởi theo tác giả "Sở dĩ có sự phỏng đoán nầy vì trước chúng ta cả gần nửa thế kỷ ở Pháp, mối liên hệ giữa triết học hiện sinh và văn chương đã là một sự kiện văn học không ai còn hồ nghi" (7). Rõ ràng, ý kiến của Đỗ Ngọc về ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh đối với sự đổi mới của tiểu thuyết ở miền Nam càng khẳng định rõ hơn, sự tác động của lý luận phê bình văn học đối với sáng tác.

Như vậy, từ sự tác động tương hỗ giữa sáng tác và lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, có thể rút ra một vấn đề có tính qui luật, đó là trong tiến trình vận động và phát triển của một nền văn học, mối quan hệ biện chứng, hữu cơ giữa sáng tác và lý luận phê bình văn học là một quan hệ tất yếu, mang tính lưỡng trị. Vì vậy, khi khảo sát diện mạo của một nền lý luận phê bình văn học chúng ta không thể không tìm hiểu sự tác động của sáng tác văn học đối với lý luận phê bình. Và ngược lại, khi tìm hiểu diện mạo của sáng tác văn học cũng cần phải thấy ảnh hưởng của lý luận phê bình đối với sáng tác văn học. Đây là mối quan hệ biện chứng có tác dụng tương tác nhau. Có thể nói, về một phương diện nào đó, sáng tác và lý luận phê bình là đôi chân của một nền văn học. Có bước vững trên đôi chân ấy, văn học mới phát triển ổn định, con thuyền văn học mới có thể ra khơi, vẫy vùng ngoài biển lớn. Còn nếu lệch đi một chân, đời sống văn học sẽ trở nên khập khiểng, không thể phát triển một cách toàn diện. Khi đó, con thuyền văn học cũng chỉ quẩn quanh neo đậu trong những sông hồ nhỏ bé mà thôi. Thế nên, muốn có một nền văn học phát triển hoàn chỉnh, cần phải xây dựng cả hai bình diện sáng tác và lý luận phê bình. Tuy nhiên trong việc ứng dụng các khuynh hướng lý luận phê bình văn học vào việc sáng tác hoặc phê bình các hiện tượng văn học, chúng ta không nên vận dụng cứng nhắc một lý thuyết nào dù lý thuyết đó ưu việt đến đâu, mà nên nhìn nhận các hiện tượng văn học dưới nhiều hệ qui chiếu của các lý thuyết khác nhau khi tiếp nhận . Bởi theo Tam Ích nếu " nhắm mắt lại mà áp dụng các giáo điều thì đều mắc phải bệnh ấu trĩ cho nhà sáng tác. Rồi đến ấu trĩ cho nhà phê bình cũng theo những nguyên tắc có sẵn mà nói, và ấu trĩ luôn cho độc giả".(8)

Chú thích:
(1) Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Hoàng Đông Phương xuất bản, Sài Gòn 1968, tr.170
(2)(3) Nguyễn Đình Tuyến, Những nhà thơ hôm nay, Nhà văn Việt Nam xbản, Sài Gòn,1967, tr.10, tr.13
(4)(5) Nguyễn Ngọc Lương, Bảo vệ phê bình và sinh hoạt dân chủ trong văn nghệ, Tin văn số 15 ra ngày 15/3/1967, tr.14, tr.15
(6) Nguyễn Văn Trung, Nhà văn người là ai? Với ai?, Nam Sơn xuất bản 1967, Sài Gòn, tr.7
(7) Đỗ Ngọc, tiểu thuyết hiện sinh là gì ?,Văn học số 155-15/9/1972, tr.36".
(8) Tam Ích, Giử thơm quê mẹ, Lá Bối xuất bản số 2 / 8/1965, tr.29



No comments: