Wednesday, January 13, 2010

ĐỘC LẬP TƯ PHÁP hay CÔNG KHAI ĐỐI ĐẦU ? (Trung Quốc và Phương Tây)

Độc lập tư pháp hay công khai đối đầu ?
Nguyễn Minh
Đăng ngày 13/01/2010 lúc 05:38:49 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4503
Ngày 29-12-2009, Akmal Shaikh, công dân Anh, 53 tuổi, bị hành quyết tại Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, về tội vận chuyển và tàng trữ bạch phiến.
Vì là công dân nước ngoài, án tử hình dành cho Akmal Shaikh tương đối "nhân đạo" hơn những tội phạm gốc Trung Quốc. Thay vì bị bịt mắt, bịt miệng, tay chân và đầu bị cột vào một cọc dựng giữa pháp trường, hình một vòng tròn được dán trước trái tim để đội hành quyết nhắm bắn vào, sau đó đội trưởng đội hành quyết đến bắn phát "ân huệ" vào màng tang cho vỡ sọ để bảo đảm cái chết của tội nhân, Akmal Shaikh đã bị tiêm lethal (một loại thuốc độc tổng hợp cực mạnh) vào máu để chết không đau đớn.
Biến cố này đã gây một chấn động lớn trong dư luận các quốc gia dân chủ phương Tây. Ngoài làn sóng phản đối từ nước Anh, giới phân tích thời sự Đông Á cho đây là một thái độ công khai đối đầu trước áp lực của thế giới phương Tây mà Trung Quốc từ lâu đã phải chịu đựng. Sự thật như thế nào?

Nguyên nhân vụ án
Akmal Shaikh là một công dân Anh gốc Pakistan, bị bắt tại phi trường Urumqi với 4 kílô bạch phiến (heroin) trong hành lý. Trong phiên toà chớp nhoáng kéo dài trong 30 phút cuối năm 2007, Akmal Shaikh bị kết án tử hình về tội vận chuyển và tàng trữ bạch phiến. Trong suôt hai năm liền, từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2009, chính phủ Anh đã 27 lần can thiệp và xin ân xá vì lý do tâm thần của tội nhân, nhưng không thành công.
Theo dõi kỹ vụ án, hành tung của nhân vật Akmal Shaikh có một cái gì không bình thường. Sinh ngày 5-4-1956 tại Pakistan, Akmal Shaikh theo cha vào Anh Quốc định cư. Lớn lên trong môi trường Hồi giáo tại Anh, Shaikh làm quen với một phụ nữ Ấn Độ giáo và lập gia đình với cô này sau khi từ bỏ đạo cũ để theo Hồi giáo. Trong cuộc hôn nhân này, Akmal Shaikh có hai con, một trai và một gái. Trong thập niên 1980, Shaikh cùng gia đình sang Hoa Kỳ lập nghiệp và sống bằng nghề mua bán nhà đất. Không thành công trong nghề này, ông đã dẫn vợ cùng hai con về London và sinh sống bằng nghề lái xe. Công ty chuyên chở nơi ông làm việc bị khánh tận, Akmal Shaikh mất việc. Năm 2003, Akmal Shaikh bị toà án Lao Động tuyên phạt 10.000 bản Anh về tội quấy rối tình dục với một nữ nhân viên. Không đủ tiền trả, Akmal Shaikh ly dị vợ năm 2004 và trốn sang Ba Lan lập nghiệp. Tại đây ông lập gia đình với một phụ nữ Ba Lan tại thành phố Lublin và có hai con. Để sinh sống, Akmal Shaikh sống bằng nghề lái taxi từ phi trường Warsaw đến Lublin và xuất khẩu thịt trừu từ Lublin vào Anh quốc. Ông còn xin hội đồng thành phố Lublin cho phép xây một nhà thờ Hồi giáo và làm nhạc ca tụng Allah (Thượng Đế của người Hồi giáo). Theo hai nghệ sĩ người Anh phụ trách thu thanh, Paul Newberry và Careth Saunders, Akmal Shaikh không có một năng khiếu nào về âm nhạc nhưng cứ tự cho là có tài âm nhạc.
Năm 2007, theo lời khai của Akmal Shaikh, ông được một người tên Carlos, tư nhận là có quen biết lớn với giới xuất bản âm nhạc và có thể đưa Akmal Shaikh trở thành một ca sĩ nổi danh tại Trung Quốc. Tin theo lời, Akmal Shaikh quyết định sang Trung Quốc lập nghiệp, ông đã lần lượt đi qua các quốc gia Hồi giáo Trung Á như Kyrgyzstan, Tajikistan để vào Turkistan phương đông (Tân Cương, Xinjiang). Tại sao chọn Tân Cương để lập nghiệp, đó còn là một dấu hỏi lớn.
Tại Kyrgyzstan, Akmal Shaikh làm quen với Okole, một người tự xưng là chủ nhân một phòng trà ca nhạc tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương, và đưa Akmal Shaikh vào những khách sạn 5 sao cư ngụ để chứng tỏ sự giàu có của mình. Đến thành phố Dushanbe, thủ phủ Tajikistan, viện cớ hết chỗ trên máy bay, Okole nhờ Akmal Shaikh mang giùm một vali và hẹn gặp lại tại Urumqi trong chuyến bay sau.
Ngày 12-9-2009, nhân viên hải quan phi trường Urumqi khám xét và phát hiện 4 kí lô heroin giấu trong hành lý của Akmal Shaikh. Khi bị hỏi, Akmal Shaikh xác nhận là không biết gì cả vì chỉ mang giùm hành lý cho một người vừa mới quen sẽ đến trong chuyến bay kế tiếp. Sau một thời gian chờ đợi, người mới quen này không bao giờ tới, Akmal Shaikh bị tống giam và kết tội tàng trữ bạch phiến. Akmal Shaikh cho rằng ông vô tội vì là nạn nhân của một băng đảng buôn bạch phiến tại Đông Âu. Lập luận này không thuyết phục được hội đồng xử án, Akmal Shaikh bị tuyên án tử hình. Theo bộ luật hình sự hiện hành tại Trung Quốc, chỉ cần tàng trữ trong người 50 gram bạch phiến là đủ để lãnh án tử hình.
Trong khi đó, theo một nguồn tin tình báo, năm 2005 Akmal Shaikh đã bị hai cơ quan tình báo British MI5 (Anh) và ABW (Cơ Quan An Ninh Nội Địa Ba Lan) bắt giam vì tình nghi khủng bố. Một thông điệp trên mạng internet kêu gọi những người Hồi giáo hãy làm thánh chiến (jihad) và "đánh bom London 7/7" (London’s 7/7 bombings), do Akmal Shaikh gởi đi từ Ba Lan, bị phát hiện. Tin này đã được đài truyền hình Ba Lan truyền đi trong tháng 12-2005. Người vợ Ba Lan liền hợp tác với cơ quan an ninh Ba Lan để cung cấp những tin tức cần thiết về Akmal Shaikh và xin khoan hồng cho chồng (vì không muốn hai đứa con của bà có một người cha mang tội khủng bố), toà án đổi thành tội uống rượu lái xe và phạt một năm tù treo. Năm 2006, người vợ gốc Ba Lan xin ly dị, toà án Ba Lan buộc Akmal Shaikh mỗi tháng đóng tiền cơm cho con, nhưng ông đã rời Ba Lan và trốn sang Trung Á.
Qua những thông tin không trực tiếp này, án tử hình dành cho Akmal Shaikh tại Urumqi và thái độ làm ngơ trước những yêu cầu khoan hồng của chính quyền Anh và các tổ chức phi chính phủ (NGO) có những nguyên do thầm kín không tiện nói ra.

Ngăn chặn cuộc nổi dậy của người Hồi giáo Tân Cương
Viện cớ một tội danh hình sự để tuyên những bản án nặng nề đối với những người tình nghi gây bạo loạn là sở trường của những chính quyền độc đoán. Chắc chắn trong vụ án này, Akmal Shaikh không phải là vô can. Ước muốn trở thành một ca sĩ Hồi giáo trong một phòng trà ca nhạc tại Tân Cương là một lý do không đứng vững, vì Akmal Shaikh biết nói tiếng Uighur. Thêm vào đó, vì tin người và mang giùm hành lý mà không biết trong đó có gì đối với một công dân Châu Âu, nhất là người Anh, là một lý do khác không có tính thuyết phục: trong các nhà ga, bến xe, phi trường những khẩu hiệu kêu gọi không nhận và phát hiện hành lý của người lạ diễn ra hàng ngày. Hơn nữa, lấy tiền đâu để trang trải chi phí du hành sang Tân Cương khi phải trốn chạy khỏi nơi sinh trú vì không trả nổi tiền nuôi con, đó là chưa kể cuộc sống khá vương giả của ông khi vào tạm nghỉ trong những khách sạn hạng sang. Hành tung của Akmal Shikh rất là bí ẩn.
Hiện nay Bắc Kinh đang lo sợ một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo Tân Cương với sự tiếp tay của những nhóm Hồi giáo quá khích tại Trung Á, đặc biệt là tại các quốc gia Pakistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Đó là ba quốc gia dính líu đến gốc gác và cuộc hành trình của Akmal Shaikh mà Trung Quốc theo dõi rất kỹ luồng người ra vào.
Từ sau 2001 đến nay, sau khi sào huyệt của nhóm Hồi giáo cực đoan tại Afghanistan bị phá vỡ, tàn quân Al Qaeda va Taliban tìm cách thành lập những căn cứ mới tại những quốc gia lân cận để tiếp tục thánh chiến với những kẽ "ngoại đạo", tức những người không theo đạo Hồi. Không phải tình cờ sau năm 2001 những cuộc chống đối người Hán tại Tân Cương trở nên thường xuyên và qui mô hơn trước, chắc chắn phải có bàn tay những những nhóm Hồi giáo quá khích nhúng vào mà tình báo Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ. Cái mà Bắc Kinh lo sợ là sự ly khai hay tuyên bố đối lập của tỉnh tự trị này.
Không phải tình cờ mà Bắc Kinh thi hành chính sách đưa người Hán ồ ạt vào Tân Cương lập nghiệp. Trước kia người Hán chỉ là một nhóm thiểu số trên lãnh thổ này, nhưng từ sau 2001 đến nay số người Hán ngày càng đông. Nếu không có gì thay đổi, đến năm 2015 người Uighur sẽ trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ. Ưu tư chính của Bắc Kinh là làm sao giải thích trước dư luận quốc tế chiến lược "tằm ăn dâu" này trên vùng Tân Cương.
Trung Quốc chưa phải là một quốc gia dân chủ nên vấn đề đối thoại hay thương lượng với những người chống đối không hề đặt ra. Cách giải quyết xung đột là dùng bạo lực trấn áp bạo động. Trong cuộc xuống đường đòi công lý của người Uighur tại Urumqi đầu tháng 7-2009 vừa qua, làm hơn 200 người thiệt mạng, chính quyền Tân Cương đã bắt hơn một ngàn người và hàng chục người đã bị tuyên án tử hình. Cách hành quyết người Uighur bị kết tội bạo loạn đã không nhân đạo như đối với Akmal Shaikh, kể cả đối với phụ nữ: tội nhân bị đem bêu trước đám đông, sau đó bị buộc quì xuống, lưng bị hai công an đạp ra phía trước và hai cánh tay bị kéo ngược ra sau, một công an trong đội hành quyết chỉa súng vào sau áy bóp cò: óc, thịt da trên mặt mũi và máu văng tung tóe ra phía trước. Bắc Kinh tin rằng sự hung bạo trong trừng phạt sẽ làm chồn bước những người Uighur chống đối nhưng lại quên rằng, đối với người Hồi giáo, chết vì đạo là một vinh dự lớn để vào nước thiên đàng.
Tân Cương hiện nay như một trái bom nổ chậm, bề ngoài tuy để có vẻ yên bình nhưng bên trong sôi sục cả một nồi thuốc súng. Không một người Uighur nào không bị người Hán phân biệt đối xử, từ trong sinh hoạt thường ngày ngoài đường phố đến trong quan hệ nghề nghiệp. Đó là chưa nói đến một tôn giáo mà người Hán rất nghi kỵ: đạo Hồi. Đối với người Hán, những ai phụng sự một tôn giáo không cùng văn hoá với họ là "tà đạo". Trong quá khứ, người Hán (cũng như những triều đại chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa như Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam) đã tàn sát người Thiên Chúa giáo vì bị cho là tà đạo. Tình trạng này đang xảy ra với người Hồi giáo Tân Cương.
Vụ hành quyết Akmal Shaikh, một công dân Anh gốc Pakistan, là một thí dụ điển hình. Akmal Shaikh mà một tín đồ Hồi giáo, đã từng kêu gọi thánh chiến, bí mật vào Tân Cương với 4 kílô bạch phiến để làm gì, nếu không muốn nói là để tổ chức bạo loạn vì có giá trị kinh tế cao. Bạch phiến gần như là phương tiện trao đổi giữa những phe phái ngoài chính quyền. Chính vì thế Bắc Kinh muốn sử dụng Akmal Shaikh như một trường hợp để răn đe, bất chấp những can thiệp và đề nghị xin ân xá của chính phủ Anh và các hội đoàn nhân đạo quốc tế. Lý do được đưa ra là công pháp Trung Quốc độc lập, đủ sáng suốt và công minh để xử phạt và thi hành án. Đối với người Trung Quốc, đây là một vụ án hoàn toàn nội bộ, liên quan đến sự an toàn của người Hán trên một lãnh thổ đầy bất trắc.
Theo một truyền thống có từ thời Tần Thuỷ Hoàng hồi đầu công nguyên, người Hán phải tỏ ra cứng rắn đối với những bộ tộc sinh sống vùng ngoại vi. Thái độ này cho đến nay vẫn không hề thay đổi. Thực ra vụ hành quyết này là để ngăn ngừa và răn đe những tay súng Hồi giáo quốc tế xâm nhập vào Tân Cương tiếp tay người Uighur chống lại Bắc Kinh. Sự xâm nhập này đã xảy ra tại Afghanistan, Iraq, nay đang tiếp tục tại Yemen. Nhưng sự cứng rắn của Bắc Kinh còn có một lý do khác: phục hồi hào quang của một quá khứ huy hoàng.

Phục hồi niềm tự hào dân tộc
Dư luận phương Tây đã rất phẫn nộ trong vụ hành quyết Akmal Shaikh. Đây là lần đầu tiên từ 58 năm qua một công dân Châu Âu bị hành quyết tại Trung Quốc. Trước đó, năm 1951 đội hành quyết Bắc Kinh đã xử bắn hai người nước ngoài về tội âm mưu ám sát Mao Trạch Đông và ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc, đó là đại úy không quân Antonio Riva, người Ý, và Ruichi Yamaguchi, người Nhật.
Từ sau ngày đó đến nay, Bắc Kinh luôn luôn tỏ ra nhân nhượng trước những yêu cầu khoan hồng của các quốc gia phương Tây khi công dân của họ vi phạm luật pháp Trung Quốc. Lý do là Trung Quốc rất cần sự giúp đỡ của phương Tây trong việc canh tân đất nước, nhất là từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, lúc đó Trung Quốc còn là một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu. Trong suốt thời gian từ thập niên 1980 đến nay, Bắc Kinh tỏ ra nhún nhường và dễ dãi với tất cả những quốc gia nào vào đầu tư và chuyển giao kỹ thuật cho Trung Quốc.
Nhưng sau gần 30 năm cố gắng, Bắc Kinh đã tự cảm thấy đủ mạnh và không muốn nhân nhượng thêm nữa. Không những thế, Bắc Kinh còn muốn chứng tỏ với thế giới rằng Trung Quốc hiện nay một siêu cường quốc kinh tế và quân sự, đủ khả năng đối đầu với bất cứ siêu cường nào khi quyền lợi bị va chạm. Thái độ này biểu hiện trong các phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh thường hù dọa bỏ phiếu phủ quyết (veto) những quyết nghị do Hoa Kỳ hoặc các quốc gia phương Tây đưa ra, như các vấn đề Darfur, Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Đông... nếu những yêu sách của Bắc Kinh không được tôn trọng. Trong những quan hệ song phương, Bắc Kinh thường làm áp lực với các quốc gia phương Tây, kể cả với Hoa Kỳ, đòi sự nhượng bộ trong các vấn đề nhân quyền và vai trò của Dalai Lama tại Tây Tạng, đổi lại họ sẽ ký những hợp đồng hợp tác thương mại béo bở.
Người Trung Quốc nói chung đã rất hãnh diện về những thành tựu mà quốc gia họ đã đạt được trong một thời gian kỷ lục: 30 năm họ đã bắt kịp đà tiến hoá của các quốc gia phát triển nhất thế giới. Mặc cảm thua kém thế giới phương Tây đang được tẩy rửa khỏi ký ức tập thể, đối với nhiều người công lao này thuộc về Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trung Quốc đang phục hồi ngôi vị "quốc gia trung tâm" của "thế giới thứ ba".
Nhắc lại, khi chưa tiếp cận với thế giới phương Tây, Trung Quốc đã là quốc gia trung tâm và an vị với ngôi vị đó tại Đông Á trong suốt hai ngàn năm, từ thế kỷ II trước công nguyên đến giữa thế kỷ 19. Chính phương Tây đã tìm đến Trung Quốc và đã thay đổi hẳn cái nhìn của người Trung Quốc đối với thế giới. Lần đầu tiên vào giữa thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Công giáo đổ bộ lên các vùng bờ biển Nam Hoa để rao giảng Phúc Âm, nhưng họ đã thất bại vì không cãi hoá được những người thấm nhuần văn hoá Khổng Mạnh. Lần thứ hai, trong thế kỷ 19 khi các đế quốc thực dân làm áp lực buộc Trung Quốc mở cửa buôn bán với phương Tây, đặc biệt là nhập khẩu thuộc phiện và luôn cả nền văn hoá phương Tây. Trong giai đoạn này, vương triều Nhật đã canh tân theo khuôn mẫu phương Tây và thành công, đầu thế kỷ 20 Nhật đã trở thành một cường quốc kinh tế lẫn quân sự, trong khi Trung Hoa vẫn còn là một quốc gia nghèo nàn và yếu kém. Sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc trên toàn lục địa năm 1949 càng dẫn Trung Quốc lùi sâu vào chậm tiến, chỉ sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 và Đặng Tiểu Bình lên thay từ 1978 đến 1992, Trung Quốc mới khởi sắc như ngày hôm nay.

Từ sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997, ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc lâm vào bế tắc: tiếp tục nhún nhường để tiếp thu những tinh hoa và hợp tác với phương Tây để cùng tiến như Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan và Singapore đã làm, hay biểu lộ thái độ nước lớn trước các vấn đề thế giới và khu vực? Có nhiều xác suất là Bắc Kinh đang chọn thái độ thứ hai. Các quốc gia phương Tây rất e ngại chọn lựa sau cùng này, vì nó sẽ dẫn đến đối đầu. Câu nói bất hủ của Napoléon I: "Khi đế quốc Trung Hoa thức giấc, thế giới sẽ bị rúng động" vẫn còn ám ảnh tâm trí những nhà lãnh đạo phương Tây. Một chiến lược đề phòng và ngăn chặn đang được bắt đầu.

Nguyễn Minh
(Tokyo)


© Thông Luận 2010


No comments: