Monday, January 11, 2010

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG ...

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
Phanxine’s world
7Jan/10
http://www.phanxineblog.com/?p=3586
"I think the big mistake in schools is trying to teach children anything, and by using fear as the basic motivation. Fear of getting failing grades, fear of not staying with your class, etc. Interest can produce learning on a scale compared to fear as a nuclear explosion to a firecracker." - Stanley Kubrick.

Tuần trước đọc bài báo
Khi thầy cô có "bàn tay sắt" thì tui nổi đóa, đang nằm mà phải bật dậy chửi thề làm cho các chú đi chơi chung hết hồn. Hôm nay ngồi đọc chuyện ba em nữ sinh lớp trưởng lớp phó đánh hội đồng bạn mình rồi quay phim lại, sau đó đọc tiếp bản tin một phụ nữ bị trói tay chân, quẳng ra đường, tui chỉ còn biết thở dài. Đây, chân dung đất nước Việt Nam thân yêu năm 2010, khi mà đòn roi của thầy cô thì được trang giáo dục báo Tuổi Trẻ ngợi ca là 'kỷ niệm đẹp trong đời học sinh', khi mà cướp hoa lễ hội trở thành nếp văn hóa hàng năm ở Hà Thành, khi mà công an cảnh sát dân phòng không có mặt ở nơi có kẻ đánh đập người giữa nơi công cộng, người dân thì sợ hãi chỉ biết đứng nhìn không dám ra tay ngăn cản.

1."Rất nhiều bạn trẻ cho biết được học với những thầy cô có “bàn tay sắt” lại chính là một trong những kỷ niệm đẹp của quãng đời học trò..." "“Có ra khỏi trường và ngẫm lại tôi mới cảm nhận được những hình phạt thụt dầu, đòn roi không phải lúc nào cũng xấu. Nếu ngày đó thầy G. không sử dụng đòn roi thì chắc lớp tôi khó có thể tốt nghiệp được với tỉ lệ 80%, và tôi cũng chẳng bao giờ được bước chân vào giảng đường đại học như bây giờ” - H.Oanh thừa nhận." “Cần phải phân biệt rõ, cũng là đòn roi nhưng có những thầy cô khiến học trò của mình tâm phục khẩu phục, một số khác lại phản tác dụng. Nếu được áp dụng đúng, đòn roi có thể khiến người học trò hiểu được lỗi lầm mình đã gây ra là đáng bị phạt, là một dấu ấn sâu sắc trong tiềm thức, nhắc nhở họ không lặp lại lỗi lầm lần nữa” - T.Trang (Trường GĐ) đúc kết. "Bạn Q.Anh (du HS tại Mỹ) cho biết: “Là người có cơ hội tiếp xúc với hai nền giáo dục khác nhau, tôi hiểu vì sao có sự gia tăng đột biến ở bảng 2. Đúng là đòn roi, hình phạt thể xác không nên áp dụng thường xuyên vì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý các bạn trẻ. Nhưng ngược lại, điều đó giúp chúng tôi có kỷ luật và trách nhiệm hơn trong việc học. Nhờ vậy mà khi sang nước ngoài, chúng tôi đã học rất tốt. Trong khi đó, những người bạn phương Tây do hiểu quyền lợi của mình (GV không được phép đụng vào người HS nếu không muốn bị kiện) nên tâm lý học rất làng nhàng, không có động lực cao”."
Khoan bàn đến mức độ chân thật của những người được phỏng vấn với những cái tên viết tắt chung chung đó, tui tự hỏi: tại sao ở thế kỷ 21, ở một thời đại tiên tiến, mà vẫn có tư tưởng học sinh thích làm con lừa, con trâu, con bò mà không muốn làm con người? Bởi chỉ có lừa, trâu, bò thì mới cần đến roi vọt để làm việc, còn con người thì tự thân vận động, biết mình muốn gì, làm gì, có đầu óc để suy nghĩ và tư duy chứ không phải bằng những hình phạt đòn roi mới chịu học.
Cũng trên báo TT trích đăng một phản hồi của độc giả kể chuyện học trò của ba mình quay về và nói với ba mình "nếu không có cái bạt tai của thầy năm xưa thì em không nên người'. Tui không biết, có thật sự nên người hay không, hay tưởng mình nên người? Bởi nên người thì phải hiểu rằng quyền căn bản của con người là không ai có quyền xâm phạm đến thân thể của mình. Thú vật mình yêu thương nó mình còn không nỡ đánh đập nó, tại sao con người lại đối xử với học trò của mình bạo lực? Đừng nói rằng đánh học trò ác ý hay đánh học trò vì muốn học trò nên người khác nhau. Với tôi, đó là hành động đánh người, là xâm phạm thân thể người khác, là sỉ nhục và xem thường người khác, là thể hiện sự bất lực, bất tài của kẻ mạnh.
Một người thầy giỏi là người thầy không cần đến roi vọt mà vẫn dạy dỗ được học sinh nên người, khiến học sinh tâm phục, khẩu phục, yêu thương và tôn trọng.

2. Không biết bạn Q.Anh ở trên là bạn nào, học ở đâu, nhưng cái câu "Trong khi đó, những người bạn phương Tây do hiểu quyền lợi của mình (GV không được phép đụng vào người HS nếu không muốn bị kiện) nên tâm lý học rất làng nhàng, không có động lực cao" thì hài hước. Nếu như 'bạn phương Tây học rất làng nhàng, không có động lực cao' thì ắt hẳn, những nước như Việt Nam, Trung Quốc thì dùng đòn roi để giáo dục phải đứng đấu thế giới về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, xã hội, chứ tại sao các nước Âu Mỹ lại dẫn đầu, những người tài năng nhất, đoạt các giải thưởng uy tín nhất lại hiếm khi có mặt những người 'có động lực cao'???

3. Tui có trò chuyện trực tiếp với tác giả bài viết. Không biết là bạn ấy nói thật, hay bạn ấy giẫn lẫy, mà khi tôi hỏi em có học và hiểu cách làm thăm dò xã hội học không, thì bạn bảo 'Em không hiểu biết đấy thì sao. 10 người đâu phải là tất cả mọi người đâu?'.

Cách đây không lâu, tui có nói về việc vì sao ở VN, nhất là báo chí, lại thiếu các thăm dò xã hội học, nhưng tui cũng nói rằng các thăm dò này phải được làm một cách khoa học. Bảng thăm dò khảo sát của bài viết trên vừa ngô nghê vừa vô giá trị, thật kinh hoàng khi báo TT cũng đăng lên. (
đọc thêm bài viết của anh Lừng "Poll của báo Tuổi Trẻ vô giá trị tại đây)

Khi tôi hỏi bạn CN vì sao lại cổ súy bạo lực học đường, bạn nói, chủ trương của tòa soạn là bảo vệ thầy cô. Bạn bảo rằng bây giờ học sinh rất vô đạo đức, hễ có chuyện gì cũng đòi kiện nhà trường, gọi cho báo chí, làm cho thầy cô hoang mang. tui bảo, vậy thì thầy cô đừng đánh học sinh nữa. Bạn nói, anh không hiểu gì cả, thầy cô họ bị sức ép, phải đạt thành tích của Sở giáo dục đưa ra, không đánh thì học trò không học, thầy cô bây giờ tội nghiệp lắm, bị mắc kẹt giữa đường. Tui bảo, vậy tại sao báo TT không đánh chuyện chạy theo thành tích mà lại cổ súy cho việc dùng đòn roi? báo muốn bảo vệ cho thầy cô, vậy ai sẽ bảo vệ cho học sinh? cho những nạn nhân của bạo hành trong nhà trường? bạn bảo, báo TT đấu tranh về chuyện chạy theo thành tích rồi mà không ăn thua.

Tui đặt ra hai trường hợp:
1. Để ngưng việc giáo viên chịu sức ép của thành tích phải dùng đến bạo lực và đòn roi, báo TT tiếp tục lên tiếng đề nghị chấm dứt việc chạy theo thành tích của sở giáo dục.
2. Để giúp cho thầy cô chạy theo thành tích, cổ súy bệnh thành tích trong giáo dục, báo TT cổ vũ cho việc dùng đòn roi.
thì bạn chọn cách nào?

Cách 1, vừa chấm dứt cả bạo lực học đường, chấm dứt lối giáo dục đòn roi, chấm dứt luôn bệnh thành tích. Cách 2, tiếp tục duy trì bệnh thành tích và dĩ nhiên, thỏa hiệp với đòn roi trong nhà trường.
Bạn bảo, dĩ nhiên em chọn cách 1, nhưng mà đòn roi vẫn cần thiết. Sau này anh có con, con anh không nghe lời anh, anh tức quá thì anh phải đánh nó thôi (!!?). Xong bạn kết luận, em và BBT đã bàn bạc về đề tài này và nhất trí quan điểm trong bài viết rồi...
Nên tui cũng chả biết nói gì hơn.

4. Có một thầy giáo còn
chia sẻ trên báo TT rằng học sinh bây giờ rất mất tư cách, không còn tinh thần tôn sư trọng đạo. Anh kể rằng, một hôm anh đi ngang qua lớp học kia, có mấy em học sinh cười giỡn ồn ào, anh nhắc nhở, nhưng vừa quay đi thì các em lại phá lên cười. Anh tức quá quay lại, vớ lấy cây thước mà theo anh mô tả, chỉ dài 15cm mỏng 1mm, đánh vào một em nữ sinh, mà theo anh nói, chỉ đánh nhẹ thôi. Vậy mà em nữ sinh cũng bu lu ba loa lên, đòi anh phải xin lỗi, nếu không sẽ báo cáo giáo viên chủ nhiệm của em và thầy hiệu trưởng cũng như khiếu nại với báo chí. Anh than với báo rằng "không khỏi xót xa buồn cho đạo lý thầy trò hôm nay" (có lẽ vì từ này không còn được thoải mái đánh học trò mà không ai dám nói gì mình như trước).
Thế đó, một nhà giáo suy nghĩ về việc đánh học trò và đạo đức của học trò thế đó. Chỉ xét ở bình diện xã hội: đây là hình ảnh một người đàn ông trong tay có vũ khí đánh một đứa con gái không có gì trong tay, người đàn ông này có địa vị cao hơn, quyền lực cao hơn, nên tự cho mình cái quyền thích đánh thì đánh, và đứa con gái kia phản ứng lại thì bị cho là đạo đức kém!

5. Khi mà những tờ báo như Tuổi Trẻ còn đồng tình, thỏa hiệp, biện minh cho những hành động đánh trẻ em, hành hạ học sinh cả về thể chất lẫn tinh thần trong trường học, dù ở mức độ nào, thì vẫn sẽ có những câu chuyện về thầy cô bắt học trò liếm ghế, tụt quần áo trước cả lớp, dùng khăn nhét miệng khi trẻ khóc đến mức trẻ chết ngạt, và dần dần, nếp ấy nhân lên thành chuyện đánh người giữa chốn công cộng như ở đầu entry này tui đề cập.
Nhưng bạn cũng có thể nói như có người đã nói, "Ở nước người ta, muốn đánh học sinh hay đánh người cũng khó, vì cái hệ thống luật pháp nó chặt chẽ. Còn ở Việt Nam của mình á, không muốn đánh cũng động lòng đánh. Thì mình thấy nó hư, nó chướng tai gai mắt quá, thì mình đánh nó nhè nhẹ... mà đánh nó không thấy ai nói gì mà còn được cổ vũ, thì mình đánh thêm. Chứ không phải người Việt Nam mình hay đánh người nhất thế giới đâu. Không phải vậy. Cho nên tui đề nghị quý vị ở nước ngoài nhìn về Việt Nam, rồi nghe những thông tin này, thì đừng có hốt hoảng, sao trong nước mình bạo lực quá, đạo đức xuống quá, hỏi sao hồi xưa mấy ông đánh giặc giỏi thế mà sao giờ mấy ông cũng đánh học sinh ghê thế. hê hê. Đây là quy luật muôn đời!"

7. Tui may mắn trong suốt những năm tháng đi học chưa bao giờ bị đánh. Tui rất biết ơn tất cả những thầy cô từng dạy dỗ tui, từ những cô giáo ở nhà trẻ, mẫu giáo, đến thầy cô cấp một, cấp hai, cấp ba, đại học, cả những thầy cô dạy học thêm. Chắc vì tui bị thầy cô 'ghét' (vì như dân gian có nói, 'Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi'). Ngoại trừ bị ba tui đánh hồi nhỏ vài lần, tui hầu như không có bị ai đánh hết. Đi học càng không. Tui may mắn được học với những thầy cô không dùng bạo lực để giáo dục tui. Ông thầy 'hung dữ' nhất mà tui học là thầy Thọ dạy thêm Toán ở trường Nguyễn Du, nhưng cũng chỉ dừng ở mức sỉ nhục học trò bằng những bình luận rất là thâm thúy mà hài hước. (Tui nhớ có lần có hai em học trường Lê Hồng Phong đã khóc và sau đó nghỉ luôn vì ông thầy hay bắt tụi nó lên sửa bài rồi nói 'thấy chưa, LHP nó học cũng ngu như tụi bay thôi. Đừng sợ tụi nó!!!', hay có lần ổng kiu nên ăn bí đỏ cho tăng trí nhớ, thông minh hơn, rồi có thằng lên giải bài đúng hết, ổng kiu 'ê mày, hôm qua ra chợ gom hết bí đỏ ăn hay sao vậy?' Nhưng hai vụ nặng nhất là ổng giải bài là ở dưới chép chép, ông quay xuống nói 'các em làm tui nghĩ tới cá tra vậy đó, trên đây tui xì ra cái gì là ở dưới đớp đớp vô cái đó', và 'hôm nọ tui xem phim Chú heo chăn cừu hay ghê, mà tui nghĩ sao con heo nó biết nghe lời và đóng phim mà sao các em là người mà không bao giờ biết nghe lời mà về nhà làm bài tập?')
Nói chung, tui không có nhớ mình bị ổng sỉ nhục bao giờ chưa...
Từ nhỏ học mẫu giáo tui đã hay được mấy cô dạy trẻ chở đi uống nước mía rồi dặn đừng kể cho mấy bạn trong lớp nghe nha. Chắc nhờ đó mà tui nghĩ rằng, tui may mắn được học với những giáo viên giỏi vì không cần đến bạo lực, họ vẫn dạy tui được thành hôm nay.
Ngay cả bạn học của tui hình như cũng chua bao giờ bị đánh. tui chưa chứng kiến thầy cô nào của mình đánh ai trong lớp cả. (có mấy ông thầy "dê" bạn học thì có, kiểu dạy vi tính thì chồm từ sau tới 'để thầy chỉ em gõ bàn phiếm nha').

8. Ở Mỹ, trường học không có truyền thống 'tôn sư trọng đạo' như ở Việt Nam, nhưng không có nghĩa là học sinh không tôn trọng giáo viên. Định nghĩa chữ tôn trọng của họ có lẽ khác của mình. Tôn trọng của mình là sợ hãi, khúm núm với giáo viên. Ở đây, tui chỉ nói về bậc đại học vì tui không học các trường cấp dưới. Thầy cô như bạn bè, có thể trò chuyện vui vẻ, đi giữa trường gặp thầy thì đứng lại chào hỏi, bắt chuyện, rồi kéo vào quán cà phê nói tiếp. Những thầy cô thân thiết còn mời học trò tới nhà mình ăn uống, thầy cô nấu cho mình ăn nữa. Sinh viên có vì thế mà không tôn trọng giáo viên không? Tui tin là không, vì tui rất yêu quý những thầy cô đó, và sự tôn trọng không bắt nguồn từ sự sợ hãi, mà bắt nguồn từ tình yêu thương quý mến. (Nói về chuyện đánh giá giáo viên sẽ bàn trong một entry khác)

9. Câu nói ở đầu bài viết của Stanley Kubrick tạm dịch như sau: "Tôi nghĩ rằng sai lầm lớn ở trường học là cố gắng dạy dỗ cho bọn trẻ bằng cách dùng nỗi sợ hãi như một động lực căn bản. Sợ bị điểm rớt, sợ không theo kịp lớp v.v... Sự hứng thú có thể thúc đẩy trẻ học tập tích cực hơn nhiều. Nếu nỗi sợ hãi là quả pháo, thì sự hứng thú tạo năng lượng như một vụ nổ hạt nhân.".

10. Bạn Marcus gửi
link này cho mình với lời dặn 'hãy giữ mình'. Ở trong nước thì cổ súy bạo lực học đường, mình 'đi Tây' học đã lỡ tiêm nhiễm việc bài trừ bạo lực nhà trường, bảo mình giữ mình không học theo thói xấu của bọn đế quốc chỉ dùng sự ngon ngọt yêu thương mà sống với nhau thì làm sao mình giữ nổi? Đoàn TNCS HCM ở đâu khi những vụ đánh học trò ấy xảy ra?


No comments: