Sunday, January 10, 2010

LUẬT SƯ ĐỐI MẶT VỚI THỦ TỤC

Luật sư đối mặt với thủ tục
Luật sư Phan Trung Hoài
Lao Động Cuối tuần số 2 Ngày 10/01/2010 Cập nhật: 4:22 AM, 10/01/2010
http://www.laodong.com.vn/Home/Luat-su-doi-mat-voi-thu-tuc/20101/169889.laodong
(LĐCT) - Câu chuyện về những khó khăn thiên hình vạn trạng mà luật sư thường gặp phải trong quá trình tham gia tố tụng đã trở thành vấn đề bức xúc từ nhiều năm.
Chuyến bay VN 4424 khởi hành lúc 19 giờ ngày 29.12.2009 từ TPHCM hạ cánh xuống Buôn Ma Thuột sau 45 phút bay. Hít đầy lồng ngực không khí trong lành đêm cao nguyên, tôi cảm giác mình được chạm vào chiếu nghỉ như một khoảnh lặng của hành trình tham gia tố tụng hơn hai mươi năm qua.

Vậy mà cảm giác thư thái cũng chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi. Hai mươi năm là một mốc son của của chặng đường hình thành và phát triển của Đoàn Luật sư tỉnh Đắc Lắc. Trong buổi lễ kỷ niệm vào ngày cuối cùng của năm 2009, vị Chủ nhiệm trẻ tuổi Chu Đức Lưu không khỏi trầm ngâm bởi vẫn còn đó những cản ngại từ trong quan niệm, nhận thức và cả những hành động từ phía một số cơ quan và những người tiến hành tố tụng đối với hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

Luật Luật sư quy định khi làm thủ tục vào làm việc với bị can, bị cáo trong trại tạm giam, luật sư chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận bào chữa, thẻ luật sư và giấy giới thiệu (trước đây là đoàn luật sư giới thiệu, sau này là tổ chức hành nghề luật sư giới thiệu) là được trại tạm giam cho phép vào làm việc với bị cáo đang bị tạm giam. Tuy nhiên, ở Đắc Lắc, trại tạm giam còn yêu cầu phải có lệnh trích xuất của toà án thì mới cho luật sư làm việc với bị cáo trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Ông Chủ nhiệm Đoàn luật sư bức xúc nói: "Chúng tôi có phải là người của Toà án để được Toà án cấp giấy giới thiệu hoặc lệnh trích xuất để vào làm việc đâu? Ngay cả khi do Toà Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng chỉ định, luật sư cũng không được vào gặp làm việc với bị cáo đang bị tạm giam trước khi luật sư bào chữa...".

Tất nhiên, điều này bắt nguồn từ thông lệ từ trước, một số toà án vẫn cấp lệnh trích xuất khi có yêu cầu, nhưng đến trại tạm giam, luật sư vẫn bị từ chối vì "không có mẫu lệnh trích xuất dành riêng cho luật sư"...

Trên diễn đàn với sự có mặt của một số đại diện các đoàn luật sư thuộc khu vực Tây Nguyên, ông Chu Đức Lưu còn "kêu" nhiều về hướng dẫn không chặt chẽ của Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02.10.2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao, khiến cho luật sư bị hành đủ kiểu, và nhiều luật sư đã không thể làm được thủ tục để được toà án cấp giấy chứng nhận bào chữa, nên phải huỷ hợp đồng với khách hàng, hoặc đến lúc luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa thì đã trễ, không kịp gặp bị cáo, không kịp nghiên cứu hồ sơ, nên không tham gia bào chữa được.

Bị cáo bị tạm giam khi người nhà vào thăm nuôi đã cho họ biết là người nhà đã yêu cầu luật sư bào chữa cho họ. Khi ra toà, họ không thấy luật sư (do luật sư không được cấp giấy chứng nhận bào chữa, hoặc được cấp quá trễ nên không thể tham gia), một số bị cáo đã trả lời với toà: "Toà muốn xử ra sao thì xử, xử bao nhiêu cũng được". Hoặc cũng có một số bị cáo khi ra toà đã thắc mắc: "Ở trong trại, bị cáo đã làm đơn yêu cầu luật sư bào chữa, và người nhà cũng đã yêu cầu, luật sư đã nhận lời, nhưng tại sao lại không cho phép luật sư bào chữa cho bị cáo ?"...

Thi thoảng, thấy luật sư đi lại vất vả, chính giám thị của trại tạm giam, cán bộ nhà tạm giữ cũng đã từng nói: "Thủ tục quá nhiêu khê và không cần thiết, tại sao toà không cấp luôn giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư như trước đây đã từng làm?". Đúng thật là một vòng luẩn quẩn khi nghị quyết yêu cầu phải có ý kiến của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có đồng ý luật sư bào chữa hay không, trong khi để được vào gặp họ trong trại tạm giam, lại phải có giấy chứng nhận người bào chữa.

Câu chuyện về những khó khăn thiên hình vạn trạng mà luật sư thường gặp phải trong quá trình tham gia tố tụng đã trở thành vấn đề bức xúc từ nhiều năm, nhưng đến nay, những người lãnh đạo cao nhất của các ngành toà án, kiểm sát, công an vẫn chưa có thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Trừ một số trường hợp đặc biệt, từ trước tới nay có thể nói không một bị can, bị cáo nào lại từ chối không đồng ý để luật sư mà mình hoặc người thân thích đã yêu cầu bào chữa cho họ, bởi quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa của công dân không chỉ là quyền hiến định, là thành trì cần thiết để thực hiện các quyền tự do, dân chủ khác, mà còn là một khoảng thời gian ngắn ngủi khi được tiếp xúc với luật sư, họ được bước ra khỏi phòng giam ngột ngạt đầy hơi người, có thể nhìn qua cửa sổ phòng làm việc một nhành cây với lá non đang chờ đón xuân về, một chút cảm nhận về giá trị của sự tự do thân thể...

Lại nói đến thời gian và những thời khắc được sống làm người và làm nghề. Không nói ra, nhưng tôi nghĩ các đồng nghiệp ở Đoàn Luật sư Đắc Lắc cũng hạnh phúc hơn rất nhiều khi còn có một buổi lễ kỷ niệm đánh dấu một chặng đường hai mươi năm thành lập, với sự hiện diện của lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban và các cơ quan tiến hành tố tụng. Nghĩ đến nơi mình hành nghề ở TPHCM, nơi tích tụ biết bao khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp luật sư, nhiều đồng nghiệp đang xả thân vì công lý để có được vị thế nghề nghiệp, đứng được trong trái tim công chúng, họ vẫn chưa có được một thời khắc kỷ niệm đánh đấu chặng đường muôn ải cho riêng mình...

Buôn Ma Thuột, ngày 30.12.2009...
Luật sư Phan Trung Hoài



No comments: