Friday, January 8, 2010

KHI ĐẠI SỨ TÀU cho ĐẢNG "TA" UỐNG NƯỚC ĐƯỜNG

Khi đại sứ Tàu cho Đảng “ta” uống nước đường
Phạm Trần
Đăng ngày 08/01/2010 lúc 00:13:10 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4486

Đại sứ Tàu tung chưởng ngoại giao hỏa mù giữa Hà Nội
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Hoa tại Việt Nam, Tôn Quốc Tường, vừa biến con cáo Bắc Kinh thành cừu non ngây thơ giữa đất Thăng Long, Hà Nội trong cuộc họp báo ngày 6/1/2010. Màn phù phép này không phải là không có lý do để lạc quan tếu như các Báo cáo thành tích cuối năm 2009 của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Nhưng nếu mọi người Việt Nam, trong cũng như ở nước ngoài có thể hình dung được hoàn cảnh qua lời kể chuyện của những ngư dân nghèo đói của các tỉnh miền Trung liên tiếp bị hải quân Tàu hiếp đáp, đánh đập, tra tấn để cướp của và bắt chuộc tiền khi bị bắt trong lúc đánh cá ở quanh khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ tháng 5/2009 thì không ai tin rằng nhà ngoại giao lẻo mép của Trung Hoa đã nói thật khi trả lời các câu hỏi liên quan đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông (người Trung Hoa gọi là Nam Hải) giữa hai nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

Trong cuộc họp báo bất ngờ đầu năm tại Hà Nội, Tôn Quốc Tường đã “dỗ ngọt” CSVN: “Kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung - Việt là "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại"”. (ViệtNam Net, 6/01/2010)
Nhưng khi nói câu này thì họ Tôn có còn nhớ bài học của Đặng Tiều Bình đã dạy cho Cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến biên giới năm 1979? Họ Tôn hào sảng nói như đinh đóng cột: “Là láng giềng, là đồng chí, anh em, hai nước có 100 lý do để hợp tác và không có một lý do nào làm hỏng quan hệ Trung - Việt. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, đặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa Trung - Việt ở vị trí quan trọng và trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, không ngừng làm hết sức đóng góp cho sự nghiệp chung của hai bên".

Về tranh chấp ở Biển Đông, họ Tôn vuốt ve: “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em. Nhưng cũng giống như quan hệ của các nước khác, trong quan hệ song phương của chúng ta chắc chắn tồn tại một số vấn đề. Tôi thường nói với các đồng chí lãnh đạo cũng như các bạn Việt Nam rằng trong gia đình dù là vợ chồng cũng có khi cãi nhau. Đây là vấn đề giữa anh em chúng ta.
Làm thế nào giải quyết vấn đề đó cũng nêu ra thách thức to lớn đối với ý chí và thiện chí, trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề này. Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta. Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước thì điều cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề. Trong quan hệ hai nước còn có nhiều công việc cần cố gắng, nỗ lực, có nhiều hợp tác có thể tiến hành.
Trong khi phát triển quan hệ song phương và chờ đợi điều kiện chín muồi, hai bên có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn và sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn nữa. Quan hệ Trung - Việt có 3 vấn đề lịch sử để lại: phân định biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và giải quyết vấn đề biên giới trên biển. Hai bên đã cố gắng giải quyết hai vấn đề trước và chỉ còn lại vấn đề Nam Hải ”
(cách gọi Biển Đông của phía Trung Hoa).

Báo điện tử ViệtNamNet trích lời viên Đại sứ Tàu nói mơn trớn theo kiều “mèo vờn chuột”: “Bây giờ quan hệ hai nước chỉ còn vấn đề trên biển. Chúng ta đã thiết lập cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy tiến trình đàm phán. Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ đây là cách làm phù hợp nhất...”
“...Nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên của hai nước bây giờ là tiến hành công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa, phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Hơn nữa, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần đạt được nhận thức chung hết sức quan trọng. Đó là không để cho vấn đề Nam Hải ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ hai nước.
Vấn đề nào cũng sẽ có mặt không thuận lợi. Lãnh thổ là vấn đề phức tạp, khó khăn. Lập trường, quan điểm giữa hai bên khác nhau nhiều. Điều quan trọng nhất là làm thế nào đối xử vấn đề tranh chấp và những quan điểm khác nhau.
Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Ý nghĩa của nó là không nhắc đến vấn đề tranh chấp mà hai bên có thể tiến hành hoạt động phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai bên chúng ta. Bời vì đó là lợi ích hai bên cùng có lợi và cùng chia sẻ.
Trước khi vấn đề này có điều kiện giải quyết, sáng kiến đó có lẽ là con đường hiện thực, thiết thực mà hai bên có thể thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để thúc đẩy”.

Về điểm này, báo Quân Đội Nhân Dân thuật lời tuyên bố của Tôn Quốc Tường: “Đảng Cộng sản lãnh đạo, lại có bề dày quan hệ, vì vậy hai nước có thể giải quyết được những vấn đề còn khúc mắc. Lãnh đạo hai nước đã xác định không để vấn đề biển Đông làm ảnh hưởng tới quan hệ hai nước. Hai bên cũng xác định, nhiệm vụ quan trọng lúc này là thực hiện thành công công cuộc cải cách, xây dựng đất nước phồn vinh. Phía Trung Quốc cũng đang có động thái tiếp xúc với các ban, ngành của Việt Nam nhằm cùng thúc đẩy các biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, để cụ thể cần có sự bàn bạc thống nhất rất kĩ lưỡng”.

Đổi trắng thay đen
Phóng viên báo Tiền Phong hỏi thẳng vào các vụ ngư dân Việt bị Tàu tấn công ở Biển Đông:
“Ở Việt Nam có rất nhiều thế hệ quý trọng tình hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc. Và tôi biết họ là những người hết lòng vun đắp cho tình hữu nghị đó. Họ cảm thấy đau lòng về cách ứng xử của Trung Quốc thời gian qua đối với ngư dân Việt Nam. Bình luận của ông?”

Đáp: “Thông tin đăng trên báo chí có một số là sự thật, một số không phải là sự thật. Tôi phải nói rằng Trung Quốc luôn ứng xử những vấn đề như thế này rất có trách nhiệm. Khi phía Việt Nam nêu vấn đề, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra ngay lập tức nhưng kết quả xác minh của chúng tôi lại khác với kết quả của phía Việt Nam.
Ví dụ có một số báo chí đưa tin phía Trung Quốc đã đối xử với ngư dân Việt Nam không nhân đạo. Về vấn đề này, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra rất nghiêm túc nhưng kết quả cho thấy đó không phải là sự thật. Ví như có lần Việt Nam đã can thiệp với Trung Quốc rằng Trung Quốc đã thu giữ những công cụ đánh bắt cá cũng như thủy sản đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Chúng tôi xác minh thì cho thấy phía Trung Quốc chỉ đuổi tàu cá ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc chứ không có hành vi tiếp xúc với ngư dân Việt Nam. Tôi cũng thắc mắc nếu không tiếp xúc làm sao thu giữ ngư cụ của ngư dân Việt Nam.
Khi tàu cá của Việt Nam đi tránh gió cập cảng tại những cảng không phải cảng tránh gió của Trung Quốc, chúng tôi đã đối xử nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có thể cập cảng. Nhưng khi rời cảng, họ lại chỉ trích Trung Quốc đối xử không nhân đạo và làm đau lòng các cơ quan hữu trách của Trung Quốc.
Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã trao đổi riêng với các đồng chí Việt Nam. Chúng tôi cho rằng không nên đưa tin những việc xấu như thế này. Phóng viên Việt Nam kiểm tra lại, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý nhưng chúng tôi thấy cũng không nên đưa tin”.


Tường thuật của Đại sứ Tôn Quốc Tường hoàn toàn trái với lời báo cáo của các nạn nhân sống sót trong các vụ tấn công của quân Tàu.
Có nhiều câu chuyện của ngư dân đã làm cho nhiều người không cầm được nước mắt, hay nén được sự căm phẫn trước thái độ khiếp nhược không bảo vệ nổi người dân trên Biển Đông của Hải quân và lực lượng biên phòng của CSVN. Có những ngư dân nói khi gặp nạn và dù có báo hay kêu điện cấp cứu họ cũng không bao giờ được Hải quân Việt Nam bảo vệ.
Cũng không ai biết đã có bao nhiêu ngư dân Việt bị chết chìm trên biển sau khi thuyền của họ bị các Tàu Hải quân Trung Hoa ngụy trang đánh cá đâm thủng hay đuổi đi không cho tránh bão ở Hoàng Sa. Thiệt hại về tài sản của ngư dân trong các trường hợp này thì vô kể. Có nhiều gia đình đã sạt nghiệp phải bỏ nghề.

Bây giờ hãy bắt đầu từ những chuyện thương tâm, chết người từ tháng 5/2009 khi Tàu Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh cá quanh khu vực hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa để họ thao dượt và tuần tra từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009.

Phản ứng của chính quyền Việt Nam trước hành động ngang ngược này của Trung Hoa xẩy ra vào ngày 16/5/2009 qua lời nói bằng nước bọt của Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng: "Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Mọi hành động của nước ngoài đối với hai quần đảo này cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các khu vực này.
Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông"(DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực".

Bắc Kinh không những không thèm thèm đếm xỉa đến phản ứng của Hà Nội mà còn tăng cường các vụ tấn công liên tục ngư phủ Việt Nam cho đến cuối năm 2009, đồng thời đưa ra những quyết định về hành chính và quân sự nhằm “hợp thức hoá” sự hiện diện của chúng tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Điển hình là các việc:

- Ngày 31/12/2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam”, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa.

- Ngày 26/12/2009, Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua "Luật Bảo vệ hải đảo”, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Thêm lần nữa Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga phản ứng bằng nước bọt quen thuộc: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Mọi hoạt động của các nước khác, bao gồm việc ban hành các quy định pháp lý liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông là hoàn toàn không có giá trị pháp lý”.

- Ngày 1/12/2009 hãng tin Phượng Hoàng loan tin Trung Quốc tổ chức chuyến bay hàng không dân dụng và đưa phóng viên đến quần đảo Hoàng Sa.
Về việc này, Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: “Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, ngày 02/12/2009, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xác minh thông tin và sớm trả lời phía Việt Nam. Nếu thông tin nêu trên là sự thật thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.

- Ngày 27/11/2009, Tàu ra lệnh cho hai tàu ngư chính đến quần đảo Hoàng Sa và 1 tàu y tế đến quần đảo Trường Sa.
Bộ Ngoại giao Hà Nội phản ứng: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc cử tàu đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Ngay sau khi được tin nêu trên, ngày 27/11/2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các hoạt động này, không tiếp tục có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác tại khu vực”.

Nên nhớ rằng hải quân Trung Hoa đã lợi dụng tình thế khó khăn của hải quân Việt Nam Cộng Hoà, trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh chống quân CSVN xâm lăng từ miền bắc, xua quân chiếm quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974. Lúc đó Hà Nội không hề lên tiếng mà còn cho rằng thà “để cho các đồng chí Trung Quốc chiếm đóng còn hơn để mất vào tay Đế quốc Mỹ” (!)

Đến năm 1988, xích mích giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Hoa căng thẳng đến mức hải quân Tàu tung quân chiếm luôn 8 đảo trong quần đảo Trường Sa mà Hà Nội cũng đành bó tay.
Nhưng sự kiện Bắc Kinh đưa tàu đến Hoàng Sa và Trường Sa ngày 27/11/2009 đã trùng hợp với việc CSVN tổ chức cuộc hội thào quốc tế về Biền Đông trong hai ngày tại Hà Nội, có sự tham dự của trên 50 đại diện nước ngoài, kể cả Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Úc, Nga, Ấn Độ v.v. Phía Trung Hoa cũng gửi đến 6 Học giả và có 3 người đến từ Đài Loan.
Mục đích của Hà Nội là muốn lợi dụng các ý kiến của các chuyên gia, học giả để tạo áp lực tâm lý và thông tin với Trung Hoa về vấn đề chủ quyền lãnh hải và an ninh trong khu vực.
Đảng CSVN đã toại nguyện, bởi vì, ngoài ý kiến ngược chiều của 6 học giả Trung Hoa cho rằng chủ quyền của Bắc Kinh tại Hoàng Sa đã được chứng minh từ đời nhà Tống, các ý kiến của đa số học giả khác lại cho rằng việc Trung Hoa công bố chủ quyền Biển Đông và vùng “đặc quyền kinh tế” hình lưỡi bò chiếm từ 75 đến 80 % diện tích Biển Đông là không có bằng chứng và không thực tế.

- Trước đó vào ngày 8/11/2009, Chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Hoa) đã quyết định thành lập Uỷ ban thôn đảo "Vĩnh Hưng" và "Triệu Thuật" (tức đảo Phú Lâm và Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Trước việc làm này, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói vào ngày 16/11/2009: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam phản đối quyết định này của phía Trung Quốc. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên.
Trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hoà bình trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 nhằm giữ gìn hoà bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực”.
Trước tất cả những sự việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Tàu Bắc Kinh và cách ứng xử “nhũn như con chi chi” của phía CSVN thì vào cuối tháng 9/2009 đã xẩy ra biến cố đau thương nhất cho ngư dân tỉnh Qủang Ngãi. Theo phía Việt Nam khi 16 tàu cá của ngư dân “vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa đã bị nhân viên vũ trang của Trung Quốc nổ súng ngăn chặn không cho vào đảo, và sau khi bão tan đã bị đánh đập, thu giữ tài sản, trang thiết bị”.

Như thông lệ ngoại giao của kẻ dưới vái kẻ trên -như hình ảnh “quốc nhục” của một ngư dân Việt Nam chắp tay xá lính hải quân Tàu lúc bị bắt gần Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao của CSVN ngày 21/10/2009 chỉ biết “trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam phản đối việc nhân viên vũ trang Trung Quốc có những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam vào tránh bão tại đảo Phú Lâm (ngư dân Việt Nam thường gọi là đảo Trụ Cẩu), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ.
Trong công hàm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những nhân viên vũ trang có hành động đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, đồng thời có các biện pháp ngăn chặn không để những hành vi tương tự tái diễn”.
Một lần nữa, yêu cầu của Hà Nội đã bị Tàu ném vào sọt rác.

Mánh khoé Việt, mưu mẹo Tàu
Xem như thế đủ biết mưu mẹo ngoại giao của Tàu Bắc Kinh dựa trên tình thần của 16 chữ gọi là “Vàng”: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 “Tốt”: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” là hoàn toàn xảo quyệt và gian manh.

Qua những lời tuyên bố “đường mật” dối trá nhiều hơn sự thật của viên Đại sứ Tàu ở Hà Nội, nhất là khi không thấy có phóng viên nào hỏi về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chắc viên Đại sứ Họ Tôn phải hài lòng với ngón đòn của mình ?

Phản ứng của lãnh đạo đảng CSVN như thế nào sau khi được cho uống “ly nước đường” của Đại sứ Tàu thì phải đợi đến cuộc Hội đàm về Biển Đông giữa hai nước trong năm nay (2010) sẽ biết.
Có điều chắc chắn là, sau những lời tuyên bố “dạy khôn” của viên Đại sứ họ Tôn và qua kinh nghiệm máu xương của một ngàn năm đô hộ giặc Tàu phương Bắc, người dân Việt Nam đã nhìn thấy những “viên đạn bọc đường” lộ ra từ quặng bauxite ở Tây Nguyên sẽ được chở về Tàu trong vài năm nữa.

Phạm Trần
07/01/2010


© Thông Luận 2010


No comments: