Tuesday, January 12, 2010

HỘI NGHỊ QUỐC TẾ GIỚI THIỆU VĂN HỌC VN : TÔI CHƯA MẤY LẠC QUAN

Bài được đăng trên tuầnvietnam.net bị rút xuống ngay trong ngày, nhưng được lưu lại trên baomoi.com
Thưa Ban tổ chức hội nghị, tôi chưa mấy lạc quan
Tác giả: Nguyễn Vũ Lam

Bài đã được xuất bản.: 12/01/2010 13:30 GMT+7
http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/tuanvietnam.net/Thua-Ban-to-chuc-hoi-nghi-toi-chua-may-lac-quan/3733758.epi
Một hội nghị như thế này là cần thiết, không sợ tốn kém, nhưng vì cách làm vẫn rập khuôn, vẫn chung chung, nên hiệu quả không tương xứng, không cao...

Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội từ 5 – 10/1/2010. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành hội nghị này đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về mục tiêu và kết quả, cũng như tác động của nó, tới việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài. Nhân hội nghị vừa kết thúc, chúng tôi có cuộc hỏi chuyện nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (dịch giả Ngân Xuyên), đại biểu chính thức, xoay quanh hội nghị này.

Tổ chức xôm trò nhưng vẫn những người cũ, cách làm cũ

Theo ông sau khi hội nghị dịch thuật này kết thúc, văn học Việt Nam có thể có những dấu hiệu tốt tiến ra thế giới trong tương lai gần hay không?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi không mấy tin là sau hội nghị Giới thiệu văn học Việt Nam lần này, văn học ta sẽ tiến triển tốt ra thế giới. Tổ chức to tát xôm trò vậy, nhưng nhìn đi nhìn lại vẫn chỉ là những người cũ, cách làm cũ. Nhưng cũng phải ghi nhận sự cố gắng của những người tổ chức mà công đầu ở đây thuộc về nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Cho đến tận buổi tối bế mạc hội nghị ông còn kịp thông báo là bổ sung thêm ba dịch giả nước ngoài được huy chương vì sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam. Các dịch giả (được giải bổ sung) nghe xướng tên bước lên sân khấu nhưng chưa có huy chương được trao, hỏi ra mới hay nhằm vào ngày nghỉ nên không lấy được huy chương từ Ủy ban liên hiệp các hội văn học nghệ thuật toàn quốc.
Một điều khác nữa ghi nhận sự tiếp thu thay đổi của ban tổ chức là tên gọi hội nghị. Hôm khai mạc, hội nghị có tên gọi là Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (được dịch là: International Conference to Introduce Vietnam Literature). Đến hôm bế mạc, tên hội nghị thành ra là Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam (được dịch là: International Conference for the Advancement of Vietnamese Literature). Sự thay đổi tên hội nghị ngay khi đang diễn ra thế này cũng là chuyện hy hữu. Điều này chắc chắn có tác động từ sự phản ánh của các đại biểu và báo giới ngay từ hôm khai mạc về việc dịch tên gọi hội nghị không chuẩn. Một hội nghị lớn về quy mô (chưa chắc đã tương đương về chất lượng và hiệu quả) dù sao cũng phải ghi nhận công của người tổ chức.

Không ít nhà văn có ý kiến rằng: bản thân nền văn học Việt Nam chưa có những tác phẩm lớn đủ sức lôi cuốn thế giới. Lẽ ra, với số tiền như vậy, HNV nên đầu tư chiều sâu hoặc có những hoạt động kích thích sáng tạo bằng nhiều hình thức. Khi đã có tác phẩm tốt thực sự thì “hữu xạ tự nhiên hương”. Ông có chia sẻ quan điểm rằng tổ chức hội nghị như thế này là ít hiệu quả, lãng phí tiền và có chút gì đó giống chủ nghĩa thành tích không?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Một mặt, nền văn học Việt Nam phải có những tác phẩm hay, xuất sắc, đủ sức lay động tâm trí độc giả thế giới, ví như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Mặt khác, những người làm văn hóa và văn học phải biết cách quảng bá mình, biết cách đưa văn học nước mình ra thế giới một cách hệ thống, bài bản. Một hội nghị như thế này là cần thiết, không sợ tốn kém, nhưng vì cách làm vẫn rập khuôn, vẫn chung chung, nên hiệu quả không tương xứng, không cao. Điều này tôi đã từng lo lắng và báo động trước khi hội nghị diễn ra, và buồn thay, nó đã diễn ra như những gì được cảnh báo.
Một hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài mà tất cả các tham luận dành để đọc cho mọi hội nghị nghiên cứu về văn học Việt Nam đều được. Tham luận thế để làm gì ở đây? Đọc và đọc, lặp đi lặp lại những điều nhàm chán, chỉ có cái khách cần là sách đâu, các tác giả đâu, những sự giới thiệu bằng ngoại ngữ đâu, thì lại chẳng có. Chỉ tội những người phiên dịch cho các buổi thảo luận, phải dịch nhiều, dịch những điều đao to búa lớn, nhưng càng dịch thì càng khiến khách lúng túng: nền văn học Việt Nam phong phú, đa dạng vậy, to lớn hoành tráng vậy, nhưng sao trong hội nghị chẳng thấy chi cả.

Hầu hết những người tham dự hội nghị thấy rằng: hội nghị dịch thuật nhưng lại quá yếu trong khâu dịch thuật cho hội nghị? Vì sao lại xẩy ra chuyện này khi chỉ riêng Hà Nội không thiếu những dịch giả giỏi?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Đó thực là một chuyện buồn cười và đau lòng. Ngay cái tên hội nghị đã được dịch theo kiểu nghĩ tiếng Việt dịch tiếng Anh. Vì sao ư? Theo tôi, vì những người tổ chức hội nghị ưa chuyện to tát mà lại đã thiếu sự thận trọng và coi trọng nền văn học nước nhà trước bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình hội nghị, tên gọi hội nghị đã được thay đổi và dịch lại như ở buổi bế mạc mà tôi đã nói trên. Còn như khâu dịch trực tiếp tại các cuộc hội thảo chuyên đề thì phải nói là những người dịch tiếng Anh như Nguyễn Phan Quế Mai, Phan Thanh Hảo, Nguyễn Bá Chung, Thái Bá Tân đã làm rất tốt, rất nhiệt tình, năng nổ. Ban tổ chức phải đặc biệt cám ơn các dịch giả đó.

Những người tổ chức đã thiếu coi trọng nền văn học nước nhà trước bạn bè quốc tế

Thực tế cho thấy, sau một số ngày hội nghị, một số nhà văn nước ngoài chỉ biết phát biểu cảm tưởng về lòng hiếu khách, thức ăn ngon và cảnh đẹp của VN. Thưa ông, tại sao một hội nghị lớn như thế này mà Hội nhà văn không có một tuyển tập bằng tiếng Anh những tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc nhất trong mọi thời kỳ? Vì đây chính là một trong những cách quảng bá tốt nhất văn học VN cho thế giới trong khi Nhà nước sẵn sàng cấp kinh phí để làm một việc thiết thực như thế này?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Đó chính là lý do tôi vừa nói trên: những người tổ chức hội nghị đã thiếu sự thận trọng và coi trọng nền văn học nước nhà trước bạn bè quốc tế. Được biết ban tổ chức đã dự định làm một tuyển văn, tuyển thơ in thành sách để phát cho đại biểu, vậy mà đến khi hội nghị khai mạc chẳng thấy sách đâu. Mà đó là sách tiếng Việt, nói chi đến sách dịch tiếng Anh các tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu.
Cái việc chủ yếu nhất, chính yếu nhất, cần phải làm nhất, được cấp tiền để làm, không thiếu người làm, vậy mà lại không làm hay không làm được, thế thì hội nghị để làm gì. Tình cảnh đó khiến các dịch giả nước ngoài đến hội nghị cứ nhớn nhác không có tài liệu gì trong tay ngõ hầu biết được văn học Việt Nam ra sao, thế nào.

Ngay trong buổi khai mạc hội nghị, người ta thấy các đại biểu nước ngoài ngồi trên đoàn chủ tịch không có cơ hội nghe các bài phát biểu của các đại biểu Việt Nam vì không có hệ thống nghe dịch và khi người nước ngoài nói thì các nhà văn và khách mời Việt Nam dưới hội trường cũng không hiểu họ nói gì vì không có người dịch. Thưa ông, một hội nghị như thế sẽ có tác dụng gì và theo ông vì sao Ban tổ chức lại để chuyện ấy xẩy ra?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Nhắc lại buổi khai mạc càng thêm chán, và càng không hiểu được vì sao lại ra nông nỗi đó. Một trung tâm hội nghị quốc gia, nơi được trang bị các trang thiết bị âm thanh tốt nhất, nơi có các công cụ tốt nhất cho một hội nghị quốc tế, thế nhưng cơ sự đã như anh nói đó. Mà cách thức và chương trình khai mạc càng dở nữa. Mình giới thiệu văn học nước mình thì cớ gì mời mười mấy ông nước ngoài lên chủ tịch đoàn ngồi rồi mỗi ông phát một bài ca ngợi văn học Việt Nam mà có ông thừa nhận là chưa biết gì cả. Cái màn đọc này kéo dài chán ngắt.
Trong khi buổi khai mạc chỉ cần bài phát biểu của ông chủ tịch Hội nhà văn, bài phát biểu của vị thay mặt chính phủ và một bài phát biểu của một vị khách nước ngoài nói lời cám ơn được mời đến họp, thế là xong. Càng không nên có cảnh vị đại diện chính phủ đọc xong thì vị chủ tịch hội lên cám ơn sự chỉ đạo, hứa thực hiện tốt những lời chỉ bảo. Ôi, cái bệnh công thức giết chết văn học, thủ tiêu sáng tạo!

Dịch văn học là một việc cực kỳ khó khăn. Đa số các bản dịch thành công trên thế giới đều do lớp dịch giả có ngôn ngữ mẹ đẻ là chính ngôn ngữ của văn bản gốc. Liệu những người nước ngoài, với một chút tiếng Việt nho nhỏ, hoặc kết hợp với những người Việt biết ngoại ngữ nhưng không có sự nhậy cảm của nghệ thuật có thực sự giúp quảng bá được nền văn học Việt Nam?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Không nhất thiết người dịch phải là người bản ngữ thì mới có được những bản dịch hay. Chúng ta được đọc bao nhiêu tác phẩm hay của thế giới qua bản dịch từ nhiều thứ tiếng của các dịch giả Việt Nam đấy chứ! Vấn đề là phải làm sao có được những người nước ngoài giỏi tiếng Việt, am hiểu sâu sắc văn học Việt Nam, được cập nhật thông tin về các tác phẩm văn học Việt Nam. Nhưng đòi hỏi và chờ đợi đội ngũ dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt thì quá lâu dài và hơi viển vông.
Cho nên phải tập trung cho cách làm thứ hai: tổ chức được nhiều bản dịch tiếng Anh cho các tác phẩm văn học Việt Nam, lấy cái ngôn ngữ phổ biến thế giới này làm cầu nối cho văn học Việt Nam ra thế giới. Đó lẽ ra là việc hội nghị này phải tập trung làm thật tốt thì lại chưa làm được. Trong khung cảnh đó, việc dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai cùng hai dịch giả nước ngoài chuyển ngữ tiếng Anh hai tập thơ của Nguyễn Trọng Tạo và Trần Quang Quý kịp ra mắt trong hội nghị là một việc làm tốt, đáng khuyến khích.

Bỏ hết tham luận đi!


Nếu ông là chủ tịch Hội Nhà Văn hoặc ở một vị trí nào đó có quyền quyết định trong Hội nghị này, ông sẽ tổ chức như thế nào?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi mà được quyền tổ chức hội nghị này thì tôi bỏ hết các tham luận, không cần đặt viết và đọc tham luận, chỉ để các dịch giả và các tác giả gặp gỡ, đối thoại, trao đổi thật nhiều, thật lâu quanh các vấn đề như dịch ai, dịch thế nào, có khó khăn gì, cần giúp đỡ gì, cần gặp ai, cần lấy thông tin gì. Tôi sẽ thỏa mãn tối đa các yêu cầu của các dịch giả nước ngoài muốn tìm hiểu và tiếp cận văn học Việt Nam một cách cụ thể, thiết thực. Cố nhiên, trước khi hội nghị diễn ra tôi đã phải làm xong tuyển tập tiếng Anh văn, thơ Việt Nam, danh mục tác giả và tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu bằng tiếng Anh để phát cho các đại biểu. Tôi sẽ nói với các dịch giả nước ngoài rằng: các vị hãy dịch văn học Việt Nam đi, đó là một nền văn học có cái để dịch, như chúng tôi đã dịch văn học của đất nước các vị. Và như thế, tôi sẽ không mời vị nào đến đây để nói là tôi chưa biết gì văn học Việt Nam, tôi sẽ chỉ mời những người đã và đang làm việc cho văn học Việt Nam.
Nhưng thôi, tôi không phải là người tổ chức. Dù sao, hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam lần hai đã diễn ra, tuy không đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người, nhưng kết quả cũng có được một vài trên bàn hội nghị, còn như từ đây văn học Việt Nam ra nước ngoài thế nào thì như đã nói, tôi vẫn không lạc quan mấy. Có lẽ rồi một thời gian dài nữa, văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn là bằng con đường “tiểu ngạch”. Hội Nhà văn Việt Nam làm được cái hội nghị này là cố gắng lắm rồi, quá sức rồi, việc bây giờ là ở cấp nhà nước mà cụ thể là Bộ văn hóa - Thể thao- Du lịch và Bộ Thông tin - Truyền thông. Còn không, cứ đánh trống bỏ dùi thì xót tiền quá, uổng công sức của những người nhiệt tình, hăng hái cho việc này quá.


No comments: