Monday, January 11, 2010

HỒI KÝ của Nguyên Đại Sứ TQ DƯƠNG CÔNG TỐ

Hồi ký của Dương Công Tố (nguyên đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam) về trước cuộc chiến tranh biên giới Trung Việt năm 1979
Dương Danh Dy
(sưu tầm và trích dịch)
http://www.viet-studies.info/kinhte/DuongCongTo_ChienTranh1979.htm

…Năm 1978 tôi được cử sang Việt Nam làm đại sứ, lúc đó mùi thuốc súng giữa hai nước đã cực nồng.
Quan hệ Trung Việt vốn cực kỳ hữu hảo, từ năm 1950 đến 1954, được sự ủng hộ của Trung Quốc cuộc chống Pháp của Việt Nam đã giành được thắng lợi, sau đó dưới dự giúp đỡ của Trung Quốc đã giành được độc lập và sự thừa nhận của quốc tế. Năm 1961 nước Mỹ thọc tay vào Việt Nam, dưới sự ủng hộ to lớn của Trung Quốc, Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.Trong mấy chục năm này quan hệ Trung Việt “vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Trong thời gian đó, đại sứ Trung Quốc cử sang Việt Nam đều được hoan nghênh.Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, máu tươi của người Trung Quốc đã đổ trên đất Việt Nam vì thế gọi tình hữu nghị giữa Trung Việt là dùng máu tươi kết thành. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam không chỉ được khoản đãi nhiệt tình mà còn được nhân dân Việt Nam tôn trọng và yêu mến.
Nhưng đến lượt tôi đi làm đại sứ thì tình hình đã phát sinh thay đổi có tính căn bản.

Năm 1975 sau khi đánh bại quân Mỹ thống nhất Nam Bắc Việt Nam, nòng súng của quân đội Việt Nam đã quay 180 độ nhằm đúng Trung Quốc, rêu rao Trung Quốc đã trở thành nước thù địch phương bắc lớn nhất của mình.Quân đội Việt Nam không ngừng gây sự tại biên giới hai nước, gây ra xung đột, xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc, đốt phá nhà cửa, khiến dân cư Trung Quốc không thể không sản xuất sinh sống bình thường mà tính mạng còn bị đe dọa. Do chính phủ Trung Quốc nhiều lần kiến nghị, năm 1977 hai nước Trung Việt cử hành đàm phán biên giới, trên bàn hội nghị phía Việt Nam đã đề xuất chủ trương vô lý Trung Quốc không thể tiếp nhận. Một mặt đàm phán, một mặt Việt Nam lại dùng phương thức đột kích xâm chiếm 6 đảo trên quần đảo Nam Sa Trung Quốc. Sau khi đàm phán biên giới Trung Việt gián đoạn, với khẩu hiệu khôi phục nguyên trạng biên giới lịch sử, Việt Nam đã lừa gạt nhân dân, gây ra rất nhiều cuộc tranh chấp tại biên giới Trung Việt một cách có tổ chức, có kế hoạch, không ngừng dùng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã giữ thái độ kiềm chế chủ trương dùng đàm phán giải quyết vấn đề biên giới, tiến hành nói lý khuyên ngăn nhân viên Việt Nam xâm nhập, không đánh, không chửi không nổ súng lẫn nhau, thậm chí khi phía Việt Nam làm chết nhân viên Trung Quốc, Trung Quốc cũng không đánh trả. Thế nhưng thái độ nhẫn nhịn hòa giải đó được Việt Nam cho là yếu đuối có thể bắt nạt, nên đã là to chuyện ở biên giới, tăng cường tiến hành bố trí quân sự, xua đuổi Hoa kiều, gây ra sự kiện đổ máu tại biên giới, chỉ trong nửa đầu năm 1978 đã làm chết làm bị thương hơn 300 quân dân biên giới Trung Quốc, thật là khinh người quá đáng!

Ngoài ra Việt Nam còn tăng cường bức hại Hoa kiều. Tại Việt Nam, Trung Quốc có khoảng một triệu Hoa kiều, ở Sàigon có 60 vạn, phần lớn là người có tiền, trong đó khoảng hơn một vạn người là nhà buôn bán lớn, nhưng họ đều tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam, Lê Duẩn Tổng Bí thư đảng Việt Nam khi công tác tại miền Nam đã từng được sự bảo vệ của Hoa kiều. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm cũng được sự ủng hộ của Hoa kiều, vì thế Hoa kiều ở Việt Nam xưa nay vốn có quan hệ với chính phủ Việt Nam rất tốt, Việt Nam cũng rất coi trọng vấn đề Hoa kiều. Năm 1974, phía Việt Nam cưỡng bức Hoa kiều miền Nam thành người có quốc tịch Việt Nam, tiến hành bức hại những Hoa kiều muốn bảo lưu quốc tịch Trung Quốc. Từ năm 1977 bọn họ bắt đầu ra sức trấn áp Hoa kiều, tước đoạt cơ hội kiếm việc làm và đi học của Hoa kiều, vô cớ đuổi việc, hủy bỏ hộ khẩu và khẩu phần lương thực, nhân viên công an tùy tiện ra vào nhà ở của Hoa kiều, cưỡng bức viết “đơn tự nguyện xin về nước”, thừa cơ khám xét, dọa dẫm, tịch thu tài sản, Hoa Kiều chịu đủ mọi sự đánh đập giày vò, đến tháng 8 năm 1978 đã có 16 vạn Hoa kiều bị xua đuổi về Trung Quốc. Năm 1978, Trung Quốc đề xuất chính phủ hai nước đàm phán vấn đề Hoa kiều, đàm phán không có kết quả, Ủy ban Hoa kiều Trung Quốc quyết định cử tầu thủy đến Việt Nam đón Hoa kiều về nước. Thông tin vừa truyền đi, rất nhiều Hoa kiều lũ lượt xin chính phủ Việt Nam cho về nước, khiến chính phủ Việt Nam bất mãn, một mặt cự tuyệt việc Trung Quốc đưa tầu đến, một mặt trấn áp những Hoa kiều yêu cầu về nước. Đầu tháng 8, nhân viên công an Việt Nam bất ngờ tập kích vào những Hoa kiều tập kết tại Hà Nội, bắt hơn một trăm người đưa vào trại giam. Trung tuần tháng 8 lại tiến hành tàn sát hàng loạt lớn Hoa kiều yêu cầu về nước ở ngoài Hữu Nghị quan tạo ra sự kiện hơn 100 người bị thương vong. Vấn đề Việt Nam bức hại Hoa kiều khiến quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng. Vào lúc tôi đi Việt Nam số Hoa kiều bị Việt Nam xua đuổi đã đạt 25 vạn.

Tháng 12 năm 1978, Việt Nam cử hành mittinh kỷ niệm 34 năm ngày thành lập quân đội nhân dân, báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại buổi lễ đã nói Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị đánh một cuộc chiến tranh lớn, phải xây dựng “một đội quân vô địch”, “quyết tâm đánh bại mọi kẻ thù” Việt Nam coi Trung Quốc là “kẻ thù nguy hiểm nhất, trực tiếp nhất” và “ đối tượng tác chiến mới”. tạo ra “vùng sạch” tại biên giới gần Trung Quốc, đuổi hết mọi cư dân Trung Quốc qua lại, cử công an, nhân viên tình báo, điều 20 vạn bộ đội tinh nhuệ, rõ ràng muốn tiến hành “tiến công chiến lược” với Trung Quốc, xây dựng rất nhiều công sự và công trình quân sự, trong “vùng sạch” cho đóng “đội xung phong” “tiểu đoàn cảm tử” không ngừng xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc, can thiệp vào sản xuất và đời sống của dân biên giới Trung Quốc, bắt cóc nhân viên Trung Quốc, tạo ra nhiều sự kiện đổ máu, đến đầu năm 1979 đã xâm phạm 162 đoạn trên biên giới Trung Quốc làm chết, làm bị thương hàng trăm quân dân Trung Quốc.

Trước những hành vi xâm lược gây hấn vượt qua biên giới, bắn giết nhân viên Trung Quốc đó của Việt Nam, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần kháng nghị và cảnh cáo nhưng phía Việt Nam không thèm để ý, dẫn tới chính phủ Trung Quốc đề xuất cảnh cáo sẽ tiến hành “trừng phạt”, quan hệ Trung Việt ngày càng căng thẳng. Trong tình thế hai bên đã giương cung tuốt kiếm, mùi thuốc súng cực nồng đó tôi tới Việt Nam làm đại sứ.

Khi nhận lệnh bổ nhiệm đi Việt Nam làm đại sứ, tôi đã biết đây là một nhiệm vụ khó khăn, rất khả năng sẽ không lâu dài. Với tư cách là đại sứ nên tìm cách giải quyết tranh chấp hai nước bằng phương thức hòa bình, nhưng qua những ngôn luận của những người quyết sách hai nước lúc đó tôi thấy, dùng phương thức hòa bình giải quyết tranh chấp là rất khó, tôi bất lực, tôi cần phải chuẩn bị khả năng phát sinh xung đột vũ trang. Với tư cách là một đại sứ mà nói, đó là tình thế mà chẳng ai muốn nhìn thấy.

Vì thế trước khi tới Hà Nội, tôi tới Quảng Tây trước, được Khu Tự trị Quảng Tây cử người bồi đồng tới vùng tiếp giáp giữa Quảng Tây và Việt Nam, từ Mục Nam quan đến Bắc Hải-nơi gần với Việt Nam trên biển để xem xét một chút. Cửa khẩu Mục Nam quan ngày xưa là nơi hai bên qua lại nay đã không người, xe lửa sang Việt Nam đã ngừng chạy, sân ga vắng vẻ. Trên lùm cây rậm tại đỉnh núi hai bên cửa khẩu, hai bên đều mai phục hỏa lực không thể đếm được. Giữa Đông Hưng và Móng Cái chỉ cách nhau một con sông, qua một chiếc cầu là tới, trước đó chỉ cần qua cầu hoặc lội qua dòng nước là hàng ngàn dân biên giới Việt Nam đã có thể sang Đông Hưng làm ăn, hiện nay cảnh đó không còn nữa, cầu bị chặn ở giữa, trên sông không người, không thuyền. Các đồng chí Đông Hưng nói với tôi, khi Việt Nam tác chiến với Mỹ và quân đội Nam Việt Nam, Đông Hưng không chỉ là hậu phương của bọn họ mà còn là nơi tránh nạn của họ, khi bị quân địch truy kích họ đều chạy sang đây… Các đồng chí địa phương còn nói, nếu đánh nhau, địa thế của chúng ta bất lợi, nhưng đã có chuẩn bị.
Những điều trông thấy dọc đường đi cho thấy hai bên đã trừng trừng nhìn nhau, chiến tranh đã ở thế chạm vào là bùng nổ.
…….

Nguồn : trích từ cuốn “Tang thương chin mươi năm-hồi ký của một đặc sứ ngoại giao”
Tác giả: Dương Công Tố, nhà xuất bản Hải Nam, tháng 1 năm 1999 (xin bạn đọc lưu ý thời gian 1999- vì nó chứng minh: các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đi bước trước rất nhiều năm)
Dương Công Tố, đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1941, đã từng là Vụ phó Vụ Á Châu I Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Nepal, Việt Nam (1978-1979), Hy Lạp…



No comments: